ThS. Vongsalat Chanpheng
Tòa án nhân dân tối cao CHDCND Lào
(Quanlynhanuoc.vn) – Trách nhiệm công vụ của thẩm phán không chỉ là một khái niệm gắn với cơ chế quản lý thẩm phán mà còn mang tính chính trị, tạo dựng hình ảnh của chế độ, của bộ máy nhà nước trong mắt người dân. Do đó, việc đội ngũ thẩm phán phải tự ý thức về quyền hạn và nhiệm vụ được phân công, cũng như bổn phận phải thực hiện các quyền và nhiệm vụ đó phải được làm một cách tốt nhất, thường xuyên, liên tục.
Từ khoá: Công vụ, trách nhiệm công vụ, thẩm phán, bổn phận, CHDCND Lào.
1. Công vụ và trách nhiệm công vụ của thẩm phán
Thẩm phán tòa án nhân dân là một chức danh tư pháp trong tòa án. Hiện nay, theo quy định tại Điều 2 Pháp luật về thẩm phán năm 2017 của nước CHDCND Lào thì thẩm phán được định nghĩa “là người làm nhiệm vụ xét xử những vụ án được bổ nhiệm từ ủy ban thường vụ quốc hội”. Từ định nghĩa này, nhiệm vụ của thẩm phán đã được xác lập đầy đủ hơn, thẩm phán đóng vai trò là người xét xử các vụ án. Như vậy, thẩm phán là chức danh tư pháp, chức danh nghề nghiệp, không phải là người giữ chức vụ trong hệ thống Tòa án nhân dân, được bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ xét xử và các nhiệm vụ khác của Tòa án nhân dân.
Khi được Chánh án Tòa án phân công, thẩm phán có nhiệm vụ, quyền hạn, như: xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, thụ lý vụ việc dân sự theo quy định của pháp luật; lập hồ sơ vụ việc dân sự; tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ, tổ chức phiên tòa, phiên họp để giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của pháp luật; quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự, quyết định tiếp tục đưa vụ việc dân sự ra giải quyết; giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
Đồng thời, tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định của pháp luật. Thẩm phán còn có một số quyền hạn, như: quyết định đưa vụ án dân sự ra xét xử, đưa việc dân sự ra giải quyết; triệu tập người tham gia phiên tòa, phiên họp; chủ tọa hoặc tham gia xét xử vụ án dân sự, giải quyết việc dân sự; đề nghị Chánh án Tòa án phân công Thẩm tra viên hỗ trợ thực hiện hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật; phát hiện và đề nghị Chánh án Tòa án kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của B pháp luật; xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự theo quy định của pháp luật.
Khi xem xét thuật ngữ “công vụ”, hiện có rất nhiều cách hiểu khác nhau gắn liền với các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động và con người thực thi hoạt động đó. Khoa học luật hành chính nhiều nước cho rằng, công vụ có nội dung thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, y tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng… nhằm thoả mãn nhu cầu chung của xã hội trên cơ sở đường lối chính trị đã hoạch định. Tất cả những hoạt động của Nhà nước đều nhằm mục đích phục vụ Nhân dân, thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống để bảo đảm kỷ cương của xã hội.
Mặt khác, các đạo luật đều được cụ thể hoá bằng những quyết định của cơ quan quản lý nhà nước. Việc thực hiện các quyết định hành chính nhà nước chính là thi hành luật. Có thể thấy công vụ là một khái niệm mang tính lịch sử và gắn liền với thiết chế chính trị của mỗi quốc gia khác nhau. Vì vậy, hiện nay đang tồn tại nhiều quan niệm khác nhau về công vụ, không có một khái niệm chung cho tất cả các quốc gia, đồng thời nó còn được thay đổi cho thích ứng với bối cảnh chính trị – xã hội ở mỗi thời kỳ công vụ thẩm phán cụ thể:
(1) Công vụ thẩm phán được hiểu là các hoạt động của tòa án nhân dân, của thẩm phán trong các tòa án nhân dân các cấp.
(2) Công vụ thẩm phán được hiểu là hoạt động do thẩm phán làm việc trong các tòa án thực hiện nhằm tách biệt những hoạt động có tính chính trị với hoạt động có tính chuyên môn nghề nghiệp của các tòa án nhân dân;
(3) Công vụ thẩm phán là hoạt động do thẩm phán làm việc trong tòa án nhân dân thực hiện. Mặc dù có nhiều quan niệm ở các cấp độ khác nhau về công vụ nhà nước, nhưng điểm chung nhất của các quan niệm trên là tính chất phục vụ cộng đồng, xã hội do các cơ quan nhà nước (hay nhà nước thành lập) thực hiện theo quy định pháp luật. Ở CHDCND Lào, Điều 2 Luật Tổ chức thẩm phán quy định hoạt động công vụ thẩm phán “là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án nhân dân theo quy định của luật này và các quy định khác có liên quan”. Thẩm phán khi tham gia hoạt động công vụ phải tuân thủ các nghĩa vụ quy định và có trách nhiệm thực hiện đúng quyền hạn được giao.
