ThS. Vũ Thị Kim Tuyết
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng đội ngũ giảng viên của Học viện Hành chính Quốc gia bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp tích cực cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của cả nước. Trên cơ cở nghiên cứu thực tiễn, bài viết đề xuất một số giải pháp phát triển đội ngũ giảng viên của Học viện Hành chính Quốc gia trong giai đoạn hiện nay.
Từ khóa: Đội ngũ giảng viên; nhiệm vụ; phát triển; Học viện Hành chính Quốc gia.
1. Đặt vấn đề
Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là một trong những giải pháp quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XI) đã xác định: “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo”, trong đó, “Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo…”.
Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khoá XIII) về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới chỉ rõ: “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp “nguyên khí quốc gia” và phát triển bền vững; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội. Chú trọng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước, có cơ chế, chính sách đột phá thu hút, trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, chuyên gia đầu ngành và nhân tài của đất nước; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ, kế cận”.
Chiến lược phát triển của Học viện Hành chính Quốc gia được ban hành kèm theo Quyết định số 372/QĐ-BNV ngày 02/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ xác định: “Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy toàn Học viện bảo đảm tính hệ thống, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; quy hoạch đội ngũ công chức, viên chức; thực hiện tinh giản biên chế gắn với tái cơ cấu đội ngũ viên chức; xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu có tâm huyết, đạo đức nghề nghiệp, năng lực, trình độ chuyên môn cao”. Việc phát triển đội ngũ giảng viên của Học viện Hành chính Quốc gia là cần thiết nhằm xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp để phát triển đội ngũ giảng viên của Học viện trong giai đoạn mới.
2. Thực trạng đội ngũ giảng viên của Học viện Hành chính Quốc gia hiện nay
Tính đến ngày 01/7/2024, đội ngũ giảng viên của Học viện Hành chính Quốc gia có 506 người, chiếm 46% trên tổng số viên chức, người lao động của Học viện. Trong đó, giảng viên cao cấp (hạng I): 36 người, chiếm 7,1%; giảng viên chính (hạng II): 169 người, chiếm 33,4 %; giảng viên (hạng III): 301người, chiếm 59,5 %. Theo chức danh khoa học, có 22 phó giáo sư, chiếm 4,3%. Trình độ chuyên môn: tiến sĩ: 215 người, chiếm 42,5%; thạc sĩ: 289 người, chiếm 57,1%; cử nhân: 2 người, chiếm 0,04%. Trình độ lý luận chính trị: cao cấp, cử nhân: 114 người, chiếm 22,5%; trung cấp: 142 người, chiếm 28%; chưa qua đào tạo: 250 người, chiếm 49,5%1.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện, đội ngũ viên chức, đặc biệt là đội ngũ giảng viên của Học viện đã phát triển mạnh về số lượng, cơ cấu. Học viện đã từng bước xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ cao, đội ngũ cán bộ quản lý có phẩm chất đạo đức, năng lực, kiến thức, kỹ năng tốt làm nền tảng cho sự phát triển của Học viện, từ đó, thương hiệu, vị thế của Học viện đã được khẳng định trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp tích cực cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của cả nước. Số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ của Học viện là 215 người, chiếm 42,5% trên tổng số giảng viên cho thấy, trình độ chuyên môn của Học viện đã đáp ứng được yêu cầu về chuẩn cơ sở giáo dục đại học2.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên được Học viện đặc biệt quan tâm bằng nhiều hình thức, như: tăng cường các hoạt động hợp tác, trao đổi với nước ngoài cho giảng viên với mục tiêu nâng cao trình độ, kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức về hội nhập quốc tế; khuyến khích giảng viên tích cực tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học và các hoạt động thao giảng ở các đơn vị chuyên môn của Học viện, từ đó, nâng cao trình độ chuyên môn và phát triển năng lực trong công tác giảng dạy cho giảng viên Học viện.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nhà giáo về tiền lương, chế độ phụ cấp, ưu đãi, phụ cấp thâm niên… được Học viện thực hiện đầy đủ theo quy định.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, việc xây dựng đội ngũ giảng viên Học viện còn những khó khăn, hạn chế:
Thứ nhất, về cơ cấu giảng viên trên tổng số viên chức, người lao động Học viện là 506/1.099 người, dẫn đến hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu so với chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Thứ hai, số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên chưa tương xứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Cơ cấu về độ tuổi, giới tính, trình độ chuyên môn chưa thực sự cân đối; mặc dù đội ngũ giảng viên của Học viện có trình độ từ tiến sĩ trở lên khá cao so với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhưng chưa xứng tầm với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hàng đầu cả nước. Trình độ ngoại ngữ của giảng viên và khả năng giao lưu quốc tế chưa đồng đều.
