Mối quan hệ giữa quản lý chuỗi cung ứng thông minh, quản lý quan hệ xanh và hiệu suất xanh của doanh nghiệp

ThS. Phạm Thị Mộng Hằng
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai
Trần Dương Bảo Duy
Học viên cao học, Trường Đại học Kinh tế – Tài Chính TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết nghiên cứu mối quan hệ cấu trúc giữa các yếu tố quản lý chuỗi cung ứng thông minh, quản lý quan hệ xanh và hiệu suất xanh tại các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh chuyển đổi số tại Việt Nam. Qua đó, đưa ra những hàm ý quản trị nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam nâng cao hiệu suất xanh thông qua việc áp dụng quản lý chuỗi cung ứng thông minh và quản lý quan hệ xanh hiệu quả.

Từ khóa: Tác động; quản lý chuỗi cung ứng thông minh; quản lý quan hệ xanh; hiệu suất xanh; doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh kinh doanh ngày nay, nhu cầu áp dụng các hoạt động bền vững ngày càng trở nên cấp thiết, các tổ chức, doanh nghiệp đang có nhiều nỗ lực trong việc giảm thiểu “dấu chân môi trường” và nâng cao uy tín. Một khía cạnh quan trọng của động lực phát triển bền vững là quản lý hiệu quả các chuỗi cung ứng, đóng vai trò then chốt đối với hiệu suất môi trường chung của doanh nghiệp. 

Khái niệm quản lý chuỗi cung ứng thông minh (Smart supply chain management – SSCM) đã nổi lên như một cách tiếp cận chiến lược để giải quyết các thách thức về môi trường mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Trong đó, yếu tố trung gian, tiềm năng thúc đẩy mối liên hệ trực tiếp giữa SSCM và cải thiện hiệu suất môi trường là vai trò của quản lý quan hệ xanh. Việc tích hợp SSCM và quản lý quan hệ xanh là rất quan trọng để tối đa hóa hiệu suất xanh của doanh nghiệp. 

Thông qua liên kết các mục tiêu và chiến lược về môi trường của tất cả các bên liên quan trong chuỗi cung ứng, quản lý quan hệ xanh có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các hoạt động xanh, đồng thời cho phép chia sẻ các hoạt động tốt nhất và thúc đẩy cam kết chung đối với tính bền vững. 

Nghiên cứu này nhằm điều tra tác động của SSCM đối với hiệu suất xanh của doanh nghiệp, với trọng tâm là vai trò trung gian của quản lý quan hệ xanh. Bằng kiểm tra thực nghiệm mối quan hệ trực tiếp giữa SSCM và hiệu suất xanh của doanh nghiệp, khám phá vai trò trung gian của quản lý quan hệ xanh trong mối quan hệ này, qua đó cung cấp những hiểu biết có giá trị cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và quản lý chuỗi cung ứng trong việc nâng cao tính bền vững về môi trường. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu suất xanh doanh nghiệp thông qua áp dụng SSCM và quản lý quan hệ xanh hiệu quả.

2. Cơ sở lý thuyết 

a. Quản lý chuỗi cung ứng thông minh

Theo Tripathi và Gupta (2020)1: “Chuỗi cung ứng thông minh có thể được định nghĩa là chuỗi cung ứng liên tục cải tiến, phục hồi và linh hoạt, tận dụng các cải tiến công nghệ từ nhiều luồng khác nhau để cải tiến quy trình, dịch vụ và sản phẩm nhằm tối đa hóa sự thoải mái và sự hài lòng của khách hàng theo cách bền vững”. Theo Wu và cộng sự (2016)2, chuỗi cung ứng thông minh được đặc trưng bởi việc được trang bị công cụ, kết nối, thông minh, tự động hóa, tích hợp và sáng tạo. 

