Nâng cao năng lực tổ chức thực thi chính sách công cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tỉnh Lai Châu hiện nay

TS. Nguyễn Thanh Giang
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Nâng cao năng lực tổ chức thực thi chính sách công của đội ngũ cán bộ lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh Lai Châu là một chủ trương quan trọng được Đảng bộ tỉnh Lai Châu luôn chú trọng, nhất là xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số. Bài viết tập trung làm rõ thực trạng năng lực tổ chức thực thi chính sách công của đội ngũ cán bộ lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp , tỉnh Lai Châu và những nguyên nhân chủ quan và khách quan tác động tới năng tổ chức thực thi chính sách công của đội ngũ cán bộ lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp , tỉnh Lai Châu, từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian tới.

Từ khóa: Năng lực; năng lực tổ chức thực thi chính sách; chính sách công; lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã.

1. Đặt vấn đề

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã là người lãnh đạo, quản lý cơ quan hành chính nhà nước cấp xã, thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước cũng như chịu trách nhiệm trong việc triển khai và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước trên địa bàn cấp xã. Trong những năm gần đây, cùng với việc thực hiện chương trình cải cách hành chính ở các cấp, đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã đã có sự phát triển rõ rệt cả về số lượng và chất lượng. Hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước cấp cơ sở bước đầu được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, hoạt động tổ chức thực thi chính sách ở cấp xã cũng còn nhiều hạn chế dẫn đến nảy sinh xung đột xã hội ở một số địa phương. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sự hạn chế về năng tổ chức thực thi chính sách công của đội ngũ cán bộ lãnh đạo UBND cấp xã. Để hoạt động tổ chức thực thi chính sách công có hiệu quả, đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo UBND cấp xã phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý nói chung, đặc biệt là năng lực tổ chức thực hiện chính sách công nói riêng.

2. Năng lực tổ chức thực thi chính sách công của đội ngũ cán bộ lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã

Năng lực tổ chức thực thi chính sách công của đội ngũ cán bộ lãnh đạo UBND cấp xã là tổ hợp những hành động của lãnh đạo UBND cấp xã, nhằm xây dựng kế hoạch; phổ biến, tuyên truyền; phân công, phối hợp; đôn đốc thực hiện và đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm thực hiện chính sách phù hợp với những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để thực hiện nội dung chính sách công một cách hiệu quả. Có thể thấy, hoạt động tổ chức thực thi chính sách công là một loại hoạt động đặc biệt, đối tượng tác động chủ yếu của nó là các mối quan hệ của con người trong phạm vi hoạt động chung và các phẩm chất tâm lý của con người mà hoạt động đòi hỏi.

Hoạt động tổ chức thực thi chính sách công được diễn ra theo một quá trình, bao gồm các bước: (1) xây dựng kế hoạch triển khai thực thi chính sách; (2) phổ biến, tuyên truyền chính sách; (3) phân công, phối hợp thực hiện chính sách; (4) đôn đốc thực hiện chính sách; (5) đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm thực hiện chính sách.

Quá trình tổ chức thực thi chính sách với 5 bước như trên chỉ là mang tính chất tương đối. Tùy theo tính chất của mỗi chính sách mà có thể số lượng các bước là khác nhau, có chính sách cần phải thực hiện đầy đủ các bước như đã nêu trên, trong khi những chính sách ít phức tạp thì chỉ cần một số bước là đủ.

3. Thực trạng năng lực tổ chức thực thi chính sách công của đội ngũ cán bộ lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, tỉnh Lai Châu

Lai Châu hiện có 106 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 5 phường, 7 thị trấn và 94 xã. Với tổng số là 310 cán bộ lãnh đạo UBND cấp xã (106 chủ tịch và 204 phó chủ tịch) với các đặc điểm về trình độ như sau:

