Nhận thức về dịch vụ đồ uống có trách nhiệm: Nghiên cứu tại một số địa điểm kinh doanh đồ uống trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

TS. Nguyễn Lan Anh
Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh
TS. Đặng Thị Thảo
Trường Đại học Kinh tế Nghệ An

(Quanlynhanuoc.vn) – Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo đồ uống có nồng độ cồn cao là một trong những nguyên nhân gây ra khuyết tật, bệnh tật và tử vong trên phạm vi toàn cầu. Bài viết khảo sát nhóm đối tượng là quản lý và nhân viên phục vụ tại các cơ sở kinh doanh đồ uống có cồn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Kết quả thu thập đưa ra hàm ý quản trị nhằm cải thiện hiệu quả trong quá trình triển khai dịch vụ đồ uống có trách nhiệm.

Từ khóa: Dịch vụ đồ uống có trách nhiệm; đồ uống có chứa nồng độ cồn; nhận thức; tai nạn giao thông; TP. Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Dịch vụ đồ uống có trách nhiệm được hiểu là một biện pháp can thiệp tại cơ sở kinh doanh đồ uống có cồn được cấp phép nhằm mục đích giảm lượng cung cấp đồ uống có cồn cho trẻ vị thành niên và cho những người đã uống say (Rossow & Baklien, 2010). Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, sự tham gia và thực thi dịch vụ đồ uống có trách nhiệm đã làm giảm đáng kể số vị thành niên sử dụng đồ uống quá nồng độ cồn cũng như liên quan đến mức độ từ chối dịch vụ đồ uống có cồn đối với khách hàng đã say, từ đó, làm giảm đáng kể tội phạm bạo lực (Danaher và cộng sự, 2012). 

Việc làm dụng đồ uống có cồn là một trong những nguyên nhân gây hậu quả nghiêm trọng đến vấn đề sức khỏe và mạng sống của con người. Trong nghiên cứu của (MMWR, 2010) cho thấy, lái xe khi say rượu là nguyên nhân gây ra 1/3 tổng số ca tử vong do tai nạn giao thông ở Hoa Kỳ mỗi năm. Nghiên cứu của Ladeira RM và cộng sự (2015) cũng chỉ ra rằng, tại châu Âu, nguyên nhân chính gây tử vong trong số vụ tai nạn giao thông ở người trong độ tuổi 15 – 29 lái xe trong tình trạng say rượu1.

Cùng với các chính sách, pháp luật hạn chế, quản lý đối với hoạt động sản xuất – kinh doanh và sử dụng đồ uống có cồn của các quốc gia là nhận thức của cộng đồng đối với thức uống có cồn này cũng đã có sự chuyển biến tích cực. Theo Fobers, thế hệ trẻ sinh từ năm 1997 – 2012 có tỷ lệ uống rượu, bia ít hơn thế hệ trước khoảng 20% (những người sinh ra khoảng từ năm 1980 đến đầu những năm 2000). Điều này đã được chứng minh khi thị trường rượu, bia tại Hoa Kỳ lượng tiêu thụ đã giảm xuống dưới 200 triệu thùng năm 2022 so với năm 19992

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế, mức tiêu thụ rượu, bia ở người từ 15 tuổi trở lên ở nước ta tăng dần qua các năm, cụ thể mức tiêu thụ là 2,9 lít cồn nguyên chất/người/năm ở năm 2005 thì đến năm 2019, con số đã tăng lên là 7,9 lít, Việt Nam xếp thứ 2 trong Đông Nam Á và thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ rượu, bia bình quân/người/năm. Trong báo cáo này, Cục Y tế dự phòng cũng cho thấy, rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 loại bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh, theo ước lượng trung bình hằng năm khoảng 7,5% số ca tử vong liên quan đến rượu, bia3.

Bài viết khảo sát đối tượng là người quản lý, nhân viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh đồ uống có cồn được cấp phép tại TP. Hồ Chí Minh về nhận thức đối với dịch vụ uống có trách nhiệm, từ đó,rút ra bài học kinh nghiệm và hàm ý quản trị nhằm cải thiện hiệu quả trong quá trình triển khai dịch vụ đồ uống có trách nhiệm.

