Các chiều cạnh văn hoá của mô hình Hofstede ở UAE và một số khuyến nghị cho doanh nghiệp du lịch Việt Nam


ThS. Nguyễn Thúy Anh
PGS.TS. Lê Phước Minh
Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) Trong nghiên cứu các khả năng hợp tác quốc tế giữa các quốc gia, nhất là khả năng phát triển ngành Du lịch, thu hút du khách đến từ một quốc gia thì bức tranh tổng thể, chính xác về văn hóa đa chiều cạnh có ý nghĩa quan trọng để các doanh nghiệp du lịch tham chiếu, vận dụng. Trên cơ sở các khía cạnh văn hoá của mô hình Hostede ở UAE, tác giả bài viết đề xuất một số khuyến nghị cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam hiện nay. 

Từ khoá: Mô hình Hofstede; du lịch; UAE; Việt Nam; văn hóa; doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Sự hiểu biết về văn hóa các quốc gia là rất quan trọng để thiết lập các chính sách tốt hơn, hiểu hành vi cá nhân và nhóm cũng như xây dựng các mối quan hệ quốc tế hiệu quả trong các lĩnh vực khác nhau, từ chính trị, kinh tế đến đời sống cá nhân, đặc biệt đối với ngành Du lịch. Tuy nhiên, văn hóa là một hiện tượng rộng lớn, do đó, để giúp nghiên cứu và hiểu dễ dàng hơn, Hofstede đã phát triển một mô hình bao gồm một số khía cạnh văn hóa. Đặc điểm chính của mô hình Hofstede là xem văn hóa qua lăng kính khác biệt giữa các quốc gia khác nhau. Mặc dù còn có một số hạn chế như một số học giả đã chỉ ra, tuy nhiên mô hình này là một mô hình nghiên cứu được vận dụng nhiều trong các nghiên đặc trưng văn hóa, con người của một quốc gia, vùng lãnh thổ, hay của môt tổ chức, cá nhân. Mô hình này đã được vận dụng nhiều trong nghiên cứu các khả năng hợp tác quốc tế giữa các quốc gia, nhất là khả năng phát triển ngành Du lịch, thu hút du khách từ quốc gia này đến một quốc gia khác. 

2. Tiềm năng và cơ hội hợp tác phát triển du lịch giữa Việt Nam và UAE

Du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian gần đây nhờ sự phát triển vượt bậc của hệ thống giao thông vận tải cũng như mạng lưới công nghệ thông tin toàn cầu. Cụ thể, du lịch mang lại nguồn tài chính khổng lồ cho nhiều quốc gia trên thế giới, đi đôi với việc tạo ra nhiều việc làm, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, cơ sở hạ tầng, thúc đẩy hòa bình và giao lưu văn hóa, từ đó, tạo ra những giá trị vô hình nhưng bền chặt. Điều này dẫn đến tính cạnh tranh giữa các điểm đến ngày càng gay gắt và khách du lịch có quyền lựa chọn điểm đến mà họ yêu thích. Vì thế, các nhà quản lý và điều hành du lịch và điểm đến cần không ngừng nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn điểm đến của khách du lịch nhằm đưa ra những chiến lược phù hợp nhằm thu hút khách du lịch đến với điểm đến mà nhà quản lý và điều hành du lịch mong đợi.

Nhằm triển khai cụ thể Chỉ thị số 15/CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về đẩy mạnh công tác Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, ngày 15/12/2022, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị “Hợp tác du lịch Việt Nam và các quốc gia vùng Vịnh (GCC): tiềm năng và Triển vọng” với mục đích tìm kiếm biện pháp nâng cao hiệu quả hợp tác du lịch và đầu tư trong lĩnh vực du lịch giữa Việt Nam và các nước GCC, bao gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia, và UAE. Các ý kiến thảo luận thống nhất nhận định về tiềm năng thúc đẩy hợp tác du lịch giữa Việt Nam và các nước GCC, trong đó nhất là các nước như UAE (Dubai), Qatar, và Saudi Arabia. Tuy nhiên, lượng khách du lịch từ khu vực GCC đến Việt Nam thời gian qua còn rất hạn chế. Trong tổng số 18 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019, khu vực GCC chỉ chiếm một con số rất khiêm tốn là 1,8%1.

Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là một Liên bang gồm 7 vương quốc tự trị được độc lập năm 1971 từ sự đô hộ của Anh quốc. Là một Liên bang phát triển rất nhanh với dân số trẻ. UAE là nơi có trữ lượng dầu lửa và khí tự nhiên đứng thứ 7 trên thế giới và là quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất tại khu vực Trung Đông. UAE là một nước có nền kinh tế phát triển đa dạng với hạ tầng cơ sở hiện đại và chính sách đầu tư cởi mở. Trong những năm gần đây, phát triển kinh tế của UAE đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, UAE đứng thứ 16/190 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và đứng thứ 2 trong các nền kinh tế Ả-rập, thậm chí cao hơn một số quốc gia tại châu Âu và châu Á2

UAE nằm trong trong số ít quốc gia hàng đầu thế giới có chất lượng cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại, đứng thứ ba thế giới về chỉ số ứng dụng công nghệ trong phát triển của Chính phủ. UAE nằm trong nhóm 20 quốc gia đứng đầu thế giới về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Hiện nay, UAE được đánh giá là điểm đến lý tưởng cho các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và lao động việc làm3

Với đặc điểm phát triển kinh tế, vị trí địa lí thuận lợi và cơ sở hạ tầng đồng bộ hiện đại, UAE được xem là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Đông và châu Phi trong những năm tới. 80% hàng hóa nhập khẩu vào UAE để tái xuất sang nước thứ 3. Ngoài ra, với việc bình thường hóa quan hệ giữa UAE và một số nước Trung Đông như Qatar, Israel, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường UAE sẽ có thêm nhiều cơ hội để tái xuất hàng hóa sang các thị trường này4.

Nền văn hóa UAE có nhiều đặc thù, nên bên cạnh tìm hiểu các thông tin chung về đối tác để phát triển hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm hiểu những vấn đề thuộc về đất nước, con người, văn hoá để có thể thúc đẩy hợp tác, nhất là phát triển du lịch, thu hút người du lich UAE đến Việt Nam.

UAE là một trong các quốc gia vùng Vịnh (GCC) nơi có rất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, là điểm đến du lịch nổi tiếng thế giới. Việt Nam là một trong các quốc gia hàng đầu Đông Nam Á trong tăng trưởng và phát triển kinh tế, trong đó ngành du lịch có đóng góp đáng kể trong tăng trưởng kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, hợp tác du lịch giữa Việt Nam với UAE đang được hai bên đánh giá dưới tiềm năng, lợi thế, kỳ vọng của hai bên. Do vậy, việc dựa trên các mô hình nghiên cứu hợp tác du lịch để chỉ ra các nhân tố tác động, nhất là các rào cản, đánh giá các thuận lợi, khó khăn, nhằm đề xuất một số biện pháp tăng cường hợp tác du lịch giữa hai quốc gia tương xứng với lợi thế, tiềm năng và kỳ vọng phát triển hợp tác du lịch giữa Việt Nam và UAE đến năm 2030. Trên cơ sở đó, thúc đẩy hợp tác với các nước GCC nói chung. 

UAE là cửa ngõ giao thương và du lịch quan trọng trong khu vực và thế giới, hàng năm tiếp đón hàng chục triệu lượt du khách quốc tế, chỉ riêng trước khi xảy ra đại dịch, hàng năm UAE đón tiếp hơn 40 nghìn du khách Việt Nam, thông qua các chuyến bay trực tiếp hàng ngày của Emirates Airlines kết nối thành phố Hà Nội – Dubai và TP. Hồ Chí Minh – Dubai, cũng như giúp đưa hành khách của Emirates Airlines từ vùng Vịnh, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi tới thăm các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam được UNESCO xem là những di sản văn hóa thế giới. Việt Nam và UAE đang tiến tới ký kết hiệp định hợp tác du lịch giữa Việt Nam và UAE nhằm thúc đẩy hơn nữa tiềm năng hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới, đáp ứng nhu cầu và lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước.

Đặc điểm về dân số, năm 2022, dân số UAE là 9,441 triệu người, trong đó người nước ngoài và người nhập cư chiếm 88,52% dân số của UAE. Năm quốc tịch đông dân nhất của UAE là Ấn độ (chiếm 11%), Pakistan (chiếm 10%), dân bản địa (chiếm 40%), Banglades (chiếm 7%), Philippine (chiếm 6%). Người nước ngoài từ châu Âu, Australia, Bắc Mỹ và châu Mỹ Latinh là khoảng 500.000 người. Hơn 100.000 người quốc tịch Anh sống ở quốc gia này. Phần còn lại là dân số đến từ các quốc gia Ả rập và một số quốc gia châu Á khác, trong đó có Việt Nam. Ngôn ngữ chính thức của UAE là tiếng Ả rập5.

