Phát triển hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn ở châu Âu và hàm ý chính sách cho Việt Nam 

ThS. Bùi Nhật Huy
Viện Kinh tế Việt Nam, NCS của Học viện Khoa học xã hội 
Vũ Phương Mai
Trường Đại học Ngoại thương

(Quanlynhanuoc.vn) – Nghiên cứu phân tích các chủ thể và sự tương tác giữa các chủ thể trong hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn ở tại châu Âu. Về mặt lý luận, làm rõ cách tiếp cận đối với hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn yêu cầu sự tham gia của các chủ thể thuộc ba nhóm: Nhà nước, thị trường và cộng đồng, trong đó doanh nghiệp là chủ thể chính mang tính điều phối. Hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn tại châu Âu đã đạt được những thành tựu như xây dựng được lộ trình chính sách, sự phát triển của các doanh nghiệp và các nhóm ngành mang tính điều phối đặc thù. Tuy nhiên, nhiều thách thức về nguồn lực tài chính và sự xung đột chính sách cũng được nêu ra. Qua kinh nghiệm của châu Âu, bài viết đưa ra các hàm ý chính sách phù hợp nhằm hình thành và phát triển hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam1.

Từ khóa: Kinh tế tuần hoàn; hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn; hàm ý chính sách; châu Âu; Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Sự sụt giảm về trữ lượng và tối đa hóa hiệu quả sử dụng của các nguồn tài nguyên vật chất là vấn đề nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ toàn cầu trong những năm gần đây, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu về nguyên liệu đã tăng gấp ba lần kể từ năm 1970 và dự kiến sẽ tăng gấp đôi một lần nữa vào năm 2060 (IRP, 2019; OECD, 2019). Thêm vào đó, đối với nhiều nguồn tài nguyên vật chất, sự cạn kiệt cũng chưa đáng ngại bằng những tác động tiêu cực ngày càng tăng đối với môi trường và thiên nhiên cũng như sự phụ thuộc và gián đoạn ngày càng tăng của các chuỗi sản xuất quốc tế, đặt trong bối cảnh mới về ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Covid-19 hay từ những cuộc xung đột chính trị quốc tế, như: Nga và Ukraina hay các cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Trong bối cảnh đó, kinh tế tuần hoàn đã và đang là một giải pháp, mô hình kinh tế được thế giới và Việt Nam hướng đến nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh và giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh gấp rút thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam đến năm 20502. Vì vậy, sự chuyển dịch sang các mô hình kinh tế tuần hoàn là điều cần thiết đối với cả nền kinh tế Việt Nam và thế giới. 

Tuy nhiên, hầu hết ở các quốc gia trên thế giới, các doanh nghiệp đơn lẻ không thể tự đạt được tính tuần hoàn trong sản xuất (Tate et al., 2019) mà kinh tế tuần hoàn liên quan đến toàn bộ mạng lưới sản xuất, được tổ chức theo cấu trúc hệ sinh thái (Hsieh et al., 2017), trong đó trách nhiệm giữa các bên tham gia được phân tán (Murray, Skene and Haynes, 2017). Một hệ sinh thái được đặc trưng bởi tính không đồng nhất và phụ thuộc lẫn nhau giữa các chủ thể bên trong (Adner, 2017) có bổ sung lẫn nhau (Jacobides, Cennamo and Gawer, 2018) (de Vasconcelos Gomes et al., 2018), có vai trò cụ thể trong mô hình (Adner, 2017) và những người sắp xếp các hoạt động này để tạo ra một chuỗi sản xuất giá trị (Autio and Thomas, 2020). Do đó, hệ thống khái niệm về “hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn” được ra đời như một phương pháp phân tích để hiểu sâu hơn về các thức mô hình kinh tế này hoạt động, đồng thời tìm ra được các nguyên nhân, điểm nhấn của sự phát triển. 

Một vấn đề nữa là lượng rác thải phát sinh trên toàn cầu đang tăng lên. Chỉ riêng người dân và doanh nghiệp tại Liên minh châu Âu (EU) đã thải ra hơn 2 tỷ tấn rác thải mỗi năm, hay 4,8 tấn/người, chủ yếu từ hoạt động xây dựng, khai khoáng và công nghiệp3. Trung bình, mỗi người dân châu Âu thải ra nửa tấn rác thải đô thị mỗi năm, trong đó chưa đến một nửa được tái chế. Lượng rác thải này có tác động tiêu cực đến môi trường, đa dạng sinh học và sức khỏe, đồng thời tốn kém để quản lý. Điều này cũng cho thấy, chúng ta không sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên hữu hạn của trái đất (EIB, 2024). Việc đánh giá thực trạng và tìm được các bài học kinh nghiệm từ quốc gia đi trước như châu Âu sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Bài viết tập trung đánh giá hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn tại quốc gia này và đề xuất những bài học kinh nghiệm phù hợp cho Việt Nam. 

