TS. Tô Ngọc Thịnh
Trường Đại học Thương mại
(Quanlynhanuoc.vn) – Huyện Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc là một địa phương có nhiều lợi thế về vị trí địa lý và tài nguyên du lịch và từ lâu đã được quan tâm phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc quản lý tài nguyên du lịch trên địa bàn huyện thời gian qua còn nhiều bất cập gây thất thoát, lãng phí tài nguyên và chưa tạo thành động lực mạnh mẽ để phát triển du lịch của địa phương nói riêng, phát triển kinh tế – xã hội nói chung. Bài viết tổng hợp, đánh giá thực trạng quản lý nhà nước đối với tài nguyên du lịch trên địa bàn huyện Tam Đảo, gợi ý một số giải pháp nhằm hoàn thiện quản lý nhà nước đối với tài nguyên du lịch trên địa bàn huyện đáp ứng yêu cầu của phát triển du lịch và kinh tế – xã hội của địa phương.
Từ khóa: Tài nguyên du lịch; du lịch tự nhiên; quản lý nhà nước; phát triển du lịch.
1. Tiềm năng du lịch huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc
Tam Đảo là một huyện miền núi được thành lập từ ngày 01 tháng 01 năm 2004, trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của các huyện Lập Thạch, Tam Dương, Bình Xuyên và thành phố Vĩnh Yên. Huyện có tổng diện tích tự nhiên là 23.589,9 ha; có 9 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 8 xã, 1 thị trấn; có 6 xã thuộc vùng khó khăn, trong đó có 3 xã đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135 của Chính phủ. Tam Đảo có diện tích rất lớn chính vì vậy nó giữ vai trò quan trọng trong điều hòa khí hậu, điều tiết nguồn nước, bảo vệ môi trường sống cho một phần đồng bằng Bắc Bộ trong đó bao gồm cả thủ đô Hà Nội. Đầu thế kỷ XX, người Pháp đã chọn Tam Đảo xây dựng thành khu nghỉ mát ở độ cao 950m so với mực nước biển với nhiều biệt thự kiểu dáng châu Âu. Khí hậu nơi đây mát mẻ, trong lành, mang sắc thái như vùng ôn đới. Tam Đảo rất phong phú về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa có thể khai thác nhằm phát triển du lịch của địa phương, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Cụ thể:
Về địa hình: địa hình của Tam Đảo khá phức tạp, đa dạng vì có cả vùng cao và miền núi, vùng gò đồi và vùng đất bãi ven sông. Vùng miền núi và núi cao với diện tích khoảng 11.000 ha, chủ yếu do Vườn Quốc gia Tam Đảo và Lâm trường Tam Đảo quản lý. Diện tích còn lại bao gồm các vùng núi thấp, vùng bãi do các xã quản lý và sử dụng. Các vùng của huyện chạy dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, mỗi vùng đều có những điều kiện tự nhiên, những nguồn lực kinh tế đặc thù tạo nên những sắc thái riêng trong phát triển kinh tế – xã hội, nhất là kinh tế nông, lâm nghiệp và dịch vụ du lịch. Tam Đảo với địa hình núi có giá trị về quản lý tài nguyên du lịch rất lớn. Tam Đảo nhìn từ rất xa có thể nhận ra 3 đỉnh cao là Thiên Thị, Thạch Bàn, Phù Nghĩa giống như 3 hòn đảo nổi bật giữa biển mây, xung quanh là những hòn núi thấp. Trên cả ba ngọn núi, rừng xanh tốt um tùm, rất nhiều cây gỗ quý.
Về khí hậu: khí hậu Tam Đảo mang đầy đủ những nét của chế độ khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa. Nhưng do đây là một dãy núi lớn, cao đồ sộ nên khí hậu của Tam Đảo thuộc kiểu khí hậu nhiệt đới ẩm vùng núi cao. Nhiệt độ trung bình năm là 180C, lượng mưa trung bình năm là 2.630,9mm, độ ẩm trung bình là 87%. Đây là đặc trưng của kiểu khí hậu trên cao, rất phù hợp cho phát triển du lịch.
