Tác động của ứng dụng thương mại điện tử đến hợp tác doanh nghiệp: trường hợp nghiên cứu doanh nghiệp lữ hành tại Việt Nam

TS. Trương Quốc Dũng – ThS. Trần Thị Nguyệt Tú
Trường Đại học Tài chính – Marketing

(Quanlynhanuoc.vn) – Thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh lữ hành, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và thành công của các doanh nghiệp lữ hành. Dựa trên dữ liệu khảo sát 243 doanh nghiệp lữ hành tại Việt Nam, nghiên cứu này áp dụng phương pháp tiếp cận hỗn hợp giữa phương pháp định tính và định lượng, phần mềm SmartPLS được sử dụng để kiểm tra dữ liệu. Kết quả cho thấy, việc ứng dụng thương mại điện tử có tác động tích cực đến hợp tác giữa các doanh nghiệp lữ hành gửi khách và doanh nghiệp lữ hành nhận khách. Ngoài ra, có một số khác biệt dựa trên quy mô và thời gian hoạt động của doanh nghiệp về mối quan hệ giữa việc ứng dụng thương mại điện tử và sự hợp tác. Các doanh nghiệp lữ hành mới thành lập thì tác động của việc ứng dụng thương mại điện tử lên sự hợp tác của họ càng lớn. Cuối cùng, một số hàm ý quản trị được đề xuất dựa trên kết quả nghiên cứu.

Từ khóa: Hợp tác doanh nghiệp, ứng dụng thương mại điện tử, doanh nghiệp lữ hành.

1. Đặt vấn đề

Doanh nghiệp lữ hành đóng vai trò trung gian quan trọng trong ngành Du lịch (LeBlanc, 1992); cung cấp tất cả các loại dịch vụ, bao gồm: các chương trình du lịch trọn gói, chỗ ở, vận chuyển, du lịch trên biển… (Bitner & Booms, 1981). Các doanh nghiệp lữ hành có thể bán các gói tour trực tiếp cho khách du lịch hoặc thông qua các đại lý bán lẻ là các doanh nghiệp lữ hành gửi khách. Doanh nghiệp lữ hành ngày càng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp lữ hành luôn tìm kiếm các công cụ để nâng cao khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường và một trong những công cụ cạnh tranh đó chính là thương mại điện tử (e-commerce) (Raymond và cộng sự, 2005; Kleindl, 2000).

Việc ứng dụng thương mại điện tử giúp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp lữ hành trong việc quản lý nguồn lực, kết nối thông tin với khách hàng và điều phối hoạt động với các bên liên quan trong chuỗi cung ứng (Zhang và cộng sự, 2009). Zhang và cộng sự (2009) cho rằng, việc ứng dụng thương mại điện tử được coi là phương tiện hữu hiệu để thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên trong chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch, nâng cao hiệu quả hoạt động giữa các doanh nghiệp lữ hành gửi khách và doanh nghiệp lữ hành nhận khách.

Có rất nhiều nghiên cứu liên quan đến mối quan hệ giữa việc ứng dụng thương mại điện tử và sự hợp tác (Fawcett và cộng sự, 2009; Frohlich, 2002; Sanders và Premus, 2005; Wu và cộng sự, 2011; Nyaga và cộng sự, 2010; Lee và cộng sự, 2001), hầu hết họ đều nghiên cứu về các doanh nghiệp sản xuất hoặc kinh doanh. Còn thiếu các nghiên cứu liên quan đến dịch vụ, như: du lịch và các nghiên cứu về lữ hành. Hiện nay, việc ứng dụng thương mại điện tử đóng một vai trò quan trọng trong bất kỳ hoạt động kinh doanh nào. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lữ hành tại Việt Nam vẫn chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng thương mại điện tử. Ngoài ra, từ sau dịch bệnh Covid – 19, việc ứng dụng thương mại điện tử là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tăng cường sự hợp tác giữa các doanh nghiệp lữ hành gửi khách và doanh nghiệp lữ hành nhận khách.

Do đó, mục tiêu của nghiên cứu này là: (1) Kiểm tra tác động của ứng dụng thương mại điện tử đến hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành gửi khách và doanh nghiệp lữ hành nhận khách. (2) Phân tích đa nhóm xem xét có hay không sự khác nhau của mối quan hệ giữa ứng dụng thương mại điện tử đến hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành gửi khách và doanh nghiệp lữ hành nhận khách dựa trên một số đặc điểm của doanh nghiệp lữ hành. (3) Đưa ra một số gợi ý nhằm nâng cao hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành gửi khách và doanh nghiệp lữ hành nhận khách từ việc ứng dụng thương mại điện tử.

2. Cơ sở lý thuyết

(1) Ứng dụng thương mại điện tử.

