TS. Nguyễn Thúy Vân, PGS.TS. Đào Thị Ái Thi
Trường Đại học Thành Đô
ThS. Vũ Thị Phượng
Trường Cao đẳng Công nghệ Sài Gòn
(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là chủ trương lớn mang tính chiến lược của ngành Giáo dục và Đào tạo nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục. Nhiều năm qua, các địa phương, trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm đến tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn… tạo điều kiện cho các trường học xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia và giữ chuẩn quốc gia còn gặp nhiều khó khăn do các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.
Từ khóa: Cải tiến; chất lượng; chuẩn quốc gia; giáo dục; đào tạo; tỉnh Vĩnh Phúc; Bộ Giáo dục và Đào tạo.
1. Đặt vấn đề
Cải tiến chất lượng giáo dục là quá trình liên tục nhằm điều chỉnh, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu trường chuẩn quốc gia. Mục tiêu của cải tiến chất lượng giáo dục là đáp ứng yêu cầu các tiêu chuẩn ngày càng cao, theo các mức độ tăng dần của trường chuẩn quốc gia. Để được công nhận trường chuẩn quốc gia, các trường phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, được chia thành 5 nhóm tiêu chí, bao gồm: tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục.
Cải tiến chất lượng giáo dục là quá trình liên tục nhằm điều chỉnh, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu trường chuẩn quốc gia. Mục tiêu của cải tiến chất lượng giáo dục là đáp ứng yêu cầu các tiêu chuẩn ngày càng cao, theo các mức độ tăng dần của trường chuẩn quốc gia. Mức độ công nhận trường đạt chuẩn quốc gia có hai mức độ, mức độ 1 và mức độ 2. Trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 là trường đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất, công tác quản lý và có môi trường học tập tốt cho học sinh. Các trường để được công nhận đạt chuẩn quốc gia chu kỳ tiếp theo hoặc nâng chuẩn trường quốc gia từ mức độ 1 lên mức độ 2 thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn mức độ 1. Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 là sự khẳng định trường có chất lượng giáo dục vượt trội, không chỉ bảo đảm yêu cầu về cơ sở vật chất và quản lý, mà còn có chất lượng giảng dạy và kết quả học tập cao hơn; là một trong những mô hình giáo dục tiêu biểu trong cả nước. Điều này giúp nâng cao uy tín, danh tiếng của trường, tạo môi trường học tập tốt nhất cho học sinh, đồng thời đóng góp vào sự phát triển chung của giáo dục địa phương và quốc gia.
2. Chất lượng giáo dục và cải tiến chất lượng giáo dục
Chất lượng giáo dục là sự đáp ứng mục tiêu của cơ sở giáo dục hoặc chương trình giáo dục, đáp ứng các yêu cầu của Luật Giáo dục, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, phù hợp với nhu cầu sử dụng nhân lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và đất nước. Chất lượng giáo dục trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh, trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường chuyên (sau đây gọi chung là trường trung học) là sự đáp ứng mục tiêu của các cơ sở giáo dục, bảo đảm các yêu cầu về mục tiêu giáo dục của Luật Giáo dục, phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và cả nước.
Cải tiến chất lượng giáo dục là quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm tồn tại, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu tiêu chí và tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia. Cải tiến chất lượng giáo dục trường chuẩn quốc gia trên cơ sở kết quả tự đánh giá và đánh giá ngoài của cơ sở giáo dục để trường mầm non, tiểu học, trung học xây dựng kế hoạch, đưa ra các giải pháp nhằm phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm tồn tại, từng bước nâng cao chất lượng trong các lĩnh vực hoạt động của nhà trường.
Tiêu chí chuẩn quốc gia, bao gồm: tiêu chí đánh giá trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học là yêu cầu đối với trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học trong một nội dung cụ thể của mỗi tiêu chuẩn.
Tiêu chuẩn quốc gia, bao gồm: đánh giá trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học là các yêu cầu đối với trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học nhằm bảo đảm chất lượng các hoạt động. Mỗi tiêu chuẩn ứng với một lĩnh vực hoạt động của của các cơ sở giáo dục và có 4 mức (từ mức 1 đến mức 4) với yêu cầu tăng dần. Trong đó, mức sau bao gồm tất cả các yêu cầu của mức trước và bổ sung các yêu cầu nâng cao.
