ThS. Vũ Phương Anh
Trường Đại học Thương mại
Phạm Minh Hà
Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam
(Quanlynhanuoc.vn) – Hình thức tiếp thị liên kết kết hợp với những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs/KOCs) là xu hướng được các doanh nghiệp sử dụng phổ biến và phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Bài viết nghiên cứu các yếu tố tác động đến ý định mua mỹ phẩm của người tiêu dùng Gen Z qua hình thức tiếp thị liên kết với người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Từ kết quả nghiên cứu, bài viết đưa ra một số hàm ý quản trị cho các doanh nghiệp để tăng hiệu quả khi sử dụng kết hợp hình thức tiếp thị liên kết với người có ảnh hưởng trên mạng xã hội hướng tới Gen Z.
Từ khoá: Tiếp thị liên kết; người ảnh hưởng trên mạng xã hội; mỹ phẩm; ý định mua, Gen Z.
1. Đặt vấn đề
Sự phát triển của internet và những tiến bộ trong công nghệ thông tin đã tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho mọi quốc gia, mọi tổ chức, doanh nghiệp, và thậm chí là hành vi của người tiêu dùng (Elia Asadiyah và cộng sự, 2023). Điều này cho phép các doanh nghiệp có nhiều cơ hội tạo ra những hoạt động marketing đổi mới cũng như thay đổi chiến lược kinh doanh một cách hiệu quả, trong đó phải kể đến hình thức Affiliate Marketing (tiếp thị liên kết) (Dwivedi, Y., và cộng sự, 2017). Với tiếp thị liên kết, doanh nghiệp có thể tiếp cận với khách hàng qua nhiều nền tảng marketing khác nhau cùng một lúc với mức chi phí hợp lý mà chỉ phải trả phí marketing cho bên liên kết khi đơn hàng được ghi nhận và thanh toán thành công (Hương, 2024). Hình thức này cũng giúp doanh nghiệp nâng cao mức độ nhận biết và đạt được các lợi ích với chi phí thấp hơn các hình thức quảng cáo khác khi giới thiệu sản phẩm của mình tới khách hàng thông qua bên thứ ba (Akcura, 2010). Mathur, A (2018) đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò những người sáng tạo nội dung, người có ảnh hưởng trên nền tảng mạng xã hội trong việc thực hiện hoạt động tiếp thị liên kết. Theo đó, những người có ảnh hưởng được xem là nhân tố quan trọng thu hút người xem, tăng tương tác và thúc đẩy khách hàng ra quyết định mua bằng những đánh giá, trải nghiệm chân thực về sản phẩm.
Tại Việt Nam, tuy xuất hiện từ đầu năm 2015 nhưng đến năm 2020, hình thức tiếp thị liên kết mới trở nên phổ biến nhờ sự phát triển mạnh mẽ của nhiều nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử và sự gia tăng sức ảnh hưởng của những người có ảnh hưởng. Theo báo cáo của Accesstrade thuộc Công ty Interspace (2022), tiếp thị liên kết được xác định là một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la và có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng.
Năm 2022, quy mô thị trường tiếp thị liên kết tại Việt Nam đạt khoảng 800 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm lên tới 45%. Dự kiến, thị trường sẽ tiếp tục tăng lên hơn 1.200 tỷ đồng trong năm 2023. Đồng thời, xu hướng kết hợp giữa tiếp thị liên kết với những người có sức ảnh hưởng như KOL/KOCs đang tăng nhanh (tỷ trọng khoảng 16%). Cụ thể, có tới 27,89% những người sáng tạo nội dung/KOC ưu tiên quảng bá cho các sản phẩm mỹ phẩm trên các nền tảng trực tuyến, đặc biệt là instagram, tiktok. Số lượng các doanh nhiệp sử dụng những người có ảnh hưởng trong các chiến dịch tiếp thị liên kết tăng mạnh (chiếm 59%) nhằm hướng tới mục tiêu tăng nhận diện thương hiệu và tăng doanh thu, thay vì các hình thức liên kết khác.
