Thực trạng công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hoạt động khai thác khoáng sản ở Việt Nam hiện nay

ThS. Mai Lâm Sơn
Bộ Tài nguyên và Môi trường

(Quanlynhanuoc.vn) – Việt Nam là quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản với quá trình khai thác có hiệu quả trong thời gian qua đã đóng góp những kết quả nhất định cho sự phát triển kinh tế –  xã hội đất nước. Thành tựu đó có được là nhờ làm tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó có chức năng thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực này. Bài viết phân tích thực trạng công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hoạt động khai thác khoáng sản ở Việt Nam giai đoạn 2018  2023, từ đó là cơ sở cho các nghiên cứu về giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác này ở Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: Thanh tra; kiểm tra; xử lý vi phạm; khai thác khoáng sản trái phép.

1. Đặt vấn đề

Với lợi thế có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, Việt Nam tất yếu phải quan tâm phát triển ngành công nghiệp khai khoáng trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, tài nguyên khoáng sản là tài nguyên hữu hạn, không tái tạo và hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản gây ra nhiều tác động đến môi trường và xã hội. Do đó, để khai thác có hiệu quả và bảo đảm môi trường trong quá trình khai thác khoáng sản, các cơ quan chức năng cần thường xuyên quan tâm, giám sát; doanh nghiệp cần nghiêm túc chấp hành, tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật trong hoạt động khoáng sản và công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đời sống của người dân sinh sống xung quanh các khai trường, điểm mỏ.

Trong thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khai thác khoáng sản đã được tăng cường, đạt nhiều kết quả tích cực, nhờ đó, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép từng bước được kiểm soát; nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư công nghệ khai thác, chế biến làm tăng giá trị khoáng sản và thực hiện tốt công tác cải tạo, phục hồi và bảo vệ môi trường sau khai khoáng. Để bảo đảm tính ổn định và bền vững cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, công tác quản lý nhà nước (QLNN) về khai thác tài nguyên khoáng sản phải được nâng cao về chất cũng như về lượng, đặc biệt cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản. Có như vậy mới có thể bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan; sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả về kinh tế và hài hòa về vấn đề môi trường cũng như có khả năng giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển và bảo vệ môi trường, công bằng xã hội.

2. Những kết quả đạt được trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hoạt động khai thác khoáng sản

2.1. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hoạt động khai thác khoáng sản của cấp trung ương

Một là, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiệnCông tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường đối với các nội dung liên quan đến khai thác khoáng sản, như: kiểm tra công tác kiểm kê, quyết toán tài nguyên khoáng sản đã khai thác; công tác quy hoạch, kế hoạch xây dựng cơ bản của các mỏ mới được cấp phép khai thác; kế hoạch khai thác 5 năm, hằng năm của doanh nghiệp liên quan đến trình tự, công nghệ khai thác hợp lý nhằm thu hồi tối đa tài nguyên khoáng sản đang khai thác; kiểm tra công tác đổ thải đất đá hợp lý… Hằng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện trung bình 30 – 40 lượt kiểm tra định kỳ khai thác khoáng sản tại các mỏ trên địa bàn từ 8 – 10 tỉnh, thành phố (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2023). 

Để thực hiện thanh tra chuyên ngành liên quan đến công tác lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2013/TT-BTNMT ngày 01/3/2013 quy định việc lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản; Thông tư số 61/2017/TT-BTNMT ngày 22/12/2017 quy định quy trình, phương pháp xác định và các mẫu biểu thống kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế, được thay thế bởi Thông tư số 17/2020/TT-BTNMT ngày 24/12/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Cục Khoáng sản Việt Nam, 2022).   

Bộ Tài nguyên và Môi trường căn cứ kết quả công tác thanh tra, kiểm tra đã thực hiện của năm trước đó và theo yêu cầu thực tiễn của công tác QLNN về khai thác khoáng sản, Bộ thường phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra của năm tiếp theo trước ngày 25/11. Trong giai đoạn 2018 – 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành 115 cuộc thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản; trong đó, năm 2018: 24 cuộc; năm 2019: 7 cuộc; năm 2020: 22 cuộc; năm 2021: 11 cuộc; năm 2022: 16 cuộc; năm 2023: 15 cuộc (Bộ Tài nguyên và Môi trường (2019, 2020, 2021, 2022, 2023, 2024).