Thứ ba, đội ngũ viên chức quản lý, đặc biệt các nhà khoa học có học hàm giáo sư, phó giáo sư chưa bảo đảm được tính liên tục và tính kế thừa. Hiện nay, Học viện chưa có giảng viên có học hàm giáo sư, tỷ lệ phó giáo sư còn thấp. Khả năng hội nhập quốc tế, năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên còn nhiều hạn chế.
Thứ tư, đội ngũ giảng viên chưa phát huy hết tiềm năng và vị thế của trung tâm quốc gia về nghiên cứu khoa học hành chính và quản lý nhà nước. Vai trò tham gia của giảng viên vào tư vấn phản biện trong xây dựng dự thảo chính sách, văn bản pháp luật chưa nhiều. Số lượng giảng viên có khả năng nghiên cứu khoa học và giảng dạy trực tiếp bằng ngoại ngữ còn ít. Số lượng các công trình khoa học cấp quốc tế còn mỏng; giảng viên có khả năng tham gia vào các hội thảo quốc tế chưa nhiều; sự gắn kết giữa nghiên cứu và giảng dạy còn thấp. Các hình thức đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, như: đào tạo, bồi dưỡng thông qua tham gia nghiên cứu khoa học, khảo sát thực tế chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Thứ năm, công tác tuyển dụng của Học viện còn bị giới hạn, chưa có chính sách thu hút, tuyển dụng đối với ứng viên là các chuyên gia giỏi, người có năng lực và trình độ.
Thứ sáu, sự thay đổi nhiều lần về chức năng, nhiệm vụ của Học viện khiến cho việc ổn định cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhất là công tác phát triển giảng viên gặp rất nhiều khó khăn.
Thứ bảy, các chế độ, chính sách chưa thực sự là động lực và tạo các điều kiện tốt nhất cho giảng viên. Kinh phí nghiên cứu khoa học, kinh phí đào tạo lại được bố trí hằng năm chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế về đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên.
3. Giải pháp phát triển đội ngũ giảng viên của Học viện Hành chính Quốc gia trong giai đoạn hiện nay
Căn cứ đề án đào tạo ngành đại học trọng điểm của Học viện Hành chính Quốc gia giai đoạn 2023 -2030, tầm nhìn đến năm 2050; căn cứ quy mô bồi dưỡng đến năm 2030, hằng năm Học viện tuyển sinh, đào tạo khoảng 6.000 sinh viên, học viên trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ở các ngành, chuyên ngành của Học viện. Số lượng sinh viên, học viên trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ đang đào tạo tại Học viện và tham gia bồi dưỡng mỗi năm khoảng 20.000 người3.
Căn cứ Quyết định số 4024/QĐ-HCQG ngày 30/8/2023 của Học viện Hành chính Quốc gia về việc công bố sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của Học viện Hành chính Quốc gia, với sứ mệnh là “trung tâm quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bồi dưỡng, phát triển năng lực về hành chính, lãnh đạo, quản lý cho nền công vụ Việt Nam”; tầm nhìn của Học viện đến năm 2045 “trở thành trung tâm quốc gia ngang tầm khu vực châu Á – Thái Bình Dương về đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách về hành chính, lãnh đạo, quản lý” giá trị cốt lõi mà Học viện hướng đến đó là “trí tuệ, chất lượng, hiện đại”, Học viện xác định lấy con người là khâu đột phá trong xây dựng và phát triển, đặc biệt là việc phát triển đội ngũ giảng viên.