Đặc điểm về văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng, phần lớn người dân UAE theo đạo Hồi, chủ yếu là nhánh Sunni. Văn hóa của quốc gia này chủ yếu chịu ảnh hưởng chính bởi văn hóa Ả rập, và có ảnh hưởng bởi văn hóaBa Tư, Ấn độ và Đông Phi. Việc nghiên cứu tìm hiểu về các khía cạnh đất nước, văn hóa, con người, tôn giáo, tín ngưỡng, … đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại, đầu tư, nhất là đối với ngành Du lịch. 

3. Các chiều cạnh văn hóa của mô hình Hofstede

Lý thuyết “Các chiều cạnh văn hóa” được trình bày vào năm 1980 bởi nhà tâm lý học xã hội người Hà Lan – Geert Hofstede (1928 – 2020). Năm 1965, với sự thành lập trung tâm nghiên cứu nhân sự International Business Machines Europe, Geert Hofstede đã bắt tay nghiên cứu, khảo sát quy mô lớn về sự khác biệt giá trị dân tộc tại các công ty con trên toàn thế giới thuộc tập đoàn đa quốc gia IBM. Trên cơ sở phân tích các dữ liệu thực tế trong quá trình tuyển dụng nhân viên cho IBM, Hofstede đã trình bày lý thuyết các chiều cạnh văn hóa của mình, giải thích sự khác biệt giữa các nền văn hóa và khái quát sự ảnh hưởng của văn hóa, xã hội tới các thành viên xã hội6

Lý thuyết các chiều cạnh văn hóa của Geert Hofstede đề cập đến những nội dung cơ bản, thể hiện trong mô hình sau (hình 1):

Mô hình Hofstede bao gồm năm chiều cạnh văn hóa: (1) Khoảng cách quyền lực, (2) Né tránh sự không chắc chắn, (3) Chủ nghĩa cá nhân so với chủ nghĩa tập thể, (4) Nam tính so với nữ tính và (5) Định hướng dài hạn so với ngắn hạn. Những khía cạnh này thể hiện các khía cạnh cụ thể của văn hóa quốc gia có thể được đo lường bằng cách so sánh các quốc gia với nhau (Zainuddin và cộng sự, 2018). Khoảng cách quyền lực đề cập đến việc mọi người sẵn sàng chấp nhận sự bất bình đẳng trong phân bổ quyền lực. Việc tránh né sự không chắc chắn quyết định liệu các cá nhân có chấp nhận được sự mơ hồ và rủi ro hay không. Khía cạnh của chủ nghĩa cá nhân đánh giá mức độ con người hòa nhập và phụ thuộc vào các nhóm. Nam tính và nữ tính có liên quan đến các đặc điểm văn hóa nổi trội và đánh giá xem chúng mang tính điển hình của nam hay điển hình của nữ. Cuối cùng, định hướng dài hạn quyết định liệu một quốc gia có định hướng tương lai hay tập trung vào quá khứ và hiện tại.

4. Mô hình Hofstede ở UAE

Kết quả nghiên cứu được công bố trên Premium Papers về các chiều cạnh văn hoá của mô hình Hofstede ở UAE năm 2023 được thể hiện cụ thể ở bảng sau7:

Các chiều cạnh văn hóa của Mô hình Hofstede ở UAE được thể hiện dưới các đặc trưng sau:

Thứ nhất, khoảng cách quyền lực (Power Distance)

Vì UAE đạt điểm cao về khía cạnh khoảng cách quyền lực (90), điều đó có nghĩa là xã hội UAE sẵn sàng chấp nhận sự bất bình đẳng trong phân bổ quyền lực. Một đặc điểm đặc trưng của các quốc gia có chỉ số khoảng cách quyền lực cao là hệ thống phân cấp và đặc quyền được thiết lập rõ ràng dành cho người nắm quyền (Almutairi, Heller và Yen, 2021). Tại UAE, nhiều công ty có hệ thống phân cấp theo chiều dọc rõ ràng. Các nhà lãnh đạo được tôn trọng và cấp dưới phải tuân theo chỉ thị của họ mà không thắc mắc. Trong nghiên cứu của họ, Gaweesh và Al Haid (2018) nhận thấy rằng văn hóa UAE được người nước ngoài coi là có khoảng cách quyền lực cao vì có sự khác biệt đáng kể về quyền và cơ hội của người dân UAE, nhưng họ chấp nhận những bất bình đẳng này. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu đề cập rằng, trong các tổ chức của UAE, các nhà lãnh đạo thích phong cách lãnh đạo chuyên quyền và cấp dưới mong đợi được cung cấp những chỉ dẫn rõ ràng (Gaweesh và Al Haid, 2018).

