Kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc xây dựng thể chế và chính sách phát triển ngành Công nghiệp bán dẫn và gợi ý cho Việt Nam

TS. Vũ Ngọc Thanh
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Việt Nam lựa chọn chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong điều kiện chưa sẵn sàng các yếu tố tiền đề căn bản, như: thể chế và chính sách, nhân lực, hạ tầng kỹ thuật,… do đó rất cần những bài học kinh nghiệm hữu ích từ các nước đi trước đã có sự phát triển, thành công và có kinh nghiệm trong thực tiễn xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách. Bài viết giới thiệu kết quả khảo cứu kinh nghiệm từ Trung Quốc để đúc rút kinh nghiệm cho Việt Nam1.

Từ khoá: Thể chế thúc đẩy, phát triển công nghiệp bán dẫn, kinh nghiệm của Trung Quốc, công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Trung Quốc hiện vẫn và sẽ còn là một thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới, đang là khách hàng chip số một của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Tham vọng tự chủ toàn bộ chuỗi giá trị của ngành bán dẫn có thể giúp Trung Quốc trở thành một cường quốc bán dẫn trong thế kỷ XXI2.

Song, những đánh giá về ngành công nghiệp chip của Trung Quốc đã cho thấy một thực tế là Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu chất bán dẫn, chiếm 24% nhu cầu chip toàn cầu, nhưng lại chỉ đóng góp 9% giá trị gia tăng toàn cầu trong việc phát triển và sản xuất công nghệ của ngành này. Thực tế, công đoạn duy nhất của chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu mà Trung Quốc chiếm thị phần lớn nhất là lắp ráp và đóng gói chip, ở mức 38%, nhưng đây là công đoạn tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất trong ngành này3.

Theo đó, trong bối cảnh và môi trường khắc nghiệt bên ngoài, các doanh nghiệp Trung Quốc phải tiếp tục thích nghi với những xu hướng chính sau:

(1) Chuyển đổi trọng tâm trong chính sách hỗ trợ của Chính phủ và phát triển hoàn chỉnh quy trình sản xuất hiện có do không thể phát triển các quy trình sản xuất tiên tiến. Thay đổi này làm cho các nhà sản xuất trong nước tích cực hơn trong việc tìm khách hàng và so với mô hình hỗ trợ cũ thì sự điều chỉnh này đã khích lệ các doanh nghiệp địa phương, các đơn vị thiết kế vi mạch mở rộng hoạt động nhiều nhất có thể.

(2) Tập trung vào chất bán dẫn dải rộng, như: cacbua silic và gali nitrit có các đặc tính là thất thoát điện năng thấp, công suất cao, chịu được nhiệt độ cao, thích hợp với môi trường điện áp cao. Chất bán dẫn băng thông rộng sẽ đóng vai trò then chốt trong các ứng dụng của xe điện, thông tin liên lạc 5G, năng lượng xanh,… và hiện nay, chất bán dẫn dải rộng được coi là ngành công nghiệp ở cấp độ an ninh quốc gia. Mọi quốc gia phát triển đều mong muốn giữ sự độc lập về công nghệ trong chất bán dẫn dải rộng. Riêng Trung Quốc ưu tiên phát triển trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 với hy vọng sẽ phát triển hơn nữa công nghệ và nhanh chóng sử dụng nó trong các phương tiện năng lượng mới, ngành công nghiệp truyền thông,…4.

2. Kinh nghiệm của Trung Quốc trong xây dựng tầm nhìn chiến lược phát triển ngành Công nghiệp bán dẫn

Trung Quốc nỗ lực xây dựng chiến lược và các chính sách phát triển công nghiệp bán dẫn trong lộ trình Made in China 2025 – trở thành một quốc gia đi đầu thế giới ở nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau, gồm trí tuệ nhân tạo, mạng không dây 5G và điện toán lượng tử nhằm giảm sự phụ thuộc vào phần còn lại của thế giới5.

