Thực trạng quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục đại học 

Vũ Thị Ngọc Bích
Trường Chính trị tỉnh Bình Dương

(Quanlynhanuoc.vn) – Quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục đại học giúp thiết lập và duy trì các chuẩn mực chất lượng cho giáo dục đại học, bảo đảm các trường đại học hoạt động đúng theo quy định và đạt tiêu chuẩn đã đề ra. Quá trình kiểm định chất lượng chính là cơ sở để đánh giá và cải tiến các hoạt động giáo dục, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững và lâu dài cho hệ thống giáo dục đại học. Bài viết tập trung phân tích thực trạng quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong thời gian qua; đồng thời, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Từ khóa: Giáo dục đại học Việt Nam; kiểm định chất lượng; quản lý nhà nước.

1. Đặt vấn đề

Kiểm định chất lượng giáo dục là cơ sở để xác định các tiêu chuẩn về chất lượng đào tạo và dịch vụ giáo dục của các trường đại học. Việc quản lý nhà nước (QLNN) về kiểm định sẽ bảo đảm các trường tuân thủ và duy trì các tiêu chuẩn chất lượng giúp sinh viên có được môi trường học tập và nghiên cứu đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chuẩn hóa hệ thống giáo dục theo các tiêu chí kiểm định quốc tế giúp các trường đại học Việt Nam dễ dàng hợp tác và trao đổi sinh viên, giảng viên với các nước khác, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc công nhận bằng cấp giữa các quốc gia.

QLNN về kiểm định chất lượng giáo dục đại học đóng vai trò bảo đảm các trường đại học hoạt động theo các chuẩn mực chất lượng cao, đồng thời giúp các cơ sở giáo dục đại học sẵn sàng hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu của xã hội và thị trường lao động. QLNN về kiểm định chất lượng giáo dục đại học còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đó cũng là cơ sở để thúc đẩy sự phát triển bền vững của giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, đồng thời bảo vệ uy tín và quyền lợi của người học.

QLNN về kiểm định chất lượng giáo dục cũng bảo đảm cho các cơ sở giáo dục đại học cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia.

2. Nội dung quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục đại học

Chất lượng giáo dục luôn là vấn đề quan tâm không chỉ của các nhà quản lý mà của toàn xã hội. Đặc biệt trong điều kiện các cơ sở giáo dục đại học được đề cao quyền tự chủ thì vai trò của Nhà nước trong việc kiểm định chất lượng đầu ra là vô cùng quan trọng. Tuy Nhà nước tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học “tự chủ” nhưng không vì thế mà buông lỏng công tác quản lý mà ngược lại, cần có sự kiểm soát mạnh hơn với chất lượng giáo dục đại học. 

Đối với giáo dục đại học, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giúp giáo dục đại học đi vào thực chất, giúp các cơ quan quản lý và các cơ sở đào tạo nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng để có những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Kiểm định chất lượng giáo dục đại học là nhiệm vụ nhằm giúp cơ sở giáo dục đại học xác định mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn để xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục; thông báo công khai với các cơ quan QLNN và xã hội về thực trạng chất lượng của cơ sở giáo dục; để cơ quan QLNN đánh giá và công nhận cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Đặc biệt, trong điều kiện hội nhập quốc tế việc kiểm định chất lượng là vô cùng cần thiết. Dù trường trong hay ngoài nước, công hay tư đều phải đáp ứng các tiêu chí của Nhà nước về giáo dục và đào tạo.

Hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học đáp ứng các nguyên tắc độc lập, khách quan. Hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục đại học bao gồm hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và hệ thống bảo đảm chất lượng bên ngoài thông qua cơ chế kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học được sử dụng làm một trong các tiêu chí để phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học; làm căn cứ để xác định chất lượng giáo dục đại học vị thế và uy tín của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; hỗ trợ đầu tư, giao nhiệm vụ; là căn cứ để Nhà nước và xã hội giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

QLNN về kiểm định chất lượng giáo dục là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm thực hiện việc quản lý, đánh giá, công nhận cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành. QLNN về kiểm định chất lượng giáo dục đại học là một công cụ quan trọng để nâng cao chất lượng, tăng tính minh bạch và thúc đẩy sự cải tiến liên tục trong giáo dục đại học. Nôi dung QLNN được thực hiện bào gồm: (1) Công tác ban hành các văn bản quy định kiểm định chất lượng giáo dục; (2) Tổ chức bộ máy kiểm định chất lượng giáo dục đại học; (3) Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học; (4) Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy định về kiểm định chất lượng giáo dục đại học

Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện công tác QLNN: ban hành các văn bản quy định, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cơ sở giáo dục và các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong toàn hệ thống.

