(Quanlynhanuoc.vn) – Chiều ngày 16/10/2024 tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia phối hợp với Đại học INHA và Đại học Sunmoon, Hàn Quốc tổ chức Hội thảo: “Nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu và làm việc trong môi trường quốc tế cho viên chức, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các Phân hiệu Học viện tại: TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Quảng Nam. PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện; GS. Youngsoon Kim, Đại học INHA, Hàn Quốc đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo về phía khách mời quốc tế, có: GS. Daeyeon Jin, Đại học Sunmoon, Hàn Quốc; TS. Soan Choi, Đại học INHA, Hàn Quốc; TS. Phạm Thanh Thảo, giảng viên, chuyên gia tư vấn cao cấp Cộng hòa Pháp; ông Olivier Lefevre, chuyên gia Vương quốc Bỉ.
Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có các Phó Giám đốc Học viện: TS. Nguyễn Đăng Quế, PGS. TS. Lương Thanh Cường, PGS. TS. Nguyễn Quốc Sửu; đại diện lãnh đạo, cán bộ, viên chức giảng viên các khoa, ban, đơn vị, Phân hiệu thuộc và trực thuộc Học viện cùng tham dự Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện cho biết, để phát huy tính tích cực và chủ động hội nhập quốc tế của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 19/5/2018 Hội nghị lần Bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) đã xác định các mục tiêu, yêu cầu, lộ trình cụ thể về năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các cấp. Đây là một thách thức rất lớn đối với các chủ thể quản lý và cán bộ, công chức, viên chức. Đòi hỏi các cấp, các ngành phải xây dựng kế hoạch phát triển năng lực hội nhập quốc tế cho cán bộ công chức trong cơ quan, đơn vị. Trên tinh thần đó, ngày 01/10/2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 689/QĐ-BNV về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Học viện Hành chính Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045, theo đó xác định mục tiêu xây dựng và phát triển Học viện Hành chính Quốc gia trở thành trung tâm quốc gia ngang tầm khu vực châu Á – Thái Bình Dương về đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách về hành chính, lãnh đạo, quản lý.
Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia quốc tế có uy tín với nhiều trải nghiệm thực tiễn phong phú về làm việc trong môi trường quốc tế chia sẻ, cùng thảo luận làm rõ các nội dung về: (1) Bối cảnh hội nhập quốc tế, các xu hướng lớn trên thế giới và yêu cầu nâng cao năng lực hội nhập, làm việc trong môi trường quốc tế của công chức, viên chức nói chung, viên chức, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia nói riêng. (2) Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển năng lực làm việc trong môi trường quốc tế đa văn hóa. (3) Chiến lược phát triển Học viện Hành chính Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và yêu cầu nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy và làm việc trong môi trường quốc tế của viên chức, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia. (4) Thảo luận về giải pháp phát triển năng lực giảng dạy, nghiên cứu và làm việc trong môi trường quốc tế cho viên chức, giảng viên Học viện, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu chiến lược của Học viện.
Với tham luận: “Phát triển năng lực làm việc trong môi trường quốc tế đa văn hóa: kinh nghiệm của Hàn Quốc”, GS. Youngsoon Kim đã chia sẻ về phát triển kỹ năng cùng chung sống và kỹ năng liên văn hóa trong một xã hội đa văn hóa, gồm: bản sắc của xã hội đa văn hóa và nhân văn; thiết lập xã hội nhân văn đa văn hóa và định hướng thực hành. Theo đó, chúng ta có thể hiểu bản thân con người là chủ thể tạo ra văn hóa, một xã hội bền vững trước hết phải tạo ra con người bền vững. Trong đó, giáo dục con người là quan trọng nhất, giáo dục từ gia đình, nhà trường, xã hội và học hỏi trên môi trường quốc tế, từ đó, phát triển giáo dục bền vững nhằm hướng tới phát triển xã hội bền vững. Ông cho rằng, mọi công dân phải có 3 năng lực cốt lõi, gồm: khả năng tự học hỏi, tìm hiểu trong xã hội sự phát triển đa văn hóa là cần thiết; năng lực đồng cảm, sự chia sẻ; năng lực khám phá thực hành trong môi trường đa văn hóa.
Tại Hội thảo, TS. Phạm Thanh Thảo và ông Olivier Lefevre cùng chia sẻ về bối cảnh hội nhập quốc tế, các xu hướng lớn trên thế giới và tác động đối với yêu cầu nâng cao năng lực hội nhập và làm việc trong môi trường quốc tế đối với công chức, viên chức. Hiện nay, trong bối cảnh thế giới đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu; đại dịch; những thách thức trong lĩnh vực chuyển đổi số, tự động hóa trong cung cấp dịch vụ; sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng tăng thì vai trò của hợp tác và các tổ chức quốc tế ngày càng trở nên quan trọng.
