Bồi dưỡng năng lực huấn luyện quân sự cho sĩ quan chỉ huy tham mưu Lục quân cấp phân đội ở Sư đoàn 316, Quân khu 2

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Tiến Hải 
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
Thượng úy Vũ Anh Tùng 
Hệ 5, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Bồi dưỡng năng lực huấn luyện quân sự cho sĩ quan chỉ huy tham mưu Lục quân cấp phân đội ở Sư đoàn 316, Quân khu 2 nhằm hoàn thiện tri thức, kỹ xảo, kỹ năng hoạt động quân sự và phương pháp huấn luyện quân sự cho đội ngũ này đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong tình hình mới. Bài viết trên cơ sở đánh giá khái quát thực trạng, đề xuất các giải pháp tăng cường bồi dưỡng năng lực huấn luyện quân sự cho sĩ quan chỉ huy tham mưu Lục quân cấp phân đội ở Sư đoàn 316, Quân khu 2 hiện nay. 

Từ khóa: Bồi dưỡng năng lực; huấn luyện quân sự; sĩ quan chỉ huy; Tham mưu Lục quân; Sư đoàn 316, Quân khu 2.

1. Đặt vấn đề

Sư đoàn 316 là đơn vị chủ lực của Quân khu 2, có nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ “phên dậu” Tây Bắc của Tổ quốc. Mặc dù đóng quân trên địa bàn phức tạp, có dân số khá thưa và phần nhiều thuộc các dân tộc thiểu số; còn lạc hậu, cơ sở hạ tầng hạn chế. Song đội ngũ sĩ quan chỉ huy tham mưu Lục quân cấp phân đội luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, không ngừng nâng cao trình độ năng lực để có, đủ điều kiện hoàn thành đa dạng các nhiệm vụ với độ khó khăn cao, đặc biệt là nhiệm vụ huấn luyện quân sự, phục vụ trực tiếp cho kết quả sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Do đó, việc bồi dưỡng năng lực huấn luyện quân sự cho đối tượng này là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay.

2. Thực trạng bồi dưỡng năng lực huấn luyện quân sự cho sĩ quan chỉ huy tham mưu Lục quân cấp phân đội ở Sư đoàn 316, Quân khu 2

a. Những kết quả đạt được

Một là, các chủ thể tham gia vào nhiệm vụ bồi dưỡng đã nhận thức đúng, có trách nhiệm cao nhằm không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện. Luôn “quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo; Chỉ lệnh số 15/CL-TM ngày 28/12/2022 của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dânn Việt Nam về công tác quân sự, quốc phòng năm 2023; Nghị quyết số 05-NQ/ĐU ngày 21/3/2023 của Đảng ủy Quân khu về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 – 2030 và những năm tiếp theo; mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu của Tư lệnh Quân khu, xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy Sư đoàn về công tác huấn luyện…”1

Chất lượng huấn luyện cán bộ được giữ vững, ngày càng đi sâu vào thực chất và có những tiến bộ nhất định. Trong năm  2023, Sư đoàn đã triển khai thực hiện nghiêm nội dung huấn luyện cán bộ theo chương trình 2 ngày/tháng. Chỉ đạo các đơn vị trong toàn Sư đoàn tổ chức tập huấn cán bộ: cấp Sư đoàn 2 đợt (15 ngày); cấp trung đoàn 2 đợt (15 ngày); cấp tiểu đoàn 2 đợt (15 ngày) đạt mục đích, yêu cầu đề ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối; tổ chức 10 hội thi, 2 hội thao cấp Sư đoàn và tham gia 7 hội thi, 2 hội thao do cấp trên tổ chức2

Cùng với đó, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn, tổ chức đảng, chỉ huy các cấp luôn quán triệt nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên cùng các lực lượng tham gia quá trình bồi dưỡng về ý nghĩa tầm quan trọng của việc bồi dưỡng năng lực huấn luyện quân sự cho sĩ quan Chỉ huy tham mưu Lục quân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị huấn luyện tiếp tục được đầu tư, bảo đảm đúng định mức, tiêu chuẩn. Hệ thống thao trường, bãi tập được đầu tư, củng cố, đáp ứng yêu cầu phát triển của nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Tính đến thời điểm tháng 7/2024, Sư đoàn có: 204 thao trường huấn luyện chiến thuật; 489 thao trường huấn luyện kỹ thuật; 53 bãi huấn luyện thể lực; 103 sân huấn luyện điều lệnh; bia các loại là 11.465; mô hình, học cụ huấn luyện các loại là 38.9173.