2. Khái niệm về hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn

Hệ sinh thái được coi là một cấu trúc phụ thuộc lẫn nhau bao gồm các tác nhân, vai trò, hoạt động, luồng, liên kết và đề xuất giá trị (Adner, 2017). Kết hợp với khái niệm về kinh tế tuần hoàn, “hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Ecosystem – CEE) được định nghĩa là một thực thể đa tác nhân, trong đó các tác nhân phụ thuộc lẫn nhau đóng vai trò bổ sung cho nhau (Trevisan et al., 2022). Các tác nhân có thể bao gồm các công ty, tác nhân trong ngành, tác nhân công và chính phủ như thành phố và đô thị, các bộ, trường đại học, tổ chức phi lợi nhuận và người tiêu dùng công dân. 

Về các chủ thể trong hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, hình 1 đã mô tả về các chủ thể của hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn và cách các chủ thể này tương tác với nhau và được phân ra làm 3 nhóm: (1) Nhóm Nhà nước (chính trị gia, nhà hoạch định chính sách, viên chức, công dân, cử tri, pháp nhân); (2) Nhóm cộng đồng (cộng đồng dân cư, gia đình, bạn bè); (3) Nhóm thị trường (người tiêu dùng, khách hàng, nhà sản xuất, chủ lao động, nhân viên, doanh nhân, trong đó các doanh nghiệp/công ty có thể được coi là các tác nhân trung tâm trong quá trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn). 

Theo (Laurent, 2022), nền kinh tế tuyến tính cũ là mô hình kinh tế mở dựa trên ba yếu tố cơ bản: (1) Chi phí tái cấu trúc; (2) Tài sản chuẩn; (3) Người thắng và người thua trên thị trường. Mặt khác, nền kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế liên tục tập trung vào: lợi ích kinh tế; lợi ích môi trường; lợi ích tài nguyên; lợi ích xã hội. Do đó, việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn yêu cầu phải chuyển đổi mục đích kinh doanh, từ đó cần có sự xuất hiện của nhóm doanh nghiệp điều phối (hay hiệu ứng người điều phối) (de Oliveira and Beuren, 2024).

Hình 1. Các chủ thể trong hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn

Nguồn: Avelino & Wittmayer, 2016

– Đối với các mối quan hệ trong nhóm thị trường: (Pel, Fossati and Bauler, 2021) và (Luhmann, 2004)cho rằng thị trường dưới tác động của “bàn tay vô hình” sẽ đưa ra các phương pháp sản xuất hiệu quả. Khi tình trạng khan hiếm các vật liệu quan trọng đang trở thành một vấn đề ngày càng cấp bách, việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn sẽ là một xu thế tất yếu. Tuy nhiên, kinh tế tuần hoàn do thị trường thúc đẩy có xu hướng vẫn giới hạn do tình trạng khan ở những thị trường tập trung quá hẹp vào chi phí và lợi ích trước mắt mà bỏ qua nhiều tác động phụ về mặt xã hội và sinh thái trong ngắn hạn. Vì vậy, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cần có sự tham gia của nhiều chủ thể. (Hobson and Lynch, 2016) nhấn mạnh rằng các chính sách kinh tế tuần hoàn không nên coi đối tượng chính sách chỉ là người tiêu dùng, mà còn phải thúc đẩy sự đổi mới trong các sản phẩm, quy trình và mô hình kinh doanh. Do đó, đánh giá thực trạng phát triển của hệ sinh thái, cần phải đánh giá những mối quan hệ cung – cầu trên thị trường và quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn của các mối quan hệ này.

