Liêm chính công vụ – lý luận và thực tiễn

(Quanlynhanuoc.vn) Sáng ngày 10/10/2024, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Liêm chính công vụ – Lý luận và thực tiễn. PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện và TS. Nguyễn Thu An, Phó Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật đồng chủ trì Hội thảo.

Đại biểu dự Hội thảo có: GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TS. Vũ Công Giao, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ; TS. Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Hành chính nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ; PGS.TS. Trương Thị Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Ban Nội chính Trung ương; ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện; lãnh đạo, giảng viên, học viên, sinh viên Khoa Nhà nước và Pháp luật. Hội thảo trực tuyến đến các điểm cầu Phân hiệu Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Đắk Lắk.

PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện nhấn mạnh liêm chính công vụ là nội dung quan trọng đối với nền hành chính công vụ hiện nay. Việc thể chế hóa thành các quy định và thực hiện liêm chính trong hoạt động công vụ đã được triển khai thông qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật, như: Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… tuy nhiên, vẫn còn có nhiều vấn đề, nhiều khoảng trống cả về khoa học, nghiên cứu lý luận, về cơ chế điều chỉnh của pháp luật cần được tiếp tục nghiên cứu.

Với tinh thần cởi mở, khoa học, khách quan, cầu thị, Giám đốc Học viện mong muốn Hội thảo khoa học “Liêm chính công vụ – những vấn đề lý luận và thực tiễn” sẽ là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học cùng tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến, tham luận tập trung vào các nội dung chính:

(1) Tầm quan trọng của liêm chính công vụ trong việc xây dựng một nền hành chính công minh, minh bạch.

(2) Nhận diện những vấn đề lý luận, pháp lý về liêm chính công vụ.

(3) Các chuẩn giá trị liêm chính công vụ của một số quốc gia trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam.

(4) Đánh giá và liên hệ thực trạng pháp luật về liêm chính trong hoạt động công vụ tại Việt Nam hiện nay, phân tích, làm rõ các công trình nghiên cứu về liêm chính công vụ và những gợi mở hoàn thiện pháp luật.

(5) Các vấn đề chuyên sâu khác liên quan đến liêm chính công vụ.

Tham luận mở đầu Hội thảo về vấn đề chiến lược thúc đẩy liêm chính công của OECD và giá trị tham khảo cho Việt Nam, GS.TS. Vũ Công Giao chia sẻ những kinh nghiệm, hướng dẫn bài bản, khoa học của OECD trong việc xây dựng tăng cường liêm chính trong khu vực công với cách tiếp cận thúc đẩy liêm chính trong toàn xã hội và toàn hệ thống chính quyền.

GS.TS. Vũ Công Giao, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Qua việc tìm hiểu, nghiên cứu và vận dụng kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đặc biệt là của các nước OECD, GS.TS. Vũ Công Giao đưa ra những giá trị tham khảo đối với Việt Nam trong việc xây dựng, hoàn thiện chiến lược thúc đẩy liêm chính của đất nước trong những năm tới một cách toàn diện, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời, huy động được sự tham gia của toàn xã hội vào việc thúc đẩy liêm chính công và xây dựng một nền văn hóa liêm chính vừa có tính phổ quát, vừa phù hợp với những đặc thù của Việt Nam.

PGS.TS. Trương Thị Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Ban Nội chính Trung ương.

PGS.TS. Trương Thị Hồng Hà tiếp tục mở rộng nghiên cứu, chia sẻ thêm một số vấn đề lý luận về xây dựng văn hóa liêm chính, giáo dục liêm chính, kinh nghiệm đào tạo văn hóa liêm chính của Hàn Quốc. Với quan điểm coi trọng việc phòng ngừa tham nhũng, Hàn Quốc đã triển khai mạnh mẽ các biện pháp, trong đó có giáo dục liêm chính, phòng, chống tham nhũng cho mọi đối tượng trong xã hội, nhất là khu vực công và học sinh, sinh viên và doanh nghiệp. Qua so sánh với thực tiễn giáo dục liêm chính cho cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên tại Việt Nam thời gian qua, PGS.TS. Hà đề xuất một số giải pháp tiếp tục xây dựng chiến lược tổng thể văn hóa liêm chính công vụ; gợi mở việc đào tạo bắt buộc về liêm chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, công chức; nên học tập triển khai ứng dụng mô hình “Viện Đào tạo liêm chính” tại Việt Nam, nhằm thúc đẩy công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ.

