Thúc đẩy hình thành thị trường carbon rừng ở Việt Nam

Nguyễn Ngọc Lan – Nguyễn Hồng Ngọc
Học viện Tài chính

(Quanlynhanuoc.vn) – Kỷ nguyên của hiện tượng “ấm lên toàn cầu” đã chấm dứt và kỷ nguyên “nung nóng toàn cầu” đã bắt đầu. Để hạ nhiệt cho trái đất và hiện thực hóa cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, hiện nay chỉ có một cách duy nhất là giảm lượng phát thải khí nhà kính. Việt Nam có tiềm năng lớn về tín chỉ carbon rừng, do đó việc hình thành thị trường carbon rừng là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc hình thành thị trường carbon rừng. Bài viết tập trung phân tích thực trạng chuyển nhượng carbon rừng ở Việt Nam, chỉ ra những bất cập, từ đó đề xuất một số giải pháp mang tính định hướng cho hình thành thị trường carbon rừng trong thời gian tới.

Từ khóa: Tín chỉ carbon rừng, thị trường carbon rừng, phát thải nhà kính, phát thải ròng.

1. Tiềm năng hình thành thị trường carbon rừng ở Việt Nam

Thương mại carbon rừng được hiểu là việc hấp thụ carbon của rừng có thể mang ra bán, thu tiền về. Việt Nam là một nước có tỷ lệ che phủ rừng lớn trên thế giới. Theo công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích rừng gồm: diện tích rừng chưa đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ là 14.860.309 ha và diện tích rừng đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ là 13.927.122 ha, trong đó rừng tự nhiên 10.129.751 ha và rừng trồng 3.797.371 ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc là 42,02%1. Chính vì vậy, Việt Nam được coi là có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon rừng.   

Thống kê cho thấy, năm 2021, Việt Nam có 612 triệu tấn carbon lưu giữ trong rừng, trong đó 80% tới từ rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, lượng giảm phát thải của ngành Lâm nghiệp chủ yếu là từ hoạt động giảm phát thải từ suy thoái rừng tự nhiên, mất rừng tự nhiên và chuyển đổi rừng tự nhiên sang rừng trồng.

Trong giai đoạn 2010 – 2020, ngành Lâm nghiệp phát thải khoảng 30,5 triệu tấn CO2 và hấp thụ 69,8 triệu tấn CO2 hằng năm. Phát thải trung bình năm của ngành Lâm nghiệp giảm từ 55,4 triệu tấn CO2 trong giai đoạn 1995 – 2000 xuống 30,6 triệu tấn CO2 trong giai đoạn 2010 – 2020, trong khi lượng hấp thụ trung bình tăng từ 44,5 triệu tấn CO2 trong giai đoạn 1995 – 2000 lên 69,9 triệu tấn CO2 trong giai đoạn 2010 – 2020. Ngành Lâm nghiệp là ngành duy nhất đạt được phát thải ròng trung bình hằng năm trong giai đoạn 2010 – 2020 ở mức -39,3 triệu tấn CO22.

Các nhà khoa học trong thời gian qua cũng tiến hành nghiên cứu xác định trữ lượng carbon rừng của nhiều loại rừng trên cả nước, điều này đã tạo thuận lợi và cơ sở khoa học cho việc tính toán trữ lượng carbon rừng ở Việt Nam. Nghiên cứu của Phạm Ngọc Bẩy (2015) đã tính toán trữ lượng carbon rừng trung bình và xây dựng bản đồ carbon rừng ở Việt Nam dựa trên cơ sở số liệu đo đếm thực tế tại các vùng rừng trên cả nước trong các năm 1990, 1995, 2000, 2005, 2010. Kết quả cho thấy, trữ lượng carbon có sự chênh lệch lớn ở từng loại rừng thuộc các vùng khác nhau, dao động từ khoảng 1-19 tấn carbon/ha cho tới >150 tấn carbon/ha, trong đó rừng lá rộng thường xanh giàu vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ có trữ lượng carbon cao nhất3.

