Nguyễn Phước Trọng
NCS của Trường Đại học Thủ Dầu Một
(Quanlynhanuoc.vn) – Xã hội hóa giáo dục là huy động toàn xã hội tham gia vào công tác giáo dục, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân cùng xây dựng nền giáo dục quốc dân dưới sự quản lý của Nhà nước hướng tới một xã hội học tập, phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại. Từ năm 1996 đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của Nhà nước, công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng, cũng như sự quan tâm của toàn xã hội, công tác giáo dục, đào tạo vùng Đông Nam Bộ đã đạt được những kết quả quan trọng. Bài viết rút ra những bài học kinh nghiệm trong phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở vùng Đông Nam Bộ về công tác xã hội hóa giáo dục phổ thông tại địa phương.
Từ khóa: Vùng Đông Nam Bộ; hệ thống chính trị; xã hội hóa giáo dục; phát huy vai trò; chủ trương; giáo dục phổ thông.
1. Đặt vấn đề
Nhận thức rõ xã hội hóa giáo dục vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với ngành Giáo dục, từ năm 1996 đến nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và đoàn thể vùng Đông Nam Bộ đã quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ và đồng bộ trong triển khai các biện pháp phù hợp nhằm thúc đẩy xã hội hóa giáo dục phổ thông nhằm đạt được mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những kết quả và hạn chế của quá trình huy động hệ thống chính trị vùng Đông Nam Bộ trong công tác xã hội hóa giáo dục phổ thông đòi hỏi cần phải rút bài học kinh nghiệm để công tác này khắc phục được những hạn chế, tồn tại và phát triển hơn trong thời gian tới.
2. Vai trò của hệ thống chính trị trong thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục
Hiểu rõ tầm quan trọng của công tác xã hội hóa giáo dục đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo, Đảng và Nhà nước đã sớm có nhiều chủ trương và nghị quyết về xây dựng xã hội học tập, đổi mới giáo dục đào tạo, tiến tới xã hội hóa giáo dục. Đây là bước phát triển mới về tư duy giáo dục, đào tạo theo Nghị quyết 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000. Sau đó, năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao, trong đó đặt mục tiêu định hướng đến năm 2010 “Chuyển tất cả các cơ sở bán công sang loại hình dân lập hoặc tư thục. Tỷ lệ học sinh nhà trẻ ngoài công lập chiếm 80%, mẫu giáo 70%, trung học phổ thông 40%, trung học chuyên nghiệp 30%, các cơ sở dạy nghề 60%, đại học, cao đẳng khoảng 40%”.
Năm 2006, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng chỉ rõ: “Chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở, mô hình xã hội học tập”. Tiếp đó, với việc ra nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, ngày 13/4/2007, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; Nghị quyết số 40/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện thông báo kết luận của Bộ Chính trị về đề án đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công đã được Chính phủ đã ban hành ngày 09/8/2012.
Với quan điểm chỉ đạo giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Ngày 04/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã được Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) thông qua.
Đến năm 2014, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Ngày 07/10/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với mục tiêu đến năm 2023 phát triển đứng đầu cả nước trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế. Đến năm 2045 phát triển giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 Ban Bí thư đã ra Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị trong giai đoạn mới. Theo đó, Ban Bí thư đã giao trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức Đảng và Đảng viên trong xã hội học tập và phải gương mẫu trong thực hiện các mô hình học tập; giao Hội Khuyến học Việt Nam làm nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp triển khai thực hiện phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở địa phương, đơn vị. Cũng trong năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2025 với mục tiêu “Tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội, tạo bước chuyển biến rõ rệt, thực chất trong thu hút, sử dụng và quản lý các nguồn lực của các cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế”. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó, đến năm 2030 ngành Giáo dục dẫn đầu cả nước và thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á vào năm 2045.
Như vậy, về chủ trương xã hội hóa giáo dục nhằm mục tiêu xây dựng nước ta trở thành xã hội học tập, học tập suốt đời nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài trong bối cảnh hiện nay đã được Đảng ta đề ra cụ thể và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị là: “Việc duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp, trước hết là người đứng đầu. Phát huy và quy định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW gắn với việc đánh giá kết quả công tác hằng năm”1. Đây là cơ sở chính trị quan trọng bảo đảm cho xã hội hóa giáo dục phổ thông ở Đông Nam Bộ được triển khai thành công và đem lại hiệu quả thiết thực.
