Nhận diện và đấu tranh với những thủ đoạn lợi dụng đối thoại về quyền con người để chống phá Đảng và Nhà nước 

TS. Vũ Ngọc Hà
Học viện Chính trị khu vực I

(Quanlynhanuoc.vn) – Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng khẳng định về quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật, trong đó nhấn mạnh tăng cường đối thoại, tiếp xúc với Nhân dân, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Đối thoại về quyền con người là một phương thức nhằm thực hiện các quan điểm trên của Đảng ta. Tuy nhiên, bên cạnh diễn đàn đối thoại thể hiện trách nhiệm của các chủ thể trong xã hội hướng tới tạo sự đồng thuận, bảo đảm hiệu quả quyền con người thì vẫn đang tồn tại những thủ đoạn lợi dụng đối thoại về quyền con người nhằm chống phá Đảng, Nhà nước. Bài viết tập trung nhận diện và đề xuất biện pháp nhằm đấu tranh với các thủ đoạn nêu trên. 

Từ khóa: Nhận diện; đấu tranh; lợi dụng; đối thoại; quyền con người; Nhà nước; thủ đoạn; chống phá; Đảng Cộng sản Việt Nam

1. Đặt vấn đề

Quyền con người là khát vọng, là giá trị chung của nhân loại. Vì vậy, vấn đề quyền con người nói chung và đối thoại về quyền con người nói riêng ở Việt Nam đã và đang bị các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc nhằm kích động người dân, hòng làm suy giảm niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước. Chính vì lẽ đó, chúng ta luôn phải chủ động nhận diện những thủ đoạn lợi dụng đối thoại về quyền con người nhằm chống phá Đảng, Nhà nước để kịp thời có biện pháp đấu tranh một cách quyết liệt và hiệu quả.

2. Quyền con người và đối thoại về quyền con người

Quyền con người là các đặc quyền tự nhiên, bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của tất cả mọi người, được cộng đồng quốc tế và quốc gia thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm bằng hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế1. Quyền con người liên quan đến quyền, lợi ích của mọi cá nhân, nhóm, cộng đồng với giá trị phổ quát của nó. Tuy nhiên, bên cạnh tính phổ biến, quyền con người còn mang tính đặc thù, phụ thuộc vào điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở mỗi quốc gia. 

Ở Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Điều 4 Hiến pháp năm 2013 và pháp luật là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước2. Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng khẳng định “coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển”3; “lấy nhân dân làm trung tâm”4 và “mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân”5. Đảng chủ trương thực hiện hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” 6; mở rộng thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Vì vậy, đối thoại để giải quyết tốt những vấn đề về quyền con người luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. 

Đối thoại về quyền con người là sự trao đổi, thương lượng một cách bình đẳng giữa những người tham gia đối thoại trên cơ sở pháp lý nhất định để hướng vào một chủ đề cụ thể, nhằm nhận thức sâu thêm về nhau và đạt tới một chân lý cao hơn cho cả hai bên, hoặc tiến đến giải quyết được một vấn đề nhất định liên quan đến danh dự, nhân phẩm hay quyền lợi cụ thể của các bên đối thoại7.

Đối thoại là cách thức tốt nhất để hòa giải mâu thuẫn, giải quyết vấn đề theo hướng tiến bộ, văn minh, là xu hướng hiện nay trên thế giới. Đối thoại về quyền con người có thể được thực hiện thông qua nhiều phương thức.  Đối thoại với các tổ chức, cá nhân ở trong nước được thực hiện thông quahình thức “dân bàn” nhằm thực hiện dân chủ ở cơ sở; thông qua công tác hòa giải; thông qua tiếp công dân, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; thông qua các hội nghị, diễn đàn khoa học. Đối thoại với các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và chính phủ một số nước được thực hiện dựa trên Hiến chương Liên hiệp quốc, dựa trên pháp luật quốc tế, các văn kiện hợp tác, bảo đảm chủ quyền quốc gia, bình đẳng, cùng có lợi. Việc xác định biện pháp đối thoại phù hợp với vị trí, tính chất của mỗi tổ chức và mối quan tâm của cá nhân. 