Sự phân bổ quyền lực cũng không đồng đều trong các gia đình ở UAE. Nghiên cứu của Alhadhrami, Goby và Al-Ansaari (2018) lưu ý rằng phụ nữ ở UAE thường dựa vào chồng trong việc đưa ra những quyết định quan trọng. Nó ngụ ý rằng người chồng được coi là chủ gia đình, được trao quyền hành đáng kể. Dựa trên bằng chứng này, người ta có thể kết luận rằng xã hội UAE thực sự được đặc trưng bởi khoảng cách quyền lực cao.

Thứ hai, né tránh sự không chắc chắn (Uncertainty Avoidance)

Vì chỉ số né tránh sự không chắc chắn của UAE là 80, điều đó có nghĩa là xã hội của nước này không khoan dung với sự mơ hồ. Các quốc gia cố gắng né tránh sự không chắc chắn có đặc điểm là có các quy tắc và quy định nghiêm ngặt cần thiết để bảo vệ người dân trước những tình huống bất ngờ trong tương lai (Zainuddin và cộng sự, 2018). Ở UAE, một cách để giải quyết sự mơ hồ là tôn trọng đạo Hồi. Tôn giáo này quy định nhiều khía cạnh của xã hội UAE, chẳng hạn như mối quan hệ gia đình, đời sống kinh tế và trách nhiệm đối với cộng đồng. Một ví dụ về cách người Hồi giáo làm giảm sự bất ổn là nó bắt buộc những người Hồi giáo giàu có phải đóng zakat – số tiền cần thiết để giúp đỡ người nghèo. Cách làm này giúp loại bỏ sự mơ hồ liên quan đến việc liệu người giàu có nên hỗ trợ những người gặp khó khăn hay không. Luật pháp và quy định ở UAE cũng rất nghiêm ngặt và nhằm giải quyết nhiều tình huống có thể phát sinh trong tương lai. Chẳng hạn, thậm chí còn có luật quy định rõ người chồng có được cấm vợ đi làm hay không (Alhadhrami, Goby và Al-Ansaari, 2018). Vì văn hóa của UAE được điều chỉnh bởi nhiều luật lệ, nghi lễ và quy tắc nghiêm ngặt nên người ta có thể kết luận rằng nó thực sự không khoan dung trước sự không chắc chắn.

Thứ ba, chủ nghĩa cá nhân hay chủ nghĩa tập thể (Individualism vs Collectivism)

UAE có chỉ số chủ nghĩa cá nhân là 25, điều này ngụ ý rằng, văn hóa của nước này mang tính tập thể. Chủ nghĩa tập thể được đặc trưng bởi ý thức về “chúng ta” và mối quan hệ xã hội bền chặt giữa con người với nhau (Zainuddin và cộng sự, 2018). Văn hóa của UAE thực sự mang tính tập thể hơn là chủ nghĩa cá nhân vì nó rất chú trọng đến mối quan hệ giữa các cá nhân. Đặc biệt, người dân UAE rất coi trọng gia đình và có trách nhiệm với người thân. Trong xã hội UAE, nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ của mọi người vẫn tiếp tục ngay cả sau khi họ kết hôn và có con riêng. Nghiên cứu của Facchini, Jaeck và Bouhaddioui (2021) cũng cho thấy rằng người dân UAE coi trọng sự thành công của gia đình hơn thành tích của bản thân, đây là một dấu hiệu mạnh mẽ của văn hóa tập thể. Ngoài ra, ở UAE, tình trạng gia đình mở rộng là phổ biến, nghĩa là nhiều thế hệ thường sống chung dưới một mái nhà. Tầm quan trọng của các mối quan hệ xã hội vượt ra ngoài phạm vi gia đình; ví dụ, người dân UAE đánh giá cao mối quan hệ giữa người chủ và nhân viên và thể hiện lòng trung thành với lãnh đạo của họ tại nơi làm việc. Do đó, người ta có thể kết luận rằng chỉ số Hofstede thấp cho thấy văn hóa dân tộc của UAE là mang tính tập thể.

