Hội thảo khoa học: “Xây dựng bộ tiêu chí quốc tế về năng lực nghiên cứu khoa học của Học viện Hành chính Quốc gia”

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 31/10/2024 tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo Xây dựng bộ tiêu chí quốc tế về năng lực nghiên cứu khoa học của Học viện Hành chính Quốc gia. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các Phân hiệu Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Quảng Nam. PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện; TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học hành chính đồng chủ trì Hội thảo.

Đại biểu dự Hội thảo

Tham dự Hội thảo về phía khách mời, có: TS. Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam; TS. Trần Văn Tùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; TS. Lê Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ; TS. Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ; PGS.TS Trần Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; TS. Vũ Văn Thanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ; ông Ngô Giang, Ban Khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có: TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc viện; lãnh đạo các đơn vị, khoa, ban thuộc và trực thuộc Học viện cùng giảng viên, viên chức, nghiên cứu viên của Học viện và Viện Nghiên cứu khoa học hành chính.

PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Lương Thanh Cường nhấn mạnh, hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện là một trong những trụ cột trong Chiến lược phát triển của Học viện đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, xác định đây vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu cấp thiết đang đặt ra đối với tập thể lãnh đạo, đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, các nhà khoa học của Học viện nhằm tìm ra giải pháp, cách thức nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học. Trong quá trình hội nhập quốc tế, việcnâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế, xây dựng bộ tiêu chí về năng lực nghiên cứu khoa học của Học viện là điều hết sức cần thiết. 

Hội thảo “Xây dựng bộ tiêu chí quốc tế về năng lực nghiên cứu khoa học của Học viện Hành chính Quốc gia” đã nhận được 19 tham luận gửi tới Ban biên soạn kỷ yếu Hội thảo của các chuyên gia, các nhà khoa học để góp ý xây dựng bộ tiêu chí này. Ban tổi chức Hội thảo mong nhận được các ý kiến trao đổi, thảo luận tập trung làm rõ thêm cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn xây dựng bộ tiêu chí, như: (1) Xác định nghiên cứu khoa học của Học viện cần có tiêu chí nào; (2) Kinh nghiệm trong và ngoài nước liên quan đến việc xác định xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá năng lực nghiên cứu khoa học của Học viện; (3) Đề xuất giải pháp xây dựng bộ tiêu chí cũng như cách thức tổ chức thực hiện trong thực tế. Trên cơ sở đó, Học viện định vị được năng lực nghiên cứu khoa học nói chung đang ở thang đo nào để có kế hoạch, chiến lược nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học và Học viện.

TS. Nguyễn Quang Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước tham luận tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Quang Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước trình bày tham luận “Vai trò của Tạp chí Quản lý nhà nước trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện Hành chính Quốc gia”. Theo đó, hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như công nhận vị thế của một cơ sở đào tạo đại học, học viện, viện nghiên cứu phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của thư viện và tạp chí khoa học. Trước nhiệm vụ đó, Tạp chí Quản lý nhà nước liên tục đổi mới cả về chất lượng, nội dung để ngày càng nâng cao chất lượng của tạp chí khoa học, góp phần nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học của Học viện. Công tác phản biện, thẩm định bài viết được chú trọng, Tạp chí hiện có gần 300 nhà khoa học trong và ngoài nước ở nhiều lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu tham gia phản biện kín 2 chiều bài viết. Tạp chí đã triển khai mã định danh DOI – một chỉ số bắt buộc phải có đối với các tạp chí khoa học theo đúng thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế trong việc truy lại nguồn tham khảo trong các trích dẫn của bài viết…

