Lê Thị Hằng
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
(Quanlynhanuoc.vn) – Hộ kinh doanh là một trong những mô hình quan trọng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của nước ta, góp phần giải phóng lực lượng sản xuất, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Quá trình quản lý hộ kinh doanh xuất hiện những khó khăn, bất cập làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, hạn chế khả năng phát triển. Chính vì vậy, cần có những giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý hộ kinh doanh thông qua những chính sách tổng thể về hành lang pháp lý phù hợp, tạo môi trường thuận lợi, ưu đãi để kích thích các hộ kinh doanh phát triển phù hợp với thực tiễn và đồng bộ với tình hình kinh tế – xã hội của đất nước.
Từ khóa: Hộ kinh doanh; hoạt động kinh doanh; quản lý hộ kinh doanh; phát triển kinh tế – xã hội.
1. Đặt vấn đề
Hộ kinh doanh là một mô hình hoạt động có lịch sử lâu đời và quan trọng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của nước ta. Về mặt kinh tế, hộ kinh doanh có đóng góp rất nhiều vào GDP quốc gia, tạo ra số lượng lớn việc làm. Đối với xã hội, hộ kinh doanh đã giải quyết các vấn đề liên quan tới tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho những người có thu nhập thấp, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, ngành nghề truyền thống của dân tộc.
Tuy nhiên, trong quá trình quản lý hoạt động của hộ kinh doanh hiện nay còn gặp nhiều bất cập, gây lúng túng cho nhà quản lý và cả hộ kinh doanh, hạn chế một phần sự phát triển của hộ kinh doanh trong quá trình gia nhập thị trường, tham gia hoạt động kinh doanh. Với số lượng hộ kinh doanh lớn và không ngừng phát triển như hiện nay, việc nâng cao năng lực quản lý hộ kinh doanh là điều tất yếu để đạt hiệu quả hơn.
2. Tình hình hoạt động của hộ kinh doanh hiện nay
Mô hình hộ kinh doanh đã tồn tại lâu đời ở nước ta dưới nhiều hình thức và tên gọi khác nhau. Trải qua từng thời kỳ, hộ kinh doanh đã có những biến động và thay đổi khác nhau để phù hợp với hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Hiện tại, cả nước có gần 5,5 triệu hộ kinh doanh1, phân bố ở tất cả các vùng miền và trong hầu hết các lĩnh vực ngành nghề kinh doanh khác nhau. Hộ kinh doanh đang là một trong những đối tượng tạo ra của cải vật chất, hàng hóa và dịch vụ khi chiếm khoảng 30% GPD hàng năm (giai đoạn 2015 – 2019)2, đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 2% tổng thu ngành thuế3. Hộ kinh doanh đang làm rất tốt vai trò là những người cung cấp hàng hóa dịch vụ tiện lợi hơn, nhanh hơn và gần gũi hơn cho người dân từ thành thị tới nông thôn với nhiều thành phần đối tượng khác nhau. Ngoài ra, đây còn là một mô hình kinh doanh phổ biến để thúc đẩy tinh thần kinh doanh của các cá nhân khi gia nhập thị trường với các thủ tục đơn giản, gọn nhẹ, phù hợp với nhiều thành phần lứa tuổi. Tổng hợp số lượng các hộ kinh doanh theo vùng, miền giai đoạn 2015 – 2022.
Một là, số lượng hộ kinh doanh theo vùng, miền.
Bảng 1. Số lượng hộ kinh doanh theo vùng, miền
Năm | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 |
Tổng số (1.000 hộ) | 4.54,8 | 4909,8 | 5142,9 | 5198,7 | 5377,7 | 5200,4 | 5067,4 | 5175,5 |
Cơ cấu (%) | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 |
Đồng bằng sông Hồng | 25,83 | 25,60 | 25,85 | 25,47 | 25,24 | 25,10 | 25,24 | 25,13 |
Trung du miền núi phía Bắc | 9,26 | 9,18 | 9,51 | 9,26 | 9,18 | 9,34 | 9,66 | 9,51 |
Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung | 23,05 | 22,94 | 23,02 | 23,12 | 22,93 | 23,09 | 23,44 | 23,16 |
Tây Nguyên | 4,76 | 4,82 | 4,76 | 4,86 | 5,06 | 5,00 | 5,22 | 5,18 |
Đông Nam Bộ | 17,25 | 17,44 | 17,54 | 18,13 | 18,25 | 18,19 | 17,00 | 17,7 |
Đồng bằng sông Cửu Long | 19,85 | 20,03 | 19,32 | 19,16 | 19,44 | 19,41 | 19,45 | 19,32 |
Qua Bảng 1 cho thấy, khu vực đồng bằng sông Hồng đang là nơi tập trung nhiều hộ kinh doanh nhất cả nước (trung bình là 25,66%). Nhưng trong giai đoạn gần đây, số lượng hộ kinh doanh đang chuyển dịch dần sang khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung khi số lượng hộ kinh doanh ở khu vực này liên tục tăng dần qua các năm (hơn 23%). Những khu vực tập trung đông hộ kinh doanh thường là các vùng có nhiều làng nghề truyền thống, nơi kinh tế phát triển nhộn nhịp và có nhiều hoạt động kinh doanh trao đổi, thường là các thành phố lớn tại các khu vực. Khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ, khu vực Tây Nguyên số lượng hộ kinh doanh khá ít trong bảng phân bổ, việc thành lập hộ kinh doanh theo quy định pháp luật đối với người dân còn xa lạ, thậm chí là không biết đến thuật ngữ “hộ kinh doanh” mặc dù đang thực hiện các hoạt động mua bán, kinh doanh tại gia đình trong thời gian dài.