Trách nhiệm công vụ thẩm phán là thẩm phán tự ý thức đầy đủ về quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ đối với nhiệm vụ được phân công cũng như bổn phận phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó. Trách nhiệm trong hoạt động công vụ của thẩm phán có mối quan hệ chặt chẽ với kết quả hoạt động công vụ, gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được tổ chức, cấp trên trao cho trên cơ sở luật định.
Thẩm phán có trách nhiệm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nên rất cần những vị “quan tòa” công minh, công bằng, tôn trọng sự thật khách quan. Tính khách quan tột bậc, sự lịch thiệp, sự tế nhị cao trong xử sự cá nhân và những điều kiện khác làm hình thành nên cơ sở đạo đức trong hoạt động của Thẩm phán, cụ thể:
Thứ nhất, thẩm phán nhận thức sâu sắc về vai trò, vị thế của Tòa án nhân dân nói chung, trách nhiệm của người thẩm phán nói riêng. Tòa án là cơ quan duy nhất được nhân danh Nhà nước để đưa ra những quyết định, phán xét về hành vi của một người bị truy tố trước Tòa án là có tội hay không có tội và được quyền áp dụng các hình phạt theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi phạm tội. Trong các lĩnh vực xét xử khác, như dân sự, kinh tế, hành chính, lao động thì phán quyết của Tòa án có ảnh hưởng trực tiếp đối với quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự và những người tham gia tố tụng. Do đó, người thẩm phán phải luôn ý thức được tinh thần trách nhiệm rất cao trước pháp luật, trước nhân dân. Bất kỳ sai sót nào của Thẩm phán đều ảnh hưởng đến kết quả, chất lượng xét xử, ảnh hưởng đến uy danh của Tòa án, đến niềm tin của người dân vào pháp luật và công lý. Vì vậy, trong công tác xét xử không cho phép người thẩm phán có những quyết định, phán quyết chủ quan, không đúng pháp luật, không hợp lòng dân, không bảo đảm công lý. Mỗi bản án đều phải là những chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội và có tác dụng giáo dục pháp luật, định hướng hành vi của người dân, của cả xã hội. Qua đó, khuất phục được tội phạm, thuyết phục được người dân và tạo sự đồng thuận, tuân thủ trong xã hội.
Ngoài các yêu cầu trên, với chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân, thẩm phán còn phải thực hiện tốt nhiệm vụ, thể hiện bản lĩnh của mình trong vai trò là thành viên của cơ quan xét xử; làm tốt công tác tham gia xây dựng pháp luật; tổng kết thực tiễn áp dụng pháp luật để ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất; lựa chọn các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ để áp dụng trong xét xử.
Thứ hai, thẩm phán đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong xét xử; giữ gìn, bảo vệ pháp luật, không thiên lệch, hết mực công tâm, không vì lợi ích riêng tư. Người thẩm phán phải có bản lĩnh vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, am hiểu kiến thức xã hội, phong tục, tập quán của từng địa phương để có những phán quyết thấu tình, đạt lý, thực hiện phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư và phải gần dân, học dân, hiểu dân và giúp dân.
Thứ ba, thẩm phán phải thực sự là tấm gương về đức tính thanh liêm, cương trực và nhân hậu; liên tục tự rèn luyện tu dưỡng để nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Trong công tác cần thường xuyên phải nhìn nhận, đánh giá lại chính mình, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình để khắc phục những tồn tại, hạn chế, vượt qua mọi cám dỗ vật chất trong cuộc sống.
2. Trách nhiệm công vụ của thẩm phán ở CHDCND Lào hiện nay
Hiện nay, vấn đề trách nhiệm thẩm phán ở CHDCND Lào được xem xét theo hai nhóm đối tượng thẩm phán là trách nhiệm của người đang giữ vị trí lãnh đạo, quản lý và trách nhiệm của người thừa hành. Trong đó, có những trách nhiệm công vụ mang tính chung cho cả hai nhóm.
