ThS. Phạm Thanh Băng
Học viện Hành chính Quốc gia
ThS. Phạm Thanh Tùng
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Tỉnh Hòa Bình đã xác định năm 2024 là năm tăng tốc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025, theo đó tập trung đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế của tỉnh. Bài viết nêu một số kết quả đạt được, trên cơ sở phân tích nguyên nhân, hạn chế làm chậm tiến độ giải ngân và giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong những tháng đầu năm 2024, từ đó có những đề xuất giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác giải ngân gắn với bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Từ khóa: Giải ngân, vốn đầu tư công, sử dụng nguồn vốn, hiệu quả, tỉnh Hòa Bình.
1. Đặt vấn đề
Thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 08/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hòa Bình đã ban hành Công văn số 1478/UBND-KTN ngày 28/8/2024, trong đó quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức, vai trò của đầu tư công đối với phát triển kinh tế – xã hội; xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để thực hiện điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024.
2. Công tác triển khai giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
Ngay từ đầu năm, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 và đạt kết quả tương đương so với trung bình cả nước. Theo báo cáo của UBND tỉnh tại Công văn số 819/UBND-KTN ngày 03/6/2024, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 được giao các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư thực hiện theo dõi chặt chẽ tiến độ các dự án, bảo đảm số vốn và tỷ lệ giải ngân từng tuần, từng tháng đúng với kế hoạch đã cam kết; nghiên cứu, triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện để có thể giải ngân thêm vốn so với kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt, có cơ chế linh hoạt mới đối với các đơn vị đăng ký bổ sung thêm vốn năm 2024, trong trường hợp không thể giải ngân được số vốn đăng ký bổ sung vì lý do khách quan sẽ không bị xem xét, xử lý (tỷ lệ giải ngân của từng đơn vị sẽ được xác định dựa trên số vốn thực tế giải ngân so với kế hoạch giải ngân cam kết từ đầu năm).
Kết quả kế hoạch giải ngân vốn theo kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao 3.430,661 tỷ đồng; số vốn được Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh thông qua là 3.763,925 tỷ đồng, đến ngày 31/7/2024, toàn tỉnh giải ngân được 1.164,3 tỷ đồng (đạt 34% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao; đạt 31% kế hoạch vốn HĐND tỉnh thông qua). UBND tỉnh đã giao chi tiết đến từng dự án, cụ thể: vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh giải ngân 747,9 tỷ đồng (đạt 41% kế hoạch vốn); vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước) giải ngân 279,4 tỷ đồng (đạt 23%); vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân 96,8 tỷ đồng (đạt 15%); vốn ODA giải ngân 40,2 tỷ đồng (đạt 60%).
Đối với kế hoạch từ năm trước được phép kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024, tổng kế hoạch vốn là 4.821,083 tỷ đồng, cho đến nay đã giải ngân 177,6 tỷ đồng, trong đó vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân 80 tỷ đồng (đạt 41% kế hoạch); vốn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội giải ngân 97,6 tỷ đồng (đạt 2,1%); vốn ODA chưa giải ngân, kế hoạch vốn năm 2024 được giao 10 tỷ đồng1.
Tuy nhiên, bên cạnh những nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân đạt khá như trên, còn có các nguồn vốn chương trình hiện tỷ lệ giải ngân chưa cao (dưới 30%) mà tập trung nhất vẫn là từ những dự án chưa thực hiện giải ngân lần đầu và có nguy cơ mất vốn, phải trả vốn về trung ương.
Từ thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngày 31/7/2024 cho biết, toàn tỉnh có 18 dự án sử dụng nguồn ngân sách trung ương nằm trong danh mục các dự án giải ngân 0% mà Bộ Tài chính công khai tại Công văn số 4848/BTC-ĐT ngày 13/5/2024 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về công khai các dự án giải ngân 0% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 nguồn ngân sách trung ương (vốn trong nước) do địa phương quản lý. Trong đó, có các danh mục dự án, như: đường từ Quốc lộ 6 đến khu công nghiệp Nhuận Trạch (huyện Lương Sơn do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lương Sơn làm chủ đầu tư); dự án đường nối cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình với khu công nghiệp Yên Quang (thành phố Hòa Bình do Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình quản lý); dự án đường nối đường QH8 với đường An Dương Vương (thành phố Hòa Bình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư). Đây là các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên kết vùng, dự án trọng điểm khác được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, do đó không thể điều chuyển vốn cho các dự án khác cùng nguồn vốn.
