(Quanlynhanuoc.vn) – Chiều ngày 08/11/2024, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia phối hợp với Viện Phát triển nhân lực quốc gia Hàn Quốc (NHI) tổ chức chương trình trình bày chuyên đề: “Phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong kỷ nguyên số”.
Tham dự chương trình có các đại biểu đoàn chuyên gia Hàn Quốc: ông Kim Chae Hwan, Chủ tịch NHI; bà Chun Hye Ran, Trưởng Ban Hợp tác và Giáo dục toàn cầu; ông Kim Seong Hoon, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Hợp tác toàn cầu; TS. Yun Woo Je, giáo sư NHI; TS Kim Ran, giáo sư NHI; ông Jung Dong Ha, cán bộ Phòng Giáo dục và Hợp tác toàn cầu; ông Han Sangjun, Thư ký, Văn phòng Chủ tịch. Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có: PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện; TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện; đại diện lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện; giảng viên, viên chức, học viên, sinh viên Học viện. Chương trình trực tuyến đến các điểm cầu Phân hiệu Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Đắk Lắk.
Phát biểu tại chương trình, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến chào mừng các chuyên gia, các nhà khoa học, các quý vị đại biểu, khách quý, giảng viên, học viên nghiên cứu sinh, các em sinh viên đã quan tâm, tham dự diễn đàn. Giám đốc Học viện khẳng định quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam – Hàn Quốc, trong đó có việc tăng cường hợp tác chuyên môn, giao lưu văn hóa, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm tổ chức, phát triển nguồn nhân lực giữa hai quốc gia.
Viện Phát triển nhân lực quốc gia Hàn Quốc và Học viện Hành chính Quốc gia đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác và buổi trình bày chuyên đề “Phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong kỷ nguyên số” là hoạt động ý nghĩa, thiết thực đánh dấu sự khởi đầu đầy hứa hẹn của việc thực hiện biên bản ghi nhớ sự hợp tác này.
Hàn Quốc là quốc gia thành công đáng ngưỡng mộ về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo với nhiều kinh nghiệm đối với phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Chuyên đề được tổ chức với mong muốn tạo ra một diễn đàn để các đại biểu, các học giả, các nhà quản lý cùng trao đổi, thảo luận, nhận diện đầy đủ và sâu sắc hơn các kinh nghiệm của Hàn Quốc về các vấn đề liên quan đến “Vai trò của phát triển tài năng khu vực công để phát triển kinh tế – xã hội ở Hàn Quốc”, “Sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) và vấn đề đạo đức”, “Lãnh đạo và chuyển đổi số trong khu vực công ở Hàn Quốc” qua đó rút ra các giá trị tham khảo cho Việt Nam nhằm xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài.
Phát biểu tham luận tại chương trình, ông Kim Chae Hwan, Chủ tịch Viện Phát triển nhân lực quốc gia Hàn Quốc chia sẻ quá trình khởi đầu của thành công, chính sách phát triển kinh tế – xã hội từ kinh nghiệm của Hàn Quốc và vai trò của Viện Phát triển nhân lực quốc gia Hàn Quốc. Bí quyết của Hàn Quốc xuất phát từ chiến lược đầu tư vào giáo dục và đào tạo, trong đó có đào tạo cán bộ, công chức và phát triển tài năng khu vực công, đặt ra mục tiêu tuyển và sử dụng những người ưu tú, xuất sắc nhất để lãnh đạo quốc gia, kiến thiết đất nước.
Viện Phát triển nhân lực quốc gia (NHI) được thành lập vào tháng 3/1949 là đơn vị trực thuộc Bộ Quản lý nhân sự Hàn Quốc với sứ mệnh là nơi đào tạo công chức, bồi dưỡng tài năng trong khu vực công có năng lực dự báo xu hướng, lãnh đạo sự thay đổi và tiên phong trong đổi mới. Nhấn mạnh các ưu thế của Việt Nam trong quá trình phát triển hiện nay, ông đề cập đến một khía cạnh đặc biệt, đó là tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cùng với sức sống, sự năng động và tinh thần học hỏi của tuổi trẻ, đây là nguồn lực vô cùng quan trọng để phát triển đất nước nhanh, mạnh, bền vững giúp Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới. Bên cạnh đó, ông cũng gợi mở những kiến thức, kỹ năng cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng trong thời đại hiện nay, bao gồm: kiến thức về kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, khả năng thích ứng với sự thay đổi, năng lực đổi mới sáng tạo…
“Ứng dụng trí tuệ nhân tạo dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn LLM (chat GPT) và vấn đề đạo đức trong phát triển nguồn nhân lực” là nội dung tham luận của TS. Yun Woo Je. Ông chia sẻ phương pháp và những kỹ năng cần đào tạo để công chức sử dụng trí tuệ nhân (AI) tạo dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) một cách hiệu quả và an toàn trong công việc. Theo ông, đào tạo kỹ năng sử dung AI dựa trên LLM phù hợp mang lại kết quả tốt hơn và thông tin ít sai lệch hơn trong quá trình xây dựng, hoạch định, thực thi và đánh giá chính sách. Người học có nhiều khả năng sử dụng AI dựa trên mô hình LLM hơn trong công việc nếu họ được đào tạo bài bản về kỹ năng tạo câu lệnh. Bên cạnh đó, mặc dù AI hiệu quả và hữu ích trong quá trình hoạt động, một điều cần chú ý là việc đào tạo về đạo đức và an toàn AI. Trong tham luận đưa ra một số hướng dẫn, khung đào tạo, bồi dưỡng đạo đức AI cho công chức ở cấp độ cá nhân, tổ chức và quốc gia với các nội dung, như: bản chất đạo đức của kỷ nguyên AI; bảo đảm quyền tự do và các quyền lợi; quyền tiếp cận công bằng và cơ hội bình đẳng; bảo đảm tính an toàn và độ tin cậy; thúc đẩy chuyển đổi số; nâng cao nhân tính.
