Hội thảo khoa học: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện Hành chính Quốc gia”

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 10/8/2024 tại Hà Nội, Khoa Khoa học liên ngành, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện Hành chính Quốc gia”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các phân hiệu Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Quảng Nam. PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng khoa Khoa học liên ngành chủ trì Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Dự Hội thảo, về phía khách mời có: TS. Nguyễn Ngọc Lâm, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; PGS.TS. Ngô Đình Xây, nguyên Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương; GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Đào, nguyên Đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Trưởng khoa Khoa Lý luận cơ sở, Học viện Hành chính Quốc gia; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Nguyễn Lệ Thu, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; TS. Nguyễn Thị Ngọ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia (viết tắt là Học viện), có: TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân, Phó Bí thư Đảng ủy Học viện, Trưởng khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng; TS. Nguyễn Quang Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước; TS. Bùi Huy Tùng, Trưởng Ban Quản lý bồi dưỡng; TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng Viện Khoa học Hành chính; cán bộ, giảng viên các khoa, ban, đơn vị thuộc Học viện cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên của Khoa Khoa học liên ngành.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng khoa Khoa học liên ngành phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, cùng công nghệ số phát triển như vũ bão thì nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch càng có ý nghĩa cấp thiết, đặc biệt trong đào tạo, bồi dưỡng trong các cơ sở giáo dục đại học nói chung và Học viện Hành chính Quốc gia nói riêng. 

Để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Học viện rất chú trọng đến nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên cũng như đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là trong công tác giảng dạy về lý luận chính trị, xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, khoa học chính trị. Với tinh thần đó, Hội thảo mong muốn được lắng nghe ý kiến trao đổi, thảo luận của các nhà khoa học, các đại biểu để làm rõ các nội dung sau: 

(1) Làm rõ các vấn đề lý luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong đào tạo, bồi dưỡng; 

(2) Phân tích, làm rõ những vấn đề thực tiễn đặt ra trước yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện Hành chính Quốc gia;

(3) Nghiên cứu kinh nghiệm của một số Học viện, trường đại học và các cơ sở đào tạo khác trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay;

(4) Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp góp phần bảo đảm và nâng cao hiệu quả bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện Hành chính Quốc gia trong thời gian tới.

PGS.TS. Ngô Đình Xây, nguyên Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày tham luận.

Tại Hội thảo, PGS.TS. Ngô Đình Xây trình bày tham luận: “Một số vấn đề đặt ra trong giảng dạy lý luận chính trị tham gia vào bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch”. PGS.TS. Ngô Đình Xây đặc biệt nhấn mạnh, hiện nay, hoạt động giảng dạy lý luận chính trị tham gia vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch còn nhiều khó khăn, vướng mắc: (1) Việc giảng dạy lý luận chính trị chưa thực sự đặt trong dòng chảy tư tưởng nhân loại; (2) Trong giảng dạy lý luận chính trị vẫn chưa xem học thuyết của chủ nghĩa Mác – Lênin là một học thuyết mở; (3) Trong giảng dạy lý luận chính trị cũng còn chưa tích hợp được với các trào lưu hiện đại; (4) Giảng dạy lý luận chính trị cũng chưa được tiếp cận, cập nhật với bối cảnh hiện đại; (5) Thiếu gắn kết giữa lý luận và thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị. Vì vậy, để khắc phục những mặt hạn chế trên, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị.

TS. Nguyễn Thị Ngọ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền trình bày tham luận.

Với tham luận: “Vai trò của giảng viên lý luận chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay”, TS. Nguyễn Thị Ngọ nêu rõ 3 vai trò chính của giảng viên lý luận chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch: (1) Nghiên cứu những giá trị khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và khẳng định sự vận dụng đúng đắn sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của đất nước, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; (2) Truyền đạt, định hướng những giá trị về nền tảng tư tưởng của Đảng; (3) Phát hiện, nhận diện được những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù lực và khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng. 

Trong bối cảnh các thế lực thù địch sử dụng nhiều chiêu trò, thủ đoạn để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, TS. Nguyễn Thị Ngọ đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng như: (1) Nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn cho đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị; (2) Cần xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với giảng viên nhằm động viên đội ngũ giảng viên tham gia nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị; (3) Giảng viên lý luận chính trị cần phát huy tính chủ động, tích cực trong việc tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bằng nhiều phương thức, hình thức khác nhau

TS. Lê Thị Hằng, Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận.

Trình bày tham luận: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong hoạt động giảng dạy lý luận chính trị tại Học viện hành chính Quốc gia”, TS. Lê Thị Hằng cho biết, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia đã chủ động, tích cực tham gia vào công cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong hoạt động giảng dạy lý luận chính trị với nhiều phương thức khác nhau nhằm góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của sinh viên, học viên. TS. Lê Thị Hằng cũng đề xuất các giải pháp giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giảng dạy lý luận chính trị, đó là: (1) Nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị, đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng công nghệ trong việc truyền đạt kiến thức; (2) Cần nghiên cứu lý luận kết hợp với thực tiễn giúp các cán bộ, công chức, viên chức Học viện có thể áp dụng lý thuyết vào thực tiễn công việc một cách hiệu quả; (3) Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trong giảng dạy và nghiên cứu lý luận chính trị, bảo đảm cho giảng viên luôn nắm bắt được những xu thế mới trong lý luận chính trị và quản lý công, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy.

Hội thảo cũng được lắng nghe ý kiến chia sẻ của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học về chủ đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện Hành chính quốc gia. Các ý kiến tập trung vào một số nội dung, như: (1) Giảng viên dạy môn lý luận chính trị cần cập nhật kiến thức mới phù hợp với thời đại số; (2) Căn cứ vào từng đối tượng người học (sinh viên, học viên) để thiết kế chương trình, giảng dạy cho phù hợp; (3) Cần quan tâm định hướng, tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng từ đó tạo môi trường thuận lợi để sinh viên Học viện rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành; (4) Kịp thời biểu giương, nhân rộng cách làm hay và kiên quyết đấu tranh, uốn nắn những thiếu sót, lệch lạc, những biểu hiện lệch chuẩn trong lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa của sinh viên trong môi trường giáo dục nói chung và trên không gian mạng nói riêng; (5) Xây dựng và phát huy môi trường giáo dục, văn hóa lành mạnh cho sinh viên.

Đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà trân trọng cảm ơn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Học viện đã có tham luận và bài viết tham gia Hội thảo. Những kiến thức, kinh nghiệm quý báu này sẽ được Ban Tổ chức Hội thảo nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, khuyến nghị nhằm góp phần phục vụ tốt hơn trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, giảng viên Học viện; đồng thời, sẽ có giá trị tham khảo để vận dụng vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện Hành chính Quốc gia.

Nguyễn Thùy, Thu Hương