NCS. Lương Thị Hồng Gấm
Quận ủy Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
TS. Hoàng Thị Thu Huyền
Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ
TS. Phạm Xuân Thu
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Kinh tế chia sẻ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là phù hợp với các đặc điểm của các dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ, góp phần thúc đẩy phát triển giao thông vận tải ở Việt Nam. Hoạt động này chịu sự ảnh hưởng của các yếu tố khác nhau tác động đến mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực giao thông vận tải, đặt ra cho công tác quản lý nhà nước nhiều vấn đề cần quan tâm nghiên cứu. Tác giả bài viết tập trung phân tích các nhân tố ảnh hưởng đối với mô hình kinh tế chia sẻ trong dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh.
Từ khóa: Kinh tế chia sẻ, giao thông vận tải, ứng dụng công nghệ, TP. Hồ Chí Minh.
1. Đặt vấn đề
Mô hình kinh tế chia sẻ đã nhanh chóng khẳng định được vị thế ở thị trường trong nước trong thời gian qua và mô hình này diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, đa dạng tại TP. Hồ Chí Minh, địa phương thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong nhiều lĩnh vực như vận chuyển hành khách với chia sẻ phương tiện giao thông, như: Grab, Be hay Gojek; du lịch với dịch vụ lưu trú như Airbnb hay Luxstay; tài chính với dịch vụ cho vay ngân hàng, như: các nền tảng Fiin.vn hay Tima; lao động với dịch vụ chia sẻ kỹ năng, sức lao động hoặc không gian làm việc chung, như bTaskee hay Designcrowd…
Sự phát triển của kinh tế chia sẻ về cả loại hình và quy mô trong thời gian tới sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, đặc biệt là các quỹ đầu tư nước ngoài rót vốn vào phát triển mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam.
Thực tiễn vận hành mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam đặt ra một số vấn đề quản lý như điều kiện kinh doanh và cạnh tranh thị trường. Quy định gia nhập thị trường và điều kiện kinh doanh của mô hình kinh tế chia sẻ được cho là thấp hơn so với quy định và điều kiện trong mô hình kinh tế truyền thống, dẫn đến các cáo buộc cạnh tranh không công bằng; quản lý thuế với mô hình kinh tế chia sẻ chưa hiệu quả do quy định luật pháp chưa xác định rõ mô hình kinh doanh; bảo vệ quyền lợi khách hàng cũng là vấn đề cần giải quyết do chưa có quy định quản lý cụ thể; quyền lợi người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ là vấn đề quan trọng cần có sự can thiệp của Nhà nước và các vấn đề về bảo mật thông tin người dùng. Từ đó đặt ra yêu cầu cho chính quyền cần giải quyết căn cơ và thấu đáo các vấn đề nêu trên, để góp phần xây dựng kiến nghị chính sách quản lý nền kinh tế chia sẻ ở Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Để làm rõ điều này, tác giả tập trung phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước đối với mô hình kinh tế chia sẻ trong dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh.
2. Những yêu cầu quản lý nhà nước đối với mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực giao thông vận tải
(1) Thay đổi tư duy quản lý nhà nước đối với mô hình kinh tế chia sẻ trong dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ
Sự cần thiết điều chỉnh bằng pháp luật đối với mô hình kinh tế chia sẻ trong phát triển dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ từ những vấn đề chính yếu sau đây:
Một là, pháp luật cần can thiệp trong hoạt động quản lý kinh tế nói chung và mô hình kinh tế chia sẻ trong dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ nói riêng, cụ thể trong việc bảo đảm quyền lợi và sự an toàn của người dùng, đặt ra yêu cầu kiểm soát chất lượng hàng hóa, dịch vụ cung ứng cung cấp ra thị trường.
Hai là, người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn, quyền lợi và phúc lợi của họ dễ bị tác động, tổn thương và chịu ảnh hưởng bất lợi khi đặt trong mối quan hệ lao động không cân bằng, tồn tại nhiều bất cập khi chưa rõ ràng về mặt pháp lý. Trong bối cảnh hiện nay, theo thống kê sơ bộ của Sở Giao thông Vận tải trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có khoảng 200.000 người lao động tham gia thị trường xe công nghệ.
