ThS. Nguyễn Thị Nguyên Ngọc
Trường Đại học Thủy Lợi
(Quanlynhanuoc.vn) – Quyền con người không chỉ mang giá trị phổ biến của nhân loại mà còn mang tính đặc thù của mỗi giai cấp, dân tộc và quốc gia theo trình độ phát triển kinh tế – xã hội, đặc điểm văn hóa và truyền thống dân tộc. Bài viết làm rõ sự đổi mới trong tư duy của Đảng về quyền con người từ năm 1986 đến nay trên phương diện lý luận và thực tiễn. Qua đó, nhận định một số vấn đề cần quan tâm nhằm tiếp tục bảo đảm và thúc đẩy những giá trị cốt lõi của con người với vai trò là trung tâm của chiến lược phát triển, vì mục tiêu phát triển bền vững.
Từ khoá: Quan điểm; đổi mới tư duy; Đảng Cộng sản Việt Nam; quyền con người.
1. Đặt vấn đề
Mục tiêu của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng chính là giải phóng Nhân dân khỏi áp bức bóc lột, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; bảo đảm xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Chính vì vậy, cùng với quá trình đổi mới tư duy về kinh tế nhằm thúc đẩy và phát triển mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội thì vấn đề đổi mới tư duy về quyền con người cũng luôn được Đảng chú trọng quan tâm. Với tư cách là Đảng cầm quyền, thông qua Văn kiện, Cương lĩnh, chiến lược, các chủ trương, chính sách lớn… Đảng đã lãnh đạo một cách toàn diện nhằm bảo đảm các quyền của con người, bảo đảm mục tiêu xây dựng xã hội chủ nghĩa.
2. Quan điểm của Đảng về quyền con người
Nếu như trước năm 1986 quan điểm của Đảng về quyền con người luôn nhất quán ở hai điểm nổi bật: (1) Quyền con người luôn gắn liền với quyền dân tộc; (2) Xây dựng xã hội chủ nghĩa nhằm bảo đảm quyền con người. Kể từ Đại hội lần thứ VI (năm 1986), quan điểm của Đảng về quyền con người đã có nhiều đổi mới về tư duy lý luận phù hợp với bối cảnh thế giới và trong nước, thể hiện ở bốn khía cạnh tiêu biểu sau:
Thứ nhất, ghi nhận quyền con người với tư cách là một đối tượng tương đối độc lập với quyền công dân.
Tại Đại hội lần thứ VI (năm 1986), quan niệm về quyền con người đã được Đảng nhắc đến với tư cách là quyền công dân, là việc chăm lo đời sống Nhân dân và tôn trọng, bảo đảm những quyền công dân mà Hiến pháp đã quy định nhằm bảo đảm quyền dân chủ thật sự của Nhân dân lao động, đồng thời “kiên quyết trừng trị những kẻ vi phạm quyền làm chủ của Nhân dân”1. Đến Đại hội lần thứ VII, thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, khái niệm quyền con người, quyền công dân đã được Đảng chính thức được ghi nhận với tư cách là 2 đối tượng tương đối độc lập. Trên cơ sở đó, Đảng nhấn mạnh Nhà nước phải ra các đạo luật nhằm xác định các quyền công dân và quyền con người2 và phải thông qua pháp luật để thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, quyền công dân, quyền con người cũng như tự do cá nhân3. Đại hội VII của Đảng cũng tái khẳng định mục tiêu và động lực chính của sự phát triển là vì con người, do con người. Do đó, chiến lược kinh tế – xã hội của đất nước đã đặt con người vào vị trí trung tâm nhằm giải phóng sức sản xuất, khơi dậy mọi tiềm năng của mỗi cá nhân để “lợi ích của mỗi người, của từng tập thể và của toàn xã hội gắn bó hữu cơ với nhau”4. Bên cạnh đó, Đảng cũng rất chú trọng chăm lo đời sống tinh thần của con người, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại nhằm xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người5.
