TS. Nguyễn Xuân Đại
TS. Nguyễn Văn Toàn
Học viện Chính trị – Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) Nhận thức được tầm quan trọng của gia đình, trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề gia đình, xây dựng gia đình Việt Nam. Trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống dân tộc và các bài học kinh nghiệm thực tiễn, trong các nhiệm kỳ đi hội đại biểu toàn quốc, Đảng ta từng bước hoàn thiện chủ trương xây dựng gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Bài viết tập trung khái quát, phân tích những quan điểm cơ bản của Đảng về các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng gia đình Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Từ khóa: Gia đình, xây dựng gia đình, hệ giá trị gia đình, gia đình Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Trong thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán khẳng định tầm quan trọng của gia đình đối với sự phát triển bền vững của đất nước, gia đình là tế bào, là nền tảng của xã hội. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, “xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”1. Đảng đã hình thành, phát triển tư duy lãnh đạo, ban hành các chủ trương, giải pháp lớn để định hướng, chỉ đạo xây dựng gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốcViệt Nam xã hội chủ nghĩa.
2. Nội dung quan điểm của Đảng về các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng gia đình Việt Nam
Một là, triển khai thường xuyên, có hiệu quả công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về xây dựng gia đình Việt Nam.
Đây là một nhiệm vụ, giải pháp quan trong trong xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay. Tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm tạo đồng thuận trong xã hội, làm cho mọi người hiểu rõ lợi ích, nhiệm vụ, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và từng cá nhân của công tác xây dựng gia đình. Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, xác định: “Đẩy mạnh, đổi mới công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; các chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình; kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình; các rủi ro đối với gia đình, giúp người dân chủ động phòng ngừa các ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”2.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần tập trung vào những nội dung chủ yếu cần phải tiến hành thường xuyên, liên tục, mở rộng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đến với mọi miền, mọi đối tượng với các nội dung, hình thức và phương pháp phong phú, đa dạng nhằm làm chuyển biến sâu sắc nhận thức, thái độ của mọi tầng lớp xã hội, tạo ra dư luận xã hội tích cực, thuận lợi cho công tác xây dựng gia đình. Gắn chặt thông tin, giáo dục, truyền thông với thực hiện chính sách với các gia đình. Phương thức chủ yếu để thực hiện là xã hội hoá công tác thông tin, giáo dục, truyền thông, kết hợp chặt chẽ truyền thông đại chúng và truyền thông trực tiếp; thực hiện đồng thời trên cả ba bình diện: mở rộng, củng cố và thể chế hoá.
Coi trọng việc tuyên truyền trực tiếp ở cấp cơ sở, hướng đến sự thống nhất nhận thức của toàn xã hội về vị trí của gia đình, nội dụng, nhiệm vụ xây dựng gia đình Việt Nam trong tình hình mới. Cần nhận thức rõ gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trọng tâm của công tác truyền thông về xây dựng gia đình Việt Nam là đẩy mạnh, đổi mới và đa dạng hoá công tác truyền thông, tăng cường giáo dục đến từng hộ gia đình pháp luật, chính sách liên quan đến vấn đề xây dựng gia đình, đặc biệt là Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Pháp lệnh Dân số; đưa chủ đề gia đình vào các chương trình tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt và phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng cuộc sống gia đình.
Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng và gia đình tham gia tích cực xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, khu phố văn hoá, cụm dân cư văn hoá; xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình điển hình, tiêu biểu, tạo ra phong trào xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Biểu dương kịp thời và nhân rộng các mô hình gia đình vượt khó vươn lên, gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình trẻ hạnh phúc, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Xây dựng các loại hình truyền thông, giáo dục và vận động phong phú, đa dạng phù hợp với từng khu vực, từng vùng, từng loại hình gia đình và từng nhóm đối tượng. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng và các thành viên gia đình về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình; giúp các gia đình có kiến thức và kỹ năng sống, chủ động phòng chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình, kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.
Tăng cường công tác giáo dục đời sống gia đình, góp phần cung cấp tới từng gia đình các kiến thức, kỹ năng sống, như: kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng. Giáo dục và vận động mọi gia đình tự nguyện, tự giác, tích cực thực hiện nếp sống văn minh. Vận động các gia đình tích cực tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, quy chế dân chủ cơ sở; phát triển các hình thức tổ hoà giải, các câu lạc bộ gia đình tại cộng đồng; giữ gìn và phát huy văn hoá gia đình và truyền thống tốt đẹp của dòng họ; xây dựng tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, nhắc nhở, động viên nhau thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Trong giáo dục, phải kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.