2. Thực trạng quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam hiện nay

a. Một số kết quả về quản lý nhà nước đối với kiểm định chất lượng giáo dục đại học 

Thứ nhất, công tác ban hành các văn bản quy định kiểm định chất lượng giáo dục.

Sự phát triển của hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học của có thể xem bắt đầu từ lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định tạm thời về kiểm định chất lượng trường đại học vào năm 2004 (theo Quyết định số 38/2004/QĐ-BGD-ĐT ngày 02/12/2004). Theo quy định này, tất cả các trường đại học phải lập kế hoạch phấn đấu để đạt các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cho từng giai đoạn, và mỗi trường đại học cần thành lập các đơn vị hoặc bộ phận chuyên trách về bảo đảm chất lượng để triển khai thực hiện kế hoạch.

Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và đến năm 2012, Luật Giáo dục đại học được ban hành, trong đó chương VII quy định về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học được sử dụng làm căn cứ để xác định chất lượng giáo dục đại học, vị thế và uy tín của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; hỗ trợ đầu tư, giao nhiệm vụ; là căn cứ để Nhà nước và xã hội giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

Hành lang pháp lý về vấn đề bảo đảm và kiểm định chất lượng tiếp tục được hoàn thiện tại Luật Giáo dục đại học (2012, sửa đổi năm 2018): đây là khung pháp lý cơ bản quy định về quyền và nghĩa vụ của các trường đại học cũng như yêu cầu về kiểm định chất lượng giáo dục, đặc biệt đối với bảo đảm chất lượng bên trong và tổ chức kiểm định chất lượng. Luật đã được sửa đổi và bổ sung xác định kiểm định chất lượng là một điều kiện bắt buộc để cơ sở giáo dục thực hiện quyền tự chủ, từ đó khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học tham gia tích cực vào kiểm định chất lượng.

Để hướng dẫn các điều khoản trong Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung năm 2018), ngày 06/6/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, tạo điều kiện cho sự tham gia của các tổ chức kiểm định chất lượng quốc tế, đồng thời bảo đảm việc kiểm định giáo dục tại Việt Nam phù hợp với chuẩn quốc tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư số 04/2020/TT-BGDĐT ngày 18/3/2020 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP, trong đó quy định việc tích hợp chương trình giáo dục của Việt Nam với chương trình giáo dục của nước ngoài; nội dung giáo dục, đào tạo bắt buộc đối với người học là công dân Việt Nam học tập trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài và chuẩn hóa hoạt động kiểm định ở Việt Nam; Thông tư số 13/2023/TT-BGDĐT ngày 26/6/2023 quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.

Hệ thống văn bản pháp lý của Việt Nam về kiểm định chất lượng giáo dục đại học đã được xây dựng tương đối đầy đủ và có xu hướng tiệm cận với các chuẩn quốc tế (chẳng hạn, như: AUN-QA, ABET, ISO hay các tổ chức kiểm định quốc tế khác). Tính minh bạch trong quy trình và công khai kết quả kiểm định là bước tiến quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giúp các trường đại học có thể dễ dàng hòa nhập và được công nhận trong khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, tính đồng bộ giữa các quy định trong nước và quốc tế vẫn còn hạn chế, cần cập nhật liên tục các quy định về kiểm định chất lượng giáo dục đại học để đáp ứng các yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế. Ví dụ, sự khác biệt trong quy trình, tiêu chí và thang đánh giá khiến việc hợp tác với các tổ chức kiểm định quốc tế đôi khi gặp khó khăn. 

Mặc dù các quy định đã mở rộng khả năng hợp tác quốc tế trong kiểm định giáo dục, nhưng sự tham gia của các tổ chức kiểm định quốc tế tại Việt Nam còn hạn chế. Điều này một phần do quy định pháp lý chưa thực sự rõ ràng về quyền lợi, trách nhiệm và cơ chế hoạt động của các tổ chức kiểm định quốc tế tại Việt Nam. Thủ tục hành chính và các quy trình pháp lý liên quan đến việc phê duyệt các tổ chức kiểm định quốc tế cũng cần được đơn giản hóa để thu hút sự tham gia nhiều hơn.

