TS. Đặng Thanh Tuấn
Học viện Hành chính Quốc gia
ThS. Math Giang Thanh
Ban Dân tộc TP. Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và chính quyền TP. Hồ Chí Minh về phát triển chính phủ điện tử và Chương trình chuyển đổi số quốc gia, trong thời gian qua Ban Dân tộc Thành phố tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan chỉ đạo triển khai hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong công tác dân tộc và đối với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số nói riêng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc nói chung. Để làm tốt hơn chuyển đổi số Ban Dân tộc TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới, bài viết đề xuất một số giải pháp góp phần đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc tại TP. Hồ Chí Minh.
Từ khóa: chuyển đổi số; quản lý nhà nước; công tác dân tộc; TP. Hồ Chí Minh
1. Đặt vấn đề
Để thực hiện tốt chương trình chuyển đổi số quốc gia không chỉ có chiến lược đúng đắn từ Chính phủ mà các ban, ngành các cấp, lãnh đạo các địa phương cần vào cuộc cùng chung tay giúp toàn dân thực hiện số hóa, đem lại đời sống ấm no, hiện đại hơn. Quan điểm khi thực hiện chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong công tác dân tộc nói riêng phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực, nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số, hướng tới việc hình thành Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số.
Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của toàn xã hội, TP. Hồ Chí Minh sớm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác dân tộc, coi đó là nền tảng mang tính quyết định, giúp đẩy nhanh quá trình thực thi các quyết sách của Đảng, Nhà nước… liên quan tới đồng bào dân tộc thiểu số.
TP. Hồ Chí Minh hiện đang triển khai Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, do vậy, lĩnh vực công tác dân tộc cũng đã xác định, việc tập trung thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực công tác, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để thực thi và đưa các chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân tộc thiểu số một cách thiết thực, hiệu quả nhất. Qua đó tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá trong đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong công tác phối hợp giữa các đơn vị trong cơ quan Ban Dân tộc Thành phố; phát huy tối đa nguồn lực xã hội để hưởng ứng tích cực, tham gia các hoạt động có liên quan đến chuyển đổi số do chính quyền Thành phố tổ chức.
2. Công tác chỉ đạo điều hành và kế hoạch thực hiện chuyển đổi số trong cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc tại TP. Hồ Chí Minh
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số văn bản quan trọng liên quan đến chuyển đổi số tiêu biểu như: Quyết định số 884/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025; Quyết định số 749/QĐ-TTg ban hành ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg ban hành ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Gần đây nhất, ngày 02/10/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1087/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030” với mục tiêu tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc nhằm mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số Việt Nam…
Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh xác định việc xây dựng và thực hiện Chuyển đổi số là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, cấp bách, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cụ thể hóa nhiệm vụ Chuyển đổi số và triển khai hiệu quả Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Căn cứ chỉ đạo Trung ương và tình hình đặc thù của Thành phố, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 27/8/2022 của Thành ủy về đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh và Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 8/7/2023 của Thành ủy về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Thành ủy TP. Hồ Chí Minh ban hành Công văn số 1434-CV/TU ngày 27/5/2024 về việc tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn Thành phố năm 2024 và những năm tiếp theo.
TP. Hồ Chí Minh xác định tất cả ứng dụng công nghệ thông tin phải luôn hướng đến việc tạo sự thuận tiện cho người dân sử dụng, xoay quanh nhu cầu, lợi ích của người dân, đồng thời cũng tập trung công tác chuyển đổi số gắn với chủ đề năm 2024 là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”, phù hợp định hướng chuyển đổi số quốc gia năm 2024.
UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành một số văn bản sau: Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 03/7/2020 của UBND Thành phố phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh; Quyết định số 572/QĐ-UBND ngày 23/02/2021 của UBND Thành phố về phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 386/KH-UBND ngày 22/01/2024 của UBND Thành phố về tổ chức thực hiện Chủ đề công tác năm 2024: “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”; Kế hoạch số 1126/KH-UBND ngày 07/3/2024 về triển khai Chương trình “Chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh” và Đề án “Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh” năm 2024; Kế hoạch số 1302/KH-UBND ngày 15/3/2024 triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu Quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ Chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch số 5208/KH-UBND ngày 06/9/2024 về tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 tại TP. Hồ Chí Minh.
