Giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới ở tỉnh Tiền Giang đến năm 2030

TS. Lâm Thái Bảo Ngọc,
Trường Đại học Tiền Giang

(Quanlynhanuoc.vn) – Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới tại tỉnh Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng việc hoàn thành các mục tiêu theo đúng tiến độ đến năm 2030 vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Nghiên cứu này tập trung phân tích các khó khăn trong quá trình triển khai chương trình và đề xuất các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới ở Tiền Giang. Nghiên cứu sử dụng các phương pháp định tính để đánh giá thực trạng và hiệu quả của các chính sách hiện tại, đồng thời đề xuất những giải pháp cải thiện.

Từ khoá: Chương trình xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành nhiệm vụ, Tiền Giang, 2030.

1. Đặt vấn đề

Tỉnh Tiền Giang nằm ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có tiềm năng lớn trong phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Kể từ khi chương trình Nông thôn mới được triển khai, tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng, đặc biệt là trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn. Chương trình Nông thôn mới đã góp phần quan trọng vào sự thay đổi của khu vực nông thôn về cơ sở hạ tầng, đời sống, sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, sự phát triển chưa đồng đều giữa các vùng trong tỉnh và một số tiêu chí quan trọng về giáo dục, y tế và môi trường vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ. Do đó, cần có các giải pháp cụ thể để thúc đẩy tiến độ xây dựng Nông thôn mới tại Tiền Giang đến năm 2030, nhằm bảo đảm phát triển bền vững và toàn diện.

2. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế – xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng. Với mục tiêu toàn diện: xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn từng bước hiện đại; xây dựng cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xây dựng nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường sinh thái; giữ vững an ninh – trật tự; tăng cường hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng và cuộc vận động lớn để cộng đồng dân cư nông thôn đồng lòng xây dựng thôn, xã khang trang, sạch đẹp; phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ một cách toàn diện; có nếp sống văn hoá, môi trường và an ninh nông thôn được bảo đảm; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, nhiều thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Kết cấu hạ tầng nông thôn như: điện, đường, trường, trạm, chợ, thủy lợi còn nhiều yếu kém; sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng nông sản còn thấp, bảo quản chế biến chưa gắn với thị trường tiêu thụ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với cơ cấu lao động, ứng dụng khoa học công nghệ còn chậm. Thu nhập của nông dân thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; kinh tế hộ, kinh tế trang trại, hợp tác xã còn nhiều yếu kém; đời sống tinh thần của nhân dân còn hạn chế, nhiều nét văn hoá truyền thống đang có nguy cơ mai một; môi trường và an ninh nông thôn còn nhiều vấn đề bức xúc…

Xây dựng nông thôn mới nhằm không ngừng nâng cao đời sống cho nông dân. Vì vậy, người nông dân và cộng đồng dân cư giữ vai trò là chủ thể, nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới. Họ được biết, được bàn, được quyết định, tự làm, tự giám sát và được thụ hưởng. Đóng góp công sức, tiền của để chỉnh trang nơi ở của gia đình mình, đầu tư cho sản xuất, đóng góp xây dựng các công trình công cộng của thôn, xã.

Cấp ủy, chính quyền xã, chi ủy, trưởng thôn là người trực tiếp tổ chức, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Nhà nước giữ vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí, quy chuẩn, đặt ra các cơ chế, chính sách hỗ trợ, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, tổ chức thi đua gắn với khen thưởng.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp định tính. Thông tin thứ cấp được thu thập từ các báo cáo chính thức của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, các bộ, ngành liên quan, cùng với các cuộc phỏng vấn chuyên sâu với các chuyên gia và cán bộ địa phương. Phân tích SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức) được áp dụng để tìm ra các điểm cần cải thiện.