Bảng 1. Chất lượng đội ngũ lãnh đạo UBND cấp xét về trình độ

TTTiêu chíChủ tịch (n=106)Phó Chủ tịch (n=204)Chung
Số lượng (tỷ lệ %)Số lượng (tỷ lệ %)Số lượng (tỷ lệ %)
1Giới tínhNam100 (94,6%)182 (54,9%)282 (90,9%)
Nữ6 (15,4%)22 (45,1%)28 (9,1%)
4Trình độ học vấnTrung cấp/ cao đẳng9 (8,6%)30 (14,7%)39 (12,6%)
Cử nhân87 (82,0%)170 (83,3)257 (82,9)
Sau đại học10 (9,4%)4 (2,0%)14 (4,5%)
5Trình độ chính trịSơ cấp0 (0%)0 (0%)0 (0%)
Trung cấp47 (44,3%)191 (0%)238 (76,8%)
Cao cấp59 (55,7%)13 (67,2%)72 (23,2%)
Cử nhân0 (0,0%)0 (0,0%)0 (0,0%)
6Dân tộcKinh36 (40,0%)45 (22,0%)81 (26,1%)
Dân tộc khác70 (60,0%)159 (78,0%)229 (73,9%)
Nguồn: Sở Nội vụ tỉnh Lai Châu (2024). Báo cáo về đặc điểm đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã.

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo UBND cấp xã tỉnh Lai Châu đa số là nam giới chiếm tỷ lệ 90,9%, nữ chiếm 9,1% với trình độ học vấn đại học và trên đại học chiếm 87,4%, trung cấp, cao đẳng chiếm 12,6%; trình độ trung cấp chính trị chiếm 76,8%, cao cấp chính trị chiếm 23,2%; dân tộc kinh chiếm 26,1% còn lại là các dân tộc khác chiếm 73,9%1. Số liệu cho thấy, Lãnh đạo UBND cấp xã đã đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về công tác cán bộ chủ chốt cấp xã do Nhà nước đặt ra. Đây cũng là thuận lợi đảm bảo cho việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta hiện nay. Ngoài ra lãnh đạo UBND cấp xã bảo đảm các tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học, cũng như các tiêu chuẩn chính trị hiện nay.

Kết quả khảo sát, điều tra ở 160 cán bộ lãnh đạo UBND cấp xã cho thấy năng lực tổ chức thực thi chính sách công của đội ngũ cán bộ lãnh đạo UBND cấp xã chủ yếu phát triển ở mức độ trung bình với tỷ lệ là 69,3%, ở mức độ cao là 16,25%, số còn lại ở mức độ thấp là 14,37%2.

So sánh mức độ năng lực tổ chức thực thi chính sách công của đội ngũ cán bộ lãnh đạo UBND cấp xã qua các tiêu chí “giới tính”, “thâm niên công tác”, “trình độ học vấn”, “trình độ chính trị” thông qua kiểm định T-test và One way ANOVA cho thấy, ở 3 tiêu chí là “giới tính”, “thâm niên công tác” và “địa bàn” sự khác biệt về mức độ năng lực tổ chức thực thi chính sách công là không có ý nghĩa thống kê. Trong khi đó, nếu xét theo tiêu chí: “trình độ học vấn” và “trình độ chính trị” cho thấy có sự khác biệt đáng kể và có ý nghĩa về mặt thống kê (bảng 2).

Những lãnh đạo UBND cấp xã có trình độ sau đại học có mức độ năng lực tổ chức thực thi chính sách công cao hơn so với những lãnh đạo UBND cấp xã ở trình độ cử nhân; về trình độ chính trị, những lãnh đạo UBND cấp xã ở trình độ cao cấp có mức độ năng lực tổ chức thực thi chính sách công cao hơn so với những lãnh đạo UBND cấp xã ở trình độ trung cấp chính trị.

Bảng 2. So sánh sự khác biệt về mức độ năng lực tổ chức thực thi chính sách công theo các tiêu chí khác nhau.

T TTiêu chíĐTBSo sánh theo T-test (p)So sánh theo ANOVA*
1Giới tínhNam4,020,78 
Nữ4,04
2Thâm niên công tácDưới 15 năm3,990,29 
Từ 15 năm trở lên4,03
3Trình độ học vấnCử nhân3,930,04 
Sau đại học4,01
4* Trình độ chính trịTrung cấp (TB4)3,76 TB4<TB5,p=0,005
Cao cấp (TB5)4,00
Ghi chú: (*) tiêu chí này dùng kiểm định One way ANOVA và chỉ hiển thị những khác biệt có ý nghĩa thống kê; các tiêu chí còn lại dùng T-test.