Nếu tính trong giai đoạn, từ sau khi Luật Khoáng sản năm 2010 được ban hành cho đến nay, mỗi năm Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện khoảng 20 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản, tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến hoạt động khai thác, nhất là trong năm 2021 và cho đến nay, số cuộc thanh tra, kiểm tra có giảm trong mỗi năm.

Là lĩnh vực thanh tra chuyên ngành, do đó, để công tác này ngày càng đi vào chiều sâu mang tính chuyên ngành, hằng năm, Cục Khoáng sản Việt Nam (trước năm 2022 là Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) đều đề xuất thực hiện ít nhất 01 đợt thanh tra chuyên đề với những nội dung đáp ứng yêu cầu công tác QLNN về khoáng sản, có tính trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác QLNN về khoáng sản, cụ thể: năm 2012, thanh tra chuyên đề khai thác thiếc; năm 2013, thanh tra chuyên đề chấp hành pháp luật về khoáng sản của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sảnViệt Nam cũng như các đơn vị thành viên; năm 2014, thanh tra chuyên đề khai thác, sử dụng nước khoáng, nước nóng thiên nhiên; năm 2015, thanh tra chuyên đề khai thác, sử dụng đá vôi; năm 2016, thanh tra chuyên đề khai thác, sử dụng đá ốp lát; từ năm 2017 đến nay, thanh tra chuyên đề về xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế đối với một số loại khoáng sản.

Về xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, từ năm 2011 đến hết tháng 12/2022, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sảnViệt Nam đã ban hành 487 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 56,896tỷ đồng đối với hơn 450 doanh nghiệp. Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung “tước quyền sử dụng giấy phép” và biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm gây ra” đối với một số tổ chức (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2023). Việc xử lý nghiêm và đúng theo quy định của pháp luật những hành vi vi phạm đã dần lập lại trật tự trong khai thác khoáng sản, giảm dần các vụ vi phạm, tạo môi trường bình đẳng hơn trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản; đồng thời, buộc các tổ chức, cá nhân chấp hành đúng các quy định của pháp luật.

Thông qua công tác thanh tra đã phát hiện được những tồn tại, hạn chế trong quản lý, khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản, như: không thông báo kế hoạch thăm dò, khai thác; đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ; khai thác không có thiết kế mỏ hoặc không đúng thiết kế mỏ đã phê duyệt; không bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ hoặc bổ nhiệm nhưng không đủ tiêu chuẩn quy định; chưa khai báo hoặc khai báo không kịp thời, không đầy đủ cho cơ quan có thẩm quyền cấp phép các loại khoáng sản phát hiện mới trong quá trình thăm dò, khai thác; khai thác vượt quá công suất quy định tại giấy phép khai thác; khai thác ra ngoài diện tích khu vực được phép khai thác theo bề mặt và độ sâu; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác, trữ lượng khoáng sản còn lại…   

Hai là, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm do các bộ, ngành liên quanThực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản; theo đó, các bộ gồm: Quốc phòng, Công an, Công Thương, Xây dựng, Tài chính, Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiến hành hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra hằng năm theo thẩm quyền liên quan đến lĩnh vực khoáng sản, trong đó chủ yếu là các hoạt động khai tháckhoáng sản và đã xử lý vi phạm hành chính với số tiền hàng trăm tỷ đồng cũng như tịch thu phương tiện, tang vật vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:

(1) Năm 2018, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo thực hiện các đợt cao điểm đấu tranh hoạt động khai thác, buôn lậu, vận chuyển khoáng sản qua biên giới, trên đất liền và trên biển. Theo đó, đã phát hiện các vi phạm như vận chuyển than không có hoá đơn hoặc quay vòng hoá đơn để vận chuyển than thu gom từ các bãi than bất hợp pháp, đã xử phạt 670 đối tượng, tịch thu 25.395,83 tấn than, 728 tấn quặng sắt, 28.376 m3 cát… tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và thu từ phát mại tang vật tịch thu trên 200 tỷ đồng (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2023).