3. Thực trạng thực hiện chuyển đổi số trong cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc tại TP. Hồ Chí Minh
Chuyển đổi số thực hiện trên 3 trụ cột chính: phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, trong đó chính phủ số là một cấu thành quan trọng của chiến lược chuyển đổi số quốc gia, bên cạnh kinh tế số và xã hội số tuy nhiên chính phủ số có sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, do vậy phải đi trước, đi đầu và tạo không gian phát triển cho kinh tế số, xã hội số. Chuyển đổi số là công việc khó, phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt và cần xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, các mũi đột phá để tạo động lực cho quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá trong đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số.
Thúc đẩy chuyển đổi số và xây dựng Thành phố thông minh, trong thời gian qua, đã đạt được một số kết quả đáng kể, như: cơ sở hạ tầng số đã hoàn thành việc lắp đặt mạng 5G phủ sóng trên toàn Thành phố, góp phần nâng cao tốc độ và chất lượng kết nối internet; dịch vụ công trực tuyến ngày càng nhiều, người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng và thuận tiện thông qua hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố; chia sẻ nhiều bộ dữ liệu mở về giao thông, môi trường, y tế… để các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân phát triển các ứng dụng thông minh phục vụ tốt nhất cho người dân; nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã áp dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất và hiệu quả; triển khai nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho cán bộ công chức, người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, chuyển đổi số vẫn là một quá trình dài hơi, đòi hỏi sự nỗ lực liên tục của chính quyền, doanh nghiệp và toàn xã hội. Vì vậy, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nói chung và Đề án 06 nói riêng trong thời gian tới.
Nhằm triển khai, thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2024 “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”, UBND Thành phố đã xây dựng kế hoạch, đề ra các nhiệm vụ cụ thể và chỉ đạo các cơ quan sở ban ngành, Thành phố Thủ Đức và quận – huyện thực hiện và triển khai đến toàn thể công chức, người lao động trên địa bàn thành phố đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, nhất quán, toàn diện, hiệu quả các nhóm giải pháp, biện pháp nhằm đẩy nhanh quá trình thực hiện Chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh nói chung và gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực công tác dân tộc nói riêng; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố, các nhiệm vụ, giải pháp của UBND Thành phố về những cơ chế, chính sách thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội có liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc, đảm bảo đúng định hướng, nội dung, chất lượng và tiến độ.
Ban Dân tộc Thành phố ban hành nhiều văn bản, xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số, tham mưu, đề xuất giúp Trưởng Ban Dân tộc chỉ đạo thực hiện các chủ trương, đề án, nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện chuyển đổi số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, người lao động về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số; nâng cấp công nghệ thông tin phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn thành phố, từng bước chuyển đổi phương thức làm việc từ trực tiếp sang phương thức làm việc trực tuyến và số hóa tối đa các dữ liệu nhằm tăng hiệu quả thực thi nhiệm vụ. Tổ chức các hội nghị, đào tạo, tập huấn nâng cao khả năng sử dụng máy tính, truy cập Internet, khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức và đồng bào dân tộc thiểu số… trong thời gian qua, có một số kết quả như sau:
(1) Triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin
Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số và làm chủ công nghệ, các cơ quan quản lý nhà nước không ngừng đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ nhằm tăng tốc công cuộc chuyển đổi và ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, vận hành một cách dễ dàng, hiệu quả. Thực hiện Công văn số 6126/UBND-KT ngày 05/12/2023 của UBND TP. Hồ Chí Minh về chấp thuận chủ trương triển khai thực hiện các hạng mục, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông năm 2024, Ban Dân tộc Thành phố đã triển khai các hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin tại Ban như sau: xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc tại TP. Hồ Chí Minh (triển khai thực hiện trong năm 2023, hệ thống cơ bản đã hoàn thành và trong giai đoạn cập nhật thông tin dữ liệu lên hệ thống, dự kiến hoàn thành trong Quý III năm 2024); đầu tư nâng cấp hạ tầng máy chủ, an toàn thông tin, mạng nội bộ phục vụ chuyển đổi số tại đơn vị (đã triển khai thực hiện, đang trong giai đoạn xây dựng đề cương và dự toán chi tiết, dự kiến hoàn thành trước tháng 12 năm 2024); thực hiện số hóa dữ liệu di tích cơ sở bí mật Thành ủy Sài Gòn – Gia Định (đã triển khai thực hiện, đang trong giai đoạn xây dựng đề cương và dự toán chi tiết, dự kiến hoàn thành trước Quý II năm 2025); đầu tư lắp đặt trang thiết bị phòng họp trực tuyến tại Ban Dân tộc Thành phố (đã triển khai thực hiện, đang trong giai đoạn xây dựng đề cương và dự toán chi tiết, dự kiến hoàn thành trước tháng 12 năm 2024).