2. Cơ sở lý thuyết

Nghiên cứu Casswell S (2004) chỉ ra rằng, khi rượu trở thành sẵn có hơn thông qua các nguồn thương mại hoặc xã hội thì hành vi tiêu dùng và các vấn đề liên quan đến rượu sẽ tăng lên và kết quả ngược lại, khi nguồn cung rượu, bia bị hạn chế. 

Trong nghiên cứu cuả Lee K và cộng sự (2006), các cơ sở được cấp phép mang lại cơ hội cho ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến rượu thông qua đào tạo quản lý và nhân viên phục vụ đồ uống có trách nhiệm. Việc thực thi dịch vụ đồ uống có trách nhiệm gắn với tăng cường thực thi pháp luật và các quy định của cảnh sát, cấp phép kinh doanh rượu, bia và có biện pháp cứng rắn khi cơ sở kinh doanh bán hàng vô trách nhiệm. Đồng thời, các tổ chức cộng đồng tại địa phương có sự phối hợp với cảnh sát sở tại để triển khai quản lý có hiệu quả tại các cơ sở kinh doanh đồ uống có cồn trên địa bàn. Kết quả được công bố thông qua các nghiên cứu của Lacey và cộng sự, 2009; Fell và cộng sự, 2010 cũng cho thấy, việc phối hợp chặt chẽ này sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những cá nhân, cơ sở kinh doanh trái pháp luật.

Molof và cộng sự (1994) đã đánh giá được những thay đổi tích cực trong việc giảm mức tiêu thụ đồ uống có cồn tại các cơ sở kinh doanh mà ở đó những người quản lý, nhân viên phục vụ được đào tạo về chương trình dịch vụ đồ uống có trách nhiệm. Tuy nhiên, bài viết cũng cho thấy những kết quả tích cực này phần lớn chỉ giới hạn ở những nỗ lực nhằm ngăn chặn khách hàng không bị say rượu, bia.

Một số đánh giá về các biện pháp can thiệp nhằm giảm việc sử dụng rượu, bia và các tác hại liên quan đến uống rượu, bia trong nghiên cứu của Jones Hughes và cộng sự, (2011) đã cho thấy, kết quả việc đào tạo và tăng cường thực hành dịch vụ đồ uống có trách nhiệm tại các cơ sở kinh doanh được cấp phép có tác động thuận chiều với việc giảm tỷ lệ những người uống say, từ đó giảm tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến người uống rượu, bia. 

Chương trình dịch vụ đồ uống có trách nhiệm đã được triển khai ở trung tâm thành phố Stockholm, Thủ đô của Thụy Điển, theo số liệu năm 1999 (Wallin, Gripenberg và cộng sự, 2002), 47% các cơ sở được cấp phép đã từ chối phục vụ rượu cho những khách hàng giả vờ say, tăng đáng kể so với mức cơ sở là 5% vào năm 1996. Kết quả này cho thấy, việc đào tạo dịch vụ đồ uống có trách nhiệm kết hợp với việc thực thi định kỳ và các biện pháp khác liên quan chính sách quản lý của cơ quan có thẩm quyền đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu việc uống rượu.

Chương trình dịch vụ đồ uống có trách nhiệm là một chương trình hành động cộng đồng bao gồm nhiều thành phần với mục đích chính nhằm thay đổi môi trường tiêu thụ rượu để giảm bạo lực liên quan đến rượu và thương tích liên quan đến việc phục vụ rượu tại các cơ sở được cấp phép. Kết quả của các nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc phối hợp hành động cộng đồng, trong đó có sự tham gia của các cơ quan quản lý ở địa phương hợp tác với cơ quan cảnh sát và các cơ sở kinh doanh đồ uống có cồn được cấp phép (Babor et al., 2010).