Hai là, thường xuyên coi trọng việc trang bị tri thức, rèn luyện kỹ năng và phương pháp huấn luyện. Sư đoàn đã tích cực đổi mới phương pháp huấn luyện theo hướng tích cực, tăng tính thực tiễn, chú trọng trang bị hệ thống tri thức, kỹ năng và bồi dưỡng phương pháp huấn luyện thông qua việc đổi mới nội dung, chương trình, đáp ứng được với yêu cầu, nhiệm vụ của Sư đoàn. Kết quả tập huấn cán bộ luôn có sự chuyển biến sâu sắc qua từng năm. Cụ thể: năm 2020, có 485/542 đồng chí đạt loại khá, giỏi (89,48%); năm 2021, có 506/557 đồng chí đạt loại khá, giỏi (90,84%). Năm 2022, có 554/570 đồng chí đạt loại khá, giỏi (97,19%); năm 2023, có 554/566 đồng chí đạt loại khá, giỏi (97,88%)4

Ba là, phát huy được tính tích cực, chủ động của đội ngũ sĩ quan trong quá trình tự bồi dưỡng năng lực huấn luyện quân sự. Đội ngũ sĩ quan đều an tâm tư tưởng, xác định tốt nhiệm vụ, trong quá trình công tác luôn nêu cao tinh thần ý thức trách nhiệm với bản thân và đơn vị, tích cực học tập trau dồi bổ sung kiến thức, kỹ năng; không ngại khó, ngại khổ, luôn chú trọng tự bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực huấn luyện của bản thân với tinh thần “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Chất lượng huấn luyện của Sư đoàn có kết quả tích cực qua từng năm. Riêng năm 2023, kết quả kiểm tra các nội dung 100% đạt yêu cầu; có 84,2% khá giỏi (tăng 0,2% so với năm 2022); kiểm tra 3 tiếng nổ của chiến sĩ mới với nội dung bắn súng tiểu liên AK bài 1 đơn vị đạt khá, ném lựu đạn, đánh thuốc nổ đơn vị đạt giỏi6

b. Những hạn chế, bất cập

(1) Nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể về bồi dưỡng năng lực huấn luyện quân sự cho sĩ quan Chỉ huy tham mưu Lục quân cấp phân đội có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của Sư đoàn. Vì vậy, “Chất lượng tập huấn khung huấn luyện chiến sĩ mới và khả năng thực hành huấn luyện của một số cán bộ cấp trung đội, đại đội còn thấp”7, dẫn đến số lượng cán bộ tham gia huấn luyện quân sự có trình độ năng lực, kinh nghiệm chưa nhiều. Công tác đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp huấn luyện, tập huấn bồi dưỡng cán bộ có thời điểm chưa kịp thời dẫn đến chất lượng hiệu quả thực hiện một số nhiệm vụ của Sư đoàn có lúc chưa cao. Năm 2023, kết quả bắn súng cối 82mm đơn vị đạt yêu cầu (không đạt so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra là đơn vị đạt khá)8.

(2) Cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật bảo đảm cho công tác huấn luyện còn thiếu đồng bộ, giáo trình, tài liệu nghiên cứu còn thiếu và lạc hậu, chưa bắt kịp yêu cầu thực tiễn. Nội dung, chương trình còn nặng về lý thuyết, thời gian đầu tư cho thực hành có lúc chưa phù hợp; kết quả thực hiện các nội dung tập huấn cán bộ của một số sĩ quan còn hạn chế. Đơn cử: số sĩ quan tham gia tập huấn cán bộ đạt loại trung bình năm 2020 là 57/542 (10,52%); năm 2021 là 51/557 (9,16%); năm 2022 là 16/570 (2,81%); năm 2023 là 12/566 (2,12%)9.

(3) Tính tích cực, tự giác của một bộ phận sĩ quan ở Sư đoàn trong phát triển năng lực huấn luyện quân sự chưa cao. Một số sĩ quan còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, thiếu tích cực trong tự tu dưỡng và rèn luyện, hạn chế cả về chất lượng tham gia các hội thi, hội thao cũng như khả năng huấn luyện phân đội. Cụ thể: Năm 2023, Hội thi cán bộ Đại đội trưởng giỏi cấp Sư đoàn, có 21/36 sĩ quan (85,33%) không được công nhận Đại đội trưởng giỏi; Hội thi cán bộ Trung đội trưởng giỏi có 63/108 sĩ quan (58,33%) không được công nhận trung đội trưởng giỏi10.

3. Một số giải pháp tăng cường bồi dưỡng năng lực huấn luyệquân sự cho sĩ quan Chỉ huy tham mưu Lục quân cấp phân đội ở Sư đoàn 316, Quân khu 2

Thứ nhất, phát huy vai trò của từng chủ thể tham gia bồi dưỡng.

