ThS. Dylavong Noukeo
NCS của Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Nghiên cứu thực trạng tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào cho thấy, bên cạnh những thành công, ưu điểm đạt được trong quá trình tổ chức thực hiện, chế độ bầu cử đại biểu Quốc hội hiện hành bộc lộ nhiều bất cập trước bối cảnh mới về chính trị – xã hội. Thực trạng đó đặt ra những đòi hỏi cần phải tiếp tục đổi mới chế độ bầu cử đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay.
Từ khóa: Đại biểu Quốc hội; đổi mới; chế độ bầu cử; Hiến pháp năm 2015; Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
1. Đặt vấn đề
Nền tảng chính trị – pháp lý của mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri là chế độ bầu cử. Trong xã hội dân chủ, bầu cử trở thành “công cụ” hữu hiệu nhất để buộc các đại biểu dân cử phải coi trọng lợi ích của cử tri, liên hệ chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri, nhất là cử tri ở đơn vị bầu cử. Ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Lào, chế độ bầu cử đại biểu Quốc hội hiện hành bộc lộ nhiều bất cập trước bối cảnh mới về chính trị – xã hội. Quyền bầu cử và ứng cử chưa được bảo đảm trên thực tế; tính cạnh tranh trong bầu cử không cao; nguyên tắc bầu cử tự do chưa được ghi nhận; nguyên tắc phổ thông, bình đẳng chưa được bảo đảm đầy đủ; bầu cử vẫn mang tính hình thức; công tác quản lý, tổ chức bầu cử chưa thực sự bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan và công bằng… Thực trạng này đặt ra những đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới chế độ bầu cử đại biểu Quốc hội ở CHDCND Lào để bảo đảm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền.
2. Những yêu cầu đổi mới chế độ bầu cử đại biểu Quốc hội ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào
Thứ nhất, đổi mới chế độ bầu cử đại biểu Quốc hội Lào phải phù hợp với quy định của Hiến pháp Lào năm 2015 về bầu cử đại biểu Quốc hội. Hiến pháp năm 2015 ghi nhận quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân thể hiện bản chất Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, do đó, đổi mới chế độ bầu cử đại biểu Quốc hội phải bảo đảm chủ trọng đến mục đích quyền lực nhà nước. Đổi mới phải theo hướng bảo đảm các quyền bầu cử và ứng cử. Công dân không có bất kỳ sự phân biệt nào đều có điều kiện để thực hiện quyền bầu cử và có cơ hội để trở thành ứng cử viên. Nhà nước có trách nhiệm tạo mọi thuận lợi cả về cơ sở pháp lý và điều kiện thực tế để công dân thực hiện các quyền bầu cử một cách đầy đủ, thực chất1.
Thứ hai, yêu cầu đổi mới chế độ bầu cử đại biểu Quốc hội phải phù hợp yêu cầu đổi mới hệ thống chính trị và phát huy dân chủ ở Lào. Quá trình thực hiện pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội luôn nhận được sự chỉ đạo, lãnh đạo thống nhất, toàn diện, sát sao của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, đồng thuận của đồng bào, cử tri cả nước. Do đó, đổi mới chế độ bầu cử vừa là nội dung, vừa là phương thức để thực hiện đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền và thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa đời sống chính trị – xã hội. Do vậy, đổi mới chế độ bầu cử đại biểu Quốc hội phải đặt trong bối cảnh chung và tuân theo những nguyên tắc, quan điểm, lộ trình và cách thức triển khai thực hiện chủ trương đổi mới hệ thống chính trị.
Việc phân định vai trò, nhiệm vụ và cách thức lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác bầu cử của các cơ quan, tổ chức trong quá trình đổi mới chế độ bầu cử cần phù hợp với thực tiễn đổi mới vai trò, vị trí, tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của từng cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Thứ ba, đổi mới chế độ bầu cử đại biểu Quốc hội phải bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng và phát huy vai trò của các cơ quan, tổ chức khác. Đảng lãnh đạo là nguyên tắc hiến định phản ánh yêu cầu khách quan trong xây dựng và phát triển đất nước. Thực tiễn đã chứng minh sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định đến mọi thắng lợi của cách mạng ở CHDCND Lào.
