Quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp: Từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng

TS. Trương Thị Thu Hiền
Sinh viên Trần Ngọc Bảo Châu
Sinh viên Nguyễn Thị Hậu
Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng 

(Quanlynhanuoc.vn) – Nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực chính là phát triển giáo dục nghề nghiệp nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Bài viết phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2015 – 2022. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Từ khóa: Quản lý nhà nước; nguồn nhân lực; giáo dục nghề nghiệp, thành phố Đà Nẵng.

1. Đặt vấn đề.

Thành phố Đà Nẵng có diện tích tự nhiên 1.284,7 km², mật độ dân số 969 người/km2, được chia thành 8 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 6 quận, 2 huyện) và 56 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 45 phường và 11 xã). Tính đến ngày 31/12/2023, dân số toàn thành phố là 1.245.200 người, trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 645.600 người, chiếm 51,8%; tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo là 49,7%; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 1,98%; tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động 2,18%1

Trong hơn 27 năm được công nhận là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực miền Trung và Tây Nguyên, luôn gắn liền với mục tiêu xây dựng một thành phố môi trường xanh – sạch – đẹp, phát triển toàn diện và bền vững. Để đạt được mục tiêu này, thành phố đã không ngừng đẩy mạnh công tác giáo dục nghề nghiệp góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và củng cố vị thế vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung và Tây Nguyên.

Đặc biệt, giai đoạn 2015 – 2022, hệ thống giáo dục nghề nghiệp của thành phố được sự lãnh đạo sát sao của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (UBND) và sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, xã hội và sự đồng thuận, hỗ trợ của các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo nên nguồn lực mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển toàn diện và vững chắc của giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố2

Theo đó, hoạt động quản lý nhà nước (QLNN) về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã tạo sự chuyển biến tích cực trong hiểu biết về vai trò, vị trí của hoạt động đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao đời sống và phát triển kinh tế – xã hội, giúp một bộ phận người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia học nghề tạo việc làm và gia tăng thu nhập; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng chú trọng đẩy mạnh chất lượng nguồn nhân lực nhằm phù hợp nhu cầu của thị trường lao động; chương trình đào tạo mới được xây dựng bảo đảm sự cân bằng giữa chất lượng đào tạo và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, hoạt động QLNN về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn còn một số bất cập, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển chưa đồng bộ, chưa chú trọng phát triển chiều sâu. 

2. Kết quả đạt được trong quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2015 – 2022

Về công tác triển khai thi hành pháp luật giáo dục nghề nghiệp. Với vai trò là cơ quan chuyên môn giúp việc trong công tác QLNN về giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng đã tham mưu với Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND thành phố ban hành các nghị quyết, quyết định, kế hoạch để tổ chức thực hiện. Nhờ đó, đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở; lồng ghép các nguồn lực để tổ chức thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố. Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp được lồng ghép tổ chức. Các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, doanh nghiệp được nắm bắt kịp thời thông qua việc tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, các sở, ban, ngành và các địa phương3.

Về xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển và hệ thống thông tin dữ liệu về giáo dục nghề nghiệp. Trên cơ sở Luật Giáo dục nghề nghiệp và các hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu về giáo dục nghề nghiệp được triển khai theo Quyết định số 3876/QĐ-UBND ngày 30/8/2019 của UBND thành phố Đà Nẵng, cụ thể hóa Quyết định số 1950/QĐ-UBND ngày 03/5/2019 về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030”.

Về công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu đào tạo đáp ứng thị trường lao động. Từ năm 2021, việc thu thập và cập nhật thông tin về tình hình tuyển dụng, nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố được Sở Lao động – Thương bình và Xã hội cập nhật vào phần mềm kết nối giải quyết việc làm. Nhờ đó, đã kịp thời cung cấp cơ sở dữ liệu cung – cầu lao động, giúp tăng cường năng lực dự báo nguồn nhân lực cung ứng cho thị trường lao động theo Đề án “Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động” ban hành theo Quyết định số 4018/QĐ-UBND ngày 23/10/2020 của UBND thành phố Đà Nẵng.

Công tác chuyển giao và phối hợp thực hiện trách nhiệm QLNN về giáo dục nghề nghiệp. Từ năm 2016, nhiệm vụ QLNN đối với các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp được chuyển giao từ Sở Giáo dục và Đào tạo về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 03/9/2016 của Chính phủ. Đến tháng 3/2017, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã hoàn thành trước hạn việc bàn giao 15 trường cao đẳng và 2 trường trung cấp sang Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố quản lý. 