Thứ tư, nam tính hay nữ tính (Masculinity vs Feminibity)

Với chỉ số Hofstede là 50, văn hóa UAE không nam tính cũng không nữ tính. Đặc điểm chính của xã hội nam tính là tập trung vào thành tích cá nhân và khả năng cạnh tranh, trong khi nền văn hóa nữ tính nhấn mạnh vào các mối quan hệ và quan tâm đến hạnh phúc của người khác (Almutairi, Heller và Yen, 2021). Như đã đề cập, người dân UAE nhấn mạnh tầm quan trọng của các mối quan hệ xã hội và coi trọng sự thành công của gia đình hơn của chính họ, vốn là những đặc điểm điển hình của phụ nữ. Đồng thời, các cá nhân ở UAE cũng mong muốn điều tốt nhất cho bản thân, điều này được chứng minh bằng sự cạnh tranh bình đẳng về vai trò lãnh đạo giữa nam và nữ (Alhadhrami, Goby và Al-Ansaari, 2018). Ngoài ra, nền văn hóa này ủng hộ vai trò giới tính truyền thống trong gia đình, đây là dấu hiệu điển hình của nam giới. Do đó, văn hóa UAE sở hữu cả đặc điểm nam và nữ, đó là lý do tại sao nó có thể được coi là không nam tính cũng không nữ tính.

Thứ năm, định hướng dài hạn hay ngắn hạn (Long term vs Short term Orientation)

Điểm định hướng dài hạn của UAE là (22), nghĩa là văn hóa của nước này mang tính định hướng ngắn hạn. Các nền văn hóa định hướng dài hạn được đặc trưng bởi sự kiên trì, tiết kiệm và đầu tư cũng như đạt được kết quả, trong khi các nền văn hóa định hướng ngắn hạn coi trọng sự ổn định và truyền thống (Almutairi, Heller và Yen, 2021). Người dân UAE thực sự có thể thiếu tính kiên trì và khả năng cạnh tranh. Điều này được chứng minh bằng nghiên cứu do Facchini, Jaeck và Bouhaddioui (2021) thực hiện, họ phát hiện ra rằng các cá nhân ở UAE thích làm việc trong khu vực công hơn là thành lập doanh nghiệp riêng của họ. Hơn nữa, người dân UAE coi trọng truyền thống và tập trung vào việc thực hiện các nghĩa vụ xã hội của họ, đây là một đặc điểm của định hướng ngắn hạn. Đồng thời, người nước ngoài tin rằng UAE có định hướng dài hạn nhờ các chính sách và kế hoạch tập trung vào tương lai (Gaweesh và Al Haid, 2018). Do đó, người ta có thể kết luận rằng văn hóa của UAE mang tính định hướng ngắn hạn, nhưng Chính phủ UAE cố gắng chuyển trọng tâm của xã hội sang các mục tiêu dài hạn.

5. Một số khuyến nghị đối với các doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong phát triển hợp tác và thu hút khách du lịch UAE

Với các đặc trưng trong văn hóa của UAE nêu trên, trong tiếp cận hợp tác và thu hút du khách đến từ UAE, chúng ta cần chú trọng một số điểm sau:

Một là, về mối quan hệ và sự tôn trọng: văn hóa của người UAE rất đề cao lòng trung thành của các thành viên đối với nhau, chú trọng tới các mối quan hệ gia đình, dân tộc, tổ chức và đất nước. Đối với hầu hết người UAE, việc xây dựng một mối quan hệ có thể kéo dài và đáng tin tưởng là việc cần thiết. Do vậy, các doanh nghiệp UAE thích kinh doanh với doanh nghiệp đã biết từ trước hoặc với những người họ có thiện cảm. Như vậy, trong đàm phán, thương lượng, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam nên chú trọng xây dựng mối quan hệ lâu dài đối với đối tác, khách hàng đồng thời cần tạo ra thiện cảm với đối tác, khách hàng (du khách) thông qua cả các mối quan hệ giao tiếp, xã giao. Đồng thời, cũng nên cố gắng thiết lập các mối quan hệ với nhiều người khác nhau tại UAE và duy trì mối quan hệ thân mật, thoải mái cho đối tác, du khách. Giữ gìn danh dự cho mọi người là việc tối quan trọng trong khi giao tiếp với người UAE. Người Ả Rập tại UAE sẽ hiếm khi nhận lỗi ở nơi công cộng, do vậy, không nên kỳ vọng hay thúc ép họ làm việc đó. Hơn nữa, trong văn hóa kinh doanh của UAE thì sự tôn trọng phụ thuộc chủ yếu vào địa vị, cấp bậc và tuổi tác. Do đó, nên tạo ra vị thế của doanh nghiệp du lịch của Việt Nam khi đàm phán, thương lượng. 

