TS. Nguyễn Trí Tùng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh ngày nay, biến đổi khí hậu toàn cầu tác động đến kinh tế – xã hội, hay tình trạng ô nhiễm môi trường, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… thì việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế đối với các nền kinh tế đang phát triển lại càng cấp thiết, trong đó nền kinh tế Việt Nam định hướng trở thành nền kinh tế phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Bài viết tìm hiểu các nút thắt đối với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam hướng tới mục tiêu này, từ đó, đề xuất một số giải pháp tháo gỡ các nút thắt trong đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế nhằm hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế mà Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Từ khóa: Mô hình tăng trưởng kinh tế; nút thắt; đổi mới; nhận diện.
1. Đặt vấn đề
Tư tưởng của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế đã trải qua các kỳ Đại hội, bắt đầu từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (năm 2011), xuất phát từ yêu cầu thực tiễn là trong gần ba thập kỷ đổi mới và hội nhập, nền kinh tế Việt Nam có những dấu hiệu “giảm tốc” so với thời kỳ đầu hội nhập, đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm qua thời gian; năng suất lao không có đột phá và nguy cơ tụt hậu ngay cả so với các nền kinh tế phát triển sau; tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực đô thị và nông thôn gây chi phí xã hội vô cùng lớn. Do vậy, chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng tại Đại hội XI của Đảng tương đối thận trọng, từ nhận diện là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, nền kinh tế cần chuyển sang mô hình tăng trưởng kết hợp giữa tăng trưởng theo chiều rộng với tăng trưởng theo chiều sâu.
Đến Đại hội XII của Đảng (năm 2016) đã đưa ra mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, với nội hàm quan trọng là mô hình tăng trưởng dựa trên các yếu tố làm tăng năng suất lao động, đó là khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng; đồng thời, sự kết hợp các yếu tố đầu vào phải hiệu quả, tránh thất thoát và lãng phí nguồn lực quốc gia. Chính chủ trương này đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam, khơi dậy khát vọng của người Việt Nam trong phát triển kinh tế thời đại mới.
Qua hai nhiệm kỳ Đại hội XI và XII (10 năm), việc thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế tuy đạt được một số kết quả tích cực, nhưng vẫn chưa tạo được bước chuyển căn bản sang mô hình phát triển kinh tế mới. Hơn nữa, trong bối cảnh mới của tình hình thế giới, khu vực và đất nước, nhất là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đề ra nhiệm vụ “đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng” với nhiều nội dung mới, yêu cầu mới. Do đó, việc nhận diện các nút thắt đối với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế nước ta hiện nay là rất quan trọng nhằm đẩy mạnh quá trình đổi mới mô hình hướng tới mục tiêu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
2. Nút thắt đối với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam
Thứ nhất, tính nội sinh hóa công nghệ và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế còn ở trình độ thấp.
Chủ trương phát triển một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước đã thúc đẩy sự hình thành một khu vực doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn, đa dạng về hình thức và quy mô, song phần lớn đều ở dạng quy mô vừa, nhỏ, siêu nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, quản trị chưa chuyên nghiệp, khả năng kết nối mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị thấp. Số doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến, triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) chiếm tỷ lệ thấp, chỉ tập trung ở một số ngành, như: công nghiệp chế tạo, công nghiệp chế biến và gia công hoặc doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ cao. Phần lớn hoạt động R&D của các doanh nghiệp liên quan đến việc điều chỉnh các công nghệ hiện có cho phù hợp với bối cảnh trong nước; các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ hầu như miễn cưỡng thực hiện hoạt động R&D khi cần phải giải quyết vấn đề đột xuất chứ không mang tính liên kết và hệ thống; ngân sách chi cho các hoạt động này còn thấp so với các nền kinh tế trong khu vực.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp triển khai hoạt động R&D trong các ngành sản xuất rất thấp: sản xuất thiết bị điện 17%; sản xuất hóa chất 15%; chế biến thực phẩm 9%; sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa 7%; sản xuất da và sản phẩm có liên quan 6%; dệt may 5%. Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam chi 1,6% doanh thu hằng năm cho hoạt động R&D, thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực, như: Lào (14,5%), Philippin (3,6%), Malaysia (2,6%), Campuchia (1,9%)1.