Ba là, những mâu thuẫn nội tại trong hoạt động cạnh tranh kinh doanh giữa mô hình kinh tế chia sẻ trong dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ và mô hình kinh doanh truyền thống, cụ thể là việc tuân thủ những quy định của cơ quan nhà nước trong vấn đề về thuế, sử dụng người lao động, quản lý phương tiện vận tải…
Ngoài ra, các tổ chức chính trị – xã hội dành cho người lao động hay thanh niên hiện nay cũng đang khá lúng túng trong việc tập hợp, liên kết người lao động vào mô hình tổ chức của mình nhằm chăm lo, hỗ trợ đời sống, góp phần bảo đảm ninh trật tự trên địa bàn.
Trước những biến đổi ngày càng đa dạng và nhanh chóng của thị trường, yêu cầu các cơ quan quản lý cần phải thay đổi tư duy, cách nhìn nhận vấn đề để tiếp cận mô hình kinh tế chia sẻ trong dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ một cách thuận tiện, khách quan hơn, theo đó, cần hướng đến một số vấn đề trọng tâm, như: Xác định rõ “vai trò chủ đạo” của chủ thể quản lý đối với đối tượng quản lý là lĩnh vực giao thông vận tải đặt trong mô hình kinh tế chia sẻ trong dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ, cụ thể ở đây là: Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo nào? Đặt ra phạm vi và mức độ can thiệp quản lý nhà nước đến đâu? Hiệu quả kinh tế – xã hội do các chủ thể này đem lại được đánh giá thông qua hệ thống tiêu chí nào?
Đổi mới phương thức quản lý nhà nước thông qua việc tập trung vào quản lý các nhà cung ứng dịch vụ vận tải, đối tượng sử dụng trong mô hình kinh tế chia sẻ bằng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, hoạch định chính sách, pháp luật để huy động và tối ưu hóa mọi nguồn lực của đất nước, tránh lãng phí nguồn lực quốc gia.
Sớm tháo gỡ những bất cập còn tồn tại trong cơ chế quản lý cụ thể là các quy định pháp luật dành cho mô hình kinh tế chia sẻ nói chung và hoạt động dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ nói riêng mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản mang tính pháp lý nhằm điều chỉnh riêng lẻ các hoạt động cấu thành liên quan hoạt động này. Trong thực tế các khuôn khổ pháp lý hiện nay dường như không có thay đổi linh hoạt để quản lý những thách thức nảy sinh từ các mô hình hoạt động xe công nghệ.
(2) Hoàn thiện đồng bộ các hệ thống quản lý nhà nước đối với mô hình kinh tế chia sẻ trong dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh
Để từng bước khắc phục những khó khăn, bất cập và tạo điều kiện phát triển mô hình kinh tế chia sẻ trong dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệtại TP. Hồ Chí Minh, chính quyền thiết lập và hoàn thiện các hệ thống nhằm bảo đảm công tác quản lý nhà nước đối với vấn đề này có hiệu quả.
Thứ nhất là hệ thống thông tin kinh tế. Thông tin kinh tế có ảnh hưởng không nhỏ tới dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ đặt trong nền kinh tế chia sẻ. Vì vậy, để bảo đảm các thông tin kinh tế trong và ngoài nước được cập nhật nhanh, chính xác, kịp thời và đầy đủ thì vai trò của Nhà nước là phải xây dựng và tổ chức quản lý mạng lưới hệ thống thông tin kinh tế. Theo đó, Nhà nước cũng cần ban hành quy chế quản lý, sử dụng và khai thác thông tin kinh tế một cách công khai, minh bạch và hiệu quả để bảo đảm khả năng tiếp cận thông tin kinh tế của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ và người sử dụng dịch vụ này.
Thứ hai là hệ thống dự báo, xu hướng, bao gồm: hệ thống các cơ quan dự báo, xu hướng trong tương lai; các nguyên tắc, phương pháp dự báo và hệ thống các chỉ tiêu phục vụ công tác dự báo, các biến động và xu hướng của mô hình kinh tế chia sẻ, dịch vụ vận tải để giúp Nhà nước điều chỉnh kịp thời các chính sách cho phù hợp với tình hình ngày càng phát triển dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ.
Thứ ba là hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của các cơ quan quản lý, bao gồm: hệ thống các cơ quan quản lý thực hiện đánh giá và hệ thống các tiêu chí đánh giá chất lượng.
