PGS.TS. Đào Thị Ái Thi
Trường Đại học Thành Đô
ThS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh
UBND Quận 4, TP. Hồ Chí Minh
ThS. Phạm Hoàng Lam
Văn phòng Thành ủy TP. Hồ Chí Minh
ThS. Nguyễn Văn Thạch
Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển kinh tế đêm được nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm nhằm tạo ra nguồn lực mạnh mẽ để thu hút khách du lịch; đồng thời, tạo ra nhiều cơ hội để tận dụng các tài nguyên, sức lao động tại chỗ để phát triển kinh tế. Với tiềm năng sẵn có về du lịch và nguồn lực lao động dồi dào, Việt Nam có nhiều hứa hẹn khả quan và lợi thế để kinh tế đêm phát triển bền vững và sẽ tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế – xã hội.
Từ khóa: Kinh tế đêm, phát triển kinh tế đêm, tiềm năng, nguồn lực, phát triển bền vững.
1. Đặt vấn đề
Các câu hỏi luôn được đặt ra khi bàn đến phát triển kinh tế đêm tại Việt Nam, như: tại sao nền kinh tế ban đêm lại quan trọng và nó ảnh hưởng như thế nào đến đời sống các đô thị ở Việt Nam; làm thế nào các thành phố có thể tận dụng tiềm năng của nền kinh tế ban đêm để thúc đẩy du lịch, hòa nhập cộng đồng và xã hội sôi động; làm thế nào để nuôi dưỡng nền kinh tế thịnh vượng suốt ngày đêm, đồng thời, giải quyết những thách thức, rủi ro về môi trường và xã hội mà điều này đôi khi có thể mang lại. Để tạo ra một nền văn hóa giải trí về đêm thực sự thịnh vượng và bền vững, các thành phố của Việt Nam cần phải ưu tiên lập kế hoạch toàn diện cho phát triển kinh tế đêm.
Điều quan trọng là cuộc sống về đêm sôi động đem lại sức hấp dẫn của các thành phố, đặc biệt là đối với khách du lịch. Vì vậy, việc quan tâm phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam cần phải có một cách tiếp cận toàn diện, tinh tế và có trách nhiệm để hỗ trợ một xã hội sống động trong cả 24 giờ. Thay vì kinh tế đêm phục vụ cho một nhóm đối tượng cụ thể, điều quan trọng là cần xem xét nhu cầu và lợi ích của nhiều nhóm đối tượng khác nhau trong cộng đồng.
2. Kinh tế đêm và vai trò của kinh tế đêm ở Việt nam
Thuật ngữ “kinh tế đêm” bắt nguồn từ Anh vào những năm 70 thế kỷ XX. Khái niệm kinh tế đêm được đề xuất để mô tả sự hồi sinh của nền kinh tế ban ngày định hướng sản xuất ở trung tâm thành phố, vốn đang suy giảm do phi công nghiệp hóa, bằng cách kéo dài thời gian hoạt động sang cả buổi tối và ban đêm. Nền kinh tế đêm nói đến hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội đa dạng diễn ra vào buổi tối. Kinh tế đêm quan tâm tới 3 góc độ cơ bản là xã hội, văn hóa, và kinh tế. “Xã hội” đề cập đến người dân và du khách tham gia cùng bạn bè và gia đình; “văn hóa” đề cập đến khả năng tiếp cận các tổ chức văn hóa, âm nhạc, sân khấu, biểu diễn đường phố, hoạt hình đô thị; “kinh tế” là trải nghiệm thương mại và kiếm tiền, bao gồm khách sạn, giải trí, bán lẻ và giáo dục buổi tối.
Kinh tế đêm chỉ hoạt động tiêu dùng và các cơ hội kinh tế liên quan trong các ngành định hướng dịch vụ (ví dụ: giải trí, du lịch, mua sắm, thể dục, văn hóa và ăn uống) dường như cấu thành những đặc điểm nổi bật nhất của kinh tế đêm. Đặc điểm của kinh tế đêm nhấn mạnh các hoạt động diễn ra vào ban đêm, chủ yếu là hành vi sản xuất hoặc tiêu dùng trong các ngành dịch vụ, như: hoạt động giải trí và văn hóa. Kinh tế đêm chủ yếu được cấu thành bởi các hoạt động giải trí do các lĩnh vực văn hóa, giải trí và thực phẩm cung cấp, tức là các cơ hội tiêu dùng do nền kinh tế cung cấp; là một chuỗi các hoạt động và trải nghiệm gắn liền với giải trí và xã hội hóa vào ban đêm, nhấn mạnh các khía cạnh xã hội của nó.
Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam với mục tiêu “Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đồng thời, hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội”. Chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển kinh tế đêm cho tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều công ăn việc làm, gắn kết cộng đồng, tăng cường giao lưu xã hội cho người dân Việt Nam, đặc biệt là giao lưu với khách du lịch. Phát triển kinh tế đêm khuyến khích phát triển nhiều ngành nghề và các hoạt động mới, đặc biệt là ngành công nghiệp sáng tạo, du lịch, bán lẻ, ẩm thực, đồ uống. Các hoạt động đa dạng của kinh tế đêm đặt ra việc các cơ quan nhà nước cần có chính sách và biện pháp quản lý phù hợp, điều này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vào tham vấn và thực thi chính sách phát triển kinh tế ban đêm hiệu quả hơn. Hơn nữa, phát triển kinh tế đêm là đòn bảy kích hoạt tăng trưởng kinh tế và tạo động lực thúc đẩy phát triển dịch vụ công cộng và tối ưu hóa việc sử dụng các dịch vụ công, đặc biệt là giảm hiện tượng sử dụng quá tải cơ sở hạ tầng vào ban ngày.
Chủ động phát triển kinh tế ban đêm là phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế nhằm góp phần tận dụng tối đa thời gian, tạo thêm những cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, đồng thời phục vụ tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân, người nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch. Chính vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế chính sách và có phương pháp quản lý phù hợp tạo đà đặt dấu mốc then chốt kích hoạt và mở đường cho kinh tế ban đêm phát triển bài bản như một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của đất nước.
3. Thực trạng kinh tế đêm ở Việt Nam
Việt Nam có các tiềm năng phát triển kinh tế đêm, như: (1) Có nguồn lực dồi dào cả về tài nguyên và nguồn lao động; (2) Thời tiết về đêm thường thuận lợi hơn ban ngày; Việt Nam có chính trị ổn định, là điểm đến an toàn và hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Với nền chính trị ổn định, chỉ số an ninh tốt là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước; (3) Bình quân thu nhập GDP của Việt Nam đã tăng liên tục theo các năm gần đây; Việt Nam rất quan tâm đến quá trình đô thị hóa; (4) Việt Nam quan tâm thúc đẩy nền kinh tế chia sẻ, kinh tế thương mại điện tử; (5) Nguồn vốn đầu tư của Việt Nam rất dồi dào được thu hút từ các nhà đầu tư nước ngoài. Kinh tế ban đêm ở Việt Nam hiện nay đã được triển khai ở hầu hết các tỉnh, thành phố, trong đó tập trung và phát triển mạnh ở các thành phố lớn, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Đà Nẵng, Hội An và một số địa phương khác. Các loại hình kinh tế đêm với các mô hình khu phố đi bộ hoặc tuyến phố giải trí.
Đánh giá của Tạp chí Global Finance đã công bố bảng xếp hạng các quốc gia an toàn và nguy hiểm nhất thế giới trong năm 2019, theo đó, Việt Nam xếp thứ hạng thứ 83/128 quốc gia với chỉ số an toàn đạt 11,15 điểm, xếp trên cả Thái Lan với 12,27 điểm1. Đây là một ưu thế vô cùng lớn đối với du lịch Việt Nam đặc biệt trong phát triển kinh tế đêm khi số lượng khách du lịch vào Việt Nam ngày một tăng. Kinh tế ban đêm ở Việt Nam đã cơ bản được triển khai ở các nơi có nhiều tiềm năng du lịch về đêm, điển hình là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… với nhiều loại hình hoạt động như khu chợ đêm, phố ăn đêm, các chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24, các tuyến phố đi bộ và các tuyến phố đặc trưng giải trí, như: Tạ Hiện (Hà Nội), Bùi Viện (TP. Hồ Chí Minh), Bà Nà Hills (Đà Nẵng)… Cả nước hiện có khoảng 20 chợ đêm phục vụ du lịch và khoảng 1.000 trong tổng số 2.300 cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/24 giờ, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh2. Trong đó, hệ thống cửa hàng Circle K đã có mặt tại Việt Nam vào năm 2008 và từ năm 2013 hoạt động theo mô hình 24/7.