Trung Quốc đã ban hành Hướng dẫn quốc gia về phát triển và thúc đẩy ngành công nghiệp vi mạch để hỗ trợ sự phát triển trong nước, bao gồm các mục tiêu phát triển, cách tiếp cận, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Việc này đã thu hút sự chú ý lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu nhờ các mục tiêu rất tham vọng cùng số vốn khổng lồ của Quỹ lớn6. Hành động lập Quỹ lớn hỗ trợ cho ngành mạch tích hợp (IC) là sự thay đổi lớn, căn bản nhất so với trước đây và chính sách mới được áp dụng với cách tiếp cận dựa trên thị trường và sự hỗ trợ của nhà nước được thực hiện thông qua các Quỹ lớn7.

Năm 2024, Trung Quốc mở thêm quỹ đầu tư gần 50 tỷ USD cho ngành sản xuất chip. Đây là giai đoạn thứ ba của Quỹ lớn. Ở giai đoạn 1, quỹ này được mở vào năm 2014 với quy mô 138,7 tỷ nhân dân tệ, tương đương 19,2 tỷ USD; đến giai đoạn 2, quỹ này được lập 5 năm sau đó với số vốn là 204,1 tỷ nhân dân tệ, tương đương 28,2 tỷ USD. Các quỹ này đều có mục đích chung là đưa ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đạt tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2030 và chủ yếu rót vốn vào các hoạt động sản xuất chip, thiết kế chip, mua sắm trang thiết bị và nguyên vật liệu cho ngành chip trong trong tiến trình “Made in China 2025” hướng tới mục tiêu trở thành một quốc gia đi đầu thế giới ở nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau, gồm trí tuệ nhân tạo (AI), mạng không dây 5G và điện toán lượng tử8.

Khoảng 66% trợ cấp bán dẫn đến từ chính quyền địa phương, chỉ 34% từ chính quyền trung ương. Các quỹ cấp tỉnh này chủ yếu quan tâm đến việc thúc đẩy hoạt động kinh tế nên nhiều quỹ không xem xét nhu cầu của chuỗi cung ứng quốc gia khi đưa ra các ưu đãi. Nhận thấy rõ thực tế bất cập này, Hội nghị tư vấn chính sách của Trung Quốc đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách quốc gia cần điều chỉnh các nỗ lực phát triển bán dẫn khác nhau thành một chiến lược quốc gia duy nhất9. Và, điều này được hiện thực hoá bằng một chính sách công nghiệp mới vào năm 2014 để phục hồi và phát triển ngành IC, cho thấy sự trở lại của mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước định hướng và dẫn dắt trong vai trò chủ đạo khi cần10.

Nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Chính phủ, Trung Quốc thành lập Tổ điều hành chính sách công nghiệp bán dẫn (Tổ) của Chính phủ vào tháng 3/2023 và thay đổi cách thức giám sát.

3. Kinh nghiệm của Trung Quốc trong điều chỉnh về quản trị và các năng lực thực thi phát triển ngành Công nghiệp bán dẫn

Mặc dù chiến lược Made in China 2025 được Trung Quốc công bố vào 2015 khởi đầu các nỗ lực phát triển khả năng tự chủ trong các lĩnh vực chủ chốt, các mục tiêu được đặt ra lúc đó là phi thực tế đối với ngành bán dẫn đang toàn cầu hoá và hầu hết các công ty Trung Quốc đã bỏ qua sáng kiến này và tham gia vào thị trường toàn cầu theo cách tốt nhất có thể11.

Cuối năm 2023, ngành bán dẫn Trung Quốc phải đối mặt với rất nhiều thách thức lớn do bị hạn chế quyền tiếp cận công nghệ tiên tiến của Phương tây. Do đó, Trung Quốc đã tìm cách hỗ trợ các doanh nghiệp hàng đầu, như: SMIC, YMTC và CXMT thay thế nguồn nhân sự ngoại quốc, nhất là từ Mỹ, đang làm việc tại Trung Quốc. Sau đó, tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào công nghệ Phương tây và chuyển sang sử dụng các máy móc, nguyên liệu trong nước12.