Theo Zhang và cộng sự (2022)3: “Quản lý chuỗi cung ứng thông minh đề cập đến việc tích hợp các công nghệ tiên tiến, như: internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn và chuỗi khối vào các hoạt động chuỗi cung ứng truyền thống. Các công nghệ này cho phép giám sát theo thời gian thực, ra quyết định dựa trên dữ liệu và tăng cường khả năng hiển thị trên toàn bộ chuỗi cung ứng”. Mục tiêu chính của SSCM là hợp lý hóa hoạt động, giảm chi phí, rút ngắn thời gian giao hàng, giảm thiểu tác động đến môi trường và đạt được mức độ tự động hóa cao hơn.

SSCM được thúc đẩy bởi các công nghệ của nền công nghiệp 4.0, nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi phí, tối ưu hóa hàng tồn kho và cải thiện sự hài lòng của khách hàng. Dữ liệu thời gian, tự động hóa và cộng tác với các nhà cung cấp góp phần tạo nên chuỗi cung ứng thông minh, dựa trên dữ liệu, thích ứng với nhu cầu của thị trường (Pasi và cộng sự, 2020)4.

b. Quản lý quan hệ xanh

Theo Longoni và cộng sự (2018)5: “Quản lý quan hệ xanh đề cập đến cách tiếp cận chiến lược nhằm thúc đẩy và duy trì mối quan hệ hợp tác với nhiều bên liên quan khác nhau, chẳng hạn như nhà cung cấp, khách hàng và cơ quan quản lý để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”. Quản lý quan hệ xanh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên kết tất cả các bên liên quan với các mục tiêu về môi trường của doanh nghiệp và bảo đảm sự tham gia tích cực của họ vào các sáng kiến phát triển bền vững.

Zhu và cộng sự (2022)6 đề xuất các thành phần chính của quản lý quan hệ xanh bao gồm: (1) Hợp tác với nhà cung cấp, làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp để bảo đảm họ tuân thủ các tiêu chuẩn và thông lệ về môi trường. Điều này có thể bao gồm các nỗ lực chung nhằm giảm thiểu chất thải, cải thiện hiệu quả năng lượng và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường; (2) Cam kết của khách hàng, giáo dục và thu hút khách hàng tham gia vào các nỗ lực phát triển bền vững, chẳng hạn như thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm xanh và khuyến khích tái chế; (3) Tuân thủ quy định, bảo đảm rằng tất cả các hoạt động đều tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn về môi trường và tích cực tham gia vào các cuộc thảo luận về chính sách để ủng hộ các hoạt động phát triển bền vững; (4) Tích hợp nội bộ, liên kết các quy trình và phòng, ban nội bộ với các mục tiêu xanh của doanh nghiệp, thúc đẩy văn hóa phát triển bền vững trong tổ chức. Bằng cách quản lý hiệu quả các mối quan hệ này, các doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu suất xanh của mình, giảm tác động đến môi trường và xây dựng danh tiếng tích cực trên thị trường.

c. Hiệu suất xanh

Theo Zsidisin và Siferd (2001)7: “Hiệu suất xanh được định nghĩa là những hậu quả tích cực của các sáng kiến xanh đối với môi trường tự nhiên bên trong và bên ngoài doanh nghiệp”. 

Để đánh giá hiệu suất xanh của một tổ chức cần xem xét tổng thể các tác động cải thiện môi trường, bao gồm cả nguồn gốc từ các hoạt động bền vững nội bộ và hoạt động chuỗi cung ứng xanh bên ngoài. Việc xem xét các kết quả về môi trường trong toàn bộ hoạt động nội bộ của doanh nghiệp cũng như các mối quan hệ hợp tác với các nhà cung cấp, nhà phân phối và đối tác khác, tổ chức sẽ đạt được sự hiểu biết toàn diện hơn về các thành tựu xanh. Quan điểm toàn diện này rất quan trọng để tổ chức có thể hiểu rõ hơn về tác động môi trường tổng thể của các nỗ lực quản lý chuỗi cung ứng.