Để triển khai đề án “phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam” của Chính phủ ban hành, một số địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế ban đêm đã gặt hái được một số thành quả kinh tế nhất định. Tai Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã tổ chức hơn 300 sự kiện văn hoá với quy mô lớn, được tổ chức ở các tuyến phố đi bộ ở Hà Nội, đã thu hút sự tham gia của 8 tỉnh, thành phố trong cả nước và 17 quốc gia trên thế giới. Kinh tế đêm đã đem lại ngân sách cho Hà Nội trong các năm liên tục tăng về doanh thu lưu trú ăn uống (năm 2021 là 1.571 tỷ đồng; năm 2022 là 3.122 tỷ đồng; năm 2023 là 6.012 tỷ đồng). Doanh thu ngành Du lịch năm 2021 là 189 tỷ đồng; năm 2022 – 2023 là 3.975 tỷ đồng. Đầu năm 2024 đã giới thiệu được 15 sản phẩm du lịch đêm, là những sản phẩm có chất lượng cao, có tính mới hấp dẫn khách du lịch3.
Tại TP. Hồ Chí Minh, với biệt danh “thành phố không ngủ”, nổi bật là điểm đến sôi động cho các hoạt động kinh tế đêm, thu hút người dân địa phương và du khách từ khắp nơi tụ hội. Những khu vực như: phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố Tây Bùi Viện, chợ Bến Thành, phố ẩm thực và các chợ đêm đều trở thành biểu tượng cho cuộc sống về đêm của thành phố. Đây là nơi mà các hoạt động giải trí, ăn uống và mua sắm diễn ra sôi nổi từ tối đến sáng sớm, mang đến một không gian văn hóa đậm chất Việt Nam nhưng cũng rất hiện đại và năng động. Những hoạt động ca nhạc về đêm ở TP. Hồ Chí Minh như concert Super Junior hút hơn 15.000 khán giả tại sân vận động Quân Khu 7, Fancon tại Nhà thi đấu Phú Thọ có 5.000 người tham dự, Concert của BamBam có 3.500 khán giả. Các đại nhạc hội gồm nhiều nghệ sĩ Kpop như Wow-K Music Festival tháng 10/20234. Tại TP. Hồ Chí Minh còn có các văn hóa ẩm thực ban đêm, như: bánh mì, phở, bún chả, gỏi cuốn, bánh xèo… đã cuốn hút nhiều du khách vào ban đêm. Để thực hiện Đề án thí điểm kinh tế đêm ở TP Hồ Chí Minh với mục đích tạo ra sản phẩm du lịch đêm độc đáo, chất lượng cao, TP đã hình thành các phố ẩm thực mới như ở đường Nguyễn Thượng Hiền ở quận 3, đường Phan Xích Long ở quận Phú Nhuận, đường Hồ Thị Kỷ ở quận 10, đường Hậu Giang ở quận 6, tháng 8/2024, đã khai trương phố thương mại – ẩm thực Sky Garden5 ở quận 7.
Qua thực trạng hoạt động kinh tế đêm ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, có tính đại diện, đã cho thấy bức tranh sinh động về loại hình kinh tế này ở Việt Nam. Nếu đặt trong tổng thể đất nước cho thấy kinh tế đêm ở Việt nam còn phát triển tường đối chậm, lẻ tẻ và mờ nhạt, chưa có dấu ấn thương hiệu đặc sắc nổi bật thu hút khách du lịch vào ban đêm như một số quốc gia khác. Ví dụ như ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, doanh thu của các nhà hàng mở cửa đến 2 – 3 giờ sáng tăng hơn 50%, nhưng đến năm 2018 chỉ tăng khoảng 30%. Vì vậy, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam thấy có ít điểm đêm vui chơi, thư giãn nên cũng hạn chế khi họ lựa chọn điểm đến du lịch Việt Nam6.