Hai là, về giao tiếp: ngôn ngữ chính thức của UAE là tiến Ả Rập, ngoài ra, nhiều người doanh nhân, đặc biệt là những người trẻ tuổi và những người thuộc tầng lớp cao có thể nói tiếng Anh rất tốt. Người Dubai thường nói với giọng điệu nhẹ nhàng và với khoảng cách khá gần. Họ thường không đề cập trực tiếp tới các vấn đề, ưa thích sự hoa mỹ và hiếm khi thể hiện sự từ chối rõ ràng. Đây là những yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp du lich Việt Nam cần nắm bắt trong quá trình giao tiếp, thương lượng với các đối tác UAE, cũng như cần phải chú ý đến đặc điểm này đối với du khách đến từ UAE. Trong giao tiếp, đàm phán, thương lượng, cần chú ý ít sử dụng cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể, tuyệt đối không dùng tay trái, không chỉ trỏ và chạm vào đầu của người khác, tránh để lộ đế giày trước mặt người khác. Để xây dựng niềm tin với đối tác, cần thường xuyên giao tiếp bằng mắt. 

Ba là, việc liên hệ và cuộc gặp gỡ lần đầu: người UAE rất coi trọng các mối quan hệ tin cậy nên trong liên hệ và cuộc gặp gỡ lần đầu, doanh nghiệp du lịch Việt Nam nên chọn một người trung gian là người địa phương. Trong các cuộc gặp gỡ, người UAE thường thích lên lịch trước một thời gian nhất định, ít nhất từ 3 – 4tuần. Tuy vậy, thời gian diễn cuộc gặp gỡ thường khó ấn định trước nên cần bố trí lịch trình linh hoạt. Tránh việc trễ hơn 15 – 20 phút và hãy gọi thông báo trước cho đối tác. Tuy nhiên, nếu đối tác, khách hàng UAE tới trễ cũng không nên tỏ ra tức giận. Người UAE rất coi trọng địa vị về địa vị nên cần phải hỏi trước từ một người nào đó về cách xưng hô chính xác. Người Ả Rập có thể coi việc phát âm sai tên của họ là một dấu hiệu của sự thiếu tôn trọng. Các chức danh được đánh giá cao. Trong cuộc gặp gỡ lần đầu, việc trao đổi danh thiếp là cần thiết. Sau phần giới thiệu, hãy đưa danh thiếp của mình cho những người có mặt trong buổi họp hay gặp mặt. Hãy để các thông tin về học vị, học hàm hay là chức vụ lên trên danh thiếp và đảm bảo có thể nhìn thấy dễ dàng và rõ ràng. Đưa danh thiếp bằng tay phải, với mặt có chữ Ả Rập hướng về người nhận. Tương tự, chỉ chấp nhận danh thiếp của người khác bằng tay phải. Cười và giữ giao tiếp bằng mắt trong khi đưa và nhận danh thiếp, sau đó kiểm tra danh thiếp cẩn thận. Tiếp theo, đặt danh thiếp trên bàn trước mặt. Không bao giờ nhét danh thiếp của ai vào túi sau hoặc đối xử với danh thiếp đó một cách thiếu tôn trọng. 

Bốn là, về đàm phán và thương lượng: người UAE nói chung và du khách nói riêng thường mong đợi những cam kết lâu dài từ các đối tác kinh doanh và sẽ chỉ tập trung chủ yếu vào các lợi ích dài hạn. Mặc dù phong cách đàm phán, thương lượng chính là cạnh tranh, nhưng họ vẫn coi trọng các mối quan hệ lâu dài. Họ sẽ nỗ lực tìm kiếm các giải pháp đôi bên cùng có lợi và sẵn sàng sàng thỏa hiệp nếu cần. Do đó, trong thương lượng, đàm phán, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam nên duy trì một thái độ tích cực, kiên trì, bình tĩnh, thân thiện. 