Thứ tư là hệ thống kiểm soát của các cơ quan quản lý. Thông qua các công cụ quản lý nhà nước kiểm soát hoạt động dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ ngoài cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải còn có sự tham gia của cơ quan thuế, Công an Thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội …
(3) Đổi mới phương pháp thực hiện quản lý nhà nước đối với mô hình kinh tế chia sẻ trong dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh
Mô hình kinh tế chia sẻ không còn quá xa lạ đối với Việt Nam, tuy nhiên việc phát triển dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệđặt trong mô hình kinh tế chia sẻ thì lại là một vấn đề khá mới đối với người dân cũng như Nhà nước và các cơ quan quản lý. Muốn phát triển dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ đặt trong mô hình kinh tế chia sẻ đạt được những thành tựu tích cực, đòi hỏi Nhà nước cần đổi mới trong phương pháp quản lý, làm tốt vai trò là chủ thể dẫn dắt và định hướng phát triển dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ.
Một là, xử lý tốt các vấn đề về tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa phát triển dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống.
Hai là, thực hiện giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, nảy sinh từ khi các mô hình hoạt động dịch vụ xe công nghệ xuất hiện tại Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng.
Ba là, tăng cường các cơ quan hoạch định chính sách về dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ, cải thiện cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban ngành, cơ quan trung ương tới chính quyền địa phương.
Bốn là, đẩy mạnh giao lưu hợp tác quốc tế dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ của các quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Học hỏi kinh nghiệm quản lý nhà nước đối với mô hình kinh tế chia sẻ trong dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ của một số nước trên thế giới.
3. Một số nhân tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước đối với mô hình kinh tế chia sẻ trong dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh
Kinh tế chia sẻ ảnh hưởng đáng kể đến xu thế phát triển của nền kinh tế – xã hội ở nước ta nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Đây là một xu thế kinh doanh với tiềm năng to lớn nhưng cũng có thể đem lại những thách thức rủi ro đối với quá trình phát triển kinh tế – xã hội, vì vậy cần được điều chỉnh bằng pháp luật.
Việc xây dựng hoàn thiện pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này cần bảo đảm việc kiểm soát các hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ diễn ra trong khuôn khổ an toàn, vừa phải khuyến khích được các nhà đầu tư đi theo mô hình kinh tế này hoạt động thuận lợi, có hiệu quả. Điều này đòi hỏi Nhà nước phải có sự rà soát, đánh giá cả về mặt kinh tế và pháp lý đối với các hoạt động kinh doanh theo mô hình này để kịp thời bổ sung những hạn chế, xây dựng mới những thiếu sót của hệ thống pháp luật về kinh doanh thương mại hiện nay, đáp ứng được những yêu cầu phát triển của mô hình kinh tế mới.
(1) Các nhân tố chung:
Thứ nhất, thể chế chính trị – pháp luật. Hiệu quả quản lý nhà nước đối với dịch vụ dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ phụ thuộc vào tính minh bạch, nghiêm ngặt của thể chế chính trị và sự thượng tôn pháp luật. Sự tác động của thể chế chính trị – pháp luật đối với quản lý nhà nước đối với dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ còn thể hiện ở quan điểm, đường lối chính trị của quốc gia đối với dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ và quản lý nhà nước đối với dịch vụ này trong việc phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo, tăng tài sản trí tuệ.
Thể chế chính trị luôn giữ vai trò định hướng, chi phối toàn bộ các hoạt động trong xã hội, quyết định tính chất, phương hướng, cơ cấu và chức năng quản lý nhà nước đối với dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ. Hệ thống đối với dịch vụ vận tải nói chung và hệ thống đối với dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ nói riêng được xây dựng trên nền tảng định hướng chính trị được thành lập cũng nhằm thực hiện sứ mệnh chính trị của thể chế đó trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Thể chế chính trị – pháp luật tạo môi trường thuận lợi cho việc tổ chức và hoạt động quản lý đối với dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ trong các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Đồng thời, cũng tạo sức ép thúc đẩy các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp nâng cao chất lượng hoạt động đổi mới sáng tạo, tăng tài sản trí tuệ và sử dụng hiệu quả các tăng tài sản trí tuệ đó. Thể chế chính trị – pháp luật tạo môi trường lành mạnh, minh bạch, công bằng, bảo đảm quyền lợi của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động đổi mới sáng tạo, tạo tăng tài sản trí tuệ, khai thác tăng tài sản trí tuệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ. Đồng thời, cũng bảo đảm lợi ích cộng đồng trong việc khai thác, sử dụng tăng tài sản trí tuệ cũng như thông tin liên quan đến chúng; thúc đẩy, buộc các cơ quan, tổ chức nhà nước đầu tư, cải tiến nâng cao chất lượng các nguồn lực phục vụ hoạt động quản lý nhà nước đối với dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ. Ngược lại, một hệ thống pháp luật không đồng bộ, chồng chéo sẽ tạo ra sự trì trệ, giảm động lực nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước đối với dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ.