Thế mạnh trong hoạt động đổi mới sáng tạo, chiếm lĩnh công nghệ tiên tiến trong sản xuất và phân phối hầu như thuộc về các tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc các doanh nghiệp có quy mô siêu lớn của Việt Nam… Song, hiệu ứng lan tỏa công nghệ cũng như quy trình sản xuất và phân phối tiên tiến giữa hai khu vực này chưa được diễn ra trong quá trình phát triển kinh tế, còn có khoảng cách lớn về trình độ công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo. Nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là những doanh nghiệp tham gia vào khâu cuối của chuỗi sản xuất để xuất khẩu được đặt trong các khu, cụm ngành chuyên môn hóa, trong khi các doanh nghiệp ở phân khúc đầu của chuỗi giá trị thường là doanh nghiệp tư nhân trong nước, hầu hết nằm ở ngoài các khu, cụm này2.
Thứ hai, trạng thái dừng/ổn định dài hạn của mô hình (đánh giá theo Mô hình R. Solow) còn khá thấp so với các nền kinh tế tương đồng về trình độ phát triển.
Đây là thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, tình trạng năng suất lao động tăng trưởng chậm qua nhiều thập kỷ hội nhập có thể trở thành bước cản đối với mục tiêu phát triển đất nước vào các mốc thời gian mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Nếu thực hiện sự so sánh với các nền kinh tế công nghiệp hóa trẻ những năm 1960s-2000s (Newly Industrilizational Economies – NIEs), như: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore, trạng thái dừng của nền kinh tế Việt Nam cùng với thời kỳ phát triển của NIEs là rất thấp, vì cùng bốn thập kỷ tăng trưởng và phát triển thì mức sống bình quân của các nước trên có vị trí trong các nền kinh tế đã phát triển, tuy nhiên, đối với Việt Nam chỉ mới đạt thu nhập bình quân đầu người ở ngưỡng trung bình thấp năm 2023. Sự tụt hậu về năng suất lao động của nền kinh tế còn thể hiện trong bức tranh cạnh tranh với các quốc gia, nền kinh tế trong khu vực châu Á khi mà thứ hạng của chỉ số này xếp vào cuối bảng của con số thống kê những năm gần đây.
Tính chậm đột phá về năng suất lao động của nền kinh tế Việt Nam cho thấy, khả năng chuyển đổi mô hình tăng trưởng sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực, cản trở cấu trúc kinh tế chuyển dịch theo hướng bền vững. Đó là việc chuyển đổi cấu trúc công nghệ trong nền kinh tế sẽ tương đối khó thực hiện khi chất lượng nguồn lực lao động còn thấp; cơ cấu lao động chưa thực sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tỷ lệ lao động trong khu vực phi chính thức chiếm tới hơn 60% trong tổng lực lượng lao động là khá lớn dẫn tới hiện tượng thất nghiệp trá hình và không thể đạt được tăng trưởng tiềm năng. Nguyên nhân có thể đến từ nhiều phía, tuy nhiên, vẫn thể hiện ở chỗ nền kinh tế duy trì mức tiền lương tối thiểu tương đối thấp, ví dụ như năm 2020, tiền lương tối thiểu của Việt Nam là 190 USD/tháng/người, bằng 81,3% so với Philipines; 14,1% so với Nhật Bản; 12,5% so với Hàn Quốc và 59,7% so với Trung Quốc. Mặc dù sau 10 năm, tiền lương tối thiểu của Việt Nam đã tăng gấp gần 3 lần nhưng vẫn thuộc nhóm thấp so với các nước trong khu vực4.
Thứ ba, không hiệu quả trong kết hợp các yếu tố đầu vào dẫn tới mô hình kinh tế phát triển theo mô hình chiều rộng.
Mặc dù cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tương đối tích cực trong nhiều năm qua, tuy nhiên, các khu vực trong nền kinh tế vẫn chủ yếu thúc đẩy gia tăng quy mô vốn đầu tư, huy động số đông lao động cho nền tảng sản xuất – kinh doanh, khai thác các quỹ tài nguyên không tái tạo (đất đai, khoáng sản, dầu khí, mặt nước…) để thúc đẩy tăng trưởng nội bộ, từ đó, nhìn về tổng thể nền kinh tế mô hình tăng trưởng hầu như chưa thực sự chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Tốc độ tăng năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của Việt Nam còn khiêm tốn và chưa có đột phá, bình quân giai đoạn 2016 – 2020, TFP của Việt Nam tăng 2,88%/năm, những đóng góp còn khiêm tốn của yếu tố TFP đã cho thấy, sự tăng trưởng nghiêng về yếu tố vốn hơn là yếu tố lao động. Nếu tình trạng này còn kéo dài sẽ làm cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không bền vững5.