– Đối với các mối quan hệ trong nhóm Nhà nước: (Moreau et al., 2017) lập luận một cách thuyết phục rằng mọi quá trình chuyển đổi đều xoay quanh việc tinh chỉnh về mặt thể chế và quy định: Những gì được coi là chất thải? Những loại chất thải nào có thể được vận chuyển và buôn bán trong những điều kiện nào? Và loại tuần hoàn nào khả thi về mặt kinh tế, xét theo các thỏa thuận về thể chế và chi phí giao dịch? Quá trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn chủ yếu xoay quanh các thử nghiệm bãi bỏ quy định và xóa bỏ các rào cản hành chính. Ngay cả khi phần lớn sự chuyển đổi của kinh tế tuần hoàn biểu hiện là đến từ “bên ngoài” như các doanh nghiệp sáng tạo và các tác nhân phi nhà nước, vì vậy, việc tổ chức hỗ trợ thể chế bền vững và không gian cho quá trình thử nghiệm vẫn rất quan trọng (Ampe et al., 2021). Các chính sách và sự điều hướng cho phép sự cộng sinh phát triển, thông qua những nỗ lực xây dựng lòng tin và các điều kiện ổn định cho đầu tư (Boons and Spekkink, 2012).

– Đối với các mối quan hệ trong nhóm cộng đồng. Các doanh nhân, nhà sản xuất, chính trị gia và công chức có xu hướng đảm nhiệm các vai trò khác trong xã hội, chẳng hạn như cư dân, phụ huynh, lãnh đạo cộng đồng, thành viên hiệp hội hoặc tình nguyện viên. Điều này cho thấy tầm quan trọng của cộng đồng, các thể chế và phong tục phi chính thức khác nhau ở dưới dạng nhận thức. Ví dụ: tại Bỉ, các doanh nghiệp xã hội đã phát triển các hoạt động tái chế và tái sử dụng như một phần của các chương trình đổi mới xã hội rộng lớn hơn hướng tới sự hòa nhập xã hội (Pel and Bauler, 2017) cho thấy cộng đồng đóng vai trò là lò ấp cho các sáng kiến xã hội và chấp nhận các sự thay đổi có các yếu tố kinh tế tuần hoàn.

3. Thực trạng hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn tại châu Âu

3.1. Thực trạng thể chế và chính sách trong hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn tại châu Âu

Về thể chế và hệ thống chính sách phục vụ cho sự phát triển của kinh tế tuần hoàn, EU đã đưa ra một lộ trình cho sự phát triển với sự hình thành của các mục tiêu cụ thể cùng với các phương pháp đo lường cho từng mục tiêu tuần hoàn (được mô tả ở bảng 1). Ủy ban châu Âu đã thông qua kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn mới (CEAP) vào tháng 3/2020. Đây là một trong những nền tảng chính của Thỏa thuận Xanh châu Âu, một chương trình nghị sự mới của châu Âu về tăng trưởng bền vững. Việc EU chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn sẽ giúp làm giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên, hướng đến tăng trưởng bền vững tạo ra thêm việc làm. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2050 của EU và ngăn chặn sự mất đi của đa dạng sinh học.

Bảng 1: Hệ thống chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn của châu Âu

NămTên chính sách
Ngày 16/10/2023Thỏa thuận xanh của châu Âu: Ủy ban thông qua đề xuất mới về quy định ngăn ngừa tổn thất viên nén
Ngày 22//3/2023Bảo vệ người tiêu dùng: cho phép lựa chọn bền vững và chấm dứt việc tẩy xanh
Ngày 30/3/2022Thỏa thuận xanh: đề xuất mới để biến các sản phẩm bền vững thành chuẩn mực và thúc đẩy sự độc lập về tài nguyên của châu Âu
Ngày 17/11/2021Thỏa thuận xanh của châu Âu: Ủy ban thông qua đề xuất mới về các lô hàng chất thải
Ngày 28/10/2021Thỏa thuận xanh của châu Âu: Ủy ban thông qua các giới hạn mới đối với một số hóa chất độc hại nhất trong chất thải
Ngày 22/2/2021EU ra mắt Liên minh toàn cầu về kinh tế tuần hoàn và hiệu quả tài nguyên
Ngày 10/12/2020Thỏa thuận xanh: pin bền vững cho nền kinh tế tuần hoàn và trung hòa khí hậu
Ngày 11/3/2020Thay đổi cách chúng ta sản xuất và tiêu thụ: kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn mới chỉ ra con đường hướng tới nền kinh tế cạnh tranh, trung hòa khí hậu của những người được trao quyền người tiêu dùng
Nguồn: (EC, 2024)