Sở dĩ không có sự khác biệt về mức độ hoạt động tổ chức thực thi chính sách công ở tiêu chí “giới tính”, “thâm niên công tác”, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, lãnh đạo UBND cấp xã là những người giữ chức vụ thông qua bầu cử hoặc điều động bổ nhiệm từ các nguồn cán bộ của các thành phố/huyện dựa trên một quy trình có tính pháp quy chặt chẽ, do đó về cơ bản họ đã đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu đối với vị trí là lãnh đạo UBND cấp xã. Hơn nữa, hầu hết lãnh đạo UBND cấp xã đều được đào tạo có trình độ đại học trở lên, trong đó 4,5% mẫu khảo sát đã tốt nghiệp trên đại học và đặc biệt là tuổi đời của lãnh đạo UBND cấp xã chủ yếu từ 30 tuổi trở lên. Trước khi đảm nhận cương vị chủ tịch, họ đều trải qua những cương vị công tác trong hoạt động thực tiễn, đặc biệt là các hoạt động phong trào ở địa phương, do đó về cơ bản họ đã có kinh nghiệm trong quản lý hành chính nhà nước nói chung và trong việc lãnh đạo, quản lý ở cơ sở nói riêng.

Đối với những tiêu chí: “trình độ học vấn” và “trình độ chính trị” cho thấy, có sự khác biệt đáng kể và có ý nghĩa về mặt thống kê. Trên cơ sở kết quả phỏng vấn cho thấy rằng đối với những lãnh đạo UBND cấp xã có trình độ sau đại học có mức độ năng lực tổ chức thực thi chính sách công cao hơn so với những lãnh đạo UBND cấp xã có trình độ đại học. Về mặt nhận thức điều đó là dễ hiểu bởi lẽ trình độ học vấn cao hơn, sẽ có tư duy và phương pháp luận tốt hơn so với những người có học vấn thấp hơn. Do đó, việc nâng cao trình độ học vấn đối với đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ lãnh đạo UBND cấp xã nói riêng là rất cần thiết và cấp bách.

Trong những năm qua Đảng bộ và chính quyền tỉnh Lai Châu đã không ngừng việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, thu hút những người có trình độ cao tham gia vào công tác tại địa bàn cấp xã. Đề án đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số của tỉnh Lai Châu đã tạo ra những chuyển biến khá tích cực, nâng cao trình độ học vấn của đội ngũ cán bộ này khá toàn diện. Trong khi, những lãnh đạo UBND cấp xã có trình độ cao cấp chính trị có mức độ năng lực tổ chức thực thi chính sách công cao hơn những lãnh đạo UBND cấp xã có trình độ trung cấp chính trị, điều này chứng tỏ chương trình và nội dung đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị ở mức độ cao cấp bao giờ cũng có tính hệ thống, bài bản và kiến thức được cập nhật thường xuyên hơn với những nội dung ở chương trình trung cấp. Nhiều nội dung có liên quan đến hoạt động lãnh đạo, quản lý ở cấp cơ sở được giảng dạy do vậy, sự khác biệt về mức độ hoạt động xây dựng kế hoạch tổ chức thực thi chính sách của lãnh đạo UBND cấp xã có trình độ cao cấp chính trị và trung cấp là điều dễ hiểu.

Kết quả nghiên cứu tác động của các yếu tố chủ quan và khách quan tới hoạt động tổ chức thực thi chính sách của lãnh đạo UBND cấp xã cho thấy, sự kết hợp các yếu tố chủ quan và khách quan đều có mối tương quan thuận và khá mạnh tới năng lực tổ chức thực thi chính sách của lãnh đạo UBND cấp xã. Tổng hợp những yếu tố này có thể dự báo được 75,6% sự biến thiên năng lực tổ chức thực thi chính sách của lãnh đạo UBND cấp xã (xem bảng 3). Trong đó, các yếu tố chủ quan có mức độ dự báo cao hơn những yếu tố khách quan.

