Kết quả thí điểm thành lập Trung tâm An sinh xã hội Thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

Trần Chí Nghĩa
Trung tâm An sinh xã hội Thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn)Trung tâm An sinh xã hội thành phố Thủ Đức là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức. Trung tâm được thí điểm thành lập theo tinh thần thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 15/7/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Thủ Đức về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Bài viết đánh giá quá trình 1 năm tổ chức thực hiện Trung tâm An sinh xã hội Thành phố Thủ Đức, qua đó đề xuất một số giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả của mô hình tổ chức này trong công tác bảo đảm an sinh xã hội cho Nhân dân.

Từ khóa: Chính sách, an sinh xã hội, Thành phố Thủ Đức, đối tượng yếu thế, mô hình tổ chức, thí điểm tổ chức.

1. Đặt vấn đề

Trung tâm An sinh xã hội thành phố Thủ Đức (viết tắt là Trung tâm) được thành lập theo Quyết định số 3220/QĐ-UBND ngày 01/8/2023 của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh về thí điểm thành lập Trung tâm trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức và Quyết định số 3221/QĐ-UBND ngày 01/8/2023 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm.

Trung tâm An sinh xã hội thành phố Thủ Đức là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND Thành phố Thủ Đức, có cơ chế hoạt động như một quỹ phi lợi nhuận theo khuôn khổ pháp luật. Trung tâm có chức năng: kết nối, huy động nguồn lực xã hội theo nguyên tắc hiệp lực công – tư nhằm hướng đến xây dựng hạ tầng phúc lợi xã hội bền vững; cung cấp dịch vụ phúc lợi cơ bản, đào tạo kỹ năng cho người yếu thế, người nghèo đô thị, lao động phi chính thức và những người cần được hỗ trợ tại Thành phố Thủ Đức; kêu gọi tài trợ, tiếp nhận các nguồn tài trợ tài chính, hiện vật, hàng hóa từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa từ các nhà tài trợ, tổ chức xã hội và cá nhân trong và ngoài nước; xây dựng, tập huấn và triển khai chiến lược an sinh cho lao động phi chính thức, người yếu thế, người di cư tại Thành phố Thủ Đức.

2. Thực tiễn tổ chức và hoạt động của Trung tâm An sinh xã hội Thành phố Thủ Đức từ khi thành lập đến nay

Kể từ khi thành lập, Trung tâm có 22 nhân sự theo đề án vị trí việc làm được phê duyệt, trong đó, Ban Giám đốc gồm 3 người và 2 phòng chức năng: Phòng Hành chính – Tổng hợp và Phòng Quản trị công tác An sinh xã hội – Đào tạo và kết nối cộng đồng. Trung tâm có các tổ chức chính trị xã hội, chi bộ, công đoàn của Trung tâm.

Thời gian qua, thực hiện chức năng kết nối, huy động nguồn lực xã hội theo nguyên tắc hiệp lực công tư nhằm hướng đến xây dựng hạ tầng phúc lợi xã hội bền vững; cung cấp dịch vụ phúc lợi cơ bản cho người yếu thế, người nghèo đô thị, lao động phi chính thức và những người cần được hỗ trợ tại thành phố Thủ Đức. Trung tâm đã chủ động xây dựng Fanpage và kênh Youtube để tuyên truyền các hoạt động, chính sách về an sinh xã hội, xây dựng trang thông tin “Thủ Đức nghĩa tình”, tích hợp ứng dụng trong trang thông tin của thành phố Thủ Đức, tổ chức các chuyên mục phản ánh, kiến nghị hỗ trợ an sinh xã hội trên địa bàn thành phố Thủ Đức.

Trong tâm đã tổ chức được 15 lớp tập huấn về các nội dung: tuyên truyền, phổ biến chính sách an sinh xã hội, bồi dưỡng kỹ năng tham vấn xã hội, truyền thông về Luật Trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em, Luật An ninh mạng, phòng chống bạo lực học đường, nâng cao kỹ năng sống trong cộng đồng dân cư của Thành phố Thủ Đức với sự tham gia của hơn 12.000 người. Phối hợp với Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh tổ chức truyền thông và trao học bổng cho 50 trẻ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền là 150 triệu đồng; phối hợp ra mắt mô hình hoạt động Văn phòng tham vấn, cung cấp dịch vụ, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn Thành phố Thủ Đức. Tổ chức truyền thông Chuyên đề “Chăm sóc sức khỏe phụ nữ” và trao tặng 10.408 sản phẩm cho hội viên phụ nữ khó khăn, giáo viên mầm non ngoài công lập, nữ công nhân lao động ở trọ, công nhân vệ sinh, phụ nữ có hoàn khó khăn trên địa bàn Thành phố Thủ Đức với kinh phí ước tính là 3 tỷ đồng.