(2) Nâng cao nhận thức số
Ban Dân tộc Thành phố đã chỉ đạo tổ chức tuyên truyền về chuyển đổi số với nhiều hình thức như tuyên truyền trên Trang Thông tin điện tử của Ban Dân tộc Thành phố (đã xây dựng chuyên mục chuyển đổi số trên Trang Thông tin điện tử Ban), quán triệt, phổ biến trong các buổi họp giao ban giữa lãnh đạo Ban Dân tộc Thành phố với các phòng thuộc Ban; tổ chức triển khai các văn bản liên quan đến chuyển đổi số trong các cuộc họp cơ quan nhằm tạo điều kiện cho công chức, người lao động cập nhật văn bản mới để nắm thông tin, kịp thời thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh trong đội ngũ công chức, người lao động tại Ban.
(3) Phát triển nhân lực số
Cử công chức tham gia đầy đủ các lớpđào tạo, bồi dưỡng kỹ năng về chuyển đổi số và an toàn thông tin mạng do Thành phố tổ chức. Ban Dân tộc Thành phố có phân công công chức chuyên trách, kiêm nhiệm về chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng tại đơn vị.
(4) Về đẩy mạnh thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử, ứng dụng chữ ký số chuyên dùng
Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Công văn số 6419/UBND-KSTT ngày 22/12/2023 của UBND Thành phố về việc tăng cường việc sử dụng chữ ký số trên địa bàn Thành phố, Ban Dân tộc Thành phố đã triển khai chỉ đạo việc áp dụng chữ ký số tại đơn vị cụ thể: đã cấp chữ ký số công vụ do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp cho 100% công chức tại đơn vị; đã triển khai tập huấn cho 100% lãnh đạo, công chức cơ quan và bắt đầu triển khai áp dụng sử dụng chữ ký số trong thực hiện nhiệm vụ trên môi trường điện tử giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính từ ngày 01/8/2024 trong toàn cơ quan; 100% công chức cơ quan sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ trong trao đổi công việc theo đúng quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Ban Dân tộc Thành phố đã phát hành 1.290 văn bản điện tử dưới dạng ký số sao y từ bản gốc là văn bản giấy, 5 văn bản điện tử ký số bởi người có thẩm quyền (đạt tỷ lệ 100%) và thực hiện gửi liên thông trên phần mềm quản lý văn bản của Ban.
(5) Về phát triển chính quyền số
Tiếp tục triển khai Đề án xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh và xây dựng chính quyền điện tử tại Thành phố phù hợp chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân tộc Thành phố; vận hành hiệu quả, tiếp tục hoàn chỉnh phần mềm quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành của Ban Dân tộc Thành phố; đẩy mạnh thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử, ứng dụng chữ ký số chuyên dùng và các nội dung khác theo quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư nhằm tiết kiện thời gian, giảm tối thiểu văn bản giấy, linh hoạt tra cứu, truy xuất tài liệu ở bất kỳ thời điểm nào, nơi nào có kết nối internet.