3. Kết quả nghiên cứu chương trình xây dựng nông thôn mới tại Tiền Giang

Tính đến 29/02/2020, toàn tỉnh có 97 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới (tăng thêm 85 xã so với thời điểm cuối năm 2015). Số tiêu chí đạt bình quân toàn tỉnh là 16,9 tiêu chí/xã (tăng thêm 11,2 tiêu chí so với thời điểm năm 2010 và tăng thêm 5,2 tiêu chí so với thời điểm cuối năm 2015); không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí; không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong quá trình xây dựng nông thôn mới; kết quả đạt được của các xã đã được công nhận nông thôn mới bảo đảm đúng thực chất (không có tình trạng cho nợ tiêu chí khi thẩm định, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới).

Kết quả thực hiện các tiêu chí phân theo nhóm như sau:

+ Nhóm 1 (đạt 19/19 tiêu chí): 97/143 xã, chiếm 67,83%. Số xã đạt 19/19 tiêu chí tăng thêm 85 xã so với thời điểm cuối năm 2015.

+ Nhóm 2 (đạt từ 15 đến 18 tiêu chí): 08 xã, chiếm 5,59%.

+ Nhóm 3 (đạt từ 10 đến 14 tiêu chí): 34 xã, chiếm 23,7,8%.

+ Nhóm 4 (đạt từ 5 đến 10 tiêu chí): 04 xã, chiếm 2,79%.

Với kết quả này, tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra đến năm 2020 (có 50% số xã đạt chuẩn) và vượt chỉ tiêu của Trung ương giao tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 (chỉ tiêu giao đến năm 2020 tỉnh Tiền Giang phải đạt 70 xã).

Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực; đã có thêm 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; nâng đến nay, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 55 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 6/8 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 3/3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Năm 2024, tỉnh tập trung phấn đấu có 90% số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới bảo đảm đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới các cấp giai đoạn 2022 – 2025; 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Theo đà mở rộng của chương trình xây dựng Nông thôn mới, năm 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang tăng 5,44% tăng cao hơn so với cùng cùng kỳ 1,72%. Trồng trọt có nhiều thuận lợi, công tác phòng chống hạn mặn được triển khai sớm, độ mặn thấp, không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp; dịch covid-19 được kiểm soát, xuất khẩu nông sản thông thoáng trở lại nên giá bán các loại sản phẩm trồng trọt tăng so cùng kỳ nông dân tích cực dầu tư, chăm sóc. Cụ thể là mặt hàng xuất khẩu gạo, năm 2023 cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ sau nhiều năm gặp khó khăn.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm đã nông dân tập trung đầu tư, theo đúng định hướng của tỉnh. Xu hướng chuyển dịch diện tích trồng cây hàng năm sang trồng cây lâu năm. Tổng diện tích trồng cây lâu năm của tỉnh ước tính đến cuối năm 2023 đạt 107.564 ha, tăng 2,5% so với năm 2022, (tương ứng tăng 2.624 ha). Diện tích tăng tập trung ở một số loại cây như: khóm, dừa, sầu riêng… đặc biệt, diện tích trồng sầu riêng của tỉnh tăng nhanh, ước tính đến cuối năm 2023 diện tích trồng đạt 21.790 ha, tăng 23,4% so cùng kỳ. Lợi nhuận tăng do giá bán các sản phẩm trồng trọt trong năm tăng, đã kích thích nông dân tập trung đầu tư nên ngành nông nghiệp có tốc độ tăng khá so cùng kỳ. Diện tích gieo trồng lúa năm 2023 đạt 129.389 ha, giảm 4% so cùng kỳ do nông dân chuyển sang gieo trồng các loại cây khác, xây dựng nhà, các cơ sở hạ tầng,… Nhìn chung, trà lúa phát triển tốt, tuy nhiên có một số vùng nông dân trồng lúa đan xen với trồng cây ăn quả nên ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch, tổng sản lượng thu hoạch năm 2023 đạt 789.904 tấn, giảm 5,9% so cùng kỳ.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, giá bán các sản phẩm bình quân 6 tháng đầu năm 2023 thấp so cùng kỳ, trong khi giá thức ăn tăng cao, người nuôi không có lãi, nên việc tái đàn trên địa bàn tỉnh còn chậm. Từ cuối tháng 6 đến cuối năm 2023 giá bán các sản phẩm chăn nuôi có tăng, bảo đảm người nuôi có lãi, nên tổng đàn tăng. Ước tính đến đầu năm 2024 tổng đàn so cùng kỳ năm trước: đàn bò đạt 122 ngàn con, tăng 5%; đàn lợn 300 ngàn con, tăng 2,5%; đàn gia cầm 16,3 triệu con, tăng 0,5%.

