Phân tích hiệu quả kinh doanh tại các doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

TS. Phạm Thị Thùy Vân
ThS. Nguyễn Thị Nguyệt
Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp

(Quanlynhanuoc.vn) -Phân tích hiệu quả kinh doanh nói riêng và phân tích tài chính nói chung ngày càng được quan tâm trú trọng tại các doanh nghiệp. Hiện nay xu thế toàn cầu hóa và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thay đổi hướng phát triển kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, phát triển kinh tế với mục tiêu phát triển bền vững đang là hướng đi của nhiều nền kinh tế và nhiều doanh nghiệp. Các mô hình kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang dần thay thế mô hình kinh tế truyền thống. Khi các doanh nghiệp có sự thay đổi và áp dụng các mô hình kinh tế này vào sản xuất thì hiệu quả kinh doanh cũng như hoạt động phân tích hiệu quả kinh doanh trong doanh nghiệp cũng sẽ có sự thay đổi để đáp ứng nhu cầu thông tin cho nhà quản trị. Bài viết phân tích hiệu quả kinh doanh tại các doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Từ khóa: Doanh nghiệp, phân tích, hiệu quả kinh doanh, kinh tế tuần hoàn.

1. Đặt vấn đề

Phân tích hiệu quả kinh doanh trong doanh nghiệp là một hoạt động cần thiết, được xem như một công cụ tài chính phục vụ cho mục đích quản lý. Bởi phân tích hiệu quả kinh doanh cho phép thu thập, xử lý các thông tin kế toán và các thông tin khác trong quản lý doanh nghiệp nhằm đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh như: hiệu quả sử dụng chi phí, hiệu suất sử dụng vốn, khả năng sinh lời… của doanh nghiệp, giúp cho các nhà quản trị đưa ra các quyết định quản lý phù hợp với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp mình. Bên cạnh đó việc phân tích hiệu quả kinh doanh phụ thuộc nhiều vào đặc thù sản xuất – kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp hướng đến mục tiêu phát triển bền vững áp dụng các hình thức kinh tế mới, trong đó có kinh tế tuần hoàn sẽ có những đặc điểm riêng biệt. Do đó khi tiến hành phân tích hiệu quả kinh doanh các chỉ tiêu phân tích sẽ khác những doanh nghiệp đang áp dụng mô hình kinh tế truyền thống.

2. Cơ sở lý thuyết về Kinh tế tuần hoàn

Ngày nay, những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra có tần suất ngày càng nhiều và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Các hiện tượng như lũ lụt, hạn hán, nhiệt độ trái đất tăng, động đất, sóng thần… và đặc biệt là bệnh dịch nguy hiểm xuất hiện như đại dịch Covid 19 diễn ra vào năm 2020 – 2021 là hồi chuông lớn cảnh báo tới con người, đòi hỏi chính phủ các nước trên thế giới phải có những biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, phát triển kinh tế phải gắn với mục tiêu bền vững. Một trong những giải pháp được đưa ra và đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng đó chính là thay thế mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống bằng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Có rất nhiều khái niệm về kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên khái niệm được nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế thừa nhận rộng rãi là khái niệm của Ellen MacArthur Foundation (2012) định nghĩa: “Kinh tế tuần hoàn (kinh tế tuần hoàn) là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó”.

Như vậy, kinh tế tuần hoàn là một hệ thống, trong đó các tài nguyên được tận dụng lại hoặc tái sử dụng, các dòng phế liệu được biến thành đầu vào để tiếp tục sản xuất. Bản chất của kinh tế tuần hoàn là tính khôi phục và tính tái tạo, với 3 nội dung cơ bản sau: (1) Bảo tồn và phát triển vốn tự nhiên thông qua việc kiểm soát hợp lý các tài nguyên không thể phục hồi và cân đối với các tài nguyên có thể phục hồi, các nguồn năng lượng tái tạo; (2) Tối ưu hóa lợi tức của tài nguyên bằng cách tuần hoàn các sản phẩm và vật liệu nhiều nhất có thể trong các chu trình kỹ thuật và sinh học; (3) Nâng cao hiệu suất chung của toàn hệ thống bằng cách chỉ rõ và thiết kế các ngoại ứng tiêu cực.