Về rừng và hệ sinh thái: sự đa dạng của rừng và các hệ sinh thái của Tam Đảo được thế hiện rõ nét nhất ở Vườn Quốc gia Tam Đảo. Tài nguyên sinh vật của Vườn Quốc gia Tam Đảo rất đa dạng với các hệ động thực vật rất phong phú: khoảng 2.000 loài thực vật, 840 loài động vật, nhiều loài đặc hữu và quý hiếm. Chính sự đa dạng sinh học là giá trị to lớn đã đưa Tam Đảo thành một trong những địa danh nổi tiếng được cả thế giới biết đến trong nghiên cứu sinh học và có giá trị cho phát triển tài nguyên du lịch sinh thái.
Về thủy văn: Tam Đảo còn có một hệ thống các dòng suối và thác đổ từ trên núi cao chảy về tạo nên những cảnh quan hùng vĩ đã thu hút rất nhiều du khách, như: Hồ Xạ Hương; Thác Bạc; suối Thác Lác có cảnh quan khá đẹp. Chế độ thủy văn đã tạo cho Tam Đảo một số tài nguyên có giá trị lớn góp phần làm phong phú thêm tiềm năng du lịch của Tam Đảo.
Về tài nguyên du lịch văn hóa vật thể: theo số liệu kiểm kê di tích, toàn huyện có 103 di tích. Cụ thể, hệ thống di tích quốc gia đặc biệt Tây Thiên (3 chùa, 7 đền); hệ thống chùa, đền, đình, miếu (31 đình, 21 đền, 35 chùa, 5 miếu); 17 di tích xếp hạng cấp tỉnh (8 đình, 3 chùa, 6 đền), 85 di tích công trình tín ngưỡng, tôn giáo chưa xếp hạng, như: Đền thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu, Đền Bà chúa Thượng ngàn, Đền thờ Đức Thánh Trần, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên,…
Hệ thống các công trình tín ngưỡng, tôn giáo (Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, Thiền viện Trúc Lâm An Tâm, Đại Bảo tháp Tây Thiên, Nhà thờ giáo họ Sơn Đình, nhà thờ Tam Đảo); hệ thống di tích lịch sử cách mạng (Bia tưởng niệm búa liềm (xã Tam Quan); Đồn binh Nhật (Thị trấn Tam Đảo); Sở chỉ huy Chiến dịch Trần Hưng Đạo (năm 1950 – 1951); hệ thống hầm của Bộ Chính trị trong kháng chiến chống Mỹ (Thị trấn Tam Đảo); Khu di tích lưu niệm Hồ Chí Minh.
Về tài nguyên du lịch văn hóa phi vật thể: Tam Đảo còn lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu. Cụ thể: lễ hội truyền thống hằng năm (44 lễ hội lớn, nhỏ như: lễ hội Tây Thiên; Hội vật Làng Hà xã Hồ Sơn…); nghệ thuật trình diễn dân gian (Nghệ thuật hát Văn); bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc Sán Dìu (tiếng nói, chữ viết, trang phục, làn điệu dân ca, ẩm thực đặc trưng); nghề thủ công truyền thống đặc trưng của 10 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn huyện Tam Đảo.
Tuy giàu tài nguyên du lịch nhưng thực trạng quản lý nhà nước đối với tài nguyên du lịch trên địa bàn huyện Tam Đảo trong thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, chưa tạo thành động lực mạnh mẽ để phát triển du lịch trên địa bàn huyện nói riêng, phát triển kinh tế – xã hội nói chung.
2. Thực trạng quản lý nhà nước đối với tài nguyên du lịch trên địa bàn huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc
Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy – HĐND – UBND tỉnh và các sở, ngành của Tỉnh; sự nỗ lực cố gắng của Nhân dân các dân tộc trong huyện, kinh tế – xã hội của huyện Tam Đảo có bước phát triển tương đối toàn diện. Khu du lịch Tam Đảo đang được tỉnh Vĩnh Phúc quy hoạch để trở thành trọng điểm du lịch với nhiều loại hình du lịch phong phú, như: nghỉ dưỡng, sinh thái, mạo hiểm, nghiên cứu, tín ngưỡng, tâm linh… là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Thời gian qua, Tam Đảo được đầu tư lớn, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng dịch vụ, khẳng định vị thế là khu du lịch trọng điểm quốc gia. Tháng 01/2022, Khu du lịch Quốc gia Tam Đảo được công nhận là Khu du lịch cấp Quốc gia và tháng 11/2022 thị trấn Tam Đảo được nhận giải thưởng Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới năm 2022.
