TS. Lê Văn Từ
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của giáo dục hiện đại và hội nhập quốc tế, vấn đề đặt ra đối với mỗi cơ sở đào tạo đại học là phải xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có đủ năng lực và phẩm chất, đặc biệt là đội ngũ giảng viên. Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Đắk Lắk trực thuộc Học viện Hành chính Quốc gia thực hiện đào tạo đại học, sau đại học cho các tỉnh khu vực Tây Nguyên và các tỉnh lân cận, việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu, trong đó có đội ngũ giảng viên đang là vấn đề đặt ra mang tính cấp thiết cả trong trước mắt và lâu dài.
Từ khóa: Hoạt động đào tạo; nguồn nhân lực; Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia; tỉnh Đắk Lắk; khu vực Tây Nguyên.
1. Đặt vấn đề
Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, đa dạng về văn hóa và sắc tộc; tổng dân số khoảng 5,8 triệu người, với 47 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn 5 tỉnh; số lượng người dân tộc thiểu số chiếm gần 38%1. Tây Nguyên nằm cách xa các trung tâm kinh tế, cảng biển, giao thông chưa phát triển, chủ yếu kết nối bằng đường bộ; trình độ phát triển kinh tế chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực thấp so với bình quân chung của cả nước.
Để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 –2030, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, đào tạo nguồn nhân lực là một nhu cầu cấp thiết đối với cả chính quyền nhà nước và xã hội ở khu vực này. Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở đào tạo nghề, các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên không đủ đáp ứng nhu cầu đào tạo đại học cho khu vực. Một số lượng lớn người học phải đi học tại các cơ sở đào tạo ở xa khu vực Tây Nguyên, gây ra nhiều khó khăn và tốn kém kinh phí. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu, trong đó có đội ngũ giảng viên đang là vấn đề đặt ra mang tính cấp thiết cả trong trước mắt và lâu dài đối với Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Đắk Lắk (sau đây viết tắt là Phân hiệu tại tỉnh Đắk Lắk).
2. Phân hiệu tại tỉnh Đắk Lắk trong đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực Tây Nguyên và vùng lân cận
Năm 2005, Phân viện khu vực Tây Nguyên trực thuộc Học viện Hành chính Quốc gia được thành lập theo Quyết định số 335/2005/QĐ-TTg ngày 20/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ; ngày 11/4/2018, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia ban hành Quyết định số 1208/QĐ-HCQG ngày 11/4/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên; sau khi Đại học Nội vụ sáp nhập về Học viện Hành chính Quốc gia, ngày 18/01/2023, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia ban hành Quyết định số 86/QĐ-HCQG quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên (nay là Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Đắk Lắk).
Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Phân hiệu tại tỉnh Đắk Lắk được quy định tại Quyết định số 2630/QĐ-HCQG ngày 24/4/2024 của Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, Phân hiệu được thực hiện một phần chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Học viện Hành chính Quốc gia theo sự chỉ đạo, điều hành của Giám đốc Học viện, một trong những nhiệm vụ quan trọng đó là đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ theo quy định của pháp luật và sự phân cấp của Học viện. Ngày 14/8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2138/QĐ-BGDĐT về việc cho phép Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Đắk Lắk tổ chức hoạt động đào tạo, đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động đào tạo tại Phân hiệu.
Những năm qua, Phân hiệu tại tỉnh Đắk Lắk đã mở nhiều khóa đào tạo ở bậc đại học và sau đại học, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh Tây Nguyên.
(1) Về đào tạo trình độ đại học.
Từ năm 2008 đến hết năm 2024, Phân hiệu đã mở được 5 lớp đào tạo trình độ đại học hệ vừa làm vừa học chuyên ngành hành chính, quản lý nhà nước với số lượng 361 học viên, 2 lớp đại học hệ cử tuyển chính quy với số lượng 174 học viên; 1 lớp đại học hệ chính quy ngành Quản lý nhà nước với số lượng 66 sinh viên (xem Bảng 1)2.