Như vậy, quyền con người đã được ghi nhận với tư cách là một đối tượng tương đối độc lập với quyền công dân. Quyền con người trong quan niệm của Đảng gắn với quyền được bảo đảm phát triển toàn diện của mỗi con người, Đảng nhấn mạnh con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Do đó, cần tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của Nhân dân.
Thứ hai, ban hành các văn kiện chuyên đề về quyền con người.
Trên cơ sở kế thừa những thành quả nghiên cứu lý luận, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong quá trình phát triển đất nước, Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư về “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta” được ban hành, ghi dấu mốc quan trọng trong đổi mới tư duy của Đảng và định hướng cho công tác bảo đảm và đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền trong tình hình mới.
Tiếp tục phát triển những nhận thức nói trên của Đảng, Đại hội X của Đảng trên tinh thần thượng tôn pháp luật nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, Đảng đã lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả quyền công dân, quyền con người. Nhiều quy định đã được Đảng đề cập tới với tư cách là những vấn đề cấp bách đòi hỏi cần giải quyết nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của con người, như: giải quyết kịp thời khiếu nại của công dân; thực hiện bồi thường do phán quyết oan, sai của tòa án; thực hiện chính sách đầu tư phát triển và chính sách xã hội cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào nghèo…
Tiếp nối các quan điểm trên, Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư về công tác nhân quyền được coi là một bước tiến lớn trong đổi mới tư duy của Đảng, khi quyền con người được tái khẳng định trên nhiều khía cạnh là: (1) Đảng khẳng định quyền con người là giá trị chung của nhân loại; (2) Đối với tính giai cấp của quyền con người, Đảng cho rằng quyền con người về bản chất không có tính giai cấp, nhưng trong xã hội có phân chia giai cấp đối kháng thì khái niệm về quyền con người mang tính giai cấp; (3) Đảng tái khẳng định quan điểm quyền con người gắn với quyền dân tộc cơ bản, thuộc phạm vi chủ quyền quốc gia và quyền con người là mục tiêu, bản chất, động lực của chế độ xã hội chủ nghĩa; (4) Quyền dân chủ, tự do của mỗi cá nhân cần kết hợp hài hòa với quyền tập thể, các quyền này không tách rời nghĩa vụ, trách nhiệm công dân; (5) Đảng nhấn mạnh việc xây dựng cơ chế bảo đảm quyền con người thông qua Hiến pháp và Pháp luật; (6) Nhất quán quan điểm chủ động, tích cực hợp tác đồng thời sẵn sàng đối thoại và kiên quyết đấu tranh trong quan hệ quốc tế vì quyền con người6.
Thứ ba, về vấn đề an ninh con người.
Khái niệm an ninh con người lần đầu tiên được đề cập trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng khi nêu ra các vấn đề về kiểm soát và xử lý các rủi ro, các mâu thuẫn cũng như xung đột xã hội, đẩy mạnh các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội cũng như giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn xã hội, an ninh con người. Từ đó, Đảng đề ra các giải pháp để tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người mà nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu chính là phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Đại hội XIII của Đảng, vấn đề an ninh con người được đề cập sâu sắc, toàn diện về tư duy, đặt nhân tố con người, an ninh con người làm trung tâm của mọi hoạt động, là mục tiêu và động lực phát triển quan trọng của đất nước. Trên cơ sở việc nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo đảm an ninh con người, Đảng cho rằng, để bảo đảm an ninh con người cần phải phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia – dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa7.
Đảng cũng cho rằng, an ninh con người cần phải kết hợp giữa yếu tố an ninh và phát triển bởi an ninh con người được xác định là một thành tố trong an ninh quốc gia, có mối quan hệ mật thiết với an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa tư tưởng… Như vậy, quan điểm của Đảng tại Đại hội XIII đã đồng nhất yếu tố an ninh quốc gia và an ninh con người khi từng bước nhấn mạnh và khẳng định mục tiêu bảo vệ, bảo đảm an ninh quốc gia chính là bảo vệ và bảo đảm an ninh con người.