Khẳng định liêm chính là yêu cầu mang tính phổ quát của các nền công vụ trên thế giới. TS. Đinh Văn Minh, tham luận tính cấp thiết cũng như các giải pháp để nâng cao tính liêm chính trong hoạt động công vụ trên cơ sở nền tảng đạo đức của toàn xã hội, tập trung vào các vấn đề: (1) Phân tích nội hàm khái niệm liêm chính – một nội dung trong đạo đức; (2) Yêu cầu khách quan đặt ra vấn đề liêm chính trong công vụ; (3) Giải pháp nâng cao đạo đức liêm chính trong hoạt động công vụ.

TS. Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Hành chính nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ.

TS. Hoàng Thị Ngân tham luận nội dung: “Hoàn thiện pháp luật công vụ theo tinh thần liêm chính”. Là phạm trù mang nhiều giá trị đạo đức, liêm chính công vụ đã được thể hiện một số khía cạnh trong Luật Cán bộ, công chức và các văn bản có liên quan đến hoạt động công vụ, như: Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quy chế văn hoá công sở… TS. Ngân chia sẻ mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức, nhấn mạnh yêu cầu thể chế hóa các quy phạm đạo đức, qua đó từng bước hoàn thiện pháp luật trên cơ sở chuẩn mực giá trị đạo đức trong nền công vụ, hướng tới nền công vụ liêm chính tại Việt Nam.

Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI chia sẻ vấn đề liêm chính công vụ từ góc nhìn doanh nghiệp qua kết quả khảo sát môi trường kinh doanh (PCI) của VCCI. Qua phân tích các chỉ tiêu đánh giá, trong đó có những chỉ số thành phần chi phí không chính thức của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, ông Phạm Ngọc Thạch nhận định, tham nhũng, tiêu cực có xu hướng được cải thiện, phản ánh những chuyển biến, kết quả tích cực của công cuộc phòng, chống tham nhũng, nâng cao đạo đức, liêm chính trong hoạt động công vụ ở Việt Nam. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế bền vững, cần có những giải pháp cắt giảm chi phí không chính thức, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.

GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

GS.TS. Võ Khánh Vinh đặt vấn đề cần nâng tầm nhận thức liêm chính trở thành một “giá trị” để tiếp cận phát triển nghiên cứu; đề xuất khung tư duy nghiên cứu về liêm chính công vụ, luận giải những nội hàm lý luận về liêm chính với tất cả các góc độ, lập luận trên cơ sở định vị tầm giá trị liêm chính; các yếu tố tác động tương quan; nhận diện liêm chính ở nước ta với các biểu hiện, nguyên nhân, đặc thù, tư duy, quan điểm…; học tập kinh nghiệm, giá trị quốc tế; khái quát hóa, xây dựng thành chiến lược thúc đẩy liêm chính công vụ…

Đồng quan điểm với GS.TS. Võ Khánh Vinh, GS.TS. Phạm Hồng Thái tiếp tục khẳng định liêm chính là vấn đề giá trị nhận thức chung của nhân loại. Nghiên cứu về liêm chính có thể tiếp cận đa chiều từ nhiều góc độ: vấn đề đạo đức chung của con người; góc độ đạo đức công vụ, văn hóa công vụ; xem xét mối liên hệ với kinh tế; liêm chính từ góc độ chính trị; liêm chính gắn với tính lịch sử. Khi nghiên cứu về liêm chính trong hoạt động công vụ cần đặt trong tổng thể nghiên cứu về xây dựng, ban hành văn bản; trong thi hành pháp luật; hoạt động tư pháp…