Thứ hai, về tổ chức bộ máy kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học luôn được quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh. Đến nay, hệ thống các văn bản hướng dẫn công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học ngày càng được hoàn thiện phù hợp với thực tiễn trong nước và hội nhập với khu vực và quốc tế. Các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo giáo dục đại học đã được xây dựng theo hướng tiếp cận với tiêu chuẩn đánh giá của Mạng lưới bảo đảm chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA). Hệ thống bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng đã được định hình và phát triển ở tất cả các cơ sở giáo dục đại học. Cùng với việc đẩy mạnh tự chủ, văn hóa chất lượng đã từng bước được hình thành và phát triển trong các cơ sở giáo dục đại học; hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học dần đi vào nền nếp. 

Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay có ba nhóm: (1) Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục do Nhà nước thành lập (hoạt động theo quy định của Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập); (2) Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục do tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài thành lập (hoạt động theo quy định của Nhà nước đối với các cơ sở ngoài công lập hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo; (3) Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài (tổ chức kiểm định chất lượng nước ngoài được công nhận hoạt động và thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục tại Việt Nam). Việc ra đời hệ thống tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó có cả các tổ chức của tư nhân và nước ngoài đã và đang đáp ứng nhu cầu kiểm định chất lượng giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng. 

Hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học được hình thành chưa lâu nhưng đã từng bước phát triển. Năm 2015, mới chỉ có 2 tổ chức (Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Đại học quốc gia Hà Nội và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh) kiểm định chất lượng giáo dục đăng ký và được cấp phép hoạt động. Đến nay, đã có 7 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước được cấp phép hoạt động, bao gồm: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục  – Đại học quốc gia Hà Nội (VNU-CEA), Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh (VNU-HCM CEA), Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục  – Đại học Đà Nẵng (CEA-UD) và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục  – Trường Đại học Vinh (VU-CEA), Trung tâm KĐCLGD trực thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (CEA-AVU&C); Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long (CEA THANGLONG) và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn (CEA SAIGON)1.

Cùng với việc hình thành của các tổ chức kiểm định trong nước, việc cho phép 6 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có uy tín của khu vực và quốc tế hoạt động tại Việt Nam (gồm có 4 tổ chức kiểm định của châu Âu, 1 tổ chức kiểm định Anh và 1 tổ chức đánh giá chất lượng của mạng lưới các trường đại học ASEAN) và đang xem xét hồ sơ của 4 tổ chức kiểm định uy tín của Mỹ, Australia, Đức về điều kiện hoạt động tại Việt Nam, đã tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học có thêm cơ hội lựa chọn tổ chức kiểm định và bộ công cụ kiểm định làm cơ sở cho việc cải tiến chất lượng chương trình đào tạo góp phần nâng cao chất lượng chương trình đào tạo trong việc hội nhập quốc tế2.

Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã thành lập đơn vị chuyên trách về bảo đảm chất lượng và xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong trên cơ sở đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, đào tạo. Một số cơ sở đào tạo đã thực hiện việc cải tiến chất lượng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong để đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định quốc tế cấp cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo.

Thứ ba, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định được chú trọng, số cơ sở giáo dục đại học cũng như số chương trình đào tạo được kiểm định trong nước và quốc tế tăng nhanh. Kết quả, số lượng các cơ sở giáodục đại học được kiểm định ngày càng tăng.

Tính đến ngày 31/12/2023, theo tiêu chuẩn trong nước, có 264 cơ sở đào tạo hoàn thành báo cáo tự đánh giá chu kỳ 1 và 84 cơ sở giáo dục đại học hoàn thành tự đánh giá chu kỳ 2; 187/244 cơ sở giáo dục đại học được các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, đạt khoảng 76,64%; còn lại khoảng 57 cơ sở giáo dục đại học chưa kiểm định hoặc chưa được công nhận đạt chuẩn (theo tiêu chuẩn trong nước), tương ứng 23,36%3.

Theo tiêu chuẩn nước ngoài, có 9 cơ sở giáo dục đại học được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) và AUN-QA; 393 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận bởi 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có uy tín4.

Còn về chương trình đào tạo, thống kê đến ngày 31/12/2023, toàn quốc có 1.611 chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học được kiểm định và cấp chứng nhận. Tính trong tổng số khoảng 6.500 chương trình đào tạo toàn quốc, như vậy số lượng các chương trình đã được kiểm định và cấp chứng nhận chiếm khoảng 24,78%.

Trong số này, có 1.125 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước (chiếm 69,83%); 486 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài (chiếm 30,17%)5. Như vậy, số lượng chương trình đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài có tỷ lệ gần bằng một nửa số lượng chương trình kiểm định theo chuẩn trong nước.