Đến nay, Trung Quốc điều chỉnh thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở một số phương diện sau:

(1) Thực hiện quản trị từ trên xuống. Cách tiếp cận mới của Trung Quốc có được sau khi phân tích hiệu quả của cách tiếp cận cũ đối với chính sách công nghiệp bán dẫn, trong đó: việc bổ nhiệm các nhà khoa học đầu ngành vào các vị trí quản trị cao cấp đã không mang lại nhiều tiến triển như kỳ vọng; việc để cho các tác nhân thị trường chi phối, dẫn dắt mà không phải là Nhà nước đã không còn mang lại hiệu quả trong bối cảnh mới.

Trung Quốc đã quyết định để một doanh nghiệp nhà nước trung ương điều phối tổng thể chính sách công nghiệp bán dẫn quốc gia, theo cách giống như đã làm trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân, hay hàng không vũ trụ và một vài lĩnh vực khác đã không chỉ thành công trong lĩnh vực của họ trên khắp thế giới, mà còn đóng vai trò quan trọng cho công nghiệp quốc phòng và an ninh quốc gia.

(2) Hướng đầu tư mạnh vào nghiên cứu & phát triển (R&D). Sau hơn 10 năm lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài trong ngành sản xuất chip, Trung Quốc đã nhận thấy cách hoạt động R&D hiện không đáp ứng yêu cầu tự chủ trong những lĩnh vực như vật lý bán dẫn và công nghệ quang khắc. Do vậy, trách nhiệm của Tổ là điều phối chi tiêu và hợp tác R&D tốt hơn trong cả nước, đồng thời, đẩy nhanh quá trình chuyển giao kết quả R&D từ các tổ chức nhà nước sang khu vực tư nhân để có sản phẩm tiên tiến nhanh nhất.

Đầu năm 2023, Trung Quốc đã chỉ định 5 doanh nghiệp tư nhân (Huawei, SMIC, YMTC, Naura và AMEC) được đặc quyền tiếp cận các kết quả nghiên cứu của Nhà nước. Các đơn vị này tổ chức nghiên cứu, sản xuất và sử dụng các thiết bị bán dẫn mà không bị giới hạn tài trợ với mục tiêu vượt qua các hạn chế từ các lệnh cấm13.

(3) Tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp. Bằng cách tiếp cận R&D toàn diện hơn, khu vực tư nhân đã đầu tư mạnh mẽ cho R&D trong các lĩnh vực vẫn đang bị tụt hậu so với Mỹ và phương Tây. Và, sớm khắc phục sự tụt hậu này và vượt Mỹ chính là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực R&D được phối hợp giữa các tổ chức nghiên cứu của Nhà nước và khu vực tư nhân. Hiện, Huawei đóng vai trò động lực lớn nhất thúc đẩy khu vực tư nhân trong chính sách bán dẫn mới của Trung Quốc. Huawei đã thiết lập được quan hệ hợp tác chặt chẽ với SMIC, đặc biệt là với SMSC (một liên doanh thuộc sở hữu của SMIC, Quỹ lớn, và Quỹ IC Thượng Hải). Còn SMSC tập trung vào sản xuất các chip bán dẫn nội địa, đã làm chủ quy trình sản xuất 12 nanomet và có thể sản xuất chip 7 nanomet với hiệu suất thấp và sản xuất tất cả chip tiên tiến nhất được HiSilicon (đơn vị bán dẫn của Huawei) thiết kế để sử dụng trong các điện thoại thông minh, thiết bị 5G, các trung tâm dữ liệu của tập đoàn này; sở hữu số lượng lớn các công cụ của ASML, bao gồm: hệ thống công nghệ quang khắc cực tím DUV, chỉ một thế hệ trước công nghệ siêu cực tím EUV được ASML giới thiệu vào cuối năm 202114.

(4) Loại bỏ công nghệ của phương Tây khỏi chuỗi sản xuất nội địa. Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách thức thay thế thiết bị và vật liệu Phương tây bằng của nội địa, do đó chiến lược hỗ trợ khu vực tư nhân đã ra đời, trong đó bao gồm việc phải tự chủ hoá dần toàn bộ quy trình sản xuất chip, theo đó sẽ chia thành các giai đoạn khác nhau dựa trên tiến trình đột phá nhưng trước mặt, thu hút sự tham gia hợp tác của các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu vào việc áp dụng các phương pháp, kỹ thuật hiện đại để phát triển các hệ thống sản xuất tiên tiến đủ đáp ứng phần lớn các ứng dụng khác nhau.

