ThS. Lê Hoàng Oanh
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, điện gió đang nổi lên như một trong những nguồn năng lượng tái tạo chính được nhiều quốc gia quan tâm và đầu tư mạnh mẽ, trong đó có Việt Nam. Bài viết trình bày tóm lược chính sách phát triển điện gió; đồng thời, chỉ ra những bất cập để từ đó đưa ra một số khuyến nghị hoàn thiện chính sách phát triển điện gió ở Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: Hoàn thiện; điện gió; chính sách; phát triển điện gió; năng lượng tái tạo; Việt Nam.
1. Quy định pháp lý về phát triển điện gió tại Việt Nam
Trong số các nguồn năng lượng tái tạo, điện gió đã nhanh chóng trở thành một lĩnh vực quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam. Điện gió không chỉ mang lại lợi ích về môi trường, giảm lượng khí thải carbon mà còn có tiềm năng kinh tế lớn.
Với định hướng phát triển nền kinh tế xanh bền vững, phù hợp với những cam kết quốc tế, thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng gió, cụ thể:
Ngày 25/11/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2068/QĐ – TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về định hướng phát triển nguồn điện gió, đưa tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn điện gió trong tổng sản lượng điện sản xuất lên khoảng 5% vào năm 2050. Nội dung Quyết định đưa ra chính sách giá điện và bảo đảm đầu tư cùng các ưu đãi về tín dụng đầu tư, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, hạ tầng đất đai… nhằm thúc đẩy phát triển thị trường năng lượng tái tạo.
Ngày 29/6/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg được sửa đổi, bổ sung Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Tại đây quy định toàn bộ điện năng được sản xuất từ các nhà máy điện gió nối lưới sẽ được mua lại bởi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc đơn vị trực thuộc được ủy quyền. Các dự án điện gió được hưởng biểu giá điện hỗ trợ (giá FIT)1. Giá điện nối lưới được tăng từ 1.614 đồng/kWh lên 1.928 đồng/kWh đối với điện gió trong đất liền và 2.223 đồng/kWh đối với điện gió trên biển. Ngoài ra, các dự án điện gió cũng được hưởng những ưu đãi về vốn đầu tư, thuế, phí, hạ tầng đất đai… như các dự án năng lượng tái tạo khác theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg.
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đưa ra các đột phá về phát triển kinh tế biển, trong nội dung phát triển các ngành kinh tế biển có nhấn mạnh về “Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới”.
Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với nội dung: “… Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam”.
Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 500/QĐ- TTg phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (hay còn gọi là Quy hoạch điện VIII). Trong đó đề ra các phương án phát triển: Đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…), tiếp tục gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất; đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời phù hợp với khả năng hấp thụ của hệ thống, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện, giá thành điện năng và chi phí truyền tải hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành và tính kinh tế chung của hệ thống điện, tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng lưới điện hiện có. Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu; định hướng phát triển điện mặt trời phải kết hợp với pin lưu trữ khi giá thành phù hợp. Đến năm 2030, công suất điện gió trên bờ đạt 21.880 MW (tổng tiềm năng kỹ thuật của Việt Nam khoảng 221.000 MW). Phát huy tối đa tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi (khoảng 600.000 MW) để sản xuất điện và năng lượng mới. Đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW; quy mô có thể tăng thêm trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý. Định hướng đến năm 2050 đạt 70.000 – 91.500 MW.
2. Kết quả thực hiện chính sách phát triển điện gió tại Việt Nam thời gian qua
Quy hoạch phát triển điện VIII nêu rằng, các nguồn điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi dự tính sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nguồn phát điện vào năm 2045, trong đó đặt mục tiêu 7 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và 87 GW vào năm 20502. Mục tiêu sản xuất năng lượng mặt trời và gió được nâng lên 50% nguồn cung cấp điện của Việt Nam vào năm 2045. Do điện gió và mặt trời không liên tục nên cần 18 GW điện gió vào năm 2030 và ước tính 42,7 GW điện gió lắp đặt trên bờ và 54 GW ở ngoài khơi vào năm 2045.