Đầu năm 2024, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 310.556 tấn. Hoạt động thủy sản giảm chủ yếu ở khai thác thủy sản: sản lượng nuôi trồng đạt 211.489 tấn, nhưng sản lượng thủy sản khai thác chỉ đạt 99.077 tấn. Hoạt động khai thác thủy sản còn nhiều khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao, biển động liên tục, gió nhiều, sóng lớn nên các đội tàu gặp khó khăn trong quá trình đánh bắt, sản lượng khai thác ít, số lượng tàu ra khơi đánh bắt ít hơn cùng kỳ, làm cho sản lượng thủy sản khai thác giảm, tuy nhiên cơ cấu sản phẩm khai thác thay đổi theo hướng tăng sản phẩm có giá trị nên tốc độ tăng trưởng ngành thủy sản giảm ít.

Ngành Công nghiệp năm 2024 tăng 5,07% so với năm 2022 (cùng kỳ tăng 11,27%). Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm do đơn hàng giảm từ quý IV/2022 cho đến nay, nhất là các ngành may mặc, giày da, túi xách, chế biến thủy sản… do tác động của hậu dịch Covid-9, kinh tế thế giới suy giảm, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine làm cho giá nhiên liệu tăng, lạm phát tăng cao. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong công nghiệp như có chỉ số giảm hoặc tăng thấp so cùng kỳ như: Sản xuất trang phục chiếm tỷ trọng 12%, giảm 20,47%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn chiếm tỷ trọng 1,74%, giảm 34,12%; sản xuất chế biến thực phẩm chiếm tỷ trọng 30,07%, giảm 0,24%… bên cạnh đó, một số ngành tăng khá so cùng kỳ kìm hãm tốc độ giảm như: sản xuất kim loại chiếm tỷ trọng 21,48%, tăng 19,86% so cùng; sản xuất sản phẩm từ cao su và lastic chiếm tỷ trọng 6,51%, tăng 14,66% so cùng kỳ… và trong năm cũng có một số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, trong đó có nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 đi vào hoạt động từ ngày 31/5/2023 nên công nghiệp của tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tang và có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, 6 tháng đầu năm chỉ tăng ở mức 2,78%, đến quý III tăng 6,27% và quý IV tăng 8,75%.

Ngành Xây dựng tăng 13,88% (cùng kỳ tăng 9,6%) là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong năm 2023. Tỉnh chú trọng giao vốn sớm cho các chủ đầu tư ngay từ tháng 12 năm 2022 và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện của các dự án, nhất là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình trọng điểm của địa phương và trung ương đang được triển khai thi công, cộng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công nhất là các công trình của huyện Châu Thành và huyện Cái Bè kịp thời cho huyện nông thôn mới đã góp phần làm cho hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh tăng khá so cùng kỳ.

Ngoài ra, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng; hầu hết các ngành trong khu vực này đều tăng, các ngành dịch vụ đã trở lại trạng thái hoạt động bình thường sau dịch Covid-19, giá cả trong năm được kiểm soát tốt, không xảy ra tình trạng nâng giá bất hợp lý, hàng hóa dồi dào, đáp nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Một số ngành tăng khá như: bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy tăng 9,27%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 13,38%; vận tải kho bãi tăng 10,72%; hoạt động dịch vụ khác tăng 24,06%… thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,99% so cùng kỳ.

Kết quả đánh giá chung, như sau:

(1) Điểm mạnh: Cơ sở hạ tầng nông thôn đã được cải thiện đáng kể với hệ thống đường giao thông, điện, nước, trường học và trạm y tế đạt chuẩn. Nền nông nghiệp của tỉnh phát triển mạnh mẽ với nhiều sản phẩm nông sản chủ lực như trái cây, thủy sản và rau màu, có khả năng cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Chính quyền địa phương có sự cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới.

