TS. Phan Thị Thúy Vân
ThS. Nguyễn Duy Đức
Học viện Chính trị khu vực IV
(Quanlynhanuoc.vn) – Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ đã thể hiện một bước đột phá trong nhận thức về vai trò và sự đóng góp của đội ngũ cán bộ cấp xã đối với nền hành chính nhà nước cũng như sự phát triển của cấp cơ sở, tác động trực tiếp đối với việc kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Bài viết khái quát việc thực hiện chính sách cán bộ cơ sở thời gian qua của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới.
Từ khóa: Chính sách; chế độ; chính sách cán bộ; cán bộ cấp cơ sở.
1. Chính sách cán bộ cơ sở và vai trò của chính sách cán bộ cơ sở
Cán bộ cơ sở là một bộ phận của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở nước ta, có vị trí, vai trò rất quan trọng, là người trực tiếp gắn bó với Nhân dân, tuyên truyền và tổ chức cho Nhân dân thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong thực tiễn. Chính sách cán bộ là hệ thống các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; là công cụ và các giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đồng bộ, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của mỗi thời kỳ cách mạng1.
Chính sách cán bộ đối với đội ngũ cán bộ cơ sở là tổng thể các quan điểm, chủ trương, các quyết định, quy định thể hiện trong các văn bản của Đảng, Nhà nước và chủ thể có thẩm quyền nhằm điều chỉnh công tác cán bộ cơ sở, quy định những quyền lợi và nghĩa vụ của đội ngũ này. Chính sách cán bộ cơ sở đúng đắn, phù hợp không chỉ là sự quán triệt, cụ thể hóa kịp thời những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ cơ sở mà còn thực sự gắn với các đặc điểm, nhiệm vụ của từng loại cán bộ và đời sống kinh tế – xã hội của địa phương.
Chính sách, chế độ đối với cán bộ cơ sở có ý nghĩa rất lớn và nếu không phù hợp thực tiễn sẽ đưa đến nhiều hạn chế, tiêu cực, chẳng hạn như: tình trạng thiếu hăng hái, làm việc “cầm chừng” cho xong nghĩa vụ của một bộ phận cán bộ. Nếu chế độ, chính sách chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với công sức sẽ khiến cán bộ đang công tác không toàn tâm, toàn ý mà luôn có hướng đi nơi khác, muốn chuyển đến nơi có chế độ tốt hơn và khi có điều kiện thì sẵn sàng rời cơ sở. Hoặc khi những chế độ, chính sách không đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu sẽ dễ làm cho chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy, dẫn đến tâm lý sách nhiễu, xâm phạm tài sản của Nhà nước và lợi ích của Nhân dân. Những hậu quả tiêu cực đó sẽ làm cho cán bộ cơ sở mất tín nhiệm trước dân và Đảng sẽ mất dần cán bộ.
Để xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã vững mạnh, thực hiện thành công các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đòi hỏi phải thực hiện tốt việc xây dựng chính sách cán bộ cơ sở, bao gồm nhiều mặt, nhiều nội dung của công tác cán bộ đối với cán bộ cơ sở, trong quá trình đó, chính sách cán bộ phải được quán triệt và thực hiện lồng ghép trong từng khâu của công tác cán bộ. Nói cách khác, chính sách cán bộ phải được đặt trong mối quan hệ với tất cả các khâu của công tác cán bộ nhằm tạo thành hệ thống đồng bộ, có tác dụng tương tác, hỗ trợ lẫn nhau để đạt hiệu quả cao nhất của quy trình công tác cán bộ của Đảng. Chỉ khi nào thực hiện tốt việc quán triệt chính sách cán bộ với từng khâu của công tác cán bộ thì chính sách cán bộ mới phát huy hiệu quả.
Để có đội ngũ cán bộ cơ sở đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ chính trị của địa phương trong tình hình mới, đòi hỏi phải xây dựng được hệ thống chính sách cán bộ cơ sở đúng đắn, vừa thống nhất, đồng bộ lại mang tính đặc thù, phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội và thực trạng đội ngũ cán bộ của địa phương, chính sách ấy phải đủ sức thu hút được cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản về cơ sở công tác, đồng thời tạo được động lực thúc đẩy đông đảo cán bộ tích cực, nỗ lực làm việc và không ngừng phấn đấu vươn lên.