Điều 56, Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2017 của Lào, quy định trách nhiệm thẩm phán cụ thể:
(1) Công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền và có sự kiểm tra, giám sát, bảo đảm thứ bậc hành chính và sự phối hợp chặt chẽ nhằm bảo đảm thẩm quyền phải gắn với chức trách được giao. Từ đó, tạo cơ sở nâng cao trách nhiệm của thẩm phán trong thực thi công vụ.
(2) Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ trách nhiệm cá nhân và phân công, phân cấp rõ ràng nhằm xác định trách nhiệm trong hoạt động công vụ để xử lý các sai phạm hoặc khen thưởng, đánh giá thực hiện một cách chính xác và kịp thời.
Ngoài ra, trách nhiệm công vụ của thẩm phán và trách nhiệm công vụ đối với người giữ vị trí lãnh đạo còn thể hiện ở các nội dung, như
Trách nhiệm công vụ của thẩm phán cụ thể, gồm: (1) Trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ liên quan đến thể chế chính trị, chế độ Nhà nước và Nhân dân (Điều 2, Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2017); (2) Trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trong thi hành công vụ (Điều 14, 25 và 26 Luật Thẩm phán năm 2017 của CHDCND Lào). Các quy định liên quan đến đạo đức, văn hóa giao tiếp cũng như những việc thẩm phán không được làm cũng thể hiện trách nhiệm công vụ của thẩm phán; (3) Điều 41, 44, 45, 46, 47 và 48 Luật Thẩm phán năm 2017 của CHDCND Lào quy định trách nhiệm nội dung cần thiết khi đánh giá thẩm phán.
Trách nhiệm công vụ đối với người giữ vị trí lãnh đạo cụ thể, gồm: (1) Trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của thẩm phán là người đứng đầu (Điều 32, 33 và 34 Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2017 của CHDCND Lào); (2) Quy định về cơ quan thực hiện tuyển dụng thẩm phán (Điều 14, 15, 16 và 17 Luật Thẩm phán năm 2017 của CHDCND); (3) Tổ chức thi nâng ngạch thẩm phán (Điều 18 Luật Thẩm phán năm 2017 của CHDCND); (4) Trách nhiệm trong đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán (Điều 27, 28, 29, 30 Luật Thẩm phán năm 2017 của CHDCND); (5) Trách nhiệm đánh giá thẩm phán (Điều 41, 42 và 43 Luật Thẩm phán năm 2017 của CHDCND).
Tuy nhiên, tình trạng thiếu trách nhiệm của đội ngũ thẩm phán trong hoạt động công vụ hiện nay còn những hạn chế nhất định và có nguy cơ làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tòa án nhân dân. Sự thiếu hợp lý về phân công, bố trí, sắp xếp công việc do áp lực về hiệu quả và chất lượng dẫn tới có người hầu như không được giao việc hoặc được giao ít việc hay việc ít quan trọng bởi năng lực hạn chế.
Chế độ đãi ngộ và sự đánh giá giữa người làm nhiều và người làm ít lại không có gì khác biệt, thậm chí một số người tuy làm ít, chịu trách nhiệm thấp nhưng lương và đãi ngộ còn cao hơn những người có khối lượng công việc tương đương hoặc làm nhiều hơn bởi họ ở ngạch, bậc cao hơn. Điều này dẫn tới sự bất cập về ý thức trách nhiệm trong công vụ. Do đó, hoàn thiện các quy định về trách nhiệm công vụ là cần thiết để góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa; làm cơ sở để xử lý khi thẩm phán vi phạm, góp phần thiết thực vào công cuộc phòng và chống tham nhũng; là điều kiện nâng cao năng lực thẩm phán.
3. Yêu cầu hoàn thiện các quy định bảo đảm trách nhiệm công vụ của đội ngũ thẩm phán ở CHDCND Lào hiện nay
Để bảo đảm trách nhiệm công vụ của thẩm phán được thực hiện nghiêm túc góp phần cải thiện chất lượng và kết quả thực thi công vụ, cần phải hoàn thiện các quy định gắn với trách nhiệm công vụ.
Một là, khi phân công nhiệm vụ cần bảo đảm thẩm phán thực thi công vụ hiểu được chính xác trách nhiệm mà mình phải thực hiện và mức độ phải gánh chịu khi không thực hiện đúng trách nhiệm. Sự thiếu rõ ràng và không chuyên nghiệp trong giao việc dẫn tới thẩm phán thực thi có thể không làm đúng với yêu cầu, không đạt kết quả như mong muốn hoặc kéo dài thời gian theo quy định nhưng lại không thể quy trách nhiệm và xử lý vi phạm.