3. Kết quả thực thi vai trò của hệ thống chính trị trong công tác xã hội hóa giáo dục phổ thông vùng Đông Nam Bộ từ năm 1996 đến nay
Bước vào công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, vùng Đông Nam Bộ đã có nhiều chuyển biến quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Trong đó, sự nghiệp giáo dục của các tỉnh, thành phố trong vùng đã được Đảng bộ, chính quyền các tỉnh, thành phố đặc biệt quan tâm nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập của ngành Giáo dục. Cụ thể: Nghị quyết số 20/2006/NQ-HĐND ngày 10/7/2006 của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tây Ninh về việc thông qua đề án thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục – thể thao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2006 – 2010; Nghị quyết số 99/2007/NQ-HĐND ngày 07/12/2007 của HĐND tỉnh Đồng Nai về đề án phát triển xã hội hóa các hoạt động giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, dạy nghề, dân số, gia đình và trẻ em trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010; Chương trình hành động số 19-CTrHĐ/TU ngày 31/10/2016 của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2016 – 2020; Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về ban hành một số chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Kế hoạch số 1362/KH-UBND ngày 25/3/2020 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Dương về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020 – 2025; Nghị quyết số 15/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của HĐND về quy định nội dung, mức chi thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Quá trình thực hiện xã hội hóa giáo dục phổ thông ở các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ từ năm 1996 đến nay, được chia thành 2 giai đoạn:
(1) Giai đoạn từ năm 1996 – 2018, các tỉnh, thành phố ở Đông Nam Bộ bước đầu thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục và thực hiện đổi mới, phát triển giáo dục phổ thông. Trong giai đoạn này, vùng Đông Nam Bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong giáo dục, đào tạo, như: quy mô trường, lớp liên tục được phát triển, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú được quy hoạch thống nhất, các trung tâm hướng nghiệp – giáo dục thường xuyên phủ kín; các trung tâm học tập cộng đồng đã tương đối hoàn chỉnh ở các cấp cơ sở bước đầu phát huy được tác dụng trong việc xây dựng xã hội học tập. Mặt khác, Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm của khu vực phía Nam đã thu hút rất nhiều lực lượng lao động từ các địa phương di chuyển đến mưu sinh và học tập đã góp phần làm gia tăng số lượng học sinh phổ thông của vùng theo từng năm. Năm 1996, toàn vùng có 4.791 lớp với 229.010 học sinh, đến năm 2018, tổng số lớp học tăng lên 10.779 lớp với 193.880 học sinh (xem Hình 1).
Công tác xây dựng hệ thống trường chuẩn quốc gia đạt kết quả cao cả về số lượng và chất lượng, số lượng trường chuẩn quốc gia ở các cấp học hằng năm đều tăng nhanh, góp tích cực vào quá trình xây dựng một môi trường học tập tốt cho học sinh trên địa bàn. Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, góp phần thực hiện thành công công tác xã hội hóa giáo dục cũng được Đảng bộ, chính quyền địa phương vùng Đông Nam Bộ tích cực quan tâm. Theo đó, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đặc biệt chú trọng tổ chức các lớp tập huấn và bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý của các trường nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Chính sách hỗ trợ giáo viên viết sáng kiến, tôn vinh giáo viên xuất sắc và khen thưởng học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc gia và đại học được đặc biệt quan tâm.
Số lượng giáo viên phổ thông vùng Đông Nam Bộ tăng qua đều các năm, cụ thể: năm 1996, có 7.533 giáo viên, đến năm 2015 là 23.440 giáo viên (tăng 15.907 giáo viên). Riêng năm 2018, với 18.539 giáo viên đã bị sụt giảm so với năm 2015 (xem Hình 2). Nguyên nhân của tình trạng này là do năm 2018 số lượng học sinh phổ thông giảm vì vậy các địa phương trong vùng đã tổ chức, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ giáo viên cho phù hợp với bối cảnh của vùng.
Tuy nhiên, do điều kiện của ngành Giáo dục và đất nước vẫn còn nhiều khó khăn nên công tác xã hội hóa giáo dục phổ thông vùng Đông Nam Bộ trong giai đoạn 1996 – 2018 vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Vì vậy, để phát triển giáo dục một cách toàn diện, có hiệu quả, ngành Giáo dục cần tích cực tham mưu cho các cấp ủy Đảng, các cơ quan, ban, ngành có liên quan; chủ động phối kết hợp với các ngành cũng như các tổ chức đoàn thể đưa ra những kế hoạch cụ thể nhằm phát triển giáo dục nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng.