Bộ Công an đã mở đợt cao điểm xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi để triển khai đồng bộ trong toàn ngành, đã phát hiện nhiều thủ đoạn, phương thức hoạt động khai thác cát, sỏi tinh vi, đã xử phạt vi phạm hành chính 2.201 vụ về khai thác vận chuyển kinh doanh cát, sỏi, tịch thu/tạm giữ 828 công cụ, phương tiện và 36.900 m3 cát; tổng số tiền xử phạt trên 31 tỷ đồng; đã chỉ đạo điều tra, khám phá 23 vụ phạm pháp hình sự với 43 đối tượng liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thanh tra 363 doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng; đã phát hiện, xử phạt tổng số tiền gần 500 triệu đồng đối với các vi phạm về an toàn lao động, sử dụng lao động trong lĩnh vực khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2019).

(2) Năm 2019, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo thực hiện các đợt cao điểm đấu tranh hoạt động khai thác, buôn lậu, vận chuyển khoáng sản qua biên giới, trên đất liền và trên biển đã tạm giữ và xử lý 289 vụ/639 đối tượng/287 phương tiện thủy, bộ vi phạm, tạm giữ 12.294,67 tấn quặng; 66.564,746 tấn than; 29.614,92 m3 cát; 51 máy hút cát; tổng số tiền xử phạt hành chính và giá trị tang vật tịch thu hơn 23 tỷ đồng.

Bộ Công an và Công an các tỉnh đã lập, đăng ký 551 hồ sơ điều tra về hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản. Qua công tác nghiệp vụ cơ bản đã phát hiện đấu tranh, xử lý 2.520 vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2020). 

(3) Năm 2020, Bộ Công an đã thực hiện việc kiểm tra phát hiện 6.569 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh khoáng sản. Xử phạt vi phạm hành chính 6.472 vụ/7.013 đối tượng với tổng số tiền xử phạt trên 75,6 tỷ đồng; tạm giữ, tịch thu: 1.515 công cụ, phương tiệ, gồm: tàu, thuyền, ôtô, vòi, ống hút…; 30.282.499 m3 cát; 3.882 m3 đá; 8.005 viên đá; 42 tảng đá xanh; 15.283 tấn khoáng sản các loại; 2.864 m3 đất. Phát hiện 61 vụ/114 đối tượng có dấu hiệu hình sự, khởi tố 51 vụ/130 đối tượng (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2021).  

(4) Năm 2021, Bộ Quốc phòng đã tiến hành kiểm tra, tạm giữ, xử lý 186 vụ/324 đối tượng/177 phương tiện vi phạm, chuyển cơ quan công an khởi tố 1 vụ/2 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 128 vụ/204 đối tượng với 106 phương tiện, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và giá trị tang vật bị tịch thu trên 08 tỷ đồng.

Các đơn vị của Bộ Công an và công an các địa phương đã triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, phát hiện 3.655 vụ/3.472 đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết bến bãi kinh doanh khoáng sản (giảm 55,6% so với năm 2020). Xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt trên 67,9 tỷ đồng, khởi tố 92 vụ/158 đối tượng (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2022).

(5) Năm 2022, Bộ Quốc phòng đã phát hiện và xử lý 152 vụ/5 tàu/358 đối tượng; tạm giữ 806,5 tấn than, 34.393,3 m3 cát, 84kg quặng, 2 tấn đá xẻ, tang vật giá trị khoảng 3,14 tỷ đồng. Xử phạt vi phạm hành chính 149 vụ/345 đối tượng với tổng số tiền trên 11,5 tỷ đồng.

Bộ Công an đã phát hiện 4.457 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết bến bãi kinh doanh khoáng sản và xử phạt vi phạm hành chính 4.366/9.126 đối tượng với tổng số tiền xử phạt là 91,017 tỷ đồng; khởi tố 65 vụ/93 đối tượng.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thực hiện thanh tra công tác an toàn lao động đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại các địa phương, đã ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp với tổng số tiền xử phạt là 287 triệu đồng (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2023).

(6) Năm 2023, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện 2.083 vụ vi phạm khai thác tài nguyên khoáng sản, trong đó cấp cục đã khởi tố 8 vụ án tội vi phạm quy định về khai thác tài nguyên, công an các cấp đã khởi tố 118 vụ, 159 đối tượng phạm tội trong lĩnh vực khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2024).

2.2. Thanh tra, kiểm tra  xử lý hoạt động khai thác khoáng sản của địa phương

Thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý hoạt động khai thác khoáng sản cấp địa phương được thực hiện đối với hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân theo giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh.  