Trong năm 2022, UBND thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo đã tập trung chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể và Nhân dân thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng ủy, HĐND về nhiệm vụ triển kinh tế – xã hội. Tổng thu về kinh tế tăng 76% so với cùng kỳ năm 2021. Dịch vụ ước thực hiện: 102,923 tỷ đồng, tăng 96% so với kế hoạch năm, so với cùng kỳ tăng 99% (năm 2021: 51,617 tỷ đồng). Số lượng khách du lịch năm 2022 ước tính là 311.200 lượt tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021: 186,472 lượt khách). Trong đó, khách lưu trú qua đêm là 81.366 lượt tăng 132% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021: 35.077 lượt khách); khách nước ngoài là 121 lượt tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021: 109 lượt khách). Đầu năm 2022, thị trấn Tam Đảo vinh dự được công nhận là khu du lịch quốc gia; tháng 11/2022 được Tổ chức World Travel Awards (Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới) vinh danh là thị trấn du lịch điểm đến hàng đầu thế giới năm 2022.
(1) Về thực hiện các văn bản, chính sách, pháp luật chung của Nhà nước liên quan đến hoạt động quản lý tài nguyên du lịch
UBND huyện Tam Đảo đã ban hành nhiều văn bản định hướng phát triển du lịch. Tuy nhiên, công tác ban hành văn bản chỉ đạo, quản lý về quản lý tài nguyên du lịch của huyện còn nhiều hạn chế, đặc biệt là hạn chế trong công tác phổ biến, tuyên truyền hình thức, nội dung chưa phong phú; các văn bản ban hành đôi khi chưa kịp thời, tính khả thi, hiệu quả thực hiện chưa cao. Qua kết quả khảo sát đối với cán bộ, công chức cấp huyện, xã khi được hỏi về việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật chung về quản lý tài nguyên du lịch và ban hành văn bản quản lý về quản lý tài nguyên du lịch của UBND huyện, thì có 10% người được khảo sát nhận định rất kịp thời, 40% cho rằng kịp thời và 50% cho rằng chưa kịp thời; 20% cán bộ, công chức được khảo sát cho rằng, việc triển khai, cụ thể hóa chính sách về quản lý tài nguyên du lịch ở đơn vị mình là rất tốt, 40% là tốt và 40% cho rằng chưa tốt. Thực tiễn hạn chế, bất cập đã và đang đòi hỏi UBND huyện Tam Đảo cần có những định hướng, giải pháp cụ thể để khắc phục, từng bước mang lại hiệu quả và tính khả thi trong việc triển khai chính sách pháp luật và bàn hành văn bản đặc thù của địa phương.
(2) Về thực hiện và phối hợp xây dựng, công khai quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn huyện
Nhận thức được tiềm năng phát triển du lịch, UBND huyện Tam Đảo đã phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc khảo sát, xác định lợi thế tiềm năng phát triển du lịch tại các địa phương của huyện, xây dựng quy hoạch, định hướng không gian phát triển du lịch. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội huyện Tam Đảo đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, đây là cơ sở để kế hoạch hóa trong đầu tư xây dựng, thu hút các nguồn lực cho huyện phát triển.
Công tác quy hoạch xây dựng phát triển được các cấp, các ngành quan tâm, như: quy hoạch chung thị trấn Tam Đảo; quy hoạch chung khu danh thắng Tây Thiên; quy hoạch khu vực ven chân núi Tam Đảo; quy hoạch thị trấn Hợp Châu, thị trấn Đại Đình; quy hoạch phân khu D1, quy hoạch chung, chi tiết trung tâm lễ hội Tây Thiên, khu du lịch sinh thái Tam Đảo I, Tam Đảo II; khu vực Bảo Tháp Tây Thiên, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hồ Làng Hà, Hồ Xạ Hương, Hồ Vĩnh Thành, Hồ Đồng Mỏ, Bản Long và Bến Tắm; triển khai quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000 phát triển tài nguyên du lịch khu vực xung quanh hồ Đồng Nhập tại xã Tam Quan, thị trấn Đại Đình và xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo.
