TS. Nguyễn Thị Minh Hòa
Trường Đại học Lao động Xã hội
ThS. Hà Tuấn Anh
Trường Đại học Kinh tế quốc dân
ThS. Nguyễn Thị Lý
Trường Đại học Hòa Bình
(Quanlynhanuoc.vn) – Nhân lực y tế là nền tảng của hệ thống y tế, cho phép cải thiện phạm vi bao phủ dịch vụ y tế. Bài viết đề cập các vấn đề liên quan đến nhân lực ngành Y tế, đặc điểm nguồn nhân lực, thực trạng và nhu cầu về nhân lực y tế của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2030. Qua đó, đề xuất một số khuyến nghị nhằm đáp ứng nhu cầu về nhân lực y tế của tỉnh, bảo đảm cung cấp các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.
Từ khóa: Nhân lực y tế; nhu cầu nhân lực y tế; chăm sóc sức khỏe; hệ thống y tế; tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
1. Đặt vấn đề
Sau 30 năm thành lập, Bà Rịa – Vũng Tàu đã đạt được nhiều thành quả quan trọng về phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội; chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên rõ rệt. Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày10/12/2021 của Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định, tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống y tế, trong đó có nhân lực y tế, bảo đảm tất cả người dân đều có quyền và cơ hội tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe tiên tiến, hỗ trợ người yếu thế tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng. Theo đó, tỉnh đã xây dựng định hướng phát triển đến năm 2030: phát triển dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, hướng tới hình thành một trung tâm y tế lớn, chất lượng cao ở một số chuyên khoa (gắn với các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe) cho đối tượng có thu nhập cao trong vùng, cả nước và quốc tế. Đồng thời, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe sẽ trở thành ngành dịch vụ quan trọng của tỉnh.
Tính đến nay, hệ thống cơ sở vật chất ngành Y tế của tỉnh đã cơ bản được hoàn chỉnh ở toàn bộ 3 tuyến: tuyến tỉnh có 13 cơ sở; tuyến huyện có 8 trung tâm y tế và tuyến cơ sở có 82 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Các cơ sở hành nghề y dược tư nhân cũng phát triển mạnh, có khoảng 2.102 cơ sở, gồm 945 cơ sở y tế tư nhân và 1.157 cơ sở hành nghề dược tư nhân1. Đội ngũ nhân lực ngành Y tế tăng đều theo các năm ở cả khối ngành y và dược, cơ bản bảo đảm về số lượng cũng như trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, số bác sĩ/10.000 dân của tỉnh hiện vẫn thấp hơn so với mặt bằng chung của vùng Đông Nam Bộ và cả nước, nhân lực ngành Dược có sự gia tăng mạnh hơn ngành Y và thiếu bác sĩ có trình độ chuyên môn, tay nghề cao và bác sĩ tại tuyến cơ sở là những thách thức mà tỉnh cần có giải pháp tháo gỡ trong giai đoạn phát triển tới.
2. Thực trạng nhu cầu nhân lực y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Thực trạng và nhu cầu nhân lực y tế của tỉnh được phân tích từ số liệu thứ cấp của Tổng cục Thống kê, Cục Thống kê và Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu theo chuỗi thời gian, có so sánh với mức chung của Đông Nam Bộ và cả nước. Điều này làm rõ hơn thực trạng và mức độ phát triển nhân lực y tế của Bà Rịa – Vũng Tàu hiện tại và trong tương lai, mức độ tiệm cận với năng lực y tế toàn vùng và cả nước.
