Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững – vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước tại tỉnh Thừa Thiên Huế

ThS. Trương Thùy Hương
Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Quảng Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển kinh tế tuần hoàn tiến tới phát triển kinh tế xanh là chiến lược phát triển bền vững mà các nhà quản lý lựa chọn để đạt được mục tiêu về kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường và con người, hạn chế sự tác động của biến đổi khí hậu. Phát triển kinh tế tuần hoàn tiến tới phát triển kinh tế xanh là chiến lược được tỉnh Thừa Thiên Huế lựa chọn làm hướng phát triển, thể hiện tầm nhìn trong chiến lược quản lý nhà nước tại địa phương.

Từ khóa: Kinh tế xanh; kinh tế tuần hoàn; chiến lược phát triển bền vững; quản lý nhà nước; Thừa Thiên Huế.

1. Đặt vấn đề

Nền kinh tế truyền thống (kinh tế tuyến tính, kinh tế nâu) đã giúp Việt Nam phục hồi nhanh sau thời gian dài chiến tranh. Bên cạnh kết quả phục hồi, tăng trưởng kinh tế thì mô hình kinh tế truyền thống đã gây ra những vấn đề môi trường không nhỏ, như sự gia tăng rác thải, tăng tiêu thụ tài nguyên, năng lượng. Chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, tiến tới phát triển kinh tế xanh là tất yếu khách quan cho sự phát triển của các quốc gia trong bối cảnh hiện nay.

Những chủ trương, nhiệm vụ và mục tiêu, giải pháp trong vấn đề chuyển đổi tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn được ghi nhận trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Chiến lược phát triển bền vững qua từng giai đoạn. Đặc biệt, trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Việt Nam phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là xu thế tất yếu và là sự lựa chọn tiên quyết trong vấn đề phát triển bền vững.

Phát triển kinh tế tuần hoàn tiến tới phát triển kinh tế xanh là chiến lược được chính quyền các cấp tỉnh Thừa Thiên Huế và người dân địa phương chọn làm hướng phát triển trong giai đoạn hiện nay.

2. Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh ở Việt Nam

Kinh tế tuần hoàn là hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Kinh tế tuần hoàn góp phần giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng giá trị cho doanh nghiệp (Ellen MacArthur Foundation, 2013). Kinh tế tuần hoàn là chu trình sản xuất khép kín từ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Với các nguyên tắc: giảm thiểu phát thải ra môi trường thông qua quá trình tái chế, tận dụng phế liệu trở thành sản phẩm đầu vào sản xuất của ngành khác; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguyên liệu, năng lượng, đặc biệt sử dụng nguyên liệu, năng lượng có khả năng tái tạo. 

Kinh tế xanh: có nhiều định nghĩa về kinh tế xanh, định nghĩa của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) được coi là chính xác, đầy đủ nhất: “Kinh tế xanh là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Một nền kinh tế xanh có thể được coi là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội”1

Kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh còn hướng tới nguyên tắc an sinh, công bằng, hiệu quả và đầy đủ,quản trị tốt và nguyên tắc ranh giới quốc gia. Từ đó, kinh tế xanh thực hiện vai trò khuyến khích phát triển bền vững hơn, giúp chống lại biến đổi khí hậu, cải thiện hệ sinh thái, tăng cường công bằng.

Phát triển bền vững: Ủy ban Môi trường và Phát triển thế giới (WCED) định nghĩa: “Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại tới khả năng đáp ứng các nhu cầu của thế hệ tương lai”.

Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 của Việt Nam giải thích: “Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường”.

Việt Nam điều chỉnh các chính sách, pháp luật đã chuyển hướng phát triển đất nước theo hướng bền vững, phát triển kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Từ Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia các giai đoạn, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn năm 2050, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và năm 2015, Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Đất đai năm 2013, năm 2024 và nhiều văn bản dưới luật để đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, còn xác định các yếu tố chính để phát triển nền kinh tế xanh là xây dựng được hệ sinh thái xanh (chủ thể xanh; chiến lược tăng trưởng xanh; khung pháp lý xanh; môi trường kinh tế – xã hội xanh; quản trị xanh; nguồn lực xanh; liên kết xanh và phương tiện vận hành xanh).