Trên cơ sở quy hoạch phát triển du lịch được UBND tỉnh phê duyệt, UBND Tam Đảo đã xây dựng các văn bản cụ thể hóa, đồng thời tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo triển khai, công bố, quy hoạch, đề án. Bên cạnh đó UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng lập quy hoạch chi tiết phát triển kinh tế – xã hội, gắn với phát triển tài nguyên du lịch, quy hoạch giao thông nông thôn, quy hoạch bảo tồn, tôn tạo các di tích… chỉ đạo các ngành phối hợp, thực hiện các công trình, dự án đầu tư phát triển tài nguyên du lịch, như: cải tạo mạng lưới hệ thống đường nối với khu danh thắng Tây Thiên; cải tạo và giải tỏa hàng quán bán rong từ Đền Thỏng đến Đền Thượng…
Qua thực tiễn khảo sát về công tác công bố, triển khai thực hiện quy hoạch phát triển du lịch ở huyện Tam Đảo, về tiến độ công bố và triển khai các quy hoạch, dự án phát triển du lịch trên địa bàn huyện thì có 10% số người được hỏi đánh giá công tác thực hiện quy hoạch rất nhanh, 10% cho rằng thực hiện nhanh, 30% cho rằng chậm, 50% đánh giá thực hiện rất chậm.
(3) Về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về quản lý tài nguyên du lịch ở huyện Tam Đảo
Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên du lịch trên địa bàn huyện Tam Đảo đã có nhiều chuyển biến tích cực. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tam Đảo là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND huyện tham mưu trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên du lịch, phòng có 6 biên chế, gồm 1 trưởng phòng, 1 phó trưởng phòng và 4 chuyên viên. Trong đó, lĩnh vực du lịch do trưởng phòng và 1 chuyên viên phụ trách. Bên cạnh đó, Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện phân công 1 cán bộ và 1 viên chức phụ trách lĩnh vực du lịch và hướng dẫn viên du lịch.
Theo thống kê, hiện nay trên toàn huyện Tam Đảo có 46 cán bộ được phân công phụ trách quản lý nhà nước về tài nguyên du lịch (cấp huyện: 10 người, cấp xã: 36 người). Trên cơ sở khảo sát về trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý về quản lý tài nguyên du lịch của huyện Tam Đảo thì có 5/46 người có bằng chuyên môn về nghiệp vụ du lịch; 38/46 người có tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước về tài nguyên du lịch, 8/46 người chưa được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng.
Việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên du lịch của các ngành chức năng huyện, UBND các xã, thị trấn cũng tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, như: công tác phối hợp xây dựng và tổ chức công bố quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch, tổ chức điều tra, tài nguyên du lịch trên địa bàn huyện chưa có sự phối hợp chặt chẽ, sâu sát; công tác xây dựng kế hoạch, chương trình, tổ chức thực hiện xúc tiến du lịch thực hiện chưa thường xuyên, hiệu quả các chương trình mang lại chưa cao. Mặt khác, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ trong công tác quản lý, như: máy tính, máy photo, máy ảnh… của các ngành chuyên môn, đặc biệt ở các xã thị trấn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; nguồn kinh phí phân bổ cho công tác quản lý ở cấp huyện rất hạn chế.
(4) Về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho quản lý tài nguyên du lịch
Chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quyết định chất lượng dịch vụ du lịch. Chính vì vậy, thời gian qua huyện Tam Đảo đã quan tâm, tập trung cho công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành du lịch của huyện và xem đây là một trong những nội dung quan trọng trong định hướng phát triển du lịch và quản lý tài nguyên du lịch.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực du lịch của huyện, bên cạnh việc phối hợp Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ du lịch cho cán bộ quản lý, người lao động, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại huyện, UBND huyện Tam Đảo đã khuyến khích tạo điều kiện cho công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo chuyên ngành du lịch ở Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc, Trường cao đẳng nghề, Trung cấp nghề Vĩnh Phúc và các trường khác trong khu vực. Tuy nhiên, số lượng tham dự các khóa học này rất hạn chế.
Từ năm 2020, UBND huyện Tam Đảo đã phối hợp các sở ngành của tỉnh mở 2 lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch tại huyện để bồi dưỡng kiến thức du lịch cộng đồng cho cán bộ, công chức văn hóa – xã hội cấp xã, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, có 130 học viên tham dự; mở 4 lớp tập huấn để trang bị kiến thức nấu ăn và kỷ năng phục vụ cho lực lượng lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, có 220 học viên tham dự… Nhìn chung, UBND huyện Tam Đảo và các ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành du lịch của huyện.
(5) Về công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý tài nguyên du lịch
Công tác kiểm tra, thanh tra liên quan đến các hoạt động khái thác tài nguyên du lịch được UBND huyện Tam Đảo thường xuyên chỉ đạo thực hiện, cơ bản giải quyết các khiếu nại của cơ sở kinh doanh, người dân và du khách.