Một là, thực trạng nhân lực y tế .2
Bảng 1: Nhân lực y tế Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2010 – 2022
Chỉ tiêu | 2010 | 2015 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 |
Bác sĩ /Vạn dân | 4,72 | 6,5 | 7,7 | 8,7 | 9,10 | 9,30 |
Số lượng bác sĩ | 478 | 489 | 615 | 784 | 1.069 | 1.096 |
Dược sĩ đại học/Vạn dân | 0,29 | 0,43 | 0,5 | 1,02 | 2,56 | 2,62 |
Số lượng dược sĩ đại học | 30 | 47 | 58 | 119 | 301 | 309 |
Số lượng điều dưỡng/Vạn dân | 6,3 | 7 | 8,07 | 10 | 8,33 | 12,49 |
Số lượng điều dưỡng | 644 | 772 | 930 | 1.168 | 980 | 1.473 |
Khác | 883 | 994 | 1.118 | 1.199 | 1.571 | 1.924 |
Tổng số nhân lực y tế | 2.035 | 2.302 | 2.721 | 3.270 | 3.921 | 4.802 |
Bảng 1 cho thấy, đội ngũ nhân lực y tế của tỉnh được bổ sung, tăng cường. Nếu như giai đoạn 2010 – 2020, số lượng nhân lực y tế của tỉnh tăng lên không đáng kể thì đến năm 2021 – 2022 tăng mạnh. Cụ thể: năm 2022, tổng số nhân lực toàn ngành Y tế tỉnh là 4.802 người, tăng 2.767 người so với năm 2010, mức tăng lên tới gần 2,4 lần và tăng đều ở cả khối nhân lực ngành Y tế và ngành Dược. Năm 2010, nhân lực y tế của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu còn hạn chế, chỉ đạt 4,69 bác sĩ/10.000 dân; có 0,29 dược sĩ đại học/10.000 dân và 6,3 điều dưỡng/10.000 dân; đến năm 2022, tỷ lệ này tăng mạnh, đạt 9,3 bác sĩ/10.000 dân, 2,62 dược sĩ đại học/10.000 dân và 12,49 điều dưỡng/10.000 dân.
Mặc dù nhân lực Y tế tăng lên hằng năm, biểu hiện rõ nét nhất là sự gia tăng của các chỉ tiêu trọng yếu, như: số bác sĩ, dược sĩ đại học, điều dưỡng trên 10.000 dân nhưng thực tế vẫn thiếu nhân lực trầm trọng. Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc hoặc chuyển việc có chiều hướng gia tăng (nhất là sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch Covid-19). Từ bảng 1 cho thấy, số lượng điều dưỡng của tỉnh tăng gấp hơn 2 lần trong suốt giai đoạn 2010 – 2022 từ 644 người (năm 2010) lên 1. 473 người (năm 2022). Tuy nhiên, tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ của tỉnh chỉ đạt 1,34/1, thấp hơn mức tối thiểu cần đạt là 2/1theo tiêu chuẩn chung của Bộ Y tế.
Hai là, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân3.
Biểu đồ. Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân của Bà Rịa – Vũng Tàu, vùng Đông Nam Bộ và cả nước, giai đoạn 2010 – 2022
Đến năm 2010, số bác sĩ bình quân/10.000 dân của Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn thấp hơn so với mặt bằng chung của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Tuy nhiên, đến năm 2022, tỷ lệ này có sự cải thiện đáng kể, đạt 9,3 bác sĩ/10.000 dân; tăng gần gấp 2 lần so với năm 2010. Điều này cho thấy, nỗ lực phát triển đội ngũ nhân lực y tế của tỉnh trong suốt giai đoạn 2010 – 2022, năng lực y tế của tỉnh đã, đang cải thiện và dần tiệm cận với năng lực y tế toàn vùng và cả nước.
Như vậy, đội ngũ nhân lực ngành Y tăng đều theo các năm ở cả khối ngành Y và Dược, cơ bản bảo đảm về số lượng cũng như trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ y tế còn thiếu về số lượng (tỷ lệ bác sĩ/1 vạn dân thấp hơn so với trung bình cả nước và vùng Đông Nam Bộ), còn thiếu bác sĩ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao ở một số chuyên ngành, như: tâm thần, lao phổi… và thiếu các bác sĩ tại tuyến cơ sở là những thách thức mà tỉnh cần có giải pháp trong giai đoạn phát triển tới.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do: (1) Chế tài đối với bác sĩ được cử đi đào tạo chuyên khoa. Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ, bác sĩ chỉ phải bồi thường chi phí đào tạo, vì vậy, nhiều bác sĩ sẵn sàng bỏ tiền ra đền bù chi phí đào tạo để chuyển việc, nghỉ việc. (2) Sinh viên y khoa là người Bà Rịa – Vũng Tàu sau tốt nghiệp thường lựa chọn làm việc ở thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh. (3) Một số bác sĩ chuyển sang khu vực tư nhân hoặc địa phương khác có thu nhập cao hơn; ngoài ra, không ít bác sĩ có chuyên môn vững nhưng do áp lực công việc, trách nhiệm lớn, nhất là sau đại dịch Covid-19 đã xin nghỉ việc hoặc chuyển sang ngành khác.
