Giải pháp nâng cao hiệu quả đối ngoại Quốc hội trong bối cảnh mới

Lê Phương Thảo
Văn phòng Quốc hội

(Quanlynhanuoc.vn) – Đối ngoại Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại của đất nước; đồng thời là một kênh ngoại giao quan trọng, là cầu nối để Quốc hội tham gia sâu rộng vào các hoạt động hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Trên cơ sở khái quát những thành tựu mà đối ngoại Quốc hội đạt được trong thời gian qua, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại Quốc hội trong bối cảnh mới.

Từ khóa: Việt Nam; Quốc hội; ngoại giao Quốc hội; giải pháp; nâng cao hiệu quả; bối cảnh mới.

1. Vai trò của đối ngoại Quốc hội 

Đối ngoại Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện trên các phương diện sau:

Thứ nhất, với vị trí là một kênh đối ngoại vừa mang tính nhà nước, vừa mang tính nhân dân, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong quá trình song hành cùng Chính phủ, thúc đẩy liên kết khu vực và hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Thứ hai, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, có quyền quyết định các vấn đề đối ngoại quan trọng, như: phê chuẩn hiệp ước quốc tế, gia nhập các tổ chức quốc tế, quyết định việc gửi và tiếp nhận đại diện ngoại giao.

Thứ ba, Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân. Vì vậy, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân Việt Nam.

Thứ tư, thông qua các hoạt động đối ngoại, Quốc hội góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và các quốc gia, thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị, đặc biệt là các nước láng giềng và các đối tác chiến lược; đồng thời, đóng góp vào việc xây dựng hình ảnh một đất nước hòa bình, ổn định, thân thiện và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Thứ năm, đối ngoại Quốc hội góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy hợp tác kinh tế và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Như vậy, đối ngoại Quốc hội đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện và hiện thực hóa các chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Quốc hội Việt Nam không chỉ giữ vai trò là cơ quan lập pháp cao nhất mà còn là một kênh quan trọng trong việc thúc đẩy và củng cố quan hệ đối ngoại.

2. Kết quả hoạt động đối ngoại của Quốc hội

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam trong những năm gần đây đã đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Một là, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội thành công trên cả bình diện song phương và đa phương.

a. Ở góc độ song phương

Việt Nam tích cực triển khai ngoại giao nghị viện song phương với nhiều quốc gia trên thế giới. Các chuyến thăm của lãnh đạo Quốc hội Việt Nam tới các quốc gia và các cuộc tiếp đón đoàn đại biểu quốc tế tại Việt Nam diễn ra thường xuyên, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác. Trong năm 2023, Quốc hội đón 10 đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện các nước thăm và làm việc tại Việt Nam, gồm: Hàn Quốc; Bờ Biển Ngà; Thụy Sỹ, Bỉ; Nhật Bản; Tonga; Malawi; Cuba; Duma Quốc gia Nga; Campuchia1. Bên cạnh đó, năm 2023: (1) Chủ tịch Quốc hội: thăm chính thức Cuba (đã góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước, giúp Cuba tháo gỡ những khó khăn trong việc sản xuất lương thực cũng như cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân và triển khai những dự án hợp tác giữa hai nước; thăm Cộng hòa Argentina và Cộng hòa Đông Uruguay (đây là những đối tác toàn diện và đối tác truyền thống của Việt Nam ở khu vực Nam Mỹ, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác hiệu quả, thực chất giữa Việt Nam với khu vực này ngày càng phát triển); thăm và làm việc tại Lào; Hungari, Anh, Campuchia, Philippines, tham dự Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 43 (AIPA-43) tại Campuchia; thăm chính thức Cộng hòa Bulgaria; thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Bangladesh; gặp gỡ, hội kiến với lãnh đạo đứng đầu các nước đối tác quan trọng của Việt Nam, như: Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình; Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Joseph R2; (2) Phó Chủ tịch Quốc hội: thăm và  làm việc tại Bỉ, Bồ Đào Nha, Kazakhstan và Kyrgystan3.

b. Ở góc độ đa phương.

