NCS. Divisay Sidthisay
Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức luôn được đảng bộ, chính quyền các tỉnhmiền Nam nước CHDCND Lào chú trọng thực hiện và đạt được những kết quả tích cực đáng ghi nhận, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công chức trong cơ quan nhà nước, bảo đảm hoạt động có hiệu quả của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, công tác đào tạo, bồi dưỡng vẫn chưa sát với yêu cầu thực tiễn, chưa thực sự gắn với quy hoạch, đánh giá, sử dụng công chức; phương pháp đào tạo, bồi dưỡng chưa có nhiều đột phá… do đó, rất cần có các giải pháp để hoàn thiện.
Từ khóa: Đào tạo, bồi dưỡng, công chức, chuyên môn, cơ quan cấp tỉnh, CHDCND Lào.
1. Đặt vấn đề
Nước CHDCND Lào phía Tây Bắc giáp với Myanmar và Trung Quốc; phía Đông giáp với Việt Nam; phía Đông Nam giáp với Campuchia; phía Tây và Tây Nam giáp với Thái Lan. Lào là quốc gia đa dân tộc, người Lào chiếm khoảng 60% dân số, chủ yếu cư trú tại vùng thấp và chiếm ưu thế về chính trị và văn hóa. Các dân tộc Môn-Khmer, H’Mông và dân tộc bản địa vùng cao khác chiếm khoảng 40% dân số và sống tại khu vực đồi núi.
Nước CHDCND Lào chia làm 3 miền: Bắc, Trung và Nam. Miền Nam nước CHDCND Lào gồm 4 tỉnh: Attapeu, Saravane, Sekong, Champasack. Các tỉnh miền Nam có vị trí địa lý tự nhiên thuận lợi, 4 phía tiếp giáp với các vùng trọng điểm kinh tế đa dạng và phong phú. Tỉnh Champasak là vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, giữ vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp của cả nước CHDCND Lào.
2. Thực trạng đào tạo, bồi dưỡng công chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tại các tỉnh miền Nam nước CHDCND Lào
Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền các tỉnhmiền Nam, nước CHDCND Lào chú trọng thực hiện và đạt được những kết quả tích cực đáng ghi nhận. Nhận thức được tầm quan trọng của chất lượng công chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đối với hiệu lực, hiệu quả tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, cấp ủy Đảng, chính quyền, cáccơ quan chuyên môn cấp tỉnh tại các tỉnh miền Nam nước CHDCND Lào đã thực hiện tổng thể nhiều biện pháp, trong đó chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng. Đẩy mạnh phối hợp giữa Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Học viện Chính trị – Hành chính cấp tỉnh tại các tỉnh miền Nam lập kế hoạch, triển khai tổ chức thực hiện ngày càng hiệu quả.
Giai đoạn từ năm 2020 – 2023, tỉnh Champasak đã cử đi đào tạo chuyên môn cho 330 công chức trong và ngoài nước, đào tạo lý luận chính trị cho 1.260 công chức; công tác bồi dưỡng được phân bổ đều với việc cập nhật, trang bị kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, chức danh, công chức nguồn, bồi dưỡng học tập.
Đồng thời, tỉnh Champasak cũng đã đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng công chức từ tỉnh xuống cơ sở, gồm: Học viện Chính trị – Hành chính tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, thành phố, các trường đại học, cao đẳng của tỉnh, các cơ quan trực thuộc tỉnh. Lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng được mở rộng; nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng có sự thay đổi theo hướng tích cực, kết hợp lý thuyết và thực hành gắn liền với nhu cầu thực tiễn.
Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng kế hoạch, đề án đào tạo, bồi dưỡng đối với một số nhóm công chức đặc thù, như đề án cử công chức đi thực tập, tập huấn ngắn hạn và làm việc tại nước ngoài; đặc biệt là bồi dưỡng công chức đi học tập nghiên cứu tại nước Việt Nam.
Có thể coi đây là một trong số những đề án có tính đột phá, táo bạo, cần nhân rộng bởi thực tế chứng minh rằng, cung cách làm việc, quản lý và trang thiết bị khoa học – công nghệ của nước ngoài đã và đang vượt trội hơn về hiệu quả so với cơ quan nhà nước của Lào. Tỉnh Champasak tập trung tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức và xác định trọng tâm là công chức trẻ. Việc đào tạo, tăng cường cán bộ xuất thân từ công nhân, công chức trẻ tuổi đạt được nhiều kết quả tích cực.