Trong thực tiễn bầu cử, các cấp ủy Đảng đã ban hành các chỉ thị quán triệt các yêu cầu, mục đích đặt ra cho mỗi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội; lãnh đạo các cơ quan, tổ chức tích cực tham gia triển khai bầu cử theo chức năng và nhiệm vụ; lãnh đạo, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia xây dựng chính quyền; đào tạo, bồi dưỡng, phân công và giới thiệu những đảng viên ưu tú ứng cử để cử tri bầu làm đại biểu Quốc hội. Giữ vị trí lãnh đạo đối với toàn bộ hệ thống chính trị nhưng Đảng không đứng trên và làm thay Nhà nước trong công tác tổ chức bầu cử, không làm thay Mặt trận Lào xây dựng đất nước trong công tác hiệp thương và thay Nhân dân trong việc quyết định lựa chọn người đại diện cho mình.
2. Những hạn chế, bất cập trong chế độ bầu cử đại biểu Quốc hội ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào
So với những kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội trước đây, việc triển khai công tác bầu cử lần này có nhiều điểm mới theo Hiến pháp năm 2015, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2015. Ủy ban Bầu cử Quốc gia lần đầu tiên được quy định trong Hiến pháp năm 2015 là một thiết chế có cơ cấu tổ chức phù hợp nhằm hạn chế những bất cập trong tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn bầu cử trước đây, đồng thời phát huy hơn nữa quyền làm chủ của Nhân dân. Các quy trình chuẩn bị, tiến hành bầu cử được quy định và hướng dẫn cụ thể hơn, giúp cho việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức bầu cử thống nhất, có nhiều thuận lợi, bảo đảm dân chủ và cũng chặt chẽ hơn.
Nhìn chung, các cuộc bầu cử ở Lào đều được thực hiện trên tinh thần dân chủ, thể hiện ở việc tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu rất cao; phản ánh tính tích cực và ý thức chính trị của nhiều tầng lớp nhân dân trong bầu cử và trong việc chủ động xây dựng chính quyền, ý thức thực hiện quyền làm chủ của người dân cũng như sự chủ động trong công tác tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, các phương tiện truyền thông về bầu cử. Tuy nhiên, với những yêu cầu đặt ra thì còn một số hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, cụ thể là:
(1) Hầu hết các địa phương trên cả nước đều có xu hướng tổ chức các đơn vị bầu cử được bầu tối đa 3 đại biểu, số lượng đơn vị bầu cử được bầu 3 đại biểu nhiều hơn đơn vị được bầu 2 đại biểu2. Do mỗi đơn vị bầu cử được bầu nhiều đại biểu nên chưa phân định rõ ràng trách nhiệm cá nhân của đại biểu với trách nhiệm tập thể của các đại biểu trong cùng đơn vị. Chưa tạo được mối quan hệ gắn bó, có trách nhiệm giữa đại biểu Quốc hội với cử tri. Ngược lại, cử tri khó quan tâm, theo dõi, giám sát, đánh giá được hoạt động của đại biểu để qua đó kiểm soát quyền lực nhà nước.
(2) Vẫn tồn tại một bộ phận không nhỏ những người thờ ơ, lãnh đạm với bầu cử, chưa thực sự tích cực thực thi quyền chính trị quan trọng của mình. Tâm trạng bỏ phiếu cho xong, thờ ơ với quyền bầu cử… Hiện tượng bỏ phiếu đại diện cũng diễn ra tương đối phổ biến ở một số địa phương, tình trạng cử một người đứng đầu hộ gia đình hoặc đại diện của một hộ đi bỏ phiếu thay cho cả gia đình cũng đã trở thành phổ biến ở một số khu vực vùng cao của Lào. Bên cạnh đó, còn bất cập đối với vấn đề tổ chức bầu cử cho cử tri ở nước ngoài tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội.