Các nỗ lực trong một số mặt trọng yếu được bắt đầu từ năm 2022, Nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân đều phải cùng nhau tìm cách phát triển các giải pháp thay thế công nghệ của nước ngoài trong bốn lĩnh vực chính là: công nghệ quang khắc; công cụ tự động hóa thiết kế điện tử (EDA); vật liệu bán dẫn; phương pháp đóng gói tiên tiến. Các doanh nghiệp này, bao gồm những đơn vị lớn và hàng ngàn đơn vị vừa và nhỏ trên cả nước, có cơ hội lấp đầy khoảng trống công nghệ mà các doanh nghiệp của Mỹ để lại.

Về vật liệu bán dẫn, bắt đầu chuẩn bị cho rủi ro bị cấm tiếp cận bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; khi tự chủ được về vật liệu bán dẫn thì có thể đẩy nhanh khả năng tạo ra được công nghệ quang khắc DUV ngang tầm với ASML hiện nay. Nhiều đơn vị sản xuất thiết bị quan trọng khác cũng được hưởng lợi lớn từ quá trình nội địa hoá công nghệ. Vì vậy, nhiều hãng chế tạo thiết bị nước ngoài ngày càng tỏ ra lo ngại về việc thiết bị của Trung Quốc đang nhanh chóng được nâng cao chất lượng, với mức giá thấp hơn sẽ sớm tăng mạnh sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

(5) Làm chủ thị trường chip truyền thống. Trung Quốc tập trung vào sản xuất chip truyền thống từ 28 nanomet trở lên. Vì các chip truyền thống được dùng trong hầu hết các ngành chế tạo ô tô, máy bay, điện tử gia dụng, băng thông rộng, thiết bị quân sự, thiết bị y tế, hệ thống tự động hoá trong các nhà máy. Điều này quan trọng với mọi quốc gia, nhất là Trung Quốc với vai trò là công xưởng của thế giới15.

Có thể thấy, ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đang tạo cơ hội và động lực lớn lao cho Trung Quốc thúc đẩy nhanh hơn, mạnh hơn tiến trình nội địa hoá và hiện vẫn đang là một quốc gia đứng hàng đầu về công nghiệp chip.

4. Những kinh nghiệm hữu ích cho xây dựng, hoàn thiện thể chế và chính sách phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam

Kinh nghiệm từ Trung Quốc rất quý cho Việt Nam trong việc tổ chức thực hiện chủ trương phát triển ngành công nghiệp chip ở những phương diện sau:  

Thứ nhất, nếu chỉ hỗ trợ tài chính của Nhà nước thì không thể bảo đảm cho sự thành công. Những vụ phá sản và bê bối liên quan đến Quỹ lớn cho thấy, Trung Quốc phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng do thiếu thể chế quản lý phù hợp mà nguyên nhân sâu xa nằm ở cách tiếp cận.

Thứ hai, đầu tư vào công đoạn sản xuất chíp cần lượng vốn rất lớn mới hình thành được tài sản cố định cần thiết, do đó, quan trọng cần tìm được lợi thế trong chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm chíp, không phải bất kỳ quốc gia nào cũng cần lập nhà máy sản xuất mới thành công.

Thứ ba, chất bán dẫn rất phức tạp, không dễ dàng cho bất kỳ quốc gia nào muốn nỗ lực tự chủ. Việt Nam cần phải tìm được vị trí phù hợp trong ngành bán dẫn toàn cầu, do đó cần nhận rõ lợi thế, tiềm năng thực tế để đầu tư khai thác.

Thực tế, ở Việt Nam cơ bản đã hội đủ các điều kiện tiền đề cần thiết cho các dự án bán dẫn dễ thực hiện và đầu tư không lớn, chỉ khoảng chục triệu USD và lượng nhân sự chuyên môn không cần nhiều là một doanh nghiệp có thể thiết kế chip ở thế hệ cũ hoặc làm ra những chip chuyên dụng, từ đó phát triển thành nhà cung cấp chip cho sản xuất ô tô, một số thiết bị quân sự, y tế và dân dụng,… Đây là cách thức đạt được nhiều thành công của các doanh nghiệp không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở châu Âu và Liên bang Nga16.