Bảng 1: Trữ lượng carbon rừng trung bình cho các loại rừng tại các vùng của Việt Nam

Đơn vị tính: tấn carbon/ha

Loại rừngBắc Trung BộTây NguyênNam Trung BộĐông BắcTây BắcĐông Nam BộTây Nam BộĐồng Bằng sông Hồng
Rừng lá rộng thường xanh giàu119,3166,5160,1107,4143,4115,2115,2107,4
Rừng lá rộng thường xanh trung bình60,5105,7107,271,966,779,779,771,9
Rừng lá rộng thường xanh nghèo31,160,657,426,22947,447,426,2
Rừng lá rộng thường xanh phục hồi23,855,956,322,519,836,836,822,5
Rừng lá rộng rụng lá 27,326  37  
Rừng tre nứa3,614,74,87,86,7 3,2
Rừng hỗn giao gỗ nứa32,363,785,837,964,3  
Rừng lá kim 88,488,4     
Rừng hỗn giáo lá rộng là kim 97,597,5     
Rừng ngập mặn     72,672,63,4
Núi đá có cây28,8 28,817,717,728,8  
Rừng trồng20,924,418,312,612,012,026,312,6
Nguồn: Phạm Ngọc Bẩy (2016).

Về tiềm năng carbon rừng theo các vùng sinh thái của Việt Nam, Bảng 2 cho thấy, các vùng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có tiềm năng lớn nhất.

Bảng 2: Diện tích và tỷ lệ che phủ rừng năm 2021 và kết quả giảm phát thải 2010 – 2020 theo vùng sinh thái của Việt Nam

VùngTổng diện tích rừng (ha)Diện tích rừng  tự nhiên (ha)Diện tích rừng trồng (ha)Tỷ lệ che phủ rừng (%)Lượng GPT/tăng HT ròng (triệu tấn CO2e/năm)
Toàn quốc14.745.20110.171.7574.573.44442,0259,661
Tây Bắc1.808.2851.584.974223.31047,065,988
Đông Bắc3.970.7142.331.6021.639.11256,3421,514
ĐB Sông Hồng83.32646.32637.0006,180,816
Bắc Trung Bộ3.131.0612.201.435929.62557,3511,676
Nam Trung Bộ2.451.4961.566.677884.82050,4314,998
Tây Nguyên2.572.7012.104.097468.60445,942,089
Đông Nam Bộ479.871257.304222.56619,422,428
Tây Nam Bộ247.74879.341168.4075,440,15
Nguồn: MARD (2022), FIPI (2020).

Đối với hoạt động hấp thụ carbon rừng, theo Viện Điều tra quy hoạch rừng (2020), trong giai đoạn 2010 – 2020, lượng hấp thụ chủ yếu là do hoạt động phục hồi rừng tự nhiên (17,488 triệu tấn CO2/năm), trồng rừng bao gồm cả trồng rừng mới và trồng lại rừng (12,600 triệu tấn CO2/năm). Riêng đối với các dự án carbon rừng từ hoạt động trồng mới và tái trồng rừng, diện tích tiềm năng chủ yếu thuộc khu vực phía Bắc và chỉ có một diện tích nhỏ tiềm năng ở khu vực phía Nam4.

Theo khảo sát của các nhà khoa học, người mua hiện nay chủ yếu tiếp cận Việt Nam với mong muốn thực hiện các dự án tái trồng rừng và trồng mới rừng để tạo tín chỉ carbon. Việc xác định địa điểm thực hiện các dự án này rất quan trọng.

Cho tới nay, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã nghiên cứu bài bản và phân tích các diện tích khả thi nhất tại Việt Nam. Theo phân tích của JICA (2012), hầu hết các diện tích tiềm năng để thực hiện các hoạt động dự án A/R CDM đều phân bố ở miền Bắc và miền Trung, ngoài ra có một diện tích nhỏ nằm ở miền Nam:

– Diện tích đất phù hợp trong phạm vi 5 km từ đường chính là 2.436.806 ha.