Thứ tư, quan điểm đối ngoại của Đảng về quyền con người.
Nhằm tăng cường sự bảo vệ các quyền con người ở Việt Nam nói riêng và góp phần thúc đẩy các quyền con người trên thế giới nói chung, quan điểm đối ngoại của Đảng về quyền con người được thực hiện dựa trên nguyên tắc giải quyết các vấn đề quyền con người cần thông qua đối thoại hòa bình và trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không áp đặt và can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Với phương châm hành động là chủ động, tích cực trong các hoạt động hợp tác quốc tế và mở rộng đối thoại trong lĩnh vực quyền con người.
Trên tinh thần đó, Đại hội IX của Đảng lần đầu tiên khẳng định trách nhiệm quốc gia trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người trong việc chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Tiếp đó, tại Đại hội lần thứ X, Đảng khẳng định “Chủ động tham gia cuộc đấu tranh chung vì quyền con người. Sẵn sàng đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan về vấn đề nhân quyền”8. Đến Đại hội XI của Đảng các quan điểm trên được làm rõ hơn khi Đảng nêu rõ “Tham gia các cơ chế hợp tác chính trị, an ninh song phương và đa phương… Thực hiện tốt công việc tại các tổ chức quốc tế,… sẵn sàng đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan về vấn đề dân chủ, nhân quyền”9; “Quan tâm hơn nữa việc chăm lo hạnh phúc và sự phát triển tự do, toàn diện của con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam ký kết”10; “Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”11.
Quan điểm đối ngoại của Đảng về quyền con người nổi bật ở khía cạnh: (1) Coi trọng trách nhiệm quốc gia trong việc thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người; (2) Kiên định quan điểm quyền con người thuộc chủ quyền quốc gia và gắn bó chặt chẽ với chủ quyền và độc lập của dân tộc. Do đó, mọi sự giúp đỡ quốc tế, kể cả các cơ chế nhân quyền quốc tế chỉ có tác dụng hỗ trợ nhằm hoàn thiện hơn các cơ chế đang vận hành tại mỗi quốc gia; mọi sự can thiệp đều trái với các nguyên tắc của luật quốc tế hiện đại. Đây chính là bước phát triển mới trong tư duy của Đảng trong việc thực hiện đối ngoại các vấn đề về quyền con người khi các quan điểm của Đảng ngày càng hoàn thiện và phù hợp với nhận thức chung của cộng đồng quốc tế về trách nhiệm quốc gia.
3. Thực tiễn thực hiện bảo đảm quyền con người theo chủ trương, quan điểm của Đảng
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đạt được nhiều thành tựu trong quá trình đổi mới tư duy trên lĩnh vực quyền con người, có nhiều kết quả về mặt thực tiễn, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Quá trình đổi mới, Đảng luôn chú trọng thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Trên cơ sở đổi mới tư duy của Đảng, cùng với sự ghi nhận quyền con người với tư cách là một đối tượng tương đối độc lập với quyền công dân trong các văn kiện Đảng, các bản Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về quyền con người ở Việt Nam.
