Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ

(Quanlynhanuoc.vn) – Chiều ngày 10/10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng Duyên hải Trung bộ tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ. Đây là một trong những sự kiện trọng điểm trong chuỗi hoạt động sơ kết 1 năm triển khai Chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ.

Đại biểu dự Hội nghị

Tham dự hội nghị, có Tiến sỹ Trần Kỳ Phúc, Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương; Tiến sỹ Trần Du Lịch – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của TP. Hồ Chí Minh; thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; cùng các lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận. 

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi các thông tin quan trọng về quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ đã giới thiệu các dự án kêu gọi đầu tư cùng với chính sách thu hút đầu tư; đồng thời, các doanh nghiệp từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng cũng chia sẻ những ý kiến, mong muốn liên quan đến việc đầu tư và phát triển thị trường tại khu vực. Đặc biệt, việc trao quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án sản xuất tại các tỉnh đã mang lại những kết quả đáng khích lệ, mở ra triển vọng hợp tác tích cực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của toàn vùng và từng địa phương.

Tiến sỹ Trần Kỳ Phúc, Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương

TP. Hồ Chí Minh luôn xem việc gắn kết với các tỉnh là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, thông qua các chính sách mở rộng giao thương vừa hỗ trợ các địa phương, vừa thúc đẩy sự phát triển của Thành phố. Tại hội nghị, TP. Hồ Chí Minh kêu gọi các doanh nghiệp và hội ngành nghề của Thành phố tìm hiểu, kết nối các cơ hội hợp tác và đầu tư phát triển thị trường tại các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ – một trong bốn vùng trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững của cả nước. 

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nêu rõ: vùng Duyên hải Trung bộ có tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế biển, cảng biển, thế mạnh quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh biển, đảo của vùng và cả nước. Trong đó, một trong những lợi thế lớn nhất của các địa phương trong vùng là vị trí địa lý gần đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước là TP. Hồ Chí Minh và các địa phương đều giáp biển, với nhiều đầm, vịnh, bãi biển đẹp, môi trường sống trong lành; địa hình phân tầng đa dạng, tạo cơ sở hình thành nhiều khu, điểm du lịch hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp và nhu cầu trải nghiệm, khám phá của khách du lịch. Trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền mỗi địa phương trong vùng đã có những nỗ lực mạnh mẽ, chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh thu hút đầu tư, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội và đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên tất các ngành, lĩnh vực, góp phần thúc đẩy vùng Duyên hải Trung bộ dần trở thành một trong những vùng phát triển năng động hàng đầu cả nước.

Đối với tỉnh Bình Định, từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, trong những năm qua, đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá, quy mô nền kinh tế thay đổi qua từng năm; đến năm 2023, quy mô kinh tế của tỉnh đạt hơn 117 nghìn tỷ đồng, xếp thứ 24/63 địa phương trong cả nước. Riêng 9 tháng năm 2024, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 7,53% (xếp vị trí thứ 25/63 địa phương trên cả nước và thứ 5/14 địa phương thuộc vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ).

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trao quyết định chủ trương đầu tư dự án Nhà máy sản xuất viên nén sinh học và chế biến vật liệu gỗ nội thất cho đại diện Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển kho bãi Nhơn Tân

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, quan điểm phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đặc thù để phát triển Bình Định trở thành tỉnh có nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao; là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng Duyên hải Trung bộ và Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; đầu mối giao thương kinh tế, đối ngoại quan trọng giữa Việt Nam với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Bình Định phấn đấu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung, gắn kết và tác động lan tỏa đối với các tỉnh Bắc Tây Nguyên. Về định hướng thu hút đầu tư vào tỉnh, tỉnh Bình Định tập trung mời gọi các nhà đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh, ưu tiên các lĩnh vực: nông, lâm nghiệp – thủy sản;công nghiệp; dịch vụ cảng và logistics; du lịch; kinh tế đô thị; y tế, giáo dục; công nghệ thông tin.

Với vai trò là đầu tàu kinh tế, TP. Hồ Chí Minh luôn cam kết hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính và đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, logistics để thúc đẩy các dự án hợp tác đầu tư với các tỉnh Duyên hải Trung bộ một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh thông tin kết quả phát triển kinh tế – xã hội, thế mạnh của từng địa phương, các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư và giới thiệu danh mục các dự án đang kêu gọi đầu tư trên địa bàn.

Hạnh Nguyên