Thực tế cho thấy, những tỉnh, thành phố nào có chính sách cán bộ cơ sở đúng đắn, phù hợp, kịp thời, được thực hiện nghiêm túc từ tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ… thì cấp cơ sở của tỉnh đó hạn chế được các hiện tượng tiêu cực trong công tác cán bộ như việc tuỳ tiện, theo ý người đứng đầu, thiếu dân chủ, khách quan trong đánh giá, bố trí, đề bạt cán bộ, mất đoàn kết nội bộ; những biểu hiện của tư tưởng cục bộ dòng họ, bè phái, cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi, đố kỵ, trù dập cán bộ trung thực, sử dụng cán bộ đạo đức phẩm chất, năng lực yếu kém do thân quen, nể nang, chạy chọt… ngày càng được đẩy lùi và thực sự xây dựng được một đội ngũ cán bộ cơ sở vững về chính trị, sáng về đạo đức, mạnh về chuyên môn, đầy đủ bản lĩnh và điều kiện hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, được dân tin yêu, đồng tình ủng hộ.
Đặc biệt, hiện nay tình trạng “chảy máu chất xám” đang diễn ra ở các cơ quan, các tổ chức, các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị của nước ta có nguyên nhân từ sự bất cập của chính sách cán bộ. Nếu không có chính sách phù hợp thì khó có thể hạn chế được tình trạng cán bộ giỏi sẽ chạy sang khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế có yếu tố nước ngoài. Ngược lại, có chính sách sử dụng và đãi ngộ cán bộ, công chức cấp xã tốt mới thu hút được cán bộ trẻ, có trình độ cao, năng lực công tác tốt về công tác tại cơ sở.
Chính sách đúng đắn, phù hợp là yếu tố rất quan trọng thúc đẩy cán bộ phấn đấu vươn lên trong công tác, học tập, rèn luyện. Góp phần hình thành một đội ngũ cán bộ đủ tâm, đủ tầm, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, làm cho họ phấn khởi yên tâm công tác, toàn tâm, toàn ý cho công việc, tự phòng tránh tiêu cực để bảo vệ mình, nhất là phát huy hiệu quả năng lực của cán bộ trong tổ chức và vận động Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương. Thực tế cho thấy, ở những nơi nào việc thực hiện chính sách cán bộ yếu kém, bất hợp lý thì cán bộ thiếu tích cực, không yên tâm công tác, dễ có tình trạng “chân trong, chân ngoài”, tha hoá, biến chất, sách nhiễu Nhân dân, thậm chí tình trạng mất đoàn kết là một nguy cơ trước mắt do những bất cập về phân phối lợi ích sẽ diễn ra…
Như vậy, chính sách cán bộ cơ sở không chỉ có tác dụng trực tiếp đến bản thân cán bộ, đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và tình hình phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương trong khu vực.
2. Thực trạng chính sách cán bộ cơ sở của các vùng tỉnh đồng bằng sông Cửu Long
Từ khi ra đời, Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ ban hành về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã tạo ra một bước đột phá trong nhận thức về vai trò và sự đóng góp của cán bộ cấp xã đối với nền hành chính nhà nước cũng như sự phát triển của cấp cơ sở. Nghị định cũng đã có những tác động tích cực đối với việc kiện toàn tổ chức bộ máy và sắp xếp bố trí cán bộ ở cơ sở, đội ngũ cán bộ cấp xã đã bước đầu “hòa nhập” vào đội ngũ cán bộ, công chức hành chính nhà nước nói chung, do vậy, lợi ích vật chất, đặc biệt là chế độ lương đã được cải tiến cơ bản, các chế độ bảo hiểm, trợ cấp đã được quan tâm và phần nào hợp lý hơn.