Thương mại điện tử được định nghĩa là sự chuyển giao giá trị qua Internet của một trong bốn loại hoạt động: mua, bán, đầu tư và vay (Carol và cộng sự, 2019). Ứng dụng thương mại điện tử được coi là ứng dụng của thương mại điện tử trong kinh doanh. Thương mại điện tử đề cập đến quá trình tiến hành kinh doanh trực tuyến, trải rộng trên cả thị trường doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) nhằm tiếp cận các đối tác toàn cầu, giành thị phần để có lợi thế cạnh tranh, tận dụng viễn thông. Có rất nhiều nghiên cứu liên quan đến việc ứng dụng thương mại điện tử.

Theo Sambamurthy và cộng sự (2003), việc ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh thông qua lượng lớn dữ liệu được xử lý trong chuỗi cung ứng, hệ thống giúp doanh nghiệp phát hiện những thay đổi của môi trường, từ đó đưa ra các phương pháp quản lý phù hợp. Agus và cộng sự (2017) chỉ ra việc ứng dụng thương mại điện tử giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của các công ty tại Indonesia và đề xuất một số giải pháp để tăng cường ứng dụng thương mại điện tử. Trong nghiên cứu của Sanders và Premus (2005) cho rằng, việc ứng dụng thương mại điện tử có mối tương quan tích cực với sự hợp tác nội bộ và bên ngoài. Việc ứng dụng thương mại điện tử cho phép tăng khả năng truyền đạt thông tin và điều phối hoạt động, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng tính linh hoạt và tăng khả năng ứng phó với những biến động của thị trường và cải thiện dịch vụ khách hàng (Lee và cộng sự, 2001).

(2) Hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành gửi khách và doanh nghiệp lữ hành nhận khách.

Để phát triển kinh doanh, các doanh nghiệp lữ hành gửi khách và doanh nghiệp lữ hành nhận khách cần phải hợp tác với nhau. Hợp tác được hiểu là việc xây dựng mối quan hệ giữa các đối tác để cùng đầu tư nguồn lực, chia sẻ thông tin, trách nhiệm và lợi ích đạt được nhằm đạt được mục tiêu chung (Barrat và Oliveira, 2001), đồng thời giải quyết các vấn đề quản lý (Spekman và cộng sự, 1998). Có ba yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến hợp tác giữa các doanh nghiệp lữ hành. Theo Simatupang và Sridharan (2004) để đo lường hợp tác giữa các doanh nghiệp lữ hành gửi khách và doanh nghiệp lữ hành nhận khách, mô hình đo lường hợp tác dựa trên ba thành phần: chia sẻ thông tin (Information sharing – IS), đồng bộ hóa quyết định (Decision synchronization – DS) và thúc đẩy liên kết (Incentive aligment -IA) giữa các đối tác.

Chia sẻ thông tin đề cập đến quá trình thu thập và truyền đạt thông tin kịp thời tới những người ra quyết định để lập kế hoạch và kiểm soát các hoạt động hợp tác. Palmatier và cộng sự (2006) nhận thấy, giao tiếp là một trong những chiến lược xây dựng sự hợp tác hiệu quả nhất. Các doanh nghiệp lữ hành có khả năng giao tiếp chất lượng cao có thể trở nên linh hoạt hơn và thích ứng tốt hơn với nhu cầu của khách hàng, tăng độ tin cậy của khách hàng (Morgan và Hunt, 1994), giao tiếp hiệu quả được hỗ trợ bởi internet.

Ngược lại, giao tiếp không hiệu quả có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự hợp tác (Palmatier và cộng sự, 2006). Theo Spekman và cộng sự (1998), các doanh nghiệp lữ hành gửi khách và nhận khách làm việc cùng nhau để chia sẻ thông tin, giải quyết các vấn đề chung trong thiết kế sản phẩm mới, lập kế hoạch cho tương lai; điều này sẽ ảnh hưởng đến sự thành công hay thất bại của quá trình hợp tác giữa các doanh nghiệp lữ hành (Spekman và cộng sự, 1998).

Malhotra và cộng sự (2005) khẳng định, sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp lữ hành giúp các luồng thông tin hữu ích được chia sẻ giữa các bên và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng công cộng. Công nghệ thông tin cho phép xử lý thông tin thu được từ các bên để tạo ra tri thức mới phong phú hơn. Bowersox (2003) cũng cho rằng, việc tham gia vào quá trình hợp tác sẽ giúp doanh nghiệp đạt được những lợi ích như tăng lợi nhuận và tăng tính linh hoạt để thích ứng với sự không chắc chắn của nhu cầu.

Đồng bộ hóa quyết định có nghĩa là đưa ra các quyết định chung khi lập kế hoạch và triển khai hành động. Trong quá trình lập kế hoạch, các quyết định, như: lựa chọn thị trường mục tiêu, sản phẩm, đáp ứng yêu cầu dịch vụ khách hàng, hình thức khuyến mãi, dự báo nhu cầu khách hàng trong tương lai… cần được thảo luận, thống nhất và đồng bộ hướng tới mục tiêu dài hạn. Việc ứng dụng thương mại điện tử giúp tạo ra sự kết nối liền mạch giữa các doanh nghiệp lữ hành vì nó giúp các doanh nghiệp thu thập, xử lý và truyền tải những thông tin cần thiết để đưa ra quyết định đồng bộ (Li và cộng sự, 2009).