Những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam là: (1) các sản phẩm dịch vụ thu được nhiều tiền nhất là từ 18 giờ tối đến 6 giờ sáng, mang lại doanh thu khoảng 70% chưa được phát triển. Một số dịch vụ giải trí (karaoke, vũ trường, trò chơi điện tử…) bị giới hạn về thời gian ảnh hưởng đến nhu cầu của du khách; (2) Việc quản lý hoạt động kinh tế đêm không có tổ chức chuyên trách quản lý hoạt động kinh tế đêm; (3) Chính sách hỗ trợ tài chính cho các hoạt động kinh tế đêm còn chưa được quan tâm triển khai. Chưa có cơ chế thu thuế, lệ phí đặc thù cho hoạt động kinh tế đêm; (4) Đề án hay kế hoạch phát triển kinh tế đêm của một số địa phương không rõ chủ thể có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung chính sách là ai, không rõ các vướng mắc của các quy định cần phải sửa đổi hoàn thiện, vẫn còn nhiều quy định thiếu hợp lý về hoạt động kinh tế đêm; (5) Hoạt động kinh tế đêm còn rời rạc, manh mún. Nhận thức của các chủ thể liên quan còn mâu thuẫn chưa thống nhất, do vẫn còn quá nặng về các vấn đề tiêu cực của kinh tế đêm nên vẫn còn những qui định cứng nhắc cấm đoán; (6) Mặt trái của kinh tế đêm mà các địa phương ở Việt Nam chưa đủ năng lực để đối mặt giải quyết như vì môi trường ban đêm khiến gia tăng tội phạm và các tệ nạn xã hội mà Việt Nam chưa thừa nhận sự tồn tại của nó như ở các nước khác như: mại dâm, cờ bạc… (7) Các thành phố lớn đa phần chưa quan tâm sử dụng camera giám sát hoạt động kinh tế đêm liên quan đế hoạt động của hệ thống xe bus, nhà vệ sinh công cộng…
4. Giải pháp phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam
Một là, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược giữa các lĩnh vực nhằm bảo đảm sự phát triển đồng bộ, cần có một kế hoạch quy hoạch kinh tế đêm cụ thể, trong đó xác định rõ ràng các khu vực tiềm năng để phát triển, loại hình dịch vụ phù hợp với từng khu vực, các tiêu chuẩn an ninh, an toàn cho du khách như phố đi bộ, chợ đêm, hay khu vui chơi, bảo đảm tập trung các dịch vụ và an toàn cho du khách. Hạ tầng kỹ thuật cũng đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là hệ thống chiếu sáng, vệ sinh và các dịch vụ hỗ trợ, như: bãi đỗ xe và các điểm thu gom rác thải để bảo vệ môi trường. Chính quyền địa phương cần có sự hỗ trợ rõ ràng về chính sách và thủ tục pháp lý, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào kinh tế đêm mà không gặp phải trở ngại về hành chính.
Hai là, thu hút những người tạo ra giá trị tư duy đổi mới sáng tạo. Để nâng cao sức hấp dẫn về các sản phẩm dịch vụ của nền kinh tế đêm, phát huy vai trò của chính quyền địa phương, hoàn thiện cơ chế, thể chế phù hợp. Tăng cường các dịch vụ giải trí và văn hóa như phát triển các chương trình biểu diễn nghệ thuật, lễ hội ánh sáng, các sự kiện văn hóa độc đáo để thu hút du khách đến tham gia và trải nghiệm ban đêm. Xây dựng các chiến dịch quảng bá quy mô, thu hút du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm kinh tế đêm Việt Nam, nhấn mạnh vào các giá trị văn hóa độc đáo và điểm đến hấp dẫn.
Ba là, xây dựng dịch vụ tại chỗ hấp dẫn, nhằm nuôi dưỡng niềm tự hào và sự thể hiện văn hóa đa dạng, bản sắc của nền kinh tế đêm. Chính quyền cần chủ động triển khai các biện pháp quản lý hiệu quả để bảo đảm an ninh trật tự, giảm thiểu các vấn đề, như: tiếng ồn, tệ nạn xã hội, vệ sinh môi trường, giúp kinh tế đêm phát triển mà vẫn bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân. Kích hoạt các không gian công cộng để thúc đẩy sự tương tác và sáng tạo của cộng đồng có lắp đặt hệ thống Camera giám sát.
Bốn là, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào quy hoạch kinh tế đêm, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan, bao gồm: chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các tổ chức văn hóa. Mối quan hệ này sẽ là nền tảng để gắn kết các nguồn lực và tạo nên một môi trường kinh tế đêm phát triển đồng bộ, bền vững; đồng thời, đem lại những trải nghiệm phong phú cho người dân và du khách. Để bảo đảm tính hiệu quả, cần một kế hoạch quy hoạch tổng thể với tầm nhìn dài hạn, trong đó phân chia rõ ràng các khu vực phát triển kinh tế đêm phù hợp với đặc điểm của từng vùng, như: khu vực thương mại, văn hóa, giải trí. Nâng cao phúc lợi của người dân để có cuộc sống trải nghiệm kinh tế đêm hài lòng hơn.