3. Thực trạng trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Tỉnh Vĩnh Phúc xác định, việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xây dựng môi trường giáo dục đạt chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững. Vì vậy, những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc luôn ưu tiên nguồn lực cho công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những nỗ lực đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo các nhà trường học trên địa bàn. Ngày càng có nhiều học sinh được học trong những ngôi trường khang trang, với các tiêu chí đạt chuẩn; sự đồng thuận, tin tưởng của phụ huynh học sinh cũng ngày càng tăng. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được tập trung thực hiện theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Vĩnh Phúc. Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025 đặt mục tiêu: “tỷ lệ trường chuẩn quốc gia theo chuẩn mới đạt 70% trở lên ở tất cả các cấp học”, do đó số trường học cần xây dựng chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 tối thiểu là 341/512 trường học.
Để đánh giá thực trạng trong công tác cải tiến chất lượng giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu chí và tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 158 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó: 28 trường mầm non; 19 trường tiểu học và 111 trường trung học1. Kết quả cho thấy:
Một là, điều kiện bảo đảm chất lượng về phương hướng, chiến lược và tổ chức, bộ máy quản lý
Cơ cấu tổ chức của nhà trường được duy trì ổn định, bao gồm: cấp uỷ, hội đồng trường, ban giám hiệu, công đoàn, đoàn – đội, các tổ chuyên môn… Ngoài ra, trong Nhà trường còn có Hội Chữ thập đỏ, Ban đại diện cha mẹ học sinh được tổ chức và hoạt động theo đúng quy định. 100% các trường đạt chuẩn quốc gia có phương hướng, chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường. Trường có ban giám sát thực hiện phương hướng, chiến lược; đồng thời, chiến lược của các trường được rà soát, bổ sung ít nhất 2 lần.
Tổ chức Đảng trong các nhà trường có cơ cấu tổ chức và hoạt động theo quy định, trong giai đoạn đánh giá trường đạt chuẩn quốc gia có số lần đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ lớn hơn so với quy định (quy định đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 tối thiểu là 1 năm hoàn thành tốt nhiệm vụ; quy định đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 là 2 năm hoàn thành tốt nhiệm vụ).
Các tổ chuyên môn, 100% có kế hoạch hoạt động và có số lượng chuyên đề hoặc sáng kiến kinh nghiệm từ năm 2019 – 2023 đạt tối thiểu 6 và tối đa 100 chuyên đề hoặc sáng kiến kinh nghiệm.
Hai là, quy mô lớp, các chỉ số về số trẻ và số học sinh
Tiêu chí về quy mô lớp, các chỉ số về số trẻ và số học sinh được đánh giá mức đạt khi sỹ số tối đa trong một lớp của các cấp học bảo đảm theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Số trẻ trong các nhóm trẻ và mẫu giáo phần lớn ổn định và bảo đảm quy mô từ 17 – 27 trẻ/lớp; còn 2/28 trường (tỷ lệ 7,1%) có sỹ số lớn hơn so quy định và chỉ ở 1 hoặc 2 lớp học/trường. Tỷ lệ chuyên cần của các trường bảo đảm tỷ lệ 100% theo quy định2.
Số lớp học trong các trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia từ 16 – 34 lớp. Quy mô học sinh tiểu học từ 28 – 39 học sinh. Các trường tiểu học bảo đảm đạt chuẩn quy định về số lớp đối với trường tiểu học có quy mô tối thiểu 10 lớp và tối đa 30 lớp đạt 94,7%; còn 1/19 trường có 34 lớp học, tỷ lệ 5,3%, vượt định mức quy định về số lớp học. Về quy mô học sinh/lớp học theo quy định sỹ số lớp học tại bậc tiểu học là mỗi lớp học có không quá 35 học sinh nhưng vẫn còn trường có 36 – 39 học sinh, vượt định mức quy định về quy mô học sinh/lớp3.
Số lớp học trong các trường trung học đạt chuẩn quốc gia từ 11 – 30 lớp. Quy mô học sinh phần lớn từ 20 – 45 học sinh/lớp, tỷ lệ 95,5%; còn 5/111 trường có sỹ số lớn hơn 45 học sinh (tỷ lệ 5,5%), tuy nhiên, sỹ số lớn hơn so với quy định chỉ ở 1 – 2 lớp học/trường. Quy mô lớp học và quy mô học sinh/lớp học phần lớn bảo đảm theo quy định hiện hành đối với trường trung học phổ thông có quy mô tối thiểu 15 lớp và tối đa 45 lớp4.