Mặt khác, theo Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đóng góp của TFP vào tăng trưởng của Việt Nam vẫn còn khá xa so với các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong giai đoạn tăng tốc phát triển, như: Nhật Bản: 129,6%, Hàn Quốc: 64,9%, Trung Quốc: 52,6%, Thái Lan: 53%6. Có những giai đoạn, bản chất mô hình theo chiều rộng khá đậm nét gây ảnh hưởng tiêu cực đến các yếu tố thuộc về TFP như công nghệ, đổi mới sáng tạo, thậm chí cả đến thể chế kinh tế, đó là giai đoạn 2006 – 2012 khi mà đóng góp của TFP vào tăng trưởng bị suy thoái với biên độ điểm từ – 0,6% đến ngưỡng cao là – 53%, trong khi đó vốn đóng góp từ 70% – 117 % vào tăng trưởng cùng thời kỳ7.
Từ thực trạng trên cho thấy, việc thích nghi với trạng thái thay đổi nhanh chóng của công nghệ, nghiên cứu và phát triển là tương đối thách thức đối với các doanh nghiệp nước ta; đồng thời, sự thích ứng với bối cảnh chuyển đổi kép (chuyển đổi xanh và chuyển đổi số) cần nhiều nỗ lực vượt bậc của Nhà nước, khu vực doanh nghiệp, người lao động và các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiên cứu khoa học – công nghệ.
3. Một số giải pháp
Một là, Nhà nước cần triển khai các đề án, chương trình và bố trí ngân sách hợp lý nhằm kết nối các khu vực của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó, thúc đẩy việc hình thành hệ thống vườn ươm sáng tạo, phát triển các công viên đổi mới sáng tạo, hình thành các hệ sinh thái công nghệ cao gắn với các lĩnh vực mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Các cơ quan nhà nước trong hệ thống chính trị cần xác định rõ năng lực đổi mới sáng tạo là then chốt đối với nội sinh hóa công nghệ, do vậy, cần xây dựng hành lang pháp lý minh bạch, đơn giản để khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà khoa học, cá nhân tham gia hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Hai là, một trong những điểm yếu của năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia đối với Việt Nam đó là chất lượng nguồn nhân lực chưa được khắc phục, đây là nguyên nhân chủ yếu đối với cải thiện năng suất lao động nền kinh tế nhiều năm qua. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương về xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực hiện nay chưa thể đáp ứng được mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu và yêu cầu nội sinh hóa công nghệ – đổi mới sáng tạo.
Để hướng tới một nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới, hệ thống giáo dục và đào tạo cần thực hiện chương trình cơ cấu lại theo hướng tập trung vào xu thế phát triển nền kinh tế trong giai đoạn mới, cơ cấu giáo dục và đào tạo các cấp cần phải phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động gắn với định hướng phát triển nền kinh tế trong dài hạn, nên thoát ly khỏi tình trạng thừa thầy, thiếu thợ diễn ra trong nhiều năm qua. Hệ thống giáo dục đại học các ngành, lĩnh vực cần tổ chức lại theo hướng mỗi đơn vị cần gia tăng tính quy mô nguồn lực, tiêu chuẩn hóa khu vực và quốc tế, bảo đảm chuẩn đầu ra các ngành đào tạo gắn với đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, gia tăng số lượng các công trình nghiên cứu được thương mại hóa, thích nghi với biến động của thị trường lao động và thay đổi công nghệ tiên tiến.
Ba là, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nhiều năm qua đối với nền kinh tế Việt Nam là quá chậm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Tỷ lệ lao động trong khu vực kinh tế nông nghiệp và khu vực nông thôn còn tương đối cao và chưa phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Phần lớn lao động phi chính thức lại thuộc về khu vực kinh tế nông nghiệp và địa bàn nông thôn. Việc chuyển đổi nghề và sinh kế đối với người nông dân là rất quan trọng để giảm tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp và địa bàn nông thôn. Có thể ứng dụng bài học của nền kinh tế Trung Quốc, đó là chính quyền địa phương tại các địa bàn nông thôn trên cả nước thực hiện cơ cấu lại cấu trúc kinh tế theo hướng khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các doanh nghiệp, hợp tác xã, thực hiện quy hoạch diện tích đất sản xuất nông nghiệp gắn với số lượng hợp lý hộ nông dân theo tính quy mô kinh tế, tập trung vào chuyên canh hơn là đa canh sản phẩm nông nghiệp.