Nếu như trước đây, hoạt động tiếp thị liên kết của các thương hiệu mỹ phẩm thường tập trung vào nhóm đối tượng chính từ 23 tuổi trở lên thì hiện nay, Gen Z (những người trong độ tuổi từ 15 – 25 theo cách phân loại của Decision Lab) đang trở thành đối tượng khách hàng tiềm năng nhất hiện nay (Nguyên và Ngọc, 2021). Theo Unicef (2020), Việt Nam có 64 triệu người dùng internet, chiếm hơn 66% dân số và hơn 1/3 số người dùng là trẻ vị thành niên và thanh niên (độ tuổi 15 – 25). Đây cũng là nhóm người có mức độ sử dụng internet cũng như điện thoại thông minh mua sắm trực tuyến nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào khác. Bài viết tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng đến ý định mua mỹ phẩm của người tiêu dùng Gen Z thông qua hình thức tiếp thị liên kết với những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, từ đó, đưa ra những gợi ý giúp doanh nghiệp có thể lựa chọn và sử dụng hình thức này hiệu quả hơn.
2. Cơ sở lý thuyết và giả thuyết nghiên cứu
2.1. Tiếp thị liên kết
Dwivedi (2017) và Stokes (2010) cho rằng, tiếp thị liên kết là việc doanh nghiệp ủy quyền cho bên chuyên nghiệp thứ ba thực hiện việc truyền thông trên internet cho sản phẩm của doanh nghiệp để đổi lấy một khoản tiền hoa hồng đã được thỏa thuận từ trước. Theo Mariussen và cộng sự (2010), tiếp thị liên kết là loại hình marketing trực tuyến mà theo đó, doanh nghiệp hoặc người bán sẽ ký thỏathuận với đơn vị liên kết để giới thiệu về sản phẩm bằng việc chia sẻ đường link dẫn đến trang web liên kết chứa sản phẩm. Do vậy, có thể hiểu: tiếp thị liên kết là hoạt động marketing có liên kết giữa nhà cung cấp (nhà quảng cáo/người bán), nhà phân phối (Affiliate/publisher) và truyền thông, trong đó các thông điệp truyền thông và các hoạt động xúc tiến bán hàng sẽ được các bên chủ động thực hiện bổ sung lẫn nhau để tăng hiệu quả bán hàng.
2.2. Mối quan hệ giữa tiếp thị liên kết và ý định mua của người tiêu dùng
Theo Indrajit Ghosal và cộng sự (2021), các yếu tố ảnh hưởng đến ý định mua hàng trực tuyến của người tiêu dùng sau khi được chuyển hướng qua các tiếp thị liên kết thường liên quan đến thông tin được chia sẻ trong các liên kết, như: giá trị sản phẩm, yếu tố rủi ro, sản phẩm giảm giá, kiến thức thương hiệu, phản hồi của chuyên gia có tác động tích cực thúc đẩy hành vi mua hàng trực tuyến của người tiêu dùng.
Indrajit Ghosala và cộng sự (2020) đã sử dụng mô hình TAM để nghiên cứu tác động của tiếp thị liên kết đến hành vi mua của Gen Y, trong đó nhấn mạnh đến các yếu tố, như: động lực thúc đẩy, thông tin chia sẻ, tính điều hướng dễ dàng từ công cụ tìm kiếm, niềm tin được cảm nhận, giá trị tạo ra trong quá trình marketing, lợi thế tương đối, khả năng tương thích và khả năng quan sát.
Puzon O và cộng sự (2023) nhấn mạnh ba khía cạnh về thông tin, giải trí và cảm xúc trong video liên kết đều có tác động tích cực đến hành vi mua của Gen Z, trong đó yếu tố giải trí của video liên kếttrên tiktok có tác động lớn nhất. Mặt khác, những người có ảnh hưởng giới thiệu liên kết cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc tác động đến hành vi của người tiêu dùng.