Khi thẩm phán hiểu được chính xác trách nhiệm mà mình phải thực hiện và mức độ phải gánh chịu thì các quy phạm pháp luật mới có tính khả thi để đo lường trách nhiệm, mức độ ý thức về trách nhiệm và khả năng chịu trách nhiệm thông qua các biện pháp chế tài đủ để tác động lên ý thức thẩm phán thực hiện công vụ. Có như vậy, các thành viên trong tòa án nhân dân sẽ chấp nhận làm theo và tự nguyện, tự giác điều chỉnh hành vi, thái độ và cảm xúc của mình một cách có trách nhiệm. Bởi trên thực tế, có những thẩm phán thiếu ý thức tổ chức kỷ luật không phải vì họ cố ý vi phạm mà là do họ nhận thức sai lầm về những điều nói trên.
Hai là, trách nhiệm công vụ của thẩm phán cần quy định gắn trực tiếp với trách nhiệm cá nhân để bảo đảm tính rõ ràng. Để bảo đảm trách nhiệm công vụ của thẩm phán, điều quan trọng nhất là phải thiết lập được nhiệm vụ đối với cá nhân thẩm phán và quy trách nhiệm cho họ. Nhiệm vụ cá nhân thẩm phán phải được qui định rõ ràng sẽ là cơ sở để phân công trách nhiệm, xây dựng quy chế phối hợp, xác định chính xác khối lượng, chất lượng và thời gian hoàn thành công việc. Đồng thời, làm rõ mức độ trách nhiệm cá nhân thẩm phán trong thực hiện nhiệm vụ và nếu có lỗi thì chịu trách nhiệm ra sao. Điều này góp phần khắc phục tình trạng khi đạt kết quả thì cá nhân thẩm phán nhận thành tích cho mình, nhưng khi sai phạm thì không quy được trách nhiệm cho ai, không tích cực xử lý và khó khắc phục hậu quả. Để thực hiện trách nhiệm công vụ của thẩm phán cần gắn với cơ chế phân cấp thẩm quyền và trách nhiệm lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu.
Ba là, trách nhiệm công vụ của thẩm phán cần gắn với các biện pháp thưởng phạt nghiêm minh để bảo đảm tính thiết thực và khuyến khích việc thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về công vụ. Trách nhiệm, kết quả hoàn thành công việc phải gắn với chế độ thưởng phạt rõ ràng, nghiêm minh. Đối với những thẩm phán tận tụy, có trách nhiệm cao đối với công việc cần phải được đánh giá khách quan, công bằng để kịp thời khen thưởng. Những người thiếu trách nhiệm, lơ là trong công việc hoặc để xảy ra hậu quả làm ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng công việc hay uy tín tòa án thì phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật và cần thiết thì bố trí lại công việc hay cho rời khỏi nền công vụ.
4. Kết luận
Trách nhiệm công vụ của thẩm phán không chỉ là một khái niệm gắn với cơ chế quản lý thẩm phán mà còn mang tính chính trị, tạo dựng hình ảnh của chế độ, của Nhà nước. Đó là việc đội ngũ thẩm phán tự ý thức về quyền và nhiệm vụ được phân công cũng như bổn phận phải thực hiện các quyền và nhiệm vụ đó một cách tốt nhất.
Hiện nay, vấn đề trách nhiệm thẩm phán ở CHDCND Lào được xem xét theo hai nhóm đối tượng thẩm phán là trách nhiệm của người đang giữ vị trí lãnh đạo, quản lý và trách nhiệm của người thừa hành. Tuy nhiên, tình trạng thiếu trách nhiệm của đội ngũ thẩm phán trong hoạt động công vụ hiện nay còn những hạn chế nhất định và có nguy cơ làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tòa án nhân dân.
Vì vậy, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với thực hiện Luật Tổ chức tòa án nhân dân; Luật Thẩm phán và trách nhiệm trong hoạt động công vụ của thẩm phán là hoạt động cần thiết nhằm kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót trong thực thi công vụ. Đồng thời, đẩy mạnh việc hoàn thiện công tác đánh giá, phân loại thẩm phán, tạo cơ sở thực hiện tinh giản đối với những người năng lực hạn chế là yêu cầu cấp thiết hiện nay nhằm bảo đảm chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, thẩm phán.
Tài liệu tham khảo:
1. Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, Bộ Nội Vụ (2014). Những vấn đề cơ bản về hành chính nhà nước và chế độ công vụ, công chức. H. NXB. Văn hóa Thông tin, 2014.
2. Nguyễn Hữu Hải (2016). Cải cách hành chính nhà nước – Lý luận và thực tiễn. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2016.
3. Quốc hội CHDCND Lào (2017). Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2017.
4. Quốc hội CHDCND Lào (2017). Luật Thẩm phán năm 2017.