Ba là, về đội ngũ giáo viên và nhân viên
Tình hình đội ngũ giáo viên: Điều kiện bảo đảm chất lượng về đội ngũ giáo viên của các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học đạt chuẩn quốc gia còn thiếu so với quy mô trẻ và quy mô học sinh. Tìnhhình thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học không chỉ diễn ra ở tỉnh Vĩnh Phúc mà trong cả nước, như thiếu giáo viên dạy các môn học mới: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông5. Tỷ lệ trường học tại Vĩnh Phúc thiếu giáo viên cục bộ tỷ lệ 50,6%. Trong đó tỷ lệ trường mầm non 8,2%; trường tiểu học 6,3%; trường trung học 36,1%.
Chuẩn giáo viên giảng dạy tiểu học, trung học theo quy định phải có trình độ đại học. Công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên được tỉnh quan tâm và có nhiều biện pháp nâng chuẩn cho đội ngũ giáo viên, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn tăng lên theo năm học và tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đạt 83,5%; còn26/158 trường giáo viên chưa đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 16,5%6.
Đội ngũ nhân viên hành chính bảo đảm đủ số lượng quy định, trong đó có nhân viên chuyên trách và giáo viên kiêm nhiệm.
Bốn là, về tài chính và cơ sở vật chất
Công tác quản lý tài chính là thế mạnh của các trường. Nguồn tài chính trong các trường, gồm ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp. Các trường có đầy đủ hệ thống văn bản quy định về quản lý tài chính và lưu trữ hồ sơ, chứng từ theo quy định, có sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài chính. Trong giai đoạn đánh giá, các trường không vi phạm về quản lý hành chính, tài chính và tài sản.
Cơ sở vật chất. Điều kiện bảo đảm diện tích đất, có 151 trường đủ diện tích của trường chuẩn quốc gia, tỷ lệ 95,6%; có 7 trường chưa đủ diện tích theo quy định của trường chuẩn quốc gia, tỷ lệ 4,4%.Trong tổng số 158 trường đạt chuẩn quốc gia, có 116/158 trường (tỷ lệ 73,4%) có đủ các phòng làm việc hoặc các phòng chức năng, khu thể dục thể thao, khu để xe… phục vụ nhu cầu giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh. Còn 42/158 trường (tỷ lệ 26,6%) chưa bảo đảm đủ điều kiện về các phòng dành cho nhân viên; phòng bảo vệ; khu vệ sinh giáo viên; khu để xe của giáo viên; phòng học tin học; phòng dạy âm nhạc, mỹ thuật, khoa học và ngoại ngữ, phòng truyền thống và hoạt động đoàn – đội7.
Các điều kiện cơ sở vật chất khác của trường, như khuôn viên trường được xây dựng riêng biệt, bao quanh bằng tường rào bảo vệ chắc chắn. Cổng trường có biển trường đủ nội dung, bảo đảm mỹ quan. Hệ thống sân chơi, bãi tập được bố trí rộng rãi, thuận tiện, đúng quy định. Các trường có cây xanh bóng mát, bảo đảm vệ sinh, khung cảnh sư phạm xanh, sạch, đẹp, thuận tiện tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Phòng học kiên cố, được trang bị đầy đủ bàn ghế, có hệ thống chiếu sáng đủ điều kiện để trẻ hoặc học sinh học tập. Khu vệ sinh và hệ thống cấp thoát nước của trường cóphòng vệ sinh cho giáo viên và học sinh, bảo đảm đáp ứng nhu cầu cho toàn trường; hệ thống nước sạch bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Các trường có khu để xe dành riêng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.
Trang thông tin điện tử (Website) đăng tải các hoạt động của trường, tuy nhiên nội dung còn chưaphong phú, chưa phản ánh được đầy đủ các hoạt động giáo dục và đào tạo nên chưa hỗ trợ hiệu quả cho công tác truyền thông và phục vụ hoạt động dạy học.