3. Phương pháp nghiên cứu

Bài viết khảo sát đội ngũ là quản lý, nhân viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh đồ uống có cồn được cấp phép tại TP. Hồ Chí Minh về nhận thức đối với dịch vụ uống có trách nhiệm. Bảng hỏi được xây dựng gồm: (1) Mức độ nhận thức về dịch vụ đồ uống có trách nhiệm đối với người quản lý, nhân viên phục vụ; (2) Mức độ thực thi dịch vụ đồ uống có trách nhiệm của quản lý, nhân viên phục vụ. Sử dụng thang đo likert để xác định nhận thức hoặc quan điểm của người trả lời về chủ đề này bằng các câu trả lời (Vagias, 2006), đồng thời, phân tích dữ liệu thu thập được thông qua giá trị trung bình và giá trị trung bình có trọng số. Tổng số biến quan sát là 19 biến, để bảo đảm độ tin cậy của nghiên cứu, số đơn vị của mẫu tham gia khảo sát ít nhất cần: 19 x 5 = 95 (Hoàng Trọng & Chu N.M. Ngọc, 2008). 

Nghiên cứu thiết kế bảng khảo sát trên hệ thống Google form, khảo sát được gửi đến nhóm đối tượng nghiên cứu và thu về được 195 phiếu, trong quá trình kiểm tra tính phù hợp của phần trả lời khảo sát thì chỉ còn 180 phiếu được chấp nhận, trong đó gồm 45 nhà quản lý và 135 nhân viên phục vụ tại các cơ sở kinh doanh đồ uống có cồn được cấp phép hoạt động. 

4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Với 180 người trả lời bảo đảm độ tin cậy, phân tích dữ liệu thu thập được giá trị trung bình và trung bình có trọng số của nghiên cứu như sau:

Bảng 1. Mức độ nhận thức về dịch vụ đồ uống có trách nhiệm

Mức độ nhận thức về dịch vụ đồ uống có trách nhiệmGiá trị trung bìnhMức độ nhận thức
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 20192,55Nhận thức được một chút
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (sửa đổi tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP)3,3Nhận thức vừa phải
Những tác động tích cực và tiêu cực của việc uống đồ uống có nồng độ cồn3,56Nhận thức vừa phải
Các quy định về bán, cung cấp rượu, bia2,54Nhận thức được một chút
Các quy định về khuyến mại rượu, bia1,91Nhận thức được một chút
Các quy định về quảng cáo rượu, bia1,85Nhận thức được một chút
Các quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia1,78Hoàn toàn không biết
Lượng đồ uống có cồn tối đa mà cơ thể của người trưởng thành có thể tiêu thụ3,44Nhận thức vừa phải
Trung bình có trọng số2,62Nhận thức phần nào

Trong đó:      4,24 – 5,00: Cực kỳ nhận thức (nhận thức cao)

                    3,43 – 4,23: Nhận thức vừa phải

                    2,62 – 3,42: Nhận thức phần nào

                    1,81 – 2,61: Nhận thức được một chút

                    1,00 – 1,8: Hoàn toàn không biết

Bảng 2. Mức độ thực hành dịch vụ đồ uống có trách nhiệm

Mức độ thực hành dịch vụ đồ uống có trách nhiệmGiá trị trung bìnhMức độ thực hành
Biết cách xử lý khách hàng quen bị say2,67Mức độ thực hành phần nào
Nhận ra những khách hàng quen là người dưới độ tuổi hợp pháp được sử dụng rượu, bia3,76Mức độ thực hành vừa phải
Đưa lời khuyên cho khách hàng nên sử dụng các dịch vụ vận chuyển bảo đảm người say rượu, bia về nhà an toàn2,56Mức độ thực hành một chút
Giúp kiểm soát đám đông và an ninh khác mà trong đó có người say rượu, bia1,89Mức độ thực hành một chút
Lưu giữ hồ sơ bằng văn bản về các vụ việc bán hàng cho những người rõ ràng là đã say rượu, bia và những người dưới độ tuổi hợp pháp1,54Hoàn toàn không thực hành
Giám sát khách hàng một cách hiệu quả trong quá trình sử dụng rượu, bia2,45Mức độ thực hành một chút
Trung bình có trọng số2,07Mức độ thực hành một chút