Thực tiễn những năm qua, công tác đối thoại về quyền con người ở Việt Nam đã được thực hiện một cách có hiệu quả, góp phần bảo đảm quyền con người trên thực tế. Theo bảng xếp hạng Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report), chỉ số hạnh phúc của Việt Nam liên tục tăng với tốc độ cao trong những năm gần đây. Vào năm 2021, Việt Nam đứng thứ 79/149 quốc gia; năm 2022 tăng 2 bậc; tăng 12 bậc vào năm 2023. Việt Nam đang đứng thứ 54 vào năm 2024, tăng 11 bậc so với năm 20238. Tuy nhiên, đối thoại về quyền con người ở nước ta đã và đang bị các phần tử, thế lực lợi dụng nhằm chống phá Đảng và Nhà nước. Chúng ta cần chủ động nhận diện, làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người, đồng thời bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo đảm phát triển bền vững. 

3. Nhận diện một số thủ đoạn lợi dụng đối thoại về quyền con người để chống phá Đảng, Nhà nước 

Quyền con người luôn có xu hướng bị chính trị hóa, luôn bị lợi dụng để xuyên tạc, vu khống nhằm can thiệp vào công việc nội bộ, hòng chi phối hoặc làm suy yếu quốc gia khác. Nhiều năm qua, vấn đề quyền con người nói chung và đối thoại về quyền con người nói riêng đang được các thế lực thù địch sử dụng như một thứ vũ khí làm suy yếu Đảng, Nhà nước, phá vỡ sự ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam. 

Có thể nhận diện một số thủ đoạn mà các thế lực đã và đang lợi dụng vấn đề đối thoại về quyền con người nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta như sau: 

Thứ nhất, chúng lợi dụng quyền tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề liên quan đến quyền con người ở cơ sở, địa phương và cả nước để đưa ra những quan điểm, lập luận, những tư tưởng sai trái, kích động, vu khống, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về quyền con người. Dưới chiêu bài “phản biện xã hội”, chúng lợi dụng các diễn đàn để xuyên tạc giá trị của quyền con người, tuyệt đối hóa tính phổ biến của quyền con người, phủ nhận quyền con người gắn với chủ quyền quốc gia hòng áp đặt hoặc sao chép máy móc các tiêu chuẩn, mô thức liên quan đến quyền con người của các quốc gia khác vào Việt Nam. Chúng ra sức cổ súy cho các quyền tự do ngôn luận, tự do sử dụng mạng xã hội một cách vô chính phủ; thành lập các hội nhóm nhân danh “yêu nước”, “nhân quyền” để thúc đẩy sự ra đời của các khuynh hướng dân chủ cực đoan cho “xã hội dân sự”

Thứ hai, lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân để kích động, lôi kéo người dân tụ tập thành đám đông tại trụ sở các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước hoặc tham gia tuần hành, biểu tình gây phức tạp về an ninh trật tự, thậm chí gây thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.  Chúng triệt để lợi dụng những bức xúc của người dân và cho rằng quyền của mình bị vi phạm để lôi kéo, kích động người dân khiếu kiện đưa kiến nghị, biểu tình đòi bảo vệ quyền lợi, đòi tự do, dân chủ; đẩy từ vụ việc cá nhân trở thành vụ việc đông người. Bên cạnh đó, chúng làm phức tạp tình hình an ninh trật tự hoặc kích động gây rối, nhất là trong những thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.

Thứ ba, chúng nhân danh luật sư, người tư vấn, người đại diện trong các cuộc đối thoại về quyền con người để cố tình bóp méo, xuyên tạc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người, dụ dỗ người dân thiếu hiểu biết, hỗ trợ tài chính, kich động khiếu nại, tố cáo sai sự thật, vượt cấp, kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức và trật tự an toàn xã hội. Thậm chí, chúng clấy quyền đại diện, bảo vệ cho người dân để cố tình lăng mạ cán bộ tiếp dân, giải quyết khiểu nại, tố cáo, đẩy họ đến bức xúc cực độ và mắc sai lầm để chúng lấy dẫn chứng rêu rao trên mạng xã hội và quy kết về sự vi phạm quyền con người hoặc kích động chống phá chính quyền. 