Nhằm cụ thể hóa Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 về công chức xã, phường, thị trấn; Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã ban hành một loạt các quyết định, quy định, thông báo, kết luận… về số lượng, chức danh, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã. Chẳng hạn, Quyết định số 14/2009/QĐ-UBND ngày 21/12/2009 của UBND tỉnh Trà Vinh về việc quy định số lượng, chức danh, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn tỉnh Trà Vinh; Nghị quyết số 115/2009/NQ-HĐND ngày 10/12/2009 của tỉnh Vĩnh Long quy định chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và tổ chức ấp, khóm; Quyết định số 01/2012/NQ-HĐND ngày 12/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau về chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hút nguồn nhân lực của tỉnh; Quyết định số 88/2014/NQ-HĐND ngày 04/12/2014 về quy định chế độ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và thu hút nguồn nhân lực của Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang,…
Các chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, sử dụng, tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đãi ngộ, khen thưởng… đối với cán bộ, công chức cơ sở được cấp ủy, chính quyền các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long thực hiện khá tốt. Điều đó đã góp phần nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ cán bộ cấp xã ở các tỉnh trong vùng.
Bên cạnh việc thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của trung ương, nhiều địa phương đã vận dụng và cụ thể hóa một số chế độ, chính sách gắn với điều kiện thực tế của địa phương, chẳng hạn: UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 44/2010/QĐ-UBND ngày 26/11/2010 về chính sách thu hút, hỗ trợ, khuyến khích nguồn nhân lực của thành phố Cần Thơ; UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Quyết định số 10/2019/QĐ-UBND ngày 18/5/2019 Quy định chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc tỉnh Đồng Tháp; Quyết định số 22/2017/QĐ-UBND ngày 06/6/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hút nguồn nhân lực đến năm 2020; Quyết định 26/2012/QĐ-UBND ngày 17/8/2012 của UBND tỉnh Hậu Giang về quy định chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức được luân chuyển trên địa bàn tỉnh, trong đó, ngoài chế độ nhà ở công vụ, hỗ trợ xăng xe đi lại, hỗ trợ riêng cho cán bộ nữ còn có chế độ trợ cấp một lần từ 10 triệu đến 15 triệu cho cán bộ từ tỉnh về công tác và chế độ ưu tiên xét nâng lương trước thời hạn. Tỉnh Vĩnh Long với Nghị quyết số 24/2021/NQ-HĐND ngày 9/2/2021 của Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành quy định về chế độ trợ cấp cho cán bộ công chức đi học; đối với cán bộ diện luân chuyển và cán bộ tăng cường xuống phường, mỗi người 500.000đ – 700.000đ/tháng và được bảo lưu phụ cấp chức vụ cũ (nếu phụ cấp chức vụ mới thấp hơn) thành chế độ hỗ trợ thêm hàng tháng bằng hệ số 0,5 – 0,7 so với mức lương tối thiểu chung… Tất cả những quyết định nêu trên đều tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cán bộ, tác động tích cực đến đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở khu vực.
Nhiều tỉnh, như: Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, Kiên Giang… còn có quy định cụ thể về chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác ở phường, xã với số lượng hợp đồng từ một đến hai sinh viên để dự nguồn và mức phụ cấp hằng tháng cho mỗi sinh viên không dưới 2,0 so với mức lương tối thiểu chung và một số ưu đãi khác.
Như vậy, qua việc quán triệt, cụ thể hóa chính sách cán bộ ở các địa phương, nhiều chính sách cán bộ đã nhanh chóng đi vào cuộc sống tạo ra một bước chuyển căn bản đối với đội ngũ cán bộ cơ sở, đội ngũ cán bộ đã từng bước được phát triển cả về số lượng và chất lượng; việc thực hiện tiêu chuẩn hoá cán bộ và chính sách thu hút cán bộ trẻ, sinh viên mới tốt nghiệp về công tác ở cơ sở đã góp phần từng bước nâng được trình độ và trẻ hoá đội ngũ cán bộ phường ở các địa phương. Phong trào học tập nâng cao trình độ của cán bộ được đẩy mạnh hơn. Việc chuyển từ chế độ sinh hoạt phí sang chế độ tiền lương, từ hưởng trợ cấp hằng tháng khi nghỉ việc sang hưởng chế độ hưu trí,… đã tạo được sự an tâm, phấn khởi trong đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở.
Tuy nhiên, trong thực tế tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đề ra có thể đúng nhưng chính sách, cơ chế đối với cán bộ và công tác cán bộ chưa phù hợp thì sẽ tác động tiêu cực, trực tiếp đến cán bộ và công tác cán bộ. Ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Có thể nói, đây là một thách thức lớn đối với các cấp ủy, chính quyền ở các địa phương (theo Quyết định số 353/QĐ–TTg ngày 15/3/2022 phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 thì trong tổng số 54 xã đặc biệt khó khăn của 12 tỉnh/thành cả nước, đồng bằng sông Cửu Long có 31 xã, chiếm tỷ lệ 57,4%).
