Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường biển, hải đảo

TS. Phan Văn Tuấn
Trường Đại học Vinh
ThS. Nguyễn Thị Thanh Tuyền
NCS, Trường Đại học Vinh

(Quanlynhanuoc.vn) – Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo được y ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động quản lý nhà nước bởi hiệu quả và tính tác động lâu dài trong nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bài viết nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu công tác tuyên truyền về biển và hải đảo; phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo của Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay.

Từ khóa: Tuyên truyền; phổ biến; giáo dục pháp luật; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biểnhải đảo; tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

1. Đặt vấn đề

Với đặc điểm là tỉnh có biển, đảo, xác định công tác tuyên truyền biển, đảo là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng – an ninh của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu triển khai nghiêm túc, với nhiều hình thức, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về quảnlý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến Nhân dân, nhất là thanh niên, doanh nghiệp,… từng bước nâng cao hiệu quả trong sự nghiệp bảo vệ tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo của tỉnh. Tuy nhiên, ngoài các kết quả đã đạt  được, công tác tuyên truyền về biển và hải đảo; phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng còn một số hạn chế nhất định, cần có các biện pháp khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, gópphần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

2. Thực trạng tuyên truyềnphổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành nhiều kế hoạch truyền thông về biển và đại dương trên địa bàn tỉnh, như: Kế hoạch số 201/KH-UBND ngày 01/11/2022 về truyền thông về biển và đại dương trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030; Quyết định số 1619/QĐ-UBND ngày 02/06/2022 về việc ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Quyết định số 1596/QĐ-UBND ngày 20/6/2024 về việc Ban hành Kế hoạch truyền thông nâng cao nhận thức trong hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2024… Trong đó, phân công, hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh chú trọng các nội dung thông tin, tuyên truyền và tổ chức thực hiện công tác biển, đảo. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã sử dụng nhiều hình thức khác nhau để tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, kiến thức pháp luật quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Qua đó, nâng cao ý thức tự giác chấp hành và nhận thức về trách nhiệm củangười dân trong việc tham gia bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Cụ thể: 

Về nội dung, tập trung chỉ đạo các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật biển Việt Nam, về tình hình an ninh, chủ quyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tuyên truyền, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện những nội dung liên quan đến biển, đảo Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị – xã hội, các địa phương, lực lượng vũ trang, nhất là Bộ đội biên phòng tỉnh thường xuyên tăng cường giáo dục nâng cao ý thức cảnh giác về chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới cho ngư dân, theo dõi chặt chẽ tình hình các khu vực biển, đảo, xử lý hiệu quả các vấn đề phức tạp nảy sinh và báo cáo kịp thời cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân và các cơ quan liên quan những vấn đề liên quan đến yếu tố nước ngoài trên vùng biển thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng, cả nước nói chung.

UBND tỉnh đã tổ chức tuyên truyền đến người dân tổ chức hưởng ứng các hoạt động: Tuần lễ ra quân làm sạch môi trường biển; Ngày truyền thống nghề cá Việt Nam 01/4; phát động hành động thả giống thủy sản nhằm tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền đến người dân, nhất là ngư dân biết và thực hiện tốt các quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Qua đó, tình hình vi phạm pháp luật về hoạt động thủy sản từng bước đã giảm dần; tình trạng sử dụng chất nổ, xung điện, phương tiện cấm khai thác giảm rõ rệt. Nhiều ngư dân tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường do chính quyền các cấp tổ chức. 

Đặc biệt, hưởng ứng ngày “Môi trường thế giới 5/6”, “Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam”, UBND tỉnh phát động ra quân làm sạch môi trường khu vực ven biển, thu gom, xử lý chất thải, rác thải, trồng cây xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu… Qua đó, nhận thức và trách nhiệm về công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên rõ rệt; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được chú trọng; phong trào bảo vệ tàinguyên, môi trường biển và hải đảo trong các khu dân cư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viên, cơ quan… được tổ chức một cách thường xuyên, hiệu quả.