Kinh tế tuần hoàn sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại và chất thải gây suy giảm khả năng tái sử dụng thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống. Mô hình này biến rác thải đầu ra của ngành này (giai đoạn sản xuất này) thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác (giai đoạn sản xuất khác). Mô hình này góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, nền kinh tế tuần hoàn giúp các quốc gia tiết kiệm chi phí, giảm thiểu sự biến động giá và rủi ro đến từ các nhà cung cấp, gia tăng tính đổi mới sáng tạo bằng việc thay thế các sản phẩm.

3. Thực trạng kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay

Do tính ưu việt của kinh tế tuần hoàn so với kinh tế truyền thống nên hiện nay đã có nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng mô hình kinh tế này và ở Việt Nam Viện nghiên cứu và phát triển kinh tế tuần hoàn (ECID) được thành lập vào tháng 2 năm 2020 trực thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Với định hướng là trung tâm chuyển giao công nghệ, tư vấn giải pháp và chính sách cho chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương và kết nối doanh nghiệp – nhà nước – đại học và các bên có liên quan trên cơ sở liên kết lợi ích – nhu cầu để hướng về mục tiêu chung phát triển bền vững, được kỳ vọng sẽ giúp ngày càng nhiều các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và áp dụng kinh tế tuần hoàn vào sản xuất.

Thực tế Việt Nam đã có một số mô hình tiếp cận của kinh tế tuần hoàn như mô hình thu gom tái chế sắt vụn, thu gom tái chế giấy…; trong nông nghiệp có mô hình vườn – ao – chuồng, vườn – rừng – ao – chuồng, thu hồi gas từ chất thải vật nuôi…và các mô hình sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, như: mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ…

Các doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn một cách hoàn chỉnh như: công ty cổ phần sữa Vinamilk, công ty Heineken Việt Nam, công ty cổ phần Vĩnh Hoàng, công ty Nestle Việt Nam… đều là những công ty đi đầu, tiên phong trong việc áp dụng kinh tế tuần hoàn ở nước ta. Tùy vào đặc điểm sản xuất – kinh doanh, cũng như mục tiêu của mình mà mỗi doanh nghiệp lựa chọn áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp.

Tại công ty Heineken, kinh tế tuần hoàn được áp dụng như sau: phụ phẩm bã bia sau quá trình sản xuất được sử dụng để làm thức ăn cho gia súc. Nước thải cũng được xử lý triệt để, có thể dùng để tưới cây hoặc nuôi cá. Đối với năng lượng sử dụng trong nhà máy, Heineken thành lập đơn vị thứ ba mua lại vỏ trấu, mùn cưa, xử lý để tạo ra nhiên liệu sinh khối. Đối với các loại bao bì như vỏ lon, vỏ chai, nắp chai, két bia, Heineken tiến hành thu gom trực tiếp tại hàng quán, siêu thị để tiến hành tái chế, tái sử dụng. Riêng nắp chai được công ty thu gom, xử lý thành thép để xây dựng cầu.

Nestlé Việt Nam cũng đã thực hiện mô hình tuần hoàn sử dụng bã cà phê thành nguyên liệu sinh khối thay thế dầu đốt. Bã cà phê được nén làm viên đốt sinh khối thay cho nhiên liệu đốt để vận hành lò hơi; tro và cát thải lò hơi sau khi đốt dùng làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung; bùn thải cà phê được chế biến thành phân vi sinh; hơi nước được tái sử dụng cho tháp giải nhiệt; nước thải được xử lý và tái sử dụng cho sản xuất và chất lượng nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn loại A.