Từ khi triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng đến hết năm 2023, Chương trình tạo nguồn công chức đã bố trí công tác 50 trường hợp, trong đó có 45 đảng viên, được bổ nhiệm chức danh công chức chủ chốt từ cấp huyện. Công chức từ cấp huyện được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị cơ sở, đã đào tạo lý luận chính trị trung cấp, cao cấp, cử nhân 260 người; tính đến hết năm 2023, có 93,9% công chức cấp huyện và 79,6% công chức các sở, ban, ngành và thành phố (thuộc tỉnh) đạt trình độ cao cấp, cử nhân lý luận chính trị.
Đẩy mạnh chương trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ cho hệ thống chính trị, hành chính và chuyên môn. Trong nhiệm kỳ, đào tạo được 13 tiến sĩ (trong đó có 1 nữ) và 198 thạc sỹ (trong đó có nữ 36), đẩy mạnh thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Về cơ bản, những năm qua, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tại các tỉnh miền Nam nước CHDCND Lào đã làm tương đối tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động quản lý của chính quyền huyện và tỉnh.
Tỉnh Sekong thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực với việc ban hành chính sách đào tạo, phát triển, thu hút nguồn nhân lực của tỉnh gồm 04 nội dung lớn: chính sách đào tạo bồi dưỡng trong nước; chính sách cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài; chính sách thu hút nguồn nhân lực và chính sách đãi ngộ người có trình độ đại học về công tác ở huyện, ở tỉnh.
Việc triển khai thực hiện tốt các chính sách đào tạo, bồi dưỡng trong những năm qua đã giúp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tại các tỉnh miền Nam nước CHDCND Lào bổ sung được những công chức, có đủ trình độ, năng lực để đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Sekong là một trong số những địa phương thực hiện quyết liệt chủ trương tinh giản biên chế và là tỉnh luôn chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức.
Thay vì phải chi dàn trải, coi trọng “số lượng hơn chất lượng” để đào tạo, bồi dưỡng thì việc tinh giản biên chế giúp các cấp chính quyền các tỉnh miền Nam nước CHDCND Lào có được nguồn tài chính nhiều hơn, lựa chọn được những công chức có năng lực tốt hơn để tiến hành đào tạo, bồi dưỡng. Theo số liệu của Sở Nội vụ tỉnh Sekong, trong năm 2023 có hơn 220 công chức được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Chính quyền các cấp nêu cao tinh thần, chú trọng bảo đảm thu hút người tài về làm công tác QLNN, phát huy tính hiệu quả trong công tác QLNN, tiến tới chính quyền chuyển đổi số phục vụ nhân dân.
Các tỉnh: Attapeu, Saravane, Sekong và Champasack luôn xác định công chức cấp tỉnh là bộ phận nòng cốt của hệ thống chính trị ở cơ sở, bởi họ là những người trực tiếp giải quyết công việc cụ thể của người dân, gắn bó với đời sống nhân dân. Chính vì vậy, các tỉnh luôn tăng cường nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức cấp tỉnh về các lĩnh vực lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước và chuyên môn, nghiệp vụ ở các ngành khác nhau, như: địa chính, tư pháp, tài chính kế toán, thương mại…
Quán triệt thực hiện chủ trương “trẻ hóa” công chức cấp tỉnh có chất lượng, các chức danh chuyên môn được sắp xếp ổn định và phát huy tác dụng. Ngoài ra, các tỉnh còn luôn chú trọng và tích cực triển khai công tác đào tạo tiếng Việt Nam, tiếng Anh cho công chức của tỉnh, nhất là những người đang công tác tại các tỉnh biên giới. Từ 2020 – 2023 đã bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng chức danh về công tác xây dựng Đảng cho hơn 2.000 công chức.
Như vậy, về cơ bản, việc thực hiện đào tạo, bồi dưỡng công chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tại các tỉnh miền Nam nước CHDCND Làotrong những năm qua đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Những thành tựu này góp phần giúp các cấp uỷ Đảng, chính quyền các tỉnh miền Nam đã và đang nâng cao chất lượng công chức trong cơ quan nhà nước, bảo đảm hoạt động có hiệu quả của hệ thống chính trị.