– Diện tích đất phù hợp trong phạm vi từ 5 km đến 11 km từ đường chính 804.411 ha.

– Diện tích đất phù hợp trong phạm vi hơn 11 km từ đường chính là 160.257 ha.

– Tổng diện tích đất phù hợp cho A/R CDM là 3.401.474 ha.

– Tổng diện tích đất tiềm năng để thực hiện các hoạt động dự án A/R CDM ở Việt Nam được ước tính là 804.411 ha5.

Ước tính trong giai đoạn 2021 – 2030, Việt Nam sở hữu khoảng 40 – 70 triệu tín chỉ carbon rừng có thể bán cho thị trường tín chỉ carbon thế giới và thu về hàng chục ngàn tỷ đồng từ chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng. Quan trọng hơn, môi trường sinh thái của Việt Nam sẽ ngày càng tốt hơn nhờ vào việc giữ rừng, phát triển rừng để Việt Nam đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26.

2. Bối cảnh và các chính sách thúc đẩy thị trường carbon rừng ở Việt Nam

Biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động tới cuộc sống của người dân, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế của nhiều quốc gia. Để ứng phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang diễn ra, các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang tích cực triển khai các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và phát triển thị trường carbon rừng. Đến nay, Việt Nam là một trong số ít nước trong khu vực châu Á có hành lang pháp lý ghi nhận vai trò của carbon rừng trong việc thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng như định hướng về việc thương mại carbon rừng.

Năm 2020 là mốc thời gian quan trọng trong việc chuẩn bị cho hình thành thị trường carbon rừng ở Việt Nam với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Luật nêu rõ việc “tổ chức và phát triển thị trường carbon” như là công cụ kinh tế để thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong nước, góp phần thực hiện đóng góp về giảm nhẹ do Việt Nam cam kết khi tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Điều 139 đã quy định khá rõ về tổ chức và phát triển thị trường carbon, cụ thể: khoản 1 Điều 139 nêu rõ thị trường carbon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Khoản 7 Điều 139 quy định: cơ sở phát thải khí nhà kính tham gia thị trường carbon trong nước thực hiện trao đổi, đấu giá, vay mượn, nộp trả, chuyển giao hạn ngạch, tín chỉ carbon; thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Ngày 07/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm nhẹ khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Theo đó, một số quy định liên quan đến carbon rừng, gồm:

Khoản 2 Điều 5 quy định các bộ, ngành quản lý lĩnh vực phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Khoản 5 Điều 3 quy định:“Cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon là các cơ chế thực hiện việc đăng ký, triển khai các chương trình, dự án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tạo tín chỉ carbon theo các phương pháp được quốc tế hoặc Việt Nam công nhận. Tín chỉ carbon từ các chương trình, dự án được trao đổi trên thị trường carbon hoặc bù cho lượng phát thải khí nhà kính vượt quá hạn ngạch được phân bổ”.

Điều 8: Tăng cường hấp thụ khí nhà kính quy định quy định các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư là chủ rừng hoặc người sử dụng đất xây dựng và thực hiện các biện pháp quản lý rừng bền vững, bảo vệ và nâng cao tỷ lệ che phủ, sinh khối và chất lượng rừng để tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính thì được tham gia các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon  trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 16: đối tượng tham gia thị trường carbon trong nước cũng quy định gồm tất cả tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được quy định tại Điều 8.

Gần đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ. Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đứng ra đại diện cho Việt Nam ký thỏa thuận chuyển nhượng kết quả giảm phát thải. Nguồn thu từ chương trình được coi là nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu trữ carbon và hạch toán riêng với các nguồn thu dịch vụ khác. Chi phí triển khai không chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách nhà nước.