Để phát triển đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và có chất lượng cao, phù hợp với định hướng phát triển của từng ngành, chuyên ngành đào tạo, các chương trình bồi dưỡng, Học viện cần phải triển khai các nhiệm vụ và có các giải pháp đồng bộ, trọng tâm sau:
Một là, tăng cường số lượng giảng viên. Học viện cần xác định phát triển các ngành mũi nhọn, trọng điểm mang thương hiệu riêng của Học viện để tăng cường đội ngũ giảng viên vào các ngành cho phù hợp. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên hiện có, nhất là đội ngũ giảng viên trẻ; đồng thời, tuyển chọn, bổ sung từ bên ngoài nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở các trường đại học uy tín trong và ngoài nước có ngành đào tạo phù hợp; quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp am hiểu thực tiễn và có năng lực nghiên cứu khoa học, giảng dạy, từ đội ngũ các nhà khoa học đang công tác tại các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trên địa bàn cả nước.
Hai là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng giảng viên. Đội ngũ giảng viên của Học viện phải thường xuyên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng một cách bài bản, chuyên sâu, trang bị kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp, kỹ năng. Ngoài ra, việc cử giảng viên đi tập huấn, tham dự hội thảo, hội nghị, tọa đàm khoa học, nghiên cứu, khảo sát trong nước và quốc tế cũng cần được quan tâm và triển khai có hiệu quả. Khuyến khích giảng viên chủ động tham gia các hình thức đào tạo tiên tiến, đào tạo trực tuyến để vừa nâng cao trình độ, vừa tiếp cận các mô hình dạy học mới, qua đó, giúp giảng viên bổ sung kiến thức, đa dạng hóa các hình thức giảng dạy. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên để giảng viên có thể ứng dụng các phương pháp hiện đại vào công tác giảng dạy.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Học viện cần mời thêm các chuyên gia giỏi từ nước ngoài, nhất là các nước phát triển có điều kiện tương đồng với Việt Nam tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho giảng viên Học viện. Đây là cơ hội để giảng viên Học viện có thể giao lưu, học hỏi, nâng tầm kiến thức theo hướng đạt chuẩn khu vực và quốc tế.
Ba là, tạo động lực cho đội ngũ giảng viên bằng nguồn lực vật chất/ phi vật chất. Vấn đề thu nhập cho đội ngũ giảng viên vừa bảo đảm cuộc sống, vừa là yếu tố cạnh tranh giúp Học viện có lợi thế để thu hút đội ngũ giảng viên, các chuyên gia, nhà khoa học ngoài Học viện. Bên cạnh các giải pháp tạo động lực bằng vật chất, Học viện cần chú trọng tạo động lực bằng cách ghi nhận sự đóng góp của đội ngũ giảng viên trong các hoạt động chung; khen thưởng, nêu gương kịp thời đối với các giảng viên có những thành tích trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Trong các cuộc họp, các cấp lãnh đạo từ lãnh đạo bộ môn, lãnh đạo khoa, lãnh đạo Học viện tuyên dương, nhấn mạnh sự đóng góp của giảng viên khi có các thành tích cao và khen thưởng trước toàn thể đơn vị, vinh danh trên website của Học viện, đồng thời, đề xuất lãnh đạo Bộ Nội vụ biểu dương khen thưởng bằng nhiều hình thức phù hợp.