Đặc biệt, hằng năm, Tạp chí Quản lý nhà nước đã bình chọn và đăng tải trên các ấn phẩm của Tạp chí các công trình nghiên cứu từ các đề tài, đề án cấp Nhà nước, cấp bộ, đề tài cấp cơ sở của Học viện do cán bộ, giảng viên, viên chức và học viên, sinh viên của Học viện thực hiện. Đây chính là kết quả trực tiếp, quan trọng trong nghiên cứu và công bố nghiên cứu khoa học của Học viện Hành chính Quốc gia. Đồng thời, Tạp chí còn phục vụ đắc lực công tác đào tạo sau đại học của Học viện trong việc chọn, đăng các bài báo của nghiên cứu sinh, học viên cao học có chất lượng. Bảo đảm đủ điều kiện cho đầu vào và đầu ra của nghiên cứu sinh; bảo đảm đủ điều kiện cho giảng viên hướng dẫn nghiên cứu sinh…

Hiện nay Tạp chí Quản lý nhà nước đã được công nhận điểm khoa học 0,75 ở cả 3 ấn phẩm. Hướng phấn đấu của Tạp chí được công nhận điểm khoa học 1 điểm và tham gia danh mục Tạp chí châu Á ACI, tiến đến ISI, Scopus. Góp phần hoàn thành mục tiêu cụ thể của Học viện trong Chiến lược phát triển đến 2030 tầm nhìn năm 2045, là: “đến năm 2030, trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức về quản lý công, chính sách công, quản trị nhân lực. Gia tăng số lượng công bố quốc tế, trong đó có 20% các công bố quốc tế thuộc nhóm Quartiles 1, Quartiles 2 trên tổng số công bố quốc tế. Tạp chí Quản lý nhà nước phấn đấu thuộc danh mục tạp chí ISI, Scopus”.

TS. Trần Đại Hải, Phó trưởng Ban Hợp tác quốc tế tham luận tại Hội thảo.

Với tham luận “Đề xuất ý tưởng về bộ tiêu chí đánh giá năng lực nghiên cứu của Học viện Hành chính Quốc gia”, TS. Trần Đại Hải, Phó trưởng Ban Hợp tác quốc tế cho rằng, trong bối cảnh hiện nay không có bộ tiêu chí nào ở cấp độ “quốc tế” về đánh giá năng lực khoa học – công nghệ cũng như chưa có hướng dẫn chung của cơ quan quản lý về khoa học và công nghệ liên quan đến xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực này. Để xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực nghiên cứu khoa học của Học viện, TS. Trần Đại Hải đề xuất 10 tiêu chí/nhóm tiêu chí, gồm: thể chế nghiên cứu khoa học; đội ngũ nghiên cứu khoa học; kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; kết quả nghiên cứu khoa học; nhóm nghiên cứu; mức độ độc lập, tự chủ trong nghiên cứu khoa học; khả năng huy động các nguồn tài trợ từ bên ngoài cho nghiên cứu khoa học; văn hóa nghiên cứu; hợp tác và hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học.  

TS. Trần Văn Tùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ tham luận tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Văn Tùng chia sẻ, xây dựng bộ tiêu chí rất quan trọng nhưng cần làm rõ khái niệm về năng lực nghiên cứu khoa học; năng lực của mỗi cá nhân trong sứ mệnh của Học viện trong điều kiện hội nhập quốc tế; xây dựng bộ tiêu chí nhằm phục vụ cho công tác đào tạo của Học viện, công tác tư vấn chính sách và nhu cầu xã hội; đồng thời, cơ cấu của tiêu chí cần rõ ràng, phù hợp với thông lệ quốc tế.

TS. Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ ý kiến tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, TS. Trần Anh Tuấn khẳng định, Học viện có chức năng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, trong đó công tác nghiên cứu khoa học không chỉ phục vụ đào tạo, bồi dưỡng mà còn phục vụ công tác tham vấn xây dựng chính sách. Ông cho rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học phải đưa ra được cái mới về phương pháp nghiên cứu và có tính thực tiễn, sản phẩm khoa học phải có tính ứng dụng và mang lại hiệu quả, phải được công bố trên các tạp chí và diễn đàn khoa học. Từ đó, kết quả của nghiên cứu khoa học là cơ sở lý luận và thực tiễn để tham vấn, xây dựng chính sách cho Chính phủ.