Về hình thức, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được thực hiện thông qua sự kết hợp giữa các hình thức truyền thống và hiện đại, như:treo panô, áp phích hưởng ứng; tổ chức lễ mit-tinh, lễ phát động ra quân vệ sinh môi trường; đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các hoạt động hội thi,… cụ thể:

UBND tỉnh triển khai treo băng rôn hưởng ứng Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam với chủ đề “Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển” và Ngày Đại dương thế giới với chủ đề “Hồi sinh: cùng hành động vì đại dương”. Tổ chức hoạt động triển lãm ảnh với chủ đề Bà Rịa – Vũng Tàu với biển đảo quê hương. Tổ chức cuộc thi “Đi bộ kết hợp nhặt rác trên tuyến du lịch sinh thái trong Vườn quốc gia Côn Đảo”. Phát động ra quân dọn vệ sinh môi trường kết hợp thực hiện phong trào Thứ Bảy xanh – sạch – đẹp với sự tham gia của tất cả các cơ quan, đơn vị và các khu dân cư trên địa bàn huyện Côn Đảo. 

Trên sóng truyền hình, UBND tỉnh đã phát các chương trình: chuyên mục phổ biến pháp luật về Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảoLuật Bảo vệ môi trường; thông báo về việc giảm nhựa một lần và Côn Đảo – điểm đến giảm nhựa; tuyên truyền trong các chương trình, bản tin thời sự và các chuyên mục: “Tài nguyên – Môi trường”, “Vì chủ quyền an ninh biên giới biển đảo”. Bên cạnh đó,… Ngoài ra, trên sóng phát thanh, UBND tỉnh đã triển khai đưa thông tin, tuyên truyền trong các chương trình thời sự, bản tin cập nhật và các chuyên mục: “Phát thanh tổng hợp”, “Đón ánh mặt trời cùng FM 92Mhz”, “Biển đảo quê hương”, “Tài nguyên môi trường”… Truyển khai in ấn tờ rơi về công tác bảo vệ, bảo tồn rùa biển; phối hợp với các cảng cá trên địa bàn tỉnh để phát cho các chủ tàu dán vào cabin tàu nhằm tuyên truyền cho chủ tàu và ngư dân về việc bảo vệ, bảo tồn rùa biển nhân Ngày truyền thống nghề cá Việt Nam 01/4; cấp phát tờ rơi về tuyên truyền biển, hải đảo, sơ đồ ranh giới vùng biển Việt Nam với các nước trong khu vực…

3. Hạn chế và nguyên nhân

aVề hạn chế:

Một là, công tác tuyên truyền về biển và hải đảo; phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo chưa phát huy hết được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành trong việc tham gia thực hiện các nội dung theo kế hoạch. Một số hoạt động vẫn mang tính hình thức, chưa thực sự sâu sát; nhiều nhiệm vụ chỉ dừng ở việc ban hành chương trình, kế hoạch chứ chưa tích cực giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo tại địa phương, đơn vị.

Hai là, hình thức tuyên truyền còn đơn điệu, hành chính hóa; có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, mới chỉ dừng lại ở việc quán triệt, sao y, gửi văn bản; chưa tổ chức theo định kỳ mà thường chỉ tổ chức khi có các văn bản pháp luật mới được ban hành. Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng theo từng chuyên đề có thời gian ngắn, chủ yếu truyền tải những nội dung chính, thiếu sinh động. Việc cập nhật văn bản luật trên cổng thông tin điện tử của huyện còn chậm, bên cạnh đó, điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế…. do đó, chưa thu hút sự quan tâm của người dân. 

Ba là, hiệu quả tổ chức các buổi tuyên truyền về biển và hải đảo; phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo tại các địa phương có chất lượng chưa cao, nội dung tuyên truyền theo phương pháp truyền thống gây nhàm chán, báo cáo viên tuyên truyền pháp luật chưa tạo sức lôi cuốn, thu hút, vì vậy số lượng người dân tham gia còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về biển và hải đảo; phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo cho thế hệ trẻ, đặc biệt là khách tham quan, du lịch đến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu huyện chưa được chú trọng thông qua việc khuyến khích phát triển các loại hình du lịch về nguồn, du lịch tâm linh, tín ngưỡng. 

b. Nguyên nhân của những hạn chế:

Thứ nhất, công tác xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các nội dung, chương trình tuyên truyền về biển và hải đảo; phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh ở một số đơn vị còn chậm, chưa sát với tình hình thực tiễn của đơn vị, địa bàn. Một số đơn vị chưa xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng đợt, từng tuyến để tuyên truyền; hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa phong phú, chưa áp dụng các phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật mang tính chủ động, thu hút được người dân, đặc biệt là ngư dântham gia 