3. Một số hạn chế, bất cập
Một là, một số nội dung, chương trình còn chồng chéo, hạn chế về tính ứng dụng và tính hội nhập. Cụ thể là chương trình đào tạo sơ cấp, trung cấp lý luận chính trị còn có môn học trùng lặp; chương trình đại học, cao đẳng (Tư tưởng Cay Son Phôm Vi Hẳn, Triết học, Chủ nghĩa Mác – Lênin), chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức nhưng chưa mang nhiều tính mới.
Hai là, việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở các tỉnh miền Nam chỉ tập trung chủ yếu vào công chức cấp huyện, thành phố sở, ban, ngành, trong khi cán bộ chính quyền cơ sở là rất quan trọng. Bởi đây là nhóm chủ thể trực tiếp tiếp xúc và làm việc với người dân nên càng cần được đào tạo, bồi dưỡng về phẩm chất, lý luận chính trị. Hoặc đối với chủ trương đẩy mạnh đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ cần có kế hoạch rà soát, sàng lọc đối tượng công chức cho phù hợp, tránh tình trạng học tập “hình thức”, chạy theo thành tích, gây tốn kém thời gian và chi phí của cơ quan, đơn vị.
Ba là, một số cán bộ, công chức, viên chức chưa được đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm. Thực tế ở cơ sở, đặc biệt là ở tỉnh có điều kiện khó khăn như ở tỉnh Sekong vẫn còn một bộ phận công chức cấp tỉnh chưa qua đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm. Lực lượng công chức có chất lượng cao chủ yếu tập trung ở những địa bàn có tốc độ phát triển kinh tế nhanh của tỉnh, chưa phân bổ hợp lý về các huyện khó khăn.
Bốn là, chưa chủ động trong việc lập, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức ở các tỉnh Salavan, Attapeu những năm qua vẫn còn một số hạn chế nhất định, như: chưa chủ động trong việc lập, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, chưa khắc phục được tình trạng nhiều công chức cấp tỉnh thiếu tiêu chuẩn so với quy định.
Năm là, bố trí không đúng địa bàn cần chuyên môn đã được đào tạo. Ở một số địa phương lại có tình trạng công chức cấp tỉnh sau khi được đào tạo, bồi dưỡng lại bố trí không đúng địa bàn cần, sắp xếp không đúng chuyên môn đã được đào tạo.
4. Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tại các tỉnh miền Nam nước CHDCND Lào
Phát triển các tỉnh miền Nam bền vững là theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021 – 2025. Cần nâng cao chất lượng công chức nói chung, bồi dưỡng công chức cấp tỉnh nói riêng gắn với thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và công chức đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp tỉnh.
Các cấp ủy đảng, chính quyền cần nhận thức và thực hiện tốt trách nhiệm tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết, chương trình, kế hoạch về công tác bồi dưỡng công chức cấp tỉnh. Việc tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên, thông qua nhiều kênh thông tin, trong đó cần tiếp tục phổ biến, tuyên truyền phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức các tỉnh miền Nam giai đoạn 2025 – 2040, gắn với vai trò, trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân liên quan.
Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền phải có trách nhiệm rà soát, đánh giá nhu cầu của công chức cấp tỉnh, căn cứ vào nhiệm vụ chính trị để xây dựng chương trình, kế hoạch bồi dưỡng phù hợp, khả thi, sát thực tiễn. Cán bộ, công chức cấp tỉnh cần thực hiện tốt trách nhiệm bồi dưỡng gắn với vị trí việc làm, tự giác, thường xuyên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được đảm nhiệm.
Thứ hai, đổi mới nội dung, chương trình và đa dạng các hình thức bồi dưỡng gắn với yêu cầu chuyển đổi số.
Hiện nay, theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ số 07/BNV ngày 02/5/2018 về tổ chức thực hiện Nghị định số 294/CP ngày 04/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đã quy định rõ nội dung. chương trình, hình thức, thời gian bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ, công chức. Tuy nhiên, căn cứ vào đặc điểm riêng về kinh tế, văn hóa – xã hội ở mỗi địa phương, đòi hỏi nội dung, chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp tỉnh vừa phải theo quy định chung, vừa phải linh hoạt, điều chỉnh phù hợp với yêu cầu.