Thứ hai, năng lực trình độ của đội ngũ công chức. Đội ngũ công chức là những người tham mưu cho Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương trong việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật đối với dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ. Chính đội ngũ công chức này cũng là những người trực tiếp làm công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong hoạt động của các dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ. Do vậy, đội ngũ công chức cần có chuyên môn tốt, đặc biệt là am hiểu sâu về hoạt động các các công ty kinh doanh kinh tế chia sẻ.
Thứ ba, nguồn tài chính công.Nguồn tài chính công là điều kiện cần thiết để triển khai các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật vào thực tiễn. Nguồn tài chính công có tác động rất lớn đến hiệu quả quản lý nhà nước. Để bảo đảm hoạt động quản lý nhà nước đối với dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ đặt ra yêu cầu trang bị các trang thiết bị hiện đại, tổ chức các lớp bồi dưỡng về công nghệ mới, đầu tư thiết kế các phần mềm quản lý, số hóa dữ liệu phục vụ quản lý cần phải có nguồn tài chính mới thực hiện được.
Thứ tư, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước.Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 328/QĐ-UBND ngày 06/02/2023 về phê duyệt Chiến lược quản trị dữ liệu của Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa hiệu quả do vẫn còn thiếu những quy định pháp luật về phân công, phối hợp, chịu trách nhiệm trong quản lý mô hình kinh tế chia sẻ. Cụ thể như, mối quan hệ giữa công ty cung cấp nền tảng và đối tác của nền tảng vẫn chưa được xác định rõ. Điều này đã dẫn đến bất lợi cho các đối tác do không xác định được cơ quan nào là cơ quan quản lý và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Thứ năm, sự tác động của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đối với dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ.Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi hoạt động quản lý nhà nước phải thay đổi cả về bản chất và cách thức tiến hành để đáp ứng những yêu cầu cao hơn về chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với những quyết định quản lý.
(2) Các nhân tố đặc thù:
Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin. Hướng chính của việc áp dụng các tiến bộ giao thông vận tải đối với hoạt động quản lý là nhằm nâng cao chất lượng quản lý, cải tiến quy trình quản lý thông qua ứng dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin. Các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong lĩnh vực giao thông vận tải như hệ thống phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành nội bộ, hệ thống phần mềm quản trị giao thông vận tải, hệ thống phần mềm tra cứu, hệ thống phần mềm nộp đơn trực tuyến, hệ thống máy chủ và hệ thống kho lưu trữ dữ liệu điện tử cùng với hạ tầng công nghệ thông tin sẽ tạo nên hệ thống công nghệ thông tin về dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ.
Nếu hệ thống công nghệ thông tin về dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ hiện đại và minh bạch với chuẩn an ninh, an toàn cao, tốc độ cao sẽ giúp tập trung hóa xử lý dữ liệu, chính xác trong tra cứu, thẩm định, truy vấn và trích xuất dữ liệu. Sự phát triển của công nghệ thông tin dẫn đến hình thành nhiều mô hình kinh doanh mới như mô hình kinh tế chia sẻ. Để quản lý hiệu quả các mô hình này đòi hỏi Nhà nước cần phải ứng dụng khoa học – công nghệ trong quản lý bởi vì các giao dịch của mô hình kinh tế chia sẻ thực hiện trực tuyến, bản chất của các giao dịch rất khó xác định, máy chủ lưu trữ dữ liệu đặt ở nước ngoài, có nhiều công ty nước ngoài không có đại diện ở Việt Nam, việc thanh toán thông qua các cổng thanh toán quốc tế, quét mã QR quốc tế nên rất khó kiểm soát dòng tiền.
