(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 11/10, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Diễn đàn khoa học thường niên về quản lý công năm 2024 với chủ đề “Đổi mới phương thức quản lý công trong bối cảnh phát triển xanh và bền vững”. PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện; các phó giám đốc, PGS.TS. Lương Thanh Cường và TS. Nguyễn Đăng Quế đồng chủ trì Diễn đàn.
Đại biểu khách mời dự Diễn đàn, về phía các bộ, ban, ngành, có: TS. Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; TS. Trần Văn Tùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; PGS.TS. Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Đinh Ngọc Linh, đại diện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính; ông Nguyễn Văn Thủy, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ; TS. Vũ Xuân Thanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ; bà Phạm Thị Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ; ông Lê Văn Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Nội vụ.
Về phía đại biểu quốc tế (dự trực tuyến) có: GS. Richard Hazenberg, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đổi mới và Tác động xã hội, Đại học Northampton, Vương quốc Anh; PGS.TS. Kristoffer B. Berse, Trưởng khoa Trường Hành chính và Quản trị, Đại học Quốc gia Philippine; ông Olivier Lefevre, giảng viên, chuyên gia về tư duy thiết kế, phân tích và giải quyết vấn đề, Vương Quốc Bỉ; TS. Phạm Thanh Thảo, giảng viên, chuyên gia tư vấn cao cấp, Cộng hòa Pháp; TS. Lê Thanh Tuyên, Đại học Northampton, Vương quốc Anh.
Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có: PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện. GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc điều hành Học viện (dự trực tuyến); Lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện; các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên trong và ngoài Học viện tham dự trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại các đầu cầu (qua Microsoft Teams).
Phát biểu khai mạc diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến khẳng định, Chiến lược phát triển Học viện Hành chính Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 đã xác định: Xây dựng và phát triển Học viện thực sự là trung tâm quốc gia ngang tầm khu vực về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững; phát triển có trọng tâm, trọng điểm, lấy chất lượng, hiệu quả làm nền tảng, lấy người học làm trung tâm, lấy tự chủ Học viện làm động lực, phát huy vai trò tiên phong, đổi mới, sáng tạo; hình thành và phát triển hệ sinh thái đồng bộ, toàn diện, phát triển Học viện số góp phần thực hiện có hiệu quả yêu cầu phát triển đất nước bền vững… Được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Diễn đàn khoa học thường niên về quản lý công năm 2024, với chủ đề “Đổi mới phương thức quản lý công trong bối cảnh phát triển xanh và bền vững”.
Giám đốc Học viện nhấn mạnh, vấn đề tăng trưởng xanh và phát triển bền vững được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Ngày 25/9/2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là chiến lược quốc gia đầu tiên, toàn diện về lĩnh vực phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam.Theo đó, Chính phủ khẳng định: “Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, bảo đảm phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”.
Trong bối cảnh phát triển xanh và bền vững ở Việt Nam đang gặp phải những khó khăn, hạn chế, như: nhận thức của người dân, doanh nghiệp về nền kinh tế xanh vẫn còn khá mới mẻ, rất cần các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, cung cấp những luận cứ khoa học về phát triển và bền vững; hệ thống pháp luật còn thiếu tính đồng bộ, tính thống nhất; những quy định về phát triển xanh, bền vững còn nằm ở nhiều văn bản; nội dung điều chỉnh còn chung chung, chưa hoàn toàn phù hợp; quản lý nhà nước trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh, bền vững ở một số ngành, vùng và địa phương còn thiếu sự liên kết, thống nhất với nhau. Từ đó, phương thức quản lý công ở Việt Nam cần phải đổi mới phù hợp với những thay đổi nhanh chóng của bối cảnh kinh tế – xã hội, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những thay đổi liên tục của các ưu tiên trong quản lý nhà nước đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của phát triển xanh và bền vững.