Hằng năm, có hàng ngàn tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản theo Giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp theo thẩm quyền đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường,khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ. Nhìn chung, hoạt động khai thác khoáng sản theo giấy phép do UBND tỉnh cấp phép tiếp tục duy trì đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường với khoảng trên 3.000 khu vực dải khắp trên địa bàn các tỉnh, thành phố cả nước, chiếm trên 90% tổng số khu vực khai thác đang hoạt động.

Chính quyền các địa phương tổ chức hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra và tiến hành xử lý vi phạm hành chính với số tiền hàng trăm tỷ đồng, tịch thu phương tiện, tang vật vi phạm hành chính, cụ thể: 

Bảng 1. Xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác khoáng sản giai đoạn 2018 – 2023

Đơn vị tính: tỷ đồng

STTNămTrường hợp vi phạmSố tiền xử phạt Truy thu
1Năm 20184.059101,1714,1
2Năm 20193.53369,85176,73
3Năm 20203.12693,8177,63
4Năm 20213.50983,06127,737
5Năm 202225935,175 
6Năm 20232.936168,8627,644
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2023.

Như vậy, riêng về xử lý vi phạm hành chính, trong giai đoạn những năm gần đây có xu hướng giảm so với những năm trước đây nhưng lại tăng vào năm 2023, điều đó cho thấy, cần chú trọng hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân, tìm hiểu rõ những hạn chế, nguyên nhân của hạn chế để có giải pháp phù hợp tăng hiệu lực QLNN đối với hoạt động này.

3. Một số khó khăn, hạn chế trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hoạt động khai thác khoáng sản

Một là, hoạt động khai thác khoáng sản bị điều chỉnh bởi rất nhiều luật chuyên ngành, như: Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Xây dựng, Luật phòng cháy, chữa cháy… Vì vậy, có sự chồng chéo rất lớn liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra trong khai thác khoáng sản giữa các cơ quan thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra. Điều này đã gây nên không ít khó khăn cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời, ngăn chặn các hành vi vi phạm hành chính bởi rào cản về việc hạn chế số đợt thanh tra, cơ chế phối hợp trong hoạt động thanh tra cũng như việc xác định thẩm quyền, trách nhiệm trong việc phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính có liên quan. 

Hai là, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện một số các quy định về xử lý vi phạm. Nội dung xử lý vi phạm hành chính với xử lý hình sự trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trong một số trường hợp còn chồng chéo như về nội dung hành vi “khai thác không đúng nội dung giấy phép” tại Điều 227 Bộ Luật hình sự năm 2015; hành vi khai thác vượt công suất; hành vi khai thác vượt ra ngoài ranh giới giấy phép…  

Ba là, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức tới hoạt động kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với hoạt động khai thác nên vẫn để xảy ra tình trạng khai thác vượt công suất, vượt trữ lượng, ngoài diện tích và không đúng thiết kế diễn ra trong thời gian dài. Điển hình như đối với hoạt động khai thác cát lợi dụng địa hình sông nước, sự thiếu kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng dẫn đến gia tăng tình trạng khai thác vượt số lượng, vượt công suất, vượt độ sâu cho phép, không tiến hành thả phao cắm mốc khu vực khai thác. 

Bốn là, hoạt động thanh tra chuyên ngành khoáng sản có tính chất chuyên môn, nghiệp vụ rất đặc thù; đòi hỏi những người làm công tác thanh tra, kiểm tra ngoài việc am hiểu pháp luật về khoáng sản, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính còn phải có chuyên môn sâu trong lĩnh vực địa chất – khoáng sản; nắm vững quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan cũng như kỹ năng sử dụng công cụ hỗ trợ cho nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra. Theo đó, có một số nội dung thanh tra, kiểm tra đòi hỏi phải xác định chính xác các thông tin, số liệu về trữ lượng mỏ, sản lượng khai thác thực tế, xác định chính xác phạm vi, ranh giới trên mặt và dưới sâu của các mỏ trên đất liền cũng như trên các lòng sông, suối hoặc ngoài biển cần thiết phải có những phương tiện, công cụ, thiết bị máy móc hiện đại nhằm hỗ trợ cho việc thanh tra, kiểm tra.

