(Quanlynhanuoc.vn) – Chiều ngày 24/10, Khoa Quản trị nhân lực, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo “Đổi mới quản lý viên chức gắn với vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập”. PGS.TS. Hoàng Mai, Trưởng Khoa Quản trị nhân lực chủ trị Hội thảo.
Tham dự và đóng góp ý kiến tại Hội thảo có các đại biểu, khách mời là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ Bộ Nội vụ; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn; Trường Đại học Thương Mại. Cùng dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện, giảng viên, sinh viên Khoa Quản trị nhân lực.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Hoàng Mai nhấn mạnh, đội ngũ viên chức là lực lượng nòng cốt quyết định chất lượng dịch vụ và sự phát triển của các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc đổi mới quản lý viên chức gắn với vị trí việc làm là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và là một vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thu hút, sử dụng, đãi ngộ, giữ chân và tạo động lực cho đội ngũ viên chức trong bối cảnh mới. Mặc dù vậy, ở cả góc độ lý luận và thực tiễn việc đổi mới quản lý viên chức gắn với vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn có nhiều vướng mắc, khó khăn.
Với mục đích tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ giữa các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đội ngũ giảng viên về những vấn đề lý luận, pháp lý, thực tiễn và giải pháp đổi mới quản lý viên chức gắn với vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập, Khoa Quản trị nhân lực tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đổi mới quản lý viên chức gắn với vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập”. Hội thảo mong muốn các đại biểu tích cực tham gia đóng góp ý kiến, tham luận, tập trung vào 2 nhóm nội dung chủ yếu sau: (1) Một số vấn đề lý luận và vấn đề đặt ra trong quản lý viên chức của các đơn vị sự nghiệp công lập; (2) Giải pháp đổi mới quản lý viên chức gắn với vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập trong bối cảnh hiện nay.
Tham luận tại Hội thảo, TS. Trần Nghị tập trung vào nội dung “Quản lý viên chức theo vị trí việc làm: kết quả chính và một số bất cập, vướng mắc đang đặt ra”. Tham luận chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý viên chức gắn với vị trí việc làm, như: một số quy định pháp luật về quản lý viên chức theo vị trí việc làm chưa rõ, thiếu thống nhất, thậm chí trùng lặp, chồng chéo; quy định về cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức chưa thực sự bảo đảm sát thực tế; quản lý viên chức theo vị trí việc làm chưa thực sự gắn với quy định tương ứng về cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là tự chủ về tài chính và tự chủ về nhân lực.
“Quản lý viên chức gắn với vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay” là nội dung tham luận của TS. Bùi Sỹ Tuấn, Phó Chánh Văn phòng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. TS. Tuấn chia sẻ bức tranh thực trạng, một số hạn chế, vướng mắc trong quá trình sắp xếp và xây dựng vị trí việc của các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt gắn với đặc thù của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội. Qua đó, đề xuất 2 nhóm giải pháp liên quan đến thể chế và sự phối hợp của các bộ ngành, cơ quan trung ương và địa phương trong xây dựng, triển khai vị trí việc làm.
Theo TS. Hà Quang Ngọc, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, việc giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý viên chức gắn với vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập cần phải xuất phát từ lý luận, qua đó giải quyết gốc rễ những vướng mắc, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển chung. TS. Ngọc gợi mở một số nội dung quan trọng cần chú ý, như: nghiên cứu, làm rõ, xác định mối quan hệ giữa công chức và viên chức, quy định trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; vấn đề công vụ, dịch vụ công; vị trí việc làm…từ phạm vi áp dụng đến bối cảnh các yếu tố tác động…
TS. Nguyễn Thế Thắng, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tham luận về thực trạng xác định nhu cầu giảng viên, đặt ra những thách thức trong việc xác định vị trí việc làm, quản lý viên chức, như: tính định mức lao động, tỷ lệ giảng viên, sinh viên; mô tả, xác định khung năng lực đội ngũ giảng viên trường đại học… Theo ông, trong xây dựng chính sách quản lý viên chức, cần bảo đảm tính vĩ mô, bên cạnh đó, bảo đảm thực hiện hiệu quả cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo ý kiến của TS. Tạ Ngọc Hải, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ, quản lý viên chức theo vị trí việc làm trên cơ sở ứng dụng các phương pháp quản trị doanh nghiệp hiện đại là xu hướng tất yếu, xuất phát từ yêu cầu thực hiện tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập ở Việt Nam hiện nay. Đi sâu vào chi tiết, TS. Hải chia sẻ thêm nhiều nội dung, như: xây dựng bản mô tả công việc trước hết cần phải minh định vị trí việc làm và ngạch, bậc, chức danh nghề nghiệp; những vấn đề liên quan đến xác định khung năng lực, công tác đánh giá, hoàn thiện thể chế, khung pháp lý…
TS. Nguyễn Tường Lan, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, các trường đại học và tổ chức nghiên cứu công lập đang gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân những tài năng trẻ, những người có thể trở thành đội ngũ kế thừa để bảo đảm sự phát triển bền vững và liên tục của các hoạt động nghiên cứu và đào tạo. Sự thiếu hụt này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu, giảng dạy mà còn làm suy giảm khả năng chuyển giao tri thức và công nghệ giữa các thế hệ nhà khoa học. TS. Lan chia sẻ chia sẻ một số giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút nguồn nhân lực khoa học – công nghệ từ thực tiễn tại Đại học Bách Khoa Hà Nội và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Bày tỏ quan điểm đồng tình với các ý kiến tham luận tại Hội thảo, PGS.TS. Phạm Ngọc Thanh, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn chia sẻ thêm, để giải quyết những vướng mắc trong quá trình đổi mới quản lý viên chức gắn với vị trí việc làm cần có cái nhìn tổng thể, cách tiếp cận cụ thể và đa chiều. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để các tổ chức, đơn vị tự chủ, đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong quá trình thực hiện, qua đó nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý phù hợp.
TS. Nguyễn Thị Kim Chi, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nhận định có nhiều rào cản trong quá trình triển khai đổi mới quản lý nhân lực theo mô hình vị trí việc làm, bao gồm: nhận thức, thể chế, pháp luật, tổ chức triển khai, các nguồn lực thực hiện. Một số giải pháp được TS. Chi đưa ra, như: có sự phân loại đơn vị sự nghiệp công lập, tương ứng xây dựng vị trí việc làm đặc thù, linh hoạt; đẩy mạnh trao quyền cho người đứng đầu; xây dựng cơ chế quản lý gắn với hiệu suất của tổ chức và từng cá nhân.
Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Hoàng Mai trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, nhà quản lý đã quan tâm, tham gia Hội thảo. Hội thảo đã chọn lọc được gần 20 bài tham luận được tổng hợp trong kỷ yếu cùng nhiều ý kiến thảo luận trực tiếp. Các bài viết, phát biểu thảo luận có hàm lượng khoa học, giá trị thực tiễn, thể hiện tính đa dạng, toàn diện trong cách tiếp cận và nghiên cứu, đề xuất những giải pháp đổi mới quản lý viên chức gắn với vị trí việc làm hướng tới nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền công vụ. Đây là nguồn tài liệu quý báu sẽ được Khoa Quản trị nhân lực, Học viện Hành chính Quốc gia chọn lọc, tiếp thu phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức, tham vấn chính sách trong lĩnh vực quản trị nhân lực nói chung, quản lý viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với vị trí việc làm nói riêng.
Quản Anh