Bảng 1. Số lượng lớp và sinh viên, học viên các lớp đào tạo trình độ đại học
TT | Tên lớp đào tạo trình độ đại học | Niên khóa | Số lớp | Số học viên |
1 | Đại học chính quy cử tuyển KTC1 | 2010 – 2015 | 01 | 78 |
2 | Đại học chính quy cử tuyển KTC2 | 2014 – 2018 | 01 | 96 |
3 | Đại học hành chính hệ vừa làm, vừa học KS8.TC58 | 2008 – 2013 | 01 | 58 |
4 | Đại học hành chính vừa làm, vừa học KH10.TC71 | 2010 – 2015 | 01 | 80 |
5 | Đại học hành chính vừa làm, vừa học KH11.TC85 | 2011 – 2016 | 01 | 65 |
6 | Đại học hành chính vừa làm, vừa học KH12.TC95 | 2012 – 2017 | 01 | 74 |
7 | Đại học hành chính vừa làm, vừa học KH13.TC107 | 2013 – 2018 | 01 | 44 |
8 | Đại học chính quy 2405 QLNP | 2024 – 2028 | 01 | 66 |
Tổng | 08 | 603 |
(2) Về đào tạo trình độ thạc sĩ.
Số học viên được đào tạo trình độ thạc sĩ tại 5 chuyên ngành: Quản lý công, Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, Quản lý kinh tế, Tài chính – Ngân hàng, Chính sách công với số lượng 43 lớp/1.168 học viên; ngoài ra Phân hiệu còn liên kết với các cơ sở đào tạo khác đào tạo được 5 lớp trình độ thạc sĩ với số lượng 111 học viên (xem Bảng 2)3.
Bảng 2. Số lượng lớp, học viên đào tạo trình độ thạc sĩ tại Phân viện Tây Nguyên giai đoạn 2010 – 2024
TT | Chương trình đào tạo | Số lớp | Số học viên |
A | Đào tạo cao học | 46 | 1.234 |
1 | Chuyên ngành Quản lý công | 22 | 809 |
2 | Chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính | 10 | 195 |
3 | Chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng | 07 | 149 |
4 | Chuyên ngành Chính sách công | 01 | 05 |
5 | Chuyên ngành Quản lý kinh tế | 06 | 76 |
B | Liên kết đào tạo cao học | 05 | 111 |
1 | Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước | 01 | 37 |
2 | Quản lý xã hội | 01 | 41 |
3 | Triết học | 01 | 15 |
4 | Khoa học máy tính | 01 | 15 |
5 | Quản lý đất đai | 01 | 17 |
Các sinh viên, học viên tốt nghiệp các lớp đào tạo, bồi dưỡng của Phân viện đều được trang bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng đáp ứng tốt cho yêu cầu công việc được các cơ quan tuyển dụng, cơ quan cử đi học đánh giá cao chất lượng, hiệu quả đầu ra; rất nhiều trong số học viên, sinh viên được đào tạo tại Phân hiệu đã và đang giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền, các cơ quan Đảng, đoàn thể và các doanh nghiệp các tỉnh khu vực Tây Nguyên và lân cận.
3. Thực trạng nguồn nhân lực của Phân hiệu tại tỉnh Đắk Lắk
Sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, trải qua nhiều thay đổi về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức, Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Đắk Lắk đã đi vào hoạt động ổn định, trong đó hoạt động đào tạo đại học và sau đại học luôn phát triển theo hướng gia tăng cả về số lượng và chất lượng đào tạo theo các năm.
Một là, về cơ cấu tổ chức.
Phân hiệu tại tỉnh Đắk Lắk hiện nay có tổng số là có 8 phòng, khoa: Phòng Tổ chức – Hành chính; Phòng Quản trị; Phòng Quản lý đào tạo và bồi dưỡng; Phòng Tài chính – Kế toán; Phòng Quản lý khoa học, khảo thí và thư viện; Khoa Khoa học liên ngành; Khoa Hành chính học và Quản trị nhân lực; Khoa Quản lý kinh tế – xã hội.
Hai là, về đội ngũ nhân lực.
Phân hiệu tại tỉnh Đắk Lắk hiện có 43 viên chức và người lao động. Về đội ngũ viên chức quản lý, Phân hiệu hiện tại có: 1 Quyền Giám đốc; 3 trưởng phòng; 1 trưởng khoa; 2 phó trưởng phòng. Về trình độ, Phân hiệu có 3 tiến sĩ; 27 thạc sĩ; 8 cử nhân và 5 người trình độ khác. Về cơ cấu theo chức danh nghề nghiệp, Phân hiệu có 7 chuyên viên chính, 15 chuyên viên, 10 giảng viên (trong đó có 3 giảng viên chính), 1 nghiên cứu viên chính và 8 lao động hợp đồng 68. Ngoài ra, Phân hiệu còn có một số giảng viên kiêm nhiệm và đội ngũ giảng viên thỉnh giảng. Hiện nay, Phân hiệu đang cử 1 giảng viên đi đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ Anh và 4 giảng viên đi đào tạo trình độ tiến sĩ Quản lý công.