Kế hoạch hành động mới công bố các sáng kiến áp dụng cho toàn bộ vòng đời của sản phẩm nhắm mục tiêu đến cách thức sản phẩm được thiết kế, thúc đẩy các quy trình của kinh tế tuần hoàn, khuyến khích tiêu dùng bền vững và nhằm mục đích bảo đảm rằng chất thải sẽ được ngăn chặn và các tài nguyên được sử dụng sẽ luân chuyển tuần hoàn trong nền kinh tế EU càng lâu càng tốt. Các biện pháp sẽ được áp dụng trong kế hoạch hành động mới nhằm mục đích như sau: (1) Biến các sản phẩm bền vững trở thành tiêu chuẩn chung ở EU; (2) Trao quyền cho người tiêu dùng và người mua; (3) Tập trung vào các lĩnh vực sử dụng nhiều tài nguyên nhất và có tiềm năng tuần hoàn cao như: điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông, pin, xe cộ, bao bì, nhựa, dệt may, xây dựng, thực phẩm và nước; (4) Bảo đảm việc phát sinh ít chất thải hơn; (5) Áp dụng kinh tế tuần hoàn ở tất cả các cấp độ từ cá nhân cho đến vùng, thành phố; (6) Dẫn đầu xu thế toàn thế giới trong việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn.

Các chiến lược có liên quan trong việc triển khai kinh tế tuần hoàn bao gồm: (1) Thỏa thuận xanh châu Âu4; (2) Kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn đầu tiên5; (3) Chiến lược về hóa chất6; (4) Chiến lược về công nghiệp7; (5) Chiến lược về nhựa8; (6) Kế hoạch hành động hướng tới mức ô nhiễm bằng không9. Có thể thấy về các hành động của khu vực nhà nước, châu Âu đã đưa ra một lộ trình rõ ràng, bài bản, có cập nhật dựa trên thực trạng mỗi năm và coi sự chuyển đổi này là một quá trình tất yếu đối với nền kinh tế và từng bước tiếp cận theo quy mô trung mô (quy mô ngành, lĩnh vực).

3.2. Thực trạng thị trường của hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn tại châu Âu 

Một là, về hệ sinh thái các tổ chức thúc đẩy doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm/dịch vụ kinh tế tuần hoàn tại châu Âu. Về thị trường tiêu thụ sản phẩm tuần hoàn, Hà Lan là quốc gia dẫn đầu trong tỷ lệ tiêu thụ các nguyên liệu tuần hoàn trong khu vực châu Âu, tỷ lệ liên tiếp dẫn đầu từ năm 2010 với 25,5% đến năm 2022 với 27,5%. Xếp thứ hai là Bỉ với 22,2% trong năm 2022 và Pháp với 19,9% trong cùng năm10. Điều này đánh giá về tiềm năng tiêu thụ các sản phẩm tuần hoàn nội địa tại châu Âu là vô cùng mạnh mẽ. 

Hình 2. Tỷ lệ sử dụng vật liệu tuần hoàn tại Liên minh châu Âu 2010 – 2022 theo quốc gia

Nguồn: Statista, 2024

Dựa trên bối cảnh này, một trong những điểm nhấn của châu Âu đó là sự tập trung vào đội ngũ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. 19 hệ sinh thái, nền tảng hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (start-up) liên quan đến các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và hỗ trợ hoạt động trong các nền tảng kinh tế tuần hoàn đã được lập ra. Cho thấy mục tiêu của châu Âu tạo là tạo ra sự liên kết giữa các nhóm tổ chức đặc biệt là xuyên quốc gia và trong khu vực châu Âu, các hệ sinh thái nhỏ, cộng sinh được hình thành. 