Trong nông nghiệp, việc sử dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp khá phổ biến. Điển hình là mô hình vườn, ao, chuồng (VAC), mô hình vườn, rừng, ao, chuồng (VRAC) và xử lý chất thải bằng Biogas, mô hình trồng cây theo tiêu chuẩn sinh thái để tham gia vào môi trường xuất khẩu…

Trong công nghiệp, mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp: phát triển năng lượng điện “xanh” – điện gió, điện mặt trời; tận dụng phế phẩm, phụ phẩm trong sản xuất được áp dụng ở nhiều doanh nghiệp để làm vật liệu xây dựng, tái sản xuất như bã mía, xỉ tro… hay mô hình công nghiệp sinh thái mới. 

Sản xuất, tiêu dùng “xanh”, “sạch” được người dân, doanh nghiệp cam kết thực hiện. Qua khảo sát, có đến 86% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm đến từ thương hiệu có ảnh hưởng tích cực đến xã hội và môi trường3. Đây là định hướng cho doanh nghiệp nghiên cứu phát triển sản phẩm “xanh” và “sạch”.

Tuy nhiên, việc đánh giá các mô hình phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, tuần hoàn, bền vững ở Việt Nam chỉ áp dụng hạn chế trong một số lĩnh vực, một số tỉnh, chưa thực sự tạo ra sức lan tỏa lớn trong cộng đồng sản xuất và xã hội. 

3. Thực trạng quản lý nhà nước về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Từ cơ sở lý luận và thực tiễn cho thấy, việc lựa chọn phát triển kinh tuần hoàn và đặc biệt trong giai đoạn hiện nay là phát triển kinh tế xanh là tất yếu. Việc tập trung vào các ngành mũi nhọn trong nông, lâm, ngư nghiệp, xây dựng, công nghiệp, chế tạo, may mặc, du lịch và giao thông vận tải dựa trên lượng phát thải khí thải nhà kính và quy mô đầu tư cơ sở hạ tầng theo kế hoạch thể hiện tầm quản lý chiến lược phát triển bền vững của tỉnh. Trong thời gian qua, đã đạt được một số kết quả sau:

Một là, UBND tỉnh kịp thời ban hành Kế hoạch số 491/KH-UBND ngày 30/12/2022 về triển khai Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Quyết định số 3175/QĐ-UBND ngày 27/12/2022 phê duyệt Kế hoạch hành động triển khai Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Mặt khác, tỉnh còn xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp; tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư thu hút nguồn lực, đặc biệt trong khu vực kinh tế tư nhân gắn với phát triển hạ tầng giao thông, đô thị và những ngành, lĩnh vực kinh tế có tiềm năng, lợi thế theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển tuần hoàn. 

Năm 2022 và 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế nằm ở top 10 địa phương có chỉ số PCI, PGI cao nhất4. Đây là khẳng định cho việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững.

Các địa phương đã triển khai có hiệu quả các hoạt động: toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng – xanh – sạch, như: phân loại rác thải, không rác thải, thành phố 4 mùa hoa, Đề án Ngày Chủ Nhật xanh… Theo đó, thành phố Huế được công nhận là “Thành phố Xanh quốc gia”.

Hai là, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế từng giai đoạn theo hướng chuyển dịch cơ cấu, cơ cấu lại ngành kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của những ngành mũi nhọn, thu hút vốn đầu tư. 