Về thiết bị dạy học. Các trường mặc dù được trang bị thiết bị phục vụ công tác dạy học và rà soát bổ sung hằng năm. Tuy nhiên, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 (có sự kế thừa và phát huy của chương trình giáo dục phổ thông cũ), các trường đã tận dụng trang thiết bị đã có, cùng với sự sáng tạo, thiết kế bổ sung trang thiết bị của đội ngũ giáo viên, nhưng vẫn không đủ trang thiết bị theo quy định, có 82/158 trường đủ thiết bị dạy học (tỷ lệ 51,9%); còn 76/158 trường chưa đủ điều kiện bảo đảm trang thiết bị dạy học, tỷ lệ 48,1%8.
Năm là, về công tác tuyển sinh và đào tạo
Công tác phổ cập giáo dục và kết quả giáo dục. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường đạt 100%, tỷ lệ hoàn thành chương trình giáo dục mầm non theo quy định luôn đạt trên chuẩn (định mức chuẩn quy định 85%), các trường đạt 100%. Tỷ lệ học sinh 6 tuổi trên địa bàn vào lớp 1 của các trường đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt từ 99% – 100%. Các tỷ lệ học sinh 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học và tỷ lệ trẻ em đến 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt theo quy định của trường chuẩn quốc gia9. 100% trường học thực hiện chất lượng giáo dục toàn diện theo đúng chương trình, kế hoạch giáo dục phổ thông, phương pháp, hình thức dạy học phù hợp với đối tượng và đáp ứng yêu cầu nhận thức của học sinh. 100% các trường thực hiện nội dung giáo dục địa phương phù hợp với tình hình thực tiễn; có tổ chức các hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp với hình thức phong phú, đa dạng. Tổ chức các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Kết quả học lực, hạnh kiểm của học sinh tăng dần theo năm học.
4. Đánh giá chung các điều kiện bảo đảm chất lượng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Phương hướng, chiến lược và tổ chức, bộ máy quản lý của các trường phù hợp với mục tiêu giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục và định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương và phù hợp với đặc thù riêng của từng trường. Hội đồng trường hoặc Hội đồng quản trị đối với trường ngoài công lập và các hội đồng khác được thành lập theo quy định, có quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định. Tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể trong nhà trường có cơ cấu tổ chức và kế hoạch hoạt động theo năm học. Các hoạt động của các tổ chức này được thường xuyên rà soát và đánh giá.
Quy mô lớp, các chỉ số về số trẻ và số học sinh bảo đảm đủ số lớp của cấp học; học sinh được tổ chức theo lớp học và các lớp học hoạt động theo nguyên tắc tự quản, dân chủ. Đội ngũ giáo viên và nhân viên được đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên. Công tác phân công, sử dụng cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên được thực hiện rõ ràng, bảo đảm hiệu quả hoạt động của nhà trường.
Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học của các trường bảo đảm, khuôn viên xanh, sạch, đẹp, có tường rào bao quanh đảm bảo an toàn cho hoạt động giáo dục. Các trường có khu sân chơi, bãi tập có thiết bị tối thiểu phục vụ luyện tập thể dục thể thao và các hoạt động giáo dục của nhà trường. Phòng học có đủ bàn ghế phù hợp với đặc điểm của học sinh và đảm bảo đủ ánh sáng. Các công trình phụ trợ như khu vệ sinh, hệ thống cấp thoát nước đảm bảo không ô nhiễm môi trường và thuận lợi cho học sinh khuyết tật, việc thu gom rác thải được các trường thực hiện tốt đảm bảo vệ sinh môi trường. Thư viện được trang bị sách, báo, tạp chí và được đánh giá đạt chuẩn, đáp ứng hoạt động nghiên cứu, dạy học và các hoạt động tự học của học sinh.
Hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục được thực hiện đúng và đủ các môn học theo quy định. Giáo viên vận dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học, tổ chức hoạt động dạy học đảm bảo mục tiêu, nội dung giáo dục và phù hợp với đặc điểm nhận thức của học sinh; các hình thức kiểm tra, đánh giá được đổi mới và đa dạng các hình thức, đảm bảo khách quan và hiệu quả. Các nội dung giáo dục địa phương cho học sinh được thực hiện định kỳ hàng năm. Các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được tổ chức, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng trường. Kết quả học lực, hạnh kiểm của học sinh đạt yêu cầu theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia, tỷ lệ học sinh lên lớp và tốt nghiệp ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn có nhưng hạn chế, bất cập, như:
(1) Căn cứ theo quy định thì sỹ số học sinh của một số trường còn vượt quá quy định do tình hình tăng dân số cơ học trong khi trường, lớp xây dựng không kịp đã gây ảnh hưởng đến đạt chuẩn và giữ chuẩn quốc gia.