Tuy nhiên, việc chủ động hình thành các hệ sinh thái tập trung vào các lĩnh vực theo chủ quan của chính phủ cũng đặt ra nhiều thách thức đặc biệt trong đội ngũ doanh nghiệp. Chẳng hạn như ở Hà Lan, hầu hết các doanh nghiệp tuần hoàn sáng tạo và các dự án tuần hoàn chủ yếu là công nghệ và tập trung vào tái chế. Ít chú ý hơn đến các cải tiến có thể thay đổi hoàn toàn việc sử dụng các nguồn tài nguyên vật liệu. Điều mà Chính phủ Hà Lan hướng tới đó là các mô hình tuần hoàn với tính thực tiễn và tính quyết đoán, kết hợp giữa kinh tế và tính bền vững trong các mô hình kinh doanh mới. Phần lớn các công ty Hà Lan có cách tiếp cận tuần hoàn tập trung vào sửa chữa, tái chế, tái sử dụng và đã hoạt động trong lĩnh vực này kể từ trước khi có chính sách kinh tế tuần hoàn, điều này cũng thể hiện ở tỷ lệ xuất khẩu chất thải nhựa sang các quốc gia khác tại Hà Lan đạt 675,62 ngàn tấn vào năm 2022 (xếp thứ 2 trong khu vực châu Âu, chỉ sau Đức với 745,74 ngàn tấn) (Statista, 2024). Tuy nhiên, sự tập trung của chính sách này đang ngày càng hướng đến những đổi mới trong lĩnh vực việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, các mô hình kinh doanh mới, trong đó người tiêu dùng trả tiền để sử dụng thay vì sở hữu và các hình thức tài trợ và thuế quan sẽ hỗ trợ các mô hình như vậy. Do đó, mục tiêu của chính sách xung đột với những điểm quan tâm của người dân. 

Hai là, về hệ sinh thái nghiên cứu và đổi mới sáng tạo cho kinh tế tuần hoàn. Năm 2019, hơn 100 hội nghị về nền kinh tế tuần hoàn đã được tổ chức (RHDHV, 2020). Tại một số công ty, như từ ngành dệt may và nhiều ngành khác nhau trong sản xuất, chủ đề về nền kinh tế tuần hoàn đã được đưa vào chương trình nghị sự chiến lược. Số lượng ấn phẩm khoa học về kinh tế tuần hoàn trên toàn thế giới đã tăng từ khoảng 70 vào năm 2014 lên hơn 1.600 vào năm 2019 (Türkeli et al., 2022). Các chương trình giáo dục và khóa học về kinh tế tuần hoàn cũng đã tăng lên ở một số quốc gia như Hà Lan. 

Gần một nửa số học viện giáo dục nghề nghiệp bậc cao và 80% các trường đại học đang chú ý đến tính tuần hoàn trong chương trình giảng dạy của họ (The Netherlands Enterprise Agenc, 2021). Hơn một nửa số bài báo khoa học của Hà Lan đề cập đến tái chế (hoặc thu hồi) trong mô tả chủ đề của họ nhưng không có chiến lược tuần hoàn nào khác (Türkeli et al., 2022). Tính đến năm 2024, trên toàn châu Âu có 58 mạng lưới chia sẻ kiến thức, nghiên cứu ứng dụng và phát triển kinh tế tuần hoàn. Trong đó các mạng lưới do liên minh châu Âu tổ chức nghiên cứu hoặc chịu trách nhiệm chính chiếm nhiều nhất (9 mạng lưới), xếp theo sau đó là các quốc gia với 5 mạng lưới như Đức; Bỉ; Hà Lan; Đan Mạch.

Ba là về hệ sinh thái tài chính cho kinh tế tuần hoàn, đầu tư và huy động tài chính vào nền kinh tế tuần hoàn có thể là một bước ngoặt thực sự trong quá trình chuyển đổi xanh. Khởi đầu từ năm 2019, EU thông qua Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB- European Investment Bank) đã khởi động Sáng kiến ​​chung về nền kinh tế tuần hoàn cùng với các ngân hàng và tổ chức xúc tiến quốc gia lớn nhất của EU để thúc đẩy đầu tư vào nền kinh tế tuần hoàn tại châu Âu. Từ năm 2019 đến năm 2023, EIB đã cung cấp 3,83 tỷ euro để đồng tài trợ cho 132 dự án kinh tế tuần hoàn trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đồng thời, sáng kiến này đã thúc đẩy sự hình thành của các hệ sinh thái tài chính dành cho kinh tế tuần hoàn tại các quốc gia châu Âu như tại bảng dưới. Điểm chung của các nền tảng này, ngoài hoạt động huy động vốn cho các dự án kinh tế tuần hoàn tại quốc gia sở tại, đều xuất phát từ các chương trình hành động hay khung hành động chung của EU. Kinh tế tuần hoàn yêu cầu nguồn lực tài chính lớn nhằm thay đổi quy trình sản xuất từ tuyến tính truyền thống sang kinh tế tuần hoàn, do đó, sự chuẩn bị sẵn có về mặt tài chính đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp sẽ rất khó khăn nếu không có sự tiếp cận từ các hệ sinh thái tài chính chuyên biệt cho kinh tế tuần hoàn.