Diễn đàn khoa học về quản lý công trong bối cảnh phát triển xanh và bền vững là điễn đàn cần thiết, có ý nghĩa quan trọng, để các nhà khoa học, các chuyên gia trao đổi, chia sẻ tri thức, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm đối với vấn đề có tính toàn cầu về đổi mới phương thức quản lý công trong bối cảnh phát triển xanh, bền vững. Giám đốc Học viện rất mong các nhà khoa học, các chuyên gia và quý vị đại biểu chia sẻ các kết quả nghiên cứu, những bài học kinh nghiệm, những phát hiện khoa học mới; những kiến giải độc đáo, đặc thù, những giải pháp phù hợp, hữu ích làm cơ sở khoa học, pháp lý và thực tiễn cho việc thực hiện đổi mới phương thức quản lý công trong bối cảnh phát triển xanh, bền vững ở Việt Nam.
Trình bày đề dẫn Diễn đàn, TS. Nguyễn Đăng Quế nhấn mạnh, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đất nước ngày càng hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng vào đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa quốc tế. Cải cách hành chính nhà nước, cải tiến phương thức vận hành của bộ máy nhà nước luôn là chủ trương nhất quán của Đảng, là một trong những điều kiện tiên quyết, yếu tố tạo lên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhằm bắt kịp xu hướng chung của thế giới về đổi mới phương thức quản lý công trong bối cảnh phát triển xanh và bền vững. Có thể khẳng định, quá trình cải cách, đổi mới phương thức quản lý công hướng đến phát triển xanh và bền vững đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, công bằng xã hội, thúc đẩy hội nhập kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện chủ trương phát triển xanh và bền vững ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Với tính chất cấp thiết, quan trọng của phát triển xanh và bền vững, Diễn đàn không chỉ hướng vào những vấn đề lý luận, pháp lý, thực tiễn của phát triển xanh và bền vững ở cấp độ quốc gia, khu vực hay toàn cầu mà mục tiêu của Diễn đàn còn tập trung thảo luận về: “Đổi mới phương thức quản lý công trong bối cảnh phát triển xanh và bền vững”.
Ngoài các vấn đề lý thuyết như khái niệm, đặc điểm, nguồn gốc lý luận, nội dung, vai trò, các yếu tố tác động đến phát triển xanh và bền vững, Ban Tổ chức Diễn đàn rất mong các các nhà khoa học tập trung vào một số vấn đề sau:
1. Chỉ ra những rào cản, thách thức thực tiễn và cơ hội đối với phát triển xanh và bền vững ở Việt Nam trong các lĩnh vực cụ thể khác nhau: nông nghiệp, công nghiệp, tài chính, phát triển khoa học – công nghệ…
2. Phân tích xu hướng, mô hình, phương thức đổi mới quản lý công trong bối cảnh phát triển xanh và bền vững.
3. Lược thuật kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về đổi mới phương thức quản lý công trong bối cảnh phát triển xanh và bền vững có sự tương đồng để rút ra những bài học có giá trị tham khảo đối với Việt Nam.
4. Thực trạng phương thức quản lý công trong bối cảnh phát triển xanh và bền vững ở Việt Nam – Những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân.
5. Những vấn đề đặt ra đối với hoạch định, thực thi chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển xanh và bền vững.
6. Giải pháp đổi mới phương thức quản lý công trong bối cảnh phát triển xanh và bền vững ở Việt Nam.
GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển với tham luận có nội dung “Quản lý công theo hướng phát triển xanh, bền vững là mệnh lệnh của cuộc sống”. Tham luận nêu ra 2 khái niệm được xác định làm cơ sở phân tích nội dung, gồm: thuật ngữ “quản lý công” là khái niệm chỉ quản lý nhà nước (tương đương các thuật ngữ: hành chính công; hành chính nhà nước; hành chính quốc gia) và thuật ngữ “xanh” phảnh ánh các hoạt động gắn với môi trường an toàn (tương tự tính chất của các khái niệm: môi trường xanh, kinh tế xanh, phát triển xanh…). Tham luận đồng thời tập trung phân tích sự tác động quản lý làm suy giảm môi trường sống là một phần hạn chế của quản lý xã hội của bộ máy nhà nước, trong đó, Nhà nước với các chính sách khuyến khích phát triển khoa học, hỗ trợ cấc hoạt động tăng năng suất lao động xã hội đã mang lại nhiều kết quả tích cực từ hoạt động tác động tới môi sinh để tạo ra các chất liệu, vật liệu phục vụ sản xuất.