(2) Vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học giống như các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
(3) Một số trường vẫn còn thiếu các phòng chức năng, như: phòng dành cho nhân viên, phòng học tin học; phòng dạy âm nhạc, mỹ thuật, khoa học và ngoại ngữ, phòng truyền thống và hoạt động Đoàn – Đội.
(4) Trang thiết bị dạy học của chương trình giáo dục phổ thông mới còn thiếu nhiều ở các khối lớp 7, 8, 9. Nguyên nhân do thiếu nguồn kinh phí đầu tư các trang thiết bị hiện đại, tiên tiến.
5. Một số giải pháp cải tiến chất lượng giáo dục đáp ứng các tiêu chí và tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Thứ nhất, cải tiến công tác tổ chức và quản lý, lãnh đạo nhà trường.
Nâng cao vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo Nhà trường và các tổ chức đoàn thể. Thành lập Ban chỉ đạo xây dựng trường chuẩn quốc gia, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá định kỳ, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm ở từng giai đoạn. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chuyên môn, tăng cường vai trò của Hiệu trưởng đối với hoạt động chuyên môn. Chú trọng sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu nội dung bài học, đổi mới kiểm tra đánh giá, dạy học theo hướng phát triển năng lực người học. Ứng dụng công nghệ số, phần mềm công nghệ thông tin trong công tác quản lý hành chính, tài chính và tài sản của Nhà trường. Phát huy năng lực của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong việc xây dựng và phát triển nhà trường. Phân công nhiệm vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên phù hợp với năng lực và đáp ứng chất lượng giáo dục. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả, xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Nhà trường.
Thứ hai, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên.
Tổ chức các lớp bồi dưỡng về công tác quản lý, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống; ngoại ngữ, tin học cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Tham mưu và đề xuất với cơ quan quản lý cấp trên để tuyển dụng bổ sung đội ngũ giáo viên đáp ứng đủ theo chương trình giáo dục phổ thông 2018; đồng thời, tiếp tục cử giáo viên chưa đạt chuẩn đi học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá cho đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu giáo dục. Bồi dưỡng giáo viên dạy giỏi, xây dựng phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm để tham gia các cuộc thi trong và ngoài trường, áp dụng các sáng kiến kinh nghiệm đạt giải trong công tác giáo dục. Khen thưởng, động viên kịp thời đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên có thành tích cao trong giảng dạy và đạt giải trong các cuộc thi.
Thứ ba, tham mưu và đề xuất với các cấp, các ngành đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Xây dựng kế hoạch sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí ngân sách hợp lý và đúng quy định, đề xuất cơ quan quản lý để tăng nguồn ngân sách giúp các trường trang bị thêm cơ sở vật chất, nâng cấp hoặc xây mới bổ sung phòng học và mua bổ sung trang thiết bị dạy học đạt chuẩn. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài để tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng phòng học bộ môn, thư viện, khu giáo dục thể chất và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, như: hệ thống Wifi, thường xuyên tu bổ, sửa chữa máy móc, trang thiết bị dạy học.
Thứ tư, phát huy tối đa sự tham gia của cộng đồng và phụ huynh học sinh vào các hoạt động của trường.
Nhà trường huy động hợp lý và có hiệu quả sự tham gia của gia đình và cộng đồng, các thế hệ cựu học sinh, các tổ chức, doanh nghiệp vào các hoạt động giáo dục, tăng cường hỗ trợ trang bị thêm cơ sở vật chất, thiết bị để nâng cao chất lượng giáo dục. Tăng cường thực hiện xã hội hóa giáo dục, vận động, huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng, cải tạo cảnh quan đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, và an toàn cho học sinh.
Thứ năm, tổ chức các hoạt động ngoại khóa và giáo dục chuyên đề nhằm giáo dục toàn diện cho học sinh
Chương trình giáo dục phổ thông mới tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh nhằm hình thành phẩm chất, thói quen và kỹ năng sống thông qua hoạt động tập thể, hoạt động xã hội, hoạt động thiện nguyện. Tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa và giáo dục chuyên đề sẽ góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh về đức, trí, thể, mỹ. Tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh nhằm xây dựng trường học an toàn, thân thiện, học sinh tích cực.
Thứ sáu, đánh giá kết quả cải tiến theo năm học để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.
Nhà trường tổ chức giám sát và đánh giá kết quả cải tiến theo năm học nhằm xác định các tiêu chí,tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia có được tuân thủ và duy trì hay không. Điều này bảo đảm học sinh có môi trường học tập đạt chất lượng, an toàn và phù hợp với các mục tiêu giáo dục. Việc đánh giá giúp xác định những mặt mạnh để phát huy và những điểm yếu để có phương án cải thiện, điều này rất quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch phát triển trường học hiệu quả hơn. Trường học duy trì được tiêu chuẩn quốc gia, tạo dựng niềm tin và uy tín trong cộng đồng, giúp thu hút thêm học sinh và nhận được sự ủng hộ từ phụ huynh. Quá trình đánh giá giúp nhà trường xác định và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách, cơ sở vật chất đến đội ngũ nhân sự, từ đó, giúp quản lý nguồn lực tốt hơn. Thông qua đánh giá, nhà trường có cơ hội để rà soát và điều chỉnh các mục tiêu dài hạn, định hướng phát triển bền vững trong tương lai và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục.
6. Kết luận
Xây dựng trường chuẩn quốc gia là mục tiêu quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học. Trường chuẩn quốc gia phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình giảng dạy và các hoạt động giáo dục. Điều này tạo nên môi trường học tập chất lượng, giúp học sinh phát triển toàn diện về tri thức, kỹ năng và phẩm chất.
Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giúp thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực, đặc biệt là giữa nông thôn và thành thị. Khi các trường đều đạt chuẩn, học sinh ở các vùng khó khăn cũng có cơ hội học tập trong môi trường đạt chất lượng. Trường đạt chuẩn quốc gia sẽ xây dựng uy tín trong cộng đồng, tạo điều kiện thu hút thêm nguồn lực từ xã hội, bao gồm sự hỗ trợ từ phụ huynh, cộng đồng và các tổ chức xã hội. Một trường học đạt chuẩn không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục mà còn có tác động tích cực đến cộng đồng xung quanh, từ đó, góp phần xây dựng xã hội văn minh, phát triển. Như vậy, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia không chỉ hướng đến lợi ích của học sinh và nhà trường mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội và nâng cao chất lượng giáo dục quốc gia.
* Bài viết là kết quả nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, đề tài:“Nghiên cứu giải pháp đẩy mạnh công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Mã số: 04/ĐTKHVP/2023-2024”.
Chú thích:
1, 2, 3, 4, 6. Nội dung khảo sát nhóm nghiên cứu căn cứ theo Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 và Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018; Thông tư 19/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ giáo dục và Đào tạo tại 158 trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh Vĩnh Phúc.
5. Cả nước hiện đang thiếu hơn 113.000 giáo viên. https://giaoduc.net.vn/ca-nuoc-hien-dang-thieu-hon-113000-giao-vien-post245118.gd, ngày 28/8/2024.
7. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2020). Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 ban hành quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
8. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021). Thông tư số 37/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021; Thông tư số 38/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021; Thông tư số 39/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021.
9. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018). Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018; Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018; Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2020). Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 ban hành Điều lệ trường mầm non.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2020). Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT ngày 04/9/2020 ban hành Điều lệ trường tiểu học.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2020). Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
4. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII (2020). Nghị quyết số 01-NQ/ĐH XVII ngày 16/11/2020, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025.
5. Cả nước hiện đang thiếu hơn 113.000 giáo viên. https://giaoduc.net.vn/ca-nuoc-hien-dang-thieu-hon-113000-giao-vien-post245118.gd.
6. Quốc hội (2019). Luật Giáo dục năm 2019.
7. Ứng dụng công nghệ thông tin trong nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở các trường đại học hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/04/16/ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-nang-cao-chat-luong-giao-duc-va-dao-tao-o-cac-truong-dai-hoc-hien-nay/
8. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/08/24/nang-cao-chat-luong-giao-duc-dao-tao-tren-dia-ban-quan-ha-dong-thanh-pho-ha-noi/