Do đội ngũ giảng viên tại chỗ chưa đáp ứng được nhu cầu nên trong những năm qua, để giảng dạy ở chương trình đào tạo đại học và sau đại học, Phân hiệu phải phối hợp với các khoa, ban cũng như các Phân hiệu khác trong hệ thống Học viện để mời các giảng viên tham gia giảng dạy. Đồng thời, Phân hiệu đã xây dựng đội ngũ các nhà khoa học, giảng viên thỉnh giảng ở các cơ sở đào tạo thuộc khu vực Tây Nguyên tham gia vào các hoạt động giảng dạy, hướng dẫn luận văn tốt nghiệp, các hội đồng đánh giá luận văn đối với các lớp đào tạo trình độ đại học và cao học tại Phân hiệu.
4. Phương hướng và mục tiêu giai đoạn 2025 – 2030
Để tiếp tục xây dựng và phát triển Phân hiệu tại tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2025 – 2030 và định hướng đến năm 2045 theo Chiến lược phát triển của Học viện Hành chính Quốc gia (Quyết định số 689/QĐ-BNV ngày 01/10/2024), Phân hiệu tại tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực và kế hoạch đào tạo trong những năm tới như sau:
Một là, về mục tiêu giai đoạn 2025 – 2030.
Đến hết năm 2025, tổng số viên chức, người lao động là 57 người, trong đó có 20/57 viên chức là giảng viên (35,1%), có 7 giảng viên chính và 13 giảng viên; 25/57 viên chức là chuyên viên và tương đương, có 10 chuyên viên chính và tương đương; 12 lao động hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP. Có 8/8 đơn vị thuộc Phân hiệu có lãnh đạo phòng, Ban Giám đốc Phân viện, trong đó có 1 Giám đốc, 1 phó Giám đốc. Về trình độ chuyên môn: 30/57 viên chức, người lao động có trình độ đào tạo thạc sĩ (52,7%); có 7/57 viên chức có trình độ đào tạo tiến sĩ (12,3%).
Đến hết năm 2030, tổng số viên chức, người lao động là 80 người, cơ cấu như sau: (1) Cơ cấu theo chức danh nghề nghiệp: có 42/80 viên chức là giảng viên (52,5%), trong đó có 15 giảng viên chính và 27 giảng viên; 22/80 viên chức là chuyên viên và tương đương, trong đó có 15 chuyên viên chính và tương đương; 16 lao động hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP. (2) Cơ cấu theo chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý có 8/8 đơn vị thuộc Phân hiệu đều có trưởng phòng và phó phòng; Ban Giám đốc Phân hiệu có 1 Giám đốc, 2 Phó Giám đốc. (3) Cơ cấu theo trình độ chuyên môn có 42/80 viên chức, người lao động có trình độ đào tạo thạc sĩ (52,5%) và 20/80 viên chức có trình độ đào tạo tiến sĩ (25,0%).
Hai là, về kế hoạch đào tạo đại học.
Năm 2025, sẽ tổ chức tuyển sinh đào tạo đại học hệ chính quy với 3 ngành: Quản lý nhà nước; Luật; Quản trị nhân lực với số lượng khoảng 240 sinh viên; từ năm 2026 trở đi sẽ tuyển sinh khoảng 4 – 5 ngành với số lượng dự kiến từ 400 -500 sinh viên. Đồng thời, từ năm 2024 trở đi, Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Đắk Lắk hiện sẽ tuyển sinh các lớp đại học hệ vừa làm vừa học và các lớp đại học hệ liên thông từ trung cấp, cao đẳng với số lượng tuyển sinh dự kiến hàng năm từ 150 – 200 học viên.
Ba là, về kế hoạch đào tạo cao học từ năm 2025.
Phân hiệu tại tỉnh Đắk Lắk dự kiến tuyển sinh hằng năm từ 100 – 150 học viên ở các chuyên ngành: Quản lý công; Luật Hiến pháp và Luật Hành chính; Quản lý kinh tế; Tài chính – Ngân hàng.
Kế hoạch mở rộng đào tạo đại học và cao học tại Phân hiệu trong những năm tới tăng cao về quy mô và loại hình đào tạo đang đặt ra những thách thức trong việc xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là đội ngũ giảng viên.
5. Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực
Để thực hiện được những mục tiêu của chiến lược phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đào tạo theo kế hoạch đề ra của Phân hiệu, trong những năm tới Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Đắk Lắk cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, trong thời gian trước mắt, khi Phân viện chưa chưa hoàn thiện được cơ cấu tổ chức và nhân sự theo yêu cầu của hoạt động đào tạo, Phân hiệu sẽ linh hoạt trong việc điều động, biệt phát viên chức trong nội bộ để đáp ứng yêu cầu của việc tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo. Đồng thời, Phân hiệu cần chủ động lập kế hoạch giảng dạy, quản lý lớp, mời giảng viên tại Học viện và giảng viên ở các cơ sở đào tạo trên địa bàn đối với các học phần phù hợp mà Phân hiệu chưa đảm nhiệm được nhằm giảm bớt chi phí.
Thứ hai, tăng cường các hoạt động liên kết, phối hợp với các cơ sở đào tạo đại học, các viện nghiên cứu trên địa bàn trong việc cử đội ngũ các nhà khoa học, các giảng viên tham gia hoạt động khoa học và giảng dạy cũng như trao đổi học thuật giữa các trường, viện.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ các nhà khoa học, giảng viên thỉnh giảng, các chuyên gia, báo cáo viên trong và ngoài nước thường xuyên tham gia, cộng tác với Phân hiệu trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Phân hiệu.
Thứ tư, xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao về Phân hiệu làm việc tại các vị trí là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Cụ thể là thu hút những người có học vị thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của Phân hiệu thông qua chính sách ưu đãi hỗ trợ vật chất ban đầu và bố trí sắp xếp công việc hợp lý cũng như cơ hội phát triển, thăng tiến. Công tác tuyển dụng giảng viên dựa trên một số yêu cầu, như: xác định đúng nhu cầu tuyển dụng, đúng nguồn tuyển dụng; tuân thủ các nguyên tắc trong tuyển dụng; phải thành lập Hội đồng tuyển dụng và lựa chọn đúng người tham gia vào Hội đồng này; lựa chọn các phương pháp tuyển dụng khác nhau và sử dụng một cách linh hoạt; chú trọng quá trình tập sự trước khi lựa chọn chính thức giảng viên.
Trên cơ sở kế hoạch tuyển dụng, xác định rõ số lượng, trình độ chuyên môn và thời điểm tiến hành hoạt động tuyển dụng. Đồng thời, phải xây dựng tiêu chí chung và tiêu chí ưu tiên cho vị trí cần tuyển dụng: (1) Về trình độ đào tạo, bằng cấp: Từ trình độ thạc sĩ trở lên, đúng chuyên ngành giảng dạy, nghiên cứu cho từng vị trí công việc cụ thể. (2) Về kỹ năng hoặc kinh nghiệm: đã từng giảng dạy ở các trường đại học hoặc được đào tạo về kỹ năng và phương pháp trong nghiên cứu và giảng dạy; đối với các vị trí quản lý phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong quản lý. (3) Ưu tiên những ứng viên cho cùng vị trí tuyển dụng được đào tạo ở những đơn vị có uy tín, có bằng cấp loại giỏi, xuất sắc, được đào tạo ở nước ngoài, có trình độ cao hơn; những người có nhiều kinh nghiệm, kết quả đạt được trong công tác, trong quản lý ở thời điểm trước đó.
Đồng thời, Phân hiệu ưu tiên tiếp nhận những người đang giữ ngạch giảng viên, nghiên cứu viên ở các cơ sở đào tạo đại học, viện nghiên cứu có chuyên ngành phù hợp, có trình độ từ tiến sĩ trở lên về về làm việc tại Phân hiệu. Đây là giải pháp phù hợp nhất với Phân hiệu trong điều kiện hiện nay, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian đào tạo, có thể sử dụng ngay đội ngũ giảng viên phục vụ hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Thứ năm, để tạo ra tính chủ động và ổn định trong hoạt động đào tạo, Phân hiệu cần xác định trọng tâm ưu tiên cả trước mắt và lâu dài là tập trung vào xây dựng đội ngũ giảng viên tại chỗ của Phân hiệu, cũng như tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ này đáp ứng nhu cầu đào tạo đại học, đào tạo cao học. Để xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên giai đoạn 2025 – 2030, Phân viện tập trung đến một số phương diện sau:
(1) Lập kế hoạch xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên. Đây là quá trình xác định xem Phân hiệu cần bao nhiêu giảng viên với năng lực thích ứng để thực hiện các nhiệm vụ đặt ra (yêu cầu công việc), từ đó lựa chọn các giải pháp để có được đội ngũ giảng viên đạt được những yêu cầu đã xác định.