Bảng 1. Một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm 2022 – 2024

STTNội dungNăm 2022Năm 20239 tháng năm 2024 
IKinh tế   
1Tốc độ tăng trưởng GRDP (%)8,567,037,34
2GRDP đầu người (USD/người)2.4292.665 3.000
3Thu ngân sách nhà nước (tỷ đồng)12.78111.0008.550
4Tổng vốn đầu tư toàn xã hội (tỷ đồng)28.00029.45923.303
IIXã hội   
1Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề (%)6870,2572,5
2Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn (%)4,132,271,76
IIIMôi trường   
1Tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch (%)969798
2Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường (%)5066,783,3
3Độ che phủ rừng (%)57,357,1557,16
Nguồn: Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2022, 2023 và tháng 9 năm 2024 của UBND tỉnh Thừa thiên Huế.

Theo báo cáo năm 2023, chuyển dịch cơ cấu, tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh đang thực hiện đúng định hướng; trong đó, nông nghiệp chiếm 10,9%; công nghiệp và xây dựng chiếm 32,6%; dịch vụ chiếm 48% (thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm là 8,5%5. Trong 9 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,2% so với cùng kỳ (trong đó, vốn đầu tư của người dân 6.096,3 tỷ đồng, vượt 5% kế hoạch, tăng 13,4%; vốn viện trợ nước ngoài 500 tỷ đồng, bằng 51,3% kế hoạch, giảm 2%; vốn đầu tư nước ngoài 3.561,7 tỷ đồng, vượt 1,8% kế hoạch, tăng 35%..)6. Cụ thể:

Về công nghiệptỉnh tập trung phát triển nguồn nguyên liệu tại chỗ, nguồn nhân lực chất lượng cao và liên kết với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh, tăng dần ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, tỉnh đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, khu kinh tế cửa khẩu A Đớt; phát triển các khu công nghiệp chức năng, phát triển cụm công nghiệp chủ yếu nhằm phục vụ nhu cầu di dời các cơ sở sản xuất xen lẫn khu vực dân cư; các dự án đầu tư sản xuất các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, ngành, nghề truyền thống; các dự án có quy mô nhỏ gắn với vùng nguyên liệu và nguồn lao động của địa phương. 

Lũy kế 9 tháng ước tăng 4,8%, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 3,4% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 5,9%; sản xuất và phân phối điện, nước đá ước giảm 4,8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,1%7.

Về nông, lâm, ngư nghiệp: ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và thương hiệu nông sản. Tập trung cơ cấu lại theo hướng ưu tiên phát triển các nhóm sản phẩm là chủ lực quốc gia, chủ lực cấp tỉnh. Cụ thể: phát triển nông nghiệp hữu cơ phù hợp với đặc thù vùng với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)8.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có khoảng 500 ha lúa, ngô… sản xuất hữu cơ theo chuỗi giá trị; 42 hộ dân và 2 hợp tác xã đang hợp tác phát triển chăn nuôi lợn hữu cơ, an toàn sinh học, liên kết theo chuỗi giá trị.

Lâm nghiệp: duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 57,16%; diện tích nuôi trồng thủy sản tăng 1,3% so với cùng kỳ; sản xuất giống tăng 1,7%. Đặc biệt, triển khai thí chương trình chi trả giảm phát khí thải thông qua tài khoản ngân hàng hoặc đơn vị bưu chính viễn thông công ích cho 800 chủ rừng với hơn 37,5 tỷ đồng.

Ngư nghiệp: sản lượng thủy sản thu hoạch nuôi trồng và khai thác ước đạt 53.095 tấn, trong đó: nuôi trồng tăng 4,9%; khai thác tăng 2,3% kế hoạch trong 9 tháng đầu năm 2024.

Về du lịch: cơ cấu dịch vụ lại theo hướng đồng bộ, hiệu quả dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu khoa học – công nghệ hiện đại. Năm 2024, thực hiện chương trình “Thực hành giảm thải nhựa trong ngành Du lịch nhằm góp phần đưa Huế trở thành đô thị giảm nhựa vào năm 2024” hướng đến xây dựng môi trường du lịch Huế xanh – sạch – sáng, thân thiện môi trường và hấp dẫn du khách. Lũy kế 9 tháng năm 2024, lượng khách du lịch tăng 26,7% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế tăng 33,6%, doanh thu tăng 15,3% so với cùng kỳ9.