Theo Mathur, A và cộng sự (2018); Nafees (2021); Kim và Kim (2021) thì vai trò của người ảnh hưởng đại diện cho thương hiệu, nhận thức về thiện chí và sự tin tưởng đối với người ảnh hưởng có ảnh hưởng tích cực đến ý định mua hàng của người tiêu dùng. Do đó, bài viết nghiên cứu mối quan hệ giữa các yếu tố của tiếp thị liên kết và ý định mua hàng trực tuyến của Gen Z sẽ tập trung vào hai yếu tố là đặc điểm của hình thức tiếp thị liên kết và đặc điểm của người ảnh hưởng.
2.3. Mô hình và giả thuyết nghiên cứu
Nghiên cứu dựa trên khung lý thuyết của mô hình chấp nhận công nghệ (Davis, 1989), hay TAM kết hợp với lý thuyết về nguồn tin cậy trong nguồn phát của Ohanian (1990), từ đó, đề xuất mô hình nghiên cứu như sau:
Thông tin được chia sẻ thông qua link liên kết (SI): Thông điệp được bên thứ ba đề xuất về sản phẩm của doanh nghiệp qua link liên kết gồm nhiều thông tin khác nhau. Các nghiên cứu cho thấy,thông tin được chia sẻ sẽ có ảnh hưởng lớn đến hành vi của người tiêu dùng khi họ cảm nhận được nội dung đó có độ tin cậy, chính xác, có giá trị và hấp dẫn để người dùng có thể hiểu rõ về sản phẩm.
Theo Dubois và cộng sự (2016); Mohr & Walter (2019), ý định mua hàng có thể tăng lên nếu thông tin được chia sẻ đến từ những nguồn đáng tin cậy. Người tiêu dùng cũng tin tưởng các trang web được chuyển hướng qua các chi nhánh vì được các nhà phân phối đánh giá một cách công bằng và khách quan (Indrajit Ghosala, Bikram Prasad, Mukti Prakash Beherac, 2020).
H1: Thông tin được chia sẻ qua tiếp thị liên kết ảnh hưởng tích cực đến ý định mua mỹ phẩm của Gen Z.
Khả năng điều hướng từ link liên kết (DA): việc sử dụng các link liên kết với những người nổi tiếng sẽ giúp chuyển từ người xem nội dung thành người mua tiềm năng. Do đó, việc thiết kế chuyển hướng thông qua link liên kết hiệu quả về các trang bán hàng sẽ là yếu tố ảnh hưởng tích cực đến ý định mua của người tiêu dùng. Kang & Kim (2006) cho thấy, việc điều hướng dễ dàng là chìa khóa thành công trong việc tăng ý định mua hàng của người tiêu dùng. Harridge-March (2006) khẳng định:định hướng tốt giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, tăng hiệu quả và giảm bớt những lo ngại về rủi ro tài chính, điều này sẽ dẫn đến sự tin tưởng.
H2: Tốc độ chuyển hướng từ link liên kết ảnh hưởng tích cực đến ý định mua mỹ phẩm của Gen Z.
Cảm nhận về giá trị của tiếp thị liên kết (VC): theo Kotler (2020), mục đích của tiếp thị là thỏa mãn nhu cầu của con người bằng cách tạo ra giá trị. Tiếp thị liên kết là một lựa chọn tối ưu nhờ tính dễ sử dụng và có thể tiếp cận lượng khách hàng lớn trong thời gian ngắn, từ đó, tăng thêm giá trị cho quá trình truyền thông và bán hàng của doanh nghiệp nhằm mang lại trải nghiệm khác biệt cho người tiêu dùng, đẩy nhanh quá trình mua hàng (Huyền và cộng sự, 2022). Nếu những nhà sáng tạo nội dung hoặc các đối tác có thể mang lại niềm tin và giá trị cảm nhận cho người tiêu dùng thì họ sẽ tiến gần hơn đến ý định sử dụng sản phẩm đó.
H3: Giá trị gia tăng cảm nhận của tiếp thị liên kết ảnh hưởng tích cực đến ý định mua mỹ phẩm của Gen Z.