Từ những tác động quản lý có khả năng làm suy giảm môi trường sống, GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển đã đưa ra 5 nguyên tắc cho quản lý công cần đạt tới để đáp ứng yêu cầu theo hướng phát triển xanh, gồm: (1) Tuân thủ quy luật khách quan trong mối quan hệ giữa sinh tồn xã hội (của con người, loài người); (2) Khoa học quản lý và hoạt động nghiên cứu khoa học phải như hai mặt của hoạt động quản lý; (3) Đề cao trách nhiệm xã hội của quản lý công trở thành mệnh lệnh mới đủ để đóng góp cho quản lý phát triển xanh; (4) Nguyên tắc giữa sự cân bằng cơ bản, tương đối (vì không thể đạt tới tuyệt đối), với sự tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội hài hòa; (5) Nguyên tắc đồng bộ, là sự đồng bộ giữa chủ trương, quyết sách chính trị, hệ thống pháp lý và thiết chế quản lý.
GS. Richard Hazenberg trình bày bài tham luận liên quan đến giải pháp đổi mới trong công tác chăm sóc sức khỏe có nội dung: “Chăm sóc sức khỏe bền vững: kê đơn xã hội – một cơ chế cho kết quả sức khỏe tích cực”.
Giáo sư nêu, thách thức toàn cầu mà chúng ta đang phải đối mặt trong vấn đề chăm sóc sức khỏe con người (già hóa dân số, tình trạng sức khỏe yếu kém ngày càng gia tăng hằng năm) kéo theo chi phí khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, đây là gánh nặng đối với quản lý xã hội mà chúng ta đang phải đối mặt hằng ngày. Tình trạng sức khỏe yếu kém ảnh hưởng đến nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội mà không chỉ mỗi người già mà còn gây ra tình trạng bất công bằng về chăm sóc sức khỏe do các yếu tố liên quan đến đối tượg công dân có điều kiện kinh tế và người lao động phổ thông, người bản địa và người nhập cư…, điều này cũng dẫn đến mất cân bằng sản xuất trong xã hội đòi hỏi phải tăng cường quản lý xã hội của quốc gia.
Giải pháp và tác dụng của kê đơn xã hội là các kênh y tế chăm sóc sức khỏe truyền thống (bệnh viện, phòng khám) sẽ giới thiệu với người bệnh, người dân về các tổ chức cộng đồng (hội nhóm, đoàn thể) để có thể nhận sự trợ giúp rộng hơn về mặt xã hội, giúp chữa trị và phục hồi sức khỏe tinh thần, từ đó có nhiều động lực hơn trong đời sống.
PGS.TS. Kristoffer B. Berse trình bày tham luận “Đổi mới quản lý công vì mục tiêu phát triển xanh và bền vững tại Philippine” xoay quanh 3 nội dung: (1) Bối cảnh quản lý xanh ở Philippine; (2) Đổi mới phương thức quản lý để phát triển xanh và bền vững; (3) Tầm quan trọng của quản lý công trong giải quyết thách thức bền vững và tập trung vào các ý chính: Bộ luật công trình xanh tại Phippine; tăng khả năng thích ứng thông qua các công trình xanh; quản lý tài nguyên thiên nhiên dựa trên hệ sinh thái; giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào thiên nhiên; các bài học từ quốc tế; thách thức và cơ hội; giải pháp, khuyến nghị và kết luận.