(4) Về vấn đề bầu cử thêm, bầu cử lại chưa được quy định trong luật, do vậy, trong trường hợp phải hủy bỏ kết quả bầu cử vì các nguyên nhân khiến cho địa phương rơi vào tình trạng đang bị khuyết đại biểu Quốc hội.
(5) Thủ tục hiệp thương trong bầu cử đôi khi lại là một rào cản đối với quyền ứng cử của công dân, bởi thực tế cho thấy, quá trình hiệp thương về cơ bản là quá trình hợp thức hóa sự lãnh đạo, định hướng của cấp trên đối với vấn đề nhân sự, nên quá trình tìm kiếm người tài đức để giới thiệu cho người dân bầu chưa phát huy được hiệu quả3. Ngoài ra, chế độ bầu cử ở Lào hiện nay chưa thật sự quan tâm đến vận động bầu cử, hay nói cách, khác chưa sẵn sàng để tiếp nhận yếu tố cạnh tranh trong bầu cử nói chung và trong vận động bầu cử nói riêng.
(6) Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội còn quy định quá chung chung nên việc hiệp thương lựa chọn người ứng cử thiếu những chuẩn mực cụ thể, dẫn đến một số nơi chất lượng người được giới thiệu ứng cử cũng chưa thật tốt. Khả năng bỏ sót những ứng cử viên có tài, có đức mong muốn tham gia quản lý nhà nước là rất cao. Điều này cho thấy, công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Lào vẫn còn nhiều hạn chế mà nguyên nhân lớn nhất là do sự thiếu vắng của các quy định pháp luật về bầu cử và quan điểm, nhận thức của người dân về bầu cử đại biểu Quốc hội.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về bầu cử đại biểu Quốc hội.
Nhận thức lý luận về dân chủ và Nhà nước pháp quyền tại CHDCND Lào đã có bước phát triển, nhiều giá trị phổ quát được tiếp cận nghiên cứu và tiếp thu để vận dụng phù hợp với điều kiện đất nước. Tuy nhiên, quá trình đổi mới chế độ bầu cử đại biểu Quốc hội ở CHDCND Lào những năm gần đây chưa tạo được những bước đột phá.
Đổi mới tư duy, nhận thức là yếu tố khởi đầu, có tính quyết định đến kết quả quá trình tiếp tục đổi mới chế độ bầu cử đại biểu Quốc hội. Trong đó: (1) Chế độ bầu cử tự do và công bằng trong bất kỳ nền dân chủ nào, không phân biệt chế độ chính trị, luôn vận hành theo các nguyên tắc phổ quát và tiêu chuẩn tiến bộ. Không chỉ có chế độ chính trị đa đảng thì mới có bầu cử tự do và công bằng, bầu cử mới mang tính cạnh tranh, chế độ bầu cử dân chủ và tiến bộ cũng có thể được vận hành ở cả hệ thống chính trị nhất nguyên một đảng lãnh đạo. (2) Bầu cử là hình thức dân chủ trực tiếp nên sự lựa chọn của nhân dân là yếu tố duy nhất quyết định kết quả bầu cử (bầu cử không phải là công cụ của Nhà nước hay đảng chính trị để thành lập nên bộ máy nhà nước theo ý chí của mình). (3) Bầu cử là quyền mà không phải là nghĩa vụ; (4) Đổi mới chế độ bầu cử đại biểu Quốc hội được xem là giải pháp để cải cách bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Vì vậy, đổi mới chế độ bầu cử hiện nay là giải pháp để mở rộng và phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm chủ quyền nhân dân, đáp ứng nhu cầu dân chủ của các tầng lớp nhân dân trong bầu cử và ứng cử.