Đề xuất tặng thưởng (OR): một trong những đặc điểm khiến người tiêu dùng muốn mua hàng qua link liên kết là việc các website hoặc các bên sáng tạo nội dung đề xuất các mã giảm giá để quảng bá cho sản phẩm. Khuyến mại là hình thức tặng thưởng, đóng vai trò là cung cấp động lực về kinh tế nhằm thúc đẩy quyết định mua hàng của người tiêu dùng trong môi trường mua sắm trực tuyến (Honea & Dahl, 2005). Đặc biệt, giảm giá sản phẩm đóng vai trò thiết yếu trong việc thu hút sự chú ý của khách hàng đến sản phẩm, giúp khách hàng nhận ra sự sẵn có của sản phẩm, từ đó thúc đẩy hành vi mua hàng nhanh hơn (Blackwell, Miniard và Engel, 2001).
H4: Đề xuất tặng thưởng trong tiếp thị liên kết tác động tích cực đến ý định mua mỹ phẩm của Gen Z.
Niềm tin vào người ảnh hưởng (TRUST): niềm tin được định nghĩa là “niềm tin vào độ tin cậy và tính chính trực của đối tác trao đổi” (Morgan & Hunt, 1994). Niềm tin có thể được thiết lập khi các đối tác thực hiện lời hứa của mình (Gronroos, 1990). Trong giao tiếp, việc tin tưởng đối với người nói phản ánh sự tự tin và sẵn sàng tin tưởng vào thông điệp truyền tải của người nghe. Nếu là một diễn viên gửi các tín hiệu hành vi và xã hội hứa hẹn những phần thưởng trong tương lai, thì sự tin tưởng của người nhận đối với người thực hiện có thể sẽ tăng lên. Kim và Kim (2021) cho rằng, sự tin tưởng vào người có ảnh hưởng khiến những người theo dõi coi mối quan hệ là bổ ích và sẽ nâng cao hiệu quả truyền tải của thông điệp thông qua những người này. Vì vậy, những người theo dõi sẽ có thái độ tích cực và ý định mua hàng cao đối với sản phẩm được người ảnh hưởng giới thiệu.
H5: Niềm tin vào người ảnh hưởng kết hợp trong tiếp thị liên kết có ảnh hưởng tích cực đến ý định mua mỹ phẩm của Gen Z.
Thiện chí từ người có ảnh hưởng (GW): người có ảnh hưởng thường có khả năng thuyết phục thông qua cách họ truyền đạt thông điệp, vì vậy, việc họ có thể cho người tiêu dùng thấy họ thật sự quan tâm tới và thấu hiểu những nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng là yếu tố quan trọng khiến người tiêu dùng cảm thấy họ có thể nhận được những thiện chí của người có ảnh hưởng. Theo nghiên cứu của Lubna Nafees và cộng sự ( 2021), thiện chí được cảm nhận từ người có ảnh hưởng sẽ tác động vào mối quan hệ giữa người có ảnh hưởng và người theo dõi bởi sức mạnh của người có ảnh hưởng sẽ được phát triển theo thời gian do sự tham gia liên tục của khán giả, theo đó, người có ảnh hưởng có khả năng tích lũy thiện chí với những người theo dõi họ.
H6: Thiện chí từ người có ảnh hưởng kết hợp trong tiếp thị liên kết ảnh hưởng tích cực đến ý định mua mỹ phẩm của gen Z.
3. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu tập trung 3 nhóm đối tượng chính là học sinh cấp 3 ở Hà Nội, sinh viên và những người đi làm. Ngoài ra, để phù hợp với mục đích của nghiên cứu, chỉ những người tham gia đã mua sản phẩm thông qua tiếp thị liên kết có theo dõi những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội thường xuyên trong 3 tháng. Phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên thuận tiện được sử dụng với phiếu điều tra được thiết kế dưới dạng google form và được phân phát trực tuyến. Tổng số phiếu phát ra là 250 phiếu, thu về 198 phiếu. Dữ liệu thu về sẽ được xử lý bằng SPSS để kiểm định giả thuyết và chứng minh mô hình nghiên cứu thông qua kiểm định độ tin cậy Cronbach alpha, phân tích nhân tố và kiểm định hồi quy. Thang đo trong nghiên cứu được sử dụng từ nghiên cứu của Indrajit Ghosala và cộng sự(2020), Nafees (2021), Kim và Kim (2021).