Cũng theo số liệu tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đối với kết quả giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia, có 4 chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân nguồn vốn, đó là: UBND huyện Tân Lạc (chưa giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia); UBND huyện Đà Bắc (chưa giải ngân chương trình xây dựng nông thôn mới); UBND huyện Kim Bôi (chưa giải ngân chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi); Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (chưa giải ngân chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Có 7 dự án được bố trí kế hoạch giải ngân chậm có vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở trên địa bàn tỉnh, cụ thể là dự án có tỷ lệ giải ngân 0% như dự án khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở sông Bùi, đoạn từ ngầm nhà máy xi măng đi cầu Đồng Chúi, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn (do UBND huyện Lương Sơn làm chủ đầu tư) có nguy cơ mất vốn rất cao, phải trả nguồn vốn trung ương.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các ban quản lý dự án chuyên ngành của tỉnh và các chủ đầu tư nghiêm túc, quyết liệt triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh về đẩy mạnh công tác giải ngân, bảo đảm nguồn vốn ngân sách nhà nước được sử dụng hiệu quả. Trong đó, UBND tỉnh giao đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các đoàn kiểm tra thực địa về tình hình thực hiện dự án đầu tư công trên địa bàn 4 huyện: Đà Bắc, Lạc Thủy, Mai Châu, Lạc Sơn. Qua đó đã nắm rõ được tình hình tồn tại nhiều năm trong công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và đề xuất phương án tháo gỡ, giải quyết phù hợp.
Thực tế tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Hòa Bình hiện nay là do yếu tố chủ quan, nhất là những tồn tại, yếu kém trong công tác trong 7 tháng đầu năm 2024 mà nguyên nhân chính dẫn đến quản lý điều hành, tổ chức thực hiện chính là do còn một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chậm ban hành, chậm được sửa đổi, bổ sung; công tác quản lý đầu tư xây dựng còn nhiều bất cập, nhất là tình trạng bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm chễ; công tác đấu thầu và thanh tra, kiểm tra còn chưa thường xuyên; sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu chặt chẽ. Việc giải ngân vốn đầu tư công trong 7 tháng của năm 2024 đạt thấp, gây lãng phí nguồn lực, tỷ lệ giải ngân chưa đạt yêu cầu, ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên chủ yếu là do sự thiếu quan tâm chỉ đạo, chưa phối kết hợp giữa ngành và địa phương, các ban quản lý; một số chủ đầu tư cũng như năng lực của đội ngũ công chức, viên chức, lao động tại một số ban quản lý dự án còn thiếu kỹ năng chỉ đạo và xử lý những tình huống phát sinh xảy ra, nhất là đối với công tác giải phóng, bồi thường…
3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới
Để phấn đấu đạt được kết quả giải ngân theo kế hoạch vốn của Thủ tướng Chính phủ giao và được nêu trong Kết luận số 997-KL/TU ngày 12/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Hội nghị giao ban chuyên đề quý I/2024 về “Nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”; UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo lộ trình: ngày 30/6/2024, giải ngân đạt 50% so với số kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao; đến ngày 30/9/2024, giải ngân đạt 70% số kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao; đến ngày 30/11/2024, giải ngân đạt 90% số kế hoạch vốn TTCP giao; đến ngày 31/01/2025, giải ngân đạt 100% số kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, thực hiện một số giải pháp trọng tâm quan trọng sau:
Một là, đề xuất các bộ, ngành liên quan cần sớm hướng dẫn việc điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 được bố trí vốn trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 tại khoản 5 Điều 4 Nghị quyết số 93/2023/QH15 ngày 22/6/2023 của Quốc hội. Từ đó, tổng hợp, đề xuất phương án xử lý kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2023 chưa phân bổ hết hoặc phân bổ nhưng không thể giải ngân hết. Đồng thời, cũng như các tỉnh, thành phố khác, tỉnh cần chủ động thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn kịp thời từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có nhu cầu bổ sung vốn và có khả năng giải ngân bảo đảm đúng quy định (Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ).