Bên cạnh đó, sự khác biệt về văn hóa, rào cản về ngôn ngữ và định kiến gây ra sự hiểu lầm trong giao tiếp; quá trình đào tạo, sự trải nghiệm khác nhau dẫn đến môi trường làm việc khác biệt đã tác động đến môi trường làm việc quốc tế, đây chính là lý do vì sao việc nắm vững các kỹ năng và có năng lực cốt lõi để làm việc trong môi trường quốc tế lại trở nên vô cùng quan trọng. Đó là trí thông minh văn hóa về sự hiểu biết các chuẩn mực văn hóa khác nhau; có khả năng giao tiếp với nhiều nền văn hóa; có chiến lược, kỹ năng ngoại giao, đàm phán nhằm quản lý quan hệ đối tác quốc tế; khả năng thích ứng linh hoạt để ứng phó với các xu hướng toàn cầu. Hiện nay, có 8 xu hướng chính tác động đến yêu cầu nâng cao năng lực hội nhập và làm việc trong môi trường quốc tế đối với công chức, viên chức: thách thức toàn cầu hóa đối với công chức; thích ứng với kỷ nguyên số; biến đổi khí hậu và tính bền vững; AI và dịch tự động; chủ nghĩa liên văn hóa; sự thay đổi quyền lực toàn cầu với sự trỗi dậy của châu Á, các nền kinh tế mới nổi; xung đột gia tăng; thế giới đa cực.
TS. Phạm Thanh Thảo đưa ra một số lời khuyên để hiểu biết văn hóa tốt hơn, như: cần chú ý kỹ đến những gì người khác nói, đặt câu hỏi để làm rõ và tìm hiểu thêm, thể hiện rằng bạn thực sự quan tâm, đối xử tôn trọng với mọi người bất kể xuất thân của họ, tránh phán xét và định kiến, luôn tiếp thu những ý tưởng và quan điểm mới, sẵn sàng xem xét những cách làm mới và thừa nhận rằng có nhiều cách tiếp cận hiệu quả cho một tình huống nào đó. Đồng thời, Bà cho rằng, đa dạng văn hóa là tài sản lớn nhất của con người trong giải quyết các thách thức toàn cầu, vì vậy, chúng ta phải cùng hợp tác và tạo ra tác động tích cực trong môi trường quốc tế.
Hội thảo đã được nghe những giải đáp cụ thể của các chuyên gia cho những câu hỏi, ý kiến về các nội dung, như: các chuyên gia có thể chia sẻ quan điểm xử lý các xu hướng tác động đến yêu cầu nâng cao năng lực hội nhập và làm việc trong môi trường quốc tế đối với công chức, viên chức; trí thông minh văn hóa cần được giải thích cụ thể như thế nào và làm thế nào để có trí thông minh văn hóa; kinh nghiệm làm việc của người châu Á với người châu Âu.
Kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến chia sẻ, Học viện đã tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế đa phương và song phương trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu về hành chính nhà nước, là thành viên cấp Nhà nước của Tổ chức Hành chính miền Đông Thế giới (EROPA), Hiệp hội Quốc tế các trường và Viện Hành chính (IASIA), Nhóm Hành chính công châu Á (AGPA)… Ngoài ra, Học viện có quan hệ hợp tác đa phương và song phương với nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam, như: UNDP, JICA (Nhật Bản), KOICA (Hàn Quốc), DANIDA (Đan Mạch), WUS (Cộng hòa Liên bang Đức),… Học viện thiết lập quan hệ hợp tác với khoảng 50 cơ sở đào tạo và nghiên cứu hành chính có uy tín trên thế giới và với các tổ chức quốc tế và khu vực, đã ký thoả thuận hợp tác với gần 20 cơ sở nghiên cứu và đào tạo hành chính các nước.
Trong môi trường hội nhập đa văn hóa hiện nay, Học viện phấn đấu trở thành trung tâm quốc gia có uy tín ngang tầm khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nhân lực chất lượng cao trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ theo định hướng nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới sáng tạo; về nghiên cứu khoa học, kiến tạo tri thức, tư vấn chính sách về hành chính, lãnh đạo, quản lý, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước. Để làm được điều này bản thân mỗi cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên cần nỗ lực hơn, quyết liệt hơn để ngôn ngữ không còn là rào cản trong môi trường làm việc quốc tế.
PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến cảm ơn các chuyên gia quốc tế đã dành thời gian tham dự và chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm quý báu tại hội thảo. Học viện rất mong sẽ tiếp tục đồng hành cùng các chuyên gia trong các hoạt động hợp tác quốc tế nói chung và trong quá trình nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế cho viên chức, giảng viên Học viên nói riêng, góp phần tích cực vào quá trình thực hiện mục tiêu chiến lược của Học viện.
Hoàng Thị Hậu – Trần Xuân Phú