Hai là, công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tuyên truyền về biển và hải đảo; phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo còn thiếu chặt chẽ; chậm đổi mới về hình thức, nội dung, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn thiếu về kinh nghiệm; kỹ năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục chưa cao; trình độ, năng lực sư phạm và ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân biển còn hạn chế và không đồng đều. Công tác tập huấn, bồi dưỡng chưa đi vào thực chất và chưa toàn diện, nặng về kiến thức mà thiếu về kỹ năng. Điều này dẫn đến các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đã được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật nhưng vẫn còn hạn chế về kỹ năng truyền tải, kỹ năng sư phạm, do đó khi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thường nặng về kiến thức dẫn đến người nghe cảm thấy nhàm chán, khó hiểu.

Ba là, về kinh phí, cơ sở vật chất còn hạn chế. Hiện nay, nguồn kinh phí phục vụ cho công táctuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo lấy từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước là chủ yếu, tuy nhiên chưa đáp ứng, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Công tác xã hội hóa vẫn chưa được UBND tỉnh vận dụng và áp dụng một cách hiệu quả, chưa huy động được các nguồn lực và kêu gọi sự ủng hộ của các chủ thể khác trong xã hội.

4. Một số giải pháp 

Thứ nhất, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đối với công tác tuyên truyền biển, đảo

UBND tỉnh cần chủ động tham mưu, triển khai công tác tuyên truyền về biển, đảo, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đặc biệt là các địa phương ven biển. Cần nắm chắc tình hình, nâng cao chất lượng công tác dự báo, phân tích đúng diễn biến, những tác động, ảnh hưởng của các vấn đề biển, đảo đối với địa phương để tham mưu, thực hiện các chủ trương, chính sách phù hợp, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong xã hội. Bên cạnh đó, cần nâng cao công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp để nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, gắn liền với chủ động làm tốt công tác nắm bắt tình hình, sớm phát hiện âm mưu, ý đồ hoạt động của các thế lực thù địch, phản động liên quan đến vấn đề biển, đảo. Có đối sách đấu tranh phù hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng tải, cung cấp thông tin sai lệch, thông tin không đúng sự thật về tình hình biển, đảo gây hoang mang, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của Nhân dân trên địa bàn tỉnh. 

Thứ hai, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới về nội dung và hình thức tuyên truyền biển, đảo

UBND tỉnh cần kết hợp có hiệu quả công tác tuyên truyền biển, đảo ở trong nước, trong tỉnh với tuyên truyền đối ngoại thông qua các kênh chính thức. Tiếp tục chú trọng hình thức tuyên truyền miệng; đẩy mạnh tuyên truyền về biển, đảo qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó chú ý đặc biệt đến internet, mạng xã hội; duy trì có hiệu quả truyên truyền trực quan thông qua khẩu hiệu, biểu ngữ, tranh cổ động, tờ rơi, phim ảnh, triển lãm…; tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ (ca nhạc, sân khấu hóa, hội thi, sáng tác…). 

Thường xuyên cập nhật, sáng tạo các hình thức tuyên truyền cụ thể, thiết thực, như: thông qua banner cổ động vui tươi, cách điệu lồng với các quy định pháp luật, tuyên truyền lưu động, tổ chức các hội thi trực tuyến, hội thi tìm hiểu pháp luật; dàn dựng các tình huống giả định pháp luật… đổi mới hình thức để người dân dễ dàng tiếp cận. Nội dung tuyên truyền cô đọng, xúc tích, dễ đọc, dễ hiểu để mọi thành phần đều có thể tiếp thu hiệu quả. Thường xuyên tổ chức các hoạt động, các phong trào tuyên truyền cụ thể, tương tác trực tiếp với người dân gắn kết giữa lãnh đạo địa phương với người dân trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý, phát triển và bảo vệ biển, hải đảo. Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền những tấm gương cá nhân và tập thể tiên tiến, điển hình trong các hoạt động khai thác tài nguyên biển và bảo vệ chủ quyền, môi trường biển, đảo. Thành lập các hội người cao tuổi tham gia công tác tuyên truyền, từ đó là lực lượng nòng cốt, gương mẫu đi đầu từ việc vận động, tuyên truyền con cháu, gia đình, bà con tham gia. 