Việt Nam đã tích cực tham gia vào các tổ chức và diễn đàn nghị viện quốc tế và khu vực, đóng góp ý kiến vào các vấn đề toàn cầu và khu vực, đồng thời thúc đẩy hợp tác đa phương. Quốc hội Việt Nam đã tham gia 3 hội nghị nghị viện lớn quy mô toàn cầu và khu vực, như: (1) Tham dự Đại hội đồng AIPA 42 (tháng 8/2021) do Hội đồng Lập pháp Brunei Darussalam tổ chức. Tại hội nghị, Việt Nam đóng góp 5 ý kiến, khẳng định vị thế của Quốc hội Việt Nam, như: củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); phát huy vai trò giám sát của các nghị viện thành viên đối với triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể của ASEAN; đổi mới cơ cấu tổ chức và hoạt động của AIPA; thúc đẩy bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ, thanh niên trong quá trình hoạch định triển khai chính sách; tăng cường sự tham gia của nghị sĩ trẻ AIPA, và đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của các nghị viện thành viên4; (2) Tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo. Việt Nam đã có 2 bài phát biểu quan trọng nêu rõ quan điểm của Việt Nam về các vấn đề toàn cầu. Nghị viện các nước đã thống nhất chung tay phòng, chống đại dịch, chia sẻ vaccine, lập chiến lược thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Nam5; (3) Tham dự Hội nghị APPF 29 do Quốc hội Hàn Quốc tổ chức (tháng 12/2021) theo hình thức trực tuyến. Các phát biểu về vấn đề chính trị an ninh và kinh tế và thương mại tại Hội nghị đã mang đến thông điệp và hình ảnh về đất nước Việt Nam đoàn kết, kiên cường trong dịch bệnh, khát vọng vươn lên; tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; phát huy vai trò của ngoại giao nghị viện, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Quốc hội Việt Nam trong ngoại giao nghị viện khu vực. Đặc biệt, Ban Chấp hành APPF đã nhất trí đề cử Quốc hội Việt Nam tham gia Ban Chấp hành APPF trong nhiệm kỳ mới 4 năm, bắt đầu từ APPF-30 đến hết Hội nghị APPF-33, cho thấy sự tín nhiệm cao của các nghị viện thành viên đối với Quốc hội Việt Nam6.

Bên cạnh đó, sự kiện “Quốc hội đăng cai Tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 (từ ngày 14/9 – 17/9/2023) là dấu ấn quan trọng về hoạt động đối ngoại đa phương năm 2023 của Quốc hội. Hoạt động này là cơ hội để Việt Nam tiếp tục thể hiện và quảng bá hình ảnh Việt Nam và Quốc hội Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Như vậy, ngoại giao nghị viện song phương là kênh quan trọng để tăng cường hiểu biết, hợp tác và tin cậy giữa các quốc gia, góp phần vào việc xây dựng các mối quan hệ đối tác toàn diện và bền vững. Ngoại giao nghị viện đa phương là một kênh quan trọng để Việt Nam hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế và đóng góp vào việc xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. Có thể thấy, hoạt động của Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế nghị viện được nâng tầm từ “tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm” lên “dẫn dắt, định hình luật chơi”, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược của Việt Nam7.

Hai làQuốc hội Việt Nam đã chủ động trong hành động, đồng hành cùng Chính phủ vì mục tiêu cao nhất là chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của Nhân dân: Quốc hội đã thành công trong chiến dịch “ngoại giao vaccine”, có được các loại thuốc và vật tư y tế để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước. 

(1) Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tiếp nhận 200.000 liều vaccine AstraZeneca được chính phủ Vương quốc Bỉ và Cộng hòa Slovakia trao tặng; cùng với đó là các thiết bị, vật tư y tế trị giá 1.028 tỷ đồng, cùng tiền mặt ủng hộ T.P. Hồ Chí Minh và Quỹ phòng, chống Covid -19 (tháng 9/2021)8.