(2) Giai đoạn từ năm 2019 đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác xã hội hóa giáo dục, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đã tích cực cải cách thủ tục hành chính, pháp lý và thực hiện các ưu đãi nhằm thu hút nguồn đầu tư, hỗ trợ về quỹ đất và cơ sở hạ tầng. Chính sách giao và cho thuê đất được triển khai nhằm khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Các quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến công tác xã hội hóa giáo dục được tối ưu hóa, giảm thiểu cả về thời gian, chi phí cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhờ những chính sách và biện pháp đúng đắn, kịp thời cùng với sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, công tác huy động nguồn lực trí tuệ trên toàn xã hội vào việc đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp dạy học đã tạo nên những thành tựu đáng kể trong quá trình xã hội hóa giáo dục phổ thông vùng Đông Nam Bộ.
Trong giai đoạn này, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đã và đang đẩy mạnh triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục phổ thông, coi đây là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; xây dựng cơ sở vật chất, trường, lớp cho ngành Giáo dục. Từ năm 2020 – 2021, tỷ lệ trường trung học cơ sở dạy 2 buổi/ngày đạt 76,9%, bậc trung học phổ thông đạt 83,7%4.
Quy mô và mạng lưới các cấp học được đầu tư phát triển đồng bộ, đa dạng phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho người dân, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh trong vùng và cả nước. Tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp của vùng Đông Nam Bộ là 92,5%5, cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Đến năm 2023, tổng số lớp học trong vùng là 12.244 lớp (tăng 1.465 lớp so với năm 2018) với 483.613 học sinh6 (tăng 289.733 học sinh so với năm 2018). Đây là những kết quả đáng ghi nhận của ngành Giáo dục vùng Đông Nam Bộ dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, sự quan tâm của toàn xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xã hội hóa giáo dục phổ thông còn hạn chế, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chưa phát triển theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả còn một số hạn chế, như: một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của đổi mới giáo dục, dẫn đến việc không xem công tác xã hội hóa giáo dục là nhiệm vụ cấp bách, chưa hành động đủ quyết liệt; hoạt động khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập chưa được quan tâm đúng mức; sự phối hợp giữa các cơ quan và tổ chức chính trị – xã hội trong thực hiện các chương trình này vẫn còn mang tính hình thức, thiếu tính thực chất.
Ngoài ra, vùng Đông Nam Bộ đang chịu áp lực lớn từ tốc độ gia tăng dân số cơ học, đặc biệt tại các thành phố lớn và khu công nghiệp. Điều này khiến cơ sở hạ tầng giáo dục không đáp ứng kịp, trong khi tình trạng giáo viên bỏ việc ở một số khu vực làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu nhân lực, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình xã hội hóa giáo dục phổ thông.
4. Kinh nghiệm phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục phổ thông vùng Đông Nam Bộ từ năm 1996 đến nay
Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục. Ngay sau khi có chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xã hội hóa giáo dục, Đảng bộ các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đã ban hành quy chế làm việc, quy chế phối hợp hoạt động, xây dựng nhiều chương trình, đề án, nghị quyết nhằm cụ thể hóa chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng, Nhà nước. Từng cấp ủy, tổ chức đảng đã xây dựng nghị quyết lãnh đạo, giao cho từng cơ quan chức năng triển khai, tổ chức thực hiện. Hằng năm có tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và lập kế hoạch cho những năm tiếp theo.
Thứ hai, xây dựng, củng cố chính quyền các cấp đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo và công tác xã hội hóa giáo dục. Theo đó, UBND các cấp vùng Đông Nam Bộ đã kịp thời thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của cấp trên về xã hội hóa giáo dục phổ thông, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đồng thời, chỉ đạo chặt chẽ việc thanh tra, kiểm tra, nhằm bảo đảm công tác quản lý xã hội hóa giáo dục được thực hiện hiệu quả. Sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền, cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội đã góp phần thúc đẩy việc triển khai các hoạt động xã hội hóa giáo dục phổ thông một cách toàn diện và hiệu quả.
Thứ ba, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã có nhiều cố gắng trong việc kiện toàn tổ chức, từng bước đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp lực lượng, góp phần quan trọng vào việc giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội. Các tổ chức xã hội giám sát, kiểm tra, phản biện đối với các hoạt động giáo dục, góp phần khắc phục các hạn chế, tiêu cực, tạo nên sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh trong các hoạt động giáo dục. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vùng Đông Nam Bộ đã chủ động tổ chức phát động đoàn viên, hội viên tham gia làm nòng cốt trong thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục và thực sự quan tâm đến quyền được học tập, bình đẳng trong tiếp cận giáo dục phổ thông của các tầng lớp nhân dân.