Điều 50 Hiến pháp năm 1992 khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”. Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”và ghi nhận, bảo đảm quyền cơ bản của con người, như: bình đẳng trước pháp luật (Điều 16); quyền sống (Điều 19); bảo vệ đời tư và nơi ở (Điều 21, 22); tiếp cận thông tin (Điều 25); tham gia quản lý nhà nước và xã hội (Điều 28); bình đẳng giới (Điều 26); bỏ phiếu trưng cầu ý dân (Điều 29); tố tụng công bằng (Điều 31); sở hữu và sở hữu tư nhân (Điều 32); quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34); lao động, việc làm (Điều 35); các quyền về văn hóa (Điều 41)…
Trên cơ sở sự ra đời của các bản Hiến pháp – cơ sở pháp lý đầu tiên của các đạo luật, Nhà nước đã cho ban hành và sửa đổi hơn 200 đạo luật nhằm bảo đảm quyền con người tiêu biểu như: Luật An ninh quốc gia năm 2004; Luật Bình đẳng giới năm 2006; Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007; Luật Phòng, chống mua bán người năm 2010; Luật Trẻ em năm 2016; Luật Thanh niên năm 2020; Luật căn cước năm 2023; Luật Khám, chữa bệnh năm 2023…
Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng, bảo đảm quyền được tham gia vào Quốc hội của các thành phần trong xã hội không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo… Theo đó, số lượng đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021 – 2026) hiện nay là 89/499 đại biểu đại diện cho 32 dân tộc thiểu số (đạt 17,8 %, gần sát với chỉ tiêu quy định mới về ứng cử viên dân tộc thiểu số theo luật định hiện nay là 18%). Cũng tại nhiệm kỳ này, tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 17,09%, cấp huyện là 18,23%, cấp xã là 20,55%12. Quốc hội khóa XV cũng ghi nhận có 151 đại biểu nữ tham gia Quốc hội (đạt 30,2% vượt chỉ tiêu được đề ra là đạt 30%). Tỷ lệ nữ tham gia Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp cũng cao hơn so với các nhiệm kỳ trước đó13. Ngoài ra, có 5 chức sắc thuộc các tôn giáo khác nhau cũng tham gia Quốc hội kỳ này14…
Có thể thấy, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của con người về mặt chính trị. Các vấn đề lớn của Nhà nước luôn được thông qua với sự đóng góp, đề đạt, nêu ý kiến của mọi thành phần trong xã hội. Việc bảo đảm quyền chính trị của con người sẽ thúc đẩy việc bảo đảm các quyền kinh tế – xã hội khác trong thực tiễn, nhờ đó góp phần ổn định chính trị, quốc phòng an ninh của một quốc gia.
Trên phương diện quốc tế, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Hiện nay, Việt Nam đang là thành viên của 7/9 điều ước quốc tế quan trọng về quyền con người và là thành viên của 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quyền của người lao động, trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Theo thống kê của Liên hiệp quốc, chỉ số phát triển con người của Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng cao nhất thế giới (tăng gần 46% trong 30 năm qua); tỷ lệ biết chữ cũng ở mức cao (trong độ tuổi từ 15 – 60 là 97,85%, độ tuổi từ 15 – 35 là 99,3%); tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đã đạt 73,6 năm (năm 2021). Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng nhanh từ 60,9% dân số lên 90,7%15.
Việt Nam cũng đã hoàn thành trước hầu hết các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDG) và nhận được nhiều ghi nhận trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG). Đặc biệt hơn, theo Chỉ số Trật tự và Luật pháp toàn cầu mới nhất, Việt Nam được đánh giá không chỉ là quốc gia hòa bình nhất ở châu Á mà còn là quốc gia an toàn thứ 7 trên toàn thế giới16. Mặc dù có một số quan điểm mới được ghi nhận, đề cập đến ở Việt Nam nhưng quan điểm về an ninh cũng ghi nhận những kết quả tích cực, có thể khẳng định quyền con người của Việt Nam hiện nay là hoàn toàn phù hợp với các chuẩn mực theo các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.
4. Kết luận
Trước tình hình biến động phức tạp trên thế giới và trong nước, việc xây dựng và bảo đảm quyền con người nhằm phát triển các giá trị cốt lõi của con người với tư cách là trung tâm của chiến lược phát triển, cần chú trọng quan tâm một số vấn đề sau:
Một là, kiên định mục tiêu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Namtrong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, chú trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách đồng bộ, khoa học và minh bạch nhằm tạo cơ sở, hành lang pháp lý vững chắc, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Hai là, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức của mọi người dân về quyền con người trong các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước,hướng đến mục tiêu phát triển vì con người.