Tuy nhiên, hiện nay, số lượng công chức làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành khoáng sản còn thiếu; phương tiện, thiết bị công cụ hỗ trợ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra cũng như giám sát hoạt động khoáng sản, bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản chưa đáp ứng yêu cầu.    

4Một số giải pháp

Thứ nhất, cần phân cấp rõ ràng, cụ thể chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan làm công tác thanh tra, kiểm tra. Phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng các cấp trong thực hiện các nội dung thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hoạt động khai thác khoáng sản được quy định trong Luật Khoáng sản năm 2010 và các luật khác liên quan. Phân cấp chức năng, nhiệm vụ trong công tác này không chỉ giữa cấp trung ương và địa phương mà còn giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các bộ, ngành liên quan trong phối hợp thực hiện.

Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, cảng biển và bến thủy nội địa; tăng cường tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức tới các tổ chức, cá nhân các quy định của pháp luật về khoáng sản; tích cực tham gia phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm và hành vi vi phạm khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép.

Thứ ba, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát, nghiên cứu, tham mưu về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản theo quy định pháp luật. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đánh giá những tồn tại, vướng mắc liên quan đến quy định xử lý hình sự chồng chéo về nội dung với xử lý vi phạm hành chính. Điển hình như trường hợp phân định rõ khung hình phạt giữa tổ chức, cá nhân có giấy phép khai thác khoáng sản nhưng thực hiện không đúng nội dung giấy phép với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản không có giấy phép.

Thứ tư, UBND tỉnh cần chú trọng, quan tâm hơn nữa đến công tác ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quản lý hoạt động khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quy định cụ thể trách nhiệm của các ngành, UBND cấp huyện, cấp xã; hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; việc phối hợp, trao đổi thông tin và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản giữa các lực lượng kiểm tra chuyên ngành, như: Bộ đội biên phòng, công an, các sở, ngành và chính quyền địa phương…

Thứ năm, tăng cường xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm trong việc khai thác khoáng sản trái phép đặc biệt là khai thác cát, sỏi lòng sông. Xử lý nghiêm đối với các tàu thuyền không có đăng ký, đăng kiểm, không đủ điều kiện hoạt động tham gia giao thông đường thủy, đặc biệt là các tàu thuyền có hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông. Kiểm tra, quản lý nguồn gốc, chất lượng khoáng sản vận chuyển trên đường và tiêu thụ trên địa bàn.

Thứ sáu, nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ở các cơ quan trung ương và địa phương. Cần phân công bảo đảm đủ số lượng cán bộ đảm nhận công tác này ở những địa bàn, khu vực phức tạp, nảy sinh nhiều vi phạm. Tổ chức thường xuyên các lớp học đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên ngành cho đội ngũ làm công tác này. 

5. Kết luận

Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm là một trong những chức năng quan trọng của QLNN về hoạt động khai thác khoáng sản ở Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản đúng quy định, công khai, kịp thời. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện. Để tài nguyên khoáng sản đóng góp tối ưu vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước với quá trình khai thác khoáng sản hợp lý, hiệu quả thì công tác QLNN đối với hoạt động khai thác khoáng sản càng cần phải tăng cường hơn nữa. Trong đó, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hoạt động khai thác khoáng sản cần được thực hiện thường xuyên, kịp thời, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, bất cập.

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2023). Tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Luật Khoáng sảnnăm 2010, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản, Hà Nội.
2. Bộ Tài Nguyên và Môi trường (2019, 2020, 2021, 2022, 2023, 2024). Báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản trên phạm vi toàn quốc các năm 2018, 2019, 2020, 2021, 2022, 2023, Hà Nội.
3. Bộ Tài Nguyên và Môi trường (2024). Báo cáo về rà soát các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Hà Nội.
4. Cục Khoáng sản (2023). Báo cáo kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022, Hà Nội.
5. Nguyễn Quang Luật (2006). Giáo trình “Khoáng sản đại cương”. Trường Đại học Mỏ – Địa chất.
6. Quốc hội (2021). Luật Khoáng sản năm 2021.
7. Hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động khoáng sản. https://lsvn.vn/hoan-thien-phap-luat-nham-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-quan-ly-hoat-dong-khoang-san-1718469248.html