Bảng 2: Các nền tảng/hệ sinh thái tài chính cho kinh tế tuần hoàn

Tên nền tảng/hệ sinh tháiQuốc giaNgành/lĩnh vực chính
BDI-Initiative Circular EconomyĐứcHành động tuần hoàn vì sự trung hòa khí hậu, thiết kế tuần hoàn, quản trị
CIRCLESHà LanNâng cao nhận thức, hành động tuần hoàn vì sự trung hòa khí hậu
Circular Hub TirolÁoNâng cao nhận thức, Dịch vụ B2B, Thiết kế tuần hoàn
Circular PointHungaryNâng cao nhận thức
DigitalLeadĐan MạchGiải pháp kỹ thuật số
Fab City Global InitiativeEstoniaNâng cao nhận thức
ICESP: Piattaforma Italiana degli attori per l’Economia Circolare (Italian Circular Economy Stakeholder Platform)ItaliaNâng cao nhận thức
IHK SchwabenĐứcNâng cao nhận thức
InnovaWood: The European Network for Wood Research, Innovation and EducationBỉNông nghiệp, phân bón và lâm nghiệp
Osservatorio Innovazione Packaging (Observatory for Innovative Packaging)ItaliaThiết kế tuần hoàn
ReMade@ARIEUPin và phương tiện
Sustainable Procurement PlatformEUMua sắm công
Taranto Circolare: the circular transition begins in TarantoItaliaĐo lường tính tuần hoàn
The Circulars Accelerator – catalyzing circular innovationEUHuy động tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp
The Confederation of Danish Industry: Network for Circular EconomyĐan MạchHành động tuần hoàn vì sự trung hòa khí hậu
The Danish Knowledge Centre for Circular Construction launches a network for professionalsĐan MạchTừ chối, suy nghĩ lại, giảm thiểu
The Luxembourg EcoInnovation Cluster – Promoting circular economyLuxembourgHành động tuần hoàn vì sự trung hòa khí hậu, thiết kế tuần hoàn, quản trị
Nguồn: Tổng hợp của tác giả, năm 2024

4. Kết luận và hàm ý chính sách phát triển hệ sinh thái tuần hoàn cho Việt Nam

a. Kết luận

Để tiếp cận hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, bài viết đã hệ thống được hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn là một thực thể đa tác nhânng vai trò bổ sung cho nhau, bao gồm: các công ty, tác nhân trong ngành, tác nhân công và chính phủ như thành phố và đô thị, các bộ, trường đại học, tổ chức phi lợi nhuận và người tiêu dùng công dân. Điểm nhấn của hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn khác biệt với các hệ sinh thái khác đó là vai trò điều phối chính là của doanh nghiệp tuần hoàn sẽ là chủ thể điều hướng cho các chủ thể khác. 

Tuy nhiên, với đặc điểm của kinh tế tuần hoàn đối ngược với kinh tế thị trường tuyến tính hiện tại với chi phí và các lợi ích ngắn hạn. Các doanh nghiệp sẽ không thể chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn một cách tự nhiên nếu chưa nhận biết được các lợi ích trong dài hạn và sự thiếu hụt trong tài nguyên, do đó, vai trò của khu vực công cần phải thúc đẩy cho sự chuyển đổi này theo nhiều phương pháp khuyến khích và ép buộc, tạo ra các hành lang pháp lý và cơ sở pháp chế. 

Hiện nay, châu Âu trước tiên hình thành được lộ trình và các chính sách phát triển theo kèm rõ ràng, và đặt ra mục tiêu của các quốc gia thành viên, điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống liên kết giữa các quốc gia trong khu vực với sự phát triển đồng bộ. Sau đó, khu vực châu Âu xây dựng lộ trình phát triển riêng của các quốc gia và cho ra đời các hệ sinh thái quy mô liên quốc gia, hoặc trong nội bộ quốc gia, kết nối nhiều nhóm chủ thể trong nhiều lĩnh vực. Đồng thời các chính sách của các quốc gia châu Âu đã hướng trực tiếp đến một số lĩnh vực ưu tiên có thể mạnh trong kinh tế tuần hoàn và nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thế mạnh về các giải pháp công nghệ. Kinh tế tuần hoàn yêu cầu sự huy động nguồn lực tài chính rất lớn, do đó các tổ chức, nền tảng, hệ sinh thái liên quốc gia hoặc trong quốc gia được hình thành để huy động nguồn lực tài chính trong quốc gia đó.