Việc nâng cao nhận thức lý luận về tính đại diện của đại biểu Quốc hội trong quá trình thực hiện quyền lực của nhân dân có sự kết hợp cơ chế đại diện theo cơ cấu, thành phần xã hội với đại diện theo khu vực địa lý. Đại biểu Quốc hội cần gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri, nhất là cử tri ở đơn vị bầu cử. Ngoài ra, cơ cấu, thành phần trở thành tiêu chí bổ sung để bảo đảm tính đại diện hợp lý cho các nhóm yếu thế, đặc thù như phụ nữ, dân tộc, tôn giáo bằng các quy định cụ thể và bằng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tiến cử, giới thiệu nhân sự ứng cử, khắc phục những điểm hạn chế của cơ chế đại diện theo tiêu chí dân số.
Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội.
Cần xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội một cách chặt chẽ, rõ ràng. Chẳng hạn như, ngoài 6 tiêu chuẩn đã được quy định thì đại biểu Quốc hội phải có am hiểu tương đối toàn diện các mặt của đời sống kinh tế – xã hội, có khả năng phân tích, tổng hợp, tư duy phản biện, có kỹ năng diễn đạt và biểu đạt ý kiến. Về trình độ, có thể quy định rõ đại biểu Quốc hội cần có năng lực trình độ văn hóa và nghiệp vụ từ trung học trở lên để thực hiện nhiệm vụ đại biểu, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; trường hợp đặc biệt do Ủy ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn hay về điều kiện tham gia các hoạt động của đại biểu Quốc hội có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội, trong đó đại biểu Quốc hội không chuyên trách phải dành ít nhất hai phần ba thời gian để làm nhiệm vụ đại biểu.
Cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về bảo đảm quyền bầu cử đại biểu Quốc hội. Trong đó, pháp luật cần quy định thêm vấn đề bầu cử lại, bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội ở các đơn vị bầu cử khuyết, thiếu đại biểu so với số lượng đại biểu đã được ấn định cho đơn vị đó khi còn lại ít nhất một phần ba nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, quyền bãi nhiệm đại biểu Quốc hội cũng là quyền bầu cử hiểu theo nghĩa rộng. Quyền bãi nhiệm đại biểu trên thực tế chỉ thực sự có ý nghĩa khi gắn với quyền khởi xướng, kiến nghị, đề xuất bãi nhiệm của cử tri. Do vậy, cần quy định về phương thức để cử tri thực hiện quyền kiến nghị bãi nhiệm, cách thức tổng hợp kiến nghị, tỷ lệ hay số lượng cử tri tối thiểu kiến nghị để một cuộc bãi nhiệm trở thành hiện thực…
Ngoài ra, cũng cần lưu ý quy định về quyền bầu cử, ứng của của công dân Lào ở nước ngoài. Đây là vấn đề còn bỏ ngỏ của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội ở Lào hiện nay. Pháp luật Lào nên có quy định về việc tổ chức bầu cử cho bộ phận lớn dân cư này tại các quốc gia trên thế giới thông qua Đại sứ quán Lào ở các nước để bảo đảm tối đa quyền chính trị cho họ. Đặc biệt, nên có những quy định về quyền ứng cử của công dân đang học tập, công tác ở nước ngoài có cơ hội tham gia vào Quốc hội.
Cần đổi mới các quy định pháp luật về công tác dự kiến và phân bổ số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội theo hướng: (1) Bảo đảm mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất hai đại biểu cư trú vàlàm việc tại địa phương, số lượng hai đại biểu bảo đảm yêu cầu bố trí cán bộ gồm một đại biểu chuyên trách và một lãnh đạo địa phương trong tổ chức các đoàn đại biểu Quốc hội; (2) Bảo đảm quyền được ứng cử của công dân các dân tộc thiểu số với ít nhất 20% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số; (3) Bảo đảm tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ giới trong tổng số đại biểu Quốc hội có thể trúng cử; (4) Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong phân chia các đơn vị bầu cử, ấn định số đại biểu được bầu của mỗi đơn vị bầu cử trên cơ sở dân số.