3. Phương pháp nghiên cứu

Tác giả đã tiến hành khảo sát liên ngành tại các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam. Những người trả lời là các nhà quản lý hoặc nhân viên từ các phòng ban liên quan đến cung ứng hoặc mua hàng. Nghiên cứu sử dụng phương pháp lấy mẫu theo hạn ngạch với tỷ lệ người tham gia bằng nhau từ các khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam của đất nước. 

Khảo sát được thực hiện từ đầu tháng 3/2024 đến cuối tháng 5/2024 bằng cách sử dụng bảng câu hỏi trực tuyến được thiết kế bằng Google Forms. Tác giả đã nhận được tổng cộng 850 phản hồi, trong đó có 679 phản hồi có thể sử dụng được (tỷ lệ phản hồi khoảng 56,5%). Mô hình cấu trúc được phân tích qua nhiều giai đoạn bằng phần mềm SmartPLS. Mô hình nghiên cứu đề xuất được thể hiện như sau:

Các giả thuyết nghiên cứu bao gồm:

H1: Chuỗi cung ứng thông minh có tác động tích cực đến hiệu suất xanh.

H2a: Chuỗi cung ứng thông minh có tác động tích cực và đáng kể đến quản lý quan hệ xanh.

H2b: Quản lý quan hệ xanh có tác động tích cực và đáng kể đến hiệu suất xanh.

H2c: Quản lý quan hệ xanh đóng vai trò trung gian quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng thông minh và nâng cao hiệu suất xanh.

4. Kết quả nghiên cứu

Đo lường các biến

Các biến được xây dựng dựa trên các nghiên cứu trước đây và được đo lường trên thang đo Likert 5 điểm, từ 1 (hoàn toàn không đồng ý) đến 5 (hoàn toàn đồng ý). Kết quả phân tích đã loại trừ 10 biến (GR4, SSC10, GR1, SSC11, SSC5, GR9, GR6, GR8, SSC6, SSC7) do hệ số tải nhân tố dưới 0,7. Tính phù hợp của các biến còn lại và mô hình được trình bày trong Bảng 1 và Hình 2.

Phân tích độ tin cậy và độ giá trị

Nghiên cứu sử dụng phân tích nhân tố khẳng định (CFA) kiểm tra tính hợp lệ và độ tin cậy của các cấu trúc. Tại Bảng 1 đã trình bày kết quả của phân tích nhân tố khẳng định, hiển thị hệ số tải nhân tố, phương sai trích xuất trung bình (AVE), độ tin cậy tổng hợp (CR) và Alpha của Cronbach (CA). Các chỉ số phù hợp thích hợp của mô hình là χ² = 713.187, NFI = 0,904 (> 0,9) và SRMR = 0,068 (<0,08), cho thấy mô hình phù hợp có thể chấp nhận được. Tất cả các tải nhân tố trên các cấu trúc đều lớn hơn 0,7 và có ý nghĩa ở mức p < 0,05, chứng minh sự hội tụ của các cấu trúc (Fornell và Larcker, 1981)8. Hệ số CA và CR xác nhận độ tin cậy của các biện pháp được sử dụng trong nghiên cứu, với tất cả các giá trị vượt quá ngưỡng chấp nhận được là 0,7.

Phương sai phương pháp chung

Hiện tượng phương sai phương pháp chung xảy ra khi một yếu tố chung liên quan đến phương pháp đo lường ảnh hưởng đến các đánh giá khác nhau. Trong nghiên cứu, tác giả đã sử dụng phân tích một yếu tố của Harman, một quy trình Post Hoc để kiểm tra xem một yếu tố duy nhất có góp phần vào sự khác biệt trong dữ liệu hay không (Chang và cộng sự, 2010)9. Kết quả kiểm định phương sai của thành phần đầu tiên là 48.305 < 50% cho thấy, không có phương sai phương pháp chung.