b. Hàm ý chính sách cho Việt Nam 

Dựa vào kinh nghiệm phát triển của châu Âu, một số hàm ý chính sách cho Việt Nam để phát triển hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn được bài viết đề xuất như sau:

Thứ nhất, cần phải xây dựng lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn với sự phân công của các chủ thể rõ ràng, mục tiêu thực hiện và phương pháp đo lường việc thực hiện các mục tiêu đó để có những điều chỉnh, giám sát và phản ứng chính sách tức thì. Các chính sách hỗ trợ nên được xây dựng từ quy mô trung mô, nghĩa là quy mô ngành lĩnh vực. Lộ trình phát triển ở giai đoạn ban đầu cần hướng trọng tâm vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, có tiềm năng phát triển, và phù hợp với đặc thù của quốc gia. Đồng thời, các chính sách về tài chính cần có sự phân bổ rõ ràng về con số, khi so sánh với các chính sách tại châu Âu, nguồn lực tài chính được phân bổ ngay trong khi công bố các chính sách tài chính ban đầu. 

Thứ hai, việc phát triển kinh tế tuần hoàn cần phải được tiếp cận theo hệ sinh thái một cách đồng bộ. Các chủ thể tham gia vào hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn ở các quy mô đều có sự tương tác, tác động lẫn nhau. Do đó, việc đối với việc chuyển đổi mô hình từ tuyến tính sang tuần hoàn phải có sự đầu tư về các nguồn lực công nghệ, tài chính, nhân lực một cách đồng bộ. Đồng thời, sự liên kết giữa các quốc gia trong khu vực và với các quốc gia phát triển trên thế giới là vô cùng quan trọng trong việc công sinh phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thứ ba, cần nhấn mạnh vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, trong đó có cơ chế khuyến khích một số doanh nghiệp mang tính điều phối, dẫn dắt kéo theo sự phát triển của cả một hệ sinh thái lân cận. Các sự khuyến khích này cần được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và hài hòa đối với các mục tiêu lớn của đất nước. Theo đó, chỉ nên tập trung vào một số các nhóm lĩnh vực ưu tiên để có sự tập trung nguồn lực.