Về định mức chi: Đối với khoán bảo vệ rừng, mức khoán tối thiểu bằng mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước giao cho khoán bảo vệ rừng, tối đa không lớn hơn 02 lần mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho khoán bảo vệ rừng theo đối tượng nhận khoán trên cùng địa bàn cấp tỉnh; mức cụ thể do UBND tỉnh quy định. Đối với các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế, định mức hỗ trợ là 50.000.000 đồng/cộng đồng dân cư/năm. Đối với các nội dung chi khác, định mức chỉ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Có thể thấy, đây là Nghị định đầu tiên giúp tạo ra một quy trình trong việc trao đổi, chuyển nhượng và triển khai carbon rừng ở Việt Nam; đồng thời đánh dấu bước ngoặt đưa Việt Nam bước đầu tiếp cận, tham gia cùng xu hướng chung của thế giới trong việc trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng.

Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục xây dựng các quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường carbon rừng vận hành từ năm 2028. Thị trường carbon rừng của Việt Nam có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích lớn, không chỉ cho mục tiêu giảm phát thải mà còn góp phần phát triển kinh tế – xã hội cho hơn 25 triệu người dân có sinh kế phụ thuộc vào rừng.

3. Thực trạng và những bất cập trong hình thành thị trường carbon rừng ở Việt Nam

(1) Thực trạng chuyển nhượng carbon rừng.

Tín chỉ carbon rừng đang trở thành một trong những phương tiện quan trọng để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và bảo vệ môi trường. Trên thế giới, thị trường mua bán tín chỉ carbon rừng đang phát triển mạnh mẽ. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng trên. Song hiện nay, Việt Nam chưa có sàn giao dịch tín chỉ carbon rừng, chưa có khung pháp lý và cơ chế rõ ràng cho thị trường carbon rừng.   

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đã tham gia Chương trình chi trả dựa vào kết quả thực hiện REDD+ theo cơ chế Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) của Ngân hàng thế giới (WB) từ năm 2011. Đến tháng 10/2020, Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018 – 2024 đã được ký giữa Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) và Ngân hàng thế giới (WB). Theo Thỏa thuận này, Việt Nam chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 giảm từ REDD+ cho WB với đơn giá 5USD/ tấn CO2 với tổng giá trị là 51,5 triệu USD. Dự án chuyển nhượng kết quả giảm phát thải này được xây dựng theo quy trình và tiêu chuẩn của FCPF cho thị trường carbon bắt buộc. Phía WB nhận chuyển nhượng khoảng 95% lượng giảm phát thải, tương đương khoảng 9,79 triệu tấn CO26.

Thỏa thuận ERPA được thực hiện đầy đủ chỉ khi Việt Nam ban hành quy định về cơ chế chuyển nhượng kết quả và cơ chế quản lý tài chính. Sau hơn 2 năm ký Thỏa thuận, Chính phủ Việt Nam mới ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt một từ WB là 41,2 triệu USD và giải ngân toàn bộ để các tỉnh lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc sáu tỉnh Bắc Trung Bộ. Nguồn tiền này sẽ chi trả cho các chủ rừng, UBND cấp xã và các tổ chức được giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên. Ngoài ra, một phần tiền chi cho các nhóm khác có hoạt động liên quan đến phát triển và giảm mất rừng, suy thoái rừng, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng7.

Theo các chuyên gia, dự án Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới (WB) thông qua Thỏa thuận chi trả lượng giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) chưa được coi là giao dịch tín chỉ carbon, mà chỉ được coi là việc WB viện trợ cho Việt Nam để giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, việc WB chi 51,5 triệu USD mua 10,3 triệu tấn carbon rừng giai đoạn 2018 – 2024 tại các tỉnh Bắc Trung Bộ nói trên là tín hiệu tích cực trong việc thúc đẩy lập sàn giao dịch carbon vào năm 2025, tạo nguồn tài chính cho Việt Nam8.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng bắt đầu tham gia một số đề án, dự án thí điểm liên quan đến giảm phát thải như Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ REDD+ của tỉnh Quảng Nam; Chuyển nhượng cho LEAF/Emergent carbon rừng tại vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026; Dự án giảm phát thải trong lâm nghiệp vùng trung du, miền núi phái Bắc của Công ty SK Forest; Dự án REDD+ xã Hiếu, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Song, các chương trình, dự án về chuyển nhượng carbon rừng hiện nay đa phần là các chương trình hỗ trợ có điều kiện chứ chưa có chuyển nhượng carbon rừng thành công cả trên thị trường thế giới và trong nước.