Trong đó:      4,24 – 5,00: Mức độ thực hành cao

                    3,43 – 4,23: Mức độ thực hành vừa phải

                    2,62 – 3,42: Mức độ thực hành phần nào

                    1,81 – 2,61: Mức độ thực hành một chút

                    1,00 – 1,8: Hoàn toàn không thực hành

Từ bảng 1 cho thấy, với điểm trung bình có trọng số là 2,62, tức là mức độ nhận thức của người quản lý, nhân viên phục vụ về dịch vụ đồ uống có trách nhiệm là nhận thức được phần nào. Trong đó, mức độ nhận thức được một chút là về các quy định liên quan đến bán, cung cấp rượu, bia; quy định về khuyến mại rượu, bia và quy định liên quan đến quảng cáo rượu, bia (điểm trung bình lần lượt là 2,54; 1,91; 1,85); mức độ nhận thức vừa phải là hiểu biết về Nghị định số 100/2019/NĐ-CP và lượng đồ uống có cồn tối đa mà cơ thể của người trưởng thành có thể tiêu thụ (điểm trung bình gồm 3,56 và 3,44).

Bảng 2 thể hiện mức độ mà những người quản lý, nhân viên phục vụ tham gia khảo sát đã thực hành những hành động dịch vụ đồ uống có trách nhiệm. Với điểm trung bình có trọng số là 2,07 phản ánh việc thực thi trong thực tế mới chỉ rất ít. Có một số quản lý, nhân viên phục vụ đã biết cách xử lý khi gặp tình huống khách hàng quen bị say (điểm trung bình 2,67); hành vi có mức độ thực hiện nhiều hơn đó là việc nhận ra những khách hàng quen là người dưới độ tuổi hợp pháp được sử dụng rượu, bia (điểm trung bình 3,76) – được xác nhận là hành vi có mức độ thực hành cao nhất; việc đưa ra lời khuyên cho khách hàng nên sử dụng các dịch vụ vận chuyển bảo đảm để người say rượu, bia về nhà an toàn được những người tham gia khảo sát lựa chọn là hành động thỉnh thoảng được họ thực hiện với mức độ thực hành một chút (điểm trung bình 2,56); cũng thể hiện ở mức độ thực hành một chút nhưng việc giúp kiểm soát đám đông và an ninh khác mà trong đó có người say rượu, bia có số lần lựa chọn ít hơn với điểm trung bình là 1,89. Tuy nhiên, việc lưu giữ hồ sơ bằng văn bản về các vụ việc bán hàng cho những người rõ ràng là đã say rượu, bia và những người dưới độ tuổi hợp pháp có số điểm trung bình là 1,54, thể hiện hành động này đều xác nhận là chưa từng triển khai.

5. Hàm ý chính sách

Để thực hiện mục tiêu chống tác hại của rượu, bia như trong nội dung Kế hoạch phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 – 2025, có thể xem xét một số gợi ý như sau:

Một là, chính sách về quản lý đồ uống có nồng độ cồn. Các chính sách quản lý liên quan đến đồ uống có nồng độ cồn cần được triển khai và thực thi một cách đồng bộ trên toàn quốc cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý có liên quan, như: Bộ Công Thương, Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Cơ quan quản lý đường bộ liên quan đến an toàn giao thông… để thiết lập khuôn khổ pháp lý, bao gồm sự giám sát từ hoạt động sản xuất, xuất, nhập khẩu rượu, bia thương phẩm; kiểm soát hoạt động bán buôn và bán lẻ đồ uống có nồng độ cồn. Đồng thời, cần tăng cường rà soát các cơ sở kinh doanh đồ uống có cồn để hạn chế những hoạt động kinh doanh không được đăng ký. Đặc biệt, cần tiếp tục thực thi nghiêm những chế tài xử phạt đối với những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu để nhằm hạn chế tai nạn và thương vong khi tham gia giao thông.