Các giải pháp gợi ý tập trung vào: (1) Tích hợp các giải pháp dựa trên hệ sinh thái và thiên nhiên; (2) Tăng cường sự tham gia và tương tác của cộng đồng; (3) Áp dụng các tiêu chuẩn và chứng nhận công trình xanh; (4) Xây dựng quy hoạch đô thị và nông thôn có tính bền vững; (5) Đổi mới chính sách và quản lý linh hoạt; (6) Đầu tư vào nghiên cứu và xây dựng năng lực để nâng cao hiệu quả quản lý công và các sáng kiến bền vững.
Tham luận tại Diễn đàn từ đầu cầu Cộng hòa Pháp, TS. Phạm Thanh Thảo đại diện nhóm nghiên cứu trình bày tham luận “Vận hành quá trình phát triển bền vững thông qua quản lý hợp tác và sự phát triển của các bên liên quan”. Tham luận nêu lên tầm quan trọng của sự tham gia của các bên vào quá trình quản lý, do vậy, nhóm nghiên cứu tập trung làm rõ các nội dung có liên quan đến quản lý hợp tác, quản lý có sự hợp tác của các bên liên quan, vai trò của quản lý có sự hợp tác của các bên liên quan trong quá trình phát triển bền vững và đề xuất giải pháp đồng thiết kế là khung lý thuyết chính trong quá trình phát triển bền vững. Thông qua việc nghiên cứu điển hình tại một số quốc gia (Bangladesh, Nepal, Ấn Độ), nhóm nghiên cứu đưa ra bài học cụ thể để vận hành quá trình phát triển bền vững.
Chủ đề “Quản lý nhà nước về kinh tế xanh trong bối cảnh phát triển bền vững” là nội dung tham luận nhóm nghiên cứu được TS. Bùi Thị Thùy Nhi, giảng viên Khoa Quản lý kinh tế, Học viện Hành chính Quốc gia đại diện nhóm nghiên cứu trình bày tại Diễn đàn. Tham luận nêu lên tầm quan trọng của phát triển kinh tế xanh, đây là mô hình chủ đạo, chi phối sự phát triển kinh tế thế giới và Việt Nam hiện nay và những năm tiếp theo.
Việt Nam đã thông qua và tiếp tục ban hành các chính sách và kế hoạch chiến lược để thúc đẩy các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong đó có Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030. Như vậy, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược và đã đến giai đoạn cần hành động mạnh mẽ, hiệu quả để hiện thực hóa những tuyên bố, cam kết đó. Nhóm nghiên cứu đã thẳng thắn nêu lên thực trạng quản lý nhà nước đối với kinh tế xanh ở Việt Nam từ khi bắt đầu thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh 2011 – 2020.
Từ những tồn tại, bất cập trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp chính sách thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam, góp phần thực hiện hóa chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh: (1) Cần điều chỉnh các chính sách về môi trường cho phù hợp với tình hình mới; (2) Hoàn thiện khung chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất với công nghệ lạc hậu sang mô hình kinh doanh thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ; (3) Đổi mới tư duy trong nhận thức về bảo vệ môi trường của cán bộ, người dân, doanh nghiệp…, với hành vi ứng xử, cách làm, trách nhiệm với thiên nhiên môi trường; (4) Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư gắn với tiêu chí bảo đảm bảo vệ môi trường; (5) Đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh.
PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh, Trưởng khoa Khoa Nhà nước và Pháp luật trình bày tham luận“Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong bối cảnh phát triển bền vững”. Vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp luật rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển bền vững và cần đáp ứng các yêu cầu; đồng thời đề xuất một số khuyến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật trong bối cảnh phát triển bền vững, như: (1) Nâng cao nhận thức và bảo đảm thực hiện hệ thống pháp luật trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực hiệu quả; (2) Tiếp tục hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ, bảo đảm chủ quyền nhân dân; (3) Tổ chức thực hiện tốt pháp luật về quyền con người, quyền công dân; xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; đề cao trách nhiệm của các thiết chế nhà nước trong tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; (4) Gắn kết xây dựng pháp luật với tổ chức thực hiện pháp luật; (5) Phân cấp, phân quyền hiệu lực hiệu quả, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả.
