ThS. Vương Bá Thành – Lã Thị My
Trường Đại học Nguyễn Huệ
(Quanlynhanuoc.vn) – Vùng Đông Nam Bộ là địa bàn trọng điểm về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng thủ đất nước ở phía Nam và cả nước; thời gian qua, các tổ chức, lực lượng trên địa bàn đã cơ bản nhận thức đúng, thực hiện khá tốt phòng thủ dân sự ở địa phương; tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế nhất định. Chính vì vậy, nâng cao nhận thức của các tổ chức, các lực lượng trên địa bàn vùng Đông Nam Bộ về phòng thủ dân sự phải được tiến hành thường xuyên với các hình thức, biện pháp phù hợp. Đây cũng chính là nội dung bài viết đề cập tới.
Từ khóa: Phòng thủ dân sự; phương thức hoạt động; các tổ chức, lực lượng; Quân khu 7; vùng Đông Nam Bộ.
1. Đặt vấn đề
Nâng cao nhận thức của các tổ chức, các lực lượng về phòng thủ dân sự trên vùng Đông Nam Bộ là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Bởi sự nhận thức của các tổ chức, các lực lượng trên địa bàn vùng Đông Nam Bộ sẽ quyết định chất lượng tổ chức, thực hiện thắng lợi đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng thủ dân sự, nhất là triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự.
Nhận thức đúng thì hành động đúng, làm chuyển biến đồng bộ tất cả các khâu, các bước và thúc đẩy các tổ chức, các lực lượng tham gia tích cực các hoạt động phòng thủ dân sự của địa phương, cơ quan, đơn vị; phòng, chống, khắc phục có hiệu quả hậu quả của chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc”1. Đảng ta cũng chỉ rõ: “Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn dân về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh”2.
2. Hoạt động phòng thủ dân sự trên địa bàn vùng Đông Nam Bộ thời gian qua
Vùng Đông Nam Bộ, gồm 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh. Phòng thủ dân sự là một nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, phát huy vai trò, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, các đoàn thể và Nhân dân. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương trên địa bàn vùng Đông Nam Bộ tiến hành có hiệu quả các hoạt động phòng thủ dân sự trong phòng, chống thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn địa phương; đặc biệt là tập trung vào nâng cao nhận thức trách nhiệm cho các tổ chức, các lực lượng.
Quán triệt đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các tổ chức, các lực lượng ở địa phương về phòng thủ dân sự. Đánh giá 15 năm (2005 – 2020) thực hiện các văn bản pháp luật về phòng thủ dân sự, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 chỉ rõ việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng liên quan, với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền cho lực lượng vũ trang Quân khu và nhân dân trên địa bàn về ý thức chấp hành chính sách, pháp luật phòng chống thiên tai. Theo đó, đã “tổ chức tập huấn trên 817 lớp/68.616 lượt người, tuyên truyền 16.300 cuộc/229.947 lượt người, đưa trên 2.000 tin bài, 800 chương trình phát thanh nội bộ…”3.