Hai là, hạn chế hoạt động tiếp thị, quảng cáo đồ uống có nồng độ cồn. Rượu, bia được xem là ngành công nghiệp toàn cầu, đem lại nguồn lợi về kinh tế rất lớn cho các quốc gia xuất khẩu. Vì vậy, cần quản lý chặt chẽ hoạt động tiếp thị, quảng cáo này, đặc biệt là các tiếp thị thông qua truyền hình, đài phát thanh, báo in; các phương tiện truyền thông hiện đại như internet, điện thoại di động; các hoạt động tài trợ và khuyến mãi trực tiếp, bán hàng trưng bày. Thực tế cho thấy, hiện nay, trên các nền tảng thương mại điện tử, như: shoppe, lazada… doanh số bán mặt hàng này tăng lên nhanh chóng trong vài năm trở lại đây, điều này sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho người mua hàng cũng như cho xã hội.

Ba là, triển khai chương trình dịch vụ đồ uống có trách nhiệm. Một thực tế hiện nay ở TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung là những hoạt động như tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rượu, bia; các chính sách, quy định của Nhà nước về rượu, bia thực hiện một cách rời rạc, chưa đi vào chiều sâu và trở thành hoạt động thường niên. Chưa xây dựng được chương trình về dịch vụ đồ uống có trách nhiệm mà mới chỉ dừng lại ở việc nhận thức thành các hoạt động, như: “Uống có trách nhiệm”, “Văn hóa uống rượu, bia” và mới chỉ được tổ chức hội đàm, hội thảo mà chưa có sự tham gia rộng rãi của người dân. Do vậy, cần phải xây dựng chương trình này và triển khai một cách bài bản, thường xuyên đối với các cơ sở kinh doanh đồ uống có cồn, cộng đồng địa phương và người dân, từ đó tạo ra môi trường văn hóa kinh doanh, phục vụ và uống có trách nhiệm.

Bốn là, tăng cường các chương trình giáo dục về tác hại của rượu, bia, đào tạo về dịch vụ đồ uống có trách nhiệm. Các chiến lược liên quan đến giáo dục là một trong những cách tiếp cận bền vững để ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến rượu bia. Các chương trình giáo dục có thể được xây dựng, như: (1) Tác hại của rượu, bia giúp nâng cao kiến thức và thay đổi thái độ đối với rượu, bia; (2) Đào tạo kỹ năng kháng cự và giáo dục chuẩn mực, hành vi nhằm điều chỉnh thái độ, hành vi của nhóm đối tượng thanh thiếu niên; (3) Chương trình đào tạo về dịch vụ uống có trách nhiệm, trong đó có các nội dung như an toàn rượu và khách hàng, an toàn và kinh doanh rượu, nghiện rượu và an toàn cộng đồng, rượu và rủi ro đối với trẻ vị thành niên. Cùng đồng hành với hoạt động giáo dục là hoạt động truyền thông do Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành tiến hành có định kỳ nhằm hỗ trợ việc lan tỏa mạnh mẽ thông điệp dịch vụ uống có trách nhiệm trong toàn xã hội.

6. Kết luận

Tác hại của rượu, bia đến người dân và xã hội là vấn nạn được sự thừa nhận của rất nhiều các quốc gia. TP. Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm kinh tế, tài chính hàng đầu tại Việt Nam, có tỷ lệ người tiêu thụ cồn cao thứ 2 Đông Nam Á. Đây cũng là một trong những lý do mà Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 – 2025. Để hiện thực hóa được mục tiêu kế hoạch đề ra, qua kết quả điều tra khảo sát cho thấy, thành phố cần phải nỗ lực nâng cao nhận thức, định hướng hành vi, thay đổi thói quen sử dụng rượu, bia trong cộng đồng để phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự an ninh xã hội.