Về công tác chăm lo an sinh xã hội, Trung tâm đã tổ chức trao tặng quà và chi phí học tập nhân năm học mới 2023 – 2024 cho 100 trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí ước tính 150 triệu đồng. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Thủ Đức tổ chức các hoạt động chăm lo cho các trẻ em, học sinh khó khăn tại huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận với kinh phí hơn 380 triệu đồng; phối hợp tổ chức “Chương trình Siêu thị mini 0 đồng – Tết Giáp Thìn 2024” cho hơn 1.207 hộ cận nghèo; tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho hộ cận nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người dân mắc bệnh hiểm nghèo với 5.500 suất quà, tổng kinh phí hơn 2 tỷ 800 triệu đồng…

Trung tâm đã tích cực phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ và Mặt trận Tổ quốc Thành phố Thủ Đức tổ chức Hội thi Gói bánh, làm mứt truyền thống và thăm tặng quà các Trung tâm bảo trợ trẻ em, Trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn… trên địa bàn Thành phố Thủ Đức với tổng kinh phí 55 triệu đồng và những món quà Tết ý nghĩa. Trung tâm đã chủ động vận động các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho trẻ em mồi côi, trẻ em bệnh hiểm nghèo, đồng thời tổ chức các hoạt động vui xuân và trao tặng quà cho 300 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang theo học tại các lớp học tình thương tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên với tổng số tiền trên 650 triệu đồng.

Trung tâm phối hợp với Bảo hiểm xã hội Thành phố Thủ Đức trao 127 thẻ bảo hiểm y tế và tặng 200 phần quà cho người dân thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn. Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Thủ Đức trao tặng 50 suất quà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Vận động doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ 30 suất đào tạo nghề cho người có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu học nghề với tổng kinh phí 900.000.000 đồng.

Xây dựng và triển khai chiến lược an sinh cho lao động phi chính thức, người yếu thế, người di cư tại thành phố Thủ Đức nhằm tiếp tục lan tỏa sâu rộng phong trào “Thủ Đức nghĩa tình – Vì dân phục vụ”; đồng thời, huy động tất cả các nguồn lực xã hội trong doanh nghiệp và Nhân dân theo phương châm “lấy sức dân để chăm lo cho dân”, Trung tâm đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức ban hành và triển Đề án “Thủ Đức nghĩa tình, chăm lo an sinh xã hội, không ai bị bỏ lại phía sau” nhằm vận động các nguồn lực để hỗ trợ 289 hộ nghèo đặc biệt khó khăn, người yếu thế trên địa bàn Thành phố Thủ Đức. Kết quả có trên 120 đơn vị, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân đăng ký tham gia đóng góp cho Chương trình “Thủ Đức nghĩa tình” với số tiền trên 5,2 tỷ đồng và 30 suất đào tạo nghề trị giá 900 triệu đồng. Bên cạnh đó kịp thời về hoạt động có nhiều ý nghĩa này, cũng như công khai danh sách cá nhân, tập thể ủng hộ chương trình “Thủ Đức nghĩa tình”.

Trung tâm tích cực kêu gọi tài trợ, tiếp nhận các nguồn tài trợ tài chính, hiện vật, hàng hóa từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa từ các nhà tài trợ, tổ chức xã hội và cá nhân trong và ngoài nước. Trung tâm cũng đã triển khai Dự án “Tăng cơ hội tiếp cận và đảm bảo an sinh xã hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang học tại các lớp học tình thương trên địa bàn Thành phố Thủ Đức” theo quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh nhằm chăm lo cho hơn 400 em, giúp các em phát triển một cách toàn diện cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Dự án này do Tổ chức Save the Children International (Vương quốc Anh) tài trợ trị giá khoảng 100.000 USD, thời gian thực hiện đến hết ngày 31/12/2024.

Như vậy, kết quả qua 01 năm thí điểm thành lập Trung tâm An sinh xã hội thành phố Thủ Đức dưới sự lãnh đạo của Thành ủy – Ủy ban nhân dân, sự hướng dẫn, phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Thành phố Thủ Đức, của các đoàn thể, phòng, ban đơn vị, Trung tâm đã thực hiện nhiều kế hoạch phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm tình hình đơn vị trong công tác chăm lo an sinh xã hội, chăm lo tết, chăm lo cho người yếu thế, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có người thân bị mất do dịch Coivd-19, trẻ em học tại các lớp tình thương, mái ấm….

Tuy nhiên, Trung tâm thí điểm mới thành lập nên chưa có nhiều nguồn lực được vận động tài trợ cho hoạt động an sinh xã hội; các nội dung hoạt động cũng như công tác xác định đối tượng chăm lo phải từng bước vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên cũng ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai các hoạt động chăm lo an sinh xã hội tại địa phương.