Các yếu tố chủ quan có thể giải thích tới 74,7% sự biến đổi của năng lực tổ chức thực thi chính sách của lãnh đạo UBND cấp xã; các yếu tố khách quan có thể giải thích được 66,4% sự biến đổi của năng lực tổ chức thực thi chính sách của lãnh đạo UBND cấp xã. Trong các yếu tố chủ quan thì nổi lên 2 yếu tố có tác động nhiều nhất đến năng lực tổ chức thực thi chính sách của lãnh đạo UBND cấp xã là yếu tố “Trình độ được đào tạo về nghiệp vụ lãnh đạo, quản lý” với khả năng dự báo được 45,8% và yếu tố “Uy tín cá nhân của lãnh đạo UBND cấp xã” dự báo được 45,1% sự biến đổi năng lực tổ chức thực thi chính sách của lãnh đạo UBND cấp xã. Trong các yếu tố khách quan thì nổi lên 2 yếu tố có tác động nhiều nhất đến năng lực tổ chức thực thi chính sách của lãnh đạo UBND cấp xã là yếu tố “Sự chỉ đạo sát sao và quan tâm giúp đỡ đúng mức của cấp trên” với khả năng dự báo được 44,8% và yếu tố “Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ” dự báo được 37,3% sự biến đổi năng lực tổ chức thực thi chính sách của lãnh đạo UBND cấp xã.

Bảng 3. Dự báo sự thay đổi năng lực tổ chức thực thi chính sách của lãnh đạo UBND cấp xã


TT
Các biến độc lập: Các yếu tố tác độngBiến phụ thuộc: Năng lực thực thi chính sách  (R2)
1Các yếu tố chủ quan0,747**
1.1Trình độ được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ làm công tác lãnh đạo, quản lý của lãnh đạo UBND cấp xã0,485**
1.2Kinh nghiệm của bản thân trong công tác lãnh đạo, quản lý0,242**
1.3Động cơ làm công tác lãnh đạo, quản lý của lãnh đạo UBND cấp xã0,386**
1.4Uy tín cá nhân của lãnh đạo UBND cấp xã0,451**
2Các yếu tố khách quan0,664**
2.1Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của Đảng và Nhà nước đối với lãnh đạo UBND cấp xã0,373**
2.2Chế độ, chính sách đãi ngộ của Nhà nước đối với lãnh đạo UBND cấp xã0,229**
2.3Sự chỉ đạo sát sao và quan tâm giúp đỡ đúng mức của cấp trên đối với lãnh đạo UBND cấp xã0,448**
2.4Năng lực, tinh thần trách nhiệm cao và sự tận tụy với công việc của cán bộ, công chức dưới quyền khi thực hiện quyết định quản lý0,21**
 Tập hợp các biến độc lập0,756**
Ghi chú: (**) khi p< 0,001.
4. Một số định hướng giải pháp
Thứ nhất, nâng cao trình độ tri thức về nghiệp vụ lãnh đạo, quản lý đối với lãnh đạo UBND cấp xã.

Nâng cao trình độ tri thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo UBND cấp xã là một yêu cầu quan trọng trong việc nâng cao năng lực tổ chức thực thi chính sách của lãnh đạo UBND cấp xã. Cụ thể là cần trang bị hệ thống những tri thức cơ bản về nghiệp vụ lãnh đạo, quản lý như tri thức về phương thức tổ chức thực thi chính sách; ngoài ra cần bổ sung hệ thống những tri thức bổ trợ cho lãnh đạo UBND cấp xã như tri thức về phương thức điều hành UBND; xây dựng quy chế làm việc, giao tiếp với dân; giải quyết tranh chấp đất đai ở cơ sở; giám sát việc thực hiện công việc đã phân công; về quy hoạch, lựa chọn, sử dụng công chức cấp xã và cán bộ các khu phố mà còn phải biết vận dụng linh hoạt có kết quả những tri thức trên phù hợp với điều kiện và mục đích của địa bàn mình quản lý. Để thực hiện nhóm biện pháp này đòi hỏi các nhà trường, hệ thống học viện chính trị – hành chính các cấp và các cấp có thẩm quyền cần phải đổi mới, xây dựng và hoàn thiện các khung chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với đối tượng là lãnh đạo UBND cấp xã.