Hai là, xây dựng, hoàn thiện, thực thi có hiệu quả hệ thống chính sách về đối với gia đình Việt Nam.
Xây dựng gia đình Việt Nam cần có sự tổng hòa, đồng bộ của hệ thống các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong các lĩnh vực có liên quan; đặc biệt là các chính sách về kinh tế hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo, y tế, dân số, giáo dục… nhưng trong đó các yếu tố nội sinh từ gia đình. Đại hội VII chỉ rõ: “Các chính sách của Nhà nước phải chú ý tới xây dựng gia đình no ấm, hòa thuận, tiến bộ”3. Theo đó, Đảng ta xác định những nhiệm vụ cơ bản sau:
Xây dựng và triển khai chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam, xây dựng các đề án cụ thể giải quyết những thách thức hiện nay đối với gia đình. Công tác xây dựng gia đình Việt Nam cần có chiến lược tổng thể, từ đó mới xây dựng hệ thống chính sách xây dựng và phát triển gia đình phù hợp, được lồng ghép trong các chính sách phát triển kinh tế xã hội của các chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng các tiêu chí giữ gìn phát triển gia đình với những tiêu chí đáp ứng các giá trị cốt lõi của gia đình hướng tới như ấm no hạnh phúc tiến bộ văn minh tiêu chí về lối sống và phương thức giao tiếp ứng xử trong các mối quan hệ của gia đình tiêu chí đạo đức trong các mối quan hệ gia đình. Đại hội XI chỉ đạo: “Sớm có chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hoá, con người Việt Nam, nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”4. Đại hội XII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam”5.
Chú trọng chính sách xã hội đối với các gia đình, nhất là các chính sách an sinh xã hội. Đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm, tính nhân văn của Đảng, Nhà nước ta. Trong những năm đầu đổi mới, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng xác định cần thực hiện chính sách xã hội đối với các gia đình. “Thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình cán bộ, chiến sĩ chiến đấu ngoài mặt trận, gia đình có công với cách mạng, công nhân, viên chức về hưu; xây dựng và thực hiện từng bước chính sách bảo trợ xã hội xã hội chủ nghĩa đối với toàn dân theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đối với công nhân, viên chức, có chế độ tiền lương hợp lý, phúc lợi xã hội cần thiết để bảo đảm đời sống vật chất và văn hoá cho người lao động và gia đình”6.
Trong thực hiện chính sách an sinh, Đảng chủ trương quan tâm đến gia đình chính sách, gặp nhiều khó khăn. Thực hiện chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, những người có công với nước; chính sách bảo trợ trẻ mồ côi, người tàn tật, người già cô đơn; Đảng khẳng định: “Quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, các trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, những người tàn tật. Ngoài việc tăng kinh phí cho bảo trợ xã hội của Nhà nước, cần phát triển các hoạt động từ thiện của các tổ chức và cá nhân, bảo đảm mức sống của các đối tượng chính sách ngang mức sống trung bình ở địa phương; “Củng cố các cơ sở nuôi dưỡng thương binh nặng và tiếp tục đưa thương binh nặng về gia đình. Phát triển phong trào xây dựng ngôi nhà tình nghĩa”7.
Quan tâm chăm sóc người cao tuổi. Đối với người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện để hưởng thụ văn hóa, được thông tin, sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, chiến đấu của người cao tuổi trong xã hội và gia đình. Xây dựng gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, cháu con hiếu thảo. Giúp đỡ người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Kính trọng, bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi. Bảo trợ, giúp đỡ người cao tuổi gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa”8.
Về chính sách giáo dục và đào tạo. Để thực hiện tốt vai trò là tế bào của xã hội; nơi duy trì nòi giống; môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người và lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc; là nền tảng xây dựng xã hội hạnh phúc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đòi hỏi quan tâm thực hiện tốt chính sách giáo dục, đào tạo, tạo điều kiện cho các gia đình thụ hưởng tốt nhất thành quả của công tác giáo dục và đào tạo trong sự nghiệp đổi mới những như thành quả của cả công cuộc đổi mới. Với quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân”, Đảng xác định: “Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”9.
Quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các gia đình nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, tiếp cận các giá trị tốt đẹp của nền văn hóa, văn minh nhân loại và các thành tựu của khoa học và công nghệ. Qua đó, phát huy vai trò tốt của gia đình nhằm tạo môi trường giáo dục sớm, góp phần xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, phát triển toàn diện, trở thành trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đề cao vai trò và trách nhiệm của gia đình trong sự nghiệp giáo dục và trong toàn bộ sự nghiệp xây dựng con người của xã hội mới. Nâng cao nhận thức về vai trò quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; người học là chủ thể trung tâm của quá trình giáo dục; gia đình có trách nhiệm phối hợp với nhà trường và xã hội trong việc giáo dục nhân cách, lối sống cho con em mình.