Thứ tư, phát huy vai trò của hệ thống chính trị tại cơ sở trong thực hiện xã hội hóa giáo dục phổ thông. Hệ thống chính trị cấp cơ sở đã đại diện cho các tầng lớp nhân dân và tổ chức thực hiện quyền lực chính trị của Nhân dân ở cơ sở để quản lý, phát triển giáo dục, đào tạo; giữ vững kỷ luật, trật tự kỷ cương xã hội trên địa bàn cơ sở trong quá trình xã hội hóa giáo dục; tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp quản lý giáo dục, đào tạo ở các bậc học phổ thông; vận động và hướng dẫn các tổ chức tham gia vào quá trình xã hội hóa giáo dục theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, hệ thống chính trị cấp cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về xã hội hóa giáo dục phổ thông vùng Đông Nam Bộ. Các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đã chú trọng kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về xã hội hóa giáo dục, nhất là đối với cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn); đồng thời, trao quyền chủ động cho chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý về ban hành chính sách, môi trường đầu tư, thu hút nguồn lực cho tiến trình xã hội hóa giáo dục phổ thông. Đảng bộ, chính quyền các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ cũng chú trọng mở rộng quyền tự chủ toàn diện cho các cơ sở giáo dục cả về tài chính, đào tạo và tuyển sinh; mở rộng hợp tác quốc tế và kêu gọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
5. Kết luận
Tổng kết quá trình thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục phổ thông vùng Đông Nam Bộ từ năm 1996 đến nay cho thấy, hầu hết các chỉ tiêu về giáo dục, đào tạo ở các địa phương đều đạt, thậm chí là vượt kế hoạch đề ra. Với sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, nhất là ở cấp cơ sở, ngành Giáo dục các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đã làm tốt vai trò tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành các chỉ thị và kế hoạch thực hiện xã hội hóa giáo dục phổ thông ở địa phương. Bài học rút ra sau thành công của xã hội hóa giáo dục phổ thông ở vùng Đông Nam Bộ giai đoạn này chính là có hệ thống chính trị vững chắc, có sự đoàn kết, đồng lòng của toàn thể nhân dân và Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.
Chú thích:
1. Ban Bí thư (2019). Kết luận 49-KL/TW ngày 10/5/2019 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị trong giai đoạn mới.
2. Phấn đấu đến năm 2030, giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đứng đầu cả nước. https://daibieunhandan.vn/phan-dau-den-nam-2030-giao-duc-va-dao-tao-vung-dong-nam-bo-dung-dau-ca-nuoc-post324438.html, ngày 18/4/2023.
3. Giải pháp để năm 2030 giáo dục Đông Nam Bộ đứng đầu cả nước. https://vneconomy.vn/giai-phap-de-nam-2030-giao-duc-dong-nam-bo-dung-dau-ca-nuoc.htm, ngày 19/4/2023.
4. Tổng cục Thống kê Việt Nam (2024). Niên giám thống kê Việt Nam năm 2023. H. NXB Thống kê, tr. 912.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2022). Nghị quyết số 24 – NQ/TW ngày 07/10/2022 về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Chính phủ (1997). Nghị quyết số 90/CP của Chính phủ ngày 21/8/1997 về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa.
3. Chính phủ (2005). Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao.
4. Chính phủ (2008). Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với lĩnh vực giáo dục.
5. Chính phủ (2013). Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 09/8/2012 về xã hội hóa giáo dục.
6. Chính phủ (2014). Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
7. Chính phủ (2018). Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
8. Chính phủ (2019). Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2025.
9. Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ (2023). Tài liệu Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, tổ chức vào ngày 18/7/2023 tại TP. Hồ Chí Minh.
10. Quản lý nhà nước gắn với xã hội hóa để phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/06/18/quan-ly-nha-nuoc-gan-voi-xa-hoi-hoa-de-phat-trien-he-thong-giao-duc-va-dao-tao-tren-dia-ban-tinh-binh-duong/.
11. Vai trò của Nhà nước trong xã hội hóa giáo dục ở Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/06/08/vai-tro-cua-nha-nuoc-trong-xa-hoi-hoa-giao-duc-o-viet-nam/.
12. Xã hội hóa giáo dục ở tỉnh Đồng Nai. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/05/31/xa-hoi-hoa-giao-duc-o-tinh-dong-nai/.