Yêu cầu đổi mới các quy định về quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử vào Quốc hội, vận động bầu cử theo hướng cạnh tranh. Để quá trình hiệp thương thực sự dân chủ cần có sự nhận thức đúng về vai trò của hiệp thương trong bầu cử. Cần quán triệt rõ quan điểm hiệp thương không phải là phương thức để thực hiện giới thiệu người ứng cử theo đúng dự kiến của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tránh tình trạng gò ép, áp đặt và làm hạn chế quyền lựa chọn của cử tri, mà hiệp thương phải là bệ phóng cho mọi công dân tâm huyết với công việc chung, thông qua hiệp thương Mặt trận Xây dựng đất nước Lào từ trung ương đến cơ sở lựa chọn nhân tài ra ứng cử. Các hội nghị hiệp thương được tổ chức theo nguyên tắc dân chủ, lấy tự nguyện, đồng thuận làm tiền đề, tránh tình trạng áp đặt.
Cần đổi mới các quy định về phương thức vận động bầu cử, tiếp xúc cử tri. Ngoài hình thức tiếp xúc cử tri, trả lời phỏng vấn, pháp luật cần công nhận quyền tự vận động tranh cử của ứng cử viên và quy định bổ sung các hình thức vận động khác, như: vận động bầu cử trên Internet (qua các trang web cá nhân, mạng xã hội…); thành lập các trang web, các ngân hàng dữ liệu cung cấp các thông tin cơ bản về các ứng viên và các hướng dẫn trên phương tiện thông tin đại chúng về cách tra cứu cho cử tri trên phạm vi toàn lãnh thổ; phát tờ rơi; tham dự và phát biểu vận động tại các diễn đàn mà họ là thành viên; trực tiếp gặp gỡ với cử tri ở đơn vị bầu cử, tiếp xúc cử tri theo giới, ngành… Bảo đảm bình đẳng trong vận động bầu cử là tạo ra khả năng để các ứng cử viên có thể vận động bầu cử phù hợp với điều kiện của mình bằng các hình thức vận động hợp pháp. Đổi mới quy trình tiếp xúc cử tri vận động tranh cử theo hướng tăng cường trao đổi, tranh luận giữa các ứng cử viên, đối thoại giữa ứng cử viên với cử tri về những vấn đề cùng quan tâm, tạo điều kiện để các ứng cử viên thể hiện quan điểm, năng lực, trình độ và khả năng thuyết phục cử tri.
4. Kết luận
Đổi mới chế độ bầu cử đại biểu Quốc hội là một yêu cầu cấp thiết ở CHDCND Lào hiện nay, yêu cầu được tiến hành theo hướng xây dựng một chế độ bầu cử dân chủ và tiến bộ, đặt trong bối cảnh tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền… Việc đổi mới mang tính toàn diện nhưng được triển khai từng bước, phù hợp với điều kiện và bối cảnh của đất nước. Nội dung đổi mới đồng bộ, được thực hiện ở tất cả các yếu tố cấu thành của chế độ bầu cử đại biểu Quốc hội từ bảo đảm quyền bầu cử, ứng cử đến công tác tổ chức, quản lý bầu cử.
Chú thích:
1. Khamphanh Sophabmixay (2010). Quyền lực chính trị của nhân dân lao động ở Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. NXB và Phát hành sách Quốc gia Lào, Viêng Chăn.
2. Ủy ban bầu cử Quốc gia (2021). Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (khóa IX) và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (khóa II), nhiệm kỳ 2021 – 2025.
3. Chanpeng Silivan (2015). Vai trò của hiệp thương trong giới thiệu người ứng cử ở nước CHDCND Lào.Tạp chí Mặt trận của Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước, số 12/2015.
Tài liệu tham khảo:
1. Ủy ban Bầu cử Quốc gia (2016). Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (khóa VIII) và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (khóa I), nhiệm kỳ 2016 – 2021, Viêng Chăn.
2. Vanh-seng Keo-Boun-Phanh (2016). Xây dựng nhà nước pháp quyền Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của dân, do dân và vì dân. Luận án tiến sĩ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.