Đặc biệt, cần đa dạng hóa các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lưu động trên các tàu đánh bắt xa bờ theo phương pháp “mưa dầm thấm lâu” và phân nhóm đối tượng ngư dân theo nhóm đối tượng đánh bắt: ngư dân đánh bắt vùng lộng (gần bờ) và ngư dân đánh bắt vùng khơi (xa bờ) để có các nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp đạt hiệu quả cao. Tăng cường tuyên truyền để ngư dân nâng cao nhận thức hiểu và thực hiện đúng luật pháp về biển, các cam kết quốc tế về biển, xác định đúng vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia khai thác và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên vừa hồng, vừa chuyên

Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cần được đào tạo và am hiểu pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, phong tục tập quán, thói quen và sinh kế của ngư dân địa phương. UBND tỉnh cần xây dựng các kế hoạch, chương trình tập huấn thường xuyên cho đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Kết hợp giữa tập huấn lý thuyết và kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng sư phạm, nắm bắt tâm lý của ngư dân. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của cán bộ cấp cơ sở trong công tác tuyên truyền, thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng dân vận, để mỗi cán bộ cơ sở là một tuyên truyền viên hiệu quả. Ngoài ra, xây dựng và ban hành chế độ đãi ngộ, chính sách hợp lý hỗ trợ, khuyến khích để cán bộ cơ sở có đủ điều kiện tiếp cận thực tế cơ sở để thực hiện công tác tuyên truyền. 

Thứ tư, chú trọng phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Song song với việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo cho người dân, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần có các chương trình phát triển kinh tế vùng biển, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Bên cạnh đó, có các hình thức xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm pháp luật của người dân, đặc biệt là trong các hoạt động khai thác đánh bắt, gây ô nhiễm môi trường trên biển và hải đảo, nhằm hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật của người dân. Cụ thể, lồng ghép, phổ biến các quy chế xử phạt đối với từng hành vi vi phạm về khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo xảy ra hàng ngày thông qua hình thức tổ chức ký cam kết bảo vệ môi trường đối với các hộ dân. Bổ sung, điều chỉnh nội dung các quy ước, hương ước của thôn, làng đưa vào tiêu chí liên quan khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền biển và hải đảo.

Thứ năm, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thu hút các nguồn lực cho hoạt động tuyên truyền biển, đảo

UBND tỉnh cần quan tâm hơn đến việc đầu tư thiết bị cho hoạt động tuyên truyền, đầu tư cơ sở vật chất như loa, đài, pano,… xây dựng nhà văn hóa tập thể để người dân trong địa phương sinh hoạt hằng tuần. Bên cạnh đó, cần ttăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiến hành chuyển đổi số từng bước phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, số hóa các tư liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, sản xuất các sản phẩm truyền hình, truyền thông hiện đại, đa nền tảng, chất lượng cao, có thể tiếp cận và tương tác mọi lúc, mọi nơi thông qua mạng internet. 

Thời gian qua, kinh phí phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chủ yếu vẫn từ nguồn ngân sách nhà nước. Việc xã hội hóa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luậtquản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo cho người dân cần được các chủ thể đầu tư và quan tâm hơn nữa, huy động được các tổ chức từ thiện, các doanh nghiệp và toàn thể xã hội tham gia mang tính chất dài hơi, liên tục, đáp ứng được các chương trình, kế hoạch đề ra.

5. Kết luận

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động quản lý nhà nước, bởi hiệu quả và tính tác động lâu dài trong nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận, song cũng không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Vì vậy, thời gian tới, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần tiếp tục chủ động phối hợp, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh hơn nữa công tác này, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2023). Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 03/4/2023 phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2007). Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về hiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2018). Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIITập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
5. Hoàng Nhất Thống, Nguyễn Hồng Thuyên (2022). Quản lý môi trường biển: tiếp cận từ kiểm soát hoạt động lấn biển. Tạp chí Môi trường số 2/2022. 
6. Quốc Hội (2015). Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo Việt Nam số: 82/2015/QH13 ngày 25/06/2015.
7. Thủ tướng Chính phủ (2016). Quyết định số 798/QĐ-TTg ngày 11/5/2016 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
8. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 07/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030.
9. Tuyên truyền biển đảo. Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. https://baria-vungtau.dcs.vn/article/category?item=DMTTBĐ.