Chú thích:
1. Ladeira RM, Malta DC, Neto OL de M, Montenegro M de MS, Filho AMS, Vasconcelos CH, et al. Road traffic accidents: Global Burden of Disease study, Brazil and federated units, 1990 and 2015. Rev Bras Epidemiol. 2017; 20: 157–170. https://doi.org/10.1590/1980-5497201700050013 PMID: 28658380
2. Doanh nghiệp rượu, bia rơi vào vòng xoáy suy giảm. https://nhandan.vn/doanh-nghiep-ruou-bia-roi-vao-vong-xoay-suy-giam-post797082.html
3. Muốn khỏe, chỉ nên uống 1,4 ly bia mỗi ngày.  https://tuoitre.vn/muon-khoe-chi-nen-uong-1-4-ly-bia-moi-ngay-20191216152023585.htm
Tài liệu tham khảo:
1. Hoàng Trọng & Chu N.M. Ngọc (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSSTập 1. NXB Hồng Đức.
2. Anderson P., de Bruijn A., Angus K., Gordon R., Hastings G. Impact of alcohol advertising and media exposure on adolescent alcohol use: a systematic review of longitudinal studies. Alcohol Alcohol 2009; 44: 229 – 43.
3. Andréasson, S., Sjöström, E., & Bränström, R. (2007). A Six-Community Prevention Trial to Reduce Alcohol and Drug Use–Related Problems in Sweden: Planning and Early Findings. Substance Use & Misuse, 42, 2017 – 2027.
4. Babor, T.F., Caetano, R., Casswell, S., Edwards, G., Giesbrecht, N., Graham, K., et al. (2010). Alcohol No Ordinary Commodity, Research and Public Policy (2nd ed.). Oxford, UK: Oxford University Press.
5. Camic, P. M., Rhodes, J. E., & Yardley, L. E. (2003). Qualitative research in psychology: Expanding perspectives in methodology and design. American Psychological Association.
6. Casswell S. Alcohol brands in young peoples’ everyday lives: new developments in marketing.Alcohol Alcohol 2004; 6: 471 – 6.
7. Danaher, B. G., Dresser, J., Shaw, T., Severson, H. H., Tyler, M. S., Maxwell, E. D., & Christiansen, S. M. (2012). Development and process evaluation of a web-based responsible beverage service training program. Substance abuse treatment, prevention, and policy, 7(1), 41.
8. Fell, J. C., Fisher, D. A., Yao, J., McKnight, A. S., Blackman, K. O., & Coleman, H. (2017). Evaluation of responsible beverage service to reduce impaired driving by 21-to 34-yearold drivers (No. DOT HS 812 398). United States. National Highway Traffic Safety Administration.
9. Graham, K., & Homel, R. (2008). Raising the bar: Preventing aggression in and around bars, pubs and clubs. Cullompton, UK: Willan Publishing.
10. Jones, L., Hughes, K., Atkinson, A. M., & Bellis, M. A. (2011). Reducing harm in drinking environments: A systematic review of effective approaches. Health & Place, 17(2), 508- 518.
11. Lacey, J. H., Kelley-Baker, T., Furr-Holden, D., Voas, R. B.,… & Berning, A. (2009). 2007 National Roadside Survey of Alcohol and Drug Use by Drivers: Alcohol Results (Report No. DOT HS 811 248). Washington, DC: National Highway Traffic Safety Administration. Available at https://ntl.bts.gov/lib/31000/31600/31643/811248.pdf.
12. Lee K., Chinnock P. (2006).  Interventions in the alcohol server setting for preventing injuries. Cochrane Database Syst Rev Issue 2. Art. no.: CD005244.pub2. DOI: 10.1002/ 14651858.CD005244.pub2.
13. MMWR: Vital signs: alcohol-impaired driving among adults-United States, 2010. Morb Mortal Wkly Rep 2011, 60:1351 – 1356.
14. Molof, M. J., & Kimball, C. (1994). A study of the implementation and effects of Oregon’s mandatory alcohol server training program. Eugene, OR: Oregon Research Services Inc..
15. Mosher, J. F. (1983). Server intervention: A new approach for preventing drinking-driving.Accident Analysis and Prevention, 15(6), 483-497.
16. Naimi TS, Nelson DE, Brewer RD: Driving after binge drinking. Am J Prev Med 2009, 37:314 – 320.
17. Vagias, W. M. (2006). Likert-type scale response anchors. Clemson international institute for tourism. & Research Development, Department of Parks, Recreation and Tourism Management, Clemson University.
18. Wallin, E., Gripenberg, J., & Andreasson, S. (2002). Too drunk for a beer? A study of overserving in Stockholm. Addiction, 97(7), 901 – 907.