Thứ tư, Việt Nam đang trong bối cảnh rất thuận lợi, thu hút được sự chú ý của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, nên trọng tâm là hành động thực tiễn, trước tiên là hành động của Nhà nước trong việc kiến tạo khung thể chế và chính sách phù hợp cho khơi thông các nguồn nội lực (nhân lực, nguyên nhiên vật liệu như đất hiếm, hạ tầng, ưu đãi đầu tư) và tạo dựng những điều kiện tiền đề thuận lợi nhất để bắt đầu phát triển ngành này.

Thứ năm, phải xây dựng được “cách tiếp cận Việt Nam” phù hợp cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong đó, trước hết, phải xây dựng được chiến lược quốc gia, chỉ rõ tiềm năng, thế mạnh, định vị được vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị ngành chíp toàn cầu để xác định các công đoạn tham gia, các lĩnh vực có lợi thế bền vững và kế hoạch hành động hiệu quả; làm rõ được và minh bạch mối quan hệ giữa Việt Nam với nhà đầu tư quốc tế, giữa Nhà nước với doanh nghiệp, giữa người lao động với doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn trên nguyên tắc “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ” và “mọi chủ thể đều thắng”.   

Thứ sáu, trong tổ chức thực hiện phải chuẩn bị tốt các yếu tố tiền đề, gồm thể chế và chính sách toàn diện, đồng bộ, nhất quán, thuận lợi và hiệu lực; sẵn sàng đủ nhân lực chuyên môn chất lượng cao theo lộ trình kế hoạch; đủ hạ tầng cơ sở hiện đại theo yêu cầu (điện, nước, dịch vụ, logistics, …) và tài nguyên như đất hiếm. Trong đó, yếu tố con người phải được chú trọng toàn diện, không chỉ về chuyên môn mà cần đào tạo về cả phẩm chất (tinh thần, thái độ, ý thức, tác phong) phù hợp yêu cầu của phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Trong kế hoạch hành động, phải lấy thu hút, đào tạo đủ đội ngũ kỹ sư hàng đầu làm nền tảng cho sự phát triển ngành bán dẫn Việt Nam trong tương lai.

Chú thích:
1. Bài viết là sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở năm 2024 theo Quyết định số 21597-QĐ/HVCTQG ngày 29/12/2023 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
2, 11, 12, 14, 15. Trung Quốc tìm thế chủ động trong cuộc chiến bán dẫn. https://vietnamnet.vn/trung-quoc-tim-the-chu-dong-trong-cuoc-chien-ban-dan-2280954.html.
3, 4, 9. Arrian Ebrahimi (2023). China Boosts Semiconductor Subsidies as US Tightens Restrictions: Further U.S. restrictions on investments in China have spurred Beijing to up the subsidy ante once again. https://thediplomat.com/2023/09/china-boosts-semiconductor-subsidies-as-us-tightens-restrictions.
5, 16. Alicia Garcia Herrero (2022). China’s Industrial Policy for Semiconductors: Lessons for the World. Thought Leadership Brief, Institute For Emerging Market Studies, Fall 2022 No.69.
6, 7. Allen Lu (2015). Challenges and opportunities for China in the semiconductor industry. https://www.semi.org/en/challenges-and-opportunities-china-semiconductor-industry.
8. Trung Quốc mở thêm quỹ đầu tư gần 50 tỷ USD cho ngành chip. https://vneconomy.vn/trung-quoc-mo-them-quy-dau-tu-gan-50-ty-usd-cho-nganh-chip.htm.
10. Tomoo Marukawa (2023). From Entrepreneur to Investor: China’s
Semiconductor Industrial Policies
. Issues & Studies: A Social Science, Quarterly on China, Taiwan, and East Asian Affairs Vol. 59, No. 1 (2023) 2350001 (21 pages).
13. Công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng: Bài học và cơ hội cho Việt Nam. https://kinhtetrunguong.vn/kinh-te/kinh-te-nganh/cong-nghiep-ban-dan-cua-trung-quoc-dang-phat-trien-nhanh-chong-bai-hoc-va-co-hoi-cho-viet-nam.html.