Ba là, đối với công tác đối ngoại cần tích cực thông tin, tuyên truyền về những thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam. Đặc biệt là những thành tựu đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Đối ngoại quyền con người trong những năm tiếp theo cần nhất quán quan điểm “mềm dẻo”, “linh hoạt” dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không áp đặt và can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Trải qua quá trình lâu dài đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người, Đảng và Nhà nước hơn bao giờ hết hiểu rõ được giá trị, tầm quan trọng của việc bảo đảm và phát triển quyền con người. Cùng với tiến trình đổi mới toàn diện đất nước, đổi mới tư duy của Đảng về quyền con người diễn ra như một tất yếu lịch sử. Từ sau Đại hội VI của Đảng đến nay, vấn đề quyền con người ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả cả về tư duy lý luận và thực tiễn, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên đáng kể. Với quan điểm coi con người là mục tiêu, là động lực của sự phát triển, mọi chủ trương, đường lối của Đảng cũng như chính sách, pháp luật của Nhà nước đều nhằm bảo đảm quyền con người, quyền dân tộc của Việt Nam ở mức cao nhất. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”17.
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2005). Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 125.
2, 3, 4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2007). Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 51. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 145, 156, 154, 135 – 136.
6. Ban Bí thư Trung ương Đảng. Chỉ thị số 12- CT/TW ngày 12/7/1992 về vấn đề quyền con người và quan điểm chủ trương của Đảng ta.
7, 17. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 148, 27 – 28.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. H. NXB Chính trị quốc gia, tr.113.
9, 10, 11. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H.NXB Chính trị quốc gia, tr. 237, 239, 76.
12. Việt Nam bảo đảm quyền tham gia chính trị cho người dân tộc thiểu số. https://nhandan.vn/viet-nam-bao-dam-quyen-tham-gia-chinh-tri-cho-nguoi-dan-toc-thieu-so-post786884.html, ngày 11/12/12023.
13. Việt Nam có tỉ lệ nữ tham gia chính trị thuộc nhóm đứng đầu thế giới. https://tuoitre.vn/viet-nam-co-ti-le-nu-tham-gia-chinh-tri-thuoc-nhom-dung-dau-the-gioi-20230402142239841.htm, ngày 02/4/2023.
14. 5 chức sắc tôn giáo trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. https://quochoi.vn/pages/tim-kiem.aspx?ItemID=56425, ngày 11/6/2021.
15. Bảy mươi lăm năm Tuyên ngôn thế giới về quyền con người: Thành tựu và thách thức. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/843902/bay-muoi-lam-nam-tuyen-ngon-the-gioi-ve-quyen-con-nguoi-%C2%A0thanh-tuu-va-thach-thuc.aspx, ngày 10/12/2023.
16. Việt Nam là quốc gia an toàn nhất để ghé thăm ở châu Á năm 2024. https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/viet-nam-la-quoc-gia-an-toan-nhat-de-ghe-tham-o-chau-a-nam-2024-657239.html, ngày 05/01/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Liên Hiệp quốc (1966). Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights – ICCPR)
2. Quốc hội (1992). Hiến pháp năm 1992.
3. Quốc hội (2013). Hiến pháp năm 2013.
4. Bảo đảm pháp lý về quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/10/27/bao-dam-phap-ly-ve-quyen-con-nguoi-quyen-cong-dan-o-viet-nam-hien-nay/, ngày 27/10/2022.
5. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với việc bảo đảm quyền con người. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/07/25/nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-voi-viec-bao-dam-quyen-con-nguoi/, ngày 25/7/2024.
6. Quyền con người trong văn kiện đại hội XIII của Đảng. https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/03/04/quyen-con-nguoi-trong-van-kien-dai-hoi-xiii-cua-dang/, ngày 03/4/2021.