Mức độ đồng bộ hóa quyết định là một yếu tố quan trọng của sự hợp tác, là cách để xây dựng và duy trì quan hệ đối tác chung (Harland và cộng sự, 2004). Việc ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ việc ra quyết định và đồng bộ hóa hiệu quả, chẳng hạn như sử dụng hệ thống cảnh báo tự động trong chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng (Simatupang và Sridharan, 2004).

Thúc đẩy liên kết thường đề cập đến mức độ mà các đối tác chia sẻ chi phí, rủi ro và lợi ích (Simatupang và Sridharan, 2005). Hệ thống thúc đẩy liên kết yêu cầu mô tả chi tiết về các biện pháp hoặc phương pháp phân phối lợi ích và rủi ro một cách công bằng (Lee và Whang, 2001). Sự hợp tác thúc đẩy liên kết là sự chia sẻ công bằng lợi ích cũng như chi phí thu được từ sự hợp tác giữa các bên. Một sự thúc đẩy liên kết hiệu quả có nghĩa là các doanh nghiệp lữ hành gửi và nhận khách điều chỉnh các quyết định cá nhân của họ hướng tới mục tiêu chung là cải thiện lợi nhuận tổng thể (Simatupang và Sridharan, 2005).

Stank và cộng sự (2001) cho rằng, việc ứng dụng thương mại điện tử cho phép các doanh nghiệp tích lũy thông tin và kiến ​​thức về khách hàng, nhà cung cấp và nhu cầu thị trường. Việc ứng dụng thương mại điện tử mang lại những lợi ích cụ thể, như: dễ dàng tiếp cận thông tin, cải thiện giao tiếp giữa các doanh nghiệp lữ hành gửi khách và doanh nghiệp lữ hành nhận khách, giảm chi phí vận hành và chất lượng dịch vụ tốt hơn cho khách hàng.

Do đó, giả thuyết được đưa ra:

H1: Ứng dụng thương mại điện tử có tác động tích cực đến việc chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp lữ hành gửi khách và doanh nghiệp lữ hành nhận khách.

H2: Ứng dụng thương mại điện tử có tác động tích cực đến việc đồng bộ hóa quyết định giữa các doanh nghiệp lữ hành gửi khách và doanh nghiệp lữ hành nhận khách.

H3: Ứng dụng thương mại điện tử có tác động tích cực đến sự thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành gửi khách và doanh nghiệp lữ hành nhận khách.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này áp dụng phương pháp hỗn hợp gồm nghiên cứu định tính và định lượng, được thực hiện thành hai giai đoạn: nghiên cứu sơ bộ và nghiên cứu chính thức. Giai đoạn đầu tiên sử dụng phương pháp định tính để khám phá và điều chỉnh thang đo ứng dụng thương mại điện tử; hợp tác bao gồm chia sẻ thông tin, đồng bộ hóa quyết định và thúc đẩy liên kết. Phương pháp này được thực hiện thông qua phỏng vấn sâu các lãnh đạo, chủ sở hữu các doanh nghiệp lữ hành tại Việt Nam. Giai đoạn này nhằm mục đích xem xét các câu hỏi nghiên cứu có phù hợp hay không trước khi thực hiện khảo sát chính thức. Sau giai đoạn này, các chỉ số về các yếu tố áp dụng thương mại điện tử, chia sẻ thông tin, đồng bộ hóa quyết định và thúc đẩy liên kết được hình thành (Bảng 1).

Giai đoạn thứ hai, phương pháp định lượng được thực hiện để đánh giá mô hình đo lường và mô hình cấu trúc. Khảo sát chính được thực hiện bằng cách phỏng vấn trực tiếp hoặc khảo sát trực tuyến.

Thu thập dữ liệu. Dữ liệu thu thập từ việc phỏng vấn các lãnh đạo doanh nghiệp lữ hành tại Việt Nam.

Phân tích dữ liệu. Mô hình đường dẫn PLS-SEM được sử dụng để kiểm tra các giả thuyết, cụ thể là phần mềm SmartPLS 3.0 (Hair và cộng sự, 2014; Sarstedt và cộng sự, 2014). Mô hình đường dẫn PLS-SEM được xem là phù hợp nhất để phân tính mô hình nghiên cứu này vì những lý do sau:

        – Mẫu (n=243) hơi nhỏ.

        – Một trong những mục tiêu nghiên cứu là kiểm định mối quan hệ giữa các yếu tố còn thiếu kiểm định trong các nghiên cứu trước đây ở Việt Nam liên quan đến doanh nghiệp lữ hành nên nghiên cứu này cũng là một loại hình nghiên cứu khám phá, PLS-SEM là phù hợp.

        – Mô hình hóa đường dẫn PLS-SEM được coi là kỹ thuật mô hình thống kê mới ở Việt Nam.