Đời sống và thu nhập của cán bộ cơ sở còn thấp, nên việc giải quyết hài hoà lợi ích vật chất và tinh thần cho cán bộ cơ sở thông qua các chính sách, chế độ là rất cần thiết, cán bộ cấp cơ sở mới yên tâm và tập trung cho công tác, giảm bớt sự ràng buộc, phụ thuộc của cán bộ vào kinh tế gia đình, tạo ra động lực trực tiếp góp phần nuôi dưỡng và nâng cao lòng hăng hái, nhiệt tình của cán bộ. Đó cũng là nhân tố làm tăng cường ý thức trọng dân, phục vụ dân, bởi họ hiểu chính sách, chế độ mà họ được hưởng là tiền của, công sức do Nhân dân đóng góp.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, chính sách cán bộ vẫn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế dẫn đến những yếu kém, khuyết điểm trong công tác cán bộ, khó thu hút được cán bộ giỏi, cán bộ trẻ về cơ sở, còn nếu phải về công tác thì họ cũng không thực sự phấn khởi và an tâm gắn bó với công tác ở địa phương cơ sở; những chính sách đó cũng chưa bảo đảm thúc đẩy tính tích cực của cán bộ, mặt khác lại ảnh hưởng từ tác động bởi yếu tố tâm lý, tính cách con người vùng miền nên nhiều cán bộ, nhất là cấp xã, cán bộ nữ vẫn chưa thực sự tích cực trong việc tham gia học tập, nâng cao trình độ mọi mặt.
Các đề án thu hút sinh viên về cơ sở công tác cũng chưa đạt hiệu quả cao, hiệu quả các mặt công tác không cao, vấn đề xây dựng đội ngũ, nâng cao chất lượng cán bộ sẽ không đem lại kết quả mong muốn; tính kế thừa trong xây dựng đội ngũ cán bộ không bảo đảm, công tác cán bộ chỉ theo kiểu phong trào, rầm rộ lúc đầu rồi yên ắng về sau.
Đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở, họ không phải lực lượng làm việc tạm thời, bán thời gian. Do vậy, rất cần một chính sách ổn định, thu hút và phát triển lâu dài, quy hoạch đào tạo để vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vừa tạo nguồn bổ sung lực lượng cán bộ chủ chốt cho cơ sở. Lâu nay các tỉnh/ thành phố trong khu vực đều có chính sách hỗ trợ cho đội ngũ này nhưng không bền vững và thống nhất. Nhiều tỉnh, thành phố đều thực hiện một số trợ cấp thêm theo trình độ nhưng chỉ đơn thuần là một chủ trương của địa phương mà chưa phải là một chính sách chính thức nên không thể khiến đội ngũ này an tâm công tác.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện chính sách cán bộ cơ sở ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long
Một là, cần có hướng dẫn chung khi giao quyền cho các địa phương tự ban hành quy định về một số chức danh, tiêu chuẩn cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở địa phương để bảo đảm sự thống nhất và yêu cầu chung.
Mặc dù Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố đã giao quyền cho các địa phương nhưng Trung ương cũng cần có quy định cụ thể hơn để các địa phương xác định các chức danh người hoạt động không chuyên trách một cách đồng bộ với tỷ lệ số người công tác bên Đảng và bên chính quyền (gắn với đặc thù của địa phương), tránh tình trạng thiếu thống nhất giữa các địa phương, bởi vì, thời gian qua, có địa phương quy định 19 chức danh, có địa phương chỉ 10 chức danh, điều này khó bảo đảm để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng ở cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.
Hai là, cấp cơ sở có vai trò rất quan trọng và cán bộ, công chức cấp cơ sở có quy mô hoạt động rộng, trách nhiệm nặng nề nhưng mức phụ cấp chức vụ, công vụ rất thấp và chưa thực sự cân xứng với nhiệm vụ và trách nhiệm, mức quy định này cũng chưa bảo đảm công bằng và tương xứng với mức phụ cấp chức vụ của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng của các cấp trên, do vậy, Chính phủ cũng cần xem xét điều chỉnh phù hợp thực tế.