Hai là, theo ngành nghề, lĩnh vực hoạt động
Bảng 2 . Tổng hợp số hộ kinh doanh theo cơ cấu ngành, nghề
Năm | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 |
Tổng số(1.000 hộ) | 4754,8 | 4909,8 | 5142,9 | 5198,7 | 5377,7 | 5200,4 | 5067,4 | 5175,5 |
Cơ cấu (%) | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 |
Công nghiệp – xây dựng | 18,8 | 18,4 | 18,3 | 18,1 | 17,9 | 16,7 | 17,3 | 17,0 |
Thương mại dịch vụ | 81,2 | 81,6 | 81,7 | 81,9 | 82,1 | 83,3 | 82,7 | 83,0 |
Theo ngành, nghề lĩnh vực, thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu phân bổ hộ kinh doanh và ngày càng tăng. Trong đó, các ngành, nghề lĩnh vực hoạt động liên quan tới bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô xe máy chiếm gần một nửa tỷ trọng (45,48%); ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng chiếm tỷ trọng lớn (trung bình 16,13%). Những ngành này chủ yếu là những cá nhân, hộ gia đình nhỏ lẻ kinh doanh tại gia, như: tạp hóa, quán ăn, sửa xe, gội đầu, hiệu thuốc… Một số ngành nghề, như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin truyền thông, khoa học – công nghệ… chiếm tỷ lện thấp bởi những ngành nghề này cần có nguồn vốn và nguồn lực rất lớn để thực hiện, do vậy một cá nhân hay một gia đình (hộ kinh doanh) khócó đủ năng lực tài chính, năng lực quản lý để vận hành.
Ba là, lao động trong hộ kinh doanh theo ngành nghề, lĩnh vực hoạt động.
Bảng 3. Tổng hợp số lao động trong hộ kinh doanh theo ngành nghề, lĩnh vực hoạt động
Năm | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 |
Tổng số(1.000 lao động) | 7987,5 | 8261,9 | 8701,3 | 8667,5 | 9048,8 | 8655,7 | 8490,0 | 8997,4 |
Cơ cấu (%) | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 |
Công nghiệp – xây dựng | 26.4 | 26.2 | 26.0 | 25.9 | 25.8 | 23.2 | 23.9 | 22.5 |
Thương mại dịch vụ | 73.6 | 73.8 | 74.0 | 74.1 | 74.2 | 76.8 | 76.1 | 77.5 |
Trong đó: | ||||||||
Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô xe máy… | 40.7 | 40.6 | 40.2 | 40.1 | 40.0 | 40.4 | 41.2 | 41.1 |
Vận tải kho bãi | 3.9 | 3.8 | 3.7 | 3.8 | 3.9 | 3.8 | 3.6 | 3.6 |
Dịch vụ lưu trú và ăn uống | 16.8 | 16.9 | 17.4 | 17.4 | 17.4 | 19.2 | 17.8 | 18.6 |
Thông tin, truyền thông | 0.7 | 0.6 | 0.6 | 0.6 | 0.6 | 0.3 | 0.3 | 0.2 |
Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm | 0.2 | 0.2 | 0.2 | 0.2 | 0.2 | 0.2 | 0.2 | 0.2 |
Kinh doanh bất động sản | 4.2 | 4.2 | 4.4 | 4.6 | 4.7 | 5.0 | 5.2 | 5.2 |
Chuyên mônKH&CN | 0.4 | 0.4 | 0.3 | 0.3 | 0.3 | 0.3 | 0.3 | 0.4 |
Hành chính, dịch vụ hỗ trợ | 1.0 | 1.1 | 1.1 | 1.1 | 1.1 | 1.0 | 1.1 | 1.1 |
Giáo dục – Đào tạo | 0.4 | 0.4 | 0.5 | 0.5 | 0.5 | 0.5 | 0.4 | 0.5 |
Y tế, cứu trợ XH | 0.6 | 0.6 | 0.6 | 0.6 | 0.6 | 0.7 | 0.7 | 0.8 |
Nghệ thuật, giải trí | 0.8 | 0.8 | 0.7 | 0.7 | 0.7 | 0.7 | 0.6 | 0.7 |
Dịch vụ khác | 4.0 | 4.1 | 4.2 | 4.2 | 4.2 | 4.8 | 4.8 | 5.2 |