Ba làđầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ thúc số, xây dựng chính quyền số, xã hội số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, xây dựng môi trường “xanh”.

Thừa Thiên Huế đưa ứng dụng Huế-S trong công tác quản lý đô thị thông minh; hợp tác có hiệu quả với Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) trong nghiên cứu triển khai sáng kiến giao thông điện xanh để giảm lượng khí thải trong giao thông vận tải; hợp tác với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) trong Dự án xử lý môi trường nước thành phố Huế; hợp tác với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) trong “Dự án xây dựng TP. Huế – Văn hóa và Du lịch thông minh”; hợp tác với Công ty China Everbright International Limited về Dự án xây dựng Nhà máy điện rác Phú Sơn với công suất 600 tấn/ngày. Đặc biệt, thông qua chương trình dự án đầu tư cho nghiên cứu phát triển chuyển đổi vật liệu để nghiên cứu phân tích dòng vật liệu nhằm đánh giá tác động kinh tế xã hội và môi trường. 

Bên cạnh các kết quả đạt được, các chính sách, quy định và thực hiện phát triển kinh tế tại tỉnh theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh còn tồn tại các hạn chế sau:

Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý về quy định kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn còn những hạn chế nhất định, vẫn đang ở tình trạng vừa làm vừa điều chỉnh. Việc xây dựng “khung pháp lý xanh” là yêu cầu cấp bách để minh bạch trong vấn đề quản lý, thu hút đầu tư.

Thứ hai, nhận thức về tầm quan trọng về phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh của lãnh đạo tỉnh, cán bộ doanh nghiệp và người dân đã có sự thay đổi. Tuy nhiên, để đổi mới hoàn toàn từ tư duy đến hành động còn là khoảng cách lớn. Để làm được điều đó, vấn đề đổi mới tư duy trong lãnh đạo, quản lý là yếu tố hàng đầu đặt ra.

Thứ ba, nguồn nhân lực chất lượng cao tại địa bàn tỉnh không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển trong nhiều lĩnh vực, sự chuyển dịch cấu trúc nguồn nhân lực sang hướng tăng trưởng xanh, bền vữngcòn chậm. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chưa thật sự sát với thực tế yêu cầu đề ra.

Thứ tư, nguồn lực thực hiện phát triển bền vững. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến việc thực hiện phát triển kinh tế theo kế hoạch đề ra. Tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến từ năm 2021 – 2025, mức đầu tư 25.000 tỷ đồng hàng năm vào khu vực và đầu tư công. Trong đó, Nhà nước chỉ đáp ứng được 30%, còn lại huy động từ nguồn xã hội hóa, do vậy, đây cũng là khó khăn trong kế hoạch đề ra10.

Thứ năm, áp dụng khoa học – công nghệ để phát triển kinh tế đang còn nhiều lạc hậu do kinh doanh nhỏ, manh mún chiếm tỷ trọng cao. Doanh nghiệp, cá nhân không có kinh phí để đầu tư khoa học – công nghệ hiện đại.

4. Một số đề xuất nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Một là, ban hành khung pháp lý từ trung ương đến địa phương tạo hành lang pháp lý cho nền kinh tế vận hành trên thực tế, mở rộng không gian phát triển cho doanh nghiệp, cá nhân. 

Xây dựng chính sách, cơ chế mở thu hút “vốn đầu tư xanh”, “tài chính xanh” để hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển “tiêu dùng xanh”… thông qua học hỏi kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và thực tế Việt Nam, địa phương để xây dựng phù hợp.

Hai là, xây dựng kế hoạch đào tạo và quy hoạch nguồn nhân lực quản lý, thực hiện đáp ứng được sự biến đổi của khoa học – công nghệ… Đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải chuyển đổi chương trình, mô hình đào tạo theo hướng ứng dụng cao. 

Ba là, dựa trên nguồn lực có hạn, cần tập trung nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực trọng yếu theo từng giai đoạn cụ thể, tránh dàn trải. Từ cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật đã có, ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại nghiên cứu vật liệu mới, vật liệu thay thế.