Thang đo. Nghiên cứu này sử dụng thang đo từ các nghiên cứu trước đây đã được trình bày trong tổng quan tài liệu và được điều chỉnh qua giai đoạn phương pháp định tính cho phù hợp với điều kiện ở Việt Nam đối với trường hợp các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam. Việc đo lường mức độ ứng dụng thương mại điện tử dựa trên các nghiên cứu trước đây và được trình bày trong Bảng 1 bên dưới. Việc đo lường sự hợp tác dựa theo Simatupang và Sridharan (2005), Nyaga và cộng sự (2010), Cao và cộng sự (2011) bao gồm chia sẻ thông tin, đồng bộ hóa quyết định và thúc đẩy liên kết.

Bảng 1: Thang đo nghiên cứu

CodesThang đoNguồn
Biến độc lập 
EAỨng dụng thương mại điện tử 
EA1Ứng dụng thương mại điện tử giúp mở rộng thị trường trong và ngoài nước.  Roy và cộng sự (2004); Grewal và Dharwadkar (2002); Lancioni và cộng sự, (2003); Berthon và cộng sự, (2003); Lichtenthal và Eliaz (2003); Brynjolfsson và Hitt (1998); Karwan và Markland (2005)
EA2Ứng dụng thương mại điện tử giúp doanh nghiệp áp dụng thanh toán trực tuyến.
EA3Ứng dụng thương mại điện tử giúp quảng bá sản phẩm nhanh hơn và chính xác hơn.
EA4Ứng dụng thương mại điện tử giúp thu thập thông tin từ khách hàng, đối tác nhanh hơn và chính xác hơn.
EA5Ứng dụng thương mại điện tử giúp giảm chi phí đàm phán và vận hành.
EA6Ứng dụng thương mại điện tử giúp tiết kiệm thời gian giao dịch.
EA7Ứng dụng thương mại điện tử giúp việc bán sản phẩm thuận tiện và nhanh chóng.
Biến phụ thuộcHợp tác
ISChia sẻ thông tin 
IS1Doanh nghiệp lữ hành gửi khách và nhận khách thông báo trước cho nhau về nhu cầu thay đổi trong hợp tác.Simatupang và Sridharan (2005), Nyaga và cộng sự (2010)
IS2Doanh nghiệp lữ hành gửi khách và nhận khách chia sẻ thông tin hữu ích với nhau.
IS3Doanh nghiệp lữ hành gửi khách và nhận khách sẵn sàng thông báo cho nhau những thay đổi của thị trường.
DSĐồng bộ hóa quyết định 
DS1Doanh nghiệp lữ hành gửi khách và nhận khách cùng nhau lên kế hoạch phát triển sản phẩm.Simatupang và Sridharan (2005), Cao và cộng sự (2011)
DS2Doanh nghiệp lữ hành gửi khách và nhận khách cùng nhau lên kế hoạch phát triển thị trường.
DS3Doanh nghiệp lữ hành gửi khách và nhận khách cùng nhau tìm giải pháp giải quyết các vấn đề phát sinh.
IAThúc đẩy liên kết 
IA1Doanh nghiệp lữ hành gửi khách và nhận khách cùng nhau chia sẻ lợi ích và rủi ro có thể xảy ra.Simatupang và Sridharan (2005), Cao và cộng sự (2011)
IA2Doanh nghiệp lữ hành gửi khách và nhận khách cùng nhau phát triển hệ thống đánh giá và công bố kết quả kinh doanh với nhau.
IA3Doanh nghiệp lữ hành gửi khách và nhận khách chia sẻ số tiền tiết kiệm được từ việc cắt giảm các chi phí không cần thiết.
Nguồn: Nghiên cứu của nhóm tác giả.

4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

(1) Đặc điểm mẫu khảo sát

Bảng 2: Đặc điểm mẫu khảo sát

 Số lượng mẫuTỷ lệ (%)
Quy mô doanh nghiệp (theo số lượng nhân viên)
Dưới 10 nhân viên5322
Từ 10 đến 30 nhân viên12049
Từ 31 đến 50 nhân viên3615
Trên 50 nhân viên3414
Tổng cộng243100
Thời gian hoạt động (theo số năm hoạt động)
Dưới 5 năm4820
Từ 5 đến 10 năm13556
Trên 10 năm5724
Tổng cộng243100
Nguồn: Theo số liệu nhóm tác giả tổng hợp.

(2) Đánh giá mô hình đo lường

Kết quả cho thấy, hầu hết các cấu trúc đều đáp ứng độ tin cậy, giá trị hội tụ, giá trị phân biệt; ngoại trừ IS1. Hệ số tải ngoài IS1 nhỏ hơn 0,4 nên cần loại bỏ để IS có thể đáp ứng giá trị hội tụ (Hair và cộng sự, 2014). Nhìn chung, kết quả bảng 3 cho thấy, sự tồn tại của độ tin cậy, giá trị hội tụ và giá trị phân biệt trong nghiên cứu này.