Trong 3 năm (từ năm 2020 – 2022), Đội kiểm tra liên ngành của huyện đã tổ chức 22 lượt kiểm tra các cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đoàn thanh tra chuyên ngành, liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm, đã tổ chức 8 lượt kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Mặt khác, các ngành chức năng, như: Phòng Tài nguyên – Môi trường, Phòng Tài chính – Kế hoạch cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh cam kết vệ sinh môi trường, niêm yết giá, đăng ký kinh doanh… góp phần tạo trật tự tại cơ sở kinh doanh, tạo sự an tâm cho du khách.
Hiện nay công tác thanh tra, kiểm tra của các ngành chức năng huyện Tam Đảo, số lượng không nhiều, đặc biệt cơ quan thanh tra huyện chưa tổ chức được đoàn thanh tra, mặt khác kết quả xử lý vi phạm chưa cao, các đoàn kiểm tra chỉ mang tính nhắc nhở, chưa có cơ chế xử lý hiệu quả; vấn đề kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở chế biến, kinh doanh phục vụ du lịch chưa thật sự sâu sát, các ngành chức năng chỉ kiểm tra tại nơi chế biến, các giai đoạn khác chưa được chú trọng thực hiện, mặt khác sau kết quả kiểm tra, chỉ dừng lại ở việc lập biên bản nhắc nhở hoặc xử lý hành chính, do đó tính răn đe không cao dẫn đến tình trạng nhiều hộ kinh doanh không coi trọng việc khắc phục hạn chế sau kiểm tra, việc tái vi phạm vẫn xảy ra thường xuyên.
3. Hạn chế, nguyên nhân
Thứ nhất, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên du lịch và việc nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, của cộng đồng dân cư về vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế – xã hội mặc dù được chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở thực hiện khá tích cực, song hiệu quả còn thấp, cải thiện chất lượng, hiệu quả chưa cao, hình thức nội dung chưa phong phú, nhiều chủ trương, chính sách mặc dù đã công bố nhưng một số địa phương vẫn chưa nắm sâu sát, công tác phổ biến, tuyên truyền chậm trễ.
Thứ hai, việc cụ thể hoá và ban hành các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của huyện để quản lý, điều hành trên lĩnh vực du lịch đôi lúc còn chậm, nội dung chưa sát hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển tài nguyên du lịch thực tế; các chính sách chưa thật sự thu hút các nhà đầu tư, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh du lịch. Thủ tục hành chính đối với hoạt động đăng ký đầu tư, kinh doanh nói chung và lĩnh vực du lịch nói riêng mặc dù được cải thiện nhưng chưa nhiều, nhìn chung còn phức tạp, gây khó khăn cho các nhà đầu tư.
Thứ ba, công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch nói riêng, từng lúc, từng nơi chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Thực tế cho thấy, dù tăng cường công tác quy hoạch, quảng bá xúc tiến du lịch nhưng ngoài các dự án do trung ương, tỉnh đầu tư, từ năm 2020 – 2022, huyện chỉ kêu gọi được 5 dự án đầu tư.
Thứ tư, công tác tạo lập sự liên kết, liên ngành, liên vùng, hợp tác phát triển tài nguyên du lịch của huyện với các địa phương khác trong tỉnh và khu vực tuy được huyện quan tâm thực hiện nhưng nhìn chung hiệu quả chưa cao, các tuyến du lịch Tam Đảo còn ít, các điểm du lịch của huyện chưa đủ hấp dẫn để thu hút công ty lữ hành và du khách.
Thứ năm, tổ chức bộ máy về quản lý tài nguyên du lịch còn nhiều bất cập, số lượng biên chế quản lý ít, năng lực, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế, công tác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Du lịch còn nhiều hạn chế, các lớp bồi dưỡng, tập huấn chỉ trang bị kiến thức sơ cấp, chưa liên kết được các cơ sở đào tạo mở các khóa học chuyên ngành về nghiệp vụ du lịch, quản lý, kỹ năng phục vụ chuyên nghiệp tại huyện. Hiện nay, tình trạng chất lượng nguồn nhân lực của huyện được đánh giá thấp, thiếu đội ngũ lao động có tay nghề, chất lượng phục vụ chưa đồng đều và thiếu tính chuyên nghiệp. Nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý nhà nước về quản lý tài nguyên du lịch còn khó khăn, thiếu thốn.