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với lãnh đạo UBND cấp xã.

Cơ chế, chính sách đãi ngộ là công cụ điều tiết cực kỳ quan trọng trong công tác lãnh đạo, quản lý. Cơ chế, chính sách đãi ngộ có thể thúc đẩy tạo động lực cho sự phát triển nhưng cũng có thể kìm hãm hoặc triệt tiêu các động lực, cản trở sự phát triển chung, trong đó có hoạt động lãnh đạo, quản lý. Đối với đội ngũ lãnh đạo UBND cấp xã nếu có cơ chế, chính sách đúng đắn, hợp lý sẽ có tác dụng thúc đẩy, khuyến khích sự tích cực, hăng hái, có trách nhiệm với công việc, phát huy được sự sáng tạo của đội ngũ cán bộ này và ngược. Do vậy, việc hoạch định, đổi mới cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với lãnh đạo UBND cấp xã cần tập trung vào một số vấn đề sau:

(1) Giải quyết vấn đề tiền lương: Đối với lãnh đạo UBND cấp xã thì tiền lương vừa là vấn đề chính sách, vừa phản ánh bản chất xã hội, phản ánh mục đích lao động của con người, tiền lương phải phản ánh được trình độ, năng lực thực tế của người cán bộ, người lao động. Phải giảm bớt các khoản bao cấp, ưu đãi, đặc quyền, đặc lợi đối với người cán bộ lãnh đạo, quản lý mà chỉ nên quan tâm, ưu đãi những người có nhiều công lao, đóng góp hữu ích cho địa phương, cho dân và cho nước. Nhưng phải có cơ chế, chính sách động viên họ phát huy khả năng, năng lực và trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao như chính sách hỗ trợ lúc khó khăn, tăng thêm tiền hỗ trợ lao động ngoài giờ, kịp thời khen thưởng các sáng kiến… Tiền lương phải bảo đảm đủ nhu cầu cuộc sống để có thể tái sản xuất xã hội, có như vậy mới giảm thiểu và tránh được tình trạng tham ô, tham nhũng và các khoản thu “đen”.

(2) Cần có cơ chế, chính sách đầu tư, ưu tiên cho đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là lãnh đạo UBND cấp xã. Các cấp, ngành chức năng có thẩm quyền cần chú ý, quan tâm hơn đến việc lựa chọn, đào tạo, dồi dưỡng và sắp xếp những lãnh đạo UBND cấp xã là nữ.

(3) Cần có chính sách khen thưởng hợp lý, kịp thời, thỏa đáng kể cả về vật chất và tinh thần cho những lãnh đạo UBND cấp xã hoạt động tích cực, có nhiều thành tích trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chính sách được giao.

Thứ ba, đổi mới nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp và thời gian đào tạo, bồi dưỡng cho lãnh đạo UBND cấp xã.

Đây là một trong những vấn đề quan trọng trong con đường hình thành, phát triển và nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý. Công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cần phải tập trung vào đổi mới chương trình, nội dung và hình thức đào tạo, bồi dưỡng, đây là vấn đề cốt lõi của công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, là vấn đề cần thiết để giải quyết nhu cầu trước mắt hiện nay. Trong quá trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần quán triệt phương châm lý luận gắn liền với thực tiễn, học đi đôi với hành. Các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ năng nghiệp vụ lãnh đạo, quản lý nói chung, kỹ năng tổ chức thực hiện chính sách nói riêng cần tập trung hướng vào bồi dưỡng cả những kiến thức cơ bản lẫn kiến thức chuyên sâu, kiến thức chuyên ngành. Hình thức đào tạo phải đa dạng nhưng phải cơ bản, tiếp tục giữ vững và phát triển hình thức đào tạo cơ bản, đào tạo tập trung chính quy và đào tạo tại chức, tạo điều kiện thuận lợi phù hợp cho mọi đối tượng, chức vụ khác nhau vói nhu cầu học tập, bồi dưỡng khác nhau.