GS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đóng góp tham luận “Cần, kiệm, liêm, chính theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vận dụng trong hoạt động công vụ, TS. Trương Cộng Hòa, Quyền Giám đốc Phân hiệu Học viện tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định việc nghiên cứu và vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Cần, Kiệm, Liêm, Chính có ý nghĩa to lớn đối với hoạt động công vụ trong bối cảnh hiện nay nhằm xây dựng một nền công vụ liêm chính, đủ năng lực và uy tín, xứng đáng với nhu cầu và nguyện vọng của Nhân dân. Trong tham luận, TS. Trương Cộng Hòa đề xuất một số giải pháp vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nền công vụ liêm chính, như: (1) Thực hiện tốt chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; (2) Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; (3) Tăng cường và khẳng định tầm quan trọng của hoạt động quan hệ công chúng (PR); (4) Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, lãng phí; (5) Coi trọng tinh thần tự phê bình và phê bình.

TS. Trần Quyết Thắng, Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Quảng Nam tham luận chia sẻ nội dung: “Khởi kiện Quy tam – một cơ chế tham gia của người dân trong bảo đảm liêm chính công vụ ở Việt Nam”. Quy tam là một định hướng pháp lý giúp người dân tham gia hoạt động kiện tụng công bằng tại Tòa án. Tòa án công nhận những người này là nguyên đơn chính đáng dựa trên luật và đương nhiên họ có quyền tranh tụng và tham gia giám sát toàn bộ quá trình xét xử, thay vì chỉ dừng lại ở việc phản ánh hành vi tham nhũng đến cơ quan có thẩm quyền mà không được tham gia vào quá trình đưa ra kết luận.

TS. Lê Thị Hoa, Khoa Nhà nước Pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia.

Theo TS. Lê Thị Hoa, Khoa Nhà nước Pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia, kiểm soát xung đột lợi ích được xem là biện pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ góp phần quan trọng trong mục tiêu xây dựng nền công vụ liêm chính được các quốc gia trên thế giới coi trọng. Trên cơ sở nghiên cứu những quy định về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ, TS. Hoa đề xuất một số giải pháp hoàn thiện, nâng cao hiệu quả kiểm soát xung đột lợi ích, qua đó ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ.

Sinh viên Lê Nguyễn Phương Thùy, sinh viên ngành Thanh tra, Học viện Hành chính Quốc gia.

Sinh viên Lê Nguyễn Phương Thùy, sinh viên ngành Thanh tra, Học viện Hành chính Quốc gia tham luận nội dung nhận diện những vấn đề lý luận, pháp lý về liêm chính công vụ, nhận định còn một số hạn chế trong thực tiễn thi hành các quy định pháp luật về liêm chính công vụ ở nước ta hiện nay, qua đó xác định nguyên nhân, đưa ra một số giải pháp thúc đẩy liêm chính công vụ, gồm: (1)Thống nhất nhận thức và xác định quyết tâm chính trị trong việc xây dựng và thực hiện các chuẩn mực về liêm chính trong hoạt động công vụ; (2) Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về liêm chính; (3) Tập trung nguồn lực tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về liêm chính; (4) Chú trọng yếu tố con người – chủ thể trung tâm của liêm chính; (5) Nâng cao chất lượng môi trường công vụ.

Quang cảnh Hội thảo.

Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến trân trọng cảm ơn các đại biểu, nhà khoa học đã quan tâm, tham dự, tích cực đóng góp ý kiến, tham luận làm sáng tỏ các nội dung liên quan đến chủ đề hội thảo. Với 34 bài tham luận được tổng hợp tại kỷ yếu cùng nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận trực tiếp tại Hội thảo đã gợi mở cách tiếp cận khái niệm liêm chính dưới góc độ “giá trị văn hóa”; cung cấp góc nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về giá trị liêm chính cả về lý luận và thực tiễn; có những đề xuất thiết thực nhằm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng văn hóa liêm chính, nâng cao đạo đức liêm chính trong công vụ. Những kết quả của Hội thảo sẽ được Ban Tổ chức Hội thảo nghiêm túc tiếp thu, là cơ sở nền tảng, kiến thức quý báu, luận cứ khoa học quan trọng để Học viện Hành chính Quốc gia tiếp tục nghiên cứu, nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo và góp phần đề xuất, tham vấn chính sách.

Quản Anh – Ánh Nguyệt