Hộ kinh doanh có đóng góp lớn trong tạo việc làm và giải quyết các vấn đề xã hội. Theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, số lao động làm việc trong khu vực hộ kinh doanh tăng nhanh theo thời gian, từ trên 7,9 triệu người năm 2015 tăng lên gần 9,0 triệu người năm 2022. Lực lượng lao động tập trung số lượng lớn trong ngành thương mại dịch vụ với lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy chiếm hơn 41% và đang tăng dần qua các năm. Số lượng lao động trong hộ kinh doanh theo ngành nghề phụ thuộc vào số lượng phân bổ của hộ kinh doanh trong các ngành nghề. Trong thương mại dịch vụ chiếm khoảng gần 83% số lượng hộ kinh doanh thì số lượng lao động trong lĩnh vực này cũng chiếm khoảng hơn 77%.
Bốn là, lao động trong các hộ kinh doanh theo vùng, miền.
Bảng 4. Tổng hợp số lao động trong các hộ kinh doanh theo vùng, miền.
Năm | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 |
Tổng số(1.000 laođộng) | 7987,5 | 8261,9 | 8701,3 | 8667,5 | 9048,8 | 8655,7 | 8490,0 | 8997,4 |
Cơ cấu (%) | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 |
Đồng bằng sông Hồng | 26.73 | 26.74 | 26.99 | 26.33 | 26.12 | 26.95 | 26.20 | 25.65 |
Trung du miền núi phía Bắc | 8.61 | 8.52 | 8.78 | 8.63 | 8.58 | 8.72 | 9.10 | 8.88 |
Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung | 21.68 | 21.48 | 21.78 | 21.89 | 21.65 | 21.88 | 22.11 | 21.27 |
Tây Nguyên | 4.26 | 4.32 | 4.32 | 4.39 | 4.54 | 4.46 | 4.69 | 4.71 |
Đông Nam bộ | 18.22 | 18.21 | 17.91 | 18.41 | 18.40 | 18.20 | 17.50 | 18.89 |
Đồng bằng sông Cửu Long | 20.49 | 20.73 | 20.22 | 20.35 | 20.70 | 19.78 | 20.39 | 20.61 |
Tương tự như phân bổ hộ kinh doanh theo vùng thì số lao động trong hộ kinh doanh tập trung phần lớn tại các khu vực đồng bằng sông Hồng hơn 26%, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung hơn 21% và đồng bằng sông Cửu Long hơn 20%. Kết hợp với số liệu phân bổ hộ kinh doanh theo vùng thì có thể thấy, tại khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, số lao động trung bình trong hộ kinh doanh rất thấp, dao động từ 1,0 – 1,12 người/hộ. Trong khi đó, số lao động trung bình một hộ kinh doanh dao động từ 1,72 – 1,74 người/ hộ trong giai đoạn 2015 – 2022. Tại những khu vực này, hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ và tự kinh doanh luôn. Trong khi đó, ở khu vực đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long thì một hộ kinh doanh có thể do một gia đình hoặc có thêm những lao động từ bên ngoài vào.
Tạo việc làm và thu nhập cho người dân của hộ kinh doanh có ý nghĩa quan trọng trong xã hội hiện nay. Từ đó, các vấn đề an sinh xã hội, như: xóa đói giảm nghèo cho chính chủ sở hữu, cải thiện cuộc sống cho những người có thu nhập thấp, người nghèo ở thành thị và nông thôn. Nhờ có hộ kinh doanh, mọi người có thể tiếp cận các hàng hóa, dịch vụ nhanh hơn với giá cả bình dân. Hơn nữa, hộ kinh doanh còn là nơi tiếp nhận người lao động không đủ trình độ, kỹ năng làm việc cho khu vực doanh nghiệp, khu vực công… Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ hộ kinh doanh đang hoạt động tại các làng nghề đã góp phần rất lớn trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống – một phần của văn hóa dân tộc Việt Nam.