(2) Tăng số lượng giảng viên từ đội ngũ viên chức tại chỗ thông qua thực hiện kế hoạch chuyển chức danh nghề nghiệp từ chuyên viên sang giảng viên cho một số viên chức có trình độ đào tạo thạc sĩ. Phân hiệu hiện có 7 chuyên viên chính, 15 chuyên viên có trình độ thạc sĩ chuyên ngành Quản lý công và chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng là phù hợp với nhiều chuyên ngành đào tạo tại Phân hiệu. Đây là nguồn nhân lực rất hữu hiệu để Phân hiệu có thể chuyển đổi sang đội ngũ giảng viên. Cụ thể, Phân hiệu có kế hoạch phân công những giảng viên nhiều kinh nghiệm hướng dẫn, trợ giúp những viên chức này chủ động soạn giáo án, bài giảng. Đồng thời, Phân hiệu khuyến khích tạo điều kiện cho các viên chức này đi nghe giảng để phục vụ cho việc duyệt giảng ở cấp bộ môn và cấp khoa, cũng như hoàn thiện các tiêu chuẩn khác phục vụ cho việc chuyển chức danh nghề nghiệp.
(3) Phân hiệu đề xuất việc trưng tập giảng viên từ các đơn vị thuộc Học viện Hành chính Quốc gia thông qua một kế hoạch xin tăng cường lực lượng giảng viên trong thời gian từ 1 – 5 năm theo hình thức biệt phái, luân chuyển, điều động trong nội bộ Học viện Hành chính Quốc gia. Đây là một giải pháp vừa có tính khả thi, phù hợp và hiệu quả trong giai đoạn Phân hiệu chưa xây dựng được đội ngũ giảng viên theo kịp sự tăng trưởng của quy mô đào tạo trong ngắn hạn.
(4) Phân hiệu tập trung ưu tiên cho khâu đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên. Nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng chính là cơ sở để Phân hiệu xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cụ thể cho từng giảng viên, nhóm giảng viên để hoạt động này được thực hiện có chất lượng, hiệu quả. Phân hiệu cần khuyến khích, tạo điều kiện để viên chức tham gia đào tạo trình độ tiến sĩ. Cùng với đó là các chương trình bồi dưỡng theo chuyên môn, nghiệp vụ tương ứng với lĩnh vực giảng dạy của giảng viên. Giảng viên tại Phân hiệu cần tham gia bồi dưỡng về kỹ năng sư phạm và các kỹ năng mềm khác để nâng cao chất lượng giảng dạy.
Thứ năm, cùng với xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên, Phân hiệu cần tiếp tục có các giải pháp tương tự để phát triển đội ngũ viên chức ở các đơn vị quản lý, đặc biệt là đội ngũ viên chức làm việc ở Phòng Quản lý đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó, có việc xây dựng đội ngũ làm công tác tuyển sinh, từ việc thành lập Tổ tư vấn tuyển sinh, đến việc xây dựng và triển khai kế hoạch quảng bá, tư vấn và tuyển sinh các chuyên ngành đào tạo trình độ đại học và sau đại học mà Phân viện tổ chức triển khai.
6. Kết luận
Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của Phân hiệu tại tỉnh Đắk Lắk đặc biệt là đội ngũ giảng viên có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu của giáo dục hiện đại là một công việc khó khăn, lâu dài, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và đầu tư nguồn lực thỏa đáng. Để thực hiện phát triển nguồn nhân lực đáp ứng mục tiêu đặt ra của chiến lược phát triển Phân hiệu và đáp ứng yêu cầu của đào tạo đại học, đào tạo sau đại học trong ngắn hạn, một mặt Phân hiệu tập trung ưu tiên cho việc xây dựng và nâng cao năng lực giảng viên trong nội bộ, mặt khác ban hành những chính sách thu hút đặc thù để tuyển chọn các giảng viên, nghiên cứu viên có học vị tiến sĩ chuyên ngành phù hợp đang công tác tại các cơ sở đào tạo đại học, các viện nghiên cứu về làm việc tại Phân hiệu.
Chú thích:
1. Tây Nguyên. https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%A2y_Nguy%C3%AAn, truy cập ngày 12/9/2024.
2, 3. Tác giả tổng hợp số liệu từ Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Đắk Lắk.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2022). Quyết định số 2138/2022/QĐ-BGDĐT ngày 14/8/2024 về việc cho phép Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Đắk Lắk tổ chức hoạt động đào tạo.
2. Bộ Nội vụ (2024). Quyết định số 689/QĐ-BNV ngày 01/10/2024 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Học viện Hành chính Quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
3. Học viện Hành chính Quốc gia (2023). Quyết định số 86/QĐ-HCQG quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên.
4. Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Đắk Lắk (2024). Chiến lược phát triển năng lực đội ngũ viên chức, người lao động Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023 – 2030.