Thông tin trong thương lượng, đàm phán hiếm khi được chia sẻ cho đối phương một cách tự do, vì các doanh nhân, khách hàng UAE tin rằng là các thông tin mật hoặc các thông tin mang tính quyết định có thể tạo ra lợi thế thương lượng cho mình. Dự kiến các cuộc thương lượng, đàm phán diễn ra chậm và kéo dài, đồng thời hãy chuẩn bị thực hiện hơn một lần gặp gỡ, thương lượng nếu cần thiết để đạt được mục tiêu. Người UAE thường mở lại các cuộc thảo luận về các mục đã được thống nhất trước đó. Trong trường hợp đó, cần kiên trì, bình tĩnh, thân thiện và thường xuyên nhấn mạnh những điểm đáng chú ý và quan trọng đã có thoả thuận xong trước đó. Các doanh nghiệp và du khách UAE luôn được đánh giá là những nhà đàm phán, thương lượng khôn ngoan. Hầu hết họ đều thích mặc cả và được mặc cả. Người đàm phán, thương lượng UAE có thể sẽ sử dụng các chiêu thức để gây áp lực lên đối phương như bắt bẻ hay nói rằng, đây là lời đề nghị cuối cùng nhưng trên thực tế sẽ có nhiều lần đưa ra lời đề nghị cuối cùng. Im lặng có thể được coi là dấu hiệu của việc từ chối đề xuất. Đưa ra một lời đề nghị mở là một tiêu chuẩn để bắt đầu quá trình thương lượng.

Năm là, ra quyết định, chốt đơn hàng: hệ thống cấp bậc ở các doanh nghiệp UAE còn khá cứng nhắc, quá trình đưa ra quyết định còn mất khá nhiều thời gian. Những người ra quyết định thường là những cá nhân coi trọng lợi ích của nhóm hoặc tổ chức của họ và có tham khảo ý kiến của những người khác trong tổ chức. Do đó, các quyết định thường yêu cầu nhiều lớp phê duyệt. Mặc dù vậy, quyền đưa ra quyết định vẫn phụ thuộc vào những người cấp cao, có quyền lực chi phối. Khi đưa ra quyết định, các doanh nhân UAE không dựa nhiều vào các quy tắc hoặc luật pháp. 

Sáu là, thỏa thuận và hợp đồng: ở UAE, hợp đồng bằng văn bản thường không quá chi tiết, thay vì đó là tập trung vào các khía cạnh, điều khoản và điều kiện chung của thoả thuận. Hơn nữa, người UAE tin rằng sức mạnh chính của một thoả thuận nằm ở sự cam kết giữa các đối tác hơn là trong tài liệu bằng văn bản. Do đó,không nên đưa ra một hợp đồng quá chi tiết vì làm như vậy có thể được coi là thiếu tin tưởng đối với đối tác. Người UAE rất coi trọng danh dự cá nhân nên họ luôn cố gắng giữ đúng cam kết, vì thế hợp đồng đối với họ rất đáng tin cậy. Tuy nhiên, họ vẫn mong đợi cả hai bên có sự linh hoạt trong việc sửa đổi các điều khoản, điều kiện của hợp đồng nếu tình huống thay đổi. 

Bảy là, phụ nữ trong kinh doanh: UAE vẫn là một xã hội do nam giới thống trị. Mặc dù vẫn có những phụ nữ đi làm việc nhưng hầu hết vẫn có những vai trò rất truyền thống, hiếm khi đạt được những vị trí có thu nhập và quyền hạn tương tự như nam giới. Các nữ doanh nhân đến UAE thì sẽ ít nhận được sự tôn trọng như ở nam giới và gặp phải một số hạn chế. Các nữ doanh nhân và nhân viên nữ Việt Nam cần ăn mặc thận trọng và phù hợp với phong tục và văn hoá người Hồi giáo, có nghĩa là xương đòn và đầu gối cần được che kín mọi lúc và quần áo không được bó sát. Doanh nhân và nhân viên nam giới Việt Nam khi tiếp xúc với người UAE nên hạn chế nói chuyện với phụ nữ cũng như không đề cập đến chủ đề phụ nữ khi đối tác là nam giới UAE. 