Ba là, cần tiếp tục xem xét quy định về số lượng và chế độ đãi ngộ của người hoạt động không chuyên trách, có thể nói đây vẫn là một khó khăn lớn đối với cấp cơ sở và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các địa phương. Theo Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định tăng mức khoán quỹ phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở mỗi đơn vị hành chính cấp xã loại I – II – III tương ứng từ 16,0 – 13,7 – 11,4 lần mức lương cơ sở lên 21 – 18 – 15 lần mức lương cơ sở (tăng trung bình từ 1,14 lần mức lương cơ sở/01 người lên mức 1,5 lần mức lương cơ sở/1 người). Ngoài mức khoán quỹ phụ cấp này, đối với những đơn vị hành chính cấp xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên cao hơn so với tiêu chuẩn quy định được tăng thêm người hoạt động không chuyên trách thì cứ tăng 1 người hoạt động không chuyên trách so với quy định được tăng quỹ phụ cấp khoán 1,5 lần mức lương cơ sở/1 người tăng thêm. Tuy nhiên, về chế độ đãi ngộ, chế độ phụ cấp chưa thực sự tương ứng với vai trò, trách nhiệm của họ, do vậy, cần phải nghiên cứu gắn với thực tiễn và điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Bốn là, các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long tổng kết và tiếp tục thực hiện chính sách, chế độ đãi ngộ, thu hút sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi về công tác tại cơ sở một cách hiệu quả. Chính sách này không chỉ rất phù hợp trong việc “lấp đầy” nguồn nhân lực trẻ, trí thức cho cơ sở mà còn giúp các địa phương tiết kiệm kinh phí đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, giúp xây dựng đội ngũ kế thừa chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển hiện nay. Đây cũng là đội ngũ hứa hẹn một thế hệ cán bộ quản lý có trình độ cao và thật gần dân.
Năm là, các địa phương trong khu vực cần chú trọng tiêu chuẩn viết, nói tiếng Khmer ở vùng đông đồng bào Khmer (30% trở lên) và ở xã biên giới giáp Campuchia. Đây là điều kiện rất quan trọng để cán bộ cơ sở ở các địa phương này thực hiện nhiệm vụ.
4. Kết luận
Thực tiễn các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang đặt ra những yêu cầu mới đối với thực hiện chính sách cán bộ trên địa bàn. Thời gian vừa qua, các quy định mới của Trung ương liên quan đến cán bộ và công tác cán bộ cơ sở đã góp phần tạo ra một bước chuyển biến tích cực, rõ nét đối với việc thực hiện chính sách cán bộ ở các tỉnh trong khu vực. Qua đó, giúp cán bộ cơ sở thực sự phát huy mọi khả năng, nâng cao chất lượng công tác, thúc đẩy quá trình đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị cơ sở cũng như sự phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương trong vùng góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà Đảng ta và Nhân dân ta đã xác định.
Chú thích:
1. Hoàn thiện chính sách cán bộ theo tinh thần Nghị quyết đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. https://moha.gov.vn/tintuc/Pages/listbnv.aspx?Cat=737&ItemID=45922.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2019). Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
2. Chính phủ (2023). Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
3. Học viện Chính trị khu vực IV (2024). Đề tài khoa học cấp bộ năm 2023 “Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới”.
4. Đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và chuyển đổi số hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/08/29/doi-moi-cong-tac-quan-ly-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-trong-co-quan-nha-nuoc-dap-ung-yeu-cau-cai-cach-hanh-chinh-va-chuyen-doi-so-hien-nay/.
5. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính trong thực thi công vụ đáp ứng yêu cầu Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/10/31/xay-dung-doi-ngu-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-liem-chinh-trong-thuc-thi-cong-vu-dap-ung-yeu-cau-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia/.
6. Đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức.https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/02/16/doi-moi-hoan-thien-co-che-quan-ly-can-bo-cong-chuc-vien-chuc/
7. Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, cơ bản hoàn thiện mô hình chế độ công vụ theo vị trí việc làm. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/02/06/day-manh-cai-cach-cong-vu-cong-chuc-co-ban-hoan-thien-mo-hinh-che-do-cong-vu-theo-vi-tri-viec-lam/.