(1) Đối với cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy các cấp cần đổi mới hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo về công tác bồi dưỡng năng lực huấn luyện quân sự cho sĩ quan Chỉ huy tham mưu Lục quân cấp phân đội ở Sư đoàn. Trong quá trình bồi dưỡng, phải chủ động tiếp thu, lĩnh hội chỉ thị, nghị quyết từ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân khu và cấp trên để kịp thời cụ thể hóa thành nghị quyết cấp mình, tổ chức, triển khai cho các cơ quan, đơn vị thuộc quyền nghiêm túc thực hiện có hiệu quả. Tích cực đổi mới, hoàn thiện, chuẩn hóa chương trình, nội dung, phương pháp huấn luyện và tập huấn cán bộ theo quy định của cấp trên, bảo đảm tính toàn diện, thiết thực, vững chắc. Cập nhật kịp thời các nội dung mới, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các khối kiến thức, giản lược một số nội dung không phù hợp, giảm lý thuyết, tăng thời gian huấn luyện thực hành.

(2) Cơ quan tham mưu các cấp, đặc biệt là Ban Tác huấn Sư đoàn, trợ lý Tác huấn các trung đoàn phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí sắp xếp phân công cán bộ hợp lý, trong đó người đứng đầu phải là người có trình độ và kinh nghiệm công tác để duy trì điều hành, xây dựng kế hoạch phù hợp, khoa học. Làm tốt công tác tập huấn cán bộ hằng năm về công tác huấn luyện, điều hành huấn luyện nhằm tích lũy thêm kiến thức kinh nghiệm công tác quản lý, chỉ đạo nhiệm vụ huấn luyện.

(3) Đội ngũ giáo viên ở các cấp đóng vai trò quan trọng, then chốt, do đó cần phải không ngừng nâng cao chất lượng và bảo đảm về số lượng giáo viên ở từng cấp, nhất là tổ giáo viên cấp tiểu đoàn.  

Thứ hai, xây dựng và phát huy môi trường huấn luyện quân sự tạo điều kiện thuận lợi cho nâng cao năng lực huấn luyện quân sự.

(1) Tăng cường xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa cán bộ huấn luyện với hạ sĩ quan, chiến sĩ; tích cực thực hiện phương phâm: “Đơn vị là nhà, cán bộ, chiến sĩ đều là anh em”. Hoạt động xây dựng môi trường huấn luyện quân sự mang tính thường xuyên, liên tục và là nhiệm vụ lâu dài của mỗi đơn vị.

(2) Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất bảo đảm đầy đủ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyệnTích cực ứng dụng những thành tựu của khoa học – kỹ thuật vào quá trình huấn luyện, nghiên cứu bố trí không gian huấn luyện đa dạng, như: những thao trường ảo, phòng mô phỏng ảo, không gian ảo… có thể tương tác trong điều kiện như thật thông qua các phần mềm và hệ thống mạng. Các kịch bản huấn luyện mô phỏng cần linh hoạt, từ các dữ liệu thu thập được trên hệ thống, yêu cầu cán bộ huấn luyện phải liên tục đưa ra những tình huống huấn luyện sát với thực tế, phù hợp với năng lực của cán bộ, chiến sĩ, tính năng của từng vũ khí, trang thiết bị, giúp nâng cao hiệu quả huấn luyện chiến đấu.

Thứ ba, phát huy tính tích cực, tự giác của cán bộ huấn luyện trong tự học, tự rèn năng lực huấn luyện quân sự.

(1) Làm tốt công tác giáo dục mục tiêu, yêu cầu huấn luyện của Sư đoàn và những yêu cầu về năng lực huấn luyện đối với sĩ quan Chỉ huy tham mưu Lục quân cấp phân độiCác chủ thể phải thường xuyên giáo dục cho đội ngũ sĩ quan nhận thức đầy đủ mục tiêu, yêu cầu huấn luyện quân sự của Sư đoàn. Xây dựng cho đội ngũ sĩ quan có nhu cầu, động cơ phấn đấu đúng đắn, tạo tiền đề để họtự phát triển năng lực huấn luyện quân sự, như: mở rộng kiến thức, hoàn thiện phẩm chất và năng lực của bản thân, mong muốn đạt kết quả cao trong huấn luyện… Đẩy mạnh các phong trào thi đua trong đơn vị, xác định chỉ tiêu, đăng ký phấn đấu cho từng đối tượng ngay từ những ngày đầu huấn luyện của năm. Hình thành động cơ học tập, rèn luyện, củng cố niềm tin, động viên tính tích cực, khắc phục mọi khó khăn, chấm dứt các hiện tượng phân tán tư tưởng, thiếu tập trung, chưa yên tâm với nghề nghiệp của đội ngũ sĩ quan Chỉ huy tham mưu Lục quân cấp phân đội. 