PGS.TS. Nguyễn Nghị Thanh, giảng viên Khoa Khoa học liên ngành phát biểu tại Hội thảo.

PGS.TS. Nguyễn Nghị Thanh trao đổi về nội dung: “Xây dựng bộ tiêu chí quốc tế về năng lực nghiên cứu khoa học của Học viện Hành chính Quốc gia”. Ông Thanh đề xuất một số tiêu chí để Học viện có thể xây dựng bộ tiêu chí quốc tế về năng lực nghiên cứu khoa học và cho rằng, Học viện cần phải thiết lập các tiêu chuẩn cụ thể dựa trên kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bộ tiêu chí tham khảo bao gồm 5 nhóm chính: (1) chất lượng và số lượng công bố khoa học; hợp tác và liên kết quốc tế; (2) ứng dụng và tác động xã hội của nghiên cứu; (3) đầu tư và phát triển nhân lực nghiên cứu; (4) hệ thống hạ tầng kỹ thuật và tài chính hỗ trợ nghiên cứu; (5) đánh giá và kiểm tra chất lượng nghiên cứu. 

Đại diện cho Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh, ThS. Lê Văn Phúc tham luận về “Liêm chính khoa học – Một giá trị, một nguyên tắc cần phát huy để hội nhập quốc tế”. ThS. Lê Văn Phúc nhận định, liêm chính khoa học là một giá trị, đồng thời là một nguyên tắc tiên quyết của tư duy khoa học. Trong nghiên cứu khoa học, vấn đề liêm chính là đạo đức, là trách nhiệm của người nghiên cứu đối với xã hội. Nội dung cốt lõi của “liêm chính khoa học” là sự trung thực, ngay thẳng, trong sáng và trách nhiệm trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, học tập ở các cơ sở học thuật, đặc biệt là các trường đại học. Bảo đảm tính liêm chính là yêu cầu sống còn với sự tồn tại, phát triển của cộng đồng học thuật.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, vấn đề liêm chính nói chung, liêm chính khoa học nói riêng là vấn đề hệ trọng, ảnh hưởng đến uy tín của quốc gia trên trường quốc tế. Tham gia vào “sân chơi” quốc tế trong lĩnh vực khoa học đòi hỏi phải có “tâm thế” và “đạo đức” mới có thể xây dựng và phát triển uy tín của nhà khoa học, của nền khoa học. Do đó, vấn đề nhận diện đặc điểm (cấu trúc) liêm chính và phát huy giá trị liêm chính trong nghiên cứu khoa học là cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn. 

TS. Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ phát biểu tại Hội thảo.
TS. Vũ Văn Thanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ phát chia sẻ ý kiến tại Hội thảo.
PGS.TS  Trần Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát biểu tại Hội thảo,

Hội thảo cũng được lắng nghe ý kiến chia sẻ của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, các ý kiến tập trung vào một số nội dung, như: tên của bộ tiêu chí đánh giá năng lực nghiên cứu khoa học của Học viện; thống nhất một số tiêu chí quan trọng; giải pháp, trình độ năng lực, kết quả nghiên cứu (tính mới, tính ứng dụng và sự công nhận của xã hội), liêm chính học thuật, phân biệt các tiêu chí; sự liên kết, phối hợp giữa Học viện với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam;…

Kết luận và bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Lương Thanh Cường cảm ơn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Học viện đã dành thời gian tham dự, viết bài tham gia Hội thảo. Ban Tổ chức Hội thảo sẽ tiếp thu đầy đủ những kiến thức, giải pháp để phục vụ đánh giá năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên, nghiên cứu viên,  viên chức Học viện. Từ đó, định vị được năng lực nghiên cứu để phát huy thế mạnh, sở trường, tranh thủ thời cơ, bổ sung những thiếu hụt, nhận diện những khó khăn, thách thức nhằm xây dựng bộ tiêu chí về năng lực nghiên cứu khoa học của Học viện Hành chính Quốc gia.

Hoàng Hậu, Thu Hương