(2) Sau chuyến thăm chính thức Hàn Quốc và Ấn Độ, Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam đã tiếp nhận 200.000 liều vaccine COVAXIN cho trẻ em dưới 18 tuổi do Tập đoàn Bharat Biotech (Ấn Độ) ủng hộ; chuyển giao toàn bộ công nghệ và 1 tấn nguyên liệu điều chế 4.750.000 viên thuốc MOVINAVIR 200 mg điều trị Covid -19 do Công ty Optimus Pharma (Ấn Độ) phối hợp với Công ty Cổ phần Hóa – Dược phẩm Mekophar (Việt Nam)9.

Ba là, đối ngoại Quốc hội hỗ trợ công tác phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Kết quả thể hiện qua các chuyến thăm của lãnh đạo Quốc hội các nước đến Việt Nam và chuyến thăm của lãnh đạo Quốc hội Việt Nam đến các nước. Đó là:

(1) Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo thăm chính thức Việt Nam (từ ngày 12/1 – 18/01/2023), tại chuyến thăm này, lãnh đạo hai bên nhất trí sớm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng bền vững, cân bằng hơn trên cơ sở khai thác tốt các Hiệp định thương mại song phương và đa phương hiện có; thúc đẩy hợp tác để Hàn Quốc trở thành đối tác chiến lược thực sự của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn; nhất trí trao đổi, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực chuyển đổi số, bảo đảm an ninh năng lượng, chuyển đổi năng lượng một cách công bằng để hiện thực hóa cam kết của mỗi nước tại Hội nghị COP2610.

(2) Chuyến thăm của Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Otsuji Hidehisa tới Việt Nam (từ ngày 04/9 – 07/9/2023), hai bên đã nhất trí chuẩn bị để sớm ký thoả thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Nhật Bản, làm cơ sở để cơ quan lập pháp hai nước tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các Ủy ban chuyên môn, nhất là trong hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp hai nước mở rộng hợp tác, đầu tư tại mỗi nước11.

(3) Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Khuon Sudary (từ ngày 30/11/2023 – 02/12/2023), hai bên nhất trí cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong các dự án kết nối giao thông hai nước; tăng tần suất các chuyến bay thẳng giữa các thành phố lớn phù hợp nhu cầu của hai bên; khuyến khích các địa phương kết nối cảng biển; hợp tác du lịch đường bộ gắn với khai thác thế mạnh đặc sắc về văn hóa, di sản, ẩm thực; thu hút du khách quốc tế quay trở lại; thực hiện Kế hoạch phát triển du lịch tại Khu vực Tam giác phát triển, phối hợp với Lào đẩy mạnh du lịch “Một hành trình ba điểm đến” qua Campuchia – Lào – Việt Nam12

Với các kết quả đã đạt được, có thể khẳng định, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã chủ động, tích cực, phát triển theo chiều sâu, toàn diện và thực chất, mở rộng trên cả bình diện song phương và đa phương, góp phần làm cho Nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế ngày càng hiểu biết rõ hơn về đất nước, con người và nền văn hoá Việt Nam, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế; đồng thời, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ đoàn kết đặc biệt, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện. Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp với nhiều nhân tố khó dự báo, tác động đa chiều tới môi trường an ninh, chính trị, đến công cuộc đổi mới của đất nước, trong đó có nhiều vấn đề chưa có tiền lệ. Vì vậy, cần phải có các giải pháp cụ thể, đồng bộ để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của đối ngoại Quốc hội trong bối cảnh mới.

3. Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại Quốc hội trong bối cảnh mới

Thứ nhất, cần phải đổi mới, sáng tạo và linh hoạt trong tư duy đối ngoại. Tư duy mới đó là cách tiếp cận toàn cầu, đa phương và liên ngành, trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Trong bối cảnh hiện nay, cần thêm “cân bằng” chiến lược, nhất là với các nước lớn; đồng thời, chuyển hóa các thách thức thành cơ hội và lợi thế để nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của đất nước.

