Một số lý thuyết và khung đánh giá dân chủ cơ sở của phương Tây – Tham chiếu đối với Việt Nam

TS. Lê Quang Hòa
ThS. Phan Thị Thu Hằng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong các xã hội phương Tây, dân chủ không chỉ là một chế độ chính trị mà còn là một tư duy, một triết lý sống. Do vậy, các lý thuyết về dân chủ cùng với đó là các thước đo dân chủ đã xuất hiện từ rất sớm và phong phú, mang lại nhiều giá trị tham khảo cho các nước đang phát triển, đang trong quá trình dân chủ hóa. Bài viết giới thiệu khái quát các lý thuyết và khung đánh giá dân chủ cơ sở của phương Tây, từ đó đưa ra các gợi ý, tham chiếu đối với Việt Nam.

Từ khóa: Dân chủ cơ sở; lý thuyết; khung đánh giá; tham chiếu; phương Tây; Việt Nam.

1. Một số khái niệm cơ bản

Các học giả phương Tây (Dryzek. J. S, 2000;  Fishkin. J. S, 2011;  Pateman. C, 2012) đã đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về dân chủ cấp cơ sở nhưng cùng đều tập trung vào ba khía cạnh chính, đó là: (1) Sự tham gia trực tiếp của người dân; (2) Sự quản lý phi tập trung; (3) Vai trò của địa phương trong việc xây dựng cộng đồng. Về cơ bản có thể rút ra cách hiểu về dân chủ cấp cơ sở trong quan điểm của các học giả phương Tây như sau:

Thứ nhất, từ góc độ quản trị quốc gia thì dân chủ cấp cơ sở là một hình thức dân chủ đề cao sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định của chính phủ. Đó là một cách tiếp cận quản trị từ dưới lên nhằm tìm cách trao quyền cho các cá nhân và cộng đồng để có ảnh hưởng trực tiếp đến các chính sách và quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Thứ hai, từ góc độ quản trị địa phương thì dân chủ cấp cơ sở là một hình thức dân chủ nhấn mạnh sự tham gia của công dân vào quá trình ra quyết định cho cộng đồng của họ. Dựa trên ý tưởng rằng quyền lực chính trị nên được phân cấp và các quyết định được đưa ra ở cấp địa phương, với ý kiến đóng góp từ những người sẽ bị ảnh hưởng bởi những quyết định đó.

Mặc dù có nhiều lý thuyết và cách tiếp cận khác nhau về dân chủ cấp cơ sở, về cơ bản đều ủng hộ một hình thức quản trị phi tập trung và có sự tham gia nhiều hơn, trong đó quyền lực được phân bổ cho người dân thay vì tập trung vào tay một số cá nhân hoặc nhóm ưu tú. Trong số đó, có thể kể đến ba lý thuyết nổi bật nhất:

(1) Dân chủ có sự tham gia là một lý thuyết về dân chủ cấp cơ sở nhấn mạnh sự tham gia tích cực của công dân vào quá trình ra quyết định của cộng đồng của họ. Việc này có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, bao gồm các cuộc họp tại tòa thị chính, hội đồng công dân và quy trình lập ngân sách có sự tham gia. Một trong những nguyên lý then chốt của dân chủ tham gia là niềm tin về dân chủ thực sự chỉ có thể tồn tại khi người dân tích cực tham gia vào tiến trình chính trị.

(2) Dân chủ thảo luận là một lý thuyết khác về dân chủ cấp cơ sở, tập trung vào thảo luận và tranh luận hợp lý như một phương tiện để đưa ra quyết định. Dân chủ thảo luận nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công dân tham gia vào cuộc đối thoại cởi mở, trung thực và tôn trọng lẫn nhau để đi đến những quyết định công bằng và chính đáng.