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố đã tiến hành khảo sát mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, qua đó, đánh giá được trình độ chuyên môn, trình độ kỹ năng nghề của đội ngũ nhà giáo. Sở đã tham mưu UBND thành phố phê duyệt kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng giai đoạn 2017 – 2019; rà soát đánh giá lại chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, từ đó, đưa ra các giải pháp sửa đổi, bổ sung chương trình, giáo trình và bổ sung trang thiết bị đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp; tham mưu văn bản trình UBND thành phố phê duyệt Đề án đầu tư và phát triển Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng thành trường chất lượng cao đến năm 2022 và điều chỉnh quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018 – 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Về công tác theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố đã hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chế độ, chính sách về giáo dục nghề nghiệp đối với các đối tượng liên quan. Đã tổ chức công tác kiểm tra định kỳ hằng năm tình hình thực hiện pháp luật về giáo dục nghề nghiệp. Giai đoạn 2015 – 2022, Sở Lao động-  Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố tiến hành 52 lượt kiểm tra (15 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 18 trung tâm và 15 cơ sở đào tạo khác); Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiến hành 3 đợt thanh tra tại 3 trường cao đẳng.

Trong giai đoạn 2015 – 2022, công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã đạt được thành tựu nhất định, tuy nhiên, công tác QLNN về giáo dục nghề nghiệp còn một số bất cập sau:

Một là, việc cập nhật ngành nghề đào tạo đáp ứng tiềm năng, thế mạnh của địa phương và nhu cầu thực tế của thị trường lao động chưa kịp thời, dẫn đến đến sản phẩm đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu xã hội, học viên ra trường không tìm được việc làm. Tổng kinh phí chi cho giáo dục nghề nghiệp của thành phố giai đoạn 2015 – 2021 là 298,209 tỷ đồng (chi thường xuyên là 219,913 tỷ đồng, chi chương trình mục tiêu là 42,215 tỷ đồng và chi xây dựng cơ bản là 36,081 tỷ đồng), trong đó, các ngành nghề trọng điểm phục vụ cho sự phát triển của vùng, của thành phố chưa được đầu tư thỏa đáng.

Hai là, hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Số lượng dự án đầu tư từ nguồn xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn thấp do nguồn kinh phí đầu tư lớn nhưng khả năng thu hồi vốn chậm, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư.

Ba là, công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đã được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức nhưng vẫn chưa đủ mạnh để tác động tích cực nhận thức của người dân do tâm lý xã hội vẫn còn coi trọng bằng cấp. Điều này làm cho số lượng tuyển sinh thấp hơn nhiều so với quy mô tuyển sinh (xem bảng 1).

Bảng 1. Quy mô tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp từ năm 2015 – 2022

NămQuy mô tuyển sinhKết quả tuyển sinhTỷ lệ tuyển sinhso với quy mô (%)
201524.26514.45259,56
201623.94018.95479,17
201726.39516.60362,90
201826.51422.91786,43
201921.35114.45167,68
202022.78410.35045,43
202124.0898.05133,42
202224.1442.47410.25
Nguồn: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng năm 2022.

Bốn là, chưa tạo ra sự gắn kết đồng bộ, thiếu sự kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tính đến ngày 31/3/2022, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp của Đà Nẵng có 18 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 4 trung tâm dạy nghề và 34 cơ sở đào tạo khác. Tuy nhiên, việc tăng cường liên kết, hợp tác phát triển giáo dục nghề nghiệp trong toàn mạng lưới chưa được đẩy mạnh, thiếu sự gắn kết trong tất cả các khâu. 

Năm là, hợp tác quốc tế trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự mang lại hiệu quả. Chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động quốc tế do học viên tốt nghiệp còn yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm, như: tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm, kỹ năng khởi nghiệp. Sự chủ động của học viên trong việc tự tìm kiếm việc làm và tự tạo việc làm còn hạn chế, kỹ năng tay nghề nhìn chung còn yếu; ý thức và tác phong làm việc chưa đáp ứng được yêu cầu của môi trường sản xuất công nghiệp hiện đại.

3. Một số giải pháp hoàn thiện hoạt động quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Thứ nhất, thành phố Đà Nẵng cần làm tốt hơn công tác quy hoạch ngành nghề đào tạo gắn nhu cầu thị trường lao động, xác định các ngành nghề đào tạo phù hợp với tiềm năng địa phương và nhu cầu thị trường lao động. Trước hết, cần phân tích và dự báo nhu cầu lao động để xây dựng một cơ chế thu thập và phân tích dữ liệu thị trường lao động thường xuyên, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và các cơ quan quản lý lao động để xác định những ngành nghề có tiềm năng phát triển, từ đó, sẽ giúp cập nhật các ngành nghề đào tạo kịp thời và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. 