Thứ, nâng cao uy tín cá nhân của lãnh đạo UBND cấp xã.

Uy tín người lãnh đạo, quản lý là một trong những hiện tượng tâm lý xã hội, người thiếu uy tín, uy tín thấp hoặc mất uy tín thì trong công tác sẽ không thể đạt được hiệu quả bởi họ sẽ không nhận được sự ủng hộ của đồng nghiệp, của quần chúng nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ. Để nâng cao uy tín của mình, mỗi lãnh đạo UBND cấp xã cần thực hiện các nội dung cụ thể như: (1) Nâng cao sự hiểu biết về xã hội, sâu sát với quần chúng nhân dân, lắng nghe ý kiến của dân để kịp thời đề ra những chiến lược, sách lược phát triển của địa phương theo yêu cầu theo yêu cầu phát triển chung của đất nước; (2) Không bị ảnh hưởng bởi những cám dỗ, mặt trái của cơ chế thị trường, bởi lẽ lãnh đạo UBND cấp xã mà tham nhũng, nhũng nhiễu Nhân dân thì sớm muộn cũng sẽ bị mất uy tín, mất lòng tin với Nhân dân; (3) Trong quản lý điều hành, luôn gắn liền với pháp luật, nghĩ ra nhiều cơ chế, nhiều biện pháp để thúc đẩy sự phát triển nhưng phải hợp pháp, phải có sự hiểu biết sâu rộng, toàn năng, gương mẫu, mới nâng cao được uy tín của mình; (4) Khi ra quyết định trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cần cẩn trọng, chuẩn xác, có tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế; (5) Phải kiên trì tự phấn đấu rèn luyện, cả về phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn, có bản lĩnh, tư tưởng chính trị vững vàng, tạo được sự tin tưởng của cấp dưới và Nhân dân.

Trong công việc và quan hệ với mọi người, cần khiêm tốn và có nguyên tắc, nghiêm khắc với bản thân, sống có tình nghĩa, tự tin và tự trọng; phải tự nhận thức làm lãnh đạo, quản lý là để phục vụ sự nghiệp của Đảng, của Nhân dân và của đất nước. Gắn bó với Nhân dân, thường xuyên tiếp xúc và lắng nghe ý kiến của Nhân dân, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc tư tưởng, những thân thế xã hội bất lợi, khai thác tiềm năng của Nhân dân để cùng nhau thực hiện kỳ được những mục tiêu chiến lược của huyện đề ra; phải thường xuyên tự kiểm tra, tự phê bình nghiêm khắc, có kế hoạch sửa chữa kịp thời những khuyết điểm của mình, quan hệ đúng mực với cấp trên, đồng nghiệp và Nhân dân. Thực hiện dân chủ, công khai trong đề bạt, khen thưởng, kỷ luật, có biện pháp tự điều chỉnh những phẩm chất tâm lý cá nhân trong quá trình làm việc.

Chú thích:
1, 2. Nguyễn Thanh Giang (2024). Hoạt động tổ chức thực thi chính sách công của lãnh đạo UBND cấp xã, tỉnh Lai Châu. Đề tài cấp cơ sở, Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Văn Chiến (chủ biên) (2021). Giáo trình Khoa học lãnh đạo. H. NXB Lý luận chính trị, Hà Nội, 2021.
2. Nguyễn Bá Dương (chủ biên) (2007). Những vấn đề cơ bản của khoa học tổ chức. H. NXB Lao động xã hội.
3. Vũ Cao Đàm (2011). Giáo trình Khoa học chính sách. H. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. Nguyễn Hữu Hải (2013). Chính sách công – Những vấn đề cơ bản. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
5. Nguyễn Thị Tuyết Mai (2007). Nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn của cán bộ chủ chốt cấp xã (qua khảo sát ở đồng bằng sông Hồng). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.