Bảng 3: Kết quả của mô hình đo lường

Thang đo Độ tin cậyGiá trị hội tụGiá trị phân biệt
Cronbach’s
Alpha
Hệ số tin cậy tổng hợpHệ số tảiAVEHTMT
EAEA10.8510.8860.764      0.526Yes
EA20.712
EA30.689
EA40.763
EA50.709
EA60.702
EA70.735
ISIS20.7840.8860.8050.797Yes
IS30.972
DSDS10.7320.8490.7650.652Yes
DS20.834
DS30.822
IAIA10.7120.8340.7650.627Yes
IA20.834
IA30.822
Nguồn: số liệu nghiên cứu của nhóm tác giả.

(3) Đánh giá mô hình cấu trúc

Giai đoạn này, đánh giá mô hình cấu trúc theo 6 bước của Hair và cộng sự (2014), gồm: (1) đánh giá các vấn đề về đa cộng tuyến của mô hình cấu trúc; (2) đánh giá mức ý nghĩa và sự liên quan của các mối quan hệ trong mô hình cấu trúc; (3) đánh giá mức độ R2; (4) đánh giá hệ số tác động f2; (5) đánh giá sự liên quan của dự báo Q2 và (6) đánh giá hệ số tác động q2.

Một là, đánh giá các vấn đề về đa cộng tuyến của mô hình cấu trúc.

Để đánh gia đa cộng tuyến có thể xảy ra, hệ số phóng đại phương sai (VIF) được sử dụng. Kết quả cho thấy giá trị VIF của các biến độc lập là 1, phù hợp với Hair và cộng sự (2014), kết quả thu được không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đa cộng tuyến.

Hai là, đánh giá mức ý nghĩa và sự liên quan của các mối quan hệ trong mô hình cấu trúc.

Vì mục tiêu cơ bản của kỹ thuật PLS-SEM là dự đoán IS, DS, IA nên chất lượng mô hình lý thuyết sẽ được xác định bằng cách đo cường độ của từng đường dẫn, đó là mối quan hệ giữa EA trong khả năng dự đoán của cấu trúc nội sinh IS, DS và IA. Kết quả của các hệ số đường dẫn mô hình cấu trúc được thể hiện trong bảng 4 và hình 2.

Bảng 4: Kết quả ước lượng mô hình cấu trúc

Mối quan hệPath CoefficientsBootstrapp ValuesKết quả
EA->IS0.126[-0.110; 0.248]0.000Yes (p < 0.1)
EA->DS0.587[0.502; 0.678]0.000Yes (p < 0.05)
EA->IA0.225[0.129; 0.346]0.000Yes (p < 0.05)
Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu của nhóm tác giả.

Kết quả bảng 4 cho thấy, 3 giả thuyết H1, H2, H3 đều được chấp nhận.

Ba là, đánh giá hệ số xác định R2 (R2 value).

Hệ số này thể hiện tác động tổng hợp của các biến tiềm ẩn ngoại sinh lên biến tiềm ẩn nội sinh. Đó là hệ số biểu thị mức độ phương sai trong các cấu trúc nội sinh được giải thích bởi tất cả các cấu trúc ngoại sinh liên kết với nó, trong đó giá trị 0,5 được coi là vừa phải và 0,25 được coi là yếu (Hair và cộng sự, 2014; Sarstedt và cộng sự, 2014). Trong mô hình này, hệ số trung gian R2 của DS là 0,345, vì vậy có thể đánh giá rằng giá trị này là vừa phải; 0,051 đối với IA; 0,016 đối với IS cho thấy giá trị yếu.

Bảng 5: Hệ số xác định R2 và xác định điều chỉnh R2 adj

 R2R2 adj
DS0.3450.342
IA0.0510.047
IS0.0160.012
Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu của nhóm tác giả.

Bốn là, đánh giá hệ số tác động f².

Ngoài việc đánh giá giá trị R2 của tất cả các cấu trúc nội sinh, sự thay đổi giá trị R2 khi một cấu trúc ngoại sinh cụ thể bị loại khỏi mô hình có thể được sử dụng để đánh giá xem cấu trúc bị loại bỏ có tác động đáng kể đến các cấu trúc nội sinh hay không. Hướng dẫn đánh giá f² là các giá trị 0,02; 0,15 và 0,35 tương ứng thể hiện các tác động nhỏ, trung bình và lớn (Cohen, 1988) của biến tiềm ẩn ngoại sinh. Giá trị nhỏ hơn 0,02 cho thấy không có tác động. Kết quả này là 0,527 cho thấy, 0,527 đối với DS có tác dụng lớn của EA đối với DS; 0,053 đối với IA; 0,016 đối với IS cho thấy tác động nhỏ của EA lên IA, EA lên IS.

Bảng 6: f²

 DSEAIAIS
DS    
EA0.527 0.0530.016
IA    
IS    
Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu của nhóm tác giả.

Theo Stone-Geisser (1974), Q2 lớn hơn 0 cho thấy, khả năng dự đoán của các biến phụ thuộc.