Vinamik xây dựng hệ thống xử lý chất thải Biogas trong các trang trại bò sữa đã giúp biến chất thải thành “tài nguyên”, phục vụ lại cho hoạt động của trang trại. Cụ thể, lượng khí mê-tan thu được từ hệ thống Biogas sẽ dùng để sấy khô cỏ làm thức ăn dự trữ cho bò bê, thanh trùng sữa cho bê, đun nóng nước dùng cho hoạt động trang trại. Chất thải được xử lý để thành phân bón cho đồng cỏ, bắp… và phục vụ cải tạo đất. Từ đó, giúp tiết kiệm chi phí về điện, phân bón… từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm cho mỗi trang trại. Đồng thời, vòng tuần hoàn được hình thành giữa các trang trại và các hộ nông dân liên kết. Người dân canh tác bắp, cỏ cung cấp cho trang trại để làm thức ăn cho bò, ngược lại trang trại sẽ hỗ trợ nông dân về phân bón, công nghệ, cải tạo đất, cùng người dân thực hành nông nghiệp tốt. Từ đó hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ, cùng phát triển, bảo vệ hệ sinh thái, môi trường chung.

Công ty TNHH SX-TM-DV Qui Phúc – doanh nghiệp chuyên về nội thất inox và nhựa cũng đã có nhiều sáng tạo trong quy trình sản xuất để tận dụng tối đa những nguyên vật liệu dư thừa, phể phẩm trong quá trình sản xuất. Ví dụ như khi sản xuất chiếc bàn tròn, tấm inox sẽ dư ra các tấm tam giác ở 4 góc. Thay vì bỏ những góc này đi hoặc bán phế liệu, Công ty TNHH SX-TM-DV Qui Phúc đã nghiên cứu cách tận dụng phần này để sản xuất ra những sản phẩm mới như kệ góc trong phòng tắm, họa tiết trang trí trên các sản phẩm kệ… và được thị trường đón nhận.

Đối với sản phẩm nhựa, Qui Phúc cũng có quy trình sản xuất để các chất thải trong quá trình sản xuất không bị đưa trực tiếp ra ngoài môi trường. Hoặc như Công ty Tái chế Duy Tân (Duy Tân Plastic Recycling – DTR) đã ghi được dấu ấn bằng việc tạo ra “vòng đời mới” cho các sản phẩm nhựa. Trong năm 2022 DTR đã thu gom và tái chế được hơn 1,3 tỷ chai nhựa. Trong đó, có 4.000 tấn hạt nhựa tái chế đã được xuất khẩu thành công sang Mỹ – thị trường khắt khe hàng đầu trên thế giới. Ngoài thị trường Mỹ, hạt nhựa tái chế của DTR cũng đã được xuất khẩu tới 12 thị trường khác. Hiện công ty đang là đối tác của nhiều nhãn hàng lớn như Lavie, Nestlé, Suntory Pepsico…

4. Phân tích hiệu quả kinh doanh tại các doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Hiện tại những công ty này vẫn đang triển khai kinh tế tuần hoàn và chứng minh sự hiệu quả của mô hình này. Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp này chính đều tận dụng được các nguồn phế liệu từ sản xuất để sản xuất một mặt hàng khác, làm gia tăng giá trị cho doanh nghiệp cũng như tăng hiệu quả kinh doanh.

Để đánh giá hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp này cần xem xét phân tích hiệu quả kinh doanh trên cả góc độ tài chính và góc độ xã hội. Dựa vào đặc điểm của kinh tế tuần hoàn cũng như thực trạng áp dụng kinh tế tuần hoàn vào các doanh nghiệp hiện nay. Tác giả đưa ra các chỉ tiêu để phân tích hiệu quả kinh doanh tại các doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn như sau:

+ Tỷ lệ phụ phẩm, phế phẩm từ nhiên vật liệu đầu vào được tái sử dụng.