3. Những hạn chế trong công tác quản lý hộ kinh doanh hiện nay
Hộ kinh doanh là tiền đề để thúc đẩy tinh thần kinh doanh và phát triển kinh tế thị trường. Với rào cản tham gia thị trường thấp hơn so với khu vực doanh nghiệp, như: đơn giản về thủ tục, ít ràng buộc về tổ chức quản lý, phù hợp với nhiều thành phần, không đòi hỏi quá cao về năng lực tài chính, chi phí vốn thấp nên hộ kinh doanh được xem là bước đệm để các cá nhân khởi nghiệp, đặc biệt là trong ngành nghề kinh doanh truyền thống.
Với đặc trưng quy mô nhỏ và siêu nhỏ, manh mún, tự phát nên hộ kinh doanh có nhiều hạn chế về năng lực kinh doanh dẫn đến chưa thật sự hiệu quả trong sản xuất, năng suất thấp, khó tiếp cận với nguồn lực bên ngoài, đóng góp của khu vực này còn hạn chế và chưa tương xứng với quy mô. Trong công tác quản lý hộ kinh doanh hiện nay còn có những hạn chế, gây ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động, nghiêm trọng hơn là cản trở quá trình phát triển của hộ kinh doanh. Cụ thể:
Một là, tỷ trọng hộ kinh doanh có giấy đăng ký kinh doanh còn thấp, không đăng ký thành lập, không chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền. Do vậy, tính minh bạch trong khu vực hộ kinh doanh còn thấp, gây khó khăn cho công tác quản lý và công tác thống kê, thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Hai là, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý về thuế đối với hộ kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Những khách hàng của hộ kinh doanh đa số là các khách lẻ, không có nhu cầu lấy hóa đơn. Điều này, rất khó khăn cho cơ quan quản lý vì không thể xác định được doanh thu thực tế của hộ kinh doanh mà số thuế hộ kinh doanh nộp dựa vào sự trung thực của hộ kinh doanh khi kê khai với cơ quan.
Ba là, hoạt động quản lý đối với người lao động trong hộ kinh doanh còn lỏng lẻo. Các lao động trong các hộ kinh doanh thường không kê khai, chủ yếu là người nhà, lao động chưa đủ tuổi, lao động là người lớn tuổi… cơ quan quản lý khó kiểm soát về số lượng và bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong các hộ kinh doanh.
Bốn là, nguồn lực quản lý dành cho hộ kinh doanh còn hạn chế, đặc biệt là các khu vực tập trung đông hộ kinh doanh. Đồng bộ hóa quá trình quản lý hộ kinh doanh còn chưa được bài bản. Nguồn lực dành cho quản lý hộ kinh doanh còn ít nên rất khó để thực hiện công việc quản lý nhất là những hộ kinh doanh không đăng ký. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu hộ kinh doanh tại địa phương cũng chưa đồng bộ (địa phương có sử dụng phần mềm dùng chung trong phạm vi cấp tỉnh có khoảng 3,1 triệu hộ kinh doanh và địa phương không sử dụng phần mềm, cấp và quản lý hoàn toàn thủ công hiện tại có khoảng 2,5 triệu hộ)4.
Năm là, các văn bản pháp luật về hộ kinh doanh chưa rõ ràng, hiện tại vẫn đang quá trình dự thảonên khi phát sinh vấn đề chưa có một quy chuẩn cụ thể, phù hợp. Nhất là quản trị những rủi ro liên quan đến vốn của chủ hộ kinh doanh hoặc tranh chấp về thương hiệu, bản quyền liên quan đến hộ kinh doanh.
4. Giải pháp nâng cao năng lực quản lý hộ kinh doanh ở Việt Nam
Để hoạt động quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh đạt hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển của hộ kinh doanh cần có những giải pháp hữu hiệu.
Thứ nhất, triển khai đồng bộ, hiệu quả các quy định của pháp luật. Phổ biến, vận động, khuyến khích các hộ kinh doanh hoàn thiện các thủ tục đăng ký thành lập. Tạo điều kiện cho việc đăng ký hộ kinh doanh qua cổng Dịch vụ công quốc gia, đơn giản hơn nữa thủ tục thành lập hộ kinh doanh. Cần có chế tài đủ mạnh, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan và triển khai hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho hộ kinh doanh. Có quy định làm rõ quy chế và tiêu chuẩn của hộ kinh doanh, tránh trường hợp các hộ kinh doanh trá hình để trốn thuế. Hằng năm, cần có những con số thống kê xác định tình hình thực tế kinh doanh tại hộ kinh doanh để có những chính sách điều chỉnh hỗ trợ kịp thời.