Chia sẻ nội dung “Phát triển chương trình đào tạo kỹ năng số và kỹ năng dữ liệu cho nhà quản lý”, TS. Kim Ran đã dẫn chứng những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có AI đến thị trường việc làm. Theo báo cáo Tương lai việc làm năm 2020 đến năm 2025, AI và các ứng dụng tự động của AI sẽ thay thế 85 triệu việc làm trong 15 ngành công nghiệp ở 26 quốc gia. Các doanh nghiệp lớn và nhỏ đang có kế hoạch tích hợp mạnh mẽ công cụ trí tuệ nhân tạo để giảm bớt lực lượng lao động, theo đó, người lao động cần phát triển kỹ năng để duy trì vị trí làm việc hiện tại hoặc tìm vị trí làm việc mới. Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và năng suất của chính phủ trong lĩnh vực số, cần phải xây dựng “Chính phủ nền tảng số” và nâng cao kỹ năng số cho tất cả công chức.
Những cải tiến chính sách giáo dục quan trọng được TS. Kim Ran gợi ý: (1) Tăng cường năng lực số trong lĩnh vực hành pháp, trong đó, thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng lực số trong đội ngũ cán bộ hành pháp để bảo đảm tiềm năng tăng trưởng quốc gia thông qua công nghệ số và triển khai chính phủ nền tảng số cấp cao; (2) Đào tạo theo công việc cụ thể: tổ chức các khóa đào tạo về xu hướng công nghệ số, chính sách và nghiên cứu tình huống cần thiết cho từng cấp độ công việc cũng như đào tạo kỹ thuật chuyên sâu phù hợp với từng lĩnh vực chuyên môn; (3) Đào tạo năng lực số bắt buộc: tiến hành đào tạo năng lực số bắt buộc cho công chức viên chức với kế hoạch và chương trình hoạt động hiệu quả, xem xét đến cấp độ công việc, loại hình công việc và giai đoạn đào tạo.
Trao đổi tại chương trình, PGS.TS. Hoàng Mai, Trưởng Khoa Quản trị nhân lực, Học viện Hành chính Quốc gia nhận định, những tham luận của các chuyên gia Hàn Quốc đã đem đến những góc nhìn, những khía cạnh quan trọng, đáng học hỏi liên quan đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Với các chiều cạnh, các kiến giải này đã làm rõ tầm quan trọng của việc phát triển kỹ năng số, đặc biệt là trong bối cảnh AI và công nghệ số đang chuyển đổi nhanh chóng trong phát triển nguồn nhân lực. Đối với Việt Nam, điều này gợi ý về việc cần thiết lập các chương trình đào tạo chuyên sâu cho công chức trong các lĩnh vực như: trí tuệ nhân tạo, kỹ năng phân tích dữ liệu và kỹ năng quản lý công nghệ số.
Một số hàm ý chính sách được PGS.TS. Hoàng Mai nhận định:
Thứ nhất, đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc về kỹ năng số cho công chức là cần thiết để bảo đảm tất cả công chức có hiểu biết cơ bản về công nghệ số, đặc biệt là các công nghệ mới như AI, phân tích dữ liệu và an ninh mạng.
Thứ hai, nâng cao kỹ năng mềm trong đào tạo công chức, như: tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng làm việc nhóm là rất quan trọng trong môi trường kỹ thuật số.
Thứ ba, thúc đẩy các chương trình nâng cao kỹ năng (upskilling) và đào tạo lại (reskilling) để tăng cường khả năng thích ứng và nắm bắt các cơ hội trong bối cảnh công nghệ phát triển.
Thứ tư, đào tạo đạo đức và quy tắc sử dụng AI cho công chức nhận thức rõ hơn, hiểu và tuân thủ trách nhiệm cá nhân khi ứng dụng công nghệ này giúp bảo đảm việc ra quyết định sẽ vẫn dựa trên các giá trị nhân văn và tuân thủ các quy định đạo đức và trách nhiệm xã hội.
Thứ năm, phát triển chính phủ số và bản sao công nghệ số (Digital Twins) có thể giúp tăng cường hiệu quả quản lý công và cung cấp dịch vụ công thuận tiện hơn cho người dân.
Thứ sáu, cần nâng cao hiệu quả đối tác công – tư trong đào tạo và phát triển công nghệ.
Trong chương trình, nhiều câu hỏi trao đổi, thảo luận được các chuyên gia, nhà khoa học giải đáp, những ý kiến chia sẻ gợi mở, làm sáng tỏ nhiều kiến thức, kinh nghiệm hữu ích, là những cứ liệu có giá trị để Học viện Hành chính Quốc gia tiếp tục có những đổi mới về đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quản trị nhân lực, đồng thời, góp thêm tiếng nói có trách nhiệm đối với quá trình hoàn thiện chính sách phát triển nguồn nhân lực trong khu vực công ở Việt Nam.
Một số hình ảnh tại diễn đàn:
Quản Anh