4. Kết quả nghiên cứu
4.1. Kết quả nghiên cứu độ tin cậy thang đo và nhân tố khám phá
Kết quả phân tích độ tin cậy và nhân tố khám phá được thể hiện thông qua bảng sau:
Bảng 1. Tổng hợp kết quả Cronbach’s Alpha và phân tích nhân tố khám phá EFA
TT | Tên biến | Ký hiệu biến | Số biến quan sát | Hệ số Cronbach Alpha | Hệ số tải nhân tố | Hệ số Eigenvalues |
1 | Thông tin được chia sẻ qua link liên kết | SI | 5 | 0,758 | 0.690 -0.767 | 1.759 |
2 | Khả năng điều hướng từ link liên kết | DA | 3 | 0,768 | 0.785 -0.814 | 1.630 |
3 | Cảm nhận về giá trị của liên kết | VC | 4 | 0,815 | 0.705 -0.802 | 7.598 |
4 | Đề xuất tặng thưởng | GP | 3 | 0,823 | 0.756 -0.805 | 1.203 |
5 | Niềm tin vào người có ảnh hưởng | TRUST | 4 | 0,836 | 0.653 -0.783 | 1.848 |
6 | Thiện chí từ người có ảnh hưởng | GW | 4 | 0,777 | 0.761 -0.822 | 1.325 |
7 | Ý định mua | YD | 3 | 0,859 | 0.811- 0.850 | 2.818 |
Kết quả phân tích độ tin cậy cho thấy, 6 biến phụ thuộc và 1 biến độc lập trong nghiên cứu đều có hệ số Cronbach Alpha nằm trong khoảng từ 0.7 – 1.0, hệ số tương quan biến tổng không có biến nào dưới 0,3, do đó, bảo đảm các biến quan sát thành phần trong một nhân tố có sự tương quan về ý nghĩa (Trọng & Ngọc, 2008).
Với biến độc lập, để bảo đảm các yếu tố được rút trích đạt yêu cầu với hệ số tải nhân tố >0,5 trong ma trận xoay varimax thì một số biến quan sát đã bị loại bỏ như SI2, GW4 (hệ số tải không thỏa mãn). Sau khi chạy EFA lần hai kết quả thu được cho thấy với mô hình đề xuất có 6 nhân tố được rút trích, với thang đo các khái niệm nghiên cứu đều đạt yêu cầu. Hệ số KMO = 0.879 <1 cho thấy, phân tích nhân tố là phù hợp. Kiểm định Barlett có giá trị Sig.= 0.000 chứng tỏ các biến quan sát tham gia vào phân tích nhân tố có tương quan với nhau. Phương sai trích = 69,012 >50%, giá trị Eigenvalue = 1.203 >1, các hệ số tải nhân tố đều lớn hơn 0.5 nên 6 nhân tố độc lập với 21 biến quan sát đều thỏamãn yêu cầu để phân tích hồi quy.
Biến độc lập có hệ số KMO = 0.828 <1, kiểm định Bartlett có sig = 0.000 <0.05, hệ số phương sai trích 70,448 và hệ số rút trích eigenvalues = 2.818 >1 thoả mãn điều kiện phân tích nhân tố.