Thứ tư, chúng phủ nhận những thành tựu trong công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người ở Việt Nam hòng làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước trước Nhân dân hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò của Nhà nước trong công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người. Chúng xuyên tạc bản chất quyền tự quyết dân tộc, đồng thời rêu rao ở nước ta không có tự do tín ngưỡng, tôn giáo; “Đồng bào các dân tộc thiểu số bị ngược đãi, phân biệt đối xử”9, từ đó tập hợp lực lượng, kích động bà con đòi quyền tự quyết, thành lập nhà nước riêng. Một số tổ chức nhân danh nghiệp đoàn, hội người lao động, hội nhà báo độc lập… tuyên truyền, lôi kéo, kích động người lao động trong các doanh nghiệp thành lập “tổ chức của người lao động” hòng dần chuyển thành tổ chức “công đoàn độc lập”, “nghiệp đoàn tự do” ở Việt Nam. 

4. Một số giải pháp nhằm đấu tranh với các thủ đoạn lợi dụng đối thoại về quyền con người để chống phá Đảng, Nhà nước

Một là, tăng cường phổ biến, giáo dục về quyền con người, quyền trong đối thoại về quyền con người cho mọi tầng lớp nhân dân. 

Sở dĩ có sự lợi dung đối thoại về quyền con người nhằm công kích, gây rối, chống phá Đảng, Nhà nước là do người dân thiếu hiểu biết về quyền con người nói chung, quyền trong đối thoại về quyền con người nói riêng, dẫn đến không thể biết mình có quyền gì, giới hạn của quyền ở đâu. Cũng do thiếu hiểu biết về những nguyên tắc trong đối thoại về quyền nên họ không nhận thức được nghĩa vụ của mình trong quá trình đối thoại, giải quyết những bất đồng về quyền, dễ bị lợi dụng, kích động, mất cảnh giác, không tỉnh táo để trở thành công cụ tiếp tay cho những âm mưu đen tối của các phần tử chống phá. Thậm chí dẫn tới chính họ cũng vướng vào vòng lao lý. Vì vậy, cần tăng cường phổ biến, giáo dục về quyền con người, trong đó có quyền trong đối thoại cho mọi tầng lớp nhân dân nhằm hạn chế những hiểu lầm, bất đồng về quyền – là mảnh đất màu mỡ để các phần tử chống phá lợi dụng, kích động. Vấn đề quyền con người nên được đưa vào giáo dục tại các bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân, đồng thời phải được thực hiện bằng nhiều hình thức, phương pháp đa dạng, phong phú phù hợp với từng đối tượng. 

Bên cạnh phổ biến, giáo dục về quyền, cần chú trọng giáo dục trách nhiệm xã hội cho họ, nhất là đối với thế hệ trẻ (những người dễ bị kích động do đặc điểm bồng bột của tuổi trẻ). Đồng thời, chú trọng thông tin, tuyên truyền về những thành tựu về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam để làm thất bại âm mưu thổi phồng kích động những hạn chế trong bảo đảm quyển con người nhằm chống phá. 

Hai là, đội ngũ cán bộ, công chức cần sâu sát cơ sở, tăng cường đối thoại, tiếp xúc với Nhân dân, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. 

Các phần tử chống đối thường lợi dụng sự bức xúc của Nhân dân, nhất là khi các quyền của họ bị ảnh hưởng  để công kích. Vì vậy, sâu sát cơ sở, tăng cường đối thoại, tiếp xúc với Nhân dân, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân là một giải pháp giải quyết từ sớm, từ xa, không để tích tụ việc nhỏ thành việc lớn, việc của cá nhân bị lợi dung biến thành việc của đám đông; hạn chế bị động về thông tin, tạo sơ hở dễ bị lợi dụng xuyên tạc. 

Công tác nắm bắt dư luận trước những sự kiện, tình huống phải chủ động, kip thời, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; thực hiện có hiệu quả phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Nắm chắc, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề tư tưởng trong Đảng, trong xã hội. Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội. Trong đối thoại, giải quyết những bất đồng về quyền phải thực hiện phong cách làm việc khoa học, dân chủ, trọng dân, gần dân, hiểu dân, vì dân, bám sát thực tiễn, cầu thị, học hỏi, nói đi đôi với làm. Lắng nghe dân để phát hiện và khắc phục kịp thời những thiếu sót, khuyết điểm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quyền con người được pháp luật quy định. Tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức về quyền con người. 