Để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số định hướng đến năm 2040, trong đó xác định chính quyền số là trụ cột để thay đổi tổng thể, toàn diện hoạt động quản lý điều hành của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm hiệu lực hiệu quả, minh bạch. Do đó, đổi mới toàn diện bộ máy chính quyền số từ tỉnh đến cơ sở với sự thịnh vượng, thông minh của xã hội số đã và đang đặt ra yêu cầu bức thiết về năng lực, trình độ của công chức. Nội dung, chương trình bồi dưỡng công chức cấp tỉnh cũng cần được đổi mới, cập nhật kịp thời, bảo đảm 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp thành phố và cấp huyện được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
Thứ ba, đổi mới nội dung, chương trình và đa dạng các hình thức bồi dưỡng gắn với cải cách hành chính.
Cấp ủy, chính quyền các tỉnh cần bám sát nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2025 – 2040, chú trọng nội dung, chương trình bồi dưỡng công chức cấp tỉnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, phục vụ nhân dân. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của công chức. Bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ và phương pháp xử lý tình huống, xây dựng công chức có năng lực thực tiễn, chuyên môn sâu để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và hội nhập quốc tế. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, đạo đức công vụ cho công chức, đặc biệt là những người thường xuyên tiếp xúc, trực tiếp giải quyết công việc với người dân, doanh nghiệp.
Thứ tư, phối hợp với các cơ sở bồi dưỡng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp tỉnh.
Dựa trên nhu cầu của địa phương, các cấp ủy, chính quyền các tỉnh cần phối hợp, đặt hàng các cơ sở bồi dưỡng thiết kế nội dung, chương trình phù hợp, sát thực tiễn. Các cơ sở bồi dưỡng cần lựa chọn giảng viên có năng lực tham gia các lớp tạo, bồi dưỡng, bảo đảm vừa truyền tải kiến thức, vừa định hướng xử lý giải quyết những vấn đề nảy sinh từ cơ sở. Quản lý chặt chẽ học viên, giảng viên tham gia các lớp bồi dưỡng công chức cấp tỉnh, khảo sát, đánh giá chất lượng bồi dưỡng, làm cơ sở để xây dựng chương trình, kế hoạch bồi dưỡng phù hợp.
5. Kết luận
Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp tỉnh ở các tỉnh miền Nam CHDCND Lào là nhiệm vụ quan trọng, cần được thực hiện nghiêm túc, bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với vị trí việc làm, chuyên môn công tác và yêu cầu phát triển địa phương trong bối cảnh chuyển đổi số và đẩy mạnh cải cách hành chính. Mỗi chủ thể và đối tượng tham gia các lớp bồi dưỡng cần thực hiện nhiều giải pháp góp phần xây dựng công chức cấp tỉnh tinh thông, chuyên nghiệp, hiện đại và tận tụy phục vụ Nhân dân.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Nội vụ nước CHDCND Lào (2018). Văn bản số 07/BNV ngày 02/5/2018 về tổ chức thực hiện Nghị định số 294/CP ngày 04/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đã quy định rõ nội dung, chương trình, hình thức, thời gian bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ, công chức.
2. Bộ Nội vụ nước CHDCND Lào (2023). Tổng kết công tác cán bộ, công chức năm 2023.
3. Sở Nội vụ tỉnh Champasak (2023). Báo cáo công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức năm 2023.
4. Ban Tổ chức tỉnh Champasak (2023). Báo cáo công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức năm 2023.
5. Ban Tổ chức tỉnh Sekong (2023). Báo cáo công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức năm 2023.
6. Sinnakhone Douangbandith (2021). Chất lượng công chức tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy nước CHDCND Lào. Luận án tiến sĩ Quản lý công, Học viện Hành chính Quốc gia. Hà Nội, năm 2021.
7. Onkeo Leaungsichanhthong (2019). Chất lượng đội ngũ công chức cấp tỉnh ở tỉnh Hủa Phăn nước CHDCND Lào. Luận văn thạc sĩ Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, năm 2019.