4.2. Phân tích hồi quy
Bảng 2. Phân tích sự phù hợp của mô hình
Mô hình | R | R bình phương | R bình phương hiệu chỉnh | Sai số ước lượng | Durbin Watson |
1 | 0.727 | 0.634 | 0.625 | 0.53136 | 0.1956 |
Bảng 3. Kết quả phân tích hồi quy
Mô hình | Hệ số hồi quy chưa chuẩn hoá | Hệ số hồi quy chuẩn hoá | Kiểm định t | Ý nghĩa thống kê | Hệ số phóng đại VIF | |
Hệ số beta | Sai số | Hệ số beta | ||||
Hằng số | 0.030 | 0.185 | 0.162 | 0.871 | ||
Thông tin chia sẻ | 0.117 | 0.038 | 0.137 | 3.123 | 0.002 | 1.303 |
Khả năng điều hướng | 0.173 | 0.036 | 0.217 | 4.785 | 0.000 | 1.389 |
Cảm nhận giá trị AF | 0.241 | 0.040 | 0.248 | 5.335 | 0.001 | 1.457 |
Đề xuất tặng thưởng | 0.111 | 0.040 | 0.124 | 2.762 | 0.006 | 1.307 |
Niềm tin từ có người ảnh hưởng | 0.273 | 0.042 | 0.328 | 6.472 | 0.001 | 1.737 |
Thiện chí từ có người ảnh hưởng | 0.089 | 0.036 | 0.108 | 2.493 | 0.013 | 1.269 |
Từ bảng kết quả phân tích hồi quy tuyến tính bội như bảng 2 cho thấy, mô hình có R2 = 0,634 và R2 được điều chỉnh = 0,625 (mô hình giải thích được 62,5% sự thay đổi của biến ý định mua mỹ phẩm qua link liên kết của Gen Z được giải thích bởi 6 biến độc lập là thông tin chia sẻ; khả năng điều hướng qua link liên kết, cảm nhận giá trị của marketing liên kết; đề xuất tặng thưởng; niềm tin từ người có ảnh hưởng; thiện chí từ người có ảnh hưởng. Hệ số phóng đại phương sai VIF đều <2 chứng tỏ không có hiện tượng đa cộng tuyến.
Kết quả, Sig của các biến độc lập đều <0.05 và hệ số Beta đều dương nên có thể kết luận có 6 biến độc lập tác động đến ý định mua mỹ phẩm qua tiếp thị liên kết với người có ảnh hưởng. Trong đó, biến có tác động lớn nhất là niềm tin vào người có ảnh hưởng khi giới thiệu sản phẩm và liên kết mua hàng (Beta = 0.382, sig =. 001 <0.05); sau đó là giá trị cảm nhận về tiếp thị liên kết (Beta = 0.248, sig =. 001 <0.05) và khả năng điều hướng của link liên kết (Beta = 0.217, sig =. 000 <0.05). Thông tin chia sẻ (Beta = 0.137, sig =. 002 <0.05) và đề xuất tặng thưởng từ người có ảnh hưởng (Beta = 0.124, sig =. 006 <0.05) có mức tác động tương đương nhau; tác động ít nhất là thiện chí từ người có ảnh hưởng (Beta = 0.108, sig =. 013 <0.05). Từ đó, 6 giả thuyết xây dựng đều được chấp nhận.
4. Kết luận và khuyến nghị
Dựa trên kết quả nghiên cứu, bài viết đề xuất một số hàm ý kiến nghị cho các doanh nghiệp để có thể tăng hiệu quả khi sử dụng việc bán hàng qua việc kết hợp tiếp thị liên kết với người có ảnh hưởng trên mạng xã hội hướng tới Gen Z như sau:
Một là, việc sử dụng những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để gia tăng kiến thức và sự tin tưởng khi có ý định mua sắm ngày càng trở nên phổ biến với người tiêu dùng. Vì niềm tin vào người có ảnh hưởng được xem là yếu tố quan trọng tác động tới ý định mua mỹ phẩm của Gen Z qua tiếp thị liên kết nên các thương hiệu cần coi trọng việc lựa chọn những người có ảnh hưởng không chỉ có lượt người theo dõi lớn mà còn uy tín và được tin tưởng. Với mặt hàng mỹ phẩm, các nhãn hàng nên cân nhắc lựa chọn những người có ảnh hưởng phải có đặc điểm phù hợp với định vị và đặc điểm của sản phẩm để liên kết, như: bác sĩ da liễu, những người điều chế sản phẩm hoặc các KOCs đã từng có nhiều review về sản phẩm của nhãn hàng, có hình ảnh cá nhân phù hợp với định vị của nhãn hàng.