3. Dự báo nhân lực y tế trong các giai đoạn tiếp theo
Nhân lực ngành Y tế được dự báo dựa trên dự báo dân số của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2023 – 2030, mục tiêu phát triển nhân lực của ngành đến 2025 và 2030, tỷ lệ giữa nhóm nhân lực chính với tổng nhân lực của ngành trong quá khứ.
(1) Giai đoạn 2023 – 2030 được thực hiện theo các bước như sau:
– Bước 1. Tính tỷ lệ giữa nhóm nhân lực chính của ngành Y tế Bà Rịa – Vũng Tàu (bác sĩ, dược sĩ đại học) trong tổng số nhân lực y tế của tỉnh dựa trên số liệu thống kê về nhân lực y tế của tỉnh trong giai đoạn 2015 – 2022 và tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ đại học và điều dưỡng/1 vạn dân.
– Bước 2. Tính số lượng nhân lực chính của ngành Y tế (bác sĩ, dược sĩ đại học và điều dưỡng) dựa trên kết quả dự báo dân số tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho giai đoạn 2023 – 2030 và mục tiêu phát triển nhân lực chính của ngành Y tế Bà Rịa – Vũng Tàu trong cùng kỳ là tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ đại học và điều dưỡng/1 vạn dân
– Bước 3. Tính số nhân lực ngành Y tế Bà Rịa – Vũng Tàu cho giai đoạn 2023-2030. Dựa trên các kết quả tính toán ở bước 1 (tỷ lệ giữa nhóm nhân lực chính của ngành Y tế tỉnh trong tổng số nhân lực của ngành này, giai đoạn 2015 – 2022) và bước 2 (số lượng nhân lực chính của ngành Y tế giai đoạn 2015 – 2022).
Kết quả dự báo trong giai đoạn 2023 – 2030 cần có là:
Bảng 2. Dự báo nhân lực của ngành y tế cần có giai đoạn 2023 – 2025 và đến năm 2030
Đơn vị: Người
2021 | 2022 | 2023 | 2024 | 2025 | 2026 | 2027 | 2028 | 2029 | 2030 | ||
Tổng dân số (nghìn người) (thực tế 2022, theo quy hoạch 2025-2030) | 1.176 | 1.179 | 1.202 | 1.226 | 1.252 | 1.268 | 1.283 | 1.299 | 1.316 | 1.332 | |
Bác sĩ / Vạn dân | 9,1 | 9,3 | 9,53 | 9,77 | 10,0 | 10,2 | 10,4 | 10,6 | 10,8 | 11,0 | |
Số lượng bác sĩ | 1.069 | 1.096 | 1.146 | 1.198 | 1.252 | 1.293 | 1.335 | 1.378 | 1.421 | 1.465 | |
Dược sĩ / Vạn dân | 2,56 | 2,62 | 2,68 | 2,74 | 2,8 | 2,84 | 2,88 | 2,92 | 2,96 | 3,0 | |
Số lượng dược sĩ | 301 | 309 | 322 | 336 | 351 | 360 | 370 | 379 | 389 | 400 | |
Điều dưỡng/Vạn dân | 8,3 | 12,5 | 16,7 | 20,8 | 25 | 26,6 | 28,2 | 29,8 | 31,4 | 33,0 | |
Số lượng điều dưỡng | 980 | 1.473 | 2.004 | 2.555 | 3.130 | 3.372 | 3.619 | 3.873 | 4.132 | 4.396 | |
Tổng số bác sĩ, dược sĩ đại học và điều dưỡng | 2.350 | 2.878 | 3.472 | 4.088 | 4.733 | 5.025 | 5.324 | 5.630 | 5.942 | 6.260 | |
Khác | 1.571 | 1.924 | 2.321 | 2.733 | 3.163 | 3.359 | 3.558 | 3.763 | 3.972 | 4.184 | |
Tổng số nhân lực y tế | 3.921 | 4.802 | 5.793 | 6.821 | 7.896 | 8.384 | 8.882 | 9.392 | 9.914 | 10.445 | |
Tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ đại họcvà điều dưỡng/ Tổng nhân lực y tế | 0,6 |
Kết quả dự báo cho thấy, theo lý thuyết với định biên cho phép, trong giai đoạn 2022 – 2025, tổng số nhân lực của ngành Y tế Bà Rịa – Vũng Tàu cần có sẽ tăng 1,2%/năm từ 4.802 người (năm 2022) lên 10.297 người (năm 2025). Trong đó, nhóm nhân lực chính của ngành Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bao gồm bác sĩ, dược sĩ đại học và điều dưỡng, tương ứng tăng từ 1.096; 309 và 1.473 người (năm 2022) lên 1252; 351 và 3.130 người (năm 2025). Như vậy, trong giai đoạn này, mỗi năm số lượng nhân lực cần bổ sung: bác sĩ, khoảng 50 – 55 người; dược sĩ, khoảng 13 – 15 người và điều dưỡng, khoảng 530 – 555 người. Ngoài ra, số nhân lực y tế khác cần bổ sung hằng năm là 400 – 430 người.