Thứ sáu, công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động quản lý tài nguyên du lịch và xử lý vi phạm trong lĩnh vực du lịch mặc dù được UBND huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên nhưng nhìn chung còn nhiều hạn chế, số lượt kiểm tra chưa nhiều, hiệu quả mang lại không cao, chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, xử phạt hành chính số lượng ít, chưa thực hiện biện pháp xử lý vi phạm dứt khoát, triệt để.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do: một số cấp ủy đảng và chính quyền trong huyện chưa coi trọng và quan tâm đúng mức đến công tác quản lý nhà nước về tài nguyên du lịch trên địa bàn. Nhiều nơi, nhiều đơn vị còn tư tưởng trông chờ, chưa năng động, sáng tạo, chưa quan tâm tạo môi trường thuận lợi cho du lịch phát triển. Quy hoạch tổng thể phát triển tài nguyên du lịch của huyện mới chú trọng việc phát triển tài nguyên du lịch tại Tam Đảo, các địa phương khác chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Mối quan hệ phối hợp trong quản lý quy hoạch du lịch giữa các cơ quan, ban, ngành trong huyện, các địa phương có mặt thiếu chặt chẽ, đồng bộ. Nguồn vốn nhà nước đầu tư và hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn thấp, việc thực hiện các dự án đầu tư chậm tiến độ, nhất là các công trình vốn trung ương và của tỉnh. Mặt khác, những khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho hoạt động đầu tư và những bất cập về thủ tục hành chính đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến môi trường thu hút đầu tư ở huyện.
Bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên du lịch hiệu lực quản lý chưa cao, nhất là ở cấp xã. Công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động quản lý tài nguyên du lịch còn chắp vá, thiếu hệ thống. Mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo nghề du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong phát triển nguồn nhân lực chưa chặt chẽ, chủ cơ sở kinh doanh, lực lượng lao động phục vụ còn e dè trong việc đào tạo, bồi dưỡng. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch chưa chuyên nghiệp; sản phẩm tuyên truyền, quảng bá du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu; hình thức quảng bá kém hấp dẫn; diện quảng bá hẹp. Công tác thanh tra, kiểm tra bộc lộ nhiều hạn chế, chưa có cơ chế xử lý hiệu quả hành vi vi phạm.
4. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện quản lý nhà nước đối với tài nguyên du lịch trên địa bàn huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chính sách về quản lý tài nguyên du lịch.
Việc giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các cơ chế, chính sách về quản lý tài nguyên du lịch phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền, chú trọng các biện pháp tuyên truyền như: xây dựng chuyên mục phổ biến chính sách pháp luật nói chung, trong đó có chính sách về quản lý tài nguyên du lịch, phát định kỳ hàng tuần trên Đài Truyền thanh huyện, Đài Truyền thanh các xã, thị trấn, Trạm truyền thanh các ấp; đăng tải nội dung trên bản tin Ban Tuyên giáo, Cổng thông tin thành phần của huyện, tài liệu sinh hoạt tổ nhân dân tự quản; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tọa đàm, hội nghị, hội thảo chuyên đề về quản lý tài nguyên du lịch, hoặc lồng ghép triển khai chủ trương, chính sách du lịch trong các đợt nghiên cứu học tập, hội nghị của cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện; đồng thời thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, đưa chính sách, pháp luật vào chương trình giáo dục học đường, nhất là bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, bước đầu giáo dục, định hướng cho các em học sinh về thái độ đối với môi trường thiên nhiên, thái độ và cung cách ứng xử thân thiện đối với du khách…
Ngoài ra, huyện cần chú trọng nâng cao ý thức pháp luật cho khách du lịch, thông qua các cụm pa nô, áp phích, biển, bảng tuyên truyền, bố trí các bảng quy định, nội quy nơi thông thoáng, nơi du khách dễ nhìn thấy; phát hành các ấn phẩm ngắn gọn và xúc tích, trong đó tóm tắt những quy định thiết yếu chỉ dẫn cho khách du lịch khi đến tham quan, du lịch và thông qua vai trò của hướng dẫn viên du lịch giúp cho du khách tuân thủ pháp luật chặt chẽ hơn.
Hai là, đẩy mạnh thực hiện công tác quy hoạch, tập trung đầu tư có trọng điểm và thu hút đầu tư phát triển tài nguyên du lịch.