(3) Dân chủ trực tiếp là một hình thức dân chủ cấp cơ sở, trong đó người dân có cơ hội bỏ phiếu trực tiếp về các vấn đề hoặc chính sách cụ thể, thay vì bầu người đại diện để thay mặt họ đưa ra các quyết định đó. Dân chủ trực tiếp có thể có nhiều hình thức, bao gồm trưng cầu dân ý, sáng kiến và bãi miễn. Dân chủ trực tiếp dựa trên niềm tin rằng các quyết định được đưa ra tốt nhất bởi những người sẽ bị ảnh hưởng bởi chúng, thay vì các chính trị gia chuyên nghiệp

Ngoài ra, các nhà lý thuyết dân chủ phương Tây còn đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng địa phương, các tổ chức cơ sở và các phong trào xã hội trong việc huy động người dân, tạo cho họ tiếng nói trong tiến trình chính trị và vận động thay đổi xã hội. Các lý thuyết dân chủ cấp cơ sở thừa nhận sức mạnh của hành động tập thể và các phong trào xã hội trong việc mang lại sự thay đổi chính trị và thúc đẩy lợi ích của các nhóm bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị tước quyền công dân.

Trong các công trình học thuật phương Tây, ngoài khái niệm dân chủ cấp cơ sở, chúng ta còn gặp một khái niệm dân chủ cấp địa phương. Theo đó, dân chủ cấp địa phương là một hình thức tổ chức chính trị và quản lý, trong đó quyền lực và quyết định được tập trung tại cấp địa phương, như là các cấp hành chính địa phương, tỉnh, thành phố hay làng, xã. Trong một hệ thống dân chủ cấp địa phương, các quyết định về các vấn đề quan trọng như quản lý đất đai, phát triển hạ tầng, giáo dục, y tế và các dịch vụ công cộng khác thường được đưa ra bởi các cơ quan địa phương thông qua các quy trình dân chủ, bao gồm việc bầu cử và tham gia công dân.

Quan trọng nhất, dân chủ cấp địa phương tôn trọng và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng cơ sở trong quyết định. Điều này thường được thực hiện thông qua các cuộc họp cộng đồng, buổi thảo luận hoặc các cơ chế tham dự công dân khác để bảo đảm rằng quyết định được đưa ra phản ánh ý kiến và nhu cầu của những người sống trong cộng đồng.

2. Một số lý thuyết và khung đánh giá dân chủ cơ sở của phương Tây

a. Về căn bản có một số lý thuyết có tính chất liên ngành trong đánh giá dân chủ ở cơ sở của phương Tây

Một là, lý thuyết tự tổ chức và tự quản lý (Jenann Ismael, 2010): tập trung vào việc nhấn mạnh vai trò của sự tự tổ chức và tự quản lý của các cộng đồng cơ sở trong việc duy trì và phát triển dân chủ. Theo lý thuyết này, dân chủ không chỉ đến từ các quyết định của chính phủ mà còn từ sự tham gia tích cực và tự quản lý của các cộng đồng địa phương. 

Hai là, lý thuyết mạng lưới xã hội (Z.A. Schakner, 2029): đây không chỉ là một khung lý thuyết về mối quan hệ giữa các cá nhân và tổ chức mà còn là một công cụ quan trọng để hiểu và thúc đẩy dân chủ ở cơ sở. Theo lý thuyết này, mạng lưới xã hội có thể tạo ra các kênh thông tin, tương tác và hỗ trợ giữa các thành viên trong cộng đồng, từ đó tăng cường sự tham gia và quyền lực của công dân. 

Ba là, lý thuyết phát triển dân chủ (Jonathan Tumin, 1982): tập trung vào quá trình phát triển dân chủ từ các hệ thống chính trị đa dạng khác nhau đến các xã hội dân chủ hoàn chỉnh. Nghiên cứu này thường tìm hiểu về các yếu tố như sự phát triển kinh tế, giáo dục và các điều kiện xã hội để hiểu quá trình và điều kiện cần thiết cho sự phát triển bền vững của dân chủ.

b. Từ các khuôn khổ lý thuyết chung như vậy, có thể thấy một số khung đánh giá dân chủ tiêu biểu của phương Tây

Thứ nhất, Phong vũ biểu Quản trị địa phương của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (The UNDP’s Local Governance Barometer – LGB) đánh giá chất lượng quản trị địa phương dựa trên năm khía cạnh: sự tham gia, tính minh bạch, khả năng đáp ứng, trách nhiệm giải trình và hiệu quả. Thông qua khảo sát và phỏng vấn các bên liên quan ở địa phương, LGB cung cấp một bức tranh toàn diện về động lực quản trị ở cấp địa phương, giúp các nhà hoạch định chính sách xác định các lĩnh vực cần can thiệp và xây dựng năng lực.

Thứ hai, Chỉ số hiệu suất chính quyền địa phương (Local Government Performance Index – LGPI) do World Bank (WB) phát triển nhằm mục đích cung cấp đánh giá toàn diện về hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương trên nhiều khía cạnh khác nhau: 

(1) Đo lường hiệu suất: LGPI đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương dựa trên các chỉ số chính như cung cấp dịch vụ, quản lý tài chính, tính minh bạch và sự tham gia của người dân.

(2) Đo điểm chuẩn: bằng cách so sánh hiệu quả hoạt động của các chính quyền địa phương khác nhau trong và giữa các quốc gia, LGPI cho phép đo điểm chuẩn và xác định các phương pháp hay nhất để nhân rộng.

(3) Hướng dẫn chính sách: LGPI cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách, các bên liên quan và những người thực hiện phát triển những hiểu biết sâu sắc có giá trị về điểm mạnh và điểm yếu của hệ thống quản trị địa phương, cung cấp thông tin cho các nỗ lực cải cách và xây dựng chính sách. 

Thứ ba, Khung đánh giá thực trạng dân chủ cấp địa phương (SOLD) được phát triển bởi Viện Nghiên cứu quốc tế về Dân chủ và Hỗ trợ bầu cử (International Institute for Democarcy and Electoral Assistance – IDEA). Khung này có tiềm năng đáp ứng tốt những tiêu chí mà nhóm nghiên cứu đặt ra khi lựa chọn khung đánh giá để tham khảo: 

(1) IDEA là một tổ chức quốc tế có uy tín về nghiên cứu dân chủ trên thế giới. Bản thân khung SOLD đã có quá trình phát triển và được kiểm nghiệm thực tế hơn một thập kỷ ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Sau mỗi chu kỳ đánh giá, họ lại bổ sung chỉnh sửa để SOLD ngày càng hoàn thiện. IDEA đã vận dụng bộ công cụ này để khảo sát dân chủ cấp địa phương ở một số quốc gia Đông Nam Á, như: Philippines, Indonesia. 

(2) SOLD được lựa chọn vì chính những đặc điểm khác biệt của nó trong cách tiếp cận. Trước hết, chủ thể chính thực hiện đánh giá mức độ phát triển của dân chủ ở cấp địa phương không phải các chuyên gia hay các nhà nghiên cứu mà chính là người dân, những người trực tiếp xây dựng, thực hành và thụ hưởng nền dân chủ ở địa phương nơi họ sống. SOLD đặt người dân ở vị trí trung tâm của đánh giá, là người khởi xướng, dẫn dắt và làm chủ quá trình đánh giá dân chủ vì “chỉ người dân mới hiểu rõ nhất những ưu tiên của họ là gì” (Kemp, B and Jiménez, M, 2013). Cách tiếp cận này độc đáo ở chỗ nó dựa trên những nguyên tắc quan trọng và phổ biến nhất của dân chủ để đưa chính người dân -những người đánh giá dân chủ vào trong các cuộc thảo luận về dân chủ để tăng cường, nâng cao chất lượng dân chủ cũng như đồng thời thực hành dân chủ. Đây cũng chính là một bản chất của dân chủ mà Dewey đã phát hiện ra khi cho rằng dân chủ là cũng chính là quá trình truy vấn về các quy trình và thủ tục dân chủ (John Dewey, 1992).

(3) SOLD là một khuôn khổ đánh giá tình trạng dân chủ không chỉ để đánh giá mà quan trọng hơn mang định hướng hành động và cải cách khi yêu cầu sự cân bằng giữa hai yếu tố nghiên cứu và thảo luận. Việc lấy ý kiến đánh giá của người dân về nền dân chủ ở chính nơi họ sống không chỉ là một sáng kiến vì cung cấp cho nhà nghiên cứu sự hiểu biết về việc người dân quan niệm như thế nào là dân chủ, qua đánh giá tình trạng dân chủ của địa phương, tham gia thảo luận để tìm cách gỡ bỏ những khó khăn, rào cản để tăng cường dân chủ. Từ đó, tạo điều kiện để nâng cao nhận thức cũng như sự tham gia dân chủ và làm sâu sắc thêm nền dân chủ cấp địa phương nơi mình sống.

(4) SOLD tập trung vào đo lường dân chủ ở cấp địa phương vì lập luận dân chủ cấp địa phương được coi là nền tảng của dân chủ cấp quốc gia bởi địa phương là cấp quản lý hành chính gần dân nhất, nơi dân chủ và các thực hành dân chủ có đời sống sôi động nhất. Hiện nay, IDEA là tổ chức quốc tế có bề dày kinh nghiệm trong việc đo lường dân chủ cấp địa phương, trong khi các tổ chức khác chủ yếu chú trọng đo lường dân chủ tổng thể ở cấp quốc gia (Freedom House, EIU).

(5) Khuôn khổ phân tích dân chủ của SOLD bao gồm 3 trụ cột cơ bản để đánh giá dân chủ cấp địa phương là: quyền công dân, quyền bình đẳng và công lý; các thể chế và quy trình đại diện và trách nhiệm giải trình; sáng kiến và sự tham gia của người dân. Trong mỗi trụ cột ấy lại có các yêu tố thành phần đi kèm và bộ câu hỏi đánh giá sẽ được thiết kế theo các yếu tố thành phần đó. Phân tích bối cảnh địa phương là một yêu cầu rất quan trọng của khung phân tích này và đây cũng là một điểm khác biệt rất lớn so với các phương pháp đánh giá dân chủ khác.

(6) Khung này có cách cận đối với vấn đề dân chủ rất toàn diện, không chỉ bao quát được nhiều loại hình dân chủ như dân chủ trực tiếp, dân chủ gián tiếp, dân chủ tham gia, dân chủ thảo luận… mà còn chú trọng đến các nguyên tắc xuyên suốt như phân tích dân chủ trong mối quan hệ với phát triển, bình đẳng giới, an ninh cộng đồng… Cách tiếp cận này cho thấy sự phù hợp để nghiên cứu những trình độ phát triển dân chủ khác nhau, không chỉ ở các quốc gia phát triển mà ở cả các quốc gia đang phát triển.

3. Nội dung và phương pháp đánh giá dân chủ cấp cơ sở

Một là, về nội dung đánh giá, bao gồm việc đánh giá các khía cạnh khác nhau của sự tham gia, ra quyết định và tính toàn diện của cộng đồng ở cấp địa phương, bao gồm: (1) Mức độ tham gia (đo lường mức độ tham gia của các thành viên cộng đồng vào quá trình ra quyết định. Đánh giá việc tham dự các cuộc họp, sự tham gia vào các dự án cộng đồng và sự tham gia vào các sáng kiến địa phương); (2) Tính toàn diện và đa dạng (đánh giá xem cộng đồng có thu hút sự tham gia của các nhóm đa dạng (các nhóm thiểu số, nhóm dân cư bị thiệt thòi và các cá nhân ít được đại diện); tiếng nói khác nhau có được lắng nghe và cân nhắc trong quá trình ra quyết định); (3) Tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin (kiểm tra xem thông tin về các vấn đề, quyết định và quy trình của địa phương có sẵn có và dễ dàng tiếp cận đối với tất cả thành viên trong cộng đồng; chú trọng sự minh bạch là rất quan trọng để bảo đảm sự tin tưởng và sự tham gia); (4) Trao quyền và nâng cao năng lực (đánh giá xem các sáng kiến cấp cơ sở có trao quyền cho các cá nhân hay không bằng cách cung cấp cho họ các kỹ năng, nguồn lực và hỗ trợ cần thiết để họ tích cực tham gia vào các hoạt động ra quyết định và cộng đồng); (5) Quá trình ra quyết định (đánh giá các cơ chế hiện có cho ra quyết định và có dân chủ không); (6) Trách nhiệm giải trình (xác định xem có cơ chế nào để buộc các nhà lãnh đạo hoặc người đại diện chịu trách nhiệm về hành động và quyết định của họ. Điều này có thể liên quan đến việc báo cáo thường xuyên, các kênh phản hồi hoặc cơ chế thu hồi); (7) Tác động và kết quả (đánh giá kết quả hữu hình của các sáng kiến cấp cơ sở hoặc sự tham gia của cộng đồng; những nỗ lực có dẫn đến những thay đổi, cải thiện hoặc giải pháp tích cực cho các vấn đề địa phương hay không); (8) Tính bền vững và liên tục (đánh giá tính bền vững của các nỗ lực cấp cơ sở và các sáng kiến có thể tiếp tục hoạt động độc lập hay không); (9) Sự gắn kết và kết nối cộng đồng (xem xét cách các sáng kiến cấp cơ sở góp phần xây dựng ý thức cộng đồng, thúc đẩy kết nối giữa các thành viên và cộng tác với các tổ chức hoặc mạng lưới khác); (10) Sự phản hồi và khả năng thích ứng (đánh giá các cơ chế sẵn có để nhận phản hồi từ cộng đồng và điều chỉnh các chiến lược dựa trên thông tin đầu vào. Tính linh hoạt và khả năng đáp ứng nhu cầu của cộng đồng là rất quan trọng).

Hai là, về phương pháp đánh giá, để đánh giá dân chủ cấp cơ sở một cách hiệu quả, cần có sự kết hợp giữa dữ liệu định lượng (sự tham dự, tỷ lệ tham gia) và những hiểu biết định tính (nhận thức của cộng đồng, câu chuyện tác động). Về căn bản, các phương pháp đánh giá bao gồm các bước: (1)Lựa chọn chỉ số (xác định một bộ chỉ số phản ánh các khía cạnh chính của dân chủ cấp cơ sở, gồm cósự tham gia của người dân, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, tính toàn diện, giáo dục công dân và tính hiệu quả của cơ cấu quản trị địa phương); (2) Thu thập dữ liệu (bằng nhiều phương pháp khảo sát, phỏng vấn, thảo luận nhóm tập trung, quan sát và phân tích tài liệu. Điều cần thiết là thu thập cả dữ liệu định lượng để cung cấp sự hiểu biết toàn diện về động lực dân chủ cấp cơ sở); (3) Thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan (tương tác với nhiều bên liên quan, gồm các quan chức chính quyền địa phương, lãnh đạo cộng đồng, các tổ chức xã hội dân sự và công dân bình thường để nắm bắt các sắc thái của nền dân chủ cấp cơ sở và xác định các lĩnh vực cần cải thiện); (4) Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng (thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương vào quá trình đánh giá để bảo đảm tiếng nói của họ được lắng nghe và mối quan tâm của họ được giải quyết); (5) Phân tích và diễn giải(đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức (phân tích SWOT) liên quan đến dân chủ cấp cơ sở; xác định mô hình, xu hướng và sự chênh lệch giữa các chỉ số cũng như nhóm nhân khẩu học khác nhau); (6) Phân tích so sánh (được thiết lập để bối cảnh hóa kết quả và xác định các lĩnh vực tiến bộ hoặc thụt lùi theo thời gian, đồng thời giúp đánh giá hiệu quả hoạt động dân chủ cấp cơ sở so với các tiêu chuẩn khu vực hoặc quốc tế); (7) Báo cáo và phổ biến (chuẩn bị một báo cáo toàn diện tóm tắt các kết quả đánh giá, phương pháp và khuyến nghị bảo đảm có thể tiếp cận và dễ hiểu đối với nhiều đối tượng; đồng thời, phổ biến các phát hiện thông qua nhiều kênh khác nhau); (8) Phản hồi và theo dõi(thu hút phản hồi từ các bên liên quan về quá trình đánh giá và phát hiện để bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Sử dụng phản hồi để cải tiến các phương pháp và cải thiện các đánh giá trong tương lai).

4. Các giá trị tham khảo cho Việt Nam 

Thứ nhất, về mặt khái niệm: “dân chủ ở cơ sở” của Việt Nam nên được hiểu như thế nào trong tương quan so sánh với hai khái niệm “dân chủ cấp cơ sở” và “dân chủ cấp địa phương” của các lý thuyết phương Tây? Theo Điều 2 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định: cơ sở là xã, phường, thị trấn và cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã (gồm thôn và tổ dân phố); cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công tổ chức có sử dụng lao động. Cơ sở theo nghĩa này tức là đã bao hàm cả cấu trúc tổ chức cộng đồng ở cấp độ nhỏ nhất nhưng đồng thời cũng mang tính chất chính thức về mặt quản lý nhà nước. 

Như vậy, có thể thấy, khái niệm “dân chủ ở cơ sở” của Việt Nam không hoàn toàn đồng nhất với khái niệm dân chủ cấp cơ sở (grassroots democracy) trong quan niệm phương Tây ở cả năm khía cạnh so sánh nêu trên, bao gồm phạm vi, cấp độ quản trị, cơ chế ra quyết định, quy mô hoạt động và mức độ chính thức hóa. Nói một cách chính xác hơn thì khái niệm “dân chủ ở cơ sở” của Việt Nam là sự tích hợp của cả hai khái niệm dân chủ cấp cơ sở và dân chủ cấp địa phương của phương Tây ở một mức độ nhất định.  

Theo quan điểm của nhóm nghiên cứu, dân chủ ở cơ sở có thể coi là một hình thức đặc thù của dân chủ cấp địa phương ở Việt Nam. Đối chiếu với khái niệm “dân chủ cấp địa phương”, khái niệm “dân chủ ở cơ sở” cũng có những điểm trùng khớp và có những điểm khác biệt. Trùng khớp ở chỗ, cả hai khái niệm “dân chủ ở cơ sở” và “dân chủ cấp địa phương” đều đề cập tới phương thức thực thi dân chủ do người dân thực hiện không phải ở quy mô cấp trung ương, cấp quốc gia mà là cấp địa phương.

Thực tế, “dân chủ ở cơ sở” của Việt Nam có những nội dung ngày càng gần gũi với dân chủ địa phương trên thế giới. Việc chú trọng sự tham gia của người dân và cải cách chính quyền địa phương cũng phù hợp với xu thế quốc tế trong quan điểm phát triển về việc nắm quyền và tham gia của người dân cũng như sự cần thiết phải cải thiện các dịch vụ chính phủ thông qua phân cấp và tăng cường sự tham gia của cộng đồng xã hội và khu vực tư nhân. 

Tuy nhiên, khác biệt ở chỗ, “dân chủ ở cơ sở” được hiểu là đơn vị nhỏ nhất trong hệ thống hành chính quốc gia, là xã, phường, thị trấn, thậm chí còn nhỏ hơn (như là khu dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm, khóm, bản, làng, phum, sóc) thì “dân chủ cấp địa phương” mới chỉ đề cập đến địa phương nói chung (bao gồm cả thành thị và nông thôn). Thêm nữa, dân chủ cơ sở ở Việt Nam hiện tại vẫn nhấn mạnh nhiều đến hình thức “dân chủ gián tiếp” hay “dân chủ đại diện”. Còn hình thức “dân chủ trực tiếp” liên quan tới những hoạt động chính trị thì việc thực hiện vẫn còn có sự thận trọng nhất định.

Thứ hai, về các lý thuyết và khung đánh giá, từ nhận định phân tích ở trên, nhóm nghiên cứu cho rằng có thể sử dụng cả lý thuyết dân chủ cấp cơ sở, lý thuyết dân chủ cấp địa phương và các khung đánh giá dân chủ cấp địa phương của phương Tây để nghiên cứu tham khảo, tích hợp với những đặc điểm đặc trưng của “dân chủ ở cơ sở” của Việt Nam đề xây dựng một khung đánh giá dân chủ ở cơ sở cho phù hợp với Việt Nam. Trong đó, các khung đánh giá của phương Tây về dân chủ ở cơ sở có thể mang lại những giá trị như sau: (1) Cung cấp những góc nhìn hữu ích về tình trạng dân chủ ở cơ sở và các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của hệ thống quản trị địa phương. (2) Các khung đánh giá dân chủ cấp địa phương thường được thiết kế theo định hướng hành động, các chỉ số được chia nhỏ và đánh giá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Do vậy, khi có kết quả đánh giá, chính phủ và các cơ quan liên quan có thể xác định được điểm mạnh và điểm yếu của hệ thống dân chủ hiện tại và xác định chính xác các lĩnh vực cần được cải thiện. (3) Việt Nam có thể tận dụng các phương pháp tham khảo từ khung đánh giá của phương Tây để tăng cường tham gia cộng đồng và trách nhiệm công dân ở cấp địa phương. Việc này có thể bao gồm việc tổ chức các cuộc họp công dân, tạo điều kiện cho việc tham gia vào quá trình quyết định và tăng cường minh bạch trong quản lý và cung cấp dịch vụ công. (4) Việt Nam có thể đầu tư vào đào tạo và phát triển năng lực cho cán bộ và nhân viên làm việc tại cấp địa phương, nhằm cải thiện hiểu biết về các nguyên tắc và quy trình của dân chủ, cũng như các kỹ năng quản lý và giao tiếp hiệu quả với cộng đồng.