(2) Những bất cập trong hình thành thị trường carbon rừng.

Qua những phân tích nêu trên, có thể thấy hình thành thị trường carbon rừng ở Việt Nam không dễ và có nhiều bất cập, như:

Thứ nhất,mặc dù sở hữu diện tích rừng lớn, có nhiều tiềm năng giảm phát thải nhưng Việt Nam chưa thể bán được tín chỉ carbon rừng. Điều này là do Việt Nam chưa công bố quy hoạch giảm phát thải. Tức là, chưa rõ diện tích rừng nào có nằm trong quy hoạch thực hiện cam kết quốc gia tự nguyện (NDC) của Việt Nam hay không. Một dự án giảm phát thải từ rừng nếu muốn chuyển nhượng tín chỉ carbon, bắt buộc phải nằm ngoài diện tích đóng góp vào NDC để tránh lượng phát thải carbon giảm thiểu được tính hai lần.

Thứ hai, việc tính toán lượng giảm phát thải carbon không dễ. Thoả thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) mang về hợp đồng 51,5 triệu USD. Song, đây là dự án của WB và họ đã chứng minh được dự án này giảm được 10,3 triệu tấn CO2. Còn đối với Việt Nam, nếu muốn bán lượng giảm phát thải carbon thì phải chứng minh được bằng số liệu thực tế. Tính toán như thế nào và sử dụng cơ sở dữ liệu nào để tính toán là những điều cơ bản nhưng rất quan trọng mà Việt Nam chưa có.

Thứ ba, Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ đã quy định rõ là chỉ sử dụng 0,5% để điều phối thỏa thuận chung và 3% để thực hiện hoạt động đo đếm, kiểm soát, giám sát, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; còn lại 96,5% được phân bổ cho các địa phương. Trên cơ sở diện tích rừng nhận khoán, địa phương sẽ tiếp tục phân bổ số tiền trên đến người dân, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Tuy nhiên, hiện nay, việc chi trả gặp rất nhiều khó khăn do các quy định còn chồng chéo và chưa sát thực tế. 

Thứ tư, dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng có thể mang ra bán, thu tiền về, được thực hiện dưới dạng chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính hoặc bán tín chỉ carbon rừng. Nhưng hiện nay ở Việt Nam mới dừng lại ở việc chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ cho WB. Còn các chương trình, dự án thương mại carbon rừng khác cũng là các chương trình, dự án hỗ trợ có điều kiện do thiếu các khung pháp lý. Do đó, cần xây dựng khung pháp lý để thúc đẩy thương mại tín chỉ carbon rừng đối với thị trường carbon trong nước và quốc tế.

Thứ năm, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển các dự án tín chỉ carbon rừng. Tuy nhiên, hiện nay, kiến thức và năng lực thực hiện các dự án tín chỉ carbon rừng của các bên có liên quan còn hạn chế. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp chưa có chương trình đào tạo chuyên sâu về thị trường carbon rừng.

4. Đề xuất một số giải pháp thúc đẩy hình thành thị trường carbon rừng ở Việt Nam trong thời gian tới

Từ những bất cập hiện hành, để tối ưu hóa tiềm năng và phát triển bền vững của thị trường carbon rừng, Việt Nam cần xây dựng và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, bao gồm nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, công tác quản lý và nhóm giải pháp về công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.