Trong giai đoạn tiếp theo 2026 – 2030, tăng trưởng nhân lực y tế tiến gần tới giá trị cận biên. Vì vậy, mức tăng trung bình hằng năm chỉ vào khoảng 1,06%/, phù hợp với mục tiêu đã được UBND tỉnh thông qua và ghi rõ trong báo cáo quy hoạch của tỉnh. Tổng số nhân lực của ngành Y tế của tỉnh cần có sẽ tăng từ 8.384 người năm 2026 lên 10.445 người năm 2030.
Theo kết quả dự báo và chỉ tiêu đã được phê duyệt trong Báo cáo Quy hoạch của tỉnh, nhu cầu bác sĩ cần tăng thêm trong giai đoạn 2023 – 2025 là 156 bác sĩ. Tương tự, việc bảo đảm tỷ lệ điều dưỡng viên trên 1 vạn dân theo mục tiêu phát triển của tỉnh cũng đang là thách thức lớn. Hiện tỷ lệ này chỉ là 12,5 điều dưỡng/1 vạn dân nhưng sẽ cần tăng gấp 2 lần (25 điều dưỡng/1 vạn dân) vào năm 2025, tức chỉ trong vòng 3 năm tới và đến năm 2030 phải tăng gấp hơn 2,5 lần (33 điều dưỡng/1 vạn dân). Với con số trung bình đến 2025, ngành Y tế cần tuyển thêm hơn 500 điều dưỡng mỗi năm và trong giai đoạn 2026 – 2030 cũng cần tuyển thêm 250 người/năm.
Nhu cầu nhân lực y tế của Bà Rịa – Vũng Tàu được dự báo sẽ tăng đáng kể trong thập kỷ tới là do:
(1) Quy mô dân số dự báo đến năm 2025 đạt khoảng 1,25 triệu người, năm 2030 đạt khoảng 1,33 triệu người, với tốc độ tăng trung bình 1,44%/năm, là địa phương nằm trong vùng có tốc độ tăng dân số cao nhất nước do thu hút nhiều dân nhập cư từ các vùng khác đến sinh sống nhưng đang phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số.
(2) Bà Rịa – Vũng Tàu có tốc độ phát triển kinh tế cao, được xác định là tỉnh có tốc độ tăng trưởng quan trọng của cả nước. Năm 2022, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của Bà Rịa – Vũng Tàu trừ dầu khí tăng khoảng 10,97% so với năm 2021. Theo dự báo, tăng trưởng GRDP bình quân/năm giai đoạn 2021 – 2030 đạt 7,9 %/năm.
(3) Đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống y tế trên thế giới, ở các nền kinh tế. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, hàng loạt nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc, đặt ra nhiều vấn đề về chính sách đãi ngộ, thu hút và trọng dụng nhân lực y tế.
4. Một số khuyến nghị
Nhân lực y tế của Bà Rịa – Vũng Tàu tăng đều theo các năm ở cả khối ngành Y và Dược, cơ bản bảo đảm về số lượng cũng như trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ y tế còn thiếu về số lượng (tỷ lệ bác sĩ/vạn dân thấp hơn so với trung bình cả nước và vùng Đông Nam bộ, tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ thấp), hạn chế về chuyên môn, thiếu bác sĩ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao ở một số chuyên ngành. Nhu cầu nhân lực y tế của Bà Rịa – Vũng Tàu được dự báo sẽ tăng đáng kể trong thập kỷ tới để đáp ứng các mục tiêu y tế, định hướng phát triển của tỉnh và nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân do tăng trưởng dân số và kinh tế, kết hợp với những chuyển đổi về nhân khẩu học và dịch tễ học.