Ba là, xây dựng, hoàn thiện thể chế, thiết chế đối với công tác xây dựng gia đình Việt Nam
Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý, huy động các nguồn lực, tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện công tác xây dựng gia đình Việt Nam đạt kết quả cao. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về gia đình theo hướng lấy hoạt động của gia đình làm trọng tâm, bảo đảm sự gắn kết xã hội và vai trò của gia đình. Chỉ thị 06-CT/TW xác định rõ, các chính sách về gia đình phải hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, chú trọng đến đối tượng trẻ em và người bệnh tật, cao tuổi. Xây dựng danh mục dịch vụ công thuộc lĩnh vực gia đình. Phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản đối với gia đình, hỗ trợ gia đình phát triển bền vững, hạnh phúc và thực hiện bình đẳng giới. Huy động các cá nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ gia đình và chăm lo giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình nghèo, khó khăn; bảo đảm gia đình được tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản công bằng, bình đẳng, thuận lợi.
Thực hiện nội dung này, Đảng xác định những nhiệm vụ cơ bản cần tập trung thực hiện đó là:Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác xây dựng gia đình. Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về gia đình bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, thống nhất, gắn kết với các lĩnh vực dân số, bình đẳng giới và trẻ em. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nhân lực làm công tác gia đình theo hướng tích hợp đa ngành, phân định rõ đào tạo chuyên môn và cán bộ quản lý công tác gia đình. Xây dựng dữ liệu số quốc gia về gia đình làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, chương trình kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ gia đình tiếp cận các nguồn lực xã hội. Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học về gia đình; hoạch định, tổ chức thực hiện và đánh giá chính sách về gia đình; sáng tác các tác phẩm văn học-nghệ thuật về gia đình.
Tập trung xây dựng hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế, chính sách, nguồn lực trong xây dựng gia đình. Theo đó, cần bảo đảm đủ nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước và huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác gia đình. Đưa nội dung công tác này vào chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và các kế hoạch hàng năm của ngành và của địa phương. Củng cố và ổn định cơ quan uỷ ban dân số, gia đình và trẻ em ở các cấp, đặc biệt là cấp huyện và cấp cơ sở, đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành về công tác gia đình.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và hệ thống dịch vụ xã hội liên quan đến gia đình, đặc biệt quan tâm tới các gia đình đã nhường đất sản xuất cho đô thị hoá, phát triển công nghiệp và các hộ di dân; triển khai và mở rộng các loại hình dịch vụ an sinh xã hội để nâng cao năng lực tự chủ của mỗi gia đình, đảm bảo cho các gia đình có cơ hội tiếp cận sự bảo trợ của Nhà nước, ổn định cuộc sống, chăm lo giáo dục con cái và chăm sóc người cao tuổi.
Tăng cường công tác nghiên cứu, điều tra, khảo sát toàn diện về gia đình, đặc biệt là nghiên cứu các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình cần gìn giữ, phát huy những giá trị mới, tiên tiến cần tiếp thu; nghiên cứu xây dựng các mô hình gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; áp dụng các kết quả nghiên cứu để giải quyết những thách thức trong lĩnh vực gia đình và dự báo những biến đổi về gia đình trong thời kỳ mới.
5. Kết luận
Quan điểm của Đảng về gia đình Việt Nam thời kỳ đổi mới có nội dung toàn diện, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược, phù hợp với thực tiễn qua từng giai đoạn phát triển của đất nước. Quan điểm của Đảng về gia đình Việt Nam thời kỳ đổi mới tập trung ở những nội dung cơ bản: Về vị trí, vai trò của gia đình, công tác gia đình Việt Nam; mục tiêu, nội dung xây dựng gia đình Việt Nam, những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, vai trò của các chủ thể trong xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người. Đây là những định hướng lớn để Nhà nước, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quán triệt, cụ thể hóa trong tổ chức và thực hiện xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay.
Chú thích:
1, 8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, tr. 143, 170.
2. Ban Chấp hành Trung ương (2021). Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2007). Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 51. H. NXB Chính trị Quốc gia, tr. 141.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 223.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. NXB Chính trị Quốc gia.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006). Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 49. H. NXB Chính trị Quốc gia, tr. 558.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2007). Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 51. H. NXB Chính trị Quốc gia, tr. 450.
9. Ban Chấp hành Trung ương (2013). Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.