(2) Giáo dục, xây dựng động cơ, ý chí quyết tâm cho sĩ quan Chỉ huy tham mưu Lục quân cấp phân đội. Cần thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò của năng lực huấn luyện quân sự và sự cần thiết phải phát triển năng lực huấn luyện quân sự trong quá trình huấn luyện tại Sư đoàn; từ đó, xây dựng động cơ học tập đúng đắn giúp các sĩ quan phấn đấu liên tục, phát huy cao nhất khả năng của bản thân để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

(3) Hướng dẫn, sĩ quan chủ động xây dựng, thực hiện kế hoạch tự phát triển năng lực huấn luyện quân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Trên cơ sở nghiên cứu, nắm chắc kế hoạch huấn luyện của Sư đoàn, đặc điểm thực tế của đơn vị, trình độ và khả năng của bản thân, mỗi sĩ quan phải tự xây dựng kế hoạch phát triển năng lực huấn luyện quân sự để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Sư đoàn. Kế hoạch đó phải thể hiện rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung và biện pháp thực hiện qua từng nội dung huấn luyện, từng giai đoạn, tránh hiện tượng chung chung, hình thức. Đội ngũ giáo viên của Sư đoàn, của đơn vị phải thường xuyên quan tâm, theo dõi giúp đỡ họ xây dựng kế hoạch tự phát triển năng lực huấn luyện quân sự cho phù hợp, đồng thời, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện của họ. Kịp thời cung cấp cho họ những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và phương pháp cơ bản về tự bồi dưỡng, tự rèn luyện để từng bước hoàn thiện năng lực huấn luyện quân sự của bản thân.

(4) Quan tâm công tác kiểm tra, đánh giá. Kiểm tra, đánh giá là một trong những nội dung quan trọng của quá trình phát triển năng lực huấn luyện quân sự cho sĩ quan Chỉ huy tham mưu Lục quân cấp phân đội. Làm tốt công tác này sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ chỉ huy đơn vị và đội ngũ giáo viên của đơn vị nắm được trình độ nhận thức, thái độ, ý thức trách nhiệm, sự tiến bộ về năng lực huấn luyện quân sự của đội ngũ; phát hiện được những vấn đề chưa đúng, chưa phù hợp với mục đích, kế hoạch đặt ra để định hướng, điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời, qua kiểm tra, đánh giá phải chỉ ra được những điểm mạnh, hạn chế, mức độ tiến bộ của họ; kịp thời biểu dương, khen thưởng những sĩ quanđạt kết quả tốt trong huấn luyện quân sự để động viên khích lệ họ tiếp tục phấn đấu vươn lên.

4. Kết luận

Trước yêu cầu đổi mới, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Quân đội, chất lượng huấn luyện quân sự đóng vai trò to lớn, quyết định đến chất lượng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị trong toàn quân, đặc biệt là đối với một đơn vị chủ lực như Sư đoàn 316, Quân khu 2, đảm nhiệm bảo vệ miền Tây Bắc Tổ quốc, xây dựng phòng tuyến vững chắc, ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm chủ quyền biên giới thiêng liêng của đất nước. Việc đánh giá đúng thực trạng bồi dưỡng năng lực huấn luyện quân sự cho sĩ quan Chỉ huy tham mưu Lục quân cấp phân đội là cơ sở để đề xuất những giải pháp tiếp tục bồi dưỡng nâng cao năng lực huấn luyện quân sự cho đội ngũ này, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Sư đoàn trong tình hình mới.

Chú thích:
1, 7, 8. Đảng ủy Sư đoàn 316, Quân khu 2 (2024). Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ huấn luyện năm 2024. 
2, 6. Tác giả tổng hợp số liệu từ: Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ huấn luyện năm 2024 của Đảng ủy Sư đoàn 316, Quân khu 2.
3, 4, 9, 10. Tác giả tổng hợp số liệu do Ban Tác huấn Sư đoàn cung cấp, tháng 7/2024.
5. Tác giả điều tra, khảo sát thực tế tại Sư đoàn 316, Quân khu 2, tháng 7/2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tổng tham mưu (2022). Chỉ lệnh số 15/CL-TM ngày 28/12/2022 về Công tác quân sự, quốc phòng năm 2023.
2. Đảng ủy Quân khu II (2023). Nghị quyết số 05-NQ/ĐU ngày 21/3/2023 về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 – 2030 và những năm tiếp theo.
3. Quân ủy Trung ương (2022). Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 – 2030 và những năm tiếp theo.
4. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội ở đơn vị cơ sở quân đội hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/08/06/nang-cao-chat-luong-doi-ngu-can-bo-chinh-tri-cap-phan-doi-o-don-vi-co-so-quan-doi-hien-nay/
5. Nhân tố cơ bản quy định ý thức nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo Sĩ quan cấp phân đội ở Trường sĩ quan Chính trị. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/08/22/nhan-to-co-ban-quy-dinh-y-thuc-nghien-cuu-khoa-hoc-cua-hoc-vien-dao-tao-si-quan-cap-phan-doi-o-truong-si-quan-chinh-tri/