Đánh giá mô hình cấu trúc

Trong mô hình cấu trúc, cả mối quan hệ nhân quả và mô hình đo lường đều được đánh giá đồng thời. Kết quả cho thấy, tất cả các chỉ số đều đáp ứng các yêu cầu: SRMR=0,068 < 0,08; GoF=0,628 > 0,36, được coi là đáng kể (Vinzi và cộng sự, 2010)10. Tất cả các giả thuyết đều được hỗ trợ bởi dữ liệu ở mức ý nghĩa p < 0,05. Những phát hiện này xác nhận rằng mô hình cấu trúc phù hợp với khả năng dự đoán cao. Dựa trên kết quả thực nghiệm, có thể kết luận rằng tác động của các biến đều có tỷ lệ thuận: (1) Tác động của chuỗi cung ứng thông minh đến quản lý quan hệ xanh: β=0.728 (t=37.083; p=0.000);

– Tác động của quản lý quan hệ xanh đến hiệu suất xanh: β=0.439 (t=11.187; p=0.000).

– Tác động của chuỗi cung ứng thông minh đến hiệu suất xanh: β=0.462 (t=11.763; p=0.000).

Do đó, các giả thuyết H1, H2a, H2b đã được chứng minh là hoàn toàn phù hợp.

Phân tích vai trò của biến trung gian

Để kiểm tra giả thuyết H2c, tác giả đã tiến hành phân tích vai trò trung gian. Kết quả cho thấy, chuỗi cung ứng thông minh tác động đáng kể đến hiệu suất xanh (β = 0.781; t = 44.665; p = 0.000). Nghiên cứu này chứng minh tác động gián tiếp đáng kể của chuỗi cung ứng thông minh đến hiệu suất xanh thông qua vai trò trung gian của quản lý quan hệ xanh. Do đó, quản lý quan hệ xanh đóng vai trò trung gian tích cực trong mối quan hệ giữa chuỗi cung ứng thông minh và hiệu suất xanh.

5. Một số khuyến nghị giải pháp

Từ những kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số giải nhằm nâng cao hiệu suất xanh doanh nghiệp thông qua áp dụng SSCM và quản lý quan hệ xanh hiệu quả, bao gồm:

Thứ nhất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa trong quản lý chuỗi cung ứng. Sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu lớn (Big Data analytics) để theo dõi và dự báo nhu cầu, tối ưu hóa lịch trình vận chuyển và lưu trữ. Triển khai các giải pháp IoT để giám sát và quản lý hoạt động của các công đoạn trong chuỗi cung ứng một cách thông minh. Áp dụng robotics và trí tuệ nhân tạo để tăng cường tự động hóa các quy trình, giảm thiểu lãng phí và cải thiện hiệu quả.

Thứ hai, thúc đẩy quản lý quan hệ xanh với các bên liên quan. Xây dựng và duy trì các mối quan hệ lâu dài, tin cậy với nhà cung cấp, khách hàng và các bên liên quan khác trên cơ sở chia sẻ thông tin, cam kết và lợi ích chung. Tích hợp các tiêu chuẩn về môi trường và bền vững vào quá trình lựa chọn, đánh giá và phát triển các mối quan hệ. Thúc đẩy sự hợp tác và chia sẻ rủi ro, lợi ích giữa các thành viên trong chuỗi cung ứng để cùng nhau đạt được mục tiêu bền vững.

Thứ ba, nâng cao ý thức và năng lực về quản lý chuỗi cung ứng xanh thông qua đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng về SSCM và quản lý quan hệ xanh. Tạo văn hóa doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững, khuyến khích sáng tạo và chia sẻ các thực hành tốt. Tham gia các mạng lưới, diễn đàn về quản lý chuỗi cung ứng xanh để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.

Các giải pháp trên có thể được áp dụng linh hoạt và kết hợp với nhau để tạo ra những tác động tích cực đến hiệu suất xanh doanh nghiệp. Việc lựa chọn và triển khai các giải pháp cần phù hợp với điều kiện, nguồn lực và chiến lược của mỗi doanh nghiệp.