Thứ hai, cần triển khai kênh đối ngoại Quốc hội đồng bộ với tất cả các kênh đối ngoại khác (đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân) tạo nên sức mạnh đối ngoại tổng hợp của quốc gia. Bên cạnh đó, sự phối hợp các kênh đối ngoại này sẽ thuận lợi hơn trong việc nhận định tình hình, nhất là các vấn đề liên quan đến vấn đề an ninh và phát triển của đất nước. Từ đó, tham mưu hiệu quả, kịp thời các biện pháp đối ngoại; đồng thời, nghiên cứu và dự báo chiến lược về cục diện thế giới, khu vực, các xu thế lớn, các đối tác quan trọng, các vấn đề quốc tế… có ảnh hưởng tới lợi ích của đất nước.

Thứ ba, ngoại giao nghị viện vừa mang tính Nhà nước, vừa mang tính Nhân dân, tiên phong, mở đường cho các mối quan hệ hợp tác trên cả hai bình diện song phương (giữa Quốc hội ta với Quốc hội/Nghị viện các nước) và đa phương (với các tổ chức hợp tác liên nghị viện khu vực và toàn cầu). Đây là “sức mạnh mềm” của ngoại giao nghị viện, vì vậy, cần phải được đẩy mạnh và phát huy hơn nữa trong thời gian tới. Đặc biệt, cần đẩy mạnh kết nối về văn hóa, xã hội, giáo dục, thanh niên, du lịch, kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, người dân với người dân và địa phương với địa phương nhằm lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh của Việt Nam đến với khu vực và quốc tế.

Thứ tư, Quốc hội đã triển khai kịp thời công tác phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của các điều ước quốc tế; thông qua nhiều quyết sách quan trọng về đối ngoại. Tuy nhiên, các nước đều đang đẩy mạnh điều chỉnh chiến lược, chính sách; nhiều khuôn khổ, cơ chế hợp tác mới đang được hình thành. Vì vậy, các đại sứ quán cần đẩy mạnh công tác nắm bắt thông tin, đánh giá về các chiều hướng vận động mới trong chính sách và quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng, khu vực; các vấn đề mới đang nổi lên trong quan hệ quốc tế; các kinh nghiệm tốt về hoạt động nghị viện của các nước để tham mưu cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội trong điều chỉnh chính sách.

Chú thích: 
1. Nhìn lại hoạt động đối ngoại năm 2023: quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước ngày càng được củng cố, thúc đẩy, đi vào chiều sâu, thực chất. https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=83659ngày 31/12/2023.
2, 3. Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Vũ Hải Hà: đối ngoại Quốc hội góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước đối tác và bạn bè truyền thống. https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=84652, ngày 10/02/2024.
4. Phát huy lợi thế hoạt động đối ngoại của Quốc hội, góp phần nâng cao hiệu quả đối ngoại Đảng và ngoại giao nhà nước trong tình hình mới. https://tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/phat-huy-loi-the-hoat-dong-doi-ngoai-cua-quoc-hoi-gop-phan-nang-cao-hieu-qua-doi-ngoai-dang-va-ngoai-giao-nha-nuoc-trong-tinh-hinh-moi
5, 6, 8, 9, 10, 11, 12. Dấu ấn hoạt động đối ngoại của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay: chủ động, tích cực, thích ứng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=73499 ngày 26/02/2023.
7. Quốc hội Việt Nam xác lập vị thế trong ngoại giao nghị viện thế giới. https://www.vietnamplus.vn/quoc-hoi-viet-nam-xac-lap-vi-the-trong-ngoai-giao-nghi-vien-the-gioi-post766297.vnp, ngày 02/01/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại. https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/12/14/hoi-nghi-doi-ngoai-toan-quoc-trien-khai-thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-cua-dang-phat-huy-vai-tro-tien-phong-cua-doi-ngoai, ngày 14/12/2021.
2. Một năm thành công vượt trội của đối ngoại Việt Nam. https://vietnamnet.vn/mot-nam-thanh-cong-vuot-troi-cua-doi-ngoai-viet-nam-2229398.html, ngày 01/01/2024.