Đến cuối năm 2023, tính theo COD3, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt khoảng 80.555MW, tăng ~2.800 MW so với năm 2022, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 21.664 MW và chiếm tỷ trọng 27%, nhiệt điện than là 26.757MW, chiếm tỷ trọng 33,2%; thủy điện (bao gồm thủy điện nhỏ) là 22.872 MW, chiếm tỷ trọng 28,4%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện4.
Bảng 1: Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2023
Đơn vị: triệu kWh
TT | Loại nguồn | Thực hiện năm 2023 | Tỷ trọng(%) |
1 | Thủy điện | 80.904 | 28,83 |
2 | Nhiệt điện than | 129.577 | 46,17 |
3 | Tuabin khí | 26.315 | 9,38 |
4 | Nhiệt điện dầu | 1.267 | 0,45 |
5 | Nhập khẩu | 4.191 | 1,49 |
6 | Năng lượng tái tạo | 37.922 | 13,51 |
Tr.đó: Điện gió | 11.367 | 4,05 | |
Điện mặt trời | 25.702 | 9,16 | |
Sinh khối | 853 | 0,30 | |
7 | Nguồn khác | 453 | 0,16 |
TỔNG | 280.629 | 100 |
Bên cạnh kết quả đạt được, phát triển điện gió ở Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, bất cập, đó là:
(1) Mặc dù chi phí sản xuất điện gió đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua, nhưng chi phí đầu tư ban đầu cho các dự án điện gió vẫn còn khá cao. Việc xây dựng các tua-bin gió lớn và cơ sở hạ tầng liên quan đòi hỏi một khoản vốn đầu tư đáng kể. Điều này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ trong việc tiếp cận và triển khai các dự án điện gió.
(2) Giá thu mua điện gió còn thấp. Dù hiện nay điện gió đã được ưu tiên mua giá cao hơn, tuy nhiên các nhà đầu tư dường như vẫn rụt rè do những rủi ro xung quanh vấn đề chính sách vẫn còn không ít, đặc biệt là vấn đề minh bạch trong lộ trình chuyển giao năng lượng.
(3) Cuối cùng, khả năng và kinh nghiệm quản lý hệ thống điện gió vẫn còn là thách thức khi hệ thống giáo dục ngành này còn khá hạn chế, các chương trình nâng cao quản lý ngành điện gió vẫn chưa được phổ biến nhiều nơi. Việt Nam hiện có các chuyên gia về khí tượng, năng lượng nhưng nguồn nhân lực có trình độ chuyên sâu về điện gió lại rất hạn chế, nhất là kinh nghiệm thực tiễn vận hành một nhà máy điện gió tại Việt Nam.
3. Một số khuyến nghị hoàn thiện chính sách phát triển điện gió tại Việt nam
Thứ nhất, Nhà nước cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phát triển điện gió (như: luật cùng các văn bản, nghị định, thông tư, quy định kỹ thuật, quy chuẩn quốc gia về điện gió nhất là điện gió ngoài khơi).
Thứ hai, Nhà nước cần xem xét và cân đối giá điện đối với người dân sử dụng. Giá điện gió quá cao có thể khiến người dân khó có khả năng sử dụng trong bối cảnh nhu cầu nguồn năng lượng ngày càng tăng nhưng việc sản xuất gặp nhiều khó khăn do tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần bảo đảm quyền lợi của người sản xuất thông qua một lộ trình đưa điện gió tự sản xuất vào lưới điện quốc gia với mức giá bảo đảm lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Thứ ba, Nhà nước cần ban hành chính sách cụ thể để tạo cơ chế thuận lợi cho mô hình hợp tác công – tư trong phát triển điện gió. Mô hình hợp tác công – tư (PPP) đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng trong phát triển hạ tầng và xây dựng ngành công nghiệp lẫn dịch vụ, trong đó có ngành năng lượng xanh. Việc áp dụng mô hình hợp tác công – tư có thể phân tán gánh nặng về nguồn vốn, chia sẻ và giảm thiểu rủi ro đầu tư, tận dụng nguồn lực quản lí, tăng cường tính minh bạch trong chính sách… Từ đó mang về hiệu quả cao nhất.