Đội ngũ kiểm định viên, đánh giá viên tham gia công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tính đến nay, cả nước có 345 người được cấp thẻ kiểm định viên và có khoảng 3.000 người đã đã được cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên6.

Việc kiểm tra, đánh giá, kiểm soát chất lượng giáo dục và đào tạo đối với các cơ sở giáo dục đại họcngoài công lập, các cơ sở giáo dục đại học có yếu tố nước ngoài ngày càng được quan tâm nhằm bảo đảm nhu cầu học tập của mọi đối tượng người dân.

Thứ tư, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy định về kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

QLNN thông qua kiểm tra, đánh giá quá trình kiểm định giúp tăng cường hiệu quả quản lý, điều hành hệ thống giáo dục đại học, bảo đảm các chính sách và quy định về kiểm định được thực hiện đúng hướng. Hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam thiếu sự giám sát, kiểm định các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Trước tháng 6/2023, các trung tâm kiểm định chất lượng chỉ phải tuân theo các quy định về điều kiện để được thành lập và hoạt động. Vấn đề giám sát và đánh giá chất lượng của các trung tâm kiểm định chất lượng chỉ được thực hiện thông qua cơ chế kiểm tra, thanh tra. Quy định của Thông tư số 13/2023/TT-BGDĐT cho thấy, việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáodục đại học và cao đẳng sư phạm với bộ tiêu chuẩn đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục gồm 5 tiêu chuẩn và 25 tiêu chí, kết quả đánh giá qua 3 mức: chưa đạt, đạt mức 1, đạt mức 2. Từ đó, việc quản lý chất lượng đối với các trung tâm kiểm định chất lượng cũng phải được thực hiện như đối với các cơ sở giáo dục đại học theo thông lệ quốc tế, dần đem lại nhiều tác động tích cực, giúp hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học tiếp cận với trình độ tiến tiến của khu vực và thế giới.

b. Những hạn chế, bất cập

Bên cạnh việc từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản pháp quy tạo điều kiện cho các cơ sở thuận lợi triển khai tự chủ bảo đảm chất lượng trong cơ sở giáo dục đại học thì còn tồn tại một số hạn chế sau:

Một số cơ sở giáo dục đại học chưa tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ đúng quy định: chưa có tổ chức hoặc cán bộ chuyên trách, quy trình chưa bảo đảm; còn một số cuộc thanh tra không có báo cáo, kết luận, không đôn đốc xử lý sau thanh tra; trình tự giải quyết đơn thư chưa đúng, chưa kịp thời, triệt để.

Vẫn còn cơ sở giáo dục đại học chưa thực hiện công khai hoặc công khai không đầy đủ theo quy định về các điều kiện bảo đảm chất lượng. Số lượng chương trình đào tạo của giáo dục đại học được kiểm định có tăng, nhưng chưa đảm bảo đúng quy định tại khoản 5 Điều 33 Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung năm 2018).

Một số cơ sở giáo dục đại học công lập chưa ban hành định mức kinh tế kỹ thuật theo Thông tư số14/2019/TT-BGDĐT để xây dựng mức thu học phí, các mức giá dịch vụ. Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học tương đối chậm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đổi mới phương pháp dạy và học.

Một số cơ sở giáo dục đại học chưa chú trọng tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng dẫn đến các vi phạm như liên kết đào tạo ngoài cơ sở, đào tạo văn bằng đại học khác, mở ngành khi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, thực hiện tuyển sinh vượt so với kế hoạch. Còn thiếu kiểm định viên chuyên trách về bảo đảm chất lượng ở cơ sở giáo dục đại học; kiểm định viên không đạt đủ năng lực, ảnh hưởng đến chính xác và đáng tin cậy của kiểm định chất lượng giáo dục đại học. 

3. Một số đề xuất, kiến nghị

Để nâng cao hiệu quả QLNN về kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế, có thể đề xuất các kiến nghị sau:

Một là, hoàn thiện hệ thống pháp lý và chính sách về kiểm định chất lượng.

Xây dựng và cập nhật các quy định pháp lý về kiểm định theo chuẩn quốc tế, đồng thời phù hợp với đặc thù của giáo dục Việt Nam. Các quy định cần minh bạch, cụ thể về quy trình kiểm định, trách nhiệm của cơ quan kiểm định, và quyền lợi của các trường đại học. Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để khuyến khích sự tham gia của các tổ chức kiểm định quốc tế tại Việt Nam, giúp tăng cường sự cạnh tranh và nâng cao chất lượng kiểm định trong nước. Đồng thời, cần thiết lập quy định về chế tài rõ ràng, xử lý nghiêm các trường đại học không tuân thủ quy trình kiểm định hoặc có hành vi gian lận trong kiểm định chất lượng.