Ba là, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác đối thoại về quyền con người.

Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. “Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững”10. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lợi dụng vấn đề đối thoại về quyền con người để chống phá Đảng, Nhà nước là do cán bộ trực tiếp làm công tác đối thoại còn hạn chế về năng lực, phẩm chất. Đảng đã nhận định rõ: “Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao, công tác nắm bắt dư luận trước những sự kiện, tình huống bất ngờ còn chưa kip thời”11. Vì vậy, cần lựa chọn những cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, phù hợp với từng đối tượng, điều kiện, hoàn cảnh, đồng thời thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho họ, giúp họ giải quyết hiệu quả những vấn đề về quyền con người trong quá trình đối thoại. 

Cán bộ làm công tác đối thoại về quyền con người ngoài yêu cầu hiểu hiết về quyền con người, về đối thoại trên lĩnh vực quyền con người, cần thuần thục các kỹ năng lắng nghe, kỹ năng thuyết phục, phản biện, kỹ năng kiểm soát cảm xúc để không bị kích động, dẫn đến sai lầm, ảnh hưởng uy tín của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, cũng cần đánh giá khách quan, công tâm, khuyến khích, bảo vệ cán bộ có bản lĩnh, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách và quyết liệt trong hành động đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch. Đồng thời, có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những ngừơi không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. 

Bốn là, chủ động trong đấu tranh, xử lý nghiêm minh những hành vi lợi dụng đối thoại về quyền con người để chống phá. 

Tạo thế chủ động trong phòng ngừa, đấu tranh trên cơ sở giữ vững các vấn đề nguyên tắc, chiến lược, có sách lược mềm dẻo, linh hoạt trong xử lý các vấn đề cụ thể, tranh thủ được sự đổng tình, ủng hộ của nhân dân và bạn bè quốc tế. Giải quyết dứt điểm các “điểm nóng” phức tạp, kéo dài về khiếu kiện, các vụ việc liên quan đến tôn giáo, dân tộc, không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, can thiệp, kích động gây rối an ninh, trật tự, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.

Trong quan hệ quốc tế, thông qua đối thoại làm cho các nước hiểu đúng về quan điểm, thành tựu nhân quyền ở Việt Nam, tăng cường sự đồng thuận, khắc phục và thu hẹp những vấn đề chưa đồng thuận, kiên quyết phê phán, vạch trần những luận điệu sai trái, vu cáo, xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở nước ta. Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng đối thoại về quyền con người, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị – xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của Nhân dân.

5. Kết luận 

Quyền con người khát vọng chung của nhân loại nhưng lại là vấn đề thường xuyên bị lợi dụng nhằm chống phá của các thế lực thù địch đối với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Đối thoại về quyền con người ở Việt Nam nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người, vừa phát huy dân chủ, vừa bảo đảm đồng thuận xã hội. Tuy nhiên, quá trình đối thoại về quyền bị các thế lực thù địch lợi dụng với các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Vì vậy, cần luôn ở thế chủ động phân tích, nhận diện và thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn nhằm chống phá Đảng, Nhà nước.

Chú thích:
1, 7. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021). Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người (dành cho hệ đào tạo Cao cấp lý luận chính trị). H. NXB Lý luận chính trị. 
2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) (2022). Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tisếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
3, 4, 5, 6, 11. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 215 – 216, 27, 215-216, 173, 89.
8. Việt Nam tăng 11 bậc trong bảng xếp hạng các quốc gia hành phúc. https://viettimes.vn/viet-nam-tang-11-bac-trong-bang-xep-hang-cac-quoc-gia-hanh-phuc-post173847.html
9. Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng (2020). Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 397.
10. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) (2018). Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Tài liệu tham khảo: 
1. Ban Bí thư Trung ương Đảng (2010). Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20/7/2010 về công tác nhân quyền trong tình hình mới.
2. Tác giả tổng hợp Báo cáo Hạnh phúc thế giới các năm 2021, 2022, 2023, 2024.
3. Quốc hội (2013). Hiến pháp năm 2013.