Chú thích:
1. Bài viết là sản phẩm của đề tài cơ sở: “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn”, năm 2024 của Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
2. Việt Nam góp phần thực hiện cam kết đưa mục phát thải ròng về “0”. https://dangcongsan.vn/xay-dung-xa-hoi-an-toan-truoc-thien-tai/viet-nam-gop-phan-thuc-hien-cam-ket-dua-muc-phat-thai-rong-ve-0-636016.html
3. Circular economy overview 2024. https://www.eib.org/attachments/lucalli/20240104_circular_economy_overview_2024_en.pdf
4. European Green Deal. https://ec.europa.eu/info/strategy/priorities-2019-2024/european-green-deal_en
5. Circular Economy action plan. https://ec.europa.eu/environment/circular-economy/first_circular_economy_action_plan.html
6. Chemicals strategy – European Commission. https://ec.europa.eu/environment/strategy/chemicals-strategy_en
7. European Industrial Strategy. https://ec.europa.eu/info/strategy/priorities-2019-2024/europe-fit-digital-age/european-industrial-strategy_en
8. Plastics Strategy. https://ec.europa.eu/environment/strategy/plastics-strategy_en
9. Zero Pollution Action Plan – Environment – European Union. https://ec.europa.eu/environment/strategy/zero-pollution-action-plan_en
10. Circular material use rate in European Union. https://www.statista.com/statistics/1316448/circular-material-use-rate-in-european-union/
Tài liệu tham khảo:
1. Adner, R. (2017). “Ecosystem as Structure: An Actionable Construct for Strategy”, Journal of Management, 43(1), pp. 39–58. Available at: https://doi.org/10.1177/0149206316678451.
2. Ampe, K. et al. (2021). “Incumbents” enabling role in niche-innovation: Power dynamics in a wastewater project’, Environmental Innovation and Societal Transitions, 39, pp. 73–85.
3. Autio, E. and Thomas, L.D. (2020). “Value co-creation in ecosystems: Insights and research promise from three disciplinary perspectives”, in Handbook of digital innovation. Edward Elgar Publishing, pp. 107–132. Available at: https://www.elgaronline.com/abstract/edcoll/9781788119979/9781788119979.00017.xml (Accessed: 8 September 2024).
4. Boons, F. and Spekkink, W. (2012). “Levels of Institutional Capacity and Actor Expectations about Industrial Symbiosis: Evidence from the Dutch Stimulation Program 1999–2004”, Journal of Industrial Ecology, 16(1), pp. 61–69. Available at: https://doi.org/10.1111/j.1530-9290.2011.00432.x.
5. EC (2024). Monitoring framework – Eurostat. Available at: https://ec.europa.eu/eurostat/web/circular-economy/monitoring-framework (Accessed: 3 October 2024).
6. Hobson, K. and Lynch, N. (2016). “Diversifying and de-growing the circular economy: Radical social transformation in a resource-scarce world”Futures, 82, pp. 15–25.
7. Hsieh, Y.-C. et al. (2017). “Governing a sustainable business ecosystem in Taiwan’s circular economy: The story of spring pool glass”, Sustainability, 9 (6), p. 1068.
Jacobides, M.G., Cennamo, C. and Gawer, A. (2018). “Towards a theory of ecosystems”, Strategic Management Journal, 39(8), pp. 2255–2276. Available at: https://doi.org/10.1002/smj.2904.
9. Laurent, É. (2022). “Air (ine)quality in the European Union”, Current Environmental Health Reports, 9(2), pp. 123-129. Available at: https://doi.org/10.1007/s40572-022-00348-6.
10. Luhmann, N. (2004). Ökologische Kommunikation. Wiesbaden: VS Verlag für Sozialwissenschaften. Available at: https://doi.org/10.1007/978-3-663-05746-8.
11. Moreau, V. et al. (2017). “Coming Full Circle: Why Social and Institutional Dimensions Matter for the Circular Economy”, Journal of Industrial Ecology, 21(3), pp. 497–506. Available at: https://doi.org/10.1111/jiec.12598.
12. Murray, A., Skene, K. and Haynes, K. (2017). “The Circular Economy: An Interdisciplinary Exploration of the Concept and Application in a Global Context”, Journal of Business Ethics, 140(3), pp. 369–380. Available at: https://doi.org/10.1007/s10551-015-2693-2.
13. de Oliveira, R.M. and Beuren, I.M. (2024). “Cooperative or competitive style of confict management? Efects on information sharing and agricultural cooperatives’ performance”, Cadernos EBAPE.BR, 22(1), pp. 1–19. Available at: https://doi.org/10.1590/1679-395120230013x.
14. Pel, B. and Bauler, T. (2017). “A transitions studies perspective on The social economy; exploring institutionalization and capture in Flemish “Insertion” practices”, Annals of Public and Cooperative Economics, 88(2), pp. 279–298. Available at: https://doi.org/10.1111/apce.12167.
15. Pel, B., Fossati, E.C. and Bauler, T. (2021). “The secret life of exnovation: Exploring wear signals of a new sustainability transitions mindset”, Transitioning to a circular economy changing business models and business ecossystems, p. 75.
16. RHDHV (2020). Annual Reports ArchiveRoyal HaskoningDHV. Available at: https://www.royalhaskoningdhv.com/en/about-us/annual-report/reports-archive (Accessed: 9 September 2024).
17. Tate, W.L. et al. (2019). “Seeing the forest and not the trees: Learning from nature’s circular economy”, Resources, Conservation and Recycling, 149, pp. 115–129.
18. The Netherlands Enterprise Agenc (2021). “SDE++ 2021 Stimulation of Sustainable Energy Production and Climate Transition”. Available at: https://english.rvo.nl/sites/default/files/202308/Brochure%20SDE%2B%2B%202021%20-%20oktober%202021.pdf.
19. Trevisan, A.H. et al. (2022). “Unlocking the circular ecosystem concept: Evolution, current research, and future directions”, Sustainable Production and Consumption, 29, pp. 286-298.
20. Türkeli, S. et al. (2022). “Issues, interventions, and innovations in the cement industry: A comparative trajectory analysis of eco-cement transitions in the Netherlands, China, and Japan”, in Circular Economy and Sustainability. Elsevier, pp. 545-566. Available at: https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/B9780128198179000272 (Accessed: 9 September 2024).
21. de Vasconcelos Gomes, L.A. et al. (2018). “Unpacking the innovation ecosystem construct: Evolution, gaps and trends”, Technological forecasting and social change, 136, pp. 30-48.