Những doanh nghiệp mới ra đời cần được gắn kết, hỗ trợ theo chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp, tập đoàn ở các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, chế biến và các ngành dịch vụ theo định hướng phát triển nền kinh tế. Đồng thời, Nhà nước cần nghiên cứu cách thức nhằm giảm tiền lương tối thiểu giữa khu vực nông thôn và thành thị, hỗ trợ chuyển đổi lao động phi chính thức sang khu vực lao động chính thức mà không làm cho năng suất lao động của khu vực chính thức suy giảm.
Bốn là, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển giao hoặc lan tỏa công nghệ, phương thức quản trị tiên tiến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (các tập đoàn xuyên quốc gia là một điển hình) cho khu vực doanh nghiệp nội địa, làm cho tính kết nối của hai khu vực ngày càng mật thiết hơn. Việc này đòi hỏi những giải pháp mang tính tổng hợp từ vai trò của Nhà nước như yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài có ưu thế công nghệ tiên tiến chuyển giao từng phần quy trình ứng dụng công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến đối với các doanh nghiệp nội địa có thể tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng trong các ngành công nghệ; hoặc Nhà nước làm cơ quan trung gian trong việc kết nối doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp nước ngoài thông qua các doanh nghiệp lớn của Việt Nam để tăng cường tính kết nối trong chuỗi cung ứng hàng hóa công nghiệp hỗ trợ.
Năm là, tiếp tục thực hiện cải cách thể chế kinh tế theo hướng hiện đại và kiến tạo. Thể chế nói chung và thể chế kinh tế nói riêng cần được hiểu theo hướng tích cực, tức là chúng phải tạo ra động lực cho sự tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời cũng phải cải cách theo hướng giảm thiểu các ràng buộc đối với các bên tham gia trên thị trường. Do vậy, khung pháp lý kinh tế dựa trên các luật, nghị định, thông tư do Quốc hội và các bộ, ban, ngành cần thống nhất, thông suốt, đồng bộ, tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Điều này đòi hỏi công tác xây dựng và ban hành khung pháp lý kinh tế bảo đảm tính ổn định cho hoạt động của khu vực doanh nghiệp; đồng thời, cần nâng cao tính dự báo khi xây dựng luật kinh tế hướng tới tránh rủi ro cho các bên tham gia trên thị trường khi có những diến biến mới phát sinh trong nền kinh tế.
4. Kết luận
Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam là chủ trương quan trọng của Đảng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khúc ngoặt để tiến tới một trình độ phát triển cao hơn. Do vậy, việc nhận diện những nút thắt của đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế hướng tới một mô hình đáp ứng đòi hỏi cấp thiết trên là yêu cầu cần thực hiện nhằm hướng tới thiết lập mô hình tăng trưởng kinh tế có tính hiện đại, bảo đảm tính bền vững trên các khía cạnh kinh tế – xã hội và môi trường.
Chú thích:
1. Hoạt động nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp Việt Nam: Thực trạng và giải pháp. https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM242375
2. Đóng góp của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016 – 2022 và khuyến nghị chính sách. https://tapchinganhang.gov.vn/dong-gop-cua-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-doi-voi-kinh-te-viet-nam-giai-doan-2016-2022-va-khuyen-nghi.htm
3, 4. Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020: Thực trạng và giải pháp. https://www.gso.gov.vn/tin-tuc-thong-ke/2023/02/nang-suat-lao-dong-cua-viet-nam-giai-doan-2011-2020-thuc-trang-va-giai-phap/
5. Vượt qua bẫy thu nhập trung bình: Nhìn từ bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay. https://tapchinganhang.gov.vn/vuot-qua-bay-thu-nhap-trung-binh-nhin-tu-boi-canh-nen-kinh-te-viet-nam-hien-nay.htm
6. Làm gì để nâng cao năng suất lao động và đóng góp TFP đối với tăng trưởng kinh tế? https://tapchitaichinh.vn/lam-gi-de-nang-cao-nang-suat-lao-dong-va-dong-gop-tfp-doi-voi-tang-truong-kinh-te.html
7. Đại học Kinh tế quốc dân (2017). Kinh tế Việt Nam 2016. Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và vai trò của Nhà nước kiến tạo phát triển. H. NXB Đại học Kinh tế quốc dân.