Tiếp tục duy trì áp dụng và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2015, triển khai thực hiện mục tiêu chất lượng năm 2024; phân tích thực trạng và xác nhận rủi ro, giải quyết rủi ro và cơ hội năm 2024 theo các văn bản đã ban hành. Ban Dân tộc Thành phố đã tổ chức kiểm tra công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính và đánh giá nội bộ Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2015 tại các phòng thuộc Ban nhằm kịp thời chấn chỉnh và nâng cao tinh thần trách nhiệm của các Trưởng phòng trong công tác triển khai, tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch số 08/KH-BDT ngày 12/01/2024 của Ban về kiểm tra công tác kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính năm 2024, việc duy trì áp dụng và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2015 và đánh giá tiến độ, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ đề ra.
Tiếp tục triển khai vận hành hiệu quả Trang Thông tin điện tử của Ban Dân tộc Thành phố sau khi nâng cấp đảm bảo đúng theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Đồng thời, Trang Thông tin điện tử của Ban đã được gắn nhãn tín nhiệm mạng an toàn thông tin và nhãn kết nối EMC.
Đánh giá chung,Ban Dân tộc Thành phố đã triển khai, tuyên truyền có hiệu quả công tác chỉ đạo của Thành ủy và UBND Thành phố và các nội dung triển khai, hướng dẫn của các sở, ban, ngành trong thực hiện nhiệm vụ, bám sát việc thực hiện chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2013/QH15 của Quốc hội và các văn bản có liên quan đến từng công chức, người lao động, trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao nhận thức của công chức tại cơ quan Ban Dân tộc Thành phố trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn gắn với thực hiện chủ đề công tác năm 2024; phối hợp với các quận, huyện và thành phố Thủ Đức góp phần nâng cao nhận thức và vận động đồng dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh truyền thông về chuyển đổi số giúp người dân đến gần hơn với các chính sách dân tộc, nâng cao khả năng ứng dụng và khai thác công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Tuy nhiên, một số khó khăn, hạn chế đó là về nhận thức trong công tác chuyển đổi số trong cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc hiện nay. Một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác dân tộc chưa nhận thức được tính quan trọng và hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin, trình độ công nghệ thông tin hạn chế, nên rất khó khăn trong việc chuyển đổi số cho công tác dân tộc.
Do đặc thù đồng bào dân tộc thiểu số ở Thành phố sinh sống phân tán, những nơi này ứng dụng công nghệ thông tin đòi hỏi quyết tâm rất cao. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin giữa các khu vực cũng khác nhau, ví dụ như khu vực tập trung đông người đồng bào như Quận 5, 11, Phú Nhuận, Gò Vấp… có những khu vực thưa người đồng bào dân tộc thiểu số, như: huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ… Vì vậy, các phần mềm quản lý dữ liệu, xây dựng chương trình ứng dụng, hướng dẫn cho đồng bào sẽ khác nhau… Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu đặt ra, cơ quan quản lý cần phải tăng có các giải pháp đồng bộ để xây dựng hạ tầng số hiện đại đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số trong thời gian tới.
4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chuyển đổi số trong thời gian đến
Một là, hoàn thiện thể chế chính sách. Tiếp tục đầu tư nghiên cứu, góp ý, đề xuất hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai các nội dung chuyển đổi số, trong đó tập trung xây dựng quy trình, quy định để thực hiện chuyển đổi phương thức hoạt động từ thủ công sang công nghệ hiện đại thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số có thể kể đến các quy định về việc bảo vệ quyền riêng tư, quản lý dữ liệu cá nhân và bảo đảm tính công bằng trong việc sử dụng công nghệ.
Hai là, cải cách thủ tục hành chính. Thành phố cần đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
Ba là, tăng cường đào tạo và bồi dưỡng. Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm có đủ kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả. Bao gồm việc nắm vững các công cụ và phần mềm chuyên dụng, xử lý dữ liệu để tăng hiệu quả công việc, từ đó, xây dựng nền văn hóa của tổ chức phát triển quá trình chuyển đổi số, tận dụng cơ hội mới để phát triển.