Từ các hoạt động trên, các tổ chức, các lực lượng trên địa bàn vùng Đông Nam bộ đã có nhận thức đúng, phát huy tốt trách nhiệm; tích cực đóng góp sức người, sức của cho các hoạt động phòng thủ dân sự – phòng chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố thiên tai, dịch bệnh ở địa phương; tạo thuận lợi cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, điều hành triển khai thực hiện hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”; phát huy hiệu quả sự chi viện, hỗ trợ của trung ương, địa phương khác và cộng đồng quốc tế; áp dụng có hiệu quả các biện pháp phòng thủ dân sự bảo đảm quốc phòng, an ninh; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương, nền kinh tế vùng và bảo vệ môi trường, hệ sinh thái; thích ứng và tham gia tích cực và chống biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản và nâng cao đời sống của Nhân dân trên địa bàn; cụ thể đã “ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời hiệu quả 6.593 vụ thiên tai, sự cố, cháy – nổ, cháy rừng trên địa bàn, cứu sống 2.558 người; chữa cháy, sửa chữa, khắc phục hậu quả 192.739 căn nhà-kho xưởng – cơ sở kinh doanh sản xuất, 1.512 ha rừng, 4.432 ha cây công nghiệp – cây ăn trái, 30.476 ha hoa màu; chằng chống 59.815 căn nhà, kêu gọi 48.750 tàu thuyền về nơi an toàn tránh trú bão; di rời-ứng phó bão, ngập lụt trên 86.420 người dân, 10.877 ha hoa màu; tìm kiếm cứu nạn, trục vớt 1.768 phương tiện các loại”4.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các tổ chức, các lực lượng còn chưa thực sự toàn diện và hiệu quả. Công tác quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng thủ dân sự, ứng phó thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh – tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ở một số địa phương, đơn vị có thời điểm còn chưa sâu kỹ; công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các tổ chức, các lực lượng và mọi tầng lớp nhân dân có mặt còn hạn chế, do đó còn có biểu hiện tư tưởng chủ quan, đơn giản. Điển hình như “Tình trạng tắc nghẽn giao thông, ngập úng nghiêm trọng tại TP. Hồ Chí Minh chậm được khắc phục và ngày càng nghiêm trọng… năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở còn yếu, chưa đáp ứng các tình huống dịch bệnh bất thường… Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí, rác thải chậm được cải thiện”5. Hai trong số các nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, đó là: “Nhận thức trong quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn ở một số địa phương, đơn vị chưa thật đầy đủ, thực hiện chưa thường xuyên, sâu kỹ… Ý thức, trách nhiệm của một số cán bộ, nhân viên trong thực hiện nhiệm vụ còn chưa cao”6.
3. Giải pháp nâng cao nhận thức đối với các tổ chức, các lực lượng về phòng thủ dân sự ở vùng Đông Nam Bộ
Nghị quyết của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo xác định: “Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể các cấp trong thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự”7. Để nâng cao nhận thức về phòng thủ dân sự cho các tổ chức, các lực lượng trên địa bàn vùng Đông Nam Bộ, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cơ quan, đơn vị các cấp cần phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều hình thức, biện pháp phù hợp với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, trong đó cần tập trung:
Một là, tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ các hình thức sinh hoạt của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân địa phương, các cơ quan, các đơn vị, các lực lượng.
Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, có hiệu quả các hình thức sinh hoạt, như: sinh hoạt lãnh đạo, sinh hoạt học tập, sinh hoạt tự phê bình và phê bình, sinh hoạt chuyên đề, được cụ thể hóa trong quy chế, quy định sinh hoạt Đảng; nâng cao nhận thức của cấp ủy viên, cán bộ, đảng viên, đặc biệt đối với cán bộ chủ trì các cấp về phòng thủ dân sự. Trong sinh hoạt, cấp ủy, tổ chức đảng, tích cực phải phát huy trí tuệ tập thể, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình; tích cực phê phán những nhận thức không đầy đủ, chưa đúng đắn về phòng thủ dân sự; tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động của cấp ủy, tổ chức đảng đối với nâng cao nhận thức của các tổ chức, các lực lượng về phòng thủ dân sự trên địa bàn.
Chính quyền các cấp tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các hội nghị của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan chức năng để quán triệt đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của cấp trên về phòng thủ dân sự; ban hành các văn bản quản lý, điều hành phòng thủ dân sự ở địa phương, như: kế hoạch, chương trình, đề án, phương án phòng thủ dân sự,… tiến hành quán triệt, phổ biến đến mọi cấp chính quyền ở địa phương triển khai thực hiện; cùng với đó, tiến hành giải quyết tốt các vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập nảy sinh trong thực tiễn triển khai thực hiện và giải quyết kịp thời nhằm tạo sự đồng thuận cao của chính quyền các cấp về phòng thủ dân sự ở địa phương; tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương, cơ quan, đơn vị về phòng thủ dân sự, về nâng cao nhận thức của các tổ chức, các lực lượng về phòng thủ dân sự; về vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, của đội ngũ cán bộ, công chức và người đứng đầu trong nâng cao nhận thức của các tổ chức, các lực lượng ở địa phương về phòng thủ dân sự.