6. Kết luận

Nghiên cứu mới chỉ tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, việc mở rộng nghiên cứu sang các khu vực hoặc ngành công nghiệp khác có thể cung cấp góc nhìn rộng hơn, chẳng hạn, như: khám phá quản lý chuỗi cung ứng thông minh và chuyển đổi số trong các lĩnh vực cụ thể (ví dụ: điện tử, dệt may) để khám phá những hiểu biết sâu sắc về từng ngành. Việc thu thập dữ liệu mang tính cắt ngang, hạn chế khả năng nắm bắt những thay đổi năng động theo thời gian. Các nghiên cứu theo chiều dọc có thể giải quyết hạn chế này, do đó, một hướng nghiên cứu hiệu quả hơn trong tương lai là tìm hiểu cách thức các hoạt động quản lý chuỗi cung ứng thông minh phát triển theo thời gian và tác động của chúng đến hiệu suất xanh. Trong quá trình sử dụng các thang đo đã thiết lập, có thể tồn tại sai lệch trong đo lường. Các nghiên cứu trong tương lai có thể khám phá các phương pháp đo lường thay thế. Việc kết hợp các phương pháp nghiên cứu định tính có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc hơn về các cơ chế thúc đẩy việc áp dụng SSCM và các tác động của nó.

Nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng hỗ trợ các giả thuyết liên quan đến chuỗi cung ứng thông minh, mối quan hệ xanh và hiệu suất xanh. Kết quả nghiên cứu sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam hiểu rõ hơn về vai trò quan trọng của SSCM trong việc nâng cao hiệu suất xanh. Đồng thời, cung cấp các gợi ý chiến lược để danh nghiệp có thể áp dụng các công nghệ số vào quá trình quản lý chuỗi cung ứng một cách hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành sản xuất trong bối cảnh chuyển đổi số.

Chú thích:
1. Tripathi, S., & Gupta, M. (2020). Transforming towards a smarter supply chain. International Journal of Logistics Systems and Management, 36(3), 319-342.
2. Wu, L., Yue, X., Jin, A., & Yen, D. C. (2016). Smart supply chain management: a review and implications for future research. The international journal of logistics management, 27(2), 395-417.
3. Zhang, G., Yang, Y., & Yang, G. (2022). Smart supply chain management in Industry 4.0. Smart supply chain management in Industry 4.0: the review, research agenda and strategies in North America. Annals of operations research, 322(2), 1075-1117.
4. Pasi, B. N., Mahajan, S. K., & Rane, S. B. (2020). Smart supply chain management: a perspective of industry 4.0. Supply Chain Management, 29(5), 3016-3030.
5. Longoni, A., Luzzini, D., & Guerci, M. (2018). Deploying environmental management across functions: the relationship between green human resource management and green supply chain management. Journal of Business Ethics, 151, 1081-1095.
6. Zhu, S., Wu, Y., & Shen, Q. (2022). How Environmental Knowledge and Green Values Affect the Relationship between Green Human Resource Management and Employees. Green Behavior: From the Perspective of Emission Reduction, Processes, 10(1).
7. Zsidisin, G. A., & Siferd, S. P. (2001). Environmental purchasing: a framework for theory development. European journal of purchasing & supply management, 7(1), 61-73. 
8. Fornell, C. & Larcker, D.F. (1981). Evaluating structural equation models with unobservable variables and measurement error. Journal of Marketing Research, 18 (1), pp. 39-50, https://doi.org/10.1177/00222437810180010.
9. Chang, J. S., Chung, S. B., Jung, K. H., & Kim, K. M. (2010). Patronage ramp-up analysis model using a heuristic F-test. Transportation research record, 2175(1), 84-91.
10. Vinzi, V.E., Trinchera, L. & Amato, S. (2010). PLS Path Modeling: From Foundations to Recent Developments and Open Issues for Model Assessment and Improvement. Handbook of Partial Least Squares, pp.47-82. DOI:10.1007/978-3-540-32827-8_3.