Đánh giá thực trạng, tiềm năng tài nguyên du lịch của từng địa phương để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển tài nguyên du lịch huyện Tam Đảo đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, nâng cao chất lượng và tính khả thi của các quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch, dịch vụ trên địa bàn huyện. Quản lý chặt chẽ việc xây dựng theo quy hoạch; tạo thuận lợi cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án, công trình tại các khu, điểm du lịch theo danh sách ưu tiên và giai đoạn thực hiện của đề án.
Ba là, củng cố tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về tài nguyên du lịch chuyên nghiệp, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành huyện, đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính liên quan nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển tài nguyên du lịch.
Củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước gắn với việc cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên du lịch, đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính có liên quan. Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên du lịch của huyện Tam Đảo cần được tổ chức thống nhất từ huyện đến cơ sở, bảo đảm sự phối hợp có hiệu quả giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý, phân định rõ quyền hạn và trách nhiệm của Phòng Văn hóa và Thông tin, Ban Quản lý Khu du lịch trong công tác quản lý, khẩn trương ban hành quy chế hoạt động của Ban Quản lý Khu du lịch, trong đó cần nêu rõ nhiệm vụ của Ban Quản lý trong công tác tham mưu cho UBND huyện quản lý nhà nước về tài nguyên du lịch, Phòng Văn hóa và Thông tin giữ vai trò hỗ trợ, phối hợp với Ban Quản lý trong công tác quy hoạch, kêu gọi đầu tư, xúc tiến du lịch trên địa bàn huyện.
Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan trong quản lý nhà nước về tài nguyên du lịch. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển tài nguyên du lịch phải luôn gắn với việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của huyện, phù hợp điều kiện về chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Chính vì vậy, trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên du lịch, UBND huyện Tam Đảo cần quan tâm chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về tài nguyên du lịch. Từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về tài nguyên du lịch của huyện Tam Đảo có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực tổ chức quản lý, điều hành.
Bốn là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý tài nguyên du lịch.
Trước hết cần thực hiện đánh giá tổng thể và dự báo nhu cầu nhân lực các lĩnh vực trong ngành Du lịch trên địa bàn huyện Tam Đảo. Đánh giá khả năng đáp ứng của các cơ sở đào tạo chuyên môn du lịch trên địa bàn để từ đó có biện pháp bổ sung kịp thời số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong du lịch. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch; chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo theo hướng hiệu quả, thiết thực, hợp lý, gắn đào tạo với sử dụng, đáp ứng yêu cầu thực tế. Quan tâm công tác đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực có chất lượng cao cho lĩnh vực du lịch.
Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động quản lý tài nguyên du lịch trên địa bàn huyện.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của huyện. Để thực hiện tốt nội dung này, UBND huyện Tam Đảo cần tập trung chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra, đặc biệt nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan thanh tra huyện trong thanh tra việc thực hiện chức năng của các cơ quan nhà nước liên quan đến tài nguyên du lịch, tăng cường thanh tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh. Mặt khác, Đội kiểm tra liên ngành, các ngành y tế, tài nguyên môi trường… cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền quy định.
5. Kết luận
Quản lý nhà nước về tài nguyên du lịch là nhân tố quyết định đến sự phát triển ngành Du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và của huyện Tam Đảo nói riêng, có tác động không nhỏ vào sự phát triển chung về kinh tế – xã hội của huyện. Du lịch huyện Tam Đảo thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên trong quá trình phát triển, nhiều yêu cầu của hoạt động quản lý tài nguyên du lịch vẫn chưa được thực hiện đầy đủ.
Việc tăng cường chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên du lịch trên địa bàn huyện sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển tài nguyên du lịch, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế – xã hội của huyện Tam Đảo.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2017). Luật Du lịch năm 2017.
2. Ban Thường vụ Huyện ủy Tam Đảo (2018). Chương trình hành động số 43-CTr/HU ngày 23/7/2018 về “Phát triển tài nguyên du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
3. UBND huyện Tam Đảo (2020). Kế hoạch số 237/KH-UBND ngày 21/12/2020 về việc triển khai “Đề án phát triển tài nguyên du lịch dịch vụ trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
4. Thường trực Huyện ủy Tam Đảo (2019). Thông báo số 598-TB/HU ngày 01/11/2019 về “Xây dựng Đề án phát triển tài nguyên du lịch dịch vụ trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
5. Trịnh Quang Hào (2002). Cơ sở khoa học cho các chính sách, giải pháp quản lý khai thác tiềm năng du dịch ở Việt Nam. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước.