Tập quán của các tộc người thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc tác động đến việc xây dựng nông thôn mới hiện nay

TS. Bàn Tuấn Năng
Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói chung, các tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Mặc dù, thời gian qua đã có nhiều nỗ lực của các cấp chính quyền và các tổ chức chính trị – xã hội từ trung ương tới địa phương trong việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nhưng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc, một số tiêu chí rất khó hoàn thành, bởi những trở ngại, rào cản trong tập quán của các tộc người. 

Từ khoá: Tập quán; tộc người thiểu số; khu vực miền núi phía Bắc; xây dựng nông thôn mới; tác động; đồng bào; cộng đồng. 

1. Đặt vấn đề

Khu vực miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh, với tổng diện tích là 95.222,3 km2 (chiếm 28,75% diện tích của cả nước), dân số trung bình khoảng 11,98 triệu người (chiếm 12,93% dân số cả nước) với khoảng 30 dân tộc cùng sinh sống1. Vùng miền núi phía Bắc với lịch sử lâu đời, có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng – an ninh và đối ngoại của đất nước, là nơi cư trú của cộng đồng các dân tộc thiểu số, trong đó các dân tộc có dân số đông cư trú ở vùng miền núi phía Bắc, như: Tày, Nùng, Mông, Dao, Thái, Mường, Sán Chay, Sán Dìu,… Đây là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng của cả nước; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ; có tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu2.

Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong những năm qua. Ngay từ khi giành được độc lập, vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân và văn hóa làng xã luôn là mối quan tâm hàng đầu của Nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của quốc gia. Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã tiến hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển vùng nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi. Để đẩy mạnh công cuộc xây dựng và phát triển nông thôn, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ra nghị quyết chuyên đề về nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong bối cảnh phát triển mới. Đại hội Đảng lần thứ XI của Đảng chỉ rõ: “Triển khai chương trình Xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm của từng vùng theo các bước cụ thể vững chắc trong từng giai đoạn; giữ vững và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của nông thôn Việt Nam”3.

Nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, ngày 28/10/2008, Chính phủ đã có Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với mục tiêu: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại; tập trung đào tạo nguồn nhân lực ở nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn; nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn; xây dựng nông thôn mới bền vững theo hướng văn minh, giàu đẹp, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; đảm bảo điều kiện học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, thể dục – thể thao ở hầu hết các vùng nông thôn gần với các đô thị trung bình4.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai ở 14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, đó là, nhận thức về xây dựng nông thôn mới của người dân ngày càng được nâng lên và có nhiều sáng tạo, tích cực trong xây Nông thôn mới5. Nhằm thực hiện hiệu quả quá trình triển khai thực hiện chương trình Nông thôn mới ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trước hết cần phải làm rõ được những phong tục tập quán tộc người thiểu số đã và đang có những ảnh hưởng, tác động đến hiệu quả xây dựng của chương trình nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay. 

Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, để nâng cao hiệu quả xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi nói chung và vùng miền núi phía Bắc nói riêng cần tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp phù hợp đối với việc việc xây dựng nông thôn mới.

2. Yếu tố tích cực của tập quán ở các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc trong xây dựng nông thôn mới 

Thứ nhất, phát huy vai trò của tri thức địa phương trong xây dựng nông thôn mới.

Với các tộc người sinh sống ở các tỉnh miền núi phía Bắc, canh tác nương rẫy, sản xuất nông – lâm nghiệp là hoạt động kinh tế chủ yếu, dưới hình thức nền kinh tế cá thể, tự cung tự cấp. Phần lớn đồng bào các dân tộc như Mông, Nùng, Sán Chay chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất từ sản xuất nông nghiệp (trồng lúa nước hoặc ngô). Do vậy, khi xây dựng chiến lược phát triển kinh tế hộ đối với đồng bào dân tộc thiểu số cần định hướng phát triển nông – lâm nghiệp theo hướng chuyên môn hóa, dựa trên tập quán canh tác của đồng bào. 

Chương trình nông thôn mới đặt ra yêu cầu quan trọng là phải đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, ngành nghề nhằm nâng cao thu nhập cho hộ gia đình. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đa số đồng bào các dân tộc thiểu số chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, thì việc gắn với các hoạt động sản xuất cho năng suất cao là rất khó khăn. Xét ở một phương diện khác, nhờ vào quá trình sinh sống lâu dài, gắn bó mật thiết với điều kiện môi trường tự nhiên, đồng bào các dân tộc ở miền núi phía Bắc lại có vốn kiến thức am hiểu sâu rộng về thời tiết, thảm thực vật, các điều kiện phát triển phù hợp của những loại cây trồng truyền thống. Do đó, tri thức địa phương trong sản xuất nông nghiệp của các dân tộc, nhất là đối với các dân tộc ở vùng núi cao, như: Mông, Dao, Nùng, Hà Nhì, Lô Lô… khá phong phú. 

Trong khi đó, mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới là đưa các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào canh tác, chăn nuôi với kỳ vọng nâng cao năng suất chất lượng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều loại cây trồng, vật nuôi còn chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, rất khó có thể xóa bỏ toàn bộ phương thức canh tác vốn đã được tích lũy kinh nghiệm từ lâu đời của đồng bào để thay thế toàn bộ bằng kỹ thuật canh tác dựa trên công nghiệp hóa, cơ giới hóa. Vấn đề quan trọng là phải nghiên cứu kỹ lưỡng, tập trung rà soát, xây dựng quy hoạch đất đai, quy hoạch phát triển các loại cây, con phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh nghiệm sản xuất của người dân ở từng vùng nông – lâm nghiệp, phát huy lợi thế của từng vùng, đầu tư chuyên môn hoá trong sản xuất trồng trọt và chăn nuôi để hình thành các vùng chuyên canh, phát triển sản xuất hàng hóa dựa trên thế mạnh về điều kiện tự nhiên, tri thức kinh nghiệm của cộng đồng người dân. Qua nghiên cứu cho thấy, một số yếu tố tích cực trong phong tục tập quán của đồng bào hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình và hỗ trợ sản xuất thường được quan tâm, đề cập tới đó là: “tri thức địa phương, gồm: kinh nghiệm giữ và sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi truyền thống, kinh nghiệm canh tác trên địa hình đồi dốc, kinh nghiệm ứng phó với thời tiết và chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi….”6. Đối với mỗi dân tộc do phong tục tập quán khác nhau và cư trú trong những môi trường tự nhiên khác nhau nên họ có những phương thức sản xuất và kinh nghiệm truyền thống cũng như cách ứng xử với tự nhiên cũng khác nhau. 

Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh miền núi phía Bắc, cần nghiên cứu, vận dụng và phát huy tri thức địa phương ở một số đồng bào dân tộc, như: (1) Tri thức về bảo tồn và phát triển các nguồn cây dược liệu: kho tàng tri thức về nguồn dược liệu núi đá rất phong phú và đa dạng ở khu vực công viên địa chất Hà Giang, các vùng núi cao Hoàng Liên Sơn,… (3) Tri thức về bảo tồn và phát triển các loại giống vật nuôi có chất lượng cao, đặc sản: gà, lợn,… (4) Tri thức về canh tác trên đất dốc, nương, hốc đá: các loại giống cây lương thực, rau màu, tri thức canh tác xen canh các loại xây trồng trên diện tích nương dốc, hốc đá,… (5) Tri thức về bảo tồn gen của các loài cây quý và vật nuôi có giá trị. (6) Xây dựng lịch nông vụĐồng bào các dân tộc rất có kinh nghiệm trong quan sát thời tiết, khí hậu để ứng phó, từ đó, định ra lịch thời vụ để canh tác và sinh hoạt. Kinh nghiệm trong xây dựng lịch nông vụ của đồng bào dân tộc thiểu số được đúc kết qua nhiều năm tháng canh tác nông nghiệp, do đó, khi xây dựng chương trình khuyến nông – khuyến lâm, cần chú ý tận dụng nguồn tri thức này của đồng bào, để tránh sự lãng phí không cần thiết hoặc lựa chọn thời điểm gieo trồng không phù hợp. 

Thứ hai, tri thức địa phương trong bảo vệ rừng, nguồn nước và không gian sống của cộng đồng.

Đa số đồng bào các tộc người thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc thường sống dựa vào không gian rừng. Rừng không chỉ mang lại cho đồng bào nguồn sống vật chất, như: lương thực, thực phẩm, vật liệu làm nhà,… đồng thời có ý nghĩa tinh thần đặc biệt quan trọng. Do vậy, ở phần lớn đồng bào đều có kho tàng tri thức về bảo vệ rừng, nguồn nước và không gian sống. 

Qua đó, tri thức địa phương trong bảo vệ rừng, nguồn nước và không gian sống được thể hiện trong “phong tục cúng rừng”. Phong tục cúng rừng có ở đa số đồng bào dân tộc thiểu số vẫn được tổ chức thường xuyên hằng năm tuỳ theo tập quán của từng tộc người. Nổi bật trong các lễ cúng rừng phải kể đến các nghi lễ cúng rừng của người Mông, Nùng, Dao, Sán Chay, Hà Nhì, Lô Lô,… Có thể nói, tri thức quản lý, bảo vệ rừng công cộng (như rừng thiêng, rừng ma, lùm cây thiêng, rừng bảo vệ nguồn nước của thôn bản, rừng của dòng họ, đồng cỏ phục vụ chăn thả gia súc…) của các dân tộc khác sinh sống ở khu vực miền núi phía Bắc mà cộng đồng dân cư ở đó đều tự giác thực hiện nghiêm túc bởi rừng cộng đồng có giá trị bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ nguồn nước của thôn bản, cung cấp nước cho các hệ thống tưới tiêu, bảo vệ cuộc sống, cung cấp được hàng loạt đầu vào cơ bản, không phải trả tiền cho các hộ gia đình ở địa phương (như củi, thức ăn gia súc, phân xanh, hoa quả và dược liệu,…).  Trên cơ sở phát huy những phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số sẽ là một lợi thế giúp cho việc quản lý bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương được thuận lợi hơn. 

Điều dễ nhận thấy, điểm chung giữa quy phạm pháp luật và phong tục, tập quán về lâm nghiệp, đặc biệt về quản lý, bảo vệ rừng là cùng thực hiện mục tiêu điều chỉnh và điều tiết quá trình khai thác, sử dụng lâm sản trong rừng. Mặc dù vậy, nếu xét về đối tượng, phạm vi, cấp độ điều chỉnh giữa chúng có sự khác biệt khá lớn. Với chính sách, pháp luật hiện nay, các quy phạm pháp luật là công cụ điều chỉnh hữu hiệu, có hiệu lực cao, được ban hành một cách chính thống, có sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội ở tầm rộng hơn và khái quát hơn. Phong tục, tập quán đi vào chi tiết, cụ thể tại cộng đồng địa phương. Vì vậy, các tập quán của các tộc người dễ áp dụng, phù hợp thực tiễn và cũng dễ dàng được cộng đồng chấp nhận. Do mang tính cộng đồng, phản ánh nguyện vọng của người dân qua nhiều thế hệ đúc kết lại và có sự điều chỉnh trong cuộc sống hiện tại nên các thành viên cộng đồng rất tin tưởng vào tính công bằng, chính xác của các quy tắc xử sự này, nhất là khi những tập quán được ghi lại thành hương ước, quy ước. Nếu biết sử dụng, kết hợp thì phong tục, tập quán sẽ là sự hỗ trợ tốt cho các quy phạm pháp luật. Phong tục, tập quán còn giúp giải quyết tranh chấp, khiếu kiện giữa các cộng đồng một cách ôn hoà, tích cực bởi các cộng đồng sống gần nhau sẽ có những nét tương đồng nên có thể dễ dàng hoà giải. 

Do đó, việc áp dụng tập quán trong quản lý tài nguyên rừng và môi trường có rất nhiều vấn đề đáng quan tâm. Để có thể vận dụng hiệu quả các tập quán hỗ trợ cho quy phạm pháp luật trong quản lý rừng và môi trường cần tiến hành một số giải pháp. Chúng ta cần xây dựng một hệ thống quy phạm pháp luật hoàn chỉnh về kế thừa, phát huy truyền thống, tập quán trong quản lý tài nguyên rừng và môi trường như: quy định danh mục các phong tục, tập quán lạc hậu không được áp dụng và danh mục các tập quán tốt đẹp được khuyến khích. 

Đồng thời, tăng cường tập huấn Luật Bảo vệ và phát triển rừng, áp dụng, kế thừa, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp cho cán bộ, nhân dân các địa phương. Tránh hiện tượng cực đoan hoặc phủ nhận giá trị truyền thống trong tập quán hoặc quá lạm dụng tập quán về quản lý tài nguyên rừng và môi trường, làm giảm tính hiệu lực của các quy phạm pháp luật. Việc nâng cao ý thức của Nhân dân trong gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống đạo đức tốt đẹp về quản lý bảo vệ rừng và môi trường. Giúp đồng bào nhận biết các tập quán lạc hậu cần được loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội hiện nay. 

Thứ ba, phát huy vai trò của quy ước, hương ước, luật tục trong quản lý xã hội và đảm bảo quốc phòng – an ninh, ổn định xã hội.

Vai trò của hương ước, luật tục trong quản lý xã hội ở cấp thôn bản: Ở một số đồng bào ở các tỉnh miền núi phía Bắc không còn văn bản của hương ước, quy ước nhưng trên thực tế, những quy ước không thành văn vẫn còn giá trị trong đời sống cộng đồng của hầu hết các tộc người. Hương ước hàm chứa những điều giáo huấn về một lối sống được coi là phù hợp nhất, đẹp nhất của mỗi tộc người mang đậm tính “thuần phong mỹ tục”. Bản hương ước được xây dựng trên cơ sở những mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng thôn bản. Hương ước có vai trò quan trọng đối với việc ổn định nếp sống của thôn bản và có sức mạnh một phần do các quy định nghiêm khắc về các hình phạt đối với các sai phạm và những khen thưởng trước cộng đồng. Áp lực của hương ước là áp lực tinh thần mà mỗi thành viên trong cộng đồng không thể không thực hiện vì đó là áp lực tinh thần của cả cộng đồng. Do đó, hương ước, quy ước có vai trò điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng tộc người với những quy tắc trong ứng xử, các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, trong cộng đồng, giữa cộng đồng này với các cộng đồng tộc người khác cư trú gần kề. Trong những năm gần đây, giống như nhiều loại quy phạm xã hội khác, phong tục tập quán và luật tục tác động tới cả sự hình thành lẫn sự thực hiện pháp luật. Những tập quán, luật tục phù hợp với ý chí của nhà nước, nguyện vọng của Nhân dân có thể và nên được thừa nhận thành pháp luật, thành những quy tắc xử sự chung được nhà nước bảo đảm thực hiện, qua đó góp phần hình thành nên pháp luật. Những tập quán, luật tục đó vì tồn tại lâu đời, ngấm sâu vào tiềm thức của nhân dân, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân, trở thành thói quen ứng xử hàng ngày của họ và được đảm bảo thực hiện bằng dư luận xã hội, bằng các biện pháp cưỡng chế của cộng đồng nên thường được Nhân dân tự giác thực hiện, nhờ đó góp phần làm cho pháp luật được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, tự giác hơn. 

Trong quá trình áp dụng pháp luật, nếu các chủ thể có thẩm quyền vận dụng những luật tục, tập quán đã được thừa nhận vào việc giải quyết các vụ việc pháp lý xảy ra trong thực tế thì các quyết định của họ dễ được đánh giá là “vừa thấu tình vừa đạt lý” và dễ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Nhândân nên dễ được thi hành nghiêm chỉnh trong thực tế. Các tập quán, luật tục phù hợp với ý chí của Nhà nước đã tác động khá tích cực tới cả sự hình thành lẫn sự thực hiện pháp luật. Tuy nhiên, những phong tục tập quán, luật tục trái với ý chí của nhà nước có thể trở thành tiền đề để nhà nước ban hành ra những quy định mới nhằm loại bỏ chúng ra khỏi đời sống xã hội vì chúng thường cản trở việc thực hiện pháp luật. Do vậy, các tập quán, luật tục đó tác động một cách gián tiếp tới quá trình hình thành pháp luật và tác động tiêu cực đối với sự thực hiện pháp luật. 

Với ý nghĩa đó, tập quán góp phần quan trọng trong việc đưa pháp luật vào đời sống xã hội, chúng là những chuẩn mực cho hành vi của con người trong những hình thức tổ chức xã hội, những phạm vi như dòng họ, xóm, ngõ, làng, bản hay những cộng đồng lớn hơn. Những quy ước đó được tuân thủ qua nhiều thế hệ, trở thành những quy định bất di bất dịch của từng thôn bản ở nhiều tộc người thiểu số, thực sự đã trở thành một công cụ để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, một tri thức của dân gian về quản lý cộng đồng. Vì vậy, những tập quán này mặc dù không được pháp luật hóa nhưng lại được pháp luật thừa nhận có giá trị như pháp luật trong việc giải quyết một số vụ việc và phải bảo đảm tính hợp lý, tiến bộ, vì lợi ích của nhân dân và phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhiều tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đã được khôi phục, đặc biệt là chủ trương xây dựng hương ước mới càng làm cho các phong tục, tập quán có điều kiện phát triển và phát huy vai trò trong quản lý đời sống xã hội. Sự xuất hiện trở lại của hương ước (hương ước mới) đang đóng góp nhất định vào quá trình quản lý và dân chủ hóa nông thôn hiện nay. 

Để quản lý tốt đời sống xã hội cần phát huy tính tích cực của tập quán nhằm hỗ trợ cho pháp luật để quản lý nhà nước. Theo đó, tập quán phải bổ sung, hỗ trợ những hạn chế của pháp luật và là cầu nối đưa pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, hướng tới xây dựng mô hình nông thôn mới trong thời kỳ hội nhập. Đối với những tập quán có giá trị truyền thống, mang tính nhân văn sâu sắc đã trở thành thuần phong mỹ tục, có tác dụng tích cực đối với cộng đồng xã hội thì pháp luật phải thừa nhận và phát huy vai trò của chúng trong đời sống xã hội, vận dụng chúng để hình thành nếp sống, suy nghĩ, hành vi pháp luật của mỗi người. Còn đối với những tập quán lạc hậu, lỗi thời, đã trở thành hủ tục thì tích cực vận động, tuyên truyền để Nhân dân nhận thức được và tự giác loại bỏ, trong những trường hợp cần thiết, chính quyền các cấp phải cưỡng chế nhằm loại trừ chúng ra khỏi đời sống của cộng đồng. Chú trọng đúng mức việc xây dựng hương ước mới, quy ước mới, chuyển hóa dần những phong tục, tập quán không thành văn vào hương ước hay quy ước mới theo hướng dẫn hiện hành…

Trong nội dung hương ước nên quy định những vấn đề cụ thể và cả những vấn đề mang tính nguyên tắc được xem như văn bản “luật của cộng đồng”, để hương ước góp phần hỗ trợ cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật. Các phong tục, tập quán và truyền thống văn hoá tốt đẹp thì nên đưa cả vào hương ước chứ không nên bó hẹp ở một số vấn đề chỉ như là sự cụ thể hoá pháp luật. 

Thứ tưtinh thần dân chủ và đoàn kết trong cộng đồng, phát huy vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động xây dựng nông thôn mới.

Một trong những tập quán lâu đời của các dân tộc thiểu số là tinh thần dân chủ, đoàn kết trong cộng đồng tộc người. Với tất cả các tộc người thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc, tinh thần dân chủ trong cộng đồng luôn được đề cao và được tuân thủ một cách chặt chẽ thông qua mọi hoạt động chung của cộng đồng. Với một số tộc người, như: Mông, Dao, Thái, Mường, Tày, Nùng, Sán Chay,… thì tinh thần dân chủ trong cộng đồng luôn được nhấn mạnh trong quá trình triển khai mọi hoạt động của cộng đồng. 

Với chương trình xây dựng nông thôn mới tại khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, một trong những yêu cầu đầu tiên là phải có được tinh thần tự nguyện, tự đứng ra làm chủ của người dân trong cộng đồng để chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động đáp ứng với các tiêu chí mà chương trình đã đề ra. Khi người dân đã chủ động đứng ra để xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện thì họ sẽ huy động được sự tham gia của toàn thể các thành viên trong cộng đồng, đồng thời những hoạt động, cách làm của họ hoàn toàn phù hợp với phong tục tập quán tộc người, phát huy được những mặt mạnh trong phong tục tập quán để thực hiện các tiêu chí của nông thôn mới một cách hiệu quả nhất. 

Để thực hiện một cách hiệu quả tinh thần dân chủ và đoàn kết trong cộng đồng của các tộc người Mông, Dao, Tày, Nùng,… ở các tỉnh miền núi phía Bắc, cần có sự phối hợp của cán bộ, chính quyền cơ sở và những người có uy tín trong cộng đồng. Người có uy tín trong cộng đồng có vai trò dẫn dắt, định hướng về những hoạt động với cơ chế vận hành hoàn toàn theo tập quán, bảo đảm tinh thần dân chủ, đoàn kết của tất cả các thành viên trong cộng đồng. Tập quán đoàn kết, hỗ trợ, tương thân tương ái sẽ được phát huy tối đa với sự dẫn dắt, chỉ đạo của những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. 

Kinh nghiệm của các dự án phát triển ở các tỉnh miền núi phía Bắc và các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số khác trong cả nước cho thấy, khi nào các chương trình, dự án phát triển được thực hiện có sự tham gia và chủ động của cộng đồng thì chương trình, dự án mới đạt được mục tiêu và dự án, chương trình mới thực sự đi vào cuộc sống. Đó là khi chương trình, dự án… được triển khai dựa trên những kinh nghiệm, tri thức trong quản lý cộng đồng, tổ chức các hoạt động của cộng đồng dựa trên nguyên tắc dân chủ, minh bạch và có sự tham gia thảo luận, đồng thuận của người dân trong cộng đồng. 

3. Yếu tố hạn chế của tập quán của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc ảnh hưởng đến hiệu quả xây dựng nông thôn mới 

Một là, hạn chế của tập quán trong hôn nhân và gia đình: về vấn đề tảo hôn: Tình trạng tảo hôn khá phổ biến trong cộng đồng đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới như tiêu chí về tuổi kết hôn, tỷ lệ bỏ học cao,… Tình trạng tảo hôn còn ảnh hưởng khá nặng nề đến điều kiện chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao dẫn tới số lượng trẻ em bị thấp còi, không bảo đảm sức khoẻ tới trường và quá trình phát triển của các em. Bên cạnh đó, các nghi lễ trong hôn nhân cũng là những hạn chế. Một số tộc người ở vùng cao còn lưu giữ nhiều tập quán trong hôn nhân, trong đó có các hủ tục như thách cưới cao, tổ chức đám cưới kéo dài ngày, nhiều nghi lễ dẫn tới tốn kém về tài chính cũng như thời gian của người dân trong cộng đồng. Nhiều quy định khắt khe về tiêu chuẩn chọn vợ chọn chồng, các bước nghi lễ dẫn tới nhiều trẻ em phải bỏ học do phải lấy chồng sớm, phải ở nhà để bổ sung lực lượng lao động cho gia đình, đặc biệt là ở các tộc người cư trú vùng núi cao như Mông, Dao, Lô Lô, Hà Nhì,…

Hạn chế trong thực hiện nghi lễ tang ma. Các tập quán trong tang ma cũng là một trong những trở ngại đáng kể đối với hiệu quả xây dựng Nông thôn mới ở các tộc người thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Một số tộc người vẫn còn lưu giữ những nghi lễ truyền thống, kéo dài thời gian tang lễ lên tới 4-5 ngày, chi phí cho đám tang khá nhiều so với khả năng của kinh tế hộ gia đình. Các thủ tục trong đám tang cũng khá phức tạp khiến cho con cháu mất nhiều thời gian, công sức trong quá trình thực hiện các nghi lễ chịu tang,… So với quy định đời sống văn hoá mới và thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới, những trở ngại của tập quán trong tang ma đã ảnh hưởng không nhỏ tới các địa phương, đặc biệt ở một số đồng bào cư trú ở vùng núi cao ở các tỉnh miền núi phía Bắc sự thay đổi, biến chuyển trong các nghi lễ tang ma còn chậm (như Mông, Dao, Hà Nhì, Lô Lô,…). Hạn chế trong các hủ tục cúng ma chữa bệnhlà đáng quan ngại. Với người dân tộc Mông, dân tộc Giáy, dân tộc Tày… ở các tỉnh miền núi phía Bắc có một hủ tục khá phổ biến khác là “bắt con ma bệnh”. Do quan niệm người ốm là do bị ma ám nên người nhà chỉ mời thầy mo về cúng để đuổi con ma bệnh. Nhiều trường hợp gây hao tiền, tốn của, mất thời gian, ảnh hưởng đến lao động sản xuất, trong khi đó bệnh lại không giảm.

Hai là, rào cản trong tâm lý, nhận thức trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thích ứng với điều kiện sản xuất và tiếp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Tâm lý của đa số đồng bào dân tộc thiểu số là chỉ cần làm đủ ăn, đủ mặc, đủ cho nhu cầu tối thiểu của con người mà ít quan tâm tới sự vươn lên làm giàu của hộ gia đình. Trong khi đó, đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sản xuất theo mô hình kinh tế hộ, tự cấp, tự túc chưa chú ý đến việc sản xuất hàng hoá nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Nếu ở vùng xuôi, việc tái cơ cấu nông nghiệp đã được thực hiện tương đối mạnh mẽ làm thay đổi căn bản bộ mặt vùng nông thôn và đời sống nông dân thì ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cư trú đông, việc tái cơ cấu nông nghiệp vẫn chưa thực sự được thực hiện một cách quyết liệt. 

4. Trao đổi và khuyến nghị

Việc xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, mang ý nghĩa chiến lược của Đảng và Nhà nước, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, do đó phải thực chất, lấy việc nâng cao đời sống của người dân làm mục tiêu. Người dân phải là chủ thể của việc xây dựng nông thôn mới. Kết quả xây dựng nông thôn mới chính là thước đo chính xác để đo sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với đời sống người dân; do đó ngày càng phải chú trọng hơn để kiện toàn lại bộ máy xây dựng nông thôn mới, phấn đấu thực hiện ngày càng tốt hơn các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, vì mục tiêu nâng cao đời sống người dân nông thôn. Ngoài yếu tố kinh tế, chất lượng đời sống văn hóa của người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng tiếp tục được nâng cao, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát triển, những hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín, dị đoan từng bước bị xóa bỏ; nhiều lễ hội truyền thống được khôi phục, phát huy, như: lễ hội hoa ban ở tỉnh Điện Biên, lễ hội hoa tam giác mạch ở tỉnh Hà Giang, lễ hội trái cây ở tỉnh Bắc Giang,…7

Trong thời gian tới, các tỉnh miền núi phía Bắc cần thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế dựa vào tiềm năng, thế mạnh của mỗi cộng đồng, mỗi địa phương. Có nhiều yếu tố tích cực của tập quán có thể trở thành nguồn vốn văn hóa, vốn xã hội, thậm chí còn là cơ sở quan trọng để thực hiện chương trình nông thôn mới. Tập quán là những vốn tri thức địa phương, kinh nghiệm trong lao động sản xuất, quản lý xã hội, khối đoàn kết trong cộng đồng và với nhiều dân tộc thiểu số thì những yếu tố đó thực sự trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển. Dựa trên những điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội cụ thể của mỗi tộc người, chương trình nông thôn mới cần phải khai thác một cách phù hợp những yếu tố tích cực của tập quán để triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, làm cho những tập quán tích cực trở thành sức mạnh của tộc người trong phát triển.

Chú thích:
1. Tạ Khánh Trường (2022). Xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại, giàu bản sắc ở các tỉnh miền núi phía Bắc. https://vietnamhoinhap.vn/vi/xay-dung-nong-thon-moi-theo-huong-van-minh–hien-dai–giau-ban-sac-o-cac-tinh-mien-nui-phia-bac-41147.htm
2. Nguyễn Kiểm (2019). Xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã vượt khó thành công. https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/xay-dung-nong-thon-moi-o-cac-tinh-mien-nui-phia-bac-da-vuot-kho-thanh-cong-587463
3. Dương Hà My (2021). Tác động của chương trình xây dựng nông thôn mới đến văn hoá làng xã ở Bắc Giang. http://vanhoanghethuat.vn/tac-dong-cua-chuong-trinh-xay-dung-nong-thon-moi-den-van-hoa-lang-xa-o-bac-giang.htm
4. Chính phủ (2018). Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
5, 6. Xây dựng Nông thôn mới ở Khu vực miền núi phía Bắc: Mười năm nhìn lại. https://baodantoc.vn/xay-dung-nong-thon-moi-o-khu-vuc-mien-nui-phia-bac-muoi-nam-nhin-lai-42335.htm.
7. Dương thị Bích Diệp (2014). Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam: thực trạng và giải pháp. Tạp chí Khoa học xã hội việt nam, 2014, số 8 (81).
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2016). Báo cáo triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020.
2. Chính phủ (2018). Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
3. Thành Chung (2019). Xây dựng nông thôn mới ở miền núi phía Bắc: ‘Cái khó ló cái khôn’. https://baochinhphu.vn/xay-dung-nong-thon-moi-o-mien-nui-phia-bac-cai-kho-lo-cai-khon-102259608.htm.
4. Dương thị Bích Diệp (2014). Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam: thực trạng và giải pháp. Tạp chí Khoa học xã hội việt nam, 2014, số 8 (81).
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. H. NXB Chính trị quốc gia.
6. Hoàng Văn Hoan (2014). Xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc nước ta hiện nay. H. NXB Chính trị quốc gia.
7. Lê Thị Thanh Hương (2015). Một số yếu tố tâm lý của người nông dân ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nông thôn mới. H. NXB Khoa học xã hội. 
8. Thủ tướng Chính phủ (2014). Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 15/7/2014 về tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn.
9. Thủ tướng Chính phủ (2009). Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
10. Thủ tướng Chính phủ (2010). Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 về Phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
11. Trần Trung (2017). Ảnh hưởng của phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc đến hiệu quả xây dựng nông thôn mới. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
12. Định hướng, giải pháp xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn 2021-2025. https://tcnn.vn/news/detail/43913/Dinh-huonggiai-phap-xay-dung-nong-thon-moi-khu-vuc-mien-nui-phia-Bac-giai-doan-2021-2025.html.