(2) Điểm yếu: Việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, năng suất chưa đạt tối ưu. Tỷ lệ hộ nghèo ở một số khu vực nông thôn vẫn còn cao, đặc biệt là ở các huyện vùng sâu, vùng xa. Môi trường sống và điều kiện vệ sinh chưa đạt yêu cầu, nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng tăng do hoạt động sản xuất không bền vững.

(3) Cơ hội: Chính sách phát triển nông nghiệp hiện đại của Chính phủ và các chương trình hỗ trợ quốc tế mở ra nhiều cơ hội đầu tư và cải tiến. Sự phát triển của thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước cho các sản phẩm nông nghiệp sạch và chất lượng cao.

(4) Thách thức: Biến đổi khí hậu, bao gồm lũ lụt và xâm nhập mặn, là thách thức lớn đối với sự phát triển nông nghiệp và môi trường sống ở Tiền Giang. Sự chênh lệch phát triển giữa các vùng miền trong tỉnh và tình trạng di cư lao động ra thành phố gây thiếu hụt lao động nông nghiệp.

4. Giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới tỉnh Tiền Giang đến năm 2030

Một là, nâng cao hiệu quả quản lý và chỉ đạo của chính quyền địa phương. Đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý chương trình nông thôn mới ở các cấp. Khuyến khích sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan để hỗ trợ kỹ thuật và giải quyết các vấn đề phát sinh. Xây dựng hệ thống giám sát chặt chẽ, minh bạch và thường xuyên đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Cần có sự tham gia của người dân để bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả của quá trình triển khai.

Hai là, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính. Tìm kiếm các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các chương trình hỗ trợ quốc tế. Tăng cường huy động nguồn lực từ người dân và cộng đồng theo nguyên tắc tự nguyện và phù hợp với khả năng. Tập trung đầu tư cho các xã có khả năng đạt chuẩn cao trước, sau đó chuyển dần nguồn lực sang các xã khó khăn hơn, bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả.

Ba là, phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao thu nhập. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hướng đến sản xuất các sản phẩm nông sản sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp, phát triển các chuỗi giá trị gắn kết nông dân với doanh nghiệp để bảo đảm tiêu thụ sản phẩm và nâng cao thu nhập.

Bốn là, cải thiện cơ sở hạ tầng và môi trường nông thôn. Tăng cường đầu tư vào hạ tầng giao thông, hệ thống thủy lợi, điện và nước sạch ở các xã vùng sâu, vùng xa. Cần có kế hoạch phát triển đồng bộ để kết nối tốt hơn giữa các khu vực nông thôn và thành thị. Đẩy mạnh công tác xử lý rác thải, nước thải và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường. Tăng cường nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường sống.

Năm là, tăng cường sự tham gia của cộng đồng. Bảo đảm người dân tham gia tích cực vào quá trình lập kế hoạch, thực hiện và giám sát chương trình. Điều này giúp nâng cao tính tự giác và tinh thần trách nhiệm của cộng đồng trong việc xây dựng Nông thôn mới. Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của chương trình nông thôn mới và khuyến khích họ đóng góp sức lực, tài chính cho chương trình.

5. Kết luận

Để hoàn thành các mục tiêu nông thôn mới tại Tiền Giang vào năm 2030, cần có sự hợp lực của các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Các giải pháp về quản lý, tài chính, kinh tế, cơ sở hạ tầng và môi trường sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Đặc biệt, cần tập trung vào phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn để bảo đảm chương trình không chỉ hoàn thành về số lượng mà còn đạt chất lượng cao.

Tài liệu tham khảo:
1. Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang (2023). Tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Tiền Giang năm 2023. https://thongketiengiang.gov.vn/Info.aspx?id=21202475826567.
2. Hồ Xuân Hùng và cộng sự (2017). Nghiên cứu hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng nông thôn mới. Đề tài khoa học cấp quốc gia. Số đăng ký KQ 2018-12-124. Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
3. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) (2008). Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 125-126.
4. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 197-198.
5. Uỷ ban nhân dân tỉnh Tiền Giang (2020). Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và định hướng giai đoạn 2021-2025.