Năm là, ngành Du lịch và nganh Giao thông cần phối hợp để triển khai các phương tiện di chuyển linh hoạt và an toàn vào ban đêm, như: tuyến xe buýt đêm, dịch vụ taxi cố định giá, hoặc các điểm thuê xe tự lái. Các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ ăn uống và giải trí cũng có thể hợp tác với nhau để phát triển các khu phố ẩm thực, phố đi bộ đêm với không gian ấm cúng, an toàn. Các nhà đầu tư có thể hỗ trợ nhau bằng cách chia sẻ hạ tầng, từ hệ thống đèn chiếu sáng đến các điểm đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, nhằm bảo đảm du khách có trải nghiệm tốt nhất mà không gây ảnh hưởng xấu đến khu vực xung quanh.
Sáu là,cân bằng lợi ích của người cung cấp dịch vụ kinh tế đêm và du khách để có cuộc sống đô thị hài hòa. Việc hiểu biết sâu sắc về hành vi để cung cấp thông tin cho hoạt động tiếp thị và quy hoạch thành phố chiến lược nhằm phát triển hiệu quả các loại hình kinh tế đêm. Theo đó, việc xây dựng các chiến dịch quảng bá, đặc biệt trên nền tảng số và mạng xã hội, sẽ thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.
Bảy là, cần bảo đảm an toàn về an ninh và trật tự bằng cách thiết lập hệ thống camera giám sát, tăng cường lực lượng an ninh tuần tra vào ban đêm và duy trì môi trường sạch sẽ, thân thiện. Điều này giúp tạo ra không gian an toàn, thu hút khách hàng, nâng cao nhận thức đầy đủ về phạm vi và vai trò quan trọng của kinh tế đêm bắt đầu từ việc xóa bỏ định kiến về những tiêu cực của kinh tế đêm, định kiến về hoạt động của các vũ trường, nhà hàng, các quán karaoke cũng như các điểm vui chơi giải trí về đêm.
5. Kết luận
Mặc dù kinh tế ban đêm có tiềm năng lớn để phát triển ở Việt Nam trong bối cảnh thuận lợi về sự ổn định của hệ thống chính trị, sự an toàn và an ninh được bảo đảm. Tuy nhiên còn nhiều rào cản cho loại hình kinh tế này phát triển. Việt Nam cần xây dựng các thương hiệu đặc trưng, gắn liền với bản sắc văn hóa địa phương, tạo nét độc đáo hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước được trải nghiệm xuyên suốt các dịch vụ đa dạng từ ẩm thực, nghệ thuật đến mua sắm. Vì vậy, rất cần có các chính sách phù hợp cũng như cách thức quản lý tốt tạo điều kiện cho kinh tế đêm phát triển ở Việt Nam, nhất là cần có những chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua các khó khăn và phát triển bền vững trong lĩnh vực này.
Chú thích:
1. Global Finance (2019). World’s Safest Countries 2019. https://www.gfmag.com/global-data/non-economic-data/worlds-safest-countries-2019.
2, 6. “Thắp sáng” kinh tế ban đêm. https://nhandan.com.vn/nhan-dinh/-thap-sang-kinh-te-ban-dem-630605.
3. “Hà Nội: Ra mắt 15 sản phẩm du lịch đêm. https://dangcongsan.vn.
4. Năm nghệ sĩ quốc tế đổ bộ Việt Nam. https://vnexpress.net/2023-nam-nghe-si-quoc-te-do-bo-viet-nam-4694575.html.
5. TP. Hồ Chí Minh sắp có phố thương mại ẩm thực ở quận 7. https://vnexpress.net/tp-hcm-sap-co-pho-thuong-mai-am-thuc-o-quan-7-4775683.html.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật. 2021.
2. Tổng cục Du lịch. Thị trường du lịch ban đêm và gợi ý phát triển kinh tế đêm tại Việt Nam.
3. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
4. Phát triển du lịch đêm tại các di tích lịch sử văn hóa ở thành phố Cần Thơ: tiềm năng chưa được phát huy. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/08/17/phat-trien-du-lich-dem-tai-cac-di-tich-lich-su-van-hoa-o-thanh-pho-can-tho-tiem-nang-chua-duoc-phat-huy.
5. Kinh tế đêm: Lý luận và kinh nghiệm quốc tế đối với Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/06/15/kinh-te-dem-ly-luan-va-kinh-nghiem-quoc-te-doi-voi-viet-nam.