6. Kết luận

Vận dụng mô hình Hofstede trong nghiên cứu các chiều cạnh văn hóa của UAE cho thấy, các chỉ số Hofstede về năm chiều cạnh văn hóa của UAE được mô tả là khoan dung với sự phân bổ quyền lực không đồng đều, không khoan dung với sự không chắc chắn, mang tính tập thể, định hướng ngắn hạn và không nam tính cũng không nữ tính. Việt Nam đang có chủ trương phát triển hợp tác ngành Du lịch, thu hút du khách đến từ các quốc gia, vùng miền, với các đặc trưng văn hoá khác nhau. Đối với các du khách đến từ các quốc gia Trung Đông nói chung, đến từ UAE nói riêng, từ cấp độ chính sách đến các doanh nghiệp du lịch cần lưu ý các đặc trưng văn hóa của UAE trong tiếp cận hợp tác và thu hút du khách đến từ UAE và du khách đến từ Trung Đông.

Chú thích: 
1. Báo điện tử Tổ quốc (2022). Hội thảo “Tăng cường hiệu quả hợp tác du lịch giữa Việt Nam và các nước GCC” ngày 15/12/2022.
2. Ngân hàng Thế giới năm (2020). Báo cáo đánh giá Môi trường kinh doanh thuận lợi toàn cầu (Global Doing Business Report)
3. UNCTAD (2020). Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2020 của Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển.
4. Báo Công thương (2021). UAE – Thị trường tiềm năng cho hàng Việt.
5. Theo Danso. https://danso.org/cac-tieu-vuong-quoc-a-rap-thong-nhat/.
6. Tạp chí Lý luận chính trị số 547 (9/2023). Lý thuyết Chiều văn hoá Geert Hofstede và gợi mở cho phát triển văn hóa Việt Nam.
7. Premium Papers (2023, February 7). Cultural Dimensions of Hofstede Model in the UAE. https://premium-papers.com/cultural-dimensions-of-hofstede-model-in-the-uae/
Tài liệu tham khảo:
1. Anh Trịnh Thị Lan. Đặc trưng văn hóa UAE và những lưu ý trong đàm phán thương mại. Tạp chí Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, số tháng 3/2022.
2. Các nhân tố tác động đến ý định đi du lịch của giới trẻ. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/04/27/cac-nhan-to-tac-dong-den-y-dinh-di-du-lich-cua-gioi-tre/
3. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn điểm đến du lịch trong nước của thế hệ gen Y tại Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/09/12/cac-yeu-to-anh-huong-den-su-lua-chon-diem-den-du-lich-trong-nuoc-cua-the-he-gen-y-tai-viet-nam/
4. Tối ưu hóa các thế mạnh trong quan hệ Việt Nam – UAE. https://baoquocte.vn/toi-uu-hoa-cac-the-manh-trong-quan-he-viet-nam-uae-74577.html
5. Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2019, thu về 726.000 tỷ. http://vneconomy.vn/viet-nam-don18-trieu-luot-khach-quoc-te-nam-2019-thu-ve726000-ty-20191229214417225.htm.
6. Asiab Istitute of Vietnam (2018, April 10). Training Program on “UAE-Vietnam Exchange”. http://aitvn.asia/training-program-on-uae-viet-nam-exchange/
7. Alhadhrami, A., Goby, V.P. and Al-Ansaari, Y. (2018). Women’s enactment of leadership in a heavily gender-marked Islamic context: an exploration within the United Arab Emirates. International Journal of Organizational Analysis, 26(4), pp. 728-747.
8. Dwyer, L., Forsyth, P., & Dwyer, W. (2020). Tourism economics and policy. Channel View Publications.
9. Facchini, F., Jaeck, L. and Bouhaddioui, C. (2021). Culture and entrepreneurship in the United Arab Emirates. Journal of the Knowledge Economy, 12(1), pp. 1245-1269.
10. Geert Hofstede, Gert Jan Hofstede, Michael Minkov: Văn hóa và tổ chức: phần mềm tư duy. H. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2012, tr.87.
11. Gaweesh, K. and Al Haid, A. (2018). The Image of United Arab Emirates culture among the non-Arab expatriates in the UAE’. Journal of Media Critiques, 4(14), pp. 171-189.
12. Kozak, M. (2002). Comparative analise of tourist motivations by nationality and destinations. Tourism Management, 17, 467 – 488. 
13. Prayag, G., & Ryan, C. (2011). The relationship between the ‘push’ and ‘pull’ factors of a tourist destination: The role of nationality – an analytical qualitative research approach. Current Issues in Tourism, 2, 121-143. 
14. World Tourism Organization (2021). International Tourism Highlights. https://doi.org/ 10.18111/9789284422456.