Năm là, đánh giá sự liên quan của dự báo Q2.

Bảng 7 cho thấy, Q2 lớn hơn 0 hỗ trợ khả năng dự báo của mô hình.

Bảng 7: Đánh giá sự liên quan của dự báo Q2

 SSOSSEQ² (=1-SSE/SSO)
DS729568.890.22
EA17011701 
IA729711.7220.024
IS486482.8010.007
Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu của nhóm tác giả.

Sáu là, đánh giá hệ số tác động q2.

Các giá trị Q2 thể hiện thước đo mức độ mô hình đường dẫn có thể dự đoán các giá trị được quan sát ban đầu tốt đến mức nào. Tương tự như cách tiếp cận hệ f² để đánh giá các giá trị R2, tác động tương đối của mức độ liên quan dự đoán có thể được so sánh bằng thước đo với kích thước hiệu ứng q². Là một thước đo tương đối về mức độ liên quan dự đoán; các giá trị 0,02, 0,15 và 0,35 chỉ ra rằng một cấu trúc ngoại sinh có mức độ liên quan dự đoán nhỏ, trung bình hoặc lớn tương ứng đối với một cấu trúc nội sinh nhất định. Tuy nhiên, con số này không thể tính toán được vì nghiên cứu này chỉ có một biến độc lập.

(4) Phân tích cấu trúc đa nhóm

Kết quả phân tích cấu trúc đa nhóm cho thấy, có một số khác biệt dựa trên quy mô doanh nghiệp đối với mối quan hệ giữa EA và IA và dựa trên thời gian hoạt động của doanh nghiệp đối với mối quan hệ giữa EA và DS.

Bảng 8: Kết quả phân tích cấu trúc đa nhóm

Đặc điểm doanh nghiệpSự khác nhau theo đặc điểm doanh nghiệpp-Value differencePath Coefficients-difference
Quy mô doanh nghiệpTrên 50 nhân viên so với từ 31 đến 50 nhân viên (EA->IA)0.037– 0.312 (trên 50NV:  0.332; từ 31 đến 50NV:  0.644)
Dưới 10 nhân viên so với từ 31 đến 50 nhân viên (EA->IA)0.017– 0.336 (dưới 10NV: 0.308; từ 31 đến 50NV: 0.644)
Từ 10 đến 30 nhân viên so với từ 31 đến 50 nhân viên (EA->IA)0.001– 0.49 (từ 10 đến 30NV:  0.154; từ 31 đến 50NV: 0.644)
Thời gian hoạt độngtrên 10 năm so với dưới 5 năm (EA->DS)0.187– 0.273 (trên 10 năm: 0.477; dưới 5 năm: 0.75)
Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu của nhóm tác giả.

Kết quả cho thấy, tác động của việc ứng dụng thương mại điện tử đến việc đồng bộ hóa quyết định là lớn nhất, tiếp theo là thúc đẩy liên kết và chia sẻ thông tin. Theo trao đổi với một số doanh nghiệp lữ hành, trong kinh doanh B2B, việc đưa ra quyết định chung về giá cả, thị trường, sản phẩm… là yêu cầu quan trọng trong hợp tác nên việc ứng dụng thương mại điện tử có tác động mạnh mẽ đến việc đồng bộ hóa quyết định.

Ngoài ra, kết quả cũng cho thấy, có sự khác biệt về quy mô của doanh nghiệp lữ hành đối với tác động của việc ứng dụng thương mại điện tử đến sự thúc đẩy liên kết; doanh nghiệp có quy mô trung bình (31-50 nhân viên) có tác động cao nhất. Không có sự khác biệt về quy mô doanh nghiệp đối với tác động của việc ứng dụng thương mại điện tử đến việc chia sẻ thông tin và đồng bộ hóa quyết định.

Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành có quy mô nhỏ thường là doanh nghiệp lữ hành gửi khách và các doanh nghiệp lữ hành có quy mô lớn là doanh nghiệp lữ hành nhận khách trong khi các doanh nghiệp lữ hành quy mô vừa thì vừa gửi khách và nhận khách. Vì vậy, các doanh nghiệp lữ hành quy mô vừa cần chia sẻ lợi ích và rủi ro khi hợp tác vì họ vừa là người mua vừa là người bán trong chuỗi cung ứng du lịch. Tất cả các doanh nghiệp lữ hành đều có nhu cầu chia sẻ thông tin, đồng bộ hóa quyết định trong quá trình cộng tác dù có quy mô nhỏ, vừa hay lớn. Ngoài ra, có sự khác biệt về tác động của việc ứng dụng thương mại điện tử đến việc đồng bộ hóa quyết định đối với số năm hoạt động của doanh nghiệp lữ hành, trong đó các doanh nghiệp mới thành lập có tác động lớn nhất. Một số doanh nghiệp lữ hành đồng ý khi hợp tác, các doanh nghiệp lữ hành mới thành lập tập trung vào việc ứng dụng thương mại điện tử để đạt được sự cân bằng trong việc đồng bộ hóa quyết định với các doanh nghiệp lữ hành đã thành lập lâu năm.