Tổ chức chính trị – xã hội trong hệ thống chính trị các cấp tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ, có hiệu quả các hội nghị của ban chấp hành, hội nghị toàn thể đoàn viên, hội viên để xây dựng các chương trình, kế hoạch, triển khai nhiệm vụ về phòng thủ dân sự ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, tiến hành xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện các văn bản của cấp ủy đảng, chính quyền về phòng thủ dân sự. Tổ chức có hiệu quả các hội nghị, các buổi lễ phát động các phong trào thi đua yêu nước, các phong trào hành động cách mạng; hội nghị sơ kết, tổng kết thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp về phòng thủ dân sự. Tiếp tục xây dựng các tiêu chí để bình xét, đề nghị khen thưởng biểu dương tập thể, cá nhân có thành tích cao trong thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền gương điển hình tiên tiến trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet, mạng xã hội để lan tỏa các gương dũng cảm, hành động đẹp trong thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
Hai là, phát huy có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội để tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các tổ chức, các lực lượng về phòng thủ dân sự.
Các phương tiện thông tin đại chúng (báo, tạp chí, thông tin, cổng thông tin điện tử, phát thanh, truyền hình, phim ảnh…), internet, mạng xã hội tích cực cập nhật tình hình thế giới, khu vực và trong nước như: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hoạt động phòng thủ dân sự,… Tập trung thông tin những chuyên mục, như: xung đột vũ trang, tranh chấp chủ quyền, môi trường, chống biến đổi khí hậu, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, sự cố, giáo dục phổ biến pháp luật, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh, phòng thủ dân sự … Qua các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các tổ chức, các lực lượng và Nhân dân về phòng thủ dân sự.
Ba là, tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của các tổ chức, các lực lượng ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
Cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương các cấp đề cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho các đối tượng. Xác định mục tiêu, yêu cầu, nội dung giáo dục thiết thực; xây dựng kế hoạch giáo dục khoa học, cụ thể và tổ chức thực hiện hiệu quả. Thực hiện tốt nội dung, chương trình học tập chính trị hằng năm cho các đối tượng; nội dung, chương trình giáo dục kiến thức chính trị gắn với những kiến thức về phòng thủ dân sự ở địa phương. Đánh giá chính xác nhận thức, trách nhiệm của từng tổ chức, từng lực lượng đối về phòng thủ dân sự; khắc phục kịp thời nhận thức sai trái, lệch lạc.
Bốn là, làm tốt công tác giáo dục quốc phòng, an ninh; huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự ở địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Đây là hình thức, biện pháp phổ biến, hiệu quả và có thể được tổ chức và tiến hành được ở các cấp, các phạm vi, mức độ khác nhau. Tổ chức tốt các hình thức huấn luyện, luyện tập, diễn tập phòng thủ dân sự các cấp độ khác nhau ở địa phương, cơ quan, đơn vị sẽ góp phần tích cực nâng cao nhận thức của các tổ chức, các lực lượng trên địa bàn vùng Đông Nam Bộ về phòng thủ dân sự; huy động được mọi nguồn lực vào thực hiện tốt các kế hoạch, quyết định, phương án phòng thủ dân sự ở địa phương, cơ quan, đơn vị; hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước, cơ quan, đơn vị và Nhân dân khi thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
Để triển khai có hiệu quả hình thức, biện pháp này, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn bên cạnh việc nắm vững tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị; dự báo sát đúng các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh thường xảy ra trên địa bàn; cần xây dựng dự kiến các tình huống phòng thủ dân sự sát với thực tiễn; nắm vững tình hình các đối tượng giáo dục quốc phòng, an ninh; triển khai, tổ chức huấn luyện, luyện tập và diễn tập sát với đặc điểm điệu kiện kinh tế – xã hội, văn hóa, điều kiện tự nhiên, tình hình dân cư, tình hình nhiệm vụ và khả năng của địa phương, cơ quan, đơn vị sát với thực tiễn diễn biến của thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
Các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tổ chức tốt các lớp giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh, trong đó có các nội dung về phòng thủ dân sự, qua đó các tổ chức, các lực lượng, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, điều hành của địa phương, cơ quan, đơn vị các cấp và các chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín, quản lý, điều hành doanh nghiệp… nắm vững đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng thủ dân sự. Nhất là, Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Luật Phòng thủ dân sự năm 2024; các nghị định, quyết định của Chính phủ về phòng thủ dân sự; các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của các ban, bộ, ngành Trung ương; các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch, đề án, phương án, quyết định của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp về phòng thủ dân sự ở địa phương.