TS. Hà Công Tuấn chia sẻ một số kinh nghiệm phát triển xanh, bền vững từ áp dụng khoa học – công nghệ vào phát triển kinh tế nông nghiệp. Hiện nay, khoa học và công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp nói chung, 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi nói riêng, góp phần vào thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu, là câu trả lời cho việc phát triển nền nông nghiệp bền vững của đất nước. Điều này cũng đòi hỏi khả năng hoạch định chính sách của các nhà quản lý, của các cơ quan, ban, ngành cần phải vào cuộc cùng lúc, xây dựng kế hoạch, chiến lược đồng bộ, khoa học, mang tính ứng dụng cao trong trong hướng đi xây dựng nông nghiệp Việt Nam chất lượng, chủ động, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế trong xuất khẩu nông nghiệp.
Lựa chọn công nghệ phù hợp phục vụ phát triển xanh, bền vững dựa trên nguồn lực sẵn có thông qua xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để giúp cho tổ chức, doanh nghiệp làm thước đo phát triển xanh, bền vững ngay từ bước đầu. Cần dựa vào các tiêu chuẩn cho các sản phẩm, dịch vụ, hoạt động của các cơ quan chức năng để làm thước đo cho sự phát triển bền vững. Các bộ, ngành hoạch định chính sách sựa trên chiến lược phát triển của quốc gia, từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước mới có cơ sở thực hiện đúng vai trò của mình. Vấn đề khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo chính là các công trình nghiên cứu khoa học nhằm làm thước đo tiêu chuẩn phát triển xanh, bền vững của Việt Nam hiện nay và thời gian tới.
Về vấn đề phát triển xanh, bền vững ở Việt Nam hiện nay, TS. Lê Văn Chiến chia sẻ ý kiến cần có những đề xuất lên Quốc hội thành lập tổ công tác đặc biệt để giám sát hoạt động triển khai các luật, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường đúng, trúng về thời gian, không gian, mang tính thực tế cao. Trong quá trình triển khai có vướng mắc, khó khăn báo cáo Quốc hội để điều chỉnh cho đồng bộ, gắn liền với thực tiễn hoạt động hằng ngày của người dân, doanh nghiệp trong hoạt động bảo vệ môi sinh, triển khai các ý tưởng, sáng kiến liên quan đến sản xuất, kinh doanh xanh để Việt Nam tiến gần hơn với mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Phát biểu kết luận Diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến trân trọng cảm ơn những chia sẻ, ý kiến đóng góp mang tính thực tiễn rất cao của các chuyên gia, các nhà khoa học tham dự Diễn đàn cũng như gửi tham luận kỷ yếu. Giám đốc Học viện khẳng định, phát triển xanh bền vững là sản phẩm của quản lý công nhưng phát triển xanh bền vững cũng đặt ra các yêu cầu đòi hỏi quản lý công phải có phương thức quản lý phù hợp. Điều này đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo, quản lý, cán bộ hành chính, trong đó có Học viện Hành chính Quốc gia cần ý thức sâu sắc và cần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường từ quản lý công nhằm đưa ra các giải pháp để hướng tới phát triển xanh bền vững của Việt Nam.
Diễn đàn cũng đã cung cấp thêm nhiều luận cứ khoa học, luận cứ thực tiễn, cách tiếp cận phù hợp từ các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế, với những đề xuất giải pháp khả thi tiếp tục đổi mới phương thức quản lý công ở Việt Nam trong quá trình xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, hướng đến mục tiêu phát triển xanh, bền vững của quốc gia và thế giới trong quá trình hội nhập quốc tế.
Thu Hương