Hai là, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan kiểm định.

Đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên gia kiểm định trong nước theo chuẩn quốc tế, bảo đảm tính chuyên nghiệp và khách quan trong công tác đánh giá. Các cơ quan quản lý cần có những chương trình hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức kiểm định quốc tế uy tín. Đậc biệt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và kiểm tra, giám sát quá trình kiểm định chất lượng của các trường đại học, tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi và đánh giá kết quả kiểm định.

Ba là, đẩy mạnh tự chủ và trách nhiệm giải trình của các trường đại học.

Khuyến khích các trường đại học phát triển năng lực tự kiểm định và chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng đào tạo của mình. Điều này giúp các trường có động lực tự cải tiến liên tục và nâng cao uy tín.

Bên cạnh đó, tăng cường tính minh bạch trong quá trình kiểm định, yêu cầu các trường đại học công khai thông tin kiểm định, kết quả đánh giá và các giải pháp cải thiện chất lượng. Qua đó, giúp người học, phụ huynh và xã hội dễ dàng tiếp cận thông tin để đưa ra lựa chọn đúng đắn.

Bốn là, hội nhập quốc tế về kiểm định chất lượng giáo dục.

Thúc đẩy sự tham gia của Việt Nam vào các tổ chức kiểm định chất lượng quốc tế nhằm học hỏi kinh nghiệm và tiêu chuẩn tiên tiến từ các nước khác. Đồng thời, cần có những chính sách thu hút và khuyến khích các tổ chức kiểm định quốc tế đến hoạt động tại Việt Nam. Chú trọng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục, tạo điều kiện cho các trường đại học Việt Nam tham gia vào các chương trình, dự án quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn toàn cầu.

Năm là, phát triển văn hóa chất lượng trong giáo dục đại học.

Xây dựng văn hóa chất lượng trong toàn hệ thống giáo dục đại học, từ các nhà quản lý, giảng viên, đến sinh viên. Trong đó, văn hóa chất lượng cần được thúc đẩy thông qua các chương trình đào tạo, hội thảo và chiến lược dài hạn nhằm tạo ra sự nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của chất lượng giáo dục. Cần khuyến khích sự tham gia chủ động của giảng viên và sinh viên trong quá trình kiểm định, tạo ra các phản hồi liên tục để cải thiện và duy trì chất lượng đào tạo.

4. Kết luận

QLNN về kiểm định chất lượng giáo dục đại học giúp công khai minh bạch thông tin về chất lượng giáo dục, giúp các bên liên quan như sinh viên, phụ huynh, doanh nghiệp… có cơ sở để lựa chọn các cơ sở giáo dục đại học phù hợp. Đồng thời, các trường đại học phải chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động và kết quả kiểm định của mình, không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định, từ đó tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong toàn hệ thống, giúp các trường đại học Việt Nam hội nhập vào hệ thống giáo dục toàn cầu, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi sinh viên, giảng viên và các hoạt động hợp tác quốc tế.

Chú thích:
1. Nguyễn Hữu Cương, Trần Ngọc Hạnh, Hà Vĩnh Phước, Trần Lê Phương Thảo, Bùi Thị Thùy Trinh, Trần Hồng Nhựt Minh, Nguyễn Thanh Vương, Trần Tiến Quang (2023). Phân tích chất lượng chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam từ kết quả kiểm định chất lượng. Tạp chí Giáo dục số 23 (số đặc biệt 9), tr. 67 – 72.
2, 3, 5, 6. Những con số biết nói về kiểm định chất lượng giáo dục đại học sau 20 năm. https://giaoduc.net.vn/nhung-con-so-biet-noi-ve-kiem-dinh-chat-luong-giao-duc-dai-hoc-sau-20-nam-post240859.gd
4. 9 cơ sở giáo dục đại học được công nhận đạt chuẩn nước ngoài. https://www.sggp.org.vn/9-co-so-giao-duc-dai-hoc-duoc-cong-nhan-dat-chuan-nuoc-ngoai-post719541.html
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2023). Báo cáo kết quả năm học 2022 – 2023.
2. Lê Lâm, Trần Thị Thu Hương, Lê Thái Hưng (2023). Quản trị chất lượng giáo dục đại học: xu hướng, thực trạng và khuyến nghị. Tạp chí Giáo dục số 23, tr. 30-35.
3. Lê Thị Thanh Trang (2022). Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 321 (10/2022).
4. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/Pages/home.aspx?ItemID=87203