Tổ chức tốt các hoạt động huấn luyện, luyện tập nâng cao trình độ về vận hành cơ chế lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền trong phòng thủ dân sự; các kỹ năng phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai cho các tổ chức, các lực lượng ở địa phương như: kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, triển khai thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự trong từng tình huống cụ thể; năng bơi, kỹ năng thoát nạn, kỹ năng cứu hộ, cứu nạn, kỹ năng sơ cứu người bị thương, kỹ năng điều khiển các trang thiết bị, máy móc cứu hộ, cứu nạn (máy chuyên dụng, tàu thuyền,…)…
Tổ chức tốt các hoạt động diễn tập phòng thủ dân sự ở các cấp như: cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh; qua đó nâng cao chất lượng vận hành cơ chế lãnh đạo, quản lý, điều hành, chỉ huy phòng thủ dân sự ở địa phương các cấp; tiến hành tổ chức tốt các hoạt động diễn tập phòng thủ dân sự đáp ứng các tình huống xảy ra trên địa bàn, như: diễn tập phòng, chống, khắc phục cháy rừng, cháy nổ nhà máy, kho hóa chất; phòng, chống, khắc phục dịch bệnh nguy hiểm, bão, siêu bão…; kết hợp diễn tập khu vực phòng thủ với diễn tập phòng thủ dân sự ở địa phương các cấp.
4. Kết luận
Phòng thủ dân sự cấp tỉnh trên địa bàn vùng Đông Nam Bộ luôn đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương các cấp; với sự tham gia của các tổ chức chính trị – xã hội, Mặt trận Tổ quốc và cả hệ thống chính trị các cấp và Nhân dân trên địa bàn. Để phòng thủ dân sự ở địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn được tiến hành thường xuyên, hiệu quả, cần tập trung nâng cao nhận thức của các tổ chức, các lực lượng bằng nhiều hình thức, biện pháp cụ thể, nhất là việc tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của các tổ chức, các lực lượng; làm tốt công tác giáo dục quốc phòng, an ninh; tổ chức các hoạt động thực tiễn, huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự trên địa bàn.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 360.
2, 7. Bộ Chính trị (2022). Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 về phòng thủ dân dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
3, 4, 6. Bộ Tham mưu Quân khu 7 (2020). Báo cáo số 3385/BC-TM ngày 22/11/2020 về tổng kết việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn từ năm 2005 đến năm 2020.
5. Bộ Chính trị (2022). Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2019). Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 về phòng thủ dân sự.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
3. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia.
4. Quốc hội (2024). Luật Phòng thủ dân sự năm 2024.
5. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 2169/QĐ-TTg ngày 22/12/2021 ban hành Kế hoạch Phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021- 2025.
6. Thủ tướng Chính phủ (2023). Quyết định số 1343/QĐ-TTg ngày 14/11/2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.