Bốn là, phát triển hạ tầng số. Thành phố tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng mạng internet, bảo đảm băng thông rộng, ổn định, kết nối đến tất cả các cơ quan nhà nước. Bố trí kinh phí để tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với hệ thống công nghệ thông tin tại đơn vị bảo đảm an ninh, an toàn mạng.
Năm là, chuyển đổi nhận thức. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cơ quan và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết quả thực hiện chuyển đổi số, lợi ích của căn cước công dân gắn chíp điện tử, tài khoản định danh điện tử, ứng dụng VNeID và dịch vụ công trực tuyến bằng nhiều hình thức, phong phú, đa dạng, phù hợp trong công chức, viên chức người lao động và trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố.
Sáu là, phát triển dữ liệu số. Cập nhật thông tin, dữ liệu trên Kho dữ liệu công tác dân tộc và Kho dữ liệu thống kê 53 dân tộc thiểu số, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với bộ, ngành có liên quan. Xây dựng, cập nhật các thông tin, dữ liệu về chính sách dân tộc và kết quả thực hiện chính sách dân tộc đặc thù do Thành phố ban hành; tiếp tục phát huy chính sách bảo tồn tiếng nói, chữ viết các đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số đông ở Thành phố là dân tộc Chăm, Hoa và Khmer.
Bảy là, giao lưu học hỏi kinh nghiệm và hợp tác quốc tế. Hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương khác trong nước và quốc tế về hoạt động tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc. Nghiên cứu, ưu tiên triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, các đề tài nghiên cứu ứng dụng quốc tế có kết quả, sản phẩm hướng tới phát triển kinh tế – xã hội Thành phố.
Ngoài ra, cần bảo đảm các nguồn lực thực hiện chuyển đổi số: xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện, hướng dẫn triển khai thực hiện. Bố trí nguồn nhân lực, nguồn kinh phí, nguồn lực về khoa học, công nghệ trong triển khai thực hiện.
5. Kết luận
Để công tác chuyển đổi số tại Thành phố nói chung và đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Thành phố nói riêng đạt hiệu quả lâu dài và bền vững, ngoài việc huy động hệ thống chính trị các cấp vào cuộc thì vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc mang tính quan trọng, giúp đẩy nhanh quá trình thực thi các quyết sách liên quan tới đồng bào dân tộc thiểu số, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, hỗ trợ công tác giáo dục – đào tạo, nâng cao đời sống kinh kế, thúc đẩy phát triển kinh tế cho đồng bào… Qua hơn 2 năm thực hiện, lợi ích từ việc chuyển đổi số đã đi vào nhận thức, hành động của người dân dân tộc thiểu số, càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố. Để làm tốt hơn nữa, trong thời gian đến cần nghiên cứu và triển khai đồng bộ một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chuyển đổi số trong thời gian đến.
Tài liệu tham khảo:
1. UBND TP. Hồ Chí Minh (2022). Kế hoạch số 922/KH-UBND ngày 18/3/2022 về triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố.
2. UBND TP. Hồ Chí Minh (2024). Kế hoạch số 1126/KH-UBND ngày 07/3/2024 về triển khai Chương trình “Chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh” và Đề án “Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh” năm 2024;
3. UBND TP. Hồ Chí Minh (2024). Kế hoạch số 1302/KH-UBND ngày 15/3/2024 về triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” năm 2024 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh;
4. Ban Dân tộc TP. Hồ Chí Minh (2024). Kế hoạch số 19/KH-BDT ngày 29/02/2024 của Ban Dân tộc Thành phố về tổ chức thực hiện Chủ đề công tác năm 2024: Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội.
5. Ban Dân tộc TP. Hồ Chí Minh (2024). Kế hoạch số 30/KH-BDT ngày 12/4/2024 về Triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” năm 2024 tại Ban Dân tộc Thành phố;
6. Ban Dân tộc TP. Hồ Chí Minh (2024). Báo cáo số 88/BC-BDT ngày 12/10/2024 về kết quả thực hiện chủ đề công tác năm 2024: “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội” 9 tháng đầu năm 2024.