Bốn là, ứng dụng khoa học hiện đại trong công tác quản lý, điều hành; ứng dụng công nghệ  xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành để phân tích, dự báo phát triển kinh tế địa phương.

Năm là, tuyên truyền, phổ biến vai trò của phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong phát triển bền vững cho các cấp, doanh nghiệp, người dân. Nếu không có sự đồng thuận cao thì không thể thực hiện được. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát từ khâu lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và tổng kết đánh giá.

5. Kết luận

So với tốc độ tăng trưởng kinh tế của một số địa phương thì tỉnh Thừa Thiên Huế ở mức trung bình. Với chủ trương không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng thể hiện trong việc Thừa Thiên Huế từ chối khá nhiều dự án lớn tạo đột phá trong thu ngân sách. Với quyết tâm lựa chọn bảo đảm tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững hướng tới phát triển bền vững, chắc chắn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đạt được những thành công trong phát triển kinh tế – xã hội gắn với phát triển bền vững.

Chú thích:
1. Phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam: thực trạng và giải pháp. https://vioit.org.vn/vn/chien-luoc-chinh-sach/phat-trien-kinh-te-xanh-o-viet-nam–thuc-trang-va-giai-phap-5941.4050.html
2. Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Thế Chinh, Trần Văn Ý (2020). Mối quan hệ giữa tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và Phát triển bền vững. Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số 5(504).
3. Thúc đẩy phát triển tiêu dùng xanh ở Việt Nam. https://tapchitaichinh.vn/thuc-day-phat-trien-tieu-dung-xanh-o-viet-nam.html
4. Xếp hạng trong chỉ số xanh cấp tỉnh (1-63) Thừa Thiên Huế. https://pcivietnam.vn/pgi/ho-so-tinh/tthue
5. Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (2023). Báo cáo số 650/BC-UBND ngày 29/12/2023 về tình hình Kinh tế – xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023
6, 7, 8, 9. Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (2024). Báo cáo số 480/BC-UBND ngày 30/9/2024 về về tình hình Kinh tế – xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế tháng 9 năm 2024 và 9 tháng năm 2024.
10. Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (2021). Kế hoạch số 348/KH-UBND ngày 09/11/2021về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2014). Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
2. Quốc hội (2020). Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật.
4. Thừa Thiên Huế ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, bền vững. https://baodautu.vn/thua-thien-hue-uu-tien-phat-trien-cong-nghiep-xanh-ben-vung-d207891.html
5. Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay. https://tapchitaichinh.vn/phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-o-viet-nam-hien-nay.html
6. Tăng trưởng kinh tế của Thừa Thiên Huế xếp thứ 28 cả nước. https://vneconomy.vn/tang-truong-kinh-te-cua-thua-thien-hue-xep-thu-28-ca-nuoc.htm
7. Phân tích hiệu quả kinh doanh tại các doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/10/10/phan-tich-hieu-qua-kinh-doanh-tai-cac-doanh-nghiep-ap-dung-kinh-te-tuan-hoan-o-viet-nam/
8. Phát triển kinh tế xanh – Góc nhìn từ TP. Hồ Chí Minh. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/05/30/phat-trien-kinh-te-xanh-goc-nhin-tu-tp-ho-chi-minh/
9.  EEA: “Circular by design: Products in the circular economy”, European Environment Agency, Copenhagen, 2017.
10. Ellen MacArthur Foundation. Towards the circular economy: Economic and business rationale for an accelerated transition, 2013.
11. Martin Geissdoerfer, Paulo Savaget, Nancy M.P.Bocken, Erik Jan Hultink: The Circular Economy – A new sustainability paradigm?. Journal of Cleaner Production, Volume 143, 2017, Pages 757-768, ISSN 09596526, 
12. Pearce, D.W. and R.K. Turner (1990). Economics of Natural Resources and the Environment, Hemel Hempstead: Harvester Wheatsheaf.