Hoạt động hỗ trợ dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ. Tham gia của các cá nhân, tổ chức nhằm hỗ trợ dịch vụ giao thông vận tải, xác lập quyền đối với dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ, sử dụng, khai thác và bảo vệ dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ được gọi là hoạt động hỗ trợ mô hình kinh tế chia sẻ. Các cá nhân, tổ chức hoạt động hỗ trợ mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm các chuyên gia về mô hình kinh tế chia sẻ, các luật sư am hiểu lĩnh vực giao thông vận tải, các đại diện mô hình kinh tế chia sẻ, các doanh nghiệp luật, các tổ chức xã hội nghề nghiệp về mô hình kinh tế chia sẻ.
Do tính trừu tượng của các đối tượng mô hình kinh tế chia sẻ nên các chủ thể mô hình kinh tế chia sẻ không thể nhận thức hết được tầm quan trọng của mô hình kinh tế chia sẻ, cũng như thủ tục pháp lý liên quan đến việc xác lập, khai thác và yêu cầu thực thi quyền đối với dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ nên hoạt động hỗ trợ mô hình phát triển về chất lượng và số lượng sẽ làm tăng nhận thức xã hội về mô hình kinh tế chia sẻ, góp phần thúc đẩy hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ. Sự phối hợp giữa một bên là các tổ chức cá nhân trong hoạt động hỗ trợ mô hình kinh tế chia sẻ với một bên là các cơ quan quản lý nhà nước đối với dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ dựa trên một cơ chế hoạt động tốt sẽ làm tăng hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với dịch vụ này.
Nhận thức của xã hội về dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ. Nhận thức của xã hội về dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ cũng là nhân tố tác động tới hoạt động quản lý nhà nước về dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ vì nếu nhận thức này cao thì các chủ thể trong nền kinh tế sẽ chủ động đổi mới sáng tạo, tăng tài sản trí tuệ; chủ động xác lập quyền tự do kinh doanh chủ động sử dụng, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ; theo đó mâu thuẫn lợi ích giữa mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống sẽ giảm.
Ngoài ra, nhận thức của xã hội về dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ cao cũng làm cho việc phổ biến kiến thức, pháp luật về dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ của các cơ quan quản lý nhà nước về dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ được nhanh và hiệu quả, qua đó, giúp hoạt động quản lý nhà nước có hiệu quả, đạt được các mục tiêu đặt ra. Ngược lại, nhận thức của xã hội về dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ thấp sẽ kìm hãm hoạt động quản lý nhà nước, các mục tiêu chiến lược đặt ra khó đạt được.
4. Kết luận
Kinh tế chia sẻ cho thấy rõ đây là xu hướng tất yếu và những ảnh hưởng không nhỏ đến xu thế phát triển của nền kinh tế – xã hội. kinh tế chia sẻ trên địa bàn Thành phố đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tạo nhiều cơ hội việc làm và thu hút nhiều lao động trong và ngoài Thành phố hoạt động trên lĩnh vực này đặt ra nhiều vấn đề mới cần quan tâm giải quyết, nhiều thách thức được đặt ra trong bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn trong thời gian tới. Việc xây dựng hoàn thiện pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này cần bảo đảm việc kiểm soát các hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ diễn ra trong khuôn khổ an toàn, vừa phải khuyến khích được các nhà đầu tư đi theo mô hình kinh tế này hoạt động thuận lợi, có hiệu quả. Vì vậy, để bảo đảm cần tiến hành phân tích các nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến quản lý nhà nước đối với dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh từ đó xây dựng và ban hành chính sách hiệu quả, kịp thời đối với hoạt động này.
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2019). Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.
2. Chính phủ (2020). Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
3. UBND TP. Hồ Chí Minh (2023). Quyết định số 328/QĐ-UBND ngày 06/02/2023 phê duyệt Chiến lược quản trị dữ liệu của Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
4. Đỗ Lý Hoài Tân (2019). Thực trạng kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực vận tải hành khách tại TP. Hồ Chí Minh và hàm ý chính sách. Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
5. Phạm Văn Hiếu (2020). Các nhân tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước đối với mô hình kinh tế chia sẻ trong phát triển dịch vụ du lịch ở Việt Nam. Tạp chí Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, Hà Nội.
6. Arun Sundararajan (2018). Nền kinh tế chia sẻ. H. NXB Trẻ.
7. Yaraghi, N., and Ravi, S. (2017). The Current and Future State of the Sharing Economy. Brookings India IMPACT Series, No.032017, Brookings Institution India Center.