Thứ hai, có quy chế thích hợp cho từng loại hình hộ kinh doanh. Đối với những hộ kinh doanh lớn mạnh, đủ điều kiện chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp thì cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, kết hợp với tuyên truyền ý nghĩa và lợi ích của việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang hoạt động dưới loại hình doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2020. Các cơ chế, chính sách khuyến khích bao gồm: hỗ trợ chuyển đổi loại hình, miễn thuế môn bài, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, cho phép áp dụng chế độ kế toán đơn giản, được cung cấp phần mềm kế toán miễn phí… Đồng thời, sau khi hộ kinh doanh chuyển đổi xong cần có những chính sách hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, nâng cao năng lực công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong quá trình kinh doanh, hỗ trợ xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường.
Thứ ba, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan tới hộ kinh doanh. Nên tạo sự bình đẳng giữa hộ kinh doanh và các loại hình kinh doanh khác về chính sách thuế, hệ thống kế toán, thanh tra, kiểm tra, giám sát… Cần có chính sách cụ thể về thuế đối với hộ kinh doanh khi có những hộ kinh doanh còn kinh doanh hiệu quả hơn cả doanh nghiệp nhưng vẫn áp dụng mức thuế khoán, gây nên sự bất bình đẳng trong kinh doanh. Đồng thời, cần có sự đổi mới trong cách quản lý dựa vào tình hình thực tế, quy mô, tính chất của hộ kinh doanh.
Thứ tư, xây dựng các chính sách hỗ trợ đối với hộ kinh doanh, như: tạo nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng; chính quyền địa phương khuyến khích phát triển: sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến thủy hải sản, trồng trọt chăn nuôi… Đồng thời, có chính sách ưu tiên đặc biệt về tiếp cận nguồn vốn khi cá nhân thành lập hộ kinh doanh và khi hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp. Tăng cường thúc đẩy hợp tác, xúc tiến thương mại và liên kết vùng, mở rộng thị trường giúp hộ kinh doanh có nhiều cơ hội hơn.
Thứ năm, cần có bộ phận chuyên trách hỗ trợ các vấn đề liên quan đến pháp lý cho hộ kinh doanhtrong các vấn đề liên quan tới thủ tục thành lập, chuyển đổi, thay đổi mô hình, quyết toán thuế, bảo hiểm xã hội cho người lao động tại hộ kinh doanh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước đối với khu vực kinh doanh. Khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình hoạt động kinh doanh để gia tăng mức độ tương tác trên nền tảng số giữa chính quyền và hộ kinh doanh.
5. Kết luận
Tại Việt Nam, hộ kinh doanh có quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ nhưng lại có số lượng lớn, tạo ra hàng triệu việc làm có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Chính vì vậy, việc xem xét chỉ ra những bất cập trong công tác quản lý và tìm hướng giải quyết bất cập đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình hộ kinh doanh ngày càng phát triển bền vững. Đây là một trong những nhiệm vụ đặt ra trong công cuộc đổi mới nền kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh.
Chú thích:
1. Trần Hữu Phước (2024). Định hướng và giải pháp phát triển hộ kinh doanh ở Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045. Kỷ yếu Hội thảo Kinh tế tư nhân của người Việt Nam trong định hướng và tầm nhìn phát triển mới. Hà Nội, tr. 336.
2. VEPR: Hộ kinh doanh đóng góp 30% GDP. https://thitruongtaichinhtiente.vn, truy cập ngày 06/9/2024.
3. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp ngân sách chưa tương xứng với tiềm năng. https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ho-kinh-doanh-ca-nhan-kinh-doanh-nop-ngan-sach-chua-tuong-xung-voi-tiem-nang-160830.html
4. Khắc phục các bất cập trong khung pháp lý đăng ký hộ kinh doanh. https://kinhtevadubao.vn/khac-phuc-cac-bat-cap-trong-khung-phap-ly-dang-ky-ho-kinh-doanh-27414.html
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2021). Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp.
2. Nguyễn Thị Luyến (2022). Một số vấn đề trong “chính thức hóa” hộ kinh doanh ở Việt Nam. Tạp chí Kinh tế Tài chính Việt Nam, số 4 (8/2022).
3. Tổng cục Thống kê (2015 – 2022). Niên giám thống kê năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019, 2020, 2021, 2022. Hà Nội.
4. Công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên thương mại điện tử tại tỉnh Đắk Lắk. https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/12/13/cong-tac-quan-ly-thue-doi-voi-ho-kinh-doanh-ca-nhan-kinh-doanh-tren-thuong-mai-dien-tu-tai-tinh-dak-lak/