Hai là, yếu tố về giá trị cảm nhận từ liên kết và điều hướng cũng có mức độ tác động tương đối lớn sau niềm tin vào người có ảnh hưởng, vì vậy, doanh nghiệp cần chú trọng cải thiện các điểm chạm và trải nghiệm của khách hàng thông qua các nền tảng và phương tiện để gia tăng cảm nhận giá trị cũng như tăng mức độ dễ dàng trong mua sắm khi người tiêu dùng nhấp vào link liên kết do người có ảnh hưởng đề xuất. Có thể kể đến như tối ưu website; tạo ra các chiến dịch khuyến mại để kích thích hành vi không chỉ mua những sản phẩm được giới thiệu từ người có ảnh hưởng mà còn các sản phẩm khác của doanh nghiệp, thông tin rõ ràng, tin cậy, hình ảnh, màu sắc bắt mắt để khách hàng cảm nhận nhiều giá trị hơn.
Ba là, để tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng, những người làm marketing cần liên tục tiếp thu ý tưởng, bắt kịp xu hướng, thay đổi giao diện, tăng tính tiện ích trong giao tiếp với khách hàng sau khi khách hàng nhấp chuột vào link từ người có ảnh hưởng đề xuất, cải thiện thông tin giới thiệu trong tiếp thị liên kết đến người tiêu dùng. Để bảo đảm chất lượng thông tin chia sẻ, các thương hiệu phải luôn bảo đảm những người có ảnh hưởng sẽ tạo ra nội dung mang tính thông tin, có tính chính xác, nhất quán về sản phẩm như một phần trong quá trình hợp tác của họ với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cần phối hợp với những người sáng tạo nội dung có những hướng dẫn rõ ràng cho người xem về việc đặt link liên kết, về các mã giảm giá hay phần thưởng khi mua qua kênh giới thiệu của những người này để thu được hiệu quả tối ưu.
Tài liệu tham khảo:
1. Đào Thị Hương (2024). Ảnh hưởng của affiliate marketing tới quyết định mua sản phẩm thời trang của giới trẻ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. https://kinhtevadubao.vn/anh-huong-cua-affiliate-marketing-toi-quyet-dinh-mua-san-pham-thoi-trang-cua-gioi-tre-tren-dia-ban-tinh-thai-nguyen-29370.html
2. Accesstrade Viet Nam (2022). Vietnam Affiliate Report 2022.
3. Nafees, L., Cook, C. M., Nikolov, A. N., & Stoddard, J. E. (2021). Can social media influencer (SMI) power influence consumer brand attitudes? The mediating role of perceived SMI credibility. Digital Business, 1(2), 100008
4. Kim, D. Y., & Kim, H. Y. (2021). Trust me, trust me not: A nuanced view of influencer marketing on social media. Journal of Business Research, 134, 223-232.
5. Dwivedi, Y.K. (2017). Affiliate marketing: An overview and analysis of emerging literature.The Marketing Review, 17, (33-50).
6. Ghosal, Indrajit & Prasad, Bikram & Behera, Mukti. (2020). Impact of Affiliate Marketing on E-Buying Behavior of Millennial – A TAM Based Approach With Text Analysis. SSRN Electronic Journal. 10.2139/ssrn.3638929.
7. Ganguly, Boudhayan & Dash, Satya. (2009). Website characteristics, Trust and purchase intention in online stores: – An Empirical study in the Indian context.
8. Davis, F. D. (1989). Perceived Usefulness, Perceived Ease of Use, and User Acceptance of Information Technology. MIS Quarterly, 13(3), 319-340. https://doi.org/10.2307/249008
9. Prasad, S., Garg, A., & Prasad, S. (2019). Purchase decision of generation Y in an online environment. Marketing Intelligence & Planning, 37(4), 372-385.
10. Mathur, A., Narayanan, A., & Chetty, M. (2018). Endorsements on social media: An empirical study of affiliate marketing disclosures on youtube and pinterest. Proceedings of the ACM on Human-Computer Interaction, 2(CSCW), 1-26.
11. Puzon, J. A. O., Dayrit, J. S., Pulili, F. B. B., Tulabut, L. J., & Zarate, J. G.(2023): An Analysis of the Impact of TikTok Affiliate Videos on Gen Z’s Consumer Behavior and Purchase Intention, PREO Journal of Business and Management. Volume 4, Issue 2, 10/2023.