5. Kết luận và hàm ý quản trị

Nghiên cứu này cho phép chúng tôi kết luận, việc ứng dụng thương mại điện tử có tác động tích cực đến sự hợp tác giữa các doanh nghiệp lữ hành gửi khách và nhận khách tại Việt Nam. Kết quả của nghiên cứu này tương tự như nghiên cứu của Simatupang và Sridharan (2005), Li và cộng sự (2009), Stank và cộng sự (2001) khi cho thấy mối quan hệ tích cực giữa việc ứng dụng thương mại điện tử và hợp tác. Việc ứng dụng thương mại điện tử có hiệu quả cao nhất trong việc đồng bộ hóa quyết định, sau đó là thúc đẩy liên kết và chia sẻ thông tin.

Ngoài ra, có sự khác biệt về tác động của việc ứng dụng thương mại điện tử đến sự thúc đẩy liên kết xét về quy mô doanh nghiệp, doanh nghiệp càng lớn càng ít tác động. Có sự khác biệt về tác động của việc ứng dụng thương mại điện tử đến việc đồng bộ hóa quyết định đối với thời gian hoạt động của doanh nghiệp, đối với một doanh nghiệp mới thành lập, tác động của việc ứng dụng thương mại điện tử đến việc đồng bộ hóa quyết định là mạnh mẽ hơn. Điều này cho thấy trong kinh doanh lữ hành, các doanh nghiệp lữ hành nhỏ và mới thành lập rất năng động.

Nghiên cứu này làm sáng tỏ một số khuyến nghị cũng như hàm ý chính sách liên quan đến việc ứng dụng thương mại điện tử nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp lữ hành tại Việt Nam đạt được thành công trong hoạt động kinh doanh.

Thứ nhất, doanh nghiệp lữ hành cần đầu tư vào nguồn nhân lực không chỉ về chuyên môn mà còn về kiến ​​thức, kỹ năng thương mại điện tử.

Thứ hai, bên cạnh việc đầu tư vào nguồn nhân lực, doanh nghiệp lữ hành cũng cần đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại để đảm bảo hoạt động thông suốt. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại giúp các doanh nghiệp lữ hành gửi và nhận khách dễ dàng cộng tác hơn, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Thứ ba, doanh nghiệp lữ hành gửi và nhận khách cần hợp tác tốt với nhau trong việc ứng dụng thương mại điện tử để phát triển thị trường, tung ra sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Thứ tư, doanh nghiệp lữ hành gửi và nhận khách cần đặt ra các quy định chung và đồng bộ trên internet để giải quyết nhanh chóng các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Thứ năm, doanh nghiệp lữ hành cần đẩy mạnh tiếp thị trực tuyến, giúp tiết kiệm được nhiều chi phí và dễ dàng kết nối với khách hàng hơn.

Thứ sáu, doanh nghiệp lữ hành gửi và nhận khách cần điều chỉnh quy trình của từng công việc, có những quy định chung về hoạt động, hình thức… để việc cộng tác dễ dàng hơn.

Thứ bảy, Chính phủ cần có chính sách rõ ràng để khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử vì thương mại điện tử đang là xu hướng giao dịch hiện nay.

Do khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp lữ hành còn hạn chế nên cỡ mẫu của nghiên cứu này chỉ là 243 mẫu và phương pháp lấy mẫu áp dụng thuận tiện, phát triển mầm không cho kết quả sát thực tế hơn các phương pháp khác như lấy mẫu phân tầng. Các nghiên cứu tiếp theo cần tăng cỡ mẫu và nghiên cứu thêm về các yếu tố ảnh hưởng đến việc tiếp nhận và hợp tác thương mại điện tử.