Hai là, phân công, phân cấp hiệu quả,đối vớiUBND tỉnh cần chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm giải ngân vốn đầu tư công hoàn thành đúng tiến độ đề ra vào những tháng cuối năm 2024, trong đó yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung vào cuộc quyết liệt để tổ chức có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh giải ngân gắn với bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Đối với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và đơn vị liên quan cần tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 để tiếp thêm động lực trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong đó, giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện tổng hợp, theo dõi tình hình thực hiện và tiến độ giải ngân của các dự án thuộc kế hoạch vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước), đồng thời, báo cáo UBND tỉnh thực hiện điều chỉnh toàn bộ số vốn đã được bố trí năm 2024 sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn. Bên cạnh đó, phối hợp hiệu quả với các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án để xử lý nhanh các thủ tục hành chính (nhất là thủ tục liên quan đến triển khai, giải ngân dự án đầu tư công). Theo đó, Sở cần tổ chức kiểm tra thực địa đối với các dự án, báo cáo kết quả thực hiện để Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Ba là, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể là: (1) Tăng cường giám sát việc chấp hành các quy định trong quản lý, giải ngân vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. (2) Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan chuyên môn thực hiện hướng dẫn, xử lý hồ sơ liên quan đến công tác thẩm định dự án, tham mưu xử lý bảo đảm chất lượng và tiến độ; (3) Đẩy mạnh hơn nữa sự kết nối thông tin, báo cáo giải trình, giám sát sự tuân thủ quy định, quy trình, tiến độ, hiệu quả, mục tiêu của dự án; lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân từng tháng, quý; (4) Đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, trong đó phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trên địa bàn để thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan đến giải phóng mặt bằng; (5) Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, dồng thời đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ.
4. Kết luận
Đẩy mạnh thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công luôn được tỉnh Hoà Bình xác định là nhiệm vụ trụ cột quan trọng đối với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, bởi vì vừa tạo ra kết cấu hạ tầng đồng bộ, vừa tạo ra lưu chuyển hàng hóa, tạo điều kiện thu hút đầu tư, kích thích sản xuất, góp phần tăng trưởng kinh tế. Để đạt được mục tiêu và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công tác giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và tổ chức, đơn vị liên quan sẽ tập trung thực hiện các giải pháp đã đề ra, từ đó xây dựng các phương án giải quyết phù hợp, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 để tiếp thêm động lực đối với phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn tiếp theo.
Chú thích:
1. Không để vốn đầu tư công trở thành “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế. https://baohoabinh.com.vn/12/192594/Khong-de-von-dau-tu-cong-tro-thanh-diem-nghen-tr111ng-phat-trien-kinh-te.htm, ngày 24/8/2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình (2024). Kết luận số 997-KL/TU ngày 12/4/2024 tại Hội nghị giao ban chuyên đề quý I/2024 “Nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”.
2. Bộ Tài chính (2024). Công văn số 4848/BTC-ĐT ngày 13/5/2024 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về công khai các dự án giải ngân 0% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 nguồn ngân sách trung ương (vốn trong nước) do địa phương quản lý.
3. Thủ tướng Chính phủ (2023). Quyết định số 1739/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 về việc hỗ trợ tư nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho một số địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở.
4. UBND tỉnh Hòa Bình (2024). Công văn số 495/UBND-KTN ngày 04/4/2024 về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
5. UBND tỉnh Hòa Bình (2024). Công văn số 1478/UBND-KTN ngày 28/8/2024 về việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.
6. https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM312693, truy cập ngày 28/8/2024.