Bốn là, phát huy vai trò của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên đầu ngành trong việc bồi dưỡng phát triển đội ngũ giảng viên trẻ. Học viện cần ưu tiên lựa chọn các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà khoa học, giảng viên đầu ngành ở các lĩnh vực, kể cả trong và ngoài Học viện để huấn luyện, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên trẻ của Học viện. Đồng thời, xây dựng đội ngũ các giảng viên có học hàm, học vị, có uy tín trong chuyên môn, nghiên cứu khoa học trong Học viện ở các khoa chuyên môn để thường xuyên và trực tiếp bồi dưỡng đội ngũ giảng viên của khoa, của Học viện. Đội ngũ cốt cán nêu trên cần được Học viện tạo điều kiện về kinh phí, giảm định mức giờ giảng, được chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, hội thảo trong, ngoài nước để khuyến khích phát huy được vai trò, là đầu tàu gương mẫu sự lan tỏa qua các hoạt động chuyên môn, nghiên cứu khoa học của ngành, lĩnh vực đến đội ngũ giảng viên trẻ.
Năm là, tăng cường khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Hiện đại hóa cơ sở vật chất, ứng dụng số hóa vào hoạt động tổ chức, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế là yêu cầu cơ bản và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, ngoài việc cử giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng, tham gia hội thảo, tọa đàm ở trong nước thì Học viện cần tăng cường khả năng làm việc trong môi trường quốc tế cho đội ngũ giảng viên. Chú trọng lựa chọn cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng ở nước ngoài có nhiều điểm tương đồng, phù hợp với Học viện để hợp tác, trao đổi học thuật. Ngoài ra, Học viện cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, đo lường năng lực làm việc quốc tế để thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi cho cơ chế tuyển dụng, đánh giá, chính sách đãi ngộ; xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng để trang bị cho đội ngũ giảng viên hệ thống tri thức và kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế. Hoàn thiện cơ chế thu hút và trọng dụng giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, khuyến khích sự sáng tạo để đội ngũ này phát huy năng lực, đóng góp trí tuệ, tâm huyết đối với sự phát triển chung của Học viện.
Sáu là, phát triển đội ngũ giảng viên gắn với hoạt động nghiên cứu khoa học. Công tác xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên trẻ phải gắn với hoạt động nghiên cứu khoa học, thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học để rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo của Học viện. Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng viên có điều kiện đào sâu hơn, nắm bắt chặt chẽ hơn kiến thức chuyên môn mà mình đang trực tiếp giảng dạy, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những nội dung kiến thức mới phù hợp thực tiễn.
Bảy là, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giảng viên. Song song với việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, Học viện cần tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giảng dạy để giảng viên phát huy được các điểm mạnh và khắc phục các hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các nhiệm vụ khác được giao.
4. Kết luận
Phát triển đội ngũ giảng viên của Học viện Hành chính Quốc gia là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết. Để phát triển đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, Học viện cần xây dựng quy hoạch phát triển đội ngũ giảng viên, trong đó đặc biệt chú trọng đến đánh giá về số lượng, cơ cấu và chất lượng của đội ngũ giảng viên hiện có, quan tâm phát triển đội ngũ giảng viên trẻ; tuyển chọn và sử dụng đội ngũ giảng viên phù hợp, hiệu quả; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; thực hiện tốt chính sách, tạo môi trường làm việc và động lực thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ giảng viên đáp ứng xu hướng đổi mới giáo dục đại học hiện nay.
Chú thích:
1, 2. Ban Tổ chức cán bộ, Học viện Hành chính Quốc gia (2024). Báo cáo về đội ngũ viên chức của Học viện Hành chính Quốc gia, tháng 7/2024. Hà Nội.
3. Ban Quản lý bồi dưỡng, Học viện Hành chính Quốc gia (2024). Báo cáo về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Học viện Hành chính Quốc gia, tháng 7/2024. Hà Nội.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2013). Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thịtrường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2023). Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
3. Chính phủ (2022). Nghị định số 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 quy định về hoạt động khoa học – công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.
4. Đỗ Minh Cương, Nguyễn Thị Doan (2001). Phát triển nguồn nhân lực giáo dục đại học Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật.
5. Nadler, L., & Nadler, Z, (1989), Developing human resources, Jossey-Bass.