Dân chủ ở cơ sở ở Việt Nam chính là một hình thức đặc thù của dân chủ cấp địa phương. Dân chủ ở cơ sở ở nước ta thể hiện trên hai lĩnh vực chủ chốt về “sự tham gia trong tư cách công dân”. Một lĩnh vực là dân chủ trực tiếp (sự tham gia trực tiếp của người dân về chính sách và quản lý), nhất là ở cấp địa phương, thông qua các cuộc họp và các hình thức tương tác khác với chính quyền nhà nước. Lĩnh vực thứ hai là dân chủ đại diện (quản trị thông qua các đại biểu dân cử và các cơ quan thảo luận, chủ yếu là trưởng thôn), Hội đồng Nhân dân và Quốc hội. Ba trụ cột của khung SOLD đã bao quát được đầy đủ hai khía cạnh nêu trên của dân chủ ở cơ sở ở Việt Nam. Có thể thấy những đặc điểm cơ bản trên của khung SOLD rất phù hợp để tham khảo và vận dụng vào những đặc thù của Việt Nam nhằm xây dựng được một bộ tiêu chí riêng để đánh giá dân chủ cơ sở ở nước ta.

5. Kết luận

Như vậy, việc tham khảo và vận dụng kinh nghiệm từ các khung đánh giá của phương Tây về dân chủ ở cơ sở có thể giúp Việt Nam cải thiện và phát triển hệ thống dân chủ ở cấp địa phương, từ đó tạo ra một xã hội công bằng, minh bạch và phát triển bền vững.

Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, khi Luật Thực hin dân chủ ở cơ sở đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 thì việc tìm hiểu và tham khảo các lý thuyết và khung đánh giá của phương Tây về dân chủ ở cơ sở có một ý nghĩa quan trọng đối với các nhà nghiên cứu trong việc xây dựng một bộ chỉ số đánh giá dân chủ cấp cơ sở phù hợp cho Việt Nam. Dân chủ ở cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một xã hội công bằng, minh bạch và phát triển. Việt Nam, với tư cách là một quốc gia đang phát triển, đang không ngừng nỗ lực để củng cố và phát triển hệ thống dân chủ ở cấp địa phương.

Tài liệu tham khảo:
1. Đỗ Trung Hiếu (2004). Một số suy nghĩ về xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam hiện nay. H. NXB Chính trị quốc gia.
2. Quốc hội (2022). Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022.
3. Đào Trí Úc, Nguyễn Thị Mơ, Nguyễn Văn Thuận, Vũ Công Giao (đồng chủ biên) (2013). Sự tham gia của nhân dân vào quy trình lập hiến – lý luận, thực tiễn trên thế giới và ở Việt Nam. H. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. Dryzek, J. S. (2000). Deliberative Democracy and Beyond: Liberals, Critics, Contestations. Oxford University Press.
5. Fishkin, J. S. (2011). When the People Speak: Deliberative Democracy and Public Consultation. Oxford University Press.
6. Held David (2006): Models of Democracy, Stanford University Press, House of Commons, International Development Committee (2014), Democracy and Development in Burma.
7. Huntington Samuel (1992): The third wave: Democracy in the late twentieth century, Norman and London, University of Oklahoma Press.
8. International IDEA (2019) – Phan Thị Thu Hằng, Lê Quang Hòa, Nguyễn Thị Hồng Minh (biên dịch). Khung đánh giá thực trạng dân chủ địa phương. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
9. Jenann Ismael (2010): ‘Self-Organization and Self-Governance’, Philosophy of the Social Sciences XX(X), Sage.
10. John Dewey (1992), Democracy and education: an introduction to the phylosophy of education, Ohio Press.
11. Jonathan Tumin (1982), ‘The Theory of Democratic Development: A Critical Revision’, Theory and Society, Vol. 11, No. 2 (Mar., 1982), pp. 143-164.
12. Kemp, B and Jiménez, M. (2013).  “State of Local Democracy Asessment Framework”, International IDEA, Stockholm, Sweden, pp21-41
13. Pateman, C. (2012). Participatory Democracy Revisited. Perspectives on Politics, 10(1), 7-19.
14. Z.A. Schakner, et al. (2016): Epidemiological models to control the spread of information in marine mammals, The royal society publishing, Volume 283.