Tỷ lệ phụ phẩm, phế Tổng số phụ phẩm, phế phẩm từ nhiên vật liệu đầu vào được tái sử dụng 
phẩm từ nhiên vật liệu đầu vào=x 100%
được tái sử dụng Tổng nhiên vật liệu đầu vào sản xuất trong năm 

Chỉ tiêu này giúp đánh giá việc các công ty tận dụng được các phế phẩm phụ phẩm trong quá trình sản xuất, đồng thời tiết kiệm chi phí tăng thu nhập và giảm ô nhiễm môi trường. Hiện nay các công ty áp dụng kinh tế tuần hoàn thường tận dụng các phụ phẩm để sản xuất phục vụ cho chính của công ty mình hoặc bán ra thị trường. Chỉ tiêu này tăng có thể thấy các công ty đang quản lý và sử dụng chi phí một cách có hiệu quả, góp phần tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

+ Mức đầu tư cho lý chất thải sản xuất.

Mức đầu tư cho Tổng số tiền chi cho xử lý chất thải sản xuất 
xử lý chất thải=x 100%
sản xuất Tổng tài sản của doanh nghiệp 

Chỉ tiêu này cho biết trong 1 đồng tài sản của các công ty thì có bao nhiêu đồng được dùng cho việc xử lý chất thải sản xuất. Hiện nay việc đầu tư cho xử lý chất thải trong quá trình sản xuất rất cần được quan tâm và đầu tư vì nó góp phần vào việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của các công ty. Cơ sở dữ liệu phục vụ cho phân tích các chỉ tiêu đóng góp về mặt môi trường được lấy từ số liệu trên các báo cáo sản xuất, báo cáo quản trị và bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp.

+ Mức đầu tư cho thu gom rác thải phục vụ cho tái chế.

Mức đầu tư cho Tổng số tiền chi cho thu gom rác phục vụ cho tái chế 
Thu gom rác phục vụ cho tái chế=x 100%
  Tổng tài sản của doanh nghiệp 

Chỉ tiêu này cho biết trong 1 đồng tài sản của các công ty thì có bao nhiêu đồng được dùng cho việc thu gom rác từ sản phẩm của công ty để phục vụ cho tái chế. Hiện nay, việc đầu tư cho thu gom rác để tái chế rất cần được quan tâm và đầu tư vì nó góp phần vào việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của các công ty.

+ Tỷ lệ doanh thu từ sản phẩm tái chế.

Tỷ lệ doanh thu Doanh thu thu được từ sản phẩm tái chế 
từ sản phẩm tái chế=x 100%
  Tổng doanh thu của doanh nghiệp 

Chỉ tiêu này giúp đánh giá doanh thu thu được từ việc bán các sản phẩm tái chế chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng doanh thu của doanh nghiệp. Từ đó giúp các nhà quản lý đánh giá về việc đầu tư cho sản phẩm tái chế có hiệu quả không, nên đầu tư tái chế như thế nào để vừa mang lại hiệu quả kinh doanh cho công ty, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

5. Kết luận

Phát triển kinh doanh gắn với phát triển bền vững đã trở mục tiêu của rất nhiều doanh nghiệp. Kinh tế tuần hoàn đã và đang là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp trong nước và trên thế giới hoàn thành mục tiêu này. Phân tích hiệu quả kinh doanh tại các doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn sẽ có những chỉ tiêu đặc thù. Thông tin tài chính từ những chỉ tiêu này sẽ giúp cho các nhà quản trị doanh nghiệp có được những quyết định phù hợp khi áp dụng kinh tế tuần hoàn để vừa mang lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp, vừa bảo vệ môi trường hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững.

Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Trọng Cơ, Nghiêm Thị Thà (2015). Giáo trình phân tích tài chính doanh nghiệp. H. NXB Tài chính.
2. Nguyễn Văn Công (2015). Phân tích kinh doanh. H. NXB Đại học Kinh tế Quốc dân.
3. https://heineken-vietnam.com.vn/
4. https://new.vinamilk.com.vn/
5. http://lyluanchinhtri.vn/