Cần xây dựng các hội đồng tư vấn ngành nghề, gồm: đại diện từ các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, chuyên gia và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để liên tục rà soát, đánh giá và điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, nhà tuyển dụng trong thiết kế chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình thiết kế chương trình đào tạo và cung cấp thực tập sinh để bảo đảm sinh viên ra trường có kỹ năng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Thứ hai, thành phố Đà Nẵng cần chú trọng thúc đẩy hoạt động xã hội hóa trong giáo dục nghề nghiệp. Một mặt, cần tăng cường các chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi của chính quyền thành phố để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, xem xét triển khai các chính sách ưu đãi tài chính, miễn giảm thuế cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; đồng thời, cung cấp các gói hỗ trợ tài chính cho các dự án xã hội hóa nhằm giảm rủi ro và tăng cường tính khả thi của dự án. Mặt khác, cần xây dựng mô hình hợp tác công – tư trong các dự án giáo dục nghề nghiệp. Đây là mô hình chính quyền hỗ trợ cơ sở hạ tầng và một phần chi phí đầu tư ban đầu, trong khi khu vực tư nhân đảm nhiệm quản lý và vận hành. Ngoài ra, cần tăng cường quảng bá về vai trò của giáo dục nghề nghiệp, tiềm năng lợi nhuận và những thành công của các dự án đã thực hiện trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để thu hút thêm các nhà đầu tư.

Thứ ba, chính quyền thành phố cũng như các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền. Bên cạnh việc tiếp tục duy trì, phát huy các kênh truyền thông hiện có, cần đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông đa kênh thông qua các giải pháp như đồng bộ thông tin tuyển sinh về giáo dục nghề nghiệp trong toàn mạng lưới giúp người dân tiếp cận thông tin này một cách toàn diện, không còn tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, ít tạo sự tin tưởng như hiện tại. Tăng cường sử dụng truyền thông số, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông hiện đại để quảng bá về giáo dục nghề nghiệp, trong đó, nội dung cần nhấn mạnh đến cơ hội việc làm, thu nhập và tiềm năng phát triển nghề nghiệp đối với những người tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp. Cần hợp tác với các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông để tổ chức các buổi tư vấn nghề nghiệp trực tiếp và giúp học sinh hiểu rõ hơn về những lợi ích của giáo dục nghề nghiệp.

Thứ tư, tăng cường liên kết và hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cần hình thành các nhóm hợp tác hoặc mạng lưới liên kết giữa các cơ sở đào tạo để chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm và chương trình đào tạo thông qua các biên bản làm việc, biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các đơn vị trên cơ sở song phương, đa phương. Điều này giúp tối ưu hóa việc sử dụng cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể cùng nhau thực hiện các nghiên cứu, đổi mới và phát triển các phương pháp giảng dạy hiện đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động. Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp trong việc đào tạo thực hành và xây dựng các chương trình đào tạo gắn liền với thực tế doanh nghiệp, giúp bảo đảm học viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ngay.

Thứ năm, thúc đẩy hợp tác quốc tếChính quyền thành phố và các cơ sở giáo dục nghề nghiệptrong mạng lưới giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cần ký kết các thỏa thuận hợp tác với các trường nghề uy tín từ các nước phát triển để xây dựng các chương trình liên kết đào tạo quốc tế. Cần tăng cường đầu tư vào các khóa đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng mềm cho học viên ngay từ khi nhập học, giúp họ có thể tự tin làm việc trong các môi trường quốc tế và đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng nước ngoài. Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như UNESCO, ILO, hoặc các tổ chức từ các quốc gia có hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển để tiếp nhận các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo giáo viên và tài liệu giảng dạy.

Chú thích:
1. Tổng cục Thống kê (2023). Niên giám thống kê năm 2023. H. NXB Thống kê. 
2, 3. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng (2022). Báo cáo sơ kết thi hành chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2014). Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014.
2. Thành ủy Đà Nẵng (2018). Chương trình hành động số 17-Ctr/TU ngày 31/01/2018 thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Thành ủy Đà Nẵng (2020). Chương trình số 45-CTr/TU ngày 25/02/2020 về việc thực hiện chuyên đề “Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố”
4. Tổng cục Dạy nghề (2017). Công văn số 205/LĐTBXH-TCDN ngày 18/01/2017 về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung về giáo dục nghề nghiệp.
5. Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (2015). Quyết định số 9436/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch mạng lưới GDNN thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
6. Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (2016). Quyết định số 31/2016/QĐ-UBND ngày 10/10/2016 ban hành quy định chính sách hỗ trợ học nghề đối với lao động chính sách, xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
7. Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (2018). Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 16/01/2018 ban hành quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
8. Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (2019). Quyết định số 2971/QĐ-UBND ngày 08/7/2019 về việc ban hành “Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
9. Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (2019). Kế hoạch 7048/KH-UBND ngày 17/10/2019 về thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019 – 2025” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
10. Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (2020), Kế hoạch số 2809/KH-UBND ngày 29/4/2020 về việc thực hiện Chương trình số 45-CTr/TU ngày 25/02/2020 về việc thực hiện Chuyên đề “Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố”.
11. Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (2021). Quyết định số 35/2021/QĐ-UBND ngày 17/11/2021 về việc ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đào tạo trình độ sơ cấp áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
12. Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (2022). Kế hoạch 168/KH-UBND ngày 21/9/2022 về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.