Để bảo đảm số lượng nhân lực ngành Y tế, Bà Rịa – Vũng Tàu cần có kế hoạch tuyển dụng, đào tạo và thu hút nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển của ngành và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Thứ nhất, chính sách thu hút bác sĩ. Tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án “Chính sách trợ cấp thu hút nguồn nhân lực cho ngành Y tế” nhằm thu hút bác sĩ giỏi về làm việc tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm giữ chân, tuyển dụng, thu hút, đào tạo nhân viên y tế; tăng cường thu hút bác sỹ có trình độ chuyên môn cao đang làm việc ở ngoài tỉnh về Bà Rịa – Vũng Tàu làm việc, nhất là tuyến cơ sở. Có chính sách để khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại các cơ sở y tế vùng khó khăn, như huyện Côn Đảo và trong một số lĩnh vực chuyên môn đặc thù khó tuyển dụng, thu hút nhân lực, như: pháp y, tâm thần, lao, phong…
Thứ hai, chính sách đào tạo đối với sinh viên. Tỉnh cần chú trọng hướng tới thu hút đối tượng sinh viên y khoa về công tác tại tỉnh. Để thu hút và giữ chân nhóm bác sĩ tiềm năng này về tỉnh làm việc, tỉnh cần có chính sách thu hút nhóm sinh viên là người Bà Rịa – Vũng Tàu từ khi họ còn là sinh viên bằng cách hỗ trợ tài chính với cam kết sẽ trở về tỉnh làm việc sau tốt nghiệp.
Thứ ba, chính sách đào tạo liên thông. Xác định vị trí việc làm, nhu cầu nhân lực thực tế tại tuyến huyện, tuyến xã để có kế hoạch cử nhân viên y tế đi đào tạo theo hình thức liên thông nhằm bổ sung nhân lực cho tuyến cơ sở. Điều này, giúp xây dựng đội ngũ nhân lực y tế tại chỗ có trình độ chuyên môn và năng lực, có thể làm việc ổn định và lâu dài tại tuyến cơ sở, vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu nhân lực y tế.
Thứ tư, tuyển dụng điều dưỡng. Tuyên truyền, cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế – xã hội, nhu cầu tuyển dụng, sử dụng điều dưỡng của ngành Y tế trên địa bàn tỉnh nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh, cha mẹ học sinh với mục tiêu tạo nguồn điều dưỡng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trên địa bàn tỉnh. Có chính sách thu hút bằng các hình thức hỗ trợ học phí với cam kết sẽ làm việc nghề điều dưỡng tại tỉnh sau tốt nghiệp.
Thứ năm, tăng cường công tác truyền thông về chính sách thu hút của tỉnh đối với y bác sĩ có năng lực và bác sĩ tiềm năng (sinh viên y khoa là người ngoại tỉnh và bác sĩ, điều dưỡng… đang làm việc ở các địa phương khác về Bà Rịa – Vũng Tàu làm việc), quảng bá về môi trường sống có nhiều lợi thế so với các địa phương khác để đưa chính sách tiếp cận được đối tượng thụ hưởng là y bác sĩ tiềm năng, y bác sĩ có năng lực.
Chú thích:
1. Nhóm tác giả tổng hợp từ nguồn số liệu từ nguồn: Báo cáo thành tựu nổi bật trong 30 năm xây dựng và phát triển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (1991 – 2021).
2. Cục Thống kê tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (2012, 2019, 2023). Niên giám thống kê các năm 2011, 2018, 2022.
3. Nhóm tác giả tổng hợp từ nguồn số liệu của Tổng cục Thống kê và Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cung cấp, năm 2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Y tế (2019). Thông tư số 20/2019/TT-BYT quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê cơ bản ngành Ytế.
2. Bộ Y tế (2023). Thông tư số 03/2023/TT-BYT hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
3. Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu (2021). Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10/12/2021 về nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
4. Thủ tướng Chính phủ (2023). Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 16/12/2023 về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
5. Nâng cao chất lượng viên chức ngành Y tế trong bối cảnh chuyển đổi số. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/07/29/nang-cao-chat-luong-vien-chuc-nganh-y-te-trong-boi-canh-chuyen-doi-so/