Đối với nhóm cơ chế, chính sách, công tác quản lý.

Để tạo cơ sở cho việc bán tín chỉ carbon rừng, Việt Nam cần sớm công bố quy hoạch thực hiện cam kết quốc gia tự nguyện. Bên cạnh đó, cần có những quy định về thể chế chung đối với carbon rừng, nâng cao chế định quản lý nhà nước đối với carbon rừng như điều tra, thống kê, kiểm kê, đánh giá trữ lượng carbon rừng trong công bố hiện trạng rừng toàn quốc hàng năm.

Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách hiện có, bao gồm: các chính sách quản lý rừng bền vững, hỗ trợ mở rộng các diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn, xây dựng các biện pháp bảo đảm an toàn, đặc biệt làm rõ về sở hữu carbon rừng trong mối quan hệ với quyền sở hữu rừng, vì đây là điều kiện rất quan trọng để thực hiện chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng.

Do tín chỉ carbon rừng là loại hàng hóa đặc biệt để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào kinh doanh lĩnh vực này, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư năm 2020 về cơ chế, chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Đây là hình thức hợp đồng được ký kết theo thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư nhằm đa dạng hóa các hình thức hợp tác góp phần mang lại hiệu quả cao trong việc đẩy mạnh kinh doanh tín chỉ carbon rừng theo xu thế hiện nay.

Đối với nhóm công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.

Để có thể đưa dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng ra thị trường, trước hết cần phải mời chuyên gia quốc tế hoặc một tổ chức có uy tín chuyên tính toán lượng giảm phát thải carbon thực hiện. Trong quá trình đó tiếp nhận và chuyển giao công nghệ (nếu được) và quan trọng nhất là cần nắm rõ họ sử dụng thông số nào, thời gian thực nào, không gian nào và cân đo đong đếm như thế nào?

Để đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng sắp tới, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực để xây dựng, vận hành, khai thác thị trường tín chỉ carbon rừng, bởi đây là lĩnh vực mới và phức tạp.

4. Kết luận

Bên cạnh những thách thức về biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội từ thị trường carbon rừng. Với diện tích rừng rộng lớn và tiềm năng phát triển cao, Việt Nam có thể đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc giảm phát thải khí nhà kính.

Hiện nay, dù đã có hành lang pháp lý liên quan đến các bon rừng và việc triển khai nhiều cơ chế, chính sách đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, qua giai đoạn triển khai nhiều chính sách còn bất cập. Do vậy, để thúc đẩy hình thành thị trường carbon rừng ở Việt Nam, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó có việc xây dựng, thực thi chính sách, phát triển công nghệ mới và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Chú thích:
1. Chính phủ (2022). Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.
2, 3. Phạm Ngọc Bẩy (2015). Tính toán các bon xây dựng bản đồ các bon rừng ở Việt Nam. Trung tâm Tài nguyên và Môi trường Lâm nghiệp.
4. Chính phủ (2022). Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 về quy định giảm nhẹ khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.
5, 6, 7, 8. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (2012). Báo cáo nghiên cứu về tiềm năng rừng và đất liên quan đến “Biến đổi khí hậu và lâm nghiệp” ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2020). Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2024). Quyết định số 816/QĐ-BNN-KT ngày 20/3/2024 về công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2023.
3. FIPI – Viện điều tra quy hoạch rừng (2020). Báo cáo kết quả thực hiện dự án điều tra, đánh giá và giám sát tài nguyên rừng quốc gia giai đoạn 2016 – 2020.
4. Trung tâm Con người và Thiên nhiên (2023). Thị trường carbon: Tiềm năng và phát triển của Việt Nam.
5. Vũ Tấn Phương (2022). Thương mại các bon trong Lâm nghiệp Việt Nam. Bài trình bày tại Hội thảo quốc gia về thị trường các bon rừng sau COP27 và lộ trình chuyển đổi tại Việt Nam.