Cụ thể là Nhà nước phải “thể chế hóa” hợp tác công tư thông qua hoàn thiện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư với đầy đủ các nội dung về lĩnh vực hợp tác cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia đầu tư PPP. Theo đó, Nhà nước cần có một cơ sở pháp lý chắc chắn để ràng buộc nghĩa vụ của tư nhân, cũng như đảm bảo được những lợi ích cần thiết mà tư nhân có thể chấp nhận được và đồng ý tham gia vào hợp đồng hợp tác PPP. Khi đó, nếu có tranh chấp xảy ra, nhà đầu tư tư nhân sẽ có thể tìm tới trọng tài, tòa án để giải quyết. Điều này giúp các nhà đầu tư an tâm, không sợ thiệt thòi khi tham gia đầu tư vào điện tái tạo.
Thứ tư, Nhà nước cần có những chính sách thúc đẩy hợp tác quốc tế với các quốc gia phát triển để được hỗ trợ về mặt tài chính và khoa học – công nghệ; cần tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các doanh nghiệp trong ngành và liên ngành để hỗ trợ nhau cùng phát triển.
4. Kết luận
Với nhu cầu tiêu thụ điện năng ngày càng tăng cao, điện gió là “chìa khóa” để giải quyết bài toán an ninh năng lượng của Việt Nam, đồng thời góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển xanh của đất nước. Để đạt được điều đó, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển điện gió như chính sách về giá điện, mô hình hợp tác công – tư, hợp tác quốc tế… nhằm tạo cơ chế thuận lợi cho phát triển điện gió.
Chú thích:
1. Giá FiT (Feed-in Tariffs), hay biểu giá điện hỗ trợ là công cụ chính sách được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo. Trong đó, Tariff là giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn năng lượng thứ cấp được cung cấp vào feed-in, hoặc bán cho lưới điện.
2. Gigawatt: Đơn vị công suất điện (1GW = 1.000MW)
3. COD (Commercial Operation Date) là ngày vận hành thương mại được xác định dựa theo quy trình thử nghiệm và công nhận ngày vận hành thương mại cho nhà máy điện gió và điện mặt trời theo Quyết định số 746/QĐ-EVN ngày 14 tháng 6 năm 2021 của Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
4. Một số số liệu tổng quan về nguồn điện toàn quốc năm 2023. https://www.evn.com.vn/d6/news/Mot-so-so-lieu-tong-quan-ve-nguon-dien-toan-quoc-nam-2023-66-142-124707.aspx.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Chính trị (2020). Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (2018). Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3. Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) (2021). Quyết định số 746/QĐ-EVN ngày 14/6/2021 về việc ban hành quy trình thử nghiệm và công nhận ngày vận hành thương mại cho nhà máy điện gió và nhà máy điện mặt trời.
4. Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) (2022). Báo cáo tổng kết thực hiện Kế hoạch năm 2021, mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch năm 2022 của EVN.
5. Thủ tướng Chính phủ (2015). Quyết định số 2068/QĐ- TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
6. Thủ tướng Chính phủ (2018). Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.
7. Thủ tướng Chính phủ (2023). Quyết định số 500/QĐ- TTg ngày 15/5/2023 Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
8 Hoàng Thị Xuân (2021). Điện gió tại Việt Nam: Nhận diện thách thức và đề xuất giải pháp phát triển, Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, số 16, (tháng 7/2021).
9. Điện tái tạo – Bài học từ các quốc gia đi trước. Truy cập https://www.evn.com.vn/d6/news/Dien-tai-tao-Bai-hoc-tu-cac-quoc-gia-di-truoc-6-17-8083.aspx