Tài liệu tham khảo:
1. Agus, D.R., & Taufik H.E.R. (2017). Adoption Model of E-Commerce from SMEs Perspective in Developing Country Evidence – Case Study for Indonesia. European Research Studies Journal, Issue XX (Issue 4B), 227 – 243.
2. Barrat, M.A. and Oliveira, A. (2001). Exploring the experiences of collaborative planning: the enablers and inhibitors. International Journal of Physical Distribution & Logistics Management, 31 (2), 266 – 289.
3. Bitner, M.J. & Booms, B.H. (1981). Deregulation and the Future of the U.S. Travel Agent Industry. Journal of Travel Research, 1981,(2),20.
4. Bowersox, D.J., Closs, D.J. and Stank, T.P. (2003). How to master cross enterprise collaboration. Supply Chain Management Review, 7(4), 18 – 27.
5. Brynjolfsson, E. & Hitt, L. M. (1998). Information Technology and Organizational Design: Evidence from Micro Data. IT and Organizational Design, 1998.
6. Cao, M. and Zhang, Q. (2011). Supply chain collaboration: Impact on collaborative advantage and firm performance. Journal of Operations Management, 29 (3), 163 – 180.
7. Fawcett, S. E., Magnan, G. M., and McCarter, M. W. (2008). A Three-Stage Implementation Model for Supply Chain Collaboration. Journal of Business Logistics, 29 (1), 93 – 112.
8. Fawcett, S. E., Wallin, C., Allred, C., & Magnan, G. (2009). Supply chain information-sharing: benchmarking a proven path. Benchmarking: An International Journal, 16 (2), 222 – 246.
9. Frohlich, M. T. (2002). E-Integration in the supply chain: Barriers and performance. Decision Sciences, 33 (4), 537 – 556.
10. Grewal, R. & Dharwadkar, R. (2002). The Role of the Institutional Environment in Marketing Channels. Institute for the Study of Business Markets The Pennsylvania State University, ISBM Report 14 – 2001.
11. Hair, J., & Hult, G.T.M., & Ringle, C.M., & Sarstedt, M (2013). A primer on Partial least Squares Structural Equation Modeling (PLS-SEM). SAGE Publications, New York, NY.
12. Karwan, K. R. & Markland, R. E. (2005). Integrating service design principles and information technology to improve delivery and productivity in public sector operations: The case of the South Carolina DMV. Journal of Operations Management, 24 (2006),347 – 362.
13. Kleindl, B. (2000). Competitive dynamics and new business models for SMEs in the virtual marketplace. Journal of Developmental Entrepreneurship, 5(1), 73 – 80.
14. Lancioni, R. A. & Michael F. S., & Hope J. S. (2003). Strategic Internet application trends in supply chain management. Industrial Marketing Management, 32(2003), 211 – 217.
15. Leblanc, G. (1992). Factors Affecting Customer Evaluation of Service Quality in Travel Agencies: An Investigation of Customer Perceptions. Journal of Travel Research, 30 (4), 10 – 16.
16. Lee, H. L. and Whang, S. (2001). E-Business and supply chain integration.  Stanford Global Supply Chain Management Forum, SGSCMF-W2 – 2001.
17. Li, X., Goldsby, T. J., & Holsapple, C. W. (2009). Supply chain agility: scale development. International Journal of Logistics Management, 20(3), 408 – 424.
18. Lichtenthal, J. D. & Eliaz, S. (2003). Internet integration in business marketing tactics. Industrial Marketing Management, 32 (2003), 3 – 13.
19. Malhotra, A., Gasain, S. and El Sawy, O. A. (2005). Absorptive capacity configurations in supply chains: Gearing for partner-enabled market knowledge creation. MIS Quarterly, 29(1), 145 – 187.
20. Morgan, R. M. and Hunt, S. D. (1994). The commitment-trust theory of relationship marketing.  Journal of Marketing, 53 (3), 20 – 38.
21. Nyaga, G. N., Whipple, J. M. & Lynch, D. F. (2010). Examining supply chain relationships: Do buyer and supplier perspectives on collaborative relationships differ? Journal of Operations Management, 28 (2), 101 – 114.
22. Palmatier, R. W., Dant, R. P.& Kenneth R. (2006). EvansFactors Influencing the Effectiveness of Relationship Marketing: A Meta-Analysis. Journal of Marketing, 10 (6), 136 – 154.
23. Raymond, L., & Bergeron, F. & Blili, S. (2005). The assimilation of e-business in manufacturing SMEs: determinants and effects on growth and internationalization. Electronic Markets,(15), 106 – 118.
24. Sambamurthy, V., A. Bharadwaj, V. Grover. (2003). Shaping Agility through Digital Options: Reconceptualizing the Role of Information Technology in Contemporary Firms. MIS Quarterly, 27 (2), 237 – 263.
25. Sanders, N. R., & Premus, R. (2005). Modeling the relationship between firm IT capability, collaboration, and performance. Journal of Business Logistics, 26 (1), 1 – 23.
26. Simatupang, T.M. and Sridharan, R. (2004). The collaboration index: a measure for supply chain collaboration. International Journal of Physical Distribution & Logistics Management, 35(1), 44 – 62.
27. Simatupang, T.M. and Sridharan, R. (2005). An integrative framework for supply chain collaboration. The International Journal of Logistics Management, 16 (2), 257 – 274.
28. Spekman, R.E., Kamauff, J.W. Jr and Myhr, N. (1998). An empirical investigation into supply chain management: a perspective on partnerships. International Journal of Physical Distribution & Logistics Management, 3 (2), 53 – 67.
29. Stank, T.P., Keller, S.B. and Daugherty, P.J. (2001). Supply chain collaboration and logistical service performance. Journal of Business Logistics, 22(1), 29 – 48.
30. Wu, M. Y., Chou, H. P., Shih, Y. Y. and Wang, J. H. (2011). Supply chain performance improvement through partner relationship management in the hightech industry. International Journal of Management Science and Engineering Management, 6 (3), 210 – 218.
31. Zhang, X., Song, H., and Huang, G.Q. (2009). Tourism supply chain management: A new research agenda. Tourism Management, 30, 345 – 358.