3. Một số giải pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả hoạt động Trung tâm An sinh xã hội Thành phố Thủ Đức trong thời gian tới

Thứ nhất, phát huy vai trò Trung tâm An sinh xã hội là đơn vị sự nghiệp bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn; nắm chắc các đối tượng để tiếp cận chăm lo, tạo cầu nối với các nguồn lực; xây dựng mạng lưới tình nguyện viên, cộng tác viên tham gia thực hiện công tác an sinh xã hội; rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm để tạo điều kiện phát huy vai trò trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, thành lập Quỹ An sinh xã hội Thành phố Thủ Đức để thuận tiện trong việc tiếp nhận các nguồn tài trợ nhất là nguồn tài trợ của các Tổ chức nước ngoài theo đúng quy định Thông tư số 04/2020/TT-BNV ngày 13/10/2020 của Bộ Nội vụ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số  93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của Quỹ từ thiện xã hội. Khi Quỹ An sinh xã hội Thành phố Thủ Đức đi vào hoạt động sẽ phân định rõ đối tượng chăm lo, trong đó: Quỹ “Vì người nghèo” sẽ tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững dành cho người nghèo, cận nghèo Thành phố Thủ Đức và thực hiện hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo các tỉnh, hỗ trợ đơn vị kết nghĩa (nếu có); Quỹ An sinh xã hội Thành phố Thủ Đức sẽ tập trung hỗ trợ, chăm lo người dân nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người yếu thế, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, dễ bị tổn thương trên địa bàn Thành phố Thủ Đức và các khoản chi khác theo chủ trương của Thành ủy  – Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức.

Thứ ba, nghiên cứu, học tập các mô hình chăm lo an sinh hiệu quả trong và ngoài nước để xây dựng thành các đề án, kế hoạch, chương trình, dự án triển khai thực hiện; đảm nhận các đề án, dự án, chương trình có hiệu quả, là cầu nối của chính quyền trong công tác bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Thứ tư,phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Thành phố Thủ Đức và các tổ chức chính trị – xã hội trong công tác vận động, huy động các nguồn lực xã hội nhằm bảo đảm sự chủ động trong đề xuất chính sách chăm lo cho từng đối tượng thụ hưởng; khảo sát nhu cầu của người nghèo và chủ trì phân công đơn vị chịu trách nhiệm phụ trách từng nội dung phối hợp cụ thể phù hợp với đặc thù chức năng, nhiệm vụ.

Thứ năm, phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Thủ Đức tiếp tục phát động chương trình “Thủ Đức nghĩa tình” trong toàn thể hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên trong các tổ chức chính trị – xã hội, huy động doanh nghiệp và Nhân dân để cùng tham gia thực hiện Chương trình “Thủ Đức Nghĩa tình”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân thành phố, phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái”, “lấy sức dân để chăm lo cho dân”, để chăm lo tốt cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người yếu thế, đặc biệt là những trường hợp cần có chính sách hỗ trợ để tăng mức thu nhập tại địa phương. Đồng thời, chủ động phối hợp thực hiện công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn… để động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, tích cực lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thứ sáu, phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh trong duy trì kết nối, giới thiệu các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để kêu gọi vận động tài trợ các dự án, đề án, chương trình, các khoản viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước để chăm lo trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đối tượng yếu thế, chính sách bảo đảm an sinh xã hội, phát triển cộng đồng tại địa phương… Bên cạnh đó, Trung tâm An sinh xã hội thành phố Thủ Đức là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, do đó phải bảo đảm tuân thủ đúng quy định Nghị định số 80/2020-NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Chính phủ ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam và Thông tư số 23/2022/TT-BTC ngày 06/4/2022 của Bộ Tài chính về hướng dẫn, quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước.

4. Kết luận

Qua 01 năm thí điểm thành lập, Trung tâm An sinh xã hội Thành phố Thủ Đức đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, là minh chứng cho việc vận dụng và đưa Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh đi vào cuộc sống, hiện thực hoá và mang lại hiệu quả thông qua các mô hình, đề án, dự án hiệu quả.

Trung tâm An sinh xã hội Thành phố Thủ Đức là mô hình giải pháp nhằm xây dựng hệ thống an sinh xã hội bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, không để ai bị bỏ lại phía sau. Từ thực tiễn hiệu quả của mô hình này, cần phát huy hơn nữa vai trò của Trung tâm trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách bảo đảm sinh xã hội bảo đảm tính bền vững; bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội để người dân thụ hưởng phúc lợi xã hội góp phần xây dựng thành phố Thủ Đức trở thành đô thị thông minh, sáng tạo; có chất lượng sống tốt, văn minh – hiện đại – nghĩa tình; phát triển nhanh, bền vững.

Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2023). Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
2. Quốc hội (2023). Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về thí điểm cơ chế và chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Chính phủ (2020). Nghị định số 80/2020-NĐ-CP ngày 08/7/2020 về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam.
4. Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh (2023). Quyết định số 3220/QĐ-UBND ngày 01/8/2023 về thí điểm thành lập Trung tâm An sinh xã hội thành phố Thủ Đức trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức.
5. Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh (2023). Quyết định số 3221/QĐ-UBND ngày 01/8/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm An sinh xã hội thành phố Thủ Đức trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức.
6. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Thủ Đức (2023). Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 15/7/2023 về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
7. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức (2024). Báo cáo số 529/BC-UBND ngày 24/7/2024 về kết quả 01